PDA

View Full Version : Suy niệm về ơn Thiên Triệu.



Dauan_tinhyeu
21-03-2010, 01:04 PM
Ngày kia, thấy dân chúng bơ vợ, tất bạc, như đoàn chiên không có kẻ chăn dắt, Chúa Giêsu cảm động và chạnh lòng thương xót. Trong dịp này, Chúa Giêsu đích thân dạy các tông đồ và tất cả chúng ta, phải cầu nguyện cho ơn thiên triệu: “Nầy các con, mùa màng thì bát ngát, mà thợ gặt lại hiếm hoi. Các con hãy cầu xin chủ ruộng sai thêm nhiều thợ gặt đến gặt lúa cho Người”.
Vâng theo chỉ thị khẩn cấp của Chúa Giêsu, Giáo Hội ngày ngày cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu, và hôm nay, trong ngày Chúa nhật thứ tư Phục sinh nói về Đấng Chăn Chiên Lành theo sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ lục năm 1963, Giáo Hội dành một ngày đặc biệt cho sự cầu nguyện này.
Chúa Giêsu đối với ơn thiên triệu thế nào?
Khi xuống thế làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa làm hai việc quan trọng là: vừa lo rao giảng Nước Cha của ngài, vừa lo mở mang Nước Trời sau nầy bằng cách chiêu mộ và đào tạo các tông đồ để sau nầy họ tiếp tục công việc của ngài là mở mang Nước Cha của ngài, khi ngài về trời, khi ngài không còn ở trên trần gian nầy nữa. Vì thế, Chúa Giêsu vừa đi giảng dạy: “Hãy ăn năn đền tội vì Nước Trời đã gần!”, vừa đi kêu gọi: “Hãy theo Ta!” để làm việc cho Nước Trời.
Sau khi kêu gọi một số đông theo mình, Chúa Giêsu liền tìm cách chọn lựa rất cẩn thận. Sau khi thức suốt một đêm để cầu nguyện cho những kẻ mình sắp chọn, sáng hôm sau, Chúa Giêsu hội lại tất cả các người bấy lâu nay đi theo mình, và chỉ chọn 12 người trong số những người nầy mà ngài gọi là 12 tông đồ.
Lựa chọn xong 12 tông đồ, Chúa Giêsu bắt tay ngay vào việc đào tạo họ. Chính ngài đích thân dạy dỗ họ, chứ không giao họ cho ai dạy. Để biết các tông đồ thật rõ và hướng dẫn họ, Chúa Giêsu thực hiện tam cùng với họ: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Đi đâu, ngài cũng đem họ đi theo; ở đâu, ngài cũng ở với họ; làm gì, ngài cũng làm với họ; ăn gì, ngài cũng chia sẻ với họ.
Khi sống lại, việc đầu tiên của Chúa Giêsu Phục sinh là tập họp các tông đồ tản mác, đem lại niềm tin cho họ, và gần 40 ngày còn lại trên dương thế trước khi về trời, ngài dạy dỗ họ.
Trước khi về trời, Chúa Giêsu bảo đảm cho các tông đồ 2 điều đặc biệt: một là, ma quỹ, dù mạnh đến đâu mặc lòng, vẫn không phá nổi các tông đồ; hai là, tuy về trời với Thiên Chúa Cha, ngài vẫn luôn có mặt với các tông đồ hằng ngày cho đến tận thế.
Sau khi về trời, Chúa Giêsu liền sai Chúa Thánh Thần hiện xuống để thánh hóa các tông đồ, soi sáng họ, ban sức mạnh cho họ, đưa họ đi khắp nơi trên mặt đất nầy để họ tiếp tục làm hai công việc rất quan trọng của ngài, là: vừa đi rao giảng nước trời, vừa lo cho có ơn thiên triệu, nghĩa là lo chiêu mộ và đào tạo những tông đồ kế vị mình, để tiếp tục làm công việc mở mang Nước Trời cho Chúa.
Các tông đồ đầu tiên ý thức điều nầy rất quan trọng, nên trước khi chia nhau ra đi khắp nơi hoạt động cho Nước Trời, các ngài đã chọn ngay một tông đồ mới, là Banabê, để thay thế tông đồ Giuđa đã chết. Và sau đó, trong cuộc đời mình, các tông đồ vừa đi rao giảng Nước Trời, vừa lo chiêu mộ và đào tạo những kẻ kế vị mình, như thánh Phêrô có đồ đệ là thánh Mác-cô, thánh Phaolô thì có đồ đệ là các thánh Luca, Titô và Timôtêô, thánh Gioan có đồ đệ là thánh Pôlicapô.
Giáo Hội đối với ơn thiên triệu thế nào ?
Giáo Hội xem vấn đề ơn thiên triệu là rất cần thiết vì 4 lý do sau đây:
Một, vì Giáo Hội phải được trường tồn như lời Chúa hứa, nhưng Chúa không giao công ciệc nầy cho các thiên thần hay các thánh trên trời là những đấng không chết, trái lại, ngài giao cho các vị chủ chăn đang sống trên mặt đất, những vị nầy một ngày kia sẽ chết, vì thế, phải có kẻ tiếp tục cho đến ngày tận thế.
Hai, vì Giáo Hội là tông truyền, nghĩa là phải do các tông đồ truyền lại, vì thế, phải có những kẻ kế vị các tông đồ từ đời nầy qua đời khác, không đứt quảng, cho đến ngày thế mạt.
Ba, vì Giáo Hội phải đi truyền giáo như lệnh bắt buộc của Chúa Giêsu: “Hãy đi khắp nơi, rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc!”. Giáo Hội phải luôn luôn có người ra đi rao giảng Lời Chúa khắp nơi, người còn sống kế tiếp người đã chết.
Bốn, vì Giáo Hội là công giáo, nghĩa là đạo chung cho mọi người ở khắp nơi, vì thế, phải có nhiều tông đồ ở khắp nơi để lo việc cho Giáo Hội.
Toàn thể Dân Chúa phải lo cho ơn thiên triệu: “Toàn thể Dân Chúa, không trừ ai, phải lo cho ơn thiên triệu, phải cổ võ cho ơn thiên triệu, phải góp công đào tạo cho có nhiều người dâng mình cho Chúa, cho có nhiều người hy sinh làm việc cho Nước Trời trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thể cách, trong mọi thời gian và trong mọi không gian.” (CĐ Vat.II)
Bổn phận của mọi tín hữu đối với ơn thiên triệu: “Cổ võ ơn thiên triệu là bổn phận chung của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo, trước hết là bằng đời sống Kitô-hữu hoàn toàn.” (CĐ Vat.II)
Như vậy, Công Đồng khuyên mọi tín hữu, bất luận là ai, trước hết phải sống một cuộc đời gương mẫu. Kinh nghiệm cho thấy rõ điều nầy: chỉ có cha mẹ đạo đức mới vui lòng dâng con mình cho Chúa, chỉ có ai có đức tin mạnh mẽ mới dâng mình cho Chúa, chỉ có ai yêu mến Chúa mới hy sinh giúp đỡ cho ơn thiên triệu.
Bổn phận của các gia đình công giáo đối với ơn thiên triệu: “Các gia đình công giáo phải góp phần vào việc cổ võ ơn thiên triệu bằng cách sống tinh thần đức tin, như vậy, gia đình họ chẳng khác nào một chủng viện sơ khởi rồi.” (CĐ Vat.II)
Bổn phận của các giáo xứ đối với ơn thiên triệu: “Các giáo xứ phải góp phần vào việc cổ võ ơn thiên triệu bằng cách giúp đỡ các thanh thiếu niên tham dự vào những sinh họat phong phú của giáo xứ.” (CĐ Vat.II).
Bổn phận của các nhà giáo dục đối với ơn thiên triệu: “Các nhà giáo dục phải lo huấn luyện các thanh thiếu niên đã được ủy thác cho họ, để họ có thể nghe theo tiếng Chúa gọi và đi theo Chúa một cách mau mắn.” (CĐ Vat.II).
Bổn phận của các tu sĩ nam nữ đối với ơn thiên triệu: “Các tu sĩ nam nữ phải nhớ rằng gương tốt đời sống tu trì của mình là một quảng cáo tốt nhất cho Hội Dòng mình, là lời mời gọi hữu hiệu nhất thúc đẩy kẻ khác bước chân vào bậc tu trì.” (CĐ Vat.II)
Bổn phận của các linh mục đối với ơn thiên triệu: “Các linh mục phải nhiệt thành trong việc nuôi dưỡng ơn thiên triệu. Ước gì đời sống cá nhân khiêm nhường, cần mẫn, vui tươi của các ngài, cũng như đức bác ái hỗ tương và tình huynh đệ cộng tác giữa các ngài, có sức lôi kéo tâm hồn thanh thiếu niên hướng tới chức linh mục.” (CĐ Vat.II)
Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới, có sự khủng hoảng về ơn thiên triệu: ít người đại độ dâng mình cho Chúa như trước, một vài người đã dâng mình cho Chúa rồi nhưng lại rút lui, ....
Đứng trước sự khủng hoảng về ơn thiên triệu, cũng như đứng trước những khó khăn về vấn đề nầy, tuy có lo âu sợ hãi, nhưng Giáo Hội không mất lòng trông cậy vào sự an bài toàn năng của Chúa, vì đây là vấn đề thiên triệu, nghĩa là Chúa gọi, Chúa triệu tập, chứ không phải là vấn đề nhân triệu, nghĩa là do người đời gọi, do người đời triệu tập. Vì thế vấn đề ơn thiên triệu là vấn đề của đức tin: ơn thiên triệu khủng hỏang là vì thiếu đức tin.
Thanh thiếu niên nào có đức tin mạnh mẽ, có lòng yêu mến Chúa thiết tha, thanh thiếu niên đó mới sẵn sàng nghe theo tiếng Chúa gọi để dâng mình cho ngài.
Gia đình nào sống đức tin mạnh mẽ, gia đình đó mới sẵn sàng dâng con mình cho Chúa.
Giáo xứ nào sống sốt sắng đạo đức, giáo xứ đó mới có nhiều người dâng mình cho Chúa.
Vấn đề ơn thiên triệu là vấn đề của Chúa gọi. Chúng ta hãy hết lòng trông cậy vào Chúa. Chúng ta hãy sống đức tin mạnh mẽ. Chúng ta hãy sống đạo đức sốt sắng. Chúng ta hãy treo cao gương tốt. Chúng ta hãy sống quảng đại với Giáo Hội.
Và nhất là, chúng ta phải cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu như lời Chúa dạy: “Nầy các con, mùa màng thì bát ngát, mà thợ gặt lại hiếm hoi. Các con hãy cầu xin Chủ ruộng sai thêm nhiều thợ gặt đến gặt lúa cho Người.”


Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang