PDA

View Full Version : Linh mục giảng phòng Phủ Giáo hoàng: Tại sao Đạo Chúa không giống đạo nào khác?



Ti_Amo
11-03-2010, 10:44 AM
Linh mục giảng phòng Phủ Giáo hoàng: Tại sao Đạo Chúa không giống đạo nào khác?
VietCatholic News (08 Mar 2010 08:24)
Những lý do làm cho ân sủng khó được chấp nhận

VATICAN CITY (Zenit.org).- Các tôn giáo hoặc các nền triết học phát xuất từ con người, thường bảo cho chúng ta biết chúng ta phải làm gì để được cứu độ, được giải thoát. Kitô giáo thì khác, vì đạo này bảo cho con người những đìều gì Thiên Chúa đã thực hiện để cứu độ con người.

Cảm nghĩ đó được phát biểu do linh mục dòng Capuchin, cha Raniero Cantalamessa, người giảng phòng Phủ Giáo hoàng, trong bài giảng đầu tiên của Mùa Chay năm nay, trước sự hiện diện của Đức giáo hoàng Benedict XVI và nhân viên Giáo triều Roma.

Cha đặt trọng tâm các bài giảng vào chức linh mục. Trong Mùa Vọng, ngài suy niệm về linh mục là người tôi tớ của Chúa, trong quyền năng và sự xức dầu của Chúa Thánh Thần. Trong Mùa Chay, ngài nhìn vào người linh mục như là kẻ quản gia những điều huyền nhiệm của Thiên Chúa.

Trong bài giàng này ngài minh họa những gì đặt Đạo Chúa vào vị trí khác các tôn giáo khác:

“Kitô giáo không bắt đầu bằng chuyện nói cho con người biết phải làm những gì, nhưng về những gì Thiên Chúa đã làm cho con người. Chúa Giêsu đã không bắt đầu giảng dậy thế này: Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng hầu để Nước Trời sẽ đến với các ngươi, nhưng Người đã bắt đầu nói: Nước Trời đang ở giữa các ngươi: vậy hãy hối cải và tin vào Tin Mừng. Chẳng phải hoán cải trước và rồi được cúu độ, mà là cứu độ trước rồi mới đến hoán cải.”

Cha gợi ý rằng ý thức về tính độc nhất của Kitô giáo như thế là điều căn bản trong các cuộc đối thoại liên tôn giáo:

“Chúng ta, những người Kitô hữu, không đi vào cuộc đối thoại với các tôn giáo khác trong lúc khẳng định sự khác biệt hoặc tính ưu việt của đạo chúng ta. Làm như thế là một điều quá tiêu cực trong cuộc đối thoại. Trái lại, chúng ta nên nhấn mạnh đến những gì kết hợp được các bên lại với nhau, những mục tiêu chung, công nhận nơi những người khác cũng có cùng một quyền lợi giống nhau – ít ra là chủ quan – khi coi niềm tin của họ là hoàn hảo nhất, xác quyết nhất. Dù sao, cũng không thể quên rằng những ai sống, với sự kiên định và với thiện ý, một tôn giáo hành động và có luật lệ, vẫn tốt đẹp hơn và đẹp lòng Thiên Chúa hơn là những kẻ tuy thuộc vào một tôn giáo có ân sủng nhưng hoàn toàn bỏ qua không tin vào đức tin hoặc không thực hành những công việc của đức tin.”

Nhưng một trái tim rộng mở trong đối thoại không nên khuyến khích người Kitô hữu hủy hoại đi “niềm tin vào sự mới mẻ và tính độc nhất của Chúa Kitô.”

“Không phải là vấn đề khẳng định tính ưu việt của một tôn giáo này trên các tôn giáo khác, mà là công nhận những đặc điểm của mỗi tôn giáo, biết rõ chúng ta là ai và những điều chúng ta tin.”

Và muốn hiểu tại sao ân sủng là một ý niệm khó khăn đối với người thời đại tân tiến này cũng chẳng phải là điều khó.

Cha giải thích: “Được cứu độ “nhờ ân sủng” có nghĩa là công nhận sự lệ thuộc của một người, và đây là điều quan trọng nhất. Đáng chú ý là khẳng định của Marx như sau: “Một hữu thể không được coi là độc lập trừ phi và chỉ khi nào y là chủ tể của chính bản thân y, và y không là chủ tể của chính bản thân y trừ phi và chỉ khi nào y tự mình có được sự hiện hữu. Một con người sống bằng “ân sủng” của người khác thì bị coi là một hữu thể phụ thuộc […] Nhưng tôi sẽ hoàn toàn sống bằng ân sủng của một người khác, nếu như ông ta tạo dựng nên sự sống của tôi, nếu ông ta là nguồn cội của cuộc đời tôi và cuộc đời tôi không phải do tôi tự tạo dựng được.”

“Lý do tại sao một đấng Thiên Chúa sáng tạo bị chối bỏ cũng chính là lý do tại sao một đấng Thiên Chúa cứu độ bị chối bỏ.”

Thái độ kiêu hãnh căn bản này là trọng tâm tội lỗi của Satan.

Trưng dẫn lời Thánh Bênađô, cha giải thích: “[Satan] thích làm kẻ bất hạnh nhất trong các vật thụ tạo mà dựa trên công lao riêng mình, hơn là làm kẻ hạnh phúc nhất mà phải nhờ vào ân huệ của người khác. Y muốn “thà là bất hạnh những được độc lập, còn hơn hạnh phúc mà bị lệ thuộc.”

“Sự chối bỏ Kitô giáo, đang diễn tiến ở một số cấp bực nào đó nơi nền văn hóa Tây phương của chúng ta, khi nào không phải là chối bỏ Giáo hội và chối bỏ người Kitô hữu, thì đó chính là sự chối bỏ ân sủng.”
Phụng Nghi