PDA

View Full Version : Tĩnh Tâm Mùa Chay



Gia Nhân
14-03-2010, 01:51 PM
Tĩnh Tâm Mùa Chay



Bố Thí

Trong một chương trình truyền hình với chủ đề "Ngày Thầy Thuốc", người ta nói đến thái độ mà thầy thuốc không được phép thể hiện là "thái độ ban ơn." Và "bệnh nhân không phải là kẻ mang ơn." Nếu điều đó đúng thì khi Tin Mừng nói đến "bố thí" hẳn sẽ làm cho không ít người khó chịu, vì từ "bố thí" cũng có thể mang những hàm ý tiêu cực?

Thực ra, điểm nhắm của Tin Mừng là gì khi nói đến "bố thí" và các việc đạo đức khác? Chúa Giê-su muốn những "công dân Nước Trời" không sống như những kẻ chỉ thích làm việc đạo đức cách phô trương. Theo thói đời, người ta thích đề cao mình với các thành tích, dù ở đâu hay vào thời nào cũng vậy. Khuynh hướng này có khi lộ rõ, có khi ngấm ngầm, khó thấy; bề ngoài thì làm cho người khác nhưng bên trong lại mong mình được tôn vinh. Thử hỏi mỗi người chúng ta đã từng bị chi phối bởi những tìm kiếm đó chưa. Có thể chúng ta không cho ai biết việc tốt mình làm, nhưng khi có ai biết và khen ngợi thì chúng ta lại thấy thích thú, hài lòng! Làm thế nào để được tự do trước những tác động ấy? Hãy để Chúa Giê-su giải phóng con tim mình để chúng ta có thể sống tình yêu trọn vẹn hơn.

Quả vậy, Chúa Giê-su đến biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và Ngài muốn chúng ta cũng yêu như đã được yêu. Điều làm chúng ta ngỡ ngàng là cách thức Thiên Chúa yêu: thật kín đáo chứ không phô trương. Chỉ cần nghĩ đến quà tặng sự sống mà chúng ta vui hưởng từng giây phút và những gì chúng ta đang được ban cho như không khí, ánh sáng, lương thực, v.v. đã đủ để thấy Thiên Chúa yêu cách kín đáo thế nào, vì có ai tìm được tấm bia ghi công của Đấng tác thành vạn vật! Cả công trình tạo dựng này là quà tặng từ một tình yêu hoàn toàn vô vị lợi. Hơn nữa, trong Giê-su, Thiên Chúa đến với con người bằng một tình yêu không còn giới hạn khi trao hiến chính thân mình để đem lại sự sống cho con người. Trên thập giá, Giê-su chịu mất mình vì yêu những con người đã đánh mất mình vì tội. Trong âm thầm lặng lẽ, tình yêu Ngài vẫn tiếp tục tuôn trào trên Hội Thánh và cả thế giới này. Cảm nhận được Chúa yêu thương thôi thúc chúng ta yêu thương tha nhân như Chúa mong muốn, cách riêng nơi điều mà Tin Mừng hôm nay gọi là "bố thí."

Bố thí chính là yêu mà không đòi yêu lại, là chia sẻ những gì mình có cho anh chị em đang cần đến. Bố thí không phải là thải ra những gì dư thừa hoặc không dùng được nữa, nhưng là nhìn đến những anh chị em xung quanh cũng có quyền hưởng những gì mình đang có. Cựu thủ tướng Ấn độ Gan-đi đã từng nói cách mạnh mẽ rằng những quần áo sang trọng chúng ta cất trong tủ nhà mình là của người nghèo. Bố thí trong tình yêu cũng không phải là "thí" cho kẻ thấp kém hơn mình theo kiểu quan cách; bởi lẽ mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa. Có người ăn xin nọ đã cảm thấy hạnh phúc khi anh nhận được một lời chân thành: "Xin lỗi anh vì tôi chẳng còn gì để cho anh cả." Lời này đáng giá gấp bội so với những đồng tiền người khác "thương hại" quăng xuống cho anh. Người ta cũng không được phép dùng việc bố thí như những vòng xích vàng để giam giữ người khác vàbiến họ thành nô lệ cho mình.

Lời Chúa gọi mời chúng ta ra khỏi những toan tính vụ lợi dưới bất cứ hình thức nào. Khi phục vụ anh chị em mình không phải để tìm cho mình được vinh quang, người môn đệ của Chúa Ki-tô làm sáng tỏ dung mạo của một Thiên Chúa đích thật mà họ tin: một Thiên Chúa hết lòng vì con người. Chúa Giê-su nhắn nhủ chúng ta không những "không được khua chiêng đánh trống" như kẻ đạo đức giả mà còn phải triệt để hơn nữa: "đừng cho tay trái biết việc tay phải làm." Vế thứ nhất đã khó, vế thứ hai càng khó hơn. Sống đức ái mà không tìm để mình được ngợi ca là điều ngược với bản chất háo danh nơi mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, đi sâu vào tâm hồn, chúng ta còn phải đối mặt với một điều kinh khủng hơn: sự tự mãn, hãnh diện với chính mình vì đã làm được điều này điều nọ cho tha nhân trong đó có cả sự tự hào đã không để người khác biết mình làm điều ấy. Chúa Giê-su muốn dẫn chúng ta đi vào mầu nhiệm tự hủy như Ngài đã sống để vinh quang duy nhất của Cha được rạng ngời, vì chỉ mình Đấng là cội nguồn mọi ơn huệ mới đáng hưởng sự tôn vinh mà thôi. Chúng ta có là gì và làm được điều gì thì cũng là do đã được ban cho trước, ngay cả khả năng chia sẻ cũng là điều chúng ta đã lãnh nhận. Được thu hút duy bởi tình yêu của Đấng đã trao ban tất cả, con tim chúng ta trở nên tự do để phục vụ mọi người, hầu "mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng đến muôn thủa muôn đời."

Chính trong sự tự do của con tim này, chúng ta đến với anh chị em mình qua mọi diễn tả của tình bác ái cụ thể khởi từ những gì mình đang có và đang là: một đôi tai lắng nghe khi có người cần tâm sự, một nụ cười khích lệ cho ai buồn sầu, một ánh mắt cảm thông với người lỡ bước, vòng tay thân ái nối kết cùng ai đang cô đơn vì hoàn cảnh nghiệt ngã,... Chúa chỉ cần "một chén nước lã" đượm nồng yêu thương.

Lạy Chúa, những gì con đang có và cả con người con đều là quà tặng của tình yêu Chúa. Xin cho con học biết cho đi như con đã được lãnh nhận. Xin cho trái tim con luôn mở rộng để mọi người đều có chỗ và đừng bao giờ khép lại bởi những kiếm tìm vụ lợi, ích kỷ. Xin cho con quên đi chính bản thân mình để chỉ còn nghĩ đến tha nhân và chỉ còn một mình Chúa là tất cả. Amen.

Đọc thêm: Mc 12, 41-44; Lc 10, 25-37; 12, 33-34; 19, 1-10; Mt 25, 31-46

oOo


Cầu Nguyện

Có lẽ chúng ta đều ý thức được tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong đời ki-tô hữu, ví như việc ăn uống, hít thở không khí, luyện tập thể dục quan trọng đối với thể xác vậy. Nhiều người đã viết và nói rất hay về cầu nguyện. Chúa Giê-su không nói nhiều về cầu nguyện nhưng Ngài luôn cầu nguyện. Bởi thế, lời dạy của Ngài dành cho chúng ta trong Mùa Chay này không phải là một lý thuyết nhưng xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của Ngài: "Hãy vào phòng, đóng cửa lại mà cầu nguyện cùng Cha."

"Hãy vào phòng" gợi lên một không gian riêng biệt và một chuyển động cần thực hiện. Đi lang thang ngoài phố chợ, bươn chải trên vạn nẻo đường, chúng ta cần đến một mái ấm để dừng chân, bồi dưỡng. Ở trong nhà, chúng ta dễ nhận ra mình trong mối tương quan với những người thân yêu và từ đó sự sống được nảy nở. Hẳn là khi Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ của mình "vào phòng" cầu nguyện, Ngài muốn họ ý thức và sống mối tương giao với Thiên Chúa thế nào, như lời ngôn sứ Hô-sê ghi lại: "Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình" (Hs 2,16). Thánh Phao-lô đã gặp được sự quyến rũ này, sau khi Ngài bị quật ngã trên đường đi Đa-mát, để rồi Ngài chỉ còn loan báo Tin Mừng chính Chúa tỏ lộ cho mình mà thôi (Gl 1,11-24). Giữa cuộc sống bôn ba, đầy những lo toan, chúng ta có nguy cơ chạy theo những cái không làm mình được hạnh phúc thật. Thánh Âu-tinh thổ lộ: "Lạy Chúa, những thụ tạo xinh đẹp đã quyến rũ con và con cứ chạy theo chúng. Con cứ mải mê với những thứ ở ngoài con, trong khi chính Ngài ngự trong con mà con không biết." Vậy hãy vào phòng tâm hồn của chính mình để gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng tác tạo nên ta và luôn hiện diện cách kín ẩn. Trở vào cõi sâu thẳm của tâm hồn, chúng ta cũng gặp được chính mình trong nỗi khát khao mà chỉ một mình Thiên Chúa có thể lấp đầy. Nếu hiểu "phòng" là chính tâm hồn thì không phải chỉ khi vào nhà nguyện hay đi tĩnh tâm ta mới tìm ra căn phòng này! Trái lại, ở đâu ta cũng có thể "vào phòng" được. Sa mạc ở ngay trong ta, hãy bước vào! Chúa còn nói phải "đóng cửa lại" nữa, ta phải hiểu sao đây?

Đóng cửa lại" phải chăng để xa lìa thế giới bên ngoài, để trốn chạy cuộc đời, hay để tránh né cái nhìn của người khác? Từ ngữ truyền thống Giáo Hội quen dùng để chỉ về một thời gian cầu nguyện đặc biệt là "cấm phòng" phải chăng mang một ý nghĩa quan trọng hơn, tích cực hơn? Cha Maurice Zundel chia sẻ: Thiên Chúa liên lỉ nói với con người, nhưng những tiếng ồn ào che lấp đi, khiến họ không nghe được tiếng Ngài. Quả vậy, đã nhiều khi chúng ta không nghe được tiếng gọi của một ai đó vì đang bận bịu với những ý nghĩ riêng. Không ít lần chúng ta nghe người khác nói mà không chú ý thật sự điều họ muốn trình bày vì có những tiếng nói khác chen vào từ bên ngoài, hoặc do thành kiến bên trong. Giữa cuộc sống gia đình hay nơi làm việc, con người hiểu lầm nhau, xa cách nhau, làm khổ nhau cũng thường do không biết lắng nghe nhau cho thấu. Như thế, "đóng cửa lại" là tạo cho không gian tâm hồn mình thật tĩnh lặng, thanh thản, để tâm hồn không bị khuấy động hầu dễ dàng nghe được tiếng Chúa nói và tìm ra thánh ý của Ngài hơn. Chuyện kể ở nhà quê, một bà mẹ đọc kinh tối trong gia đình: "Kính mừng Maria, đã nhốt con gà chưa?... Thánh Maria, ra lấy quần áo vào..."! Cầu nguyện như thế thì liệu có thể nghe được gì và cuộc sống sẽ biến đổi ra sao?

Chúa Giê-su không chỉ khuyên chúng ta cầu nguyện trong sự thinh lặng, không để cho những tiếng nói khác chen vào làm che lấp đi Lời của Thiên Chúa. Ngài còn muốn chúng ta thanh luyện mình khỏi những bận tâm trước sự đánh giá của người khác, khi nêu lên hình ảnh những kẻ "thích đứng cầu nguyện ở các ngã ba ngã tư và trong các hội đường cho người ta thấy." Họ cầu nguyện với ước muốn được người khác tôn vinh. Chúa gọi là "đạo đức giả" vì việc họ làm ngược với mục đích thật của cầu nguyện là phụng thờ, tôn vinh Thiên Chúa. Chắc chắn Chúa Giê-su không lên án việc cầu nguyện cộng đoàn, vì Ngài đã từng tham gia những buổi cầu nguyện như vậy. Ở đây, Ngài muốn chúng ta ý thức rõ: khi cầu nguyện, tâm của tôi thực sự hướng về đâu? Tôi tìm kiếm điều gì khi đến với Thiên Chúa là Đấng cao cả, cùng đích của mọi sự? Nhìn lại đời mình, không chừng tôi đã lạc xa con đường tự do khi cầu nguyện: lúc còn nhỏ, sợ cha mẹ la rầy nên siêng năng cầu nguyện; lớn lên, tiếng khen là thiếu nhi ngoan, thanh niên đạo đức ám ảnh không ít; bước vào đời tu, các tập sinh ráng cầu nguyện nghiêm chỉnh để cha (hay chị) giáo thấy có ơn gọi; làm bề trên thì không dám lơ là cầu nguyện vì phải "làm gương"! Tóm lại, tâm hồn bị bủa vây bởi những áp lực xoay quanh hình ảnh về chính mình nên chưa đi vào tâm điểm của cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa vì chính sự thu hút của Ngài, như kinh nghiệm của ngôn sứ Giê-rê-mi-a: "Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ" (Gr 20,7). Vị ngôn sứ đi vào trong cõi riêng tư với Đức Chúa của mình. Chúa Giê-su cũng dạy các môn đệ tương tự như vậy.

"Cầu nguyện với Cha của anh." Người ta bảo: "khi yêu nhau, hai người trong cuộc không còn thấy gì khác nữa." Điều này có thể đúng với kinh nghiệm cầu nguyện phần nào không? Chắc chắn, Thiên Chúa muốn yêu thương từng người mà Ngài đã tạo dựng và cứu chuộc cách riêng tư, không ai giống ai. Tình yêu của Ngài đã diễn tả ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh: Ngài đi dạo với A-đam, Ngài gặp gỡ thân mật với Áp-ra-ham, Mô-sê, Ê-li-a,v.v. Tất cả những người này đều đã kinh nghiệm về những giây phút "lòng kề lòng" với Thiên Chúa là Đấng siêu vượt nhưng cũng thật gần gũi. Tuy vậy, điều Chúa Giê-su dạy xuất phát từ chính kinh nghiệm của Ngài với Chúa Cha, Cha của Ngài và cũng là Cha của từng người chúng ta. Ngắm nhìn những lần Chúa Giê-su cầu nguyện trong nơi hoang vắng, có khi thâu đêm hoặc những lúc bộc phát giữa cuộc sống đầy ắp công việc, chúng ta thấy tâm hồn Ngài kết hiệp với Cha thật thâm sâu và tự nhiên đến dường nào. Ngài muốn chúng ta cũng sống mối tương giao thân tình, sâu đậm và cá vị với Thiên Chúa là Cha mình như vậy.

Một cách cụ thể, tôi sẽ làm gì trước lời gọi mời của Chúa Giê-su? Tôi sẽ "vào phòng" khi nào? Tôi "đóng cửa lại" trong sự trầm lắng ngay khi thức giấc, trước mỗi công việc và khi màn đêm buông rơi? Lúc nào Cha cũng ở đó, dang vòng tay đón chờ người con bé nhỏ của mình thổ lộ tâm tư. Không có cuộc găp gỡ thân tình với Cha trong Giê-su, liệu tôi có còn là mình nữa hay không? Nếu chiếc đồng hồ chạy bằng năng lượng mặt trời chỉ hoạt động khi đón lấy ánh sáng từ mặt trời thì cuộc đời của tôi có thể xa cách "nguồn năng lượng" của mình không?

Lạy Cha, Cha đã ban Giê-su cho con. Chỉ nhờ Ngài và trong Ngài, con mới biết con là con Cha và được Cha yêu thương vô cùng. Cha đã gọi con bằng tên riêng và sự hiện diện của con luôn là duy nhất trong trái tim Cha. Xin cho con sống mãi trong tình thương của Cha để không gì lấy mất bình an khỏi con được. Amen.

Đọc thêm: Mc 1,35 ; Lc 6,12 ; 11,1-13 ; 18, 9-14 ; 22, 39-46.

oOo

Ăn Chay

Luật ăn chay không quan trọng bằng tinh thần ăn chay. Hội Thánh chỉ buộc giữ chay hai ngày trong suốt cả năm, nhưng tinh thần chay tịnh thì trải dài suốt cuộc sống, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị đón mừng Mầu Nhiệm Vượt Qua. Việc ăn chay đã có từ rất xa xưa. Ngôn sứ Giô-en từng kêu gọi ăn chay bằng cách "xé lòng chứ đừng xé áo" (Ge 2, 13). I-sa-i-a nói cách ăn chay mà Thiên Chúa ưa thích là trả tự do cho người bị áp bức, ... (Is 58,6). Ni-ni-vê đã ăn chay sám hối khi nghe Giô-na giảng (Gn 3). Còn Chúa Giê-su, Ngài dạy chúng ta ăn chay thế nào theo Tin Mừng?

Cũng vẫn một điệp khúc như đã nói về việc bố thí và cầu nguyện: đừng làm như bọn đạo đức giả. Thật vậy, có những kẻ chỉ làm bộ bên ngoài là ăn chay nhưng trong lòng của họ đầy những ham hố và những ý nghĩ bất chính. Các ngôn sứ thủa xưa đã từng lên án lối sống giả dối này: "Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn..." (Is 58, 4). Trong xã hội Do thái thời Chúa Giê-su không thiếu những người như thế. Tại sao họ làm điều này? Ăn chay vốn là dấu hiệu của một người đạo đức, ý thức về tình trạng thiếu vắng Thiên Chúa, đang đợi chờ Đấng Thiên Sai. Niềm trông đợi này trở nên mạnh mẽ nơi các cộng đoàn sống khắc khổ để đối nghịch lại lối sống chạy theo vật chất, sang giàu. Sự giả dối xuất hiện khi người ta dùng hình thức đạo đức tốt lành này để che đậy sự xấu xa trong tâm hồn. Việc ăn chay như thế chẳng những không đi đôi với lòng sám hối mà còn là phương thế đánh lừa người khác để mình được tôn vinh. Nhưng làm sao lừa được Thiên Chúa?

Thực ra, việc ăn chay đúng nghĩa giúp con người nhận ra sự thật về chính mình và sống thái độ cơ bản trước Thiên Chúa: khiêm tốn. Hãy ngẫm xem tôi là ai, tôi từ đâu tới và sẽ đi đâu. Ý nghĩa của đời người phải chăng chỉ dựa vào số tháng ngày mình sống, hay dựa vào sức khỏe, sắc đẹp, tài năng? Cơn đói khát thật sự trong lòng mỗi người là gì và ai có thể làm thỏa mãn? Mẹ Tê-rê-xa Can-cút-ta nhận định: người ta đói không phải vì thiếu cơm bánh nhưng vì thiếu tình yêu. Mà tình yêu thẳm sâu, tình yêu tuyệt đối đem con người vào hạnh phúc vĩnh cửu, ai có thể ban tặng cho ta? Khi tiện nghi thừa mứa, người ta có thể bị đánh lừa về một hạnh phúc trước mắt và khó nhận ra thân phận cát bụi mong manh của mình: "Mạng người dù giá cao mấy nữa thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời. Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số. Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác. Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà..." (Tv 48, 9-12).

Khi ăn chay, nghiệm được cái đói của thân xác, người ta khám phá ra cái đói khát thực của mình (từ đó cũng đồng cảm và chia sẻ với tha nhân trong cơn đói khát của họ): khát chính Thiên chúa. Tôi biết tôi cần đến Thiên Chúa, Đấng tác thành nên tôi từ "bụi đất" và "sinh khí" của Ngài (St 2). Bởi đó, vừa mang thân phận mỏng dòn, tôi vừa được gọi để sống chiều kích thiêng liêng. Cuộc đời tôi chỉ thực sự có ý nghĩa trọn vẹn nơi Thiên Chúa, như thánh Âu-tinh đã khám phá: "Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con để con thuộc về Chúa, nên hồn con mãi khắc khoải đến khi được an nghỉ trong Ngài."Như thế, ăn chay giúp mỗi người tìm lại chính mình nơi nguồn cội là Thiên Chúa. Chúa Giê-su đến dẫn ta vào ý nghĩa trọn vẹn của việc chay tịnh. Ngài dạy các môn đệ không để mình bị chi phối bởi những tìm kiếm bề ngoài, "làm ra dáng ăn chay thiểu não để cho người ta khen" là mình đạo đức. Đó mới chỉ là một phần trong giáo huấn của Ngài. Đặc biệt hơn, phải "rửa mặt cho sạch, xức dầu cho thơm", ngược với kiểu "không tắm rửa, ngồi trên tro." Chúa "lăng-xê mốt" ăn chay mới chăng? Không phải đâu. Ngài muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi thứ kiếm tìm lệch lạc để chỉ còn lệ thuộc vào Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng mọi người và đánh giá cách công minh. Hơn nữa, Ngài còn mời gọi người môn đệ làm chứng về một thời đại mới đã được khai mở: Đấng Thiên Sai mà nhân loại chờ mong đã đến rồi, phải thay đổi cách nhìn để đón nhận Ngài vào đời mình và tin rằng chính Ngài là Đấng dẫn đưa nhân loại đến niềm vui trọn vẹn.

Cách ăn chay này xuất phát từ chọn lựa căn bản của niềm tin và làm đảo lộn cung cách sống của mỗi người. Có lần, Chúa Giê-su được hỏi: "Tại sao môn đệ của ông Gio-an và người Pha-ri-sêu đều ăn chay, mà môn đệ Ngài lại không ăn chay?" (Mc 2,18). Chuyện này xảy ra khi Lê-vi mở tiệc khao Chúa Giê-su và các bạn khi ông trở thành môn đệ Ngài (Mc 2,13-16). Có lẽ hôm ấy trùng với ngày ăn chay thường lệ của người Do Thái đạo đức. Chúa Giê-su đã phải lên tiếng: "Làm sao khách dự tiệc có thể ăn chay khi chàng rể đang ở với họ?" (Mc 2,19). Chúa loan báo cách khéo léo Ngài là Chàng Rể của tiệc cưới thiên sai đang hiện diện và mời gọi phải đổi hẳn cách sống cho phù hợp: thay "bầu da" cũ kỹ, bỏ "chiếc áo cũ" đã nhàu nát là mớ luật lệ của người phàm để mặc lấy Ngài (x. Mc 2, 21-22). Tinh thần chay tịnh từ đó mang một sắc thái mới: người đã được nhận biết Đức Ki-tô qua bí tích thánh tẩy hướng toàn bộ con người mình vào Ngài, khát khao nên một với Ngài. Có lúc "chàng rể bị đem đi" khỏi lòng tôi do tội lỗi, như Ngài đã bị loại trừ bằng cái chết trên thập giá. Khi ấy, "ăn chay" là chiến đấu để trở về với Ngài, hay là đón Ngài trở về với lòng mình.

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để mỗi người chúng ta sống cuộc trở về này. Không phải chỉ cố gắng làm vài ba việc hy sinh hãm mình nào đó, nhưng là đặt toàn bộ con người mình trên đường Ngài muốn chúng ta đi: đường thập giá, đường yêu thương. Tôi có ý thức sự mong manh yếu đuối của mình, có đặt niềm tin-yêu-hy vọng nơi Đức Ki-tô và kiên trì chiến đấu với những gì không phù hợp với giáo huấn của Ngài không?

Cả ba việc đạo đức của người tín hữu đều mang chiều kích qui Ki-tô và liên kết với nhau chặt chẽ. Tôi được gọi mời yêu thương anh chị em mình như Chúa đã yêu tôi đến cùng, âm thầm nhưng quyết liệt (bố thí). Để biết yêu như thế, tôi cần tìm sức mạnh duy ở nơi Ngài nhờ gặp gỡ Ngài trong chính cõi riêng tư của tâm hồn tôi, gặp Ngài là gặp Cha (cầu nguyện). Nhờ đó, tôi khám phá ra con người thật của mình bất toàn yếu đuối, và có sức để chiến đấu giữa những thử thách gian nan trên con đường theo Ngài (ăn chay).

Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Xin Chúa dẫn dắt con đi trên con đường của Chúa. Xin giúp con biết từ bỏ chính mình hằng ngày, chuyên chăm nguyện cầu và rông mở trái tim cho tha nhân. Chớ gì trong mọi sự, con chỉ tìm vinh danh Chúa mà thôi. Amen.

Đọc thêm: 1 Pr 5, 5-11 ; Ep 4, 17-22 ; 6, 10-20 ; Lc 9, 23-25.

Nguồn: http://my.opera.com (http://my.opera.com)