PDA

View Full Version : Tản mạn đời tu 2 - Theo mãi một Người



littlewave
12-04-2008, 10:47 PM
Theo mãi một Người

Đức Giêsu vừa lên đường thì có một người chạy đến quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: "Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" Đức Giêsu đáp: "Sao anh nói tôi là nhân lành ? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các giới răn: chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp. chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ". Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ". Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi". Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,17-22)

Thuở xưa, khi Thiên Chúa chọn ai làm việc cho Chúa thì Người nói chuyện với họ cách rõ ràng lắm, như trường hợp của ông Abraham, của Môsê, của ngôn sứ Isaia ... Chúa chọn thánh Giuse thì Người toàn nói chuyện qua giấc chiêm bao, Tin Mừng thời thơ ấu của thánh Mátthêu có 48 câu thì mơ hết 4 lần, trung bình cứ 12 câu mơ một lần. Phải chi bây giờ Chúa muốn chọn ai thì Người cũng tỏ mình ra cụ thể như thế thì đỡ biết mấy, mình khỏi phải giải đáp câu hỏi rất thường hay gặp: cha thấy con có ơn gọi không cha ? Ơn gọi của cha, cha còn không thấy làm sao thấy được ơn gọi của con ! Ngày xưa Chúa ở xa người ta quá, muốn gọi ai thì Người bay đến gặp, như thiên thần Gabriel đến gặp Đức Mẹ vậy. Bây giờ thì Chúa đã phục sinh, chẳng còn tường lũy, không gian hay thời gian, hữu hình hay vô hình nào ngăn cách nổi, nên Chúa ở quá gần, ngay trong tâm lòng người ta, cho nên bây giờ người ta chỉ nghe tiếng gọi, nhè nhẹ và mơ hồ từ trong chính mình: "Hãy theo Ta". Ai lắng tai thì nghe. Lắng trong cầu nguyện sẽ nghe, còn nếu Chúa không chịu nói tức là gật đầu, cứ thế mà theo, đúng sai bây giờ không phải tại con mà tại Chúa !

Chúa gọi: "Hãy theo Ta", không phải đi theo thập giới cũng chẳng đi theo luật dòng, nhưng đi theo một con người có thể thọc tay vào cạnh sườn được. Đi tu là theo sát Chúa Kitô, sát chứ không phải cách xa vài chục mét. Mình vốn yếu đuối, theo sát có tai nạn gì may ra Chúa còn cứu kịp, xa quá lỡ khi có chuyện Chúa có “bay tới” cũng chậm mất rồi.

Có một sự thật hơi bị đau lòng, ấy là có nhiều người giữ đạo đồng nghĩa với giữ 10 điều răn Đức Chúa Trời và 6 luật điều Hội Thánh. Người ta bị các giới răn luật lệ ràng buộc hơn là ánh mắt Thiên chúa nhìn mình mà đem lòng yêu mến. Người ta quên mất, đi đạo là đi theo một con người. Ra giải tội ngoài Bắc, mình gặp thấy những kiểu xưng tội luật ơi là luật. Thưa cha, điều răn thứ nhất con không phạm, điều răn thứ hai con kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ 10 lần, điều răn thứ ba con không phạm, điều răn thứ tư con có cãi lại mẹ con ... Để ý mà xem, có nhiều người dân tuân thủ luật lệ rất đàng hoàng nhưng không hề biết ai là chủ tịch nước ! Mình đi tu phải theo sát Chúa hơn người sống ngoài đời, Chúa muốn mình phải vậy mà người ta cũng đòi mình phải vậy. Ánh mắt nhân ái khoan dung kia còn hơn cả giới luật. Khi mình chưa bước theo thì ánh mắt ấy đã theo mình tự lúc nào rồi. Chúa nói với Nathanael mà như nói với mình: "Lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi". Thánh Phêrô đã gặp ánh mắt ấy sau khi chối Thầy 3 lần và ông òa khóc nức nở. Lòng của người môn đệ khi ấy mới chạm đến lòng Thầy, để rồi ông sẽ nói lên: Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy. Đó là mối liên hệ riêng biệt một Thầy một trò không ai có thể có được, không có mẫu số chung. Trong nhà dòng mình cũng có mấy cha được yết kiến Đức Giáo Hòang. Thật hãnh diện và hạnh phúc. Kinh nghiệm đích thân ấy ăn đứt mấy cái tông thư tông huấn bác học.

Người thanh niên đến gặp Đức Giêsu đã giữ các giới răn từ thuở bé nhưng vẫn thiếu một điều: phải "giữ" ông Thầy này, phải "giữ" cái người làm ra luật đây này. Nếu đem cái câu "nhất nam viết hữu thập nữ viết vô" mà áp dụng ở đây thì có thể nói "nhất Sư viết hữu, thập giới viết vô" nghĩa là nếu có Thầy thì kể là có, còn có cả mười giới răn mà không có Thầy thì vẫn kể là không. Thật vậy, Chúa Giêsu bảo bán hết cả đi mà, chỉ cần duy nhất một điều thôi: hãy theo Ta. Tin Mừng nói Đức Giêsu nhìn chàng thanh niên mà đem lòng yêu mến. Ngài lấy lòng yêu mến mà kêu gọi anh ta trở nên môn đệ Ngài. Gác hết mọi thứ qua một bên đi, không những của cải mà cả cái tự hào giữ các giới răn từ thuở bé nữa. Ở đây chỉ có Thầy, trò và một mối dây yêu thương mà thôi.

Kết thúc Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Chúa Giêsu nói gì ? Hãy đi thâu nạp môn đệ, rửa tội cho họ, dạy cho họ Lời Chúa ... Cái trước hết là thâu nạp môn đệ, nghĩa là xây dựng cái tình thầy trò, cái nhìn nhau mà đem lòng yêu mến. Đâu có phải người ta đói, đem một bao gạo tới rồi đè đầu người ta xuống rửa tội rồi bảo họ là môn đệ Chúa Kitô. Đâu có phải là vô lớp dạy ráo riết dăm bữa nửa tháng như dạy toán lý hóa sinh. rồi trả bài, rồi rửa tội, rồi bảo rằng đó là môn đệ Chúa Kitô. Vì vậy, dạy giáo lý dự tòng quan trọng nhất vẫn là tạo cho được cái quan hệ Thầy trò yêu thương đó, chứ không phải là nhồi nhét một mớ lý thuyết kinh kệ.

Người sống ngoài đời còn cần có quan hệ thiết thân với Chúa Giêsu huống nữa là mình. Lắm khi mình chạy đầu nọ đầu kia tối tăm mặt mũi cả ngày, bỏ vắng nhà nguyện. Ừ thì mình cũng có thể bao che rằng mình làm việc cho Chúa chứ đâu có làm gì khác đâu, có thể nhớ tới Chúa trong công việc, vừa làm vừa cầu nguyện ... nhưng hình như đó chỉ là lấp liếm không thật ... Công việc nó quay mình như chong chóng cả ngày, về tới nhà mệt phờ ra, kinh kệ qua loa chiếu lệ. Rồi một hôm bỗng thấy mình làm việc như một công chức, không phải của nhà nước mà của nhà dòng. Hình như những công việc mình làm giáo dân họ cũng có thể làm được, mà có khi làm hay hơn. Mình là kỹ sư, là nhà hoạt động xã hội, giáo sư, y sĩ, văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, giáo sĩ, lung tung sĩ ... mà quên làm tu sĩ, quên theo sát Chúa Kitô.

Các gia đình ở ngoài đời cũng thường rơi vào hoàn cảnh như mình. Mới yêu nhau thì thân mật lắm, cưới nhau là bước vào thời trăng mật, mật nào cũng ngọt như đường cát mát như đường phèn. Chẳng được bao lâu, cả hai đều phải lè lưỡi kiếm ăn, thân mật với trăng mật đội nón ra đi, giờ chỉ còn lại dập mật. Làm việc là xây dựng gia đình mà. Cả hai ông bà thường xuyên cơm hàng cháo chợ, chẳng còn thời gian dành cho nhau nữa. Tình yêu dần dần ra nhạt, ông bà quên mất cái gốc do đâu mà có gia đình mình. Nhớ sao cái thuở ban đầu hạnh phúc, có nhau là ưu tiên 1. Gốc gác đời tu mình cũng thế thôi, mình với Chúa có nhau là ưu tiên một, nếu mối tương quan ấy nằm đúng ở vị trí số một tức là đi tu.

Có bà cụ bảo cháu thế này: đi tu đi cháu, bảo đảm nước thiên đàng, sống ở ngoài cheo leo lắm. Đi tu là tìm cõi sống thanh nhàn đời đời kiếp kiếp chẳng cùng Amen ư ? Vậy là đối với bà cụ, đi tu là để cho mình sướng, cho dù là sung sướng thiêng liêng đi nữa. Vậy thì đi tu là đi tìm mình, tìm thoải mái cho mình, Chúa có kí lô gam nào đâu. Thánh Gioan khi viết Tin Mừng đã để cho Chúa nói câu đầu tiên thế này: "Các ngươi tìm gì ?" Tìm Chúa hay tìm chốn thanh nhàn ... Người thanh niên gặp Chúa cũng muốn tìm chốn thanh nhàn làm gia nghiệp. Anh ta chỉ mong tìm mình và không muốn bán cái gì của mình hết. Chúa thì ngược lại, Ngài chỉ muốn anh ta có duy nhất một mình Ngài làm gia nghiệp. Anh muốn có sự sống đời đời làm gia nghiệp ư, quăng luôn cái sự sống đời đời của anh đi, Ta là thiên đàng đây này, Hãy theo Ta !
Mình tìm Chúa hay công việc của Chúa ? Mình nhớ ngày khấn trọn đời mình đã chọn một câu của thánh Phaolô làm kim chỉ nam cho đời mình. Có một thời gian đã trôi qua từ ngày ấy, có niềm vui thành công, có nỗi buồn thất bại trong việc tông đồ, có vết thương vì đã không giữ tròn lời khấn, có niềm vui ngây ngất khi cảm nghiệm Chúa ở cùng, bây giờ có lẽ mình phải thêm vào chút ít: Tôi coi tất cả là thiệt thòi, kể cả công việc của Chúa, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, kể cả công việc của Chúa, và tôi coi tất cả là rác rến, kể cả công việc của Chúa, để được có Đức Kitô, và được thuộc về Người. Cả cuộc đời thánh Phaolô trước và sau khi ngã ngựa đều là "đuổi theo để mà chiếm đoạt", đều là hung hăng làm sao bắt cho được Chúa. Trước thì ông muốn Chúa biến mất trên cõi đời này, sau thì ông ra công tìm cho bằng được. Tất cả chỉ vì một cái chụp bắt.

Mình cũng bị túm lấy rồi, nhưng lề mề chậm chạp, có ráo riết truy tìm Chúa đâu !

Lm Nguyễn Minh Đức dcct