PDA

View Full Version : Tản mạn đời tu 3 - Hành trang ra đi



littlewave
15-04-2008, 10:21 AM
Hành trang ra đi

Lm Nguyễn Minh Đức dcct

Mở những trang đầu Kinh Thánh, mình thấy Thiên Chúa làm những chuyện vĩ đại: tạo ra biển cả, xây dựng vũ trụ ... nhưng mình cũng thấy Người làm những chuyện bé cỏn con: may cho ông bà Adam Eva mỗi người một cái áo bằng da và mặc cho họ. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ họ đâu có biết quần áo là gì và đương nhiên là không biết mặc làm sao. Hành động này của Thiên Chúa làm mình nhớ lại hình ảnh những bà mẹ thay quần áo cho con nhỏ. Đứa bé hai tay đặt lên vai mẹ, bà giăng cái quần ra rồi bảo nó xỏ chân này rồi đến chân kia vào. Chắc Chúa cũng bảo ông Adam và bà Eva như thế. Thiên Chúa của Cựu Ước uy hùng kinh khiếp là thế mà vẫn không giấu được lòng thương yêu chăm sóc cho con. Con mình phạm tội thì tự tay mình phạt nhưng cũng tự tay mình che lấp cho con. "Mọi lỗi lầm cũng phủ lấp đi". Tôi nhớ có người cha phạt con phải ngủ ngoài ụ rơm sau nhà. Nhưng đêm ấy thương con ông chẳng tài nào ngủ được, ông ra ụ rơm ngủ chung với nó. Sự nghiêm khắc trong giáo dục không thể bỏ, nhưng kẻ bị phạt phải biết rằng nhà giáo dục thật sự thương nó.

Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã cho thấy Ngài là một Thiên Chúa phục vụ con người. Trong Cựu Ước, Chúa phục vụ như một người cha khi con chưa đến tuổi trưởng thành, phải uốn nắn kềm cặp, có khi phải dùng roi vọt đau đớn. Đến thời Tân Ước là lúc con cái lớn khôn, người cha quăng cái roi xưa nay treo trong nhà để con nhớ mà tuân theo kỷ luật. Bây giờ tình cảnh của ông khó hơn lúc con ông còn bé, ông phải chiếm trái tim nó mà không có roi. Bây giờ là lúc ông dùng tấm lòng của người cha lâu nay ông vẫn để sau cái roi con ông không dễ gì thấy. Dùng trái tim để chiếm lấy trái tim bằng hành động cụ thể: phục vụ con mình mà đỉnh cao là Rửa chân, Thập giá, Thánh Thể. Cả ba chỉ là một: hiến dâng mạng mình cho con.

Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa phục vụ con người đủ thứ: chữa bệnh, cung cấp lương thực, dạy dỗ, rửa chân và chết như nô lệ liều mình cứu chủ trong cơn hoạn nạn.

Và Chúa muốn mình cộng tác. "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em". Các tu sĩ đã phục vụ ở khắp nơi, trong mọi hoàn cảnh. Họ chữa bệnh, cho kẻ đói ăn, lo việc giáo dục, rửa vết thương người phong hủi và không thiếu người đã chết vì công việc phục vụ. Chết được phong thánh thì ít, chết không được phong thánh thì nhiều. Tất cả đều theo một kiểu mẫu là Chúa Giêsu.

Mình đã lên đường phục vụ, hành trang mang theo trước tiên là lòng tin của Đấng đã sai mình. "Tôi đội ơn Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, vì Người đã xét tôi tín cẩn mà sung tôi vào công việc phục vụ" (1Tm 1,12). Mình có đáng cho Chúa đặt lòng tin không nhỉ ? Chắc là không rồi. Nhưng Chúa đã xét là "được !", giống như ông quan tòa nhắm mắt làm lơ xử cho kẻ có tội thắng kiện. Ma quỷ ghét mình là phải, nó là bên nguyên, mình là bên bị, nó tố cáo mình liên tục tối tăm mặt mủi, nhưng mình có ông luật sư miễn phí quá tài, lại được thêm ông chánh án thiên vị ! Đức mình không đủ mà tài cũng không, thật là thế chứ không khiêm nhường ống vố tí nào. Nhưng thôi, Chúa còn làm cho mấy ông đánh cá ở Galilê bé tẻo teo kia có tượng đài ở kinh thành muôn thuở Vatican được thì chắc cũng nhính cho mình tí đỉnh tài mọn để đi làm, với lại Người đã lỡ xét cho mình là "OK" nên không rút lại được nữa, ấn tín linh mục đâu có xóa đi được. Đã trót rồi thì Chúa phải trét thôi !

Hành trang mang theo có thêm tấm lòng nhân ái. Một tu sĩ hoạt động xã hội có thể giúp người nghèo đủ thứ nhưng thứ nào cũng phải gói trong yêu thương. Không có cái bao bì này thì người phục vụ không phải là thừa sai vì đã không thi hành đúng ý của Đấng đã sai mình. Thương hiệu của Thiên Chúa là "Tình Yêu", nếu thương hiệu ấy không được tôn vinh thì nhân viên tiếp thị đang đi làm cho công ty nào khác chứ không phải công ty của Chúa, lắm khi chỉ là đi đánh lẻ cho mình. Ngược lại, nếu lòng nhân ái được thực thi thì tự nhiên người ta đoán ra gốc gác nhân viên đang đi làm nhiệm vụ. Mình vẫn quen gọi các soeur dòng thánh Vinh Sơn là Nữ Tử Bác Ái. Các soeur dòng này chuyên làm việc bác ái nhưng hiếm thấy phô trương nên đâu có tự đặt cho mình cái danh hiệu đẹp như thế. Ấy chỉ vì đám dân nghèo đã gọi như vậy khi thấy công việc phục vụ của các chị đầu tiên. Lòng mến đã là dấu để mọi người nhận ra môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Hành trang trên vai còn có đặc sủng của nhà dòng, ơn đặc biệt, không đụng hàng, dòng nào có đặc sủng của dòng ấy. Đang bơi lội trong đặc sủng, tung tăng trong nhà dòng, thường thì mình không để ý đến ơn này, nhưng đọc lại đoạn 4 quen thuộc trong Tin Mừng Luca, minh nhận ra nó nơi Chúa Giêsu khi Ngài về thăm quê. 30 năm sống trong làng Nagiarét, Chúa Giêsu chỉ là anh thợ mộc dễ thương. Đến khi nhận sứ mạng rồi, trở về quê thì đồng hương sửng sốt: "Bởi đâu anh ta được như thế ?" Bởi "Thần Khí Thiên Chúa ngự trên tôi". Bởi đặc sủng chứ bởi đâu. Chúa đổ trên dòng mình chứa chan ơn cứu chuộc, và ban ơn để sĩ tử trong dòng mang nó đến cho mọi người. Khi nào mình nhận được một lời khen có nghĩa là ơn ấy vừa mới hoạt động và người ta trông thấy, cũng giống ngày xưa dân làng Nagiarét hỏi nhau "Bởi đâu". Cái ơn ban để làm nhiệm vụ chuyển tải ấy còn ở trong dòng thì còn, ra khỏi dòng là mất. Hình như cũng có người quên mất điều đó.

Khi mình ra đi, anh em mình còn nhét vào ba lô mình những lời cầu nguyện: lời nguyện của các cha các thầy già không còn đi đâu được nữa, chỉ dõi theo bước chân của "bọn trẻ nhà mình"; lời nguyện cộng với những đau khổ của anh em bệnh tật; lời nguyện của các thánh trong dòng được phong hay chẳng được phong, dưới đất thì phân biệt thế chứ còn trên trời chắc không ai để ý. Trong dòng mình có truyền thống một anh em đứng lên giảng cho giáo dân thì các anh em khác cầu nguyện. Một thói quen tuyệt vời. Nó dẹp tan những chỉ trích ác ý vì ai cũng có phần trong bài giảng của người anh em, nhưng nhất là nó cho thấy rằng hiệu quả của bài giảng là do Chúa Thánh Thần quyết định chứ không phải do con người. Chắc ai đã đứng trên bục giảng lâu năm thấy rõ điều đó hơn mình. Vậy là mình ra đi mà đàng sau mình là một hậu thuẫn quá lớn.

Nhưng có khi mình trở chứng, cuốn gói đi làm mà anh em chẳng biết, bề trên chẳng hay. Người ta điện thoại đến tìm, bề trên ú ớ, chỉ biết nó vắng mặt nhà cơm 2,3 ngày nay rồi mà không biết nó đi đâu. Trả lời không biết cha ấy đi đâu thì mất uy tín nhà dòng, cuối cùng thì "Tôi bận rộn quá không để ý lắm, hình như cha ấy mới đi đâu ..." Đi làm mà không theo kế hoạch chung, bề trên không biết thì không có đặc sủng đi theo, đương nhiên, vì như thế là không được sai đi. Có khi mình nhận đi làm hết chỗ này qua chỗ khác, làm việc Chúa đấy chứ, nhưng bề trên đâu có biết lịch của mình. Ngài cứ tưởng mình rãnh, khi người ta đến nhờ thì ngài nhận tất. Kêu mình lại hỏi thì "Thưa cha tháng sau con kín hết rồi, vâng mùng 7 tháng này thi ở xóm Bà ... à còn mùng 10 thì xóm Ông ..." Chẳng biết đặc sủng của nhà dòng sẽ theo mình đi xóm Ông xóm Bà hay xóm của Cha Bề trên ?

Khi vác ba lô lên vai, lắm khi mình quên tự hỏi mình đi phục vụ dân Chúa hay phục vụ mình, lắm khi mình quên xin phép lành của bề trên. Cái truyền thống xa xưa bây giờ mình cho là bày vẽ ấy vậy mà có lý của nó: để đừng ai đi làm mà không có đặc sủng đi theo.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến, nếu quên thì coi như để ba lô ở nhà, đó là xin bạn đồng hành Giêsu đi trước. Có điều hay hay là Đấng sai mình đi lại không muốn ở nhà.

Lm Nguyễn Minh Đức dcct