PDA

View Full Version : CUỘC ĐỜI CHA PADRE PIO - phần VII: KỶ NGUYÊN MỚI



littlewave
12-04-2008, 11:27 PM
I

Thế Chiến II bùng nổ và Cha Piô tiên đoán nước Ý sẽ là quốc gia đầu tiên tìm giải pháp đình chiến.
Ngài nói, "Tôi không sợ cuộc chiến, mà là hậu chiến."
Và rồi cuộc chiến gia tăng dữ dội khiến ngài nhớ đến Thế Chiến I. Những hình ảnh đau thương khủng khiếp mà ngài đã thấy ở bệnh viện Naples, là nơi ngài phục vụ trước đây, dường như sống lại trong tâm trí, mãnh liệt đến độ ngài phải chảy nước mắt.
Một ngày kia, có tu sĩ thấy mắt ngài đỏ hoe. "Tại sao cha khóc?"
"Làm sao tôi không khóc được khi thấy con người tìm cách giết hại lẫn nhau bằng mọi giá."

Chiến tranh đã làm gián đoạn mọi sinh hoạt trong đời sống, và đương nhiên nó gián đoạn cả việc học của sinh viên y khoa Ezio Saltamerenda ở Genoa. Cuộc đời anh phải trải qua nhiều thử thách; khi ở tuyến đầu trong trận chiến anh trông thấy đồng đội gục ngã như sung rụng; khi thì bị thương nặng ở Tobruk, Phi Châu; sau cùng thì anh bị bắt và cảm được sự kinh hoàng của trại tập trung Đức Quốc Xã. Dù đã trải qua tất cả những thảm cảnh ấy, khi giải ngũ và sau khi lập gia đình, anh vẫn bảo vệ và tuyên truyền cho chủ nghĩa vô thần.

Qua một cơ hội gặp gỡ với Mario Cavaliere, người con tinh thần của Cha Piô, Saltamerenda, bây giờ là bác sĩ, nhìn thấy tấm ảnh lớn của Cha Piô trên bàn giấy của Cavaliere và bỗng dưng Bs. Saltamerenda cảm thấy khô cuống họng như tắc nghẹn. Cavaliere nhận thấy điều đó và kể cho Bs. Saltamerenda nghe về Cha Piô. Chiều hôm ấy, Bs. Saltamerenda rời Genoa đến Rôma. Và tối hôm ấy, ông nghe có tiếng trong lòng, như ra lệnh và nhấn mạnh đến việc ông phải đến San Giovanni Rotondo. Không thể nào cưỡng được, khuya hôm ấy ông đến Foggia thật sớm đến nỗi xe buýt chưa chạy, nên ông phải dùng xe taxi để tiếp tục cuộc hành trình đến San Giovanni Rotondo.
Bs. Saltamerenda bước vào nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn và tiến đến phòng áo, nơi có vài người đang chờ Cha Piô đến để cử hành Thánh Lễ. Từ từ đám người càng đông hơn. Và bóng dáng khập khiễng, đen ngòm của Cha Piô xuất hiện ở cửa, tiếng xì xầm bắt đầu nổi lên. Bs. Saltamerenda lại cảm thấy cổ họng như tắc nghẹn, và đột nhiên ông cảm thấy muốn khóc. Khi Cha Piô đi ngang qua, các giáo dân quỳ xuống và cố hôn tay ngài.

Nhưng Bs. Saltamerenda vẫn đứng sững ở góc phòng, như tê liệt. Ông tự hỏi, Tại sao mình lại ở đây? Mình đến đây để làm gì? Ông đứng bất động ở đó trong suốt Thánh Lễ. Mắt ông không rời khỏi Cha Piô.

Sau lễ, Cha Piô đi về phòng áo, hai bên tường đầy nghẹt người đứng, họ muốn cám ơn ngài. Bs. Saltamerenda đi theo ngài nhưng ông bị bối rối bởi dáng vẻ bên ngoài của Cha Piô. Mệt mỏi về thể xác khiến mặt ngài tái nhợt và ủ rũ. Một tiếng rưỡi đồng hồ sau, ngài trở ra nghe xưng tội, và sau cùng Bs. Saltamerenda cất bước. Ông quỳ xuống dưới chân Cha Piô và xin ngài chúc lành cho một người thân đang bị đau.
Cha Piô nhìn xuống ông với vẻ mặt giận dữ. Ngài nói cộc lốc, "Nó được chúc lành rồi."
Bs. Saltamerenda cố gắng đứng dậy. Hình như ông vẫn có điều gì muốn nói.
Đột nhiên, tiếng Cha Piô bùng phát: "Này anh, hãy nói cho tôi biết về linh hồn anh. Anh chưa bao giờ nghĩ đến điều đó sao?"
Bs. Saltamerenda miệng há hốc. Ông cố tránh ánh mắt sắc bén của Cha Piô. Ông lẩm bẩm, "Thưa cha có. Nếu không người ta không thể sống nổi."
"Và mục đích của đời sống là gì?"
Bs. Saltamerenda bối rối. "Để duy trì giống nòi."
Mặt Cha Piô đỏ bừng vì khó chịu. "Thật thảm hại!" Ngài nói gần như rống vào tai ông ta. "Anh không thấy linh hồn anh sắp bị hủy hoại sao?" Sau một vài giây, Cha Piô trầm tĩnh lại và đặt tay lên miệng Bs. Saltamerenda. Nghiêng đầu về phía cửa để ra hiệu, ngài nói thật khẽ, "Hãy ra khỏi đây."
Sự đụng chạm của bàn tay Cha Piô làm Bs. Saltamerenda bối rối. Khi ông hoàn hồn sau những lời giận dữ của Cha Piô, ông cảm thấy như có động lực thúc đẩy ông phải trở lại gặp ngài. Chiều hôm ấy ông theo một đám người vào phòng áo.
Khi Cha Piô nhìn thấy ông thì cơn giận dữ của ngài lại bùng lên. Ngài không thể chịu nổi lâu hơn nữa. Ngài xông tới và nhìn thẳng vào mặt Bs. Saltamerenda đang lúng túng. Ngài quát, "Dân Genoa! Mặt anh bẩn quá mà không chịu rửa. Anh sống gần biển nhưng không biết rửa mặt." Và sau khi hít một hơi dài, ngài nói tiếp, giọng nhỏ hơn một chút, "Một con tầu lớn nhưng không người điều khiển."
Một cách vô ý thức, Bs. Saltamerenda đưa tay lên xoa mặt. Bối rối hơn bao giờ hết, ông quỳ xuống bên cạnh Cha Piô, ngài lại chỉ tay ra dấu cho ông đi ra ngoài. Càng bị cự tuyệt, ông càng cảm thấy gắn bó với vị linh mục. Càng khiêm tốn bao nhiêu, Cha Piô lại càng yêu thương ông bấy nhiêu.

Ông muốn kêu lớn, "Thưa cha, cái băng giá trong tâm hồn con đã tan loãng, xin cha tha tội cho con." Nhưng ông biết Cha Piô không muốn nghe một lời nào nữa. Ông đi ra với sự tuyệt vọng tràn ngập tâm hồn. Ông nghĩ, có lẽ, ông sẽ trở lại đây một ngày nào đó, khi ngài trầm tĩnh hơn.
Ông đi bộ ở cánh đồng kế cận tu viện. Đó là một buổi chiều mùa thu, trời hơi lạnh và đất đã đổi mầu nâu. Khi đang đi, ông cảm thấy như có gì quấn quít ở chân, và ngay lúc đó ông ngửi thấy mùi thơm của hoa tím.
Ông trở lại tu viện và gặp Thầy Francis. Thầy an ủi và khuyên ông ở lại. Thầy còn dẫn ông đến phòng Cha Piô. Thầy gõ cửa, và khi cánh cửa hé mở, làn hương thơm mùi hoa tím xông ra.

"Ông muốn gì?" Cha Piô hỏi một cách cộc lốc. "Đừng làm mất thì giờ của tôi. Hãy vào nhà thờ là nơi tôi giải tội."
Bs. Saltamerenda trố mắt nhìn khuôn mặt giận dữ của Cha Piô và quay bước. Trong toà giải tội, ông đã khóc và gục đầu vào bàn tay Cha Piô. Về sau ông kể cho Thầy Francis biết: "Đó là giây phút đẹp nhất trong đời tôi."
Kinh ăn năn tội được Cha Piô đọc cho ông từng chữ để ông lập lại. Vị bác sĩ trẻ tuổi nói với ngài, "Thưa cha. Con ao ước là sự thống hối tội lỗi của con, sự cứu rỗi linh hồn con, sẽ làm cha nguôi ngoai phần nào."
"Con nói gì vậy?" Cha Piô hỏi. "Con được tha tội là sự an ủi lớn lao cho cha rồi."

Tối hôm đó, Bs. Saltamerenda nằm vật ra giường vì mệt mỏi, nhưng sung sướng. Tuy nhiên, vài phút sau, ông nghe có tiếng đập lạ lùng và dữ dội vào bức tường phòng cũng như vào giường ông nằm. Ông chưa từng biết sợ là gì dù ở tuyến đầu trong các cuộc chiến, và cũng đã giáp mặt tử thần khi ở trại tập trung Đức Quốc Xã, nhưng bây giờ chân tay ông run lập cập như một đứa con nít. Ông kêu cầu đến Cha Piô, và ngay lập tức căn phòng tràn ngập mùi thơm.
Bs. Saltamerenda vội đứng dậy, mặc quần áo, và chạy đến tu viện. Cha Piô trấn an ông và xác nhận đó là những người lạ đến với ông. Trong khi ông vẫn còn run rẩy ngài nói, "Con ơi. Chúng ta không biết ở hoả ngục đang xảy ra những gì. Nhưng con đang nắm trong tay chiếc bánh ngọt ngào, và chung quanh con là những người đói."
"Con phải làm gì?" Vị bác sĩ trẻ như nài nỉ.

"Hãy chia chiếc bánh ấy cho những người đói. Như vậy là con phục vụ Thiên Chúa. Và cha sẽ luôn ở với con."
Sự nghiêm trọng của khuôn mặt Cha Piô dịu lại, và ngài mỉm cười một cách thân thiện. Bs. Saltamerenda không còn run rẩy nữa và nở một nụ cười đáp lễ. Ông ngoan ngoãn cám ơn ngài trước khi lui bước.
Cha Piô thường hay huấn dụ các người con thiêng liêng: "Hãy trở nên người Công Giáo tốt lành, nếu không cuộc đời con sẽ không có mục đích. Chỉ khi con sống gương mẫu thì mới có thể thay đổi được thế giới."
Một ông ở Vincennes được quen với một người con thiêng liêng của Cha Piô. Người này nói với ông là Cha Piô nói ngài muốn đặt các con thiêng liêng của ngài trong túi áo và đem lên trời với ngài, nhưng nếu họ không sống xứng đáng, ngài sẽ vả vào mặt họ. Ông không rõ điều đó có ý nghĩa gì. Sau cùng ông lấy hết can đảm đến gặp Cha Piô.
Ông nói, "Xin cha nhận con làm con thiêng liêng của cha."
Cha Piô hỏi, "Được. Nhưng con không sợ sao?"

II

Ông Mario San Vico, một bác sĩ ở vùng Perugia, đến thăm Cha Piô chỉ vì tò mò. Ông hy vọng được xem xét các vết thương của ngài.
Khi đến tu viện, Cha Piô nhìn đến ông và nói, "Con sẽ cộng tác với cha để xây cất một bệnh viện."
Bị tấn công bất thình lình, Bs. San Vico không nói nên lời. Ông đăm đăm nhìn Cha Piô và ngài cũng nhìn ông một cách nghiêm nghị. Ông định nói một điều gì nhưng lại thôi và mỉm cười, ông thầm nghĩ: tại sao không?

Cha Piô luôn ấp ủ giấc mơ xây cất một bệnh viện trong vùng. Trong tu viện, ngài luôn đề cập đến điều này. Và khi đã đến lúc phải bắt tay vào việc, Cha Piô tìm được người cộng tác đắc lực, đó là Bs. Carlo Kisvarday.
Bs. Carlo Kisvarday là một y sĩ giầu có ở Zadar, Nam Tư. Một ngày kia hai vợ chồng ông định lái xe đến Bavaria, ở Konnersreuth, để thăm cô Teresa Newmann, một thiếu nữ được in dấu thánh.

Họ từ Zadar đến Trieste và tạm dừng chân ở Bresanone. Tình cờ họ gặp một phụ nữ nghèo và hai đứa con bị tê liệt vì viêm tuỷ xám (polio). Họ cảm thấy thương tâm và ngạc nhiên khi nghe nói bà cũng có ý định đến Konnersreuth để gặp cô Teresa Newmann. Khi ông ngỏ lời đưa gia đình bà lên xe để cùng đi với họ, thì bà cho biết bà đã gặp Cha Piô, là người cũng được in dấu thánh.

Bỗng dưng ông thay đổi ý định, và nói với vợ, "Chúng ta đến San Giovanni Rotondo."
Không chậm trễ, họ trực chỉ San Giovanni Rotondo để gặp Cha Piô. Một năm sau, vào tháng Giêng họ trở lại San Giovanni Rotondo.
Cha Piô vui mừng được gặp lại họ. Ngài nói, "Tôi muốn ông ở bên cạnh tôi. Hãy xây một căn nhà ở đây."

Bs. Kisvarday không phản đối một tiếng. Ông ngưng ngay công việc ở Nam Tư và xây một căn nhà không xa tu viện là bao.
Các người cộng tác với Cha Piô thường đến bàn luận với ngài về chương trình xây cất bệnh viện. Một chiều tối kia, Bs. San Vico, được chỉ định làm tổng thư ký, đến phòng của Cha Piô, và hỏi, "Thưa cha. Cha muốn đặt tên bệnh viện là gì?"

Cha Piô đã nghĩ đến điều này từ lâu, ngài trả lời ngay lập tức, "Casa Sollievo Della Sofferenza" (Nhà Chữa Trị Người Đau Khổ).
Bs. San Vico lập lại cái tên. Ông nói, "Cái tên hay quá. Làm sao cha có cái tên đó vậy?"
Cha Piô mỉm cười. "Dễ thôi. Tôi không thích cái chữ bệnh viện vì nó gợi lên sự đau đớn, khổ sở, và cô đơn. Nhưng chữ nhà nói lên bầu khí gia đình. Nó giúp bệnh nhân không cảm thấy bị cô lập, và tin tưởng hơn. Con đồng ý không?"
Bs. San Vico gật đầu. "Dĩ nhiên là đồng ý."

Tài chánh bắt đầu nhỏ vào quỹ xây cất từng đồng một. Rồi một ngày kia, Cha Piô tuyên bố, "Chúng ta có mười bảy ngàn đồng lira (khoảng 30 đôla) trong quỹ. Chúng ta có thể bắt đầu xây cất không? Tôi biết, số tiền không bao nhiêu. Tôi không muốn bệnh viện này trở nên một căn nhà buồn thảm chữa trị người đau yếu, nhưng tôi muốn nó là một căn nhà lớn, cũng dùng để nghiên cứu nữa. Tôi muốn trong bệnh viện này, người ta không ngửi thấy mùi hôi, đó là một nơi không có mùi thuốc hoặc mùi ê-te."

Mùi bệnh viện khiến ngài nhớ đến sự đau khổ của chính ngài khi còn trong quân đội thời Thế Chiến I và phải nằm ở bệnh viện Naples.
Bs. Kisvarday được chỉ định là thủ quỹ cho chương trình xây cất bệnh viện, và đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Những người dân nghèo khổ trong vùng chẳng đóng góp được là bao. Giá trị đồng lira ngày càng mất giá, và phải tiến hành các chiến dịch gây quỹ.

Vấn đề tài chánh tiếp tục quấy rầy vị bác sĩ. Một lần kia, vì quá tuyệt vọng, ông đến với Cha Piô, và nói, "Con sợ không có tiền để trả công thợ."
Cha Piô nghiêm chỉnh lắng nghe và gật đầu. Ngài nói, "Con cầm lấy cái khăn tay ở trên bàn kia."
Trong đó có một ít tiền, và Bs. Kisvarday vừa đếm vừa nở nụ cười trên môi.
Cha Piô hỏi, "Có đủ không?"
Bs. Kisvarday gật đầu và cười lớn. "Dạ vừa đủ - thật không ngờ."
Mắt Cha Piô như sáng lên. "Vậy chúng ta có tiếp tục được không?"
Bs. Kisvarday vỗ vai ngài, "Chúng ta sẽ tiếp tục."

Trong nhật ký của Bs. San Vico có ghi lại vào năm 1940:
"Trong khoảng ngày chín và mười bốn tháng Giêng, tôi không nhớ rõ lúc ấy trời mưa hay tuyết. Không nhiều người lưu tâm đến ước mơ của vị tu sĩ. Vị linh mục Capuchin này ao ước được chăm sóc linh hồn cũng như thân xác của con người.

"Gargano là một thế giới kỳ lạ. Nó tách biệt khỏi những biến cố lớn của thế giới về phương diện địa lý. Trong quá khứ, những người đau ốm trong vùng thường xuống đồng bằng để chữa trị. Nhưng vị linh mục này lại muốn giúp đỡ không chỉ những người ở Gargano. Người ta đến từ khắp nơi trên nước Ý và từ các quốc gia khác.
"Người ta không còn tin tưởng ở khoa học của loài người. Họ trở về với Thiên Chúa, xin Ngài chữa trị họ hoặc giúp họ chấp nhận sự đau khổ một cách bình an. Họ đến, cầu nguyện, khóc lóc, và ra về với chút hy vọng."

Cha Piô có người cộng tác thứ ba, là Bs. William Sanguinetti, người trông coi việc xây cất bệnh viện và trở nên giám đốc của dự án này. Cha Piô đặc biệt quý mến Bs. Sanguinetti và coi ông như một người em.

Vị bác sĩ và vợ ông, Emilia, trước đây sống ở phía bắc nước Ý trong một cộng đồng nhỏ bé, Parma, thuộc tỉnh Boro San Lorenzo. Ông hành nghề bác sĩ ở đây và rất phát đạt. Qua bạn bè, vợ ông được biết Cha Piô được in dấu thánh như Thánh Phanxicô và nổi tiếng là người có khả năng kỳ lạ cũng như có những lời khuyên bảo khôn ngoan. Vì bà Sanguinetti bối rối về một vấn đề riêng tư, nên bà quyết định đến gặp Cha Piô, và yêu cầu chồng cùng đi theo. Vào lúc đó, ông là người chống đối các tu sĩ, nhưng đồng ý đi theo vợ. Là một bác sĩ, dù sao đi nữa ông cũng muốn biết chắc về các sự kiện.

Khi đến San Giovanni Rotondo họ tìm cách đến ngay tu viện, nhưng bị một thầy xua đuổi một cách thẳng thừng và bảo ngày mai hãy đến. Sáng hôm sau, họ gặp Cha Piô và ngài bảo họ đợi. Cả hai được cho biết là họ có thể xưng tội vào sáng hôm sau. Bà Sanguinetti đã xưng tội và vui vẻ biết rằng chồng bà, cũng quyết định xưng tội vào chiều hôm ấy. Khi xưng tội với Cha Piô, ông cảm thấy vị tu sĩ này như một người anh hơn là một quan toà. Do đó ông hứa quên đi quá khứ để sống như một con người mới. Sau đó cùng ngày, Cha Piô nói chuyện với hai vợ chồng ông, và họ quá cảm kích trước sự ân cần và đơn sơ của ngài nên cả hai hứa sẽ đến thăm ngài. Kết quả là hàng năm, Bs. Sanguinetti đã đến San Giovanni Rotondo để nghỉ hè vài ngày và để được gần Cha Piô. Trong những lần thăm viếng ấy, Cha Piô đã yêu cầu ông đến làm việc với ngài.

Bs. Sanguinetti còn nhớ lần đầu tiên gặp gỡ các cộng tác viên: Cha Piô, Bs. Kisvarday, và Bs. San Vico. Đó là một buổi tối lạnh và ẩm ướt trong tháng Giêng khi họ quy tụ trong căn phòng nhỏ bé của Cha Piô. Trong cuộc đối thoại, hiển nhiên trong đầu Cha Piô chỉ thấy sự đau khổ của nhân loại.

Ngài nói với họ: "Trong mỗi một người nghèo khổ là chính Chúa Giêsu đang chờ đợi; trong mỗi một người đau yếu và nghèo nàn có Chúa Giêsu hiện diện gấp bội. Chúng ta phải làm một cái gì đó cho người đau yếu. Chúng ta phải xây một bệnh viện." Ngài thò tay vào túi và lôi ra một đồng tiền vàng đã được tặng cho ngài vì việc từ thiện của ngài. Trao đồng tiền cho các bác sĩ, ngài nói: "Tôi muốn trao cho các ông tặng vật đầu tiên cho quỹ xây cất. Đó là viên đá đầu tiên cho một bệnh viện lớn mà chúng ta sẽ xây cất ở đây." Cả ba ông nhìn nhau hết sức kinh ngạc.

"Nhưng thưa cha," Bs. Sanguinetti nói, "bây giờ không phải là lúc thuận tiện. Chiến tranh đang xảy ra với những mây mù bao phủ và đe dọa nước Ý. Chắc chắn điều đó không thể thực hiện được!"

Nhưng Cha Piô đã trấn an các ông và đảm bảo các ông rằng hiện giờ không có gì thực hiện được, tuy nhiên, ngài cảm thấy việc gây quỹ phải thực hiện càng sớm càng tốt. Ngài không dễ bỏ qua vấn đề.

Khi mùa xuân đến, Cha Piô và ba vị bác sĩ đồng ý phát động chiến dịch gây quỹ trên toàn nước Ý cũng như ở ngoại quốc, dựa trên lời Kinh Thánh: "Ai thương xót người nghèo là cho Thiên Chúa vay mượn." Lời thỉnh cầu của họ đã được đáp ứng một cách rộng lượng.

Sau đó một ủy ban hành chánh được thành lập, gồm một chủ tịch, một phó chủ tịch, một thủ quỹ, và tám cố vấn, kể cả một thị trưởng, một kỹ sư, một bác sĩ, một chủ ngân hàng, và một luật sư. Ủy ban này làm việc với số lương tượng trưng là một đô la một năm.

Dù các giám đốc vượt qua được trở ngại về xây cất, họ vẫn phải đối phó với vấn đề ngân quỹ. Bất cứ khi nào không có tiền mua vật liệu hay trả công thợ, việc xây cất lại đình hoãn. Bs. Kisvarday, thủ quỹ của dự án, thật âu lo. Dù rằng sự quyên góp đã được các bà nội trợ gõ cửa từng nhà trên toàn nước Ý và nhiều nước Âu Châu, số tiền thu được không bao nhiêu.

Một ngày kia, trong bữa ăn Cha Piô nói với các linh mục, "Sẽ có tiền."
Mọi người nhìn ngài nghi ngờ, và có người nói, "Dù không có tiền, thì ít nhất ngài cũng đã thử."

III

Sức khoẻ của Cha Piô vẫn được khả quan bất kể sự bận rộn của ngài. Dù việc xây cất bệnh viện là mối quan tâm hàng ngày, ngài vẫn chu toàn bổn phận của một linh mục. Mỗi ngày ngài dâng Thánh Lễ, nghe xưng tội, hướng dẫn các con thiêng liêng, và tiếp khách. Và ngài vẫn dành nhiều thì giờ để cầu nguyện và chiêm niệm. Sự đau đớn của các vết thương khiến ngài không ngủ được lâu, nhưng ngài đã biết cách chịu đựng.

Trong thời kỳ chiến tranh, vào năm 1940, theo sự kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngài phát động một chiến dịch được gọi là Nhóm Cầu Nguyện, với mục đích canh tân đời sống Kitô Hữu, yêu mến Thiên Chúa, và yêu thương tha nhân.

Trong bài nói chuyện với một giáo đoàn đông đảo, ngài nói: "Các nhóm tín hữu sẽ sống đời Kitô Hữu một cách cởi mở và trọn vẹn, theo như sự mong ước của Đức Thánh Cha. Trước hết, họ phải cùng cầu nguyện với nhau." Cha Piô yêu cầu các nhóm cầu nguyện này kết hợp ý chỉ của họ với ý chỉ của ngài để cầu nguyện cho mọi người, nhất là những người xin ngài cầu nguyện cho họ. Ngài cũng kêu gọi các nhóm không chỉ cầu nguyện theo ý đức giáo hoàng, mà còn theo ý của các giám mục và linh mục nữa. Ngài nói, "Cầu nguyện là vũ khí tốt nhất mà chúng ta có. Đó là chìa khóa để mở tâm hồn Thiên Chúa."

Các tổ chức này không phải là một hiệp hội hay một hội ái hữu, nhưng chỉ là các tín hữu--con cái thiêng liêng--theo gương của Cha Piô và cùng nhau cầu nguyện. Một cách tổng quát, các nhóm cầu nguyện tụ họp nhau dâng Thánh Lễ, sau đó thi hành việc bác ái. Trong nhiều giáo xứ, các nhóm cầu nguyện trở nên các trung tâm văn hóa và xã hội.

Mỗi tháng một lần, nhóm cầu nguyện tụ họp nhau ở nhà thờ, dưới sự hướng dẫn của một linh mục. Người tham dự nhóm không phải hứa điều gì khác ngoài việc mời thêm người tham dự, và mỗi khi thành lập nhóm phải có phép của đức giám mục. Trong cuộc hội họp, sẽ có Thánh Lễ, Chầu Thánh Thể, và đọc kinh, mục đích để các hội viên được nên trọn lành qua đời sống cầu nguyện.

Nhiều người tổ chức nhóm cho biết có sự khó khăn trong việc tìm kiếm linh mục hướng dẫn. Khi Cha Piô nghe biết các nhóm cầu nguyện không họp mặt thường xuyên, ngài cảm thấy buồn, và khuyến khích những người còn lại cố sống thánh thiện hơn. Dần dà, phong trào lớn mạnh và không bao lâu đã phát triển trên khắp Âu Châu và thế giới. Điều đó khiến Cha Piô cảm thấy vui mừng hơn.

Bây giờ ngài đã năm mươi ba tuổi. Kể từ ngày ngài được in năm dấu thánh đến nay đã hai thập niên. Và qua bao năm, vết thương vẫn như ngày nào, ngài biết sẽ không bao giờ lành. Vì tuổi tác, sự đi đứng mỗi năm lại càng khó nhọc hơn. Nhưng ngài luôn nở nụ cười khi gặp gỡ bất cứ ai.

Cha Piô thực sự không hiểu tại sao người ta lại coi ngài quá quan trọng. Ngài chấp nhận điều ấy nhưng nhiều lần ngài ao ước ít được lưu tâm và chú ý hơn thì có lẽ ngài thi hành được nhiều điều tốt đẹp hơn.

Thỉnh thoảng ngài đứng ở cửa sổ và buồn bã nhìn xuống hàng trăm người bên dưới đang kiên nhẫn chờ đợi để gặp ngài.
"Điều gì làm cha phiền muộn vậy?" một linh mục bước đến cửa sổ hỏi ngài.
Cha Piô lắc đầu, không vui. "Một số đến vì hiếu kỳ, nhưng hầu hết thực sự đều có những lo âu. Cha có thể tưởng tượng được biết bao người trên thế giới này cần sự giúp đỡ không? Làm thế nào mà tôi có thể giúp họ được?"
Vị linh mục nói, "Hãy chấp nhận đó là điều bất khả."
Cha quay lại nhìn vị linh mục, trong khi tay ngài đập mạnh vào thành cửa sổ. Ngài nhăn mặt vì đau.
"Cha có sao không?" vị linh mục hỏi.
Mắt Cha Piô đầy nước mắt và hạ tay xuống. Ngài nhỏ nhẹ, "Không sao," và xin lỗi cáo từ để đi nghe xưng tội.

Ngài nhận ra một thiếu nữ chất phác mà cách đây một tháng cô đến nói với ngài là cô muốn đi tu. Ngài bảo cô, "Trước hết con ra biển đi nghỉ hè đã, rồi hãy nói về chuyện đi tu."
Hôm nay, cô tươi cười, mắt tròn xoe nói với ngài, "Thưa cha, con không muốn đi tu nữa. Con gặp một thanh niên ở bãi biển và chúng con đang đề cập đến chuyện hôn nhân."
Cha Piô cười, "Thấy không. Cha nói với con là ra biển trước mà!"

Trên hành lang từ tu viện dẫn đến chỗ xưng tội, hàng ngày dân chúng đứng đợi ngài đi qua. Thường những người có vấn đề khẩn cấp và không xưng tội được bằng tiếng Ý thì ngài khuyên bảo họ qua một linh mục thông dịch viên. Và ngài muốn việc xưng tội được giải quyết trước, sau đó là những khó khăn khác.
Cha Piô có lời khuyên bảo sau về vấn đề tội lỗi: "Ma quỷ như con chó bị xiềng. Nó không thể bắt được ai bên ngoài vòng xích đó. Bởi thế, các con hãy tránh xa. Nếu con đến gần nó sẽ bắt con. Hãy nhớ rằng ma quỷ chỉ có một cánh cửa để vào linh hồn con, đó là ý muốn. Không còn cánh cửa nào khác. Không phải là tội nếu không cốt ý phạm.

"Đừng để bị cám dỗ cho rằng con không thể trở về với tình yêu Thiên Chúa một khi con đã lỗi nghĩa với Ngài. Đây là mánh lới của ma qủy. Thánh Phêrô, Tông Đồ của Chúa Giêsu, là người mà Chúa đã giao quyền trên các Tông Đồ khác, đã chối bỏ Thầy mình. Nhưng sau đó, ngài hối hận và yêu thương Chúa Cứu Thế đến độ trở nên thánh."

Cha Piô không đòi hỏi người ta hy sinh đến độ không thể hiểu được; ngài cũng không bắt phải sám hối một cách khắt khe hoặc đòi hỏi sự từ bỏ mình một cách quả cảm, và ngài cũng không chối bỏ những lý tưởng cá nhân. Ngài quý trọng khả năng mỗi người và không bao giờ ngăn cản họ phát triển khả năng ấy, nếu họ sống đạo cách thành thật.

Một trong những người con thiêng liêng của Cha Piô đến gặp ngài vào mùa thu năm ấy. Ông hỏi, "Họ sẽ dội bom Genoa phải không cha?"
Cha Piô trả lời, "Cha nghĩ là như vậy."
Ông ấy buồn bã nói, "Thường cha nghĩ là đúng. Vậy Genoa sẽ bị dội bom."
Bỗng dưng khuôn mặt Cha Piô tái nhợt và mắt ngài rưng rưng. Ngài kêu lên, "Ôi, làm sao lại dội bom thành phố đáng thương ấy. Bao nhiêu nhà cửa, dinh thự, và bao nhiêu nhà thờ bị sụp đổ!" Người đàn ông thấy thế thật hốt hoảng.
Cha Piô trấn an ông, "Con đừng lo, nhà con sẽ không bị hư hại."

Vì lý do nào đó, lời tiên tri của ngài được đăng trên báo và đã xảy ra đúng như vậy. Khi trận mưa bom dội trên thành phố Genoa, hàng ngàn căn nhà, dinh thự, và nhà thờ sụp đổ. Giữa đống gạch vụn ấy, khó có gì còn nguyên vẹn.

Về sau, người con thiêng liêng ấy kể cho Cha Piô biết là nhà của ông vẫn được toàn vẹn cách lạ lùng, đúng như Cha Piô tiên đoán. Biết bao mảnh bom ghim chặt trong các chậu hoa trước nhà, và chỉ có một vài cửa sổ bị bể, ngoài ra không bị thiệt hại gì.

Chiến tranh tiếp tục, và càng gia tăng mãnh liệt khi cả gia đình ông Luigi Gatta, ở thành phố Monte Santangelo, đang quây quần chung quanh chiếc giường của bé Graziella. Bé đang chờ chết. Không khí chết chóc bao trùm cả nhà đến độ không ai muốn nói một lời nào ngoại trừ lời cầu kinh. Cô bé bị sốt ban đỏ và cậu của cô, là một bác sĩ, cho biết không có hy vọng nhiều. Từ sáng, thân thể bé đã cứng dần, mắt bé nhắm lại và hơi thở mệt nhọc.

Người mẹ lẩm bẩm, "Phải chi chúng ta đến gặp Cha Piô." Mọi người trong nhà nhìn nhau, tràn trề hy vọng.
Một bà dì nói, "Tôi sẽ đi gặp cha, nhưng có lẽ phải chiều tối mai mới về đến nhà."

Ở San Giovanni Rotondo, Cha Piô tiếp bà một cách tử tế. Bà cho biết mục đích của cuộc thăm viếng và đợi ngài cho biết điều bất hạnh, hoặc điều an ủi nhất.
Quả vậy, Cha Piô nhìn bà và nói, "Đứa này sẽ không chết." Và bà sung sướng trở về báo tin cho cả nhà.

Không lâu, bé Graziella đã hồi phục, da dẻ từ từ hồng hào trở lại và trong khi mọi người chuẩn bị ăn mừng thì Maria, chị của bé Graziella bị lây bệnh.
Bà dì của bé kêu lên, "Ôi thôi. Đó là điều mà Cha Piô nói đứa này không chết." Quả thật, Maria đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7 tháng 11, 1940.

Không lâu sau đó, vào một ngày chớm lạnh, ẩm thấp của đầu mùa đông, một đại uý quân đội Ý xin Thiếu Tá Teseo Isani giúp đỡ để cứu mạng một thiếu tá người Anh vừa thoát khỏi trại tù. Họ không ngần ngại giúp đỡ, và cả hai đã giấu viên thiếu tá Anh trong chiếc xe chở đầy rơm. Kế hoạch tưởng thành công, nhưng mưu mẹo ấy bị khám phá ở trạm kiểm soát.

Tại đây, không những họ gặp lính mà còn lính Đức Quốc Xã. Vị đại uý bị bắt giam ngay lập tức, và Thiếu Tá Isani bị nhốt trong một căn phòng của tòa thị sảnh. Sau một phiên toà quân sự, cả hai bị kết án tử hình.

Vào ngày hành quyết, viên thiếu tá ngồi trầm ngâm ở chiếc bàn, suy tư về giây phút cuối đời. Ông là một người có đức tin và không hèn nhát. Ông đã sẵn sàng chết. Ông yêu quý tôn giáo của ông và muốn chết ở ngay trung tâm thành phố, với tượng thánh giá ghim trên ngực áo, như để thống hối tội lỗi thời trai tráng.
Trong khi ông mệt mỏi dựa người vào bàn, suy nghĩ về cuộc đời thì có tiếng nói rõ ràng, và to giọng: "Trốn đi! Hãy trốn đi!"

Viên thiếu tá tưởng mình mất bình tĩnh. Ông tự cấu vào tay mình, thầm nghĩ, Chưa, mình chưa có điên.
Tiếng nói ấy lại vang lên to hơn và rõ ràng hơn: "Trốn đi! Hãy trốn đi!"
Viên thiếu tá nghĩ có lẽ là cha của ông, đã chết từ lâu muốn cứu ông. Nhưng làm sao thoát? Ông tự hỏi. Hai con chó dữ ở đó sẵn sàng xé mình ra từng mảnh.
Lần thứ ba, tiếng nói ấy lại vang lên: "Trốn đi! Hãy trốn đi!"

Viên thiếu tá nghĩ, Như vậy hiển nhiên là mình phải trốn. Dù gì đi nữa, chúng sẽ bắn mình. Đạn sẽ ghim vào người mình dù đứng hay chạy cũng không thành vấn đề.
Ông biết phải điềm tĩnh. Như một đứa trẻ xin phép thầy giáo, ông xin lính canh cho ông ra ngoài. Thật ngạc nhiên, người lính dường như chẳng lưu tâm gì và đồng ý ngay lập tức.

Viên thiếu tá tử tội đi ngang qua các sĩ quan canh gác bên ngoài. Khi ông đến những bậc thang cuối cùng của tòa nhà thì ông chạy lao đi như tên bắn.
Có tiếng lính gác gọi tên ông, và ra lệnh "Đứng lại, nếu không tôi bắn."
Nhưng họ đã không bắn và ông cũng không đứng lại. Ông chạy như bay, không còn biết gì nữa. Tiếng nói tiếp tục vang dội trong tai ông, thúc giục ông trốn.
Vài ngày sau ông tìm cách trốn sang Thụy Điển. Ông được biết viên đại uý bị hành quyết ngay sau đó, và các bích chương có hình ảnh và tiền thưởng cho cái đầu của ông được dán khắp nước Ý và Thụy Điển.

Sau cùng, khi an toàn để trở về Ý, ông đến Bari, và ở đây ông nghe biết về Cha Piô, ông đã đến San Giovanni Rotondo.
Khi Cha Piô trông thấy ông, ngài mỉm cười thân mật và lắng nghe ông xưng tội. Khi ông đứng dậy ra về, Cha Piô nói với theo: "Trốn đi! Hãy trốn đi!"
"Lạy Chúa!" viên thiếu tá kêu lên sửng sốt. "Thì ra đó là tiếng của cha!"
Cha Piô đứng khoanh tay, và mỉm cười một cách bí ẩn. "Tạm biệt nhé."

IV

Cha Piô theo dõi tình hình chiến sự thật tỉ mỉ. Vào năm 1942 quân đội Ý đã ngăn chặn được cuộc tiến quân của Đồng Minh vào Ai Cập mà đã đến Alexandria. Sau đó chiếm được Alamein, và dường như cuộc chiến sẽ kết thúc với sự chiến thắng của quân đội Ý. Dân Ý thật vui mừng.

Đó là một ngày hè nóng và ẩm khi tin tức lọt đến tu viện. Cha Piô đang rảo bộ trong vườn và chuyện trò với Bs. Sanguinetti và một vài người khách.
Ngài nói với họ, "Chúng ta sẽ thua trận. Đồng ý là chúng ta có thắng một vài trận, nhưng không giữ được lâu. Quân đội Anh đang đổ bộ xuống Ý. Họ sẽ mở mặt trận ở khắp mọi nơi trên toàn quốc, và đó là điều tốt khi họ làm như vậy."

Mọi người bàng hoàng, và sững sờ nhìn Cha Piô như thể ngài đã mất khả năng phán đoán. Bs. Sanguinetti lắc đầu bất đồng ý. Ông hỏi, "Thưa cha, làm sao cha có thể nói sự tan nát của quê hương chúng ta là điều tốt?"
Cha Piô nhún vai. "Chiến thắng không có nghĩa là chúng ta chiến thắng, nhưng chính người Đức sẽ chiến thắng. Và chúng ta sẽ rơi vào vòng nô lệ cho Đức Quốc Xã, là sự nô lệ độc ác nhất mà con người có thể tưởng tượng ra."
"Nhưng, thưa cha," một vị khách tranh luận, "cha không nghĩ rằng giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc xã, thì sự chiến thắng của chủ nghĩa quốc xã không tốt hơn sao?"
Cha Piô lắc đầu một cách dứt khoát. "Điều đó thật khác biệt. Chủ nghĩa quốc xã tấn công mọi tôn giáo, tấn công mọi ý tưởng về Thiên Chúa. Nó sẽ thay thế tôn giáo bằng sự đề cao chủng tộc và thần thánh hóa một nước Đức vĩ đại. Và đó là ý tưởng thu hút được trí tưởng tượng của mọi người, nhất là tuổi trẻ. Ngược lại, chủ nghĩa duy vật tiêu cực của Sô Viết sẽ không bao giờ thỏa mãn được sự tin tưởng nơi thần thánh sẵn có trong linh hồn người Nga. Nước Nga sẽ trở lại đạo và trở về với Thiên Chúa!"

Mọi người đứng bất động mà không phản ứng gì. Cha Piô quyết định không thảo luận thêm và quay về tu viện.
Mùa hè năm ấy thật ngột ngạt khi quân đội Hoa Kỳ chiếm được căn cứ không quân ở Foggia. Dân chúng ở San Giovanni Rotondo sợ rằng thành phố của họ sẽ bị dội bom, và một số người chạy đến Cha Piô để bày tỏ sự lo lắng.

Ngài trấn an họ, "Không một quả bom nào rơi xuống San Giovanni Rotondo." Mặc dù họ nghe tiếng súng vang vọng, và bị đói khát vì thiếu lương thực, nhưng họ tin vào lời ngài. Nhiều ngày trôi qua, không một trái bom nào rơi xuống thành phố.

"Từ trước đến nay ngài vẫn luôn luôn đúng," một linh mục của tu viện tuyên bố như vậy. Ngài đang trò chuyện với một thương gia sang trọng đang đứng dưới tàng cây, chờ đợi vợ ông. Người thương gia gật đầu, nhưng trông có vẻ không tin tưởng lắm.

Vị linh mục cố gắng thuyết phục ông, "Mới ngày hôm qua, tôi được nói chuyện với một thiếu tá đóng quân tại căn cứ không quân Foggia. Ông ấy đến đây mỗi chiều Chúa Nhật để thăm Cha Piô. Chúa Nhật vừa qua ông dự định bay chung với một phi công bạn để quan sát tình hình, nhưng sực nhớ đến cái hẹn với Cha Piô vào mỗi chiều Chúa Nhật, nên ông hủy bỏ ý định đó. Bởi thế người phi công ấy chỉ bay có một mình. Về sau chúng tôi được biết, không rõ vì lý do gì, chiếc phi cơ ấy phát nổ trên không trung, và người phi công ấy bị chết. Nếu không nhờ Cha Piô thì viên thiếu tá ấy cũng đã ra người thiên cổ." Người thương gia nhìn vào đôi mắt tròn xoe, không chút nghi ngờ của vị linh mục.

Ngước mắt nhìn những đám mây trắng lờ lững trên bầu trời mùa hạ, vị linh mục tâm sự. "Đó là điều thực sự... thực sự..." Ngài cười và liếc nhìn người thương gia. "Tôi không biết dùng chữ gì cho đúng."
Người thương gia nói, "Tôi tin đó là sự ngẫu nhiên," và ông từ giã vị linh mục.
Vị linh mục nói với theo, "Tôi tin đó là sự tiên tri..."

Cuộc chiến tiếp diễn, và Cha Piô thúc giục Bs. Kisvarday dọn nhà từ Nam Tư sang San Giovanni Rotondo càng sớm càng tốt. Sau cùng Bs. Kisvarday đã đến San Giovanni Rotondo với người vợ đau yếu và một người hầu trung thành. Nếu ông chậm trễ một chút thôi thì không thể nào ra khỏi nước, vì đó là chuyến tầu sau cùng rời khỏi nước.

Tin tức về Bs. Kisvarday từ bỏ gia tài đồ sộ ở Nam Tư để đến lập nghiệp ở San Giovanni Rotondo chẳng mấy chốc lan tràn khắp thành phố, và người ta tin rằng lần này Cha Piô đã sai lầm khi khuyên bảo như vậy. Nhưng trong khi gia đình Bs. Kisvarday sống an toàn ở San Giovanni Rotondo, thì Đức Quốc Xã đã xâm lăng Zadar, Nam Tư. Tất cả tài sản của Bs. Kisvarday bị tiêu hủy và người em của ông bị giết khi căn nhà của họ bị đốt. Cháu của ông, cùng với một nhóm kháng chiến bị xử tử. Tất cả những gì Bs. Kisvarday còn lại là người vợ, người hầu, và căn nhà của ông ở San Giovanni Rotondo--và sự hiến dâng cho công cuộc xây cất bệnh viện của Cha Piô.
Trong những ngày ấy, Cha Piô như bị xé ra từng mảnh--vì chiến tranh, bệnh viện, người dân, và công việc của ngài. Người ta thay đổi nhiều trong thời chiến. Họ cố gắng làm như không có gì thay đổi, nhưng Cha Piô cảm được sự khác biệt ấy, nhất là trong tòa giải tội.

"Còn cái bóp mà con lấy cắp thì sao không xưng ra?" ngài hỏi một ông nhỏ nhắn, đang bối rối.
Ông hỏi, "Cái bóp nào?" Ông không hiểu tại sao Cha Piô có thể biết được điều này.
"Dường như con không muốn nhớ đến điều đó nữa. Con không nhớ sao? Đó là ở trại lính Pháp. Con vào một căn nhà và thấy có cái bóp. Có 75,000 quan trong ấy. Dù cái bóp đó không phải của con nhưng con đã lấy mà không hối hận gì."
Đôi mắt đen của ông láo liên nhìn vội Cha Piô. Ông nói, "Con không biết cái bóp đó thuộc về ai."
Cha Piô trả lời, "Lạ nhỉ. Cái nhà ấy con cũng không biết là của ai, sao con không lấy luôn cái nhà?" Người đàn ông xúc động và cúi nhìn xuống đất.
Cha Piô yêu cầu ông làm việc bác ái đền bù cho số tiền ấy, mỗi lần một ít. Ngài nói, "Con buộc phải làm như vậy."
Ông ta đứng bật dậy và lắc đầu. "Thưa Cha, con không muốn làm điều ấy."
"Vậy cha sẽ không tha tội cho con." Ngài đóng sập cánh cửa nhỏ trong tòa giải tội. Sau đó, người đàn ông suy nghĩ và trở lại. Ông hứa đền bù cho việc lấy cắp, và ông sám hối.
Cha Piô cười và tha tội cho ông. Khi ông từ giã, Cha Piô đang tiếp xúc với một thanh niên.

Anh nói, "Thưa cha, con muốn đi tu làm linh mục."
Cha Piô gật đầu, "Phải, Chúa đã gọi con. Hãy thi hành như ý con muốn, nhưng con không muốn làm linh mục triều, mà là một linh mục dòng nào đó." Người thanh niên nhìn ngài sững sờ. Chính anh đã có ý muốn như vậy.
Một thanh niên khác cũng vào tòa giải tội ngày hôm ấy, và hỏi: "Thưa cha, con nên lấy vợ hay đi tu làm linh mục?"
"Lấy vợ," Cha Piô trả lời không do dự. "Không làm linh mục thì tốt hơn là làm linh mục xấu xa."

Ngày dần trôi, một ngày như mọi ngày. Mùa hạ qua, mùa thu đến. Mùa đông ngập tuyết như muốn che phủ vết thương chiến tranh trên quê hương. Những ngày buồn thảm xen lẫn những ngày đầy ơn sủng. Bỗng dưng, vào ngày 19 tháng Hai, cô Pellegrina lên cơn sốt nặng và từ trần. Nhưng đối với Cha Piô, những nhiệm vụ của đời sống hàng ngày khiến ngài không còn nhiều thời giờ để thương tiếc cô em gái.

Với tư cách công dân Hoa Kỳ, cô Mary Pyle không bị nhà chức trách Ý bắt giữ. Họ biết cô là con thiêng liêng của Cha Piô. Nhưng một buổi tối tuyết giá cô đã bị triệu đến văn phòng cảnh sát trưởng.

Ông nói, "Tôi muốn cô rời San Giovanni Rotondo, bây giờ khu vực này là vùng giao tranh."
Cô tuân lệnh và di chuyển đến Pietrelcina, tá túc trong nhà của gia đình Forgione như người khách của Cha Piô. Với cô Mary Pyle, cũng như Cha Piô, thời gian như tuột khỏi tầm tay. Bây giờ cô đã trạc ngũ tuần, và người thiếu nữ mảnh khảnh khi mới đến San Giovanni Rotondo nay đã trở thành một phụ nữ trung niên tóc bạc, người đầy đặn, đoan trang có khuôn mặt dễ thương.

Pietrelcina không bao giờ bị dội bom, nhưng đời sống ở đây thật khó khăn như ở bất cứ ở đâu trong nước Ý. Cô Mary Pyle tận dụng thời giờ làm việc với các kiến trúc sư về kế hoạch xây cất tu viện mới trong khu vực. Bất cứ khi nào cô gặp trở ngại và cần ý kiến của Cha Piô, cô liên lạc với ngài qua ông Orazio. Và từ đó tu viện dòng Caphuchin được khởi công, đúng như Cha Piô tiên đoán nhiều năm trước đây. Cô Mary đóng góp nhiều tài chánh cho việc xây cất, mặc dù cũng có sự đóng góp của dân làng Pietrelcina và nhiều người ở ngoài. Tu viện và nhà thờ này chẳng bao lâu trở nên công việc từ thiện của cô, và cô làm việc ở đó thật vất vả như Cha Piô làm việc cho chương trình xây cất bệnh viện của ngài.

Khi chiến tranh lắng dịu và có thể trở về San Giovanni Rotondo, cô Mary Pyle trở thành người tiếp đãi hàng ngàn quân nhân Hoa Kỳ trú đóng ở căn cứ không quân gần Foggia. Khi những quân nhân này đến gặp Cha Piô, cô đóng vai trò thông dịch viên. Hầu như mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ đều có các quân nhân xuất xứ ở đó.
Bất cứ khi nào trò chuyện với các quân nhân, Cha Piô đều tỏ vẻ nồng nhiệt, và họ yêu quý ngài. Nhiều người về lại quê hương đem theo câu chuyện của ngài về ý định xây cất bệnh viện, và kết quả là người ta lại trao tặng hàng ngàn đô la cho tổ chức từ thiện của ngài.

Rất nhiều quân nhân viết thư về nhà đề cập đến Cha Piô. Báo chí nghe biết về ngài, và chẳng bao lâu các thông tín viên của tờ Life đã đến để ghi nhận những câu chuyện về tôn giáo vĩ đại nhất thế kỷ.
"Tôi không nghĩ tất cả những điều được báo chí đăng tải thì tốt cả," một linh mục nhận xét với Cha Piô sau khi các thông tín viên ra về. "Nhất là phần quan điểm của cha về chiến tranh. Không phải ai ai cũng cảm kích về lời tiên tri của cha--tỉ như người Đức."

Cha Piô có vẻ không lưu tâm và dường như ngài đang nghĩ đến điều gì khác. Ngài nói "Cuộc đời của một Kitô Hữu thì không có gì khác hơn là một cuộc chiến đấu với chính bản thân, và cái đẹp của nó không thể tỏ lộ nếu không bị đau khổ."

Ngài không tin là người Đức sẽ chiến thắng. Không bao lâu, khi lính Đức rút lui khỏi Foggia, hai sĩ quan Đức đến tu viện và đòi gặp Cha Piô. Khi ngài bước ra khỏi nguyện đường, họ gặp ngài với hai khẩu súng trên tay.

Một trong hai người sành sõi tiếng Ý lên tiếng hỏi: "Cha Piô, ai sẽ thắng trận?"
Cha Piô nhún vai. Ngài nói, "Sẽ có người thắng." Hai khuôn mặt lạnh lùng nhìn ngài nghi ngờ.
Ngài cảm thấy khó chịu và nói, "Coi kìa, tôi không có vũ khí. Sao các anh lại chĩa súng vào tôi?"
Cả hai nhìn nhau và sau cùng đút súng vào bao. Họ nhìn ngài một cách khó chịu và bỏ đi.

Vào ngày Chúa Nhật sau đó, một người Cộng Sản ở San Giovanni Rotondo trở về sau cuộc họp ở thành phố Marco gần đó. Ông ta hồ hởi với kết quả của cuộc họp đến độ đứng lên một cái thùng và bắt đầu tuyên truyền. Một số người bao quanh, lắng nghe. Ông lên án Cha Piô.

"Đả đảo Cha Piô!" ông hét vào những khuôn mặt hoảng hốt của đám đông. Ông vung tay quyết liệt: "Chúng ta sẽ cắt đầu nó!"
Ngay lập tức, cánh tay ông cứng đơ ở trên không và mắt ông trợn trắng. Trong khi những người chung quanh há hốc miệng kinh ngạc, ông ngã vật xuống đất. Một bác sĩ địa phương vội đưa ông về phòng mạch. Sau đó không lâu, ông bị chết vì tai biến mạch máu não.

V

Khi Cha Piô thúc giục Bs. Sanguinetti đến làm việc với ngài về kế hoạch xây cất bệnh viện, cha tiên đoán là nhờ một vé số mà ông sẽ có thể rời Parma và đến định cư ở San Giovanni Rotondo.

Vài năm sau, Bs. Sanguinetti được mời tới nhà của một người danh giá trong vùng là Don John Sacchetti, để chữa bệnh cho đứa con trai của ông đang đau nặng. Đứa bé được khỏi bệnh và hai ông bà thật cảm kích đến độ họ trở thành bạn thân của vợ chồng bác sĩ này. Có một lần trong khi đến thăm ông Don Sacchetti, Bs. Sanguinetti nói về kế hoạch xây cất bệnh viện của Cha Piô và ông có nhắc đến cái vé số bí ẩn đó. Ông bà Sacchetti rất thích thú, nhưng họ chưa quyết định đóng góp gì cả.
Khi hai vợ chồng bác sĩ từ giã, ông Don Sacchetti nói đùa: "Nhớ cho tôi biết về cái vé số bí mật đó sau khi bạn biết sự thật nhé."

Một vài tuần sau, Bs. Sanguinetti trở lại nhà ông Don Sacchetti một cách hân hoan, tay vẫy vẫy một lá thư.

Ông nói, "Tôi mới tìm ra ý nghĩa của cái vé số mà Cha Piô đề cập đến. Có một lần tôi mua công khố phiếu chính phủ và được trao tặng tấm vé số như một tờ biên nhận. Tôi mới được tin công khố phiếu ấy trúng giải thưởng và tôi được hưởng một số tiền. Bây giờ tôi có thể rảnh rang, không phải hành nghề để giúp Cha Piô xây cất bệnh viện."

Sau đó vị bác sĩ bắt tay vào việc giúp Cha Piô, và cũng từ đó danh tiếng của ông được nhiều người biết đến. Ông trở nên một người trông coi toàn thể kế hoạch và tiếp xúc với đủ mọi người, từ giới thượng lưu ở Rôma và những người sáng giá trong ngành y khoa đến giới bình dân ở Apulia để giúp đỡ xây cất bệnh viện.

Chính Bs. Sanguinetti là người mà Cha Piô giao phó việc chăm sóc các vết thương ở chân tay, và cạnh sườn của ngài. Có lần vị bác sĩ này nói với các đồng nghiệp, "Nếu bạn hoặc tôi phải chịu sự đau khổ chỉ bằng một phần mười sự đau khổ của Cha Piô thôi, có lẽ chúng ta cũng đủ chết."

Cuộc chiến bây giờ đã chấm dứt, Bs. Sanguinetti làm việc một cách cần mẫn và hiểu biết, ông giúp kiến trúc sư Angelo Lupi hoạch định việc xây cất. Tuy nhiên, điều kiện hỗn độn của quốc gia sau thời chiến tạo nên nhiều khó khăn trong việc mua sắm và chuyên chở vật liệu. Ngoài ra những trở ngại về phía giáo quyền cũng như với viên chức thành phố đã làm trì trệ kế hoạch, mãi cho đến ngày 5 tháng Mười 1946, chương trình "Trợ Giúp Người Đau Khổ" mới được chính thức khởi sự. Vào ngày đáng nhớ đó, Cha Piô đã giơ tay chúc lành ban giám đốc chương trình.

Sau đó việc xây cất được tiến hành mau chóng. Bước đầu tiên là phá núi. Công việc này phải mất nhiều tháng trời, và tiếng nổ vang xa hàng chục dặm như muốn lở cả núi non.

Sau việc phá núi, các phân xưởng được dựng nên để kịp chế biến mọi thứ cần thiết cho việc xây cất bệnh viện. Một lò nung được thành hình để chế tạo những viên đá nhân tạo dùng cho bên trong cũng như bên ngoài bệnh viện. Hàng trăm khung sắt lớn nhỏ cũng được chế biến, và các phân xưởng mộc cũng được thiết lập. Hàng trăm tay thợ chuyên môn làm việc ngay hiện trường để chế tạo các lớp đá làm nền và những phiến đá làm mặt tiền của bệnh viện. Việc xây cất xử dụng đến nhân lực ở vùng San Giovanni Rotondo và phụ cận đã giúp cho kinh tế trong vùng phát triển. Nhiều người làm việc tình nguyện để góp phần trong kế hoạch.

Nhưng vẫn có những khó khăn bất tận mà cả ba người và các kỹ sư phải tìm cách giải quyết. Đường xe lửa gần đó nhất cũng cách khoảng 25 dặm, nằm trong Foggia, và bệnh viện ở cao trên mực nước biển đến nửa dặm. Việc tiếp liệu bằng đường xe lửa thường bị chậm trễ vì những hư hại do chiến tranh gây nên, và một phương tiện chuyên chở khác phải được mau chóng thiết lập.

Một nhà máy thủy điện cần được xây cất. Nhưng việc tìm ra nước cho nhà máy cũng là điều khó khăn. Cha Piô được hỏi ý kiến và ngài đề nghị họ dẫn một đường ống nước đặc biệt từ Apulia. Điều này được hoàn thành, đảm bảo việc cung cấp lượng nước liên tục, và việc xây cất được tiếp tục. Và ngày 16 tháng Năm 1947 là ngày đặt viên đá đầu tiên.

Cả gia đình Cha Piô có mặt ở đó, ngoại trừ một người. Ông Orazio không bao giờ thấy được ngày vui mừng ấy. Vào ngày 7 tháng Mười 1946 ông chết trong tay Cha Piô, hưởng thọ tám mươi bốn tuổi. Cha Piô thật buồn trước cái chết của ông. Vài người em của cha đã thấy ngài khóc.
Có người khuyên, "Hãy can đảm lên."
Đôi mắt nâu của ngài ngước nhìn, giọng nói ngập ngừng, "Tôi thực sự đã mất một người cha." Ông Orazio Forgione được chôn gần mộ người vợ ở nghĩa trang vùng San Giovanni Rotondo.

Sau khi ông Orazio chết, cô Mary sống cô độc trong khu nhà với các người gia nhân, gồm bốn phụ nữ trông coi việc dọn dẹp và ăn uống. Nhưng cô không đơn côi. Dân chúng từ khắp nơi trên thế giới viết thư cho cô, và hàng ngày cô bận rộn với đống thư từ. Công việc chính yếu của cô là phúc trình lên Cha Piô những nhu cầu và sự khó khăn của dân chúng. Sau đó, cô phải mất hàng giờ để trả lời thư từ, cho họ biết lời khuyên của Cha Piô. Đó là công việc mệt mỏi và bất tận, và sau này cô phải cần đến người thư ký phụ tá tình nguyện giúp đỡ cô.

Một năm trôi qua, và mùa thu lại đến với tu viện. Một khuôn mặt mới xuất hiện, và bỗng dưng mọi sự thay đổi trở nên tốt đẹp hơn.

Cô Barbara Ward đến từ Luân Đôn để gặp Cha Piô với những lý do riêng. Cô rất sung sướng khi nhận được sự giúp đỡ và muốn làm một điều gì đó cho ngài. Bs. Kisvarday cho cô biết là Cha Piô ao ước hoàn tất việc xây cất bệnh viện và hiện giờ rất cần đến tài chánh. Ông cũng cho cô biết ngân quỹ đã sút giảm đáng kể vì sự mất giá của đồng "lira". Do đó cô quyết định tiếp tay vào dự án bệnh viện và thực hiện chuyến công du để gây quỹ ở Hoa Kỳ.

Cô Ward đã thành công và gây quỹ được $325,000 từ cơ quan cứu trợ và định cư của Liên Hiệp Quốc (United Nations Relief and Rehabilitation Administration, UNRRA), mà vị giám đốc cơ quan này là cựu thị trưởng Nữu Ước, Fiorello LaGuardia; gia đình ông xuất thân từ Foggia. Sự trợ giúp này đã thoả đáp nhu cầu tài chánh của bệnh viện. Không chịu thua lòng quảng đại, người dân nước Ý cũng đã quyên góp để có được số tiền bằng số tiền nói trên, và việc xây cất bệnh viện được tiếp tục mau chóng hơn. Khi nghe biết về số ngân quỹ, Cha Piô tươi cười rạng rỡ.

Ngài nói với các linh mục bạn trong bữa ăn ngày hôm đó, "Tôi đã nói là sẽ có tiền mà."
Mọi người mỉm cười. Có người lên tiếng, "Chúng tôi chưa bao giờ hồ nghi một chút nào."

Công việc diễn tiến tốt đẹp, ngoại trừ một vài vấn đề. Khi số ngân khoản trao tặng lớn lao đổ về thì chính phủ nhúng tay can thiệp, và sổ sách chi thu đơn giản của Bs. Kisvarday phải được điều chỉnh lại. Những cuốn sổ chi thu đầu tiên của ông được giữ lại như một kỷ niệm đáng nhớ.

Nhờ có số ngân quỹ nên việc xây cất mới được tiếp tục, do đó các công nhân viên của bệnh viện đặt cô Barbara Ward là mẹ đỡ đầu của bệnh viện.
Vào năm 1948, Cô Mary Pyle sang Hoa Kỳ để thăm người dì đang hấp hối vì ung thư. Cô ở đây bốn tháng, và trong thời gian đó, bạn hữu cô thúc giục cô nói chuyện về Cha Piô với các tổ chức khác nhau ở trong nước.

Khi trở về Ý, cô kể lại cho Cha Piô nghe là trong thời gian bốn tháng này, không ngày nào mà cô không rước Lễ.
Ngài nói, "Phải. Đúng hơn là trong bốn năm qua, con không quên rước lễ một ngày nào."
"Con chưa bao giờ nói cho cha biết điều này mà."
Cha Piô giả vờ ngạc nhiên, "Chưa bao giờ?" Bốn ánh mắt nhìn nhau phản chiếu niềm vui khôn tả của một tình bạn đã có từ lâu.
Cô nói, "Để con ra ngoài đón anh của cha, đến thăm cha."

Kể từ khi vợ chết, ông Michael đến tu viện hàng ngày. Bây giờ ông đã ngoài sáu mươi, với mớ tóc bạc và khuôn mặt nhẵn nhụi, không để râu, ông thường nói với Cha Piô về người cha của họ, ông Orazio. Ông sống với gia đình đứa con gái, tên Pia, gồm hai vợ chồng và tám đứa con.

Trong vòng hai mươi năm sống ở San Giovanni Rotondo, ông Michael trung thành tham dự thánh lễ hàng ngày của Cha Piô vào lúc 5g sáng, và chiều tối ông cũng có mặt trong đám khách đến thăm Cha Piô. Ông thường ngồi cạnh cha và kể lể những chuyện xảy ra trong gia đình và bạn hữu.

Nếu có lần nào ông ngủ quên hay tham dự Thánh Lễ trễ, Cha Piô liền nghiêm nghị lên tiếng, "Anh Michael này, phải chịu khó thức dậy cho đúng giờ. Sáng nay anh đi lễ trễ đấy!"
Một buổi sáng kia sau giờ giải tội, một bác sĩ ngồi gần ông Michael nhận thấy khuôn mặt đau khổ của Cha Piô. Một tội nhân vừa mới xưng những tội khủng khiếp với ngài.
Vị bác sĩ vội vã tiến đến, "Cha không sao chứ?"

Cha Piô gật đầu, nhưng thân thể của ngài rung lên bần bật. Ngài kêu lên, "Ôi các linh hồn. Sự cứu chuộc tốn kém biết chừng nào!"
Có ngày, khi không mạnh khoẻ đủ để rời phòng riêng đi giải tội, ngài coi đó như một thập giá khi nghĩ đến đám đông đang chờ đợi ngài để xưng tội.
Ngài nói, "Tôi ở đây và đám đông đang đợi tôi ở ngoài kia."

"Con không lo đến điều đó," một linh mục nói như thế để an ủi ngài. Cha Piô nhìn linh mục ấy một cách nghi ngờ.
Đôi khi ngài tự hỏi tại sao đời ngài quá phức tạp và can dự đến quá nhiều người. Có những ngày hàng ngàn khuôn mặt mà ngài đã gặp hiện lên trong tâm trí ngài, sống cũng như chết, tất cả những diện mạo linh hồn vô tận mà ngài đã gặp.

Cô Italia Betti là một trong những người ấy. Trong khắp nước Ý và nhiều quốc gia Âu Châu, cô nổi tiếng là một đảng viên Cộng Sản thật hăng say. Cô sống ở Bologna, nơi cô dạy toán. Mọi người trong gia đình cô đều là đảng viên Cộng Sản ngoại trừ cô em gái, Emerita, là người vẫn trung thành với đạo Công Giáo.

Cô Italia, một phụ nữ cứng rắn lúc nào cũng có vẻ khắc nghiệt, là một thành viên nhiều tham vọng của đảng và luôn luôn có mặt tại bất cứ nơi nào có cuộc đụng độ giữa Cộng Sản và Công Giáo. Lúc nào cô cũng sẵn sàng tranh đấu, và ngay cả nếu tình thế bắt buộc cô cũng sẵn sàng giết người.

Và rồi cô đau khổ vì bệnh ung thư. Các bác sĩ cho biết cô không hy vọng gì sống sót. Trong thời gian nằm bệnh, một linh mục tự xưng là Cha Piô xuất hiện trong giấc mơ bảo cô đến San Giovanni Rotondo.

Cô chưa bao giờ nghe nói về vị linh mục ấy, nhưng trong cơn tuyệt vọng, một ngày trong tháng Mười Hai 1949, cô, mẹ cô và em cô cùng đến ngôi làng miền núi. Ba người thuê một căn nhà hai phòng gần tu viện.

Cha Piô chào đón cô một cách nồng nhiệt và ngài giảng giải, an ủi cô. Ngài đã đem sự bình an và sự sáng đến trong tâm hồn cô, và đó là điều cô chưa bao giờ biết đến. Cô được rước lễ từ chính tay ngài và công khai tuyên bố từ bỏ con đường thù hận và võ lực trước đây. Trong mười tháng bị đau khổ khủng khiếp, cô trở nên một gương mẫu của sự khiêm tốn và kiên nhẫn, hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa. Cô chết một năm sau đó.

Cha Piô cũng nhớ đến một người hoán cải khác, ông Dino Serge, một kịch tác gia nổi tiếng của Ý, thường ký tên Pitigrilli.

Ông Pitigrilli là người vô thần sống ở Buenos Aires. Ông có một người bạn, tên Luigi Antonelli, cũng là văn sĩ ở Foggia. Ông Antonelli bị ung thư cổ và được bác sĩ cho biết nếu giải phẫu ông hy vọng sống được 6 tháng, nếu không thì chỉ còn 3 tháng nữa là chết.

Khi việc giải phẫu đang được chuẩn bị, có người nói ông đến gặp Cha Piô, ngài ở cách đó chỉ có hai mươi bốn dặm. Trong sự tuyệt vọng, ông đồng ý, và cùng với Pitigrillli ông tham dự Thánh Lễ của Cha Piô. Là một người khách lạ của San Giovanni Rotondo, ông Pitigrilli cũng theo dõi Thánh Lễ ở một góc nhà thờ.

Sau khi Thánh Lễ chấm dứt, bỗng dưng Cha Piô quay xuống giáo đoàn và nói: "Hãy cầu nguyện nhiều. Xin mọi người hãy tha thiết cầu nguyện cho một người đang có mặt nơi đây mà họ rất cần đến lời cầu nguyện của chúng ta. Một ngày nào đó ông ấy cũng sẽ đến bàn tiệc thánh và sẽ đem theo nhiều người với ông, là những người đã từng sai lạc như chính ông."

Trong cùng ngày đó, ông Antonelli xưng tội, và Cha Piô đã khuyên bảo ông thật lâu. Sau đó ông được khỏi bệnh ung thư. Về phần ông Pitigrilli, ông trở lại đạo nhờ Cha Piô và trở nên một người hoàn toàn đổi mới. Ông về lại Buenos Aires và bắt đầu viết về sự hoán cải của ông.

Dường như cứ một vài tuần lại có người thử thách khả năng của Cha Piô. Có một linh mục dòng Đa Minh đến từ Pompei và mặc thường phục. Ngài chưa bao giờ gặp Cha Piô, và sau Thánh Lễ, khi người ta xếp hàng vào xưng tội, vị linh mục cải trang đứng trong một góc như sợ bị lộ diện.

Trong khi Cha Piô nghe xưng tội, ngài thường liếc mắt về phía linh mục. Sau cùng ngài sai người đến gọi vị linh mục lại. Vị linh mục cải trang sững sờ và do dự tiến về phía Cha Piô.

Cha ra lệnh, "Hãy đi mặc áo chức vào."
Vị linh mục mỉm cười, cầm lấy tay Cha Piô hôn, và nói, "Đây là những gì con muốn biết. Bây giờ con đã tin."

Sau khi bước ra khỏi tòa giải tội, Cha Piô sung sướng trở về phòng khi thấy không còn ai đợi ngài ở hành lang. Ngài mệt mỏi cách khủng khiếp, và tự hỏi đó có phải là sự căng thẳng khi bước vào kỷ nguyên mới hay chỉ là sự mệt mỏi của một ngày làm việc khó nhọc.