PDA

View Full Version : HỘI NGỘ LINH THIÊNG



Damsan
08-03-2010, 11:30 AM
HỘI NGỘ LINH THIÊNG


Lời đầu tiên con muốn bày tỏ là tâm tình rất biết ơn của riêng con đối với Đức Tổng Giám Mục Stêphanô cùng Ban Tổ Chức đã có sáng kiến tổ chức cuộc Hội Ngộ đầy cảm xúc và ý nghĩa này. Đối với con cuộc Hội Ngộ lần thứ nhất này (con tạm đặt như thế, vì con rất ước mong có những cuộc Hội Ngộ lần 2, Hội Ngộ lần 3…nữa) đã để lại trong tâm hồn con rất nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều suy tư, và nhất là, rất nhiều dấu ấn thiêng liêng khó quên.

Trước hết, cuộc Hội Ngộ này là một cơ hội không thể tốt hơn để hâm nóng thiên chức Linh Mục cao quí mà Chúa và Giáo Hội đã thương dành cho con, một đứa con hèn yếu, tội lỗi và bất xứng, mà nhiều khi con không ý thức để rồi đã sống một cách bất xứng với hồng ân. Con thú nhận rằng rất nhiều lần trong cuộc Hội Ngộ này đôi khoé mắt con cảm thấy cay nồng bởi trào dâng tâm tình cảm xúc khi con được đồng hành, được sánh bước, được tham dự những thánh lễ đồng tế, những giờ chầu, những giờ kinh, những giờ nguyện ngắm, sám hối và lần hạt chung đầy sốt sắng linh thiêng, những cuộc trò chuyện, giao lưu, trao đổi cũng như những bữa ăn đầy tình huynh đệ, dạt dào thương mến. Ôi, hạnh phúc! Rồi con tự hỏi: mình là gì mà lại được “đồng bàn” với các Đấng Bậc trong Giáo Hội như thế này? Con chỉ biết âm thầm cúi đầu cung kính cám tạ tình thương vô bờ và vô điều kiện của Thiên Chúa đã thương gọi con là Linh Mục của Chúa và Giáo Hội, đồng thời quyết hứa với lòng mình là phải cố gắng sống xứng đáng hơn.

Thứ đến, đối với con, cuộc Hội Ngộ đã củng cố cho đức tin vốn rất yếu kém của con vào Thiên Chúa và Giáo Hội của Người. Sáu Giáo Phận, gần chục Giám Mục và khoảng 450 Linh Mục, toàn là những bậc "vị vọng" uy nghi và khác biệt biết bao của phận con người, ấy vậy nhưng, giờ đây trước đông đảo các đấng bậc, ai nấy như trở nên những giáo dân nhỏ bé, khiêm cung, không ai dám coi mình là “thủ lãnh” lúc này, tất cả tan hoà nên một: một tâm tình khiêm hạ, một tấm lòng khả ái, một đức tin, một tình yêu, một trăn trở suy tư; và cả những hình thức bên ngoài cũng chỉ có một: một màu áo thường phục và lễ phục, một bản văn kinh nguyện, một cử điệu giống nhau trong cử hành các nghi thức phụng vụ. Đó là đặc tính duy nhất và tông truyền của Giáo Hội.

Nhưng điều củng cố và nâng đỡ cho đức tin của con hơn cả, chính là đức tin và lòng khiêm tốn của các Giám Mục, Linh Mục: Đức tin cộng đồng nâng đỡ đức tin cá nhân. Khi Đức Giám Mục chủ sự nghi thức sám hối buổi tối hôm đó, mời gọi các anh em linh mục hãy dành 20 phút để xưng tội hoà giải cùng nhau, con đang băn khoăn không biết xưng tội bằng hình thức nào, vì các linh mục ngồi sát bên nhau, không có toà giải tội, thì đã thấy ngài trong phẩm phục giám mục bước xuống từ thư đài chủ toạ, một cách đầy khiêm cung, quì gối xuống nền đá, dưới chân Đức Tổng để xưng thú tội lỗi, trước hàng ngàn con mắt của các linh mục và đông đảo khách hành hương cùng tham dự. Tiếp đến, cũng cử chỉ đó, nhưng là của Đức Giám Mục nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tuổi già, gầy yếu, run rẩy, nghiêng mình khiêm cung quì gối dưới chân vị Giám Mục trẻ từng là “phó” của mình, được chính mình tấn phong, để bày tỏ đức tin và lòng sám hối ăn năn với ý thức thân phận tro bụi của bản thân. Ôi khiêm nhường! Ôi dịu dàng! Nhìn sang bên phải thấy một vị Linh Mục đang ghé tai Đức Viện Phụ để “tâm sự” tội lỗi yếu đuối của mình, nhìn quanh cũng thấy nhiều cảnh tương tự…Đang quan sát và suy tư, thì bỗng một vị Linh Mục cao niên quì gối xuống bên người con và ghé tai con “trao trút” những u uẩn nội tâm của mình, con giải tội cho ngài với một sự cảm thông sâu sắc và xúc động mạnh. Ban đầu con không có ý định xưng tội trong lúc này, nhưng rồi một sự thúc đẩy mãnh liệt con liền vội quì gối xin một Linh Mục khác giải tội cho mình trong nước mắt sám hối vì sự kiêu căng của bản thân.

Một khách hành hương chứng kiến cảnh tượng đó đã chia sẻ với con rằng, bà chưa bao giờ được nhìn thấy Linh Mục chưa nói là Giám Mục xưng tội, bà nghĩ rằng các đấng có lẽ trong trắng như thiên thần và các thánh. Cho nên bà không cầm được nước mắt khi chứng kiến tận mắt những “thần tượng” của mình cũng yếu đuối như họ. Ôi, linh thiêng!

Con chợt suy tư, trên đời này có biết bao cuộc hội ngộ hay hội họp, nhưng chắc chắn nơi đó, người ta luôn tìm cách để “tốt khoe xấu che”, không ai muốn và dám bộc lộ khuyết điểm của bản thân để tự hạ giá mình như thế. Chết ngay! Hành động sám hối và xin tha thứ dù trong hoàn cảnh to nhỏ nào cũng luôn đánh động lòng con người. Con chợt nhớ đến hành động sám hối xin phép rửa của Chúa Giêsu ở sông Gio-đan, dù Người vô tội. Con cũng nhớ đến hành vi sám hối của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, thay mặt Giáo Hội xin lỗi toàn thế giới trong dịp Năm Thánh 2000. Và tất nhiên, chúng ta có lẽ không ai quên được buổi tối đêm canh thức khai mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam ở Sở Kiện, 24/11/2009. Giáo phận Thanh Hoá thay mặt cho Giáo Hội Việt Nam công khai nói lời xin lỗi, xin lỗi nhau và xin lỗi mọi thành phần trong xã hội: giám mục xin lỗi linh mục, linh mục xin lỗi giám mục, linh mục xin lỗi giáo dân, giáo dân xin lỗi linh mục, vợ chồng xin lỗi nhau, con cái xin lỗi cha mẹ, cha mẹ xin lỗi con cái; Giáo Hội xin lỗi các tôn giáo và chính đảng, xin lỗi người nghèo, xin lỗi bà con lương dân…vì những sai lỗi gây phản chứng Tin Mừng yêu thương của Đức Giêsu. Những lời sám hối đến nao lòng! Ôi, linh thiêng!

Có lẽ có người đã thoả chí khi thấy Giáo Hội Công Giáo vẫn hay sám hối và xin tha thứ, vì nghĩ rằng chứng tỏ Giáo Hội vẫn sai lầm và không thánh thiện. Hiển nhiên. Nhưng chắc hẳn, khi Đức Thánh Cha hay các vị Giám Mục, Linh Mục, hay giáo dân siêng năng sám hối và thú nhận mình đã sai lỗi, thì đó không phải là một điều gì đáng xấu hổ, nhưng kỳ thực, đó là một hành động cao thượng, can đảm và chứng tỏ luôn khao khát nên thánh thiện, luôn muốn hoán cải canh tân bản thân và Giáo Hội. Phải chăng đó cũng là đặc tính thánh thiện của Giáo Hội? Chỉ đáng sợ khi con người ta ngập chìm trong tội lỗi và sai lầm nhưng vẫn không biết hoặc cố tình không muốn biết mình sai lầm.

Một hình ảnh đánh động khác trong đêm Hội Ngộ linh thiêng nữa, đó là hình ảnh tất cả các Giám Mục, sau khi đã đồng ban phép lành ơn toàn xá cho các Linh Mục, các ngài cùng quì gối một cách khiêm hạ để xin các anh em Linh Mục của mình ban phép lành cho chính các ngài. Có lẽ chỉ có những vị lãnh đạo trong Giáo Hội Công Giáo nhờ đức tin mới có được sự khiêm nhường thẳm sâu và rất tự nhiên như thế! Ôi, linh thiêng!

Ước mong sao cuộc Hội Ngộ không chỉ dừng lại ở đây, nhưng được kéo dài trong suốt hành trình cuộc đời Linh Mục của chúng ta. Ước mong sao các Linh Mục luôn sống tâm tình khiêm nhường và sám hối như trong đêm Hội Ngộ sám hối này, biết mình yếu đuối để cảm thông với yếu đuối của anh chị em mình, nhất là những “con chiên lạc”. Ước mong sao các Linh Mục luôn yêu thương, chan hoà với Giám Mục của mình, với anh em linh mục cũng như với giáo dân của mình. Ước mong sao các ngài luôn sống thân tình với Chúa trong kinh lễ và nguyện cầu sốt sắng như trong những ngày Hội Ngộ này. Và quan trọng nhất, ước mong các ngài luôn sống hạnh phúc, an vui, đầy tình huynh đệ như trong những ngày Hội Ngộ bên mẹ La Vang, bởi như có lần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: Giáo Hội không cần nhiều linh mục đau khổ, nhưng cần nhiều linh mục hạnh phúc. Amen.

Đan sĩ linh mục Thiên An Huế
LM F.X. Trần An
vietcatholic