PDA

View Full Version : Tản mạn đời tu 1 - Khêu ngọn đèn tàn



littlewave
11-04-2008, 09:31 PM
Trong các sứ điệp phát đi từ Medjugorje, Đức Mẹ luôn tha thiết kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho các LM. Mời các bạn nghe những lời tâm tình của Cha Nguyễn Minh Đức dcct để gần gũi cảm thông với các LM nhiều hơn như Cha Michel Quoist đã từng viết: “Người ta đòi hỏi rất nhiều ở người linh mục, và có lẽ đúng như thế. Nhưng họ cũng nên hiểu rằng làm linh mục không phải là chuyện dễ dàng. Người linh mục đã cho đi tất cả thời thanh xuân của mình, nhưng họ vẫn mang thân phận con người, và vì thế mỗi ngày 'con người ấy' nơi vị linh mục, muốn tìm cách lấy lại những gì mà mình đã từ bỏ hoặc dâng hiến. Thật là một sự chiến đấu và giằng co liên tục để có thể hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.”

Khêu ngọn đèn tàn

Phaolô, tông đồ của Đức Kitô Giêsu, gởi Timôthê, người con chí ái. Tôi muốn nhắc anh nhớ khêu lên ân huệ Thiên Chúa ban xuống trong anh qua việc tôi đã đặt tay (2Tm 1,6)

Thánh Phaolô viết những lời này cho người con yêu dấu của ông là Timôthê, người con mà chẳng biết ông đã đặt tay trao sứ vụ linh mục hay giám mục. Đây thật là những lời tâm huyết cha viết cho con vào lúc cuối đời, khi biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa. Người cha ấy lại đang sống cô độc vì nhiều người thân tín đã lìa bỏ ông. Ông nhắc Timôthê hãy khêu lên lại ân huệ Thiên Chúa đã ban ngày ông chịu chức. Ngày ấy chắc Timôthê phải đầy nhiệt huyết, phải bừng lửa nhiệt thành. Ngày tháng dần qua, lửa ấy chắc có yếu đi, tim đèn cháy mãi đã mềm đã rã. Phaolô nhắc con mình hãy khêu lên lại cho nó cháy sáng như thuở ban đầu: xông xáo và nhiệt thành truyền giáo. Mình như ngọn đèn cháy đã khá lâu, 4 năm rồi còn gì, lẽ ra phải khêu lên lại từ lâu. Nhưng thôi, chẳng bao giờ trễ cả. Xin Chúa cho ngọn đèn con lại sáng tỏ, xin giúp con nhìn lại ân huệ Chúa đã thương ban khi Ngài lên tiếng gọi.

Trong Kinh Thánh có nhiều câu chuyện về việc Thiên Chúa kêu gọi người ta làm việc cho Ngài, trong các câu chuyện đó, mình thích nhất chuyện Chúa gọi ông Abraham. Vào cái thuở mà các dân trên thế giới này thờ đủ thứ thần thì Thiên Chúa muốn lập cho mình một dân riêng, dân này chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi. Ngài đã chọn lựa thế nào nhỉ ? Thuở ấy có nhiều dân tộc rất hùng mạnh, chỉ cần Chúa tung vài đường sấm chớp, núi lửa, động đất ... là thu phục được ngay. Thuở ấy có nhiều gia tộc giàu sang phú quý, bao nhiêu là hoàng tộc, thế mà Chúa lại không chọn. Chúa không chọn số nhiều, Chúa chỉ chọn có mình ông Abraham thôi. Té ra Chúa muốn con độc mà cháu đàn.

Ông Abraham này là dân du mục, đám dân lang thang nay đây mai đó, cuộc sống bấp bênh chỉ biết nhờ Trời, ông Trời cho mưa thuận gió hòa thì no, ông lên cơn sốt cơn rét thì đói. Thế giá gì đâu đám dân này ! Nhưng cái hâm hâm chập chập nhất của Thiên Chúa ấy là Chúa đã chọn ngay một ông già hết pin để từ đó dân Chúa theo nhau chào đời. Ông cụ 75, bà vợ thua ông 10 tuổi mà lại vô sinh. Cơm cháo gì nữa mà chọn. Cụ Abraham cũng biết thân biết phận lắm. Vào một đêm cụ thưa với Chúa rằng: "Chúa coi, con không có con cái, nếu Chúa không ban cho con một dòng dõi thì một gia nhân trong nhà sẽ thừa kế gia nghiệp của con". Chúa nói với ông: "Gia nhân ngươi sẽ không phải là kẻ thừa kế đâu, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế gia nghiệp của ngươi". Nói rồi Chúa đưa ông ra khỏi lều và phán: "Hãy ngước mắt lên trời và thử đếm các vì sao xem có đếm nổi không. Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó". Bẳng đi đến 25 năm chờ đợi một lời hứa, cụ Abraham đúng 100 tuổi thì có đứa con đầu lòng. Cụ bà Xara 90 tuổi đẻ con so ! Bà Xara khi ấy thật hạnh phúc, chắc là nhe hàm răng cái còn cái mất mà nói thế này: "Thiên Chúa đã làm cho tôi cười và tất cả những ai nghe biết sẽ cười tôi. Có ai trên đời này dám báo trước cho ông Abraham rằng Xara sẽ cho con bú ? Thế mà tôi đã sinh cho ông một con trai khi ông đã về già". Từ cậu Isaac, dân Chúa tăng lên khiến Pharaô cũng khiếp sợ. Sợ chứ, ngay chính mình đây cũng là con cháu Abraham mà !

Hóa ra việc truyền giáo tức là làm gia tăng dân Chúa là do Chúa chứ chẳng do mình, do Chúa chứ đâu do ông Abraham hay bà Xara. Khô cằn như hai ông bà cụ này mà vẫn mơ có con tức là vẫn mơ tăng dân số thì việc truyền giáo đâu có phụ thuộc vào chuyện thuận tiện hay không thuận tiện.

Việc Chúa chọn ông Abraham khiến mình suy nghĩ. Tại sao Chúa không chọn một thanh niên trẻ khỏe đẹp trai giàu có mà lại chọn một cụ già 75 để làm công việc gia tăng dân số. Vì ông có nhiều tính tốt nên được chiếu cố chăng ? Không thấy Kinh Thánh ca tụng chuyện này, trái lại, Kinh Thánh cho thấy ông là người nhát gan: thà mất vợ chứ không mất mạng. Số là có nạn đói trong vùng khiến Abraham phải qua Ai-cập lánh nạn. Bà Xara dù tuổi đã 65 nhưng nhan sắc vẫn mặn mà. Sắc đẹp của bà khiến ông sợ người Ai-cập sẽ giết ông để cướp bà. Ông nói với vợ: "Bà cứ nói bà là em tôi. Vì bà, người ta sẽ xử tốt với tôi. Nhờ bà, tôi được sống". Quả đúng như Abraham tính toán. Muốn lấy lòng người đẹp nên người ta biếu ông anh đủ loại súc vật, tặng luôn cả tôi trai tớ gái, còn bà thì họ dâng lên cho Pharaô ! May mà Chúa can thiệp, giáng tai họa xuống gia đình Pharaô khiến ông ta thắc mắc điều tra. Nhờ vậy, Abraham mới giữ được vợ. Mà nào có phải Kinh thánh chỉ kể lại có một chuyện ấy đâu, còn một chuyện khác nữa tương tự, nhung thay vì Pharaô thì là vua Amaléc xứ Gơra. Còn chuyện đứa con ruột Ismael và nàng hầu Aga nữa chứ. Abraham biết cả hai sẽ chết trong sa mạc vì sự ganh ghét của bà Xara mà có làm gì đâu. Nếu ông Abraham không xuất sắc lắm như thế mà lại được chọn làm tổ phụ dân Chúa thì vì lẽ gì ?

Xin thưa là vì Chúa thích như thế. Chúa thích là Chúa chọn, chẳng có cái lý cái lẽ nào hết. Thiên Chúa hoàn toàn tự do, Người muốn là Người làm, chẳng cần phải theo cái mà loài người chúng ta cho là hợp lý. Thiên Chúa đã phán về Esau và Giacóp ngay khi còn trong bụng mẹ: đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé. Chúa thích thế, chẳng có lý do gì cả, chúng còn đang trong bụng mẹ cơ mà ! Vậy nếu Chúa đã gọi mình, tách riêng mình ra để làm việc cho Chúa thì đó là do Chúa muốn thế. Ngay từ trong bụng mẹ, Chúa đã chấm mình rồi, như đã chấm Giacóp chứ không phải Esau. "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi. Ta đã đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân" (Gr 1.5). Ngay từ trong lòng mẹ nghĩa là mình chẳng có công đức chi cả. Mà nếu chẳng vì cái gì cả thì việc Chúa nhìn đến mình là một ân huệ. "Bởi ơn mà được chọn, nếu do công này việc nọ thì ơn không còn là ơn" (Rm 11,5) "Tôi nhắc anh nhớ khêu lên ân huệ" ấy.

Nếu Chúa nhìn đến mình hẳn là vì Chúa yêu mình, một tình yêu vô điều kiện, tức là yêu mà chẳng vì cái gì nơi mình cả. Thiên Chúa đã từng nói với ông Môsê: "Ta sẽ thương kẻ Ta thương, Ta sẽ xót kẻ Ta xót." (Rm 9,15) Thánh Phaolô thì nói rằng: "Không phải tùy kẻ muốn hay người chạy, song là tùy vào Thiên Chúa đoái thương ... Người thương xót ai tùy ý Người muốn và làm cứng lòng ai tùy Người muốn." (Rm 9,18) Ngôn sứ Isaia còn nói bạo hơn: "Ta đã cho những kẻ không kiếm Ta gặp được Ta. Những kẻ không tìm hỏi Ta, Ta đã tỏ mình ra cho chúng" (Rm 10,20) Mình đã được yêu thương chọn lấy một cách nhưng không, Người đã nghiêng mình xuống, và ân huệ ấy hôm nay phải được khêu lên để ánh sáng của nó bao trùm tâm hồn mình, đốt nóng lên lòng nhiệt thành đã nguội mất rồi.
Đã thương chọn mình, Chúa chưa cho như thế là đủ. Trước khi mình thề thốt giao ước với Chúa thì Chúa đã tự ý giao ước với mình. Sau khi Chúa chọn ông Abraham, một hôm Người bảo ông hãy xẻ đôi một con bò, một con chiên, một con dê, một con chim gáy, một bồ câu. Theo phong tục Đông phương cổ thời, đó là chuẩn bị cho lễ kết ước. Người ta sẽ đặt nửa này đối diện với nửa kia làm thành một lối đi ở giữa. Hôm ấy, Thiên Chúa vừa nói lời giao ước với Abraham vừa lấy hình một lò lửa rực cháy mà đi qua giữa các con vật bị xẻ đôi ấy. Nếu Thiên Chúa không giữ giao ước yêu thương với Abraham mà cụ thể là sẽ ban cho ông một dòng dõi, một vùng đất, và thiên hạ sẽ nhờ dòng dõi ông mà được phúc lành thì Thiên Chúa sẽ bị phanh thây như các con vật đó. Có ông vua nào trên trần gian này dám giao ước với dân mình như thế không ? Có ông chủ nào giao ước với đầy tớ như thế không ? Có người cha nào thề với con mình như thế không ?

Bảo rằng: Nếu Thiên Chúa vi phạm giao ước thì Người sẽ bị phanh thây không phải là nói ngoa. Trong sách Giêrêmia, chính Thiên Chúa nói về những kẻ vi phạm giao ước thế này: "Những kẻ đó Ta sẽ biến thành một con bò tơ cho người ta xẻ làm đôi và băng qua giữa hai phần. Xác chúng sẽ là thức ăn cho loài chim trên trới và thú vật dưới đất" (Gr 34,18). Mà nào ông Abraham có dám đi qua đâu, chỉ có mình Chúa đi qua lối ấy. Chúa đã chọn Abraham và yêu mến ông, Chúa cũng chọn mình và yêu mến mình. Nếu Chúa chọn mà không yêu mình thì Chúa vi phạm giao ước, Thiên Chúa sẽ là một Thiên Chúa chết, biến mất trên cõi đời này. Thiên Chúa như người cha mời gọi mình là con hãy làm việc cho Người, xây gia nghiệp cho cha cũng là xây gia nghiệp cho con. Không một người cha nào trên trần gian này có lòng yêu con như Thiên Chúa. Đức Giêsu, người biết rõ cha mình nhất, Ngài khẳng định: "Không ai biết Cha trừ ra con" cơ mà, Ngài đã nói thật mạnh thế này: "Anh em đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một cha là Cha trên trời". Dám nói như thế, vì chẳng có ai trên trần gian này xứng đáng là cha hơn Thiên Chúa. Cha dưới đất chỉ là hư không nếu có ai đó muốn đem đặt cạnh Cha trên trời.

Thiên Chúa tự buộc mình vào giao ước với Abraham. Kinh thánh không nói đến việc ông đi qua các con vật bị xẻ đôi đó. Lẽ ra giao ước thì phải đôi bên chứ, đàng này Thiên Chúa đã chứng tỏ tình yêu của Ngài trước rồi tùy mình đáp lại. Ấy cũng là ân huệ giờ này mình phải khêu lên. Mình không biết có bao nhiêu người trên thế giới vào lúc ấy, nhưng Chúa chỉ thấy có một mình Abraham. Tại sao thế giới đông người, Chúa chỉ thấy riêng con ?

Chúa đã chọn ai rồi thì Chúa bỏ cả trời mà đi theo người ấy. Chọn Abraham, Chúa nói: Đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi. Chúa ở với Abraham nhiều khi chính ông không thấy nhưng người khác lại thấy, dân ngoại thấy. Vua Avimêléc thốt lên rằng: "Thiên Chúa ở với ông trong tất cả những gì ông làm". Khi Chúa chọn ông Môsê, ông hoảng hồn: "Con là ai mà dám đến với vua Ai-cập và đưa con cái Israel ra khỏi đó". Chúa bảo: Ta sẽ ở với ngươi. Israel băng qua Biển Đỏ, quân Ai-cập vất vả rượt theo vì Chúa tạo ra nhiều trở ngại. Họ nói với nhau: "Ta phải trốn bọn Israel thôi, vì Đức Chúa giúp họ chống lại ta". Dân Chúa đang mãi miết chạy chắc không thấy Chúa đang chạy với họ, còn quân Ai-cập thì thấy. Dân vào sa mạc, Chúa bảo họ làm cho Ngài một cái lều để Người ở giữa họ. Lều dân vây quanh lều Chúa thật dễ thương. Chúa bảo lên đường thì nhổ trại, Chúa bảo nghỉ ngơi thì hạ trại. Hình ảnh dễ thương ấy lưu truyền trong lòng dân Chúa từ đời này sang đời khác. Mãi đến 100 năm sau công nguyên, khi thánh Gioan viết sách Khải Huyền, hình ảnh ấy vẫn còn sâu đậm. Để tả thành thánh Giêrusalem trên trời, thánh Gioan viết: Đây là lều tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Trên trời mà vẫn còn tạm !

Ngày Đức Mẹ xin vâng thì Ngôi Hai về ở trong lòng Mẹ. Mẹ thấy chứ, cái thai nó cọ quậy trong bụng mình ! Bà Êlisabét cũng thấy, bà ngợi khen: Đáng chúc tụng thay hoa quả lòng Bà. Người Do-thái vẫn thường gọi Thiên Chúa là Đấng Đáng Chúc Tụng. Bé Gioan đang ở trong bụng mẹ cũng thấy, nó mừng vui nhảy nhót. Giáo dân họ kính trọng mình, họ thường nhờ mình cầu nguyện, vì họ nghĩ mình gần Chúa hơn. Họ thấy Chúa ở với mình mà lắm khi mình không thấy, hay tệ hơn, lại nghĩ rằng Chúa bỏ con rồi.

Có ai buộc Thiên Chúa phải ở với người Chúa chọn đâu. Có ai buộc Chúa phải sống lang thang trong sa mạc nay đây mai đó với dân Chúa chọn đâu. Có ai buộc Thiên Chúa phải xuống ở trong cung lòng một cô thôn nữ làng Nagiarét, lớn lên giữa đám dân quê nghèo đâu. Có ai buộc Chúa phải ở trong cái bánh bé tí xíu trong nhà tạm kia đâu. Tất cả chỉ vì Thiên Chúa yêu thương muốn ở với dân Người, nhất là những kẻ được Người tách riêng ra như mình. Ngay từ thuở tạo dựng Thiên Chúa đã muốn thế rồi. Chiều chiều, khi gió thổi hiu hiu, Thiên Chúa tản bộ trò chuyện với ông bà Adam Eva. Rồi khi Chúa Giêsu về trời, câu từ giã lại là Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Anh em ở đây hiểu là toàn thể dân Chúa, nhưng trước tiên nhắm đến những người đang có mặt: những kẻ được chọn và sai đi. Mình cũng nằm trong số đó. Bao giờ mình nói được như thánh Gioan: "Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng tôi. Chúng tôi đã được nhìn ngắm vinh quang Ngài ..." Mình như ngọn đèn Chúa giao cho nhiệm vụ chuyển tải ánh quang Thiên Chúa. Đã 4 năm, tim lụt bấc tàn, có khi giông gió tưởng làm cho tắt ngúm. Phải khêu lên để thấy ân huệ dẫy tràn.

Lm Nguyễn Minh Đức dcct (Dalat 2002)