PDA

View Full Version : Ơn Gọi Phó Tế



Gia Nhân
26-03-2010, 08:23 AM
Ơn Gọi Phó Tế (https://thanhcavietnam.info/index.php?option=com_content&view=article&id=643:on-goi-pho-te&catid=119:tam-tinh-chia-se&Itemid=330)


Cộng Đồng Phó Tế Việt Nam tổ chức Đại Hội Phó Tế Vĩnh Viễn Việt Nam từ ngày 31 tháng 7, và 1, 2 tháng 8 ở Trung Tâm Mục Vụ Mary Wood Pastoral Center, Orange County, CA. Chủ Tịch Liên Đoàn, LM. Giuse Nguyễn Thanh Liêm, đã đến chia sẻ trong Đại Hội này. Dưới đây là toàn văn bài chia sẻ.

Kính thưa quý Phó Tế và phu nhân,
Thật là một hân hạnh và vinh dự cho con hôm nay được đến chia sẻ với quý vị một vài khía cạnh về Ơn Gọi Phó Tế. Một ơn gọi cao trọng mà Thiên Chúa đã mời gọi mọi người tham gia.


I. Hoàn cảnh:
Lịch Sử: Cả một chiều dài trong Giáo Hội Công Giáo La Tinh, chỉ có những người độc thân mới được tiến chức, thụ phong. Phó Tế Vĩnh Viễn: ơn gọi được tái lập ở CĐ Vatican 2, trong Hiến Chế Tín Lý, 1964. Và tùy theo Hội Đồng Giám Mục của Giáo Hội địa phương quyết định có nhu cầu để tái lập ơn gọi này không.
Tại Hoa Kỳ, bắt đầu vào năm 1968, hiện có khoảng 13,000 thầy sáu, và 2,500 đang học.
Ơn gọi này nở rộ cùng lúc với việc Giáo Hội công nhận vai trò người giáo dân được coi trọng. Vatican 2 đã làm cuộc cách mạng quan trọng, trong khi ơn gọi Linh Mục ngày càng giảm sút.
Thầy Sáu: là tư tế, vì lãnh chức Thánh Chức qua nghi lễ đặt tay. Từ việc lãnh nhận thánh chức này, thày Sáu bước vào mối liên hệ mật thiết với Đức Giám Mục, là người thày Sáu phục vụ, và cũng sẽ tự động tách rời, biệt lập với hàng ngũ giáo dân, dù là Thầy xuất thân từ đó.
Như là tư tế, Thầy Sáu trở nên dấu chỉ và là công cụ của Chúa cho cộng đoàn, cho giáo hội, là người PHỤC VỤ giống Chúa Jêsu. Phục Vụ như vậy là bản chất của Phó Tế, bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Giêsu, đấng đến để phục vụ!
Thầy Sáu, qua việc thụ phong, là một đại diện tượng trưng của mối liên hệ sâu sắc, bền chặt trong ba lãnh vực lớn của đời sống Giáo Hội, đó chính là: lời Chúa, bí tích và phục vụ.
Hiện nay, có hơn 90% Phó Tế Vĩnh Viễn trên thế giới có gia đình, và qua đời sống hôn nhân, họ mang kinh nghiệm phong phú của tình yêu gia đình và những sự hy sinh đến trong việc phục vụ một cộng đồng rộng lớn hơn gia đình của mình.
Dĩ nhiên, việc các Phó Tế có gia đình cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ với Linh Mục và đời sống thánh hiến của các tu sĩ. Do đó, cũng có ảnh hưởng đến sự quyết định của Đức Giám Mục khi trao bài sai làm việc mục vụ cho phù hợp và thích ứng với hoàn cảnh của mình.

II. Những Điều Kiện để trở nên Trợ tá / Thầy Sáu Vĩnh Viễn:
Không có gì rõ ràng hơn, như trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gởi Timothy:
'Phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say xưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch. Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ trợ tá, nếu không bị ai khiếu nại. Các bà cũng vậy, phải là người đàng hoàng, không nói xấu, nhưng tiết độ, đáng tin cậy mọi bề. Các trợ tá phải là người chỉ có 1 đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt. Những ai thi hành chức vụ trợ tá cách tốt đẹp, thì được một chỗ danh dự, và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu'. (1Tm 8-13)
Chúng ta thấy, đạo đức và đức tin kiên định là điều kiện tiên quyết để được chọn lựa thi hành sứ vụ 'Trợ Tá' hay là Thầy Sáu. Điều đáng vui mừng, hiện nay với 71 Thầy Sáu đang phục vụ trên nhiều Giáo Xứ, Cộng Đoàn VN, chưa có ai mang tai tiếng gì. Mong rằng, mỗi ngày, quý Thầy Sáu tiếp tục suy niệm, cầu xin ơn Chúa, để sống trọn hảo với Thiên Chức Phó Tế được trao ban.

III. Các Nhiệm Vụ của Phó Tế:
Giáo Hội đã quy định cụ thể các nhiệm vụ của Phó Tế như sau:
Tuyên bố lời Chúa, chia sẻ lời Chúa, đọc lời nguyện giáo dân, giúp mang lễ vật, giúp trao mình, máu Thánh Chúa. Rửa Tội, mang của ăn đi đàng cho người Chết. Có thể làm chứng nhân cho các nghi thức hôn phối, an táng và chôn cất. Ban Phép Lành cực trọng (Benediction) với mình Thánh Chúa, và có thể hướng dẫn và chịu trách nhiệm lãnh đạo khi cộng đồng không có linh mục. Ở Hoa Kỳ, vì hoàn cảnh thực tế, trách nhiệm này càng ngày càng trở nên phổ cập hơn vì sự trưởng thành của hàng ngũ Phó Tế Vĩnh Viễn và càng ngày Giáo Hội Hoa Kỳ càng thiếu ơn gọi Linh Mục.
Ngoài trừ việc dâng lễ, giải tội, và xức dầu người bệnh, và với bài sai của Đức Giám Mục sở tại, và sự thỏa thuận của Linh Mục chánh xứ, quản nhiệm, Phó tế thực thi các nhiệm vụ nói trên tại giáo xứ, cộng đoàn. Tuy nhiên, nhiều vị cũng dần dần được trao phó cho các nhiệm vụ khác ở tại các cơ quan của Giáo Phận.
Các nhiệm vụ cụ thể của Thầy Sáu nằm ba lãnh vực: Phục Vụ Lời Chúa , Phục Vụ Bàn Tiệc Thánh Thể, Phục Vụ Bác Ái.

1) Phục Vụ Lời Chúa:

Phục vụ Lời Chúa không chỉ ở trong Thánh Lễ, hay trong các nghi lễ chính thức, nhưng cần phục vụ Lời Chúa ở khắp mọi nơi, tùy thuộc vào cương vị, vai trò, nghề nghiệp. Thầy Sáu qua đó, có cơ hội tiếp cận với nhiều người, nhiều giới, do đó, việc sống làm gương qua cử chỉ, lời nói, hành động của mình có thể giúp cho Lời Chúa được lắng nghe hơn.
Việc rao giảng lời Chúa hơn lúc nào hết là mục tiêu quan trọng cho tất cả mọi người, nhất là thế giới ngày nay cần mục vụ truyền giáo ở khắp mọi nơi, mọi giới, như Chúa đã truyền dạy cho các Tông Đồ trước khi về trời. 'Hãy đi rao giảng khắp nơi...'.
Là việc phục vụ khó nhất trong ba công tác: vì cần phải thực hành, làm gương những gì phải giảng dạy. Gương thánh Francis Assissi: cùng 1 thầy đi ngoài đường rao giảng lời Chúa, bằng hành động, thái độ trang nghiêm, và bằng phong cách sống trọn lành của mình, chứ không phải chỉ bằng lời nói!
Gia tăng kiến thức thần học qua việc tự trau giồi, học hỏi, hay tham dự các cuộc huấn luyện đặc biệt ở Giáo Phận, quốc gia cũng được khuyến khích tham gia, để Lời Chúa có thể đi vào lòng người sâu sắc hơn.
2) Phục vụ bàn thờ: Thánh Lễ hay thực hành các bí tích có được trang nghiêm hay không, là do sự sự chuẩn bị kỹ và tốt!

Cụ thể, khi phụ giúp việc phục vụ bàn thờ, Thầy Sáu nên:

Nắm rõ tất cả các diễn tiến của thánh lễ, các nghi thức. Cần duyệt lại tất cả các diễn tiến, các tình huống có thể diễn ra, kể cả những tình huống không lường trước, để có thể ứng xử nhanh chóng, gọn gàng.
Cần quen thuộc với sách lễ, để giúp lật sách cho Chủ Tế, và lật cho đúng chỗ. (đề nghị, mỗi Phó Tế cần phải có 1 cuốn sách lễ và sách bài đọc ở nhà, để học hỏi, làm quen với các phần trong Thánh Lễ, cũng như để chuẩn bị trước ở nhà mỗi tuần).
Cần biết việc của những người nào, ai làm... để có thể liên lạc dễ dàng với người đó, hầu trao đổi các công tác một cách nhanh chóng, chính xác.
Trước Thánh Lễ, nên đến sớm 1 tiếng hoặc 45 phút, để kiểm tra từng khung đoạn chuẩn bị cho thánh lễ: rượu, bánh, nước, sách, người đọc sách, giúp lễ, xông hương, thánh giá....
Đừng bao giờ ỷ lại người khác chuẩn bị! Tuy nhiên, cũng đừng có bao biện công việc, nên phân công cho nhiều người đã được huấn luyện và mời gọi cộng tác trong các vai trò thừa tác viên để cùng phục vụ. Công việc vừa nhẹ nhàng, và mình cũng đỡ vất vả, và họ thấy tinh thần Cộng Đồng, cùng làm việc, cùng phục vụ chung với nhau.
Cha Xứ, quản nhiệm có tín nhiệm, trông cậy nơi người Phó Tế của mình hay không, là do chính thái độ và cách phục vụ bàn thờ có được chu đáo hay không!
3) Phục Vụ Bác Ái:

Rất đáng khuyến khích để tham gia các việc bác ái trong giáo xứ, cộng đoàn, như thăm viếng bệnh nhân, người neo đơn, giúp cho những người nghèo khổ, có hoàn cảnh, hoặc là tham gia các tổ chức, hội đoàn, phong trào từ thiện, bác ái...
Hoàn cảnh Việt Nam chúng ta: Hăng hái cổ động, vận động, đóng góp giúp cho các chương trình ở VN: mục vụ, văn hóa, truyền giáo, người nghèo... Khuyến khích anh em mỗi người một tay trong các công việc này. Nếu ai chưa, thì nên tìm cách tham gia, sao cho phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của mình. Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc phục vụ đức Bác Ái cũng quan trọng như phục vụ lời Chúa, phục vụ bàn tiệc Thánh Thể. (sách: Thiên Chúa là Tình Yêu).
Mục Vụ Truyền Giáo: Môi trường mới, và quan trọng, Liên Đoàn đang chủ trương dùng internet như khí cụ truyền giáo, và mời mọi người tham gia. Hãy tham gia trong website của Liên Đoàn với Mục Phó Tế: thường xuyên đăng lên những sinh hoạt của các Phó Tế khắp nơi. Thêm vào đó, các Phó Tế nên viết, ghi lại, chụp hình, video những sinh hoạt của giáo xứ của mình, hội đoàn của mình... đưa lên website...
IV. Phương Cách phục vụ: (khiêm nhường, vâng phục, yêu mến)
1) Khiêm Nhường:
Trong nền văn hóa của người VN, sứ vụ Phó Tế chưa có được đa số chấp nhận.
Người ta luôn quan niệm, đi tu là dứt bỏ hoàn toàn, là không được có gia đình, do vậy, vai trò Phó Tế Vĩnh Viễn chưa có được xem trọng trong cộng đồng.
Tuy nhiên, được chấp nhận hay không: do chính sự cố gắng của bản thân người Phó Tế!
Sự Khiêm Nhường trong tác phong, lời nói, hành động, cử chỉ, quần áo... của mình và người phối ngẫu mình...!
- 'Khiêm tốn có công trạng giống như bóng tối với hình trên tranh: nó làm cho hình đậm và nổi hơn' (La Bruyère)
- 'Có một cái gì cao hơn kiêu căng và sang hơn háo danh, đó là khiêm tốn' (Rivarol).
- 'Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người' (Mc 9:35).
- Bắt chước Chúa: 'Vì con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người' (Mc 10:45)
2) Vâng phục:
Linh Mục Chính Xứ, Quản Nhiệm chịu trách nhiệm với Giám Mục về giáo xứ, cộng đoàn mình coi sóc. Do đó, người Phó Tế, nên xem mình là người trợ tá, giúp cho công việc của ngài được suông xẻ. Ngài cần giúp việc gì, thì nên sẵn lòng làm! Làm việc gì... tâm niệm là làm cho Chúa, vì Chúa, thì sẽ nhẹ nhàng hơn!
'Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời' (Cl. 3.23)
Nên thường xuyên giao tiếp với ngài, và với những thừa tác viên khác, để hiểu rõ công việc được giao phó, cũng như có thể phối hợp nhịp nhàng các việc.
3) Yêu mến:
Trong mọi việc phục vụ, đừng nghĩ đến thành quả mình làm, đừng nghĩ đến cái tôi mình quan trọng, nhưng luôn tâm niệm, 'làm việc nhỏ với trái tim lớn, hơn là làm việc lớn với trái tim nhỏ'. Gương Mẹ Têrêsa. Phục vụ mọi người, bệnh nhân...
Cầu nguyện, suy niệm để hàng ngày luôn có Chúa, mang Chúa vào người mới có thể phục vụ tốt được.
* Vai Trò Cộng Đồng Phó Tế trong Liên Đoàn:
- Cộng Đồng Phó Tế thành lập được 2 năm nay. Hiện có 71 Phó Tế. Một thành phần đáng kể trong Liên Đoàn.
Nhận xét: Một số Thầy Sáu tham gia tích cực các việc của Liên Đoàn, nhưng mong rằng
sẽ có nhiều Phó Tế tham gia tích cực hơn.
- Các Thầy nên liên lạc, thông tin, chia sẻ vui buồn với nhau thường xuyên không qua website của mình và Liên Đoàn.
- Nên để ý để mở rộng, tham gia các sinh hoạt, hoạt động của cộng đồng Phó Tế trên bình diện quốc gia. Làm việc chung với các Thầy Phó Tế người bản xứ, để học hỏi thêm, cũng như tạo sự hiệp nhất, cảm thông trong cộng đồng Phó Tế quốc gia. Đó là cách để Cộng Đồng Phó Tế VN được công nhận và tôn trọng với HĐGM Hoa Kỳ và HĐGM VN.
Điều này đòi hỏi sự hy sinh, sự mất thời gian, cũng như sự can đảm, nhưng anh em đang nỗ lực để được chấp nhận và tôn trọng ở khắp nơi, nhất là trong môi trường và xã hội của người VN, điều đó không dễ dàng gì, do vậy: mình cần phải hiện diện thường xuyên hơn, các công tác cần làm tích cực hơn, hăng say hơn, và hy sinh hơn...

Đề nghị:

Có những kế hoạch chương trình làm việc chung với nhau. Phân công tác cụ thể trong các ban, ngành mục vụ, xã hội, truyền thông... và nhất là cộng tác chặt chẽ với website Liên Đoàn qua những bài vở chia sẻ, thông tin liên lạc.
Tổ chức tĩnh tâm, thăm viếng, gặp gỡ nhau theo từng vùng, Miền... định kỳ.
V. Bổn Phận Trong Gia Đình
Để đạt được những kết quả trên, người Phó Tế cần chu toàn bổn phận làm chồng, làm Cha... và đó là điều kiện thiết yếu. Cố gắng để gia đình luôn luôn được vui vẻ, hạnh phúc, là mái ấm, là nơi nương tựa, cảm thông và an ủi cho chính mình và cho vợ con của mình.
Để sứ vụ Phó Tế được thành công ở ngoài cộng đồng, thì sứ vụ Phó Tế cũng phải thành công tiên vàn ở ngay trong môi trường của mình, trong gia đình mình.

VI. Thay Lời Kết:
Cám ơn quý Thầy và quý phu nhân đã quảng đại dấn thân trong ơn gọi này, ơn gọi rất cao trọng, khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều dấn thân, trong khi cũng có đầy dẫy những hiểu lầm, những dị nghị, dè bỉu, xét đoán không đúng sự thật.
Mỗi ngày, hãy can đảm, vui mừng và hân hoan sống trọn vẹn ơn gọi của mình, vì được mời gọi vác Thánh Giá với Chúa và cho Chúa.
Mỗi ngày, hãy cố gắng hơn nữa, để trở nên thánh thiện hơn, làm việc phục vụ hiệu quả hơn, và nhất là dấu chỉ có Chúa trong mình rõ nét hơn qua việc bày tỏ tình yêu trong bất cứ vai trò, công việc phục vụ nào được giao phó.
Chúc quý Thầy và quý gia quyến luôn được Thiên Chúa chúc lành.

Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN-HK


https://thanhcavietnam.info/images/stories/liendoan/ongoi/DaiHoiPhoTe.jpg