PDA

View Full Version : SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ ƠN GỌI



mariakimyen
24-03-2010, 06:48 PM
SƠ LƯỢC LỊCH SỬ ĐỜI TU
Sau khi Chúa Giêsu lên trời và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên cộng đoàn các tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem, ta thấy họ đáp lại lời mời gọi của Chúa sống triệt để các lời khuyên phúc âm. Sách Công vụ mô tả đời sống của họ như sau: sống chung, bẻ bánh, chia sẻ của cải (Cv 2, 42-47; 4, 32-37)
Từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội, các trinh nữ và những nhà khổ chế đã dấn thân vào con đường từ bỏ. Sau những thế kỷ đầu tiên bị bắt bớ, nhiều người nam cũng như nữ sản sinh ra một lối sống hoàn toàn hiến dâng cho Chúa, lối sống khiết tịnh, cầu nguyện, từ bỏ và bác ái.
Từ thế kỷ thứ 3, một số người rút lui một mình vào sa mạc (tu rừng) trong khi những người khác họp nhau lại thành cộng đoàn (tu trong cộng đoàn). Từ đó khởi động cuộc phiêu lưu lạ lùng của các đan sĩ.
Đời đan tu lan nhanh ở phương đông nhờ thánh Basile (mất năm 379). Thánh Benoit (mất năm 543) sáng lập lối sống đan viện ở phương tây. Các tu viện mọc lên nhanh chóng ở Châu Âu và trở thành thành trì của đức tin cũng như thành nơi ẩn náu của nền văn minh, trái tim sống động của Kitô giáo.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ 10, các tu viện quy tụ lại với nhau. Dòng Cluny quy tụ tới hơn một ngàn nhà. Vài dòng đan tu khác được thành lập vào thế kỷ 11 (Camaldules, Chartreux).
Từ thế kỷ 12, có vài canh tân, nhất là trong việc tìm kiếm một đời sống giản dị hơn. Chính trong giai đoạn này mà ta tìm thấy những vị thánh như thánh Bernard và sự canh tân theo kiểu của Dòng Xitô (Dòng Xitô được thành lập vào năm 1098).
Đầu thế kỷ 13, toàn dân Kitô Hữu muốn có sự đổi mới về mặt tinh thần. Thánh Thần đáp lại ước muốn sâu xa của Dân Chúa, bằng cách khơi dậy những con người có khả năng đem lại sự đơn sơ và sức mạnh của Tin Mừng, ngay giữa một thế kỷ mà văn minh đô thị và đối lưu hàng hóa đang phát triển mạnh. Đó là Thánh Phanxicô thành Assisie, “người tình của Bà Chúa Nghèo”, và thánh Đaminh. Hai vị thánh này hình thành một kiểu tu trì mới. Các Dòng ăn mày Phan sinh và Đaminh, không đất đai, không của cải, chuyên chăm rao giảng Tin mừng và sống giữa dân chúng. Vào thời kỳ này, đời tu được tổ chức có hệ thống: có ba lời khấn rõ ràng, tổ chức việc quản trị nội bộ có tính tập trung.
Vào thế kỷ 16 xuất hiện các Dòng giáo sĩ triều (Việt Nam quen gọi là Dòng Tên, hay Dòng Chúa Giêsu thành lập năm 1540 do thánh Ignace de Loyola) gồm hầu hết là linh mục nhằm mục đích thánh hóa đời linh mục của họ. Lo lắng cho sự tự do và hiệu quả của việc tông đồ, họ bỏ bớt một số đặc điểm quan trọng của đời đan tu như là: hãm mình đền tội, hát kinh nhật tụng, tổ chức tu nghị. Vào thế kỷ 17, Thánh Vincent de Paul cho ta một hình thức lịch sử của việc tận hiến cho Chúa trong hoạt động tông đồ.
Sự phát triển của đời tu nữ khó thấy hơn. Từ trước tới giờ các Dòng nữ chỉ là Dòng nhì của một Dòng nam (tên gọi Dòng nhì này không thích hợp ngày nay nữa). Vào thế kỷ 16, xuất hiện những Dòng nữ độc lập, đáng kể nhất là các Dòng có mục đích tông đồ và bác ái (Dòng Ursulines ở thế kỷ 16, Dòng Nữ tử Bác ái thế kỷ 17).
Sau những sóng gió của cuộc Cách Mạng Pháp, nở rộ các hội dòng nam nhất là hội dòng nữ đa số nhắm vào việc tông đồ hay bác ái (gíao dục, phục vụ người nghèo v.v…)
VÀI ĐOÀN SỦNG LỚN CỦA ĐỜI SỐNG TU TRÌ (P.C 1-14)
Những hội dòng dấn thân làm việc tông đồ:
Hoạt động tông đồ là trọng tâm của đời sống tu trong các hội dòng này tùy theo đoàn sủng của vị Sáng Lập. (Thí dụ đoàn sủng của Dòng Don Bosco nam và nữ (còn gọi là Don Bosco Salêsiên) là yêu thương thanh thiếu niên nghèo, cùng khốn, bị bỏ rơi). Bí quyết để thực hiện sự kết hợp giữa đời tận hiến và hoạt động tông đồ là sự kết hiệp thân tình với Chúa Kitô.
Những dòng tu sống trong đan viện và tu viện
Tự bản chất, đời sống đan viện không chỉ đơn thuần là chiêm niệm hay hoạt động, nhưng là cả hai với dấu nhấn đặt trên “việc phụng sự Thiên Chúa Cao cả, cách khiêm tốn nhưng đồng thời cao quý, trong phạm vi đan viện” (P.C 9). Đan viện và tu viện có những đặc điểm riêng như: đời sống chung rất quan trọng, các đan sĩ sống ổn định trong đan viện, lòng mong muốn tách biệt với thế gian qua các giờ kinh nhất định trong ngày.
Những hội dòng sống đời tu trì giáo dân
Đời sống này “tự nó làm thành một bậc sống đầy đủ để khấn giữ các lời khuyên phúc âm” (P.C 10) và rất hữu ích cho nhiều hình thức hoạt động tông đồ. Thí dụ như các hội dòng của các sư huynh.
Các tu hội đời
“Những tu hội đời, tuy không phải là dòng tu, nhưng cũng có lời khấn thực sự và trọn vẹn, và được Giáo Hội công nhận để giữ các lời khuyên phúc âm ở giữa đời.” (P.C 11) Sứ mạng của họ là làm việc tông đồ giữa đời và như phát sinh từ lòng đời, không cần thiết phải sống thành cộng đoàn.
Các diễn giải trên đây cho thấy các hình thức khác biệt sống ơn gọi trong Giáo Hội. Điều cơ bản vẫn là một: hiến thân cho Thiên Chúa qua việc bắt chước Chúa Kitô khó nghèo, khiết tịnh và tuân phục.
http://maxreading.com/?chapter=4649