PDA

View Full Version : Vài phút thinh lặng



cafeda2009
14-03-2010, 08:53 AM
Vài phút thinh lặng




http://www.ubgmgiadinh.org/uploads/pictures/News/giuda2.jpg






GIUĐA


Nếu kể những tên tuổi nhiều người biết, có lẽ Giuđa là tên ở thứ bậc cao. Ông sẽ mãi mãi được ghi nhớ là người tông đồ đã phản bội Chúa Giêsu. Tên ông được nhắc đến 22 lần trong Tân Ước (đứng thứ nhì, chỉ sau Phêrô).



Tên “Giuđa” thì phổ biến vào thời đó, nhưng ý nghĩa của Iscariot thì không được rõ lắm. Đó là một từ không rõ nghĩa, có thể là tên họ của gia đình, hoặc tên của tỉnh thành nguyên quán. Cũng có thể là một “biệt hiệu”, thậm chí có khi là khuynh hướng chính trị của ông.

Một vài chi tiết lý lịch của Giuđa được biết đến (có lẽ lý lịch của ông là chính xác nhất trong 12 tông đồ). Ngoài Chúa Giêsu, chủ đề về ông được nói đến nhiều trong cuộckhổ nạn hơn bất kỳ ai khác. (Tại sao ông phản bội? Ông có tham dự tối Tiệc Ly không? Những từ “thật lòng ăn năn về những gì đã làm” có mang ý nghĩa sám hối thật không?).


* * *

Chiều đến, Ðức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Ðang bữa ăn, Người nói: Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy". Các môn đệ buồn rầu quá sức, bắt đầu lần lượt hỏi Người: "Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?"(Mt 26,20-22)

Ngày xưa, người Do Thái thường đứng khi ăn tiệc Vượt Qua. Nhưng dần dần, họ thích nghi với văn hóa của người Hy Lạp, nửa nằm nửa ngồi trên giường, trên ghế khi ăn.

Bữa tiệc Vượt Qua không bao giờ ăn một người. Nó là bữa tiệc gia đình, tập trung nhiều người như bữa ăn Tạ Ơn. Một con cừu (chiên) được sát tế trong đền thờ và sau đó được dùng tại nhà. Bữa ăn phải có ít nhất 10 người. Thánh Matthêu đếm 13 người ở đó: Chúa Giêsu và nhóm Mười Hai.

Bạn có thể tưởng tượng phản ứng của nhóm nhỏ và gắn bó này khi nghe Chúa Giêsu bảo rằng một trong số họ sẽ phản bội Chúa. Matthêu ghi rằng họ “buồn rầu quá sức”. Thật vậy, tiếng Hy Lạp muốn diễn tả một cảm giác hơn cả buồn đau, hối tiếc. Trong tương quan bè bạn, các ông đã thật lòng khi từng người đặt câu hỏi với Chúa “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?”

Câu hỏi đó cũng chính là câu hỏi, tôi cần tự hỏi mỗi ngày ?

Với cuộc sống hiện tại, đâu là lúc tôi phản bội Chúa ?

Và cho dầu thế nào, bạn cũng hãy quay về với Ngài và thưa: “Lạy Chúa, giờ đây con phải làm gì ?”

Hãy dành vài phút thinh lặng với Chúa…

Jos. Nguyễn Hùng Cường
http://www.ubgmgiadinh.org (http://www.ubgmgiadinh.org/?open=contents&display=2&id=1727)

cafeda2009
17-03-2010, 10:08 AM
Vài phút thinh lặng



http://www.ubgmgiadinh.org/uploads/pictures/News/rabbi.jpg



RABBI

“Rabbi, chẳng lẽ con sao?”

Đoạn Kinh Thánh trên là một dẫn chứng cho thấy Thánh Matthêu rất quan tâm đến việc dùng chữ. Thánh sử lưu ý đến những từ dùng đồng nghĩa một cách khéo léo, và điều đó đã tạo nên gương mặt nghệ thuật của thánh nhân.



Các tông đồ lần lượt hỏi Chúa Giêsu “Lạy Chúa, chẳng lẽ con sao?”.



Nhưng Giuđa thì hỏi “Rabbi, chẳng lẽ con sao?”.

Ngay từ những trang đầu Tin Mừng Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đã bảo các tông đồ đừng gọi Ngài là Rabbi (có nghĩa là Master = Thầy). Và đến lúc này, các tông đồ khác đều đã xưng tụng Ngài là Chúa vì họ đặt trọn niềm tin vào Ngài. Còn Giuđa vẫn dùng từ “Rabbi”. Ở đây, Matthêu muốn cho chúng ta thấy: ông (Giuđa) đã bắt đầu tách xa ra khỏi Chúa Giêsu.

Mùa chay đã vào tuần thứ ba. Bạn hãy xem lại kế hoạch dự định đầu Mùa Chay và cố gắng thực hiện.


***

Chúa Giêsu đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã viết về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!”. Khi đó, Giuđa - kẻ nộp Người cũng hỏi: “Rabbi, có phải con không?”. Chúa Giêsu đáp: “Chính anh đã nói điều đó”. (Mt 26,23-25)

Việc ấn tượng là Giuđa đã giữ yên lặng khi các tông đồ khác lần lượt hỏi “Lạy Chúa, chẳng lẽ con sao?”. Chỉ sau khi Chúa Giêsu trả lời các ông, Giuđa mới hỏi Ngài : “Rabbi, có phải con không?”.

Câu trả lời của Chúa Giêsu không rõ ràng. Mặc dù bị Giuđa phản bội, nhưng Ngài không phản bội lại Giuđa. Điều này chỉ hai người biết với nhau mà thôi. Đức Giêsu biết rõ Giuđa nhưng Ngài vẫn yêu ông.

Có người nghĩ tôi tốt, có người nghĩ tôi tệ. Nhưng Chúa biết rõ tôi xấu hay tốt. Ngài luôn yêu tôi.

Khi làm điều đúng mà bị phỉ báng , tôi cần có can đảm. Thiên Chúa biết sự thật.

Nếu được hưởng lợi lộc không xứng đáng với công sức, tôi phải cân nhắc. Thiên Chúa biết sự thật.

Nói khác đi, chỉ cần Chúa biết - với Chúa tôi được an toàn. Ngài biết tôi rõ và yêu tôi hơn bất kỳ ai khác, tôi tin chắc như vậy.

Hãy dành vài phút thinh lặng với Chúa…

Jos. Nguyễn Hùng Cường

http://www.ubgmgiadinh.org

cafeda2009
24-03-2010, 10:55 AM
Vài phút thinh lặng
MÌNH VÀ MÁU THÁNH




http://www.ubgmgiadinh.org/uploads/pictures/News/minhvamauthanh.jpg


Trong Kinh Thánh nói về Bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu kêu gọi (không chỉ mời) những người đồng bàn cầm lấy bánh mà ăn, cầm chén rượu mà uống. Những lời này trở nên một phần của kinh nguyện Thánh Thể mà chúng ta cử hành mỗi ngày.



Vào khoảng đầu thế kỷ 12, trong các Giáo Hội Tây Phương, giáo dân rước Thánh Thể dưới hai hình thức. Hiện giờ Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiện vẫn giữ truyền thống này, nhưng trong Giáo Hội Tây Phương việc rước Máu Thánh bị bỏ dần đối với giáo dân. Và cho đến thế kỷ 16 chỉ còn linh mục mới rước Máu Thánh mà thôi.

Nhiều ý kiến khác nhau được góp ý cho sự thay đổi này. Có một điều là sợ tốn nhiều rượu. Quan trọng hơn, một vài thuyết dị giáo cho rằng Đức Kitô không hiện diện đầy đủ nếu chỉ có bánh hoặc rượu mà thôi.

Công đồng Vaticanô II (1962-1965) đã phục hồi truyền thống ban đầu là rước Thánh Thể dưới hai hình thức, và ngày nay Giáo Hội nhận ra ý nghĩa “Thánh Thể có một hình thức hoàn hảo hơn như một dấu chỉ khi được đón nhận bằng cả hai hình thức”.

Khi họ đang ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, cầu nguyện, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình ta”. Sau đó, Người cầm lấy rượu, tạ ơn, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy uống chén này, đây là máu của giao ước, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội. Ta bảo với anh em, từ giờ trở đi ta sẽ không còn uống với anh em cho tới ngày chúng ta lại uống rượu mới trong nước của Cha”. (Mt 26,26-29)

Chúa Giêsu đến để xóa bỏ tội lỗi chúng ta. Thánh Matthêu nhấn mạnh điều này trong những lời Chúa nói khi cầm chén rượu. Trong khi Thánh Maccô và Luca ghi lại Chúa nói về Máu Ngài “sẽ đổ ra cho nhiều người”, Thánh Matthêu thêm vào “được tha tội”.

Khởi đầu Tin Mừng Thánh Matthêu, sứ thần nói với Giuse: “Đặt tên là Giêsu vì Người sẽ cứu dân khỏi tội”. Hôm nay, đoạn cuối Phúc Âm, Chúa Giêsu cầm lấy chén và nói về ơn tha tội.

Tất cả chúng ta là người có tội. Có lúc chúng ta đã phạm tội và cần bí tích hòa giải. Hầu như mọi lúc, ngay cả khi chúng ta không đánh mất tương giao với Thiên Chúa, chúng ta cũng vấp ngã đây đó. Chúng ta là người tội lỗi.

Ơn tha thứ cũng là một trong những mục tiêu chính của Thánh Lễ. Đó cũng là một ý tưởng an ủi, cần được nhắc nhớ nhiều hơn.
Hãy dành vài phút thinh lặng với Chúa…

Jos. Nguyễn Hùng Cường
UBMV Gia Đình / HĐGM.VN