PDA

View Full Version : ANH GIÁO VÀ LỊCH SỬ



Ti_Amo
18-03-2010, 10:05 AM
ANH GIÁO VÀ LỊCH SỬ (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/)

Posted on 16/03/2010 by Xuân Bích Việt Nam

Lời dẫn: trong thời gian gần đây, chúng ta nghe nhiều tin tức nói đến các tín đồ Anh Giáo muốn trở về hiệp nhất với giáo hội Công Giáo, và những đặc ân giáo hội Công Giáo dành cho những người này. Trong ba bài tới, linh mục Nguyễn Khắc Hy sẽ trình bày lịch sử Anh Giáo, những tiến triển dẫn đến việc Hiệp Nhất, những khác nhau về tín lý và luân lý giữa hai bên (nhất là chức linh mục của Anh Giáo không được giáo hội Công Giáo công nhận ra sao), và những hình thức tổ chức cho những tín đồ Anh Giáo sau khi gia nhập giáo hội Công Giáo mà vẫn được giữ những tập tục, truyền thống Anh Giáo thế nào.
Lịch sử cộng đồng Anh Giáo
Ngày 20 tháng 10 năm 2009, Toà Thánh đã công bố một Tông Hiến nhằm giúp đỡ những người tín đồ theo Anh giáo muốn trở về gia nhập giáo hội Công Giáo La Mã. Trong bài này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu một chút về lịch sử Anh Giáo, và những điều kiện dẫn đến Tông hiến này.[1] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftn1_8355)
Danh Xưng, Số Liệu và Chủ Trương Cải Cách
Khi tách mình ra khỏi giáo hội Công Giáo La Mã vào đầu thế kỷ 16, những người Anh gọi họ là “Giáo hội nước Anh – the Church of England”.[2] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftn2_8355) Sau này danh từ Anh Giáo (Anglican), được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1851, dùng để chỉ những tín đồ tin vào Giáo Hội Anh Quốc này. Ngày nay có chừng gần 37 nhóm khác nhau hợp thành một cộng đồng gọi là Anh Giáo (Anglican Communion). Anh Giáo ngày nay có chừng gần 80 triệu tín hữu, trong đó chỉ có khoảng 26 triệu tín đồ ở nước Anh, và gần 40 triệu ở Phi Châu, 7 triệu ở Á Châu, số còn lại ở Mỹ, Canada, Úc và Tân Tây Lan.
Những giáo phái trong Anh Giáo mang những tên khác nhau trong những vùng khác nhau trên thế giới. Ví dụ, ở Mỹ, người theo Anh Giáo gọi họ là Episcopalian, ở Ireland họ gọi là Church of Ireland, ở Scottland là Scottish Episcopal church, ở Nhật bản có tên Hội Thánh Công Giáo Nhật Bản (the Holy Catholic Church of Japan), ở Trung Hoa họ gọi là Hội Thánh Công Giáo Trung Hoa (The Holy Catholic Church of China) v.v…
Khác với giáo hội Công Giáo La Mã là mọi nơi trên thế giới đều có một tên gọi Công Giáo La Mã, Anh Giáo là tên gọi chung của nhiều giáo phái tự trị khác nhau, nhưng có một điểm chung là những giáo phái này cùng hiệp thông với tổng giám mục Canterbury, Anh quốc.
Vì tự trị nên Anh Giáo từng vùng (thường là trong một quốc gia) có những sinh hoạt và quyết định về tổ chức giáo hội địa phương khác nhau, và không có một tổ chức giáo hội cấp trên điều hành khi có những bất đồng xảy ra. Vì thế, hình thức “cá mè một lứa” hay “cá đối bằng đầu” là nguyên nhân đem đến chia rẽ khi không đồng nhất về những quyết định quan trọng. Chúng ta sẽ có dịp nói đến hình thức mục vụ của Anh Giáo trong bài tới nhiều hơn.
Về chủ trương cải cách, Anh Giáo có phải là một nhánh của anh em Cải Cách Tin Lành không?
Nhiều người trong chúng ta thường hay đồng hoá Anh Giáo với Tin Lành.[3] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftn3_8355) Điều này không hẳn là đúng, vì Anh Giáo khác với các giáo phái Tin Lành ở Thụy Sĩ và Đức Quốc rất nhiều. Nhiều người Anh Giáo ngày nay vẫn xưng họ là người Công Giáo, nhưng là những người Công Giáo gốc Anh (tiếng Anh là Anglo-Catholics) vì họ không nhận mình là Tin Lành. Chính vì thế, những người theo Anh Giáo ở Nhật hay Trung Quốc gọi họ là Hội Thánh Công Giáo Nhật hay Hội Thánh Công Giáo Trung Hoa.[4] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftn4_8355)
Không như những giáo phái Tin Lành tách khỏi giáo hội Công Giáo La Mã vì nguyên nhân là vấn đề tín lý hay những cải tổ về mặt luân lý, Anh Giáo tách khỏi giáo hội Công Giáo La Mã bắt đầu với việc tranh chấp giữa nhà vua và Toà Thánh. Để dễ hiểu, chúng ta có thể chia tiến trình hình thành Anh Giáo theo ba giai đọan khác nhau.
Giai Đoạn Một:
Vào đầu thế kỷ 16, vua Henry VIII (1491-1547) nước Anh là một tín hữu Công Giáo trung thành với giáo hội trong khi phong trào Cải Cách (Tin Lành) đang hình thành bên Đức, Thụy Sĩ và những nước bắc Âu. Đức giáo hoàng Leo X đã phong cho vua Henry VIII tước Fidei Denfensor-Người Bảo Vệ Đức Tin của giáo hội Công Giáo vào ngày 11 tháng 10 năm 1521 vì nhà Vua đã viết The Defense of the Seven Sacraments – Bảo Vệ Bảy Bí Tích, chống lại Luther và những người theo cải cách của Luther.
Nhưng quan hệ giữa nhà Vua và Toà Thánh bắt đầu xuống dốc từ năm 1527, khi vua Henry VIII nhờ đức hồng y Wolsey xin đức giáo hoàng cho ông được tiêu hôn với vợ là bà Catherine of Aragon vì bà không sinh con trai nối dõi, để cưới bà Anne Boleyn.
Đức giáo hoàng Clement VII (1523-1534) không cho phép nhà Vua tiêu hôn, nên nhà Vua đã loại bỏ đức hồng y Wolsey (năm 1529) và bắt đầu chuyển quyền hành trước đây thuộc giáo hoàng qua tay nhà Vua, như quyền thuyên chuyển tu sĩ, quyền quản lý tài sản các nhà thờ, các cơ sở tu viện v.v…
Năm 1532, vua triệu tập Quốc Hội và sai quan Thomas Cromwell soạn thảo những sắc lệnh để tách nước Anh ra khỏi ảnh hưởng chính trị của đức giáo hoàng, thiết lập Quyền Tối Cao thuộc về nhà vua, và công bố nhà vua cũng là người lãnh đạo cộng đồng giáo hội Anh Quốc.[5] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftn5_8355)
Henry VIII cũng chọn Thomas Cranmer, một người nhiệt thành theo phong trào Cải cách của Luther, và phong ông làm tổng giám mục của Canterbury. Chính tổng giám mục này cho phép Vua Henry VIII được tiêu hôn với Catherine of Aragon và cưới bà Anne Boleyn.
Nhiều sử gia đã công bằng nói rằng, ngay từ đầu vua Henry VIII không có ý định thiết lập một giáo hội riêng hay loại bỏ quyền đức giáo hoàng, nhưng ý định muốn có con trai nối nghiệp là động lực khiến ông tách mình ra khỏi giáo hội Công Giáo La Mã.
Hai bổ nhiệm làm thay đổi hoàn toàn cục diện giáo hội là việc nhà vua chọn Thomas Cromwell (1458-1540) làm Quan Toàn Quyền lo việc chính trị, và việc chọn Thomas Cranmer (1489-1556) làm tổng giám mục của Canterbury.
Là quan Toàn Quyền, và là người theo Cải Cách lại ghét giáo hội Công Giáo, Thomas Cromwell đã quyết tâm theo đuổi lý tưởng tùng phục Vua là người đứng đầu Anh Giáo, tách Anh Giáo ra khỏi giáo hội Công Giáo, bắt ép các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân Công Giáo tùng phục quyền hành nhà vua. Chính Cromwell là người đã bỏ tù nhiều tín hữu Công Giáo, và đã chém đầu giám mục Fisher của Rochester và quan Thomas More (năm 1535) vì họ từ chối chấp nhận quyền tối thượng của nhà vua trên quyền đức giáo hoàng.
Với uy quyền trong tay Cromwell cũng bắt đầu áp bức các dòng tu (từ 1535-1540), giải thể hơn chín ngàn (9,000) tu sĩ nam nữ, và kiểm soát tài sản các cơ sở tôn giáo, dòng tu.
Điều làm nhiều người ngạc nhiên là trong khi bản thân vua Henry VIII không là một người muốn chối bỏ giáo lý Công Giáo, ông lại quá nhu nhược khi để cho quần thần lợi dụng làn sóng Cải Cách lúc bấy giờ và tinh thần Chống Công Giáo của nhiều người để thôn tính giáo hội Công Giáo.
Vì áp lực chính trị, vua Henry VIII đã bất đắc dĩ cho công bố sắc lệnh Mười Điều Khoản (Ten Articles) năm 1536, và cho ra lệnh là các nhà thờ trong nước Anh phải có bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, trong Sáu Điều Khoản (Six Articles) ban hành năm 1539, vua Henry VIII lại khẳng định những giáo lý của giáo hội Công Giáo La Mã, và ông ra lệnh phạt những ai từ chối không tin vào sự hiện diện thật của Chúa Giêsu Kitô qua mầu nhiệm Biến Đổi Bản Thể (transubstantiation) của bí tích Thánh Thể,[6] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftn6_8355) hay không tin vào Thánh Lễ riêng (được linh mục cử hành riêng lẽ hoặc một mình, hoặc với vài người). Chính nhà Vua cũng tôn trọng luật Độc Thân cho tu sĩ, và chấp nhận việc cầu nguyện với các Thánh, và cầu nguyện cho người chết.[7] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftn7_8355)
Giai Đoạn Hai:
Chỉ khi người con lên ngôi năm 1547 là vua Edward VI (1537-1553) lúc chưa được 10 tuổi, quần thần đem ảnh hưởng Tin Lành, đặc biệt là của giáo phái Calvin, khống chế Anh Giáo, và đàn áp Công Giáo khắt khe hơn.
Về tín lí, Anh Giáo bấy giờ theo Calvinism nên từ chối tính Hy Sinh trong thánh lễ, coi thánh lễ là một buối tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu Kitô nhưng Ngài không thật sự Hy Sinh dâng mình làm của lễ như giáo lý Công Giáo. Về tổ chức tôn giáo, họ bắt ép các giám mục và tu sĩ phải tuyên thệ tin theo 42 Điều khoản Tôn Giáo (42 Articles of Religion) mà nội dung hoàn toàn Tin Lành.
Năm 1549, cuốn Sách Kinh Nguyện Chung (Book of Common Prayer) được tổng giám mục Thomas Cranmer (người do vua Henry VIII chọn) biên soạn, trở nên sách Phụng Vụ của Anh Giáo. Sách này lấy nhiều nghi thức phụng vụ của Công Giáo thời trung cổ nhưng lồng vào những giáo lý của Tin Lành. Đến 1552, sách được soạn lại để hợp với Phụng Vụ Tin Lành (giáo phái Calvin) và loại bỏ những nghi thức Công Giáo còn sót lại.
Khi Edward VI chết năm 1553, nữ hoàng Mary Tudor lên ngôi, và bà muốn đưa Anh Quốc về lại với giáo hội Công Giáo La Mã. Bà dẹp những giáo phái Tin Lành và bắt giam tổng giám mục Thomas Cranmer. Nhưng bà chỉ làm nữ hoàng vỏn vẹn 5 năm.
Năm 1558, Elizabeth I lên ngôi.[8] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftn8_8355) Dưới thời Elizabeth, Tin Lành Calvinism phát triển mạnh. Một nhóm người lấy tên là Puritans – Phái Thanh Giáo, đã tìm cách “thanh lọc” giáo hội bấy giờ khỏi những điều mà họ cho là dị đoan, tà thần, nghĩa là còn những vướng mắc với giáo hội Công Giáo như vẫn còn những ảnh tượng trong nhà thờ, hay còn cầu nguyện cho người chết. Nhóm Thanh Giáo sống nghiêm khắt với chính mình, nhưng họ chống Công Giáo ra mặt.
Vì thế, Sách Kinh Nguyện lại được sửa đổi lần thứ ba (năm 1559) để hợp với cải cách này. Ví dụ, trong Sách Kinh Nguyện không còn gọi danh từ Bàn Thờ (altar) để chỉ nơi làm lễ, không nói đến Hy Lễ của Chúa Giêsu mà là Bữa Ăn để nhớ về kỷ niệm Ngài chết mà thôi, không treo tượng ảnh trong nhà thờ, nếu có thánh giá thì trên đó không có thân xác Chúa Giêsu Kitô v.v….
Nhóm theo Calvinism này cũng muốn xoá bỏ chức giám mục để thay vào đó hình thức các mục sư với các cộng đoàn như ở Scotland lúc bấy giờ. Nhưng nữ hoàng Elizabeth I lại thích giữ lại chức vụ giám mục vì bà nghĩ chức vụ này cần cho trật tự của triều đại hoàng gia. Vì thế, Elizabeth cũng dễ dãi cho Nghi thức Cũ hoạt động bên Nghi thức mới. Bà cũng cho một số tu sĩ Công Giáo được phục hồi chức vụ như thời Henry VIII, và được trở lại tu viện. Bản thân bà cũng không từ chối tín lí Sự Hiện Diện Thật của Chúa Giêsu Kitô trong Thánh Thể.
Với toàn thể Anh Giáo, Elizabeth I cho sửa 42 Điều Khoản Tôn Giáo lại thành 39 Điều Khoản (năm 1563) với nội dung hoàn toàn Tin Lành, xa hẳn giáo hội Công Giáo La Mã.
Giai đoạn Ba:
Từ đầu thế kỷ 17 trở đi, Anh Giáo luôn bị giằng co nội bộ giữa những người muốn trở lại với giáo hội Công Giáo La Mã và những người muốn xoá bỏ mọi vết tích của giáo hội Công Giáo La Mã. Trong khi Nhóm Thanh Giáo (Puritans) muốn cắt đứt với mọi quá khứ Công Giáo trong giáo hội của họ, nhiều giám mục Anh Giáo vẫn coi trọng các Giáo Phụ, các trường phái Thần Học thời trung cổ, Triết Học và Thần Học Kinh Viện v.v…
Dưới thời vua James I (1603-1625) và Charles I (1625-1649), Anh Giáo được khuyến khích trở lại với truyền thống Công Giáo xưa, và chống lại Thanh Giáo. Năm 1645, tổng giám mục Anh Giáo Willam Laud đã mở một cuộc vận động phục hồi giá trị Công Giáo truyền thống trong giáo hội, và ép buộc nhóm Thanh Giáo theo, nếu không sẽ có những hình phạt nghiêm trọng.
Nhóm Thanh Giáo không chịu được những áp bức của Nhóm Truyền Thống thời đó nên một số lớn đã tìm cách di dân qua Tân Thế Giới (một số ở Mỹ ngày nay).[9] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftn9_8355)
Trong thế kỷ 18, tinh thần truyền giáo được nhiều người trong nhóm chịu ảnh hưởng Calvinism, gọi là Evangelicals, phục hồi và phát triển mạnh trong các thuộc điạ của Anh. Sang thế kỷ 19, một phong trào Về Nguồn tìm lại căn tính giá trị thần học trong giáo hội từ thời các Thánh Giáo Phụ do nhiều nhà trí thức bảo thủ phát động ở Oxford đã phục hồi “Công Giáo tính” trong Anh Giáo, nghĩa là họ phục hồi lại Thánh Lễ với nghi thức Công Giáo, quy tụ lại những Tu sĩ trong các Tu Viện đã bị đóng cửa, các dòng tu nam nữ được thiết lập v.v… [10] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftn10_8355)
Tiến Trình Hiệp Nhất:
Thế kỷ 18, William Wake, tổng giám mục Canterbury, đã cố gắng hợp nhất Anh Giáo với Công Giáo La Mã, nhưng không thành công. Đến 1870, công đồng Vatican I tuyên bố tín lý quyền bính đức giáo hoàng và ơn Bất Khả Ngộ của đức giáo hoàng khiến cố gắng về hợp nhất giữa hai giáo hội gặp khó khăn hơn.
Thêm vào đó, tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (1854) và Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (1950) cũng làm cho đối thoại giữa Anh Giáo và Công Giáo thêm bế tắc.
Đến 1908, Công Giáo La Mã bắt đầu tổ chức Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất cúa Giáo Hội, nhắm đến những người theo lạc giáo và những người đã tách khỏi giáo hội.[11] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftn11_8355)
Về phía Anh Giáo, đại hội Lambeth 1920 cũng kêu gọi sự hiệp nhất Kitô giáo. Năm 1928, đức giáo hoàng Piô XI ra tông thư “Mortalium animos” (Nuôi Dưỡng Sự Hiệp Nhất Tôn Giáo Thật), trong đó không cho phép các thành viên Công Giáo tham gia những Hội Thảo Hiệp Nhất do Anh Giáo hay các giáo phái khác tổ chức. Nhưng giáo hội Công Giáo luôn đón nhận những cá nhân hay cộng đoàn tách khỏi giáo hội Công Giáo nay muốn quay về “với một giáo hội của Chúa Kitô.” (Mortalium animos, no. 10).
Đến năm 1948, đức giáo hoàng Piô XII không cho phép giáo hội Công Giáo là thành viên của tố chức World Council of Churches (một tổ chức bao gồm các giáo phái Kitô giáo trên thế giới).
Năm 1950, lần đầu tiên Toà Thánh công nhận phong trào kêu gọi Hiệp Nhất như một dấu hiệu được linh ứng bởi Chúa Thánh Thần. Lúc này thành viên Công Giáo La Mã được phép tham dự những buổi hội thảo Đại Kết với các giáo phái khác với điều kiện là những hội thảo đó không tranh luận về Tín Điều (thường các đề tài về công tác từ thiện, truyền giáo…).
Trong những buổi hội thảo này, lần đầu tiên Kitô hữu Anh Giáo và Công Giáo đọc kinh Lạy Cha chung với nhau.
Dần dần, các thần học gia và các chức sắc Anh Giáo và Tin Lành được mời họp chung với Công Giáo, và tại công đồng Vatican II (1962-1965), một số đông anh em Tin Lành và Anh Giáo được mời làm Quan Sát Viên.
Năm 1965, tổng giám mục Michael Ramsey của Canterbury gặp đức giáo hoàng Paul VI tại Roma để bàn chuyện Hiệp Nhất. Cả hai đồng ý thành lập một Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo-Công Giáo (the Anglican-Roman Catholic International Commission – ARCIC) để lo việc này.
Năm 1968 Ủy ban ARCIC đệ trình báo cáo Malta (the Malta Report) cho biết nên thường xuyên đối thoại giữa hai giáo hội để tiến đến Hiệp Nhất.
Từ năm 1970-1981, có hơn 13 cuộc họp đối thoại nhắm vào các đề tài “Bí Tích Thánh Thể”, “Mục Vụ và Phong Chức Linh Mục”, “Quyền Hành trong Giáo Hội” v.v…
Năm 1994, một số giám mục Công Giáo Mỹ và các giám mục Anh Giáo Mỹ đã cùng đi hành hưong chung đến Vatican và sau đó đến Canterbury, Anh. Năm 1996, tổng giám mục Canterbury, George Carey, và đức giáo hoàng John Paul II cùng nói đến tầm quan trọng của việc đối thoại về “Quyền Bính trong giáo hội.”
Từ năm 2000 trở đi, nhiều giám mục, linh mục và tín đồ Anh Giáo đã ngõ ý muốn trở lại gia nhập giáo hội Công Giáo, vừa cá nhân, và cộng đoàn.
Tông Hiến ngày 20 tháng 10 năm 2009 là một lời đáp trả những yêu cầu của các tín đồ Anh Giáo này.

[1] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftnref1_8355) Hiến chế (latin: constitutio) là sắc lệnh có thẩm quyền cao nhất được đức giáo hoàng hay công đồng chung ban bố, và thường là về Luật của giáo hội. Tông hiến (hay Hiến Chế Tông Toà – Apostolic Constitution) liên quan đến Anh Giáo lần này là những điều Luật do đức giáo hoàng ban ra. Xưa cũng có Hiến chế Tông Toà như Bộ Luật 85 Điều Khoản ban bố vào thế kỉ 4, nói đến luật truyền chức linh mục, giám mục, luật luân lý của giám mục, linh mục v.v… là tiền thân của giáo luật ngày nay. Công đồng Vatican II có Hiến Chế Tín lí về Giáo Hội (Lumen Gentitum), Hiến Chế Tín lí Mặc khải (Dei Verbum) và Hiến Chế Mục Vụ (Gaudium et Spes). …
[2] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftnref2_8355) Từ Anglican bắt nguồn từ tiếng La tinh ecclesia anglicana, nghiã là Giáo Hội Anh Quốc- Church of England. Những tín đồ của giáo hội Anh Quốc được gọi là tín đồ Anh Giáo- Anglican. Từ Anh Giáo không có nghĩa chỉ riêng những tín đồ nói tiếng Anh hay theo văn hoá nước Anh (vì một số lớn tín đồ ngày nay ở Phi Châu và Á Châu), nhưng để chỉ những giáo phái có cùng một nguồn gốc từ Giáo hội Anh Quốc.
[3] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftnref3_8355) Tin Lành là danh từ Việt Nam chúng ta dùng để gọi những anh em theo nhóm Cải Cách ở Âu Châu đầu thế kỷ 16. Vì Nhóm Cải Cách (Reformer) có nhiều giáo phái khác nhau, nhưng họ có chung một lý tưởng thời đó là chống lại giáo hội Công Giáo La Mã, nên họ có tên là Thệ Phản (hay là những người chống đối – Tiếng Anh là Protestants, tiếng Pháp là Protestantes). Trong bài này, danh từ anh em Tin Lành được dùng để dịch từ Protestant, và sẽ không dùng từ Thệ Phản vì từ này không quen sử dụng trong cộng đồng Việt Nam chúng ta.
[4] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftnref4_8355) Ở Nhật, nếu dùng mẫu tự Latin để ghi tên Hội Thánh Công Giáo Nhật là The Nippon Sei Ko Kai; ở Trung Quốc, Hội Thánh Công Giáo Trung Hoa là Chung-Hua Sheng Kung Hui.
[5] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftnref5_8355) Theo thần học của giáo hội Công Giáo, chỉ có giáo hội Công Giáo và giáo hội Chính Thống được chấp nhận danh xưng là Giáo Hội (Church), còn tất cả những giáo phái Tin Lành và Anh Giáo khác chỉ được gọi là Cộng đoàn thuộc về hội thánh (ecclesial communities). Tôi dùng danh xưng giáo hội Anh Giáo trong bài không phải với ý thần học, nhưng để người đọc đã quen với danh từ những cộng đồng Anh Giáo gọi chính họ: Anglican Church – giáo hội Anh quốc.
[6] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftnref6_8355) Trong Sáu Điều Khoản Đức Tin (Six Articles of Faith) ban hành năm 1536, vua Henry VIII nói đến sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô khi dùng danh từ “corporal and substantial” (có nhục thể và có thực thể), dù nhà vua không dùng từ “transubstantiation” (biến đổi bản thể).
[7] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftnref7_8355) Xem Thomas Bokenkotter, A Concise History of the Catholic Church (Doubleday, 1990), 211.
[8] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftnref8_8355) Elezabeth I không có thiện cảm với Công Giáo vì bà coi bà là người sinh ra không hợp đạo (là con của Edward VI và là cháu của vua Henry VIII với bà Anne Boleyn).
[9] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftnref9_8355) Trong thập niên 1630, có chừng hai chục ngàn (20,000) người Thanh Giáo qua Mỹ và tập trung phần lớn ở vùng gọi là New England ngày nay. Giáo phái Calvinist phát triển mạnh trong vùng này từ thòi đó.
[10] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftnref10_8355) John Henry Newman (1801-1890) là một nhân vật nổi tiếng thuộc nhóm Về Nguồn này. Sau khi gia nhập giáo hội Công Giáo năm 1845, Ngài trở nên linh mục, rồi làm Hồng Y. Giáo hội đang xét tiến trình phong thánh cho Ngài.
[11] (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/03/16/anh-giao-va-lich-su/#_ftnref11_8355) Linh mục Paul Wattson là một tín đồ Anh Giáo trở về với Công Giáo, và thiết lập tuần cầu nguyện cho Hiệp Nhất ở New York, Mỹ vào năm 1908. Ở Pháp, tu sĩ Paul-Iréné Couturier cũng tổ chức 3 ngày cầu nguyện cho Hiệp Nhất vào năm 1933. Ngày nay, giáo hội Công Giáo ấn định tuần cầu nguyện cho Hiệp Nhất vào ngày 18-25 tháng giêng hằng năm, kết thúc vào ngày lễ kính thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại, 25 tháng 1.
Lm. Matthew Nguyễn Khắc Hy