View Full Version : Sống Ơn Gọi Theo chúa KiTô
minh_tam
13-04-2010, 01:34 PM
Vào một ngày mùa Đông giá rét năm 1817, tại thành phố Turinô: người ta vội vã mai táng, mang đi chôn một người nông dân nghèo khó vừa mới qua đời. Ông là người đạo đức hiếm có nhưng vì cuộc sống quá cơ cực, ông chết sớm để lại niềm thương tiếc cho gia đình vợ goá con thơ.
Hoàn cảnh bi đát, người mẹ hiền đêm ngày làm lụng vất vả, quyết thủ tiết với chồng mong nuôi con khôn lớn. Tuy vậy, gia đình bà vẫn thiếu trước hụt sau, cơm không đủ ăn, đứa con càng lớn càng mù chữ, vì không có tiền học phí để đến trường. Thương mẹ neo đơn, suốt ngày người con chỉ biết chăm chú làm ruộng, phụ mẹ việc đồng áng. Tranh thủ ngày nghỉ thời vụ, cậu tìm cách học nghề thợ mộc, đóng giầy….nhằm phát triển khả năng, cải thiện kinh tế gia đình. Cái khó thường bó cái khôn. Ước ao học được cái chữ để mở rộng kiến thức vươn lên với đời nhưng cha mất sớm, mẹ quá nghèo: làm thế nào biến ước mơ thành hiện thực?
May mắn thay, Thiên Chúa quan phòng cho cậu gặp được Cha Xứ địa phương, Linh mục Joseph Cafasso. Ngài nhạy bén nhận ra bộ óc thông minh cùng những tài năng khéo léo của cậu. Ngài mời gọi cả giáo xứ cùng bảo trợ, hậu thuẫn giúp cậu có điều kiện đến trường học chữ. Đặc biệt hơn, Cha trực tiếp hướng dẫn dạy dỗ, lo liệu mọi sự giúp cậu vào được chủng viện để học làm Linh Mục. Quả nhiên, thời gian sau đó, khi vừa được 26 tuổi, Chúa đã gọi cậu lên hàng tư tế của Chúa và giáo xứ hãnh diện chúc mừng: từ đây, họ sẽ quen gọi cậu là Cha Gioan Boscô.
Giữa những ngày đầu dâng lễ tạ ơn Tân Linh Mục, bất chợt Ngài gặp một giấc mộng: một đàn chiên ngoan hiền đang ăn cỏ bên sưòn đồi, bổng dưng gặp thú dữ, chúng biến thành những con sói hung ác. Sau đó, Chúa dắt Ngài đến trước mặt những con sói ấy, mời gọi Ngài làm thế nào để cải hoá chúng trở lại thành đàn chiên tốt lành? Tỉnh dậy, Cha Gioan Boscô hiểu được tiếng Chúa gọi mình: Ngài xin vâng đi khắp nẻo đường Turinô, dùng tài thuyết phục các bọn trẻ ngang tàng góc phố, quy tụ chúng lại trong Nhà Tình Thương, hướng dẫn huấn nghệ, giáo dục chúng thành những công dân hữu ích cho xã hội.
Chúa đã gọi Gioan Boscô từ muôn thuở. Chúa đã vẽ cuộc đời Ngài trên những khúc quanh co. Qua một giấc mơ, Chúa đã định hướng cho Ngài một ơn gọi đặc biệt: trở thành nhà giáo dục đại tài chuyên biệt, giúp huấn luyện giới trẻ nên những con người nhiệt tâm xây dựng công bình và công ích.
Xuyên suốt ba bài đọc của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay cũng thế:
+ Chúa đã gọi Isaia từ một anh mõ làng cho nhà vua, nay bắt đầu đi làm tiên tri cho Chúa.
+ Chúa cũng gọi Phaolô từ một Thầy Biệt Phái thông luật Maisen, nay đổi đời lên đường đi làm Tông Đồ dân ngoại, rao giảng Tin Mừng Cứu Độ.
+ Chúa còn gọi Phêrô từ một tay thuyền chài sát cá, nay theo Ngài đi lưới muôn người khác vào nước Trời.
Mỗi ơn gọi là một huyền nhiệm. Ngươi được gọi cần hết lòng sống cho Thiên Chúa và cho các linh hồn.
A. Hành trình Ơn Gọi ( trong Lời Chúa hôm nay).
Isaia, Phaolô, Phêrô: cả ba vị chỉ là những con người với mộng ước bình thường, nhưng Chúa đã gọi họ, đã chọn họ và biến đổi họ nên những khí cụ phi thường cho công cuộc Nước Chúa.
+ Bài Đọc 1: Chúa gọi Isaia làm tiên tri cho Chúa.
Chúa đưa ông vào đền thờ uy nghi nơi Ngài hiện diện. Isaia tự cảm thấy mìnhtội lỗi, bất xứng vì miệng lưỡi ông nhơ bẩn. Song Chúa đã cho sứ thần đặt than lửa thanh tẩy miệng ông, Isaia vui vẻ thốt lên: “Lạy Chúa! Này con đây, xin hãy sai con”.
+ Bài Đọc 2: Thánh Phaolô thuật lại việc Chúa gọi Ngài làm Tông Đồ. Dù Chúa đã về trời, nhưng Ngài còn hiện ra với ông, chọn ông làm Tông Đồ.Phaolô cảm nhận mình bất xứng mọi đàng như một đứa con sinh non, đứa con bách hạiGiáo Hội Chúa. Song ơn Chúa đã toàn thắng Phaolô, khiến ông thành “tông đồ chư dân”.
+ Phúc Âm: Chúa gọi Phêrô đi theo Ngài.
Thả lưới suốt đêm, không được cá bao nhiêu. Phêrô nản lòng, thoái chí. Chúa xuất hiện mời gọi Phêrô thả lưới lại lần nữa. Vâng lời Chúa, ông thực hiện và thu được mẻ cá lạ lùng. Phêrô tự hối hận, bất xứng vì tội lỗi mình, xin Chúa tránh xa ông. Nhưng Chúa trấn an Phêrô, mời gọi ông đi chài người vào mẻ lưới nước Trời. Phêrô liền bỏ mọi sự đi theo Chúa cho đến chết.
B. Bài học về Tiếng Chúa Gọi ta.
Từ muôn thuở Chúa đã yêu con. Một tình yêu không bờ bến. Nay con biết lấy chi báo đền. Lòng từ ái Chúa vô biên. Vâng, con biết: “không phải con đã chọn Cha, nhưng chính là Cha đã chọn con từ thuở đời đời”.
1. Chúa đã gọi ta trước, Ngài luôn đi bước đầu tiên đến với con người.
+ Maisen đang chăn chiên cho nhạc phụ: Chúa hiện ra trong bụi gai, gọi ông làm lãnh đạo dân Israel đi ra khỏi Ai Cập về đất Chúa hứa.
+ Isaia đang tôn thờ Chúa giữa đền thánh: Chúa gọi ông làm tiên tri, công bố sứ điệp Ngài.
+ Phaolô đang đi lùng bắt người kitô hữu: Chúa xuất hiện gọi ông làm tông đồ cho Chúa.
+ Samuel, cậu bé đang phục vụ nơi đền thờ Đức Chúa: Ngài gọi cậu giữa đêm trường thanh vắng, chọn Samuel làm ngôn sứ của Người.
2. Người được Chúa gọi: luôn cảm thấy mình bất xứng trước đặc ân cao qúy.
+ Isaia tự thú: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn..”(Is 6:5).
+ Phaolô khiêm tốn xác nhận: “Tôi là người hèn mọn, không đáng được gọi là Tông Đồ,vì tôi đã bách hại Hội Thánh của Chúa”.
+ Phêrô xấu hổ thốt lên: “Lạy Thầy, xin hãy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”(Lc 5:8).
+ Maisen thân thưa với Chúa trên núi Sinai: “Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con, từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi” (Xh 4:10).
3. Nhưng Chúa vẫn tín nhiệm người ấy và trao bổn phận cho họ.
+ Phaolô vẫn hăng hái nhiệt thành rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho dân ngoại.
+ Phêrô can đảm nhận chià khoá Chúa trao, lãnh đạo Giáo Hội Ngài ở trần gian.
+ Maisen đã thành công đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập về đến gần miền Đất Hứa.
+ Isaia và Samuel trở thành những ngôn sứ quan trọng cho Dân Chúa thời bấy giờ.
minh_tam
13-04-2010, 02:02 PM
C. Điều kiện giúp sống Ơn Gọi hoàn hảo, tốt đẹp.
Tiếng Chúa không ngừng vang vọng, mời gọi ta lên đường dấn thân cho sứ vụ. Đáp lại tiếng gọi huyền nhiềm ấy là thái độ khôn ngoan, cần suy nghĩ và cầu nguyện. Sống đời tu theo Chúa, đòi hỏi ta một quyết định dứt khoát, can đảm lên đường “làm cách mạng với Chúa Kitô”.
Tôi đi làm cách mạng với Đức Kitô. Đem Tin Mừng cho đám dân nghèo đói.
Mang niềm vui đến chốn ngục tù. Mang tình thương đến nơi hận thù.
Vùng đứng lên! Làm cách mạng với Đức Kitô. ( Lời ca: Lm.Văn Chi ).
Thiết tưởng, có hai điều kiện tiên quyết giúp ta sống Ơn Gọi hoàn hảo tốt đep:
1.Phải từ bỏ chính mình, đặt Chúa làm chủ đời mình.
Dù sống ơn gọi Đi Tu hay sống đời gia đình, mỗi người phải hy sinh chính bản thân mình cho người mình yêu. Không dám chết đi cái Tôi trong mình, ta khó mà sống được ơn gọi tốt đẹp.
+ Thánh nữ Mônica sống đời gia đình với người chồng Patriciô bạo ngược, vũ phu vô đạo. Biết bao năm nhẫn nhục chịu đựng trong đời sống chung, Mônica đã dần dần cảm hoá được vị hôn phu đáng kính, biến u buồn cay đắng thành hạnh phúc ngọt ngào.
+ Thánh Phêrô tuy mệt mỏi đánh cá suốt đêm thất vọng trong thu hoạch, nhưng ông biết đặt lệnh truyền của Chúa lên trên ý riêng mình, vâng lời Thầy thả lưới: Phêrô thu được mẻ cá dồi dào.
2.Hoàn toàn tín thác cậy trông nơi Chúa: Đấng hậu thuẫn mọi thiện ích trong ta.
+ Tony Mendelez, một thanh niên dị tật bẩm sinh, không có đủ đôi tay khi vừa lọt lòng mẹ. Năm 1987, khi ĐGH Gioan Phaolô II sang thăm Mỹ Quốc, viếng thành phố New Orleans, Louisianna. Ban Tổ Chức sắp xếp cho Tony dùng đôi chân của Anh gãy đàn guitar hát tặng Đức Thánh Cha một bài ca chào mừng. Vừa nghe xong, ĐGH vội rời khán đài, đến ôm hôn Tony thật cảm động. Ngài khâm phục Anh biết vượt qua khổ đau số phận để sống hữu ích cho mình, cho đời. Không có đôi bàn tay, Anh đã luyện đôi chân để tập rửa chén đĩa, xếp quần áo, vắt nước pha đá chanh…Anh tâm sự: “Tôi đã cầu nguyện cho chính mình biết vâng theo ý Chúa. Tôi thường xuyên xin Chúa dùng tôi theo như ý Ngái muốn”.
Sống trọn ơn gọi mình có, trong niềm tin yêu phó thác, thật hạnh phúc thay!!!
D. Lời Nguyện kết thúc.
Lạy Chúa! Thánh Phaolô đã từng mạnh dạn xác tín:“ Tôi làm được mọi sự trong Đức Kitô, Đấng ban sức mạnh cho tôi”.
Con cũng biết: từ bỏ mọi sự để theo Chúa là một quyết định táo bạo, chấp nhận sống ơn gọi với Chúa là một thách thức miên trường, sẵn sàng cậy trông vào Ơn Chúa nâng đỡ là một niềm tin kiên trung. Xin giúp con có một Đức Tin liều lĩnh, biết hy sinh tất cả để chỉ mong bám chặt, giữ trọn một Chúa mà thôi. AMEN…
minh_tam
13-04-2010, 05:39 PM
Có thể bạn nghe thấy tiếng gọi của Chúa để đi tu, nhưng vẫn còn thắc mắc, không biết mình thích hợp với đời tu hay không, hoặc nếu mình thích hợp, có gì mình có thể cải thiện để thích hợp hơn. Sau đây là 10 câu hỏi gợi ý, giúp bạn tự trắc nghiệm lấy mình, xem mình thích hợp với đời tu cỡ nào
1. Tôi đã từng có kinh nghiệm về tình yêu của Chúa trong cuộc đời của tôi? Nói cách khác, tôi cảm thấy Chúa yêu tôi thật nhiều?
2. Tôi có cảm thấy tôi là một người tối thiểu là “not bad”?
3. Tôi có dễ dàng thích nghi với những thay đổi của cuộc sống không?
4. Tôi có sống đời sống công giáo tích cực, có tham gia những sinh hoạt của cộng đoàn tôi, hoặc có tham gia công tác xã hội hay tông đồ không?
5. Sứ điệp Tin mừng của Đức Kitô có hấp dẫn tôi không? Tôi có đang đi tìm một con đường để chia sẻ cho tha nhân những món quà và những tài năng tôi đón nhận được từ nơi Chúa không?
6. Tôi có khao khát một đời sống cầu nguyện sâu xa hơn với Chúa không?
7. Tôi có muốn hiến dâng đời sống tôi cho sứ mạng của Đức Kitô và Giáo Hội không?
8. Tôi có thích làm việc với người khác, và có thể cùng sống, cùng làm việc với cả nam lẫn nữ trong tất cả mọi nẻo đường của cuộc sống không?
9. Tôi có thấy tôi biết yêu không?
10.Tôi có cảm nghiệm thấy một tiếng gọi nào đó từ Thiên Chúa, hoặc thầm kín nơi tâm hồn, hoặc vang vọng dù chỉ rất nhỏ, tới một nẻo đường nào đó trong cuộc đời của tôi?
* Nếu bạn trả lời “YES” được ít nhất 2 câu, xin mời bạn tiếp tục tìm hiểu ơn gọi tu trì. Cầu chúc bạn một ngày nào đó, nếu không ngay bây giờ được, trả lời được 10 lần “YES” cho cả 10 câu hỏi trắc nghiệm trên.
minh_tam
13-04-2010, 05:43 PM
CHÚA MUỐN TÔI ĐI TU HAY LẬP GIA ĐÌNH?
Đây là một đề tài lớn và rất ư quan trọng, nếu không muốn nói là vô cùng quan trọng, vì chúng ta muốn bàn đến một vấn đề có liên quan và chi phối toàn bộ cuộc đời chúng ta. Trong phạm vi nhỏ hẹp của chuyên đề này, tôi không có tham vọng nói hết vấn đề, chỉ xin cùng với các bạn trẻ, đưa ra một cách vắn tắt và bao quát vài nét đại cương như sau:
1. CẦU NGUYỆN:
Cầu nguyện chính là chìa khoá của vấn đề ơn gọi.
Thật vậy, đọc lại truyện các Thánh, đặc biệt câu truyện về ơn Chúa kêu gọi các tông đồ Phêrô, Giacôbê, Gioan, Lêvi… chúng ta thấy tiếng gọi của Chúa đến thật bất ngờ. Điều đó đòi buộc chúng ta phải sẵn sàng, khi Người đến mời gọi chúng ta trong giờ Người muốn. Tinh thần tỉnh thức là tinh thần chung cho mọi bối cảnh, đặc biệt là bối cảnh ơn gọi. Dụ ngôn năm cô trinh nữ không ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại là những lý lẽ mạnh mẽ giải thích cho chúng ta về sự tỉnh thức này: Năm cô trinh nữ khôn ngoan gặp được Tân lang vì đã biết trữ dầu đầy bình: dầu đây tượng trưng cho lời kinh thắp sáng.
Vậy muốn gặp gỡ được Chúa và nghe tiếng của Người, ta cần phải tỉnh thức. muốn luôn tỉnh thức, phải cầu nguyện liên lỉ . Khi cầu nguyện liên lỉ, chúng ta sẽ sống gần gũi, thân mật với Chúa. Khi sống càng gần gũi thân mật với Chúa, ta càng nghe rõ tiếng Người gọi ta, cũnh như biết rõ được ý định của Người cho ta. Nguyên tắc này đúng cho việc thực hành tu đức cách chung, và càng đúng cho việc cchúng ta đi tìm ơn gọi cho cuộc đời mình.
Có rất nhiều người được Chúa kêu gọi sống đời sống tu trì, nhưng đã lập gia đình, vì người đó hoặc không nghe được tiếng gọi của Chúa, hoặc không nghe đúng tiếng gọi của Chúa, hoặc không nghe đúng tiếng gọi của Chúa (có thể nghe tiếng gọi nào khác, nói theo Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II). Hoặc nghe được tiếng gọi của Chúa nhưng không sẵn sàng, can đảm và quảng đại đáp trả lại tiếng gọi đó… Họ thiếu đời sống cầu nguyện.
Cầu nguyện là chìa khoá số một cho vấn đề ơn gọi, cách riêng là ơn gọi tu trì. Chúng ta tìm thấy chìa khoá này nhiều chỗ trong Kinh Thánh. Câu nói căn bản nhất là: “các con hãy xin chủ sai thợ đi gặt lúa của Người”. Chúng ta có thể hiểu câu nói này theo hai nghĩa:
(1) Nếu ta không xin thì chủ sẽ không sai thợ, nếu ta xin (cầu nguyện) thì chủ sẽ sai thợ;
(2) Nếu ta không xin thì chủ cũng vẫn sai thợ, nhưng nếu ta xin, chủ sẽ sai nhiều hơn, nhờ lời xin (cầu nguyện) của ta.
Và không phải chúng ta chỉ xin cho Giáo Hội một cách chung, nhưng trước hết là cho chính mình, bao lâu mình còn dò dẫm đi tìm ơn gọi cho cuộc đời mình. Các bạn trẻ cần mạnh dạn chân thành thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy sai con!” . Kiên trì trong lời cầu nguyện này, Chúa có thể nhận lời và sai mình đi, bằng không chúng ta cũng biết được ý Chúa cho ơn gọi mình.
Nếu cầu nguyện là cuộc đối thoại với Chúa, bạn hãy chuyên cần thưa với Người:
“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì? Chúa muốn con sống đời sống nào, sống ơn gọi gia đình hay tu trì? Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa! Nếu Chúa muốn, con xin hiến dâng trọn đời con cho Chúa. Xin Chúa ban cho con tất cả mọi ơn cần thiết để sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi con. Xin cho con ơn luôn hiểu, biết thực thi thánh ý Chúa. Nhất là xin cho con ơn khao khát được Chúa sai con vào đời để đáp trả lại tình yêu của Chúa…”
Bạn cần chuyên cần nói với Chúa, đồng thời chuyên cần, chăm chỉ và khiêm tốn lắng nghe tiếng Ngài nói với bạn. Nếu bạn lắng nghe, bạn sẽ nghe (If you listen, you will hear)
2. SUY NGHĨ VÀ SO SÁNH
Trong khi cách thứ nhất mang tính cách siêu nhiên, cách thứ hai này bắt chúng ta vận dụng lý trí: suy nghĩ về từng ơn gọi, sau đó, làm một so sánh giữa hai ơn gọi.
Suy nghĩ: Ta có thể tự đặt ra những câu hỏi như: Tôi hiểu gì về đời sống hôn nhân, về lý tưởng hôn nhân? Tôi đã hiểu tường tận về lý tưởng hôn nhân chưa? Tôi hiểu cách sâu xa và đúng đắn tình yêu là gì? Tôi thấy mình tự nhiên hướng chiều mạnh mẽ về đời sống nào? Dựa trên những gì tôi biết, tôi thấy lý tưởng hôn nhân có đẹp không? Nếu đẹp thì đẹp như thế nào? Con đường hôn nhân có giúp tôi nên Thánh hay không? Tôi đã biết Chúa và tôi đã biết tôi bao nhiêu? Tôi biết Chúa thương tôi bao nhiêu? Tôi biết mục đích của đời tu là gì?... Đâu là ý nghĩa và mục đích của ơn gọi tu trì?...
Chúng ta có thể đặt ra bao nhiêu câu hỏi để suy nghĩ rồi so sánh…
So sánh để rồi chọn lựa: Đã nói tời chuyện chọn lựa, trước mặt ta phải có ít nhất hai thứ: ơn gọi hôn nhân và ơn gọi tu trì. Muốn cho sự chọn lựa của ta được chính xác, chúng ta cần phải biết rõ mọi thứ. Nói cách khác, chúng ta cần phải biết rõ cả hai ơn gọi.
Về hôn nhân, chúng ta cần nhấn mạnh đến hai chữ “ơn gọi”. Thường chúng ta chỉ biết rõ hơn về đời sống hôn nhân hơn là ơn gọi hôn nhân. Dĩ nhiên chúng ta cần tìm biết cả hai, đời sống hôn nhân và ơn gọi hôn nhân. Nhưng vì thưởng chúng ta dễ biết nhiều hơn về ơn gọi hôn nhân.
Về tu trì, chúng ta cần phải nhận rằng, chúng ta biết ít hơn về đời sống hôn nhân. Do đó, chúng ta cần phải quan tâm hơn trong việc đi tìm hiển về đời sống và lý tưởng tu trì.
Câu hỏi bao quát chúng ta cần đặt ra là, xét theo bản chất, hôn nhân và tu trì, con đường nào cao đẹp hơn? Nếu theo tự nhiên của lý trí tôi, tôi mong tìm được Chúa thương cho bước vào con đường nào?
Để được soi sáng cho những suy nghĩ của mình, ta cần sống đời sống cầu nguyện, và cần đi tìm hiểu về vấn đề ơn gọi.
minh_tam
13-04-2010, 05:44 PM
3. TÌM HIỂU:
Như đã nói trên, nếu chúng ta không đi tìm hiểu để hiểi rõ về cả hai loại ơn gọi, thì sự chọn lựa của chúng ta không bảo đảm để chính xác hợp với thánh ý Chúa. Do đó, có thể chúng ta sẽ không xác tín về ơn gọi mình đã chọn. Có bao nhiêu người đã than thân trách phận rằng, “Tôi đã chọn lầm ơn gọi của mình!”. Có bao bao người sau một thời gian cưới hỉ, than rằng, “Phải chi biết trước rằng mình sẽ khổ như thế này, thì tôi đã đi tu rồi!”. Thiếu tìm hiểu, quyết định sẽ thiếu chín chắn và chính xác, ngoại trừ khi đón nhận ơn đặc biệt của Chúa, nhờ những di sản tinh thần ông bà để lại… hiểu theo nghĩa ấy “cây tốt sinh trái tốt”
Vậy việc tìm hiểu ơn gọi là việc cần thiết của tất cả các bạn trẻ, chứ không phải chỉ dành riêng cho các bạn nào hoặc sắp nhập dòng, hoặc đã quyết định đi tu, hay đang nghiêm chỉnh suy nghĩ về đời tu. Như một bổn phận của một người con Thiên Chúa, tất cả chúng ta phải nghiêm chỉnh tìm hiểu để tìm ra ơn gọi cho cuộc đời mình, như phần quan trọng nhất của thánh ý.
Đây là một vài công việc làm vụ thể cho việc tìm hiểu:
- Tham dự các ngày tìm hiểu ơn gọi (“Voction Day” “Come and see”)
- Tìm đến các vị lãnh đạo tinh thần (Cha linh hướng), đặc biệt là cha xứ. cha quản nhiệm để xin các ngài giúp tìm hiểu.
- Đọc sách báo nói về ơn gọi (Rất tiếc loại sách báo này rất khan hiếm
- Liên lạc với các giáo phận và các dòng để tìm hiểu. Thường dòng nào cũng niềm nở nói chuyện, tiếp xúc với các bạn, ngay cả đón tiếp những ai muốn đến vài giờ, vài ngày, hay vài tuần để tìm hiểu. Đây là cách rất thiết thực.
- Các đoàn thể công giáo nên tổ chức những ngày hay những buổi hay lớp tìm hiểu ơn gọi cho những thành viên .
- Các bạn trẻ có thể liên kết với nhau thành từng “nhóm chia sẻ” để trao đổi, giúp đỡ nhau về lý tưởng và về ơn gọi…
4. SỐNG VỚI MẸ MARIA
Nghe qua, cách thế này không ăn nhập gì đến ơn gọi của chúng ta cả ! Nhưng thật ra nó rất “ăn nhập”.
Nếu có một việc nhỏ bé trong đời sống của chúng ta, như một cơn đau bệnh, hay sự bình an trong một chuyến đi… mà chúng ta còn mong có một bàn tay của Người Mẹ chúng ta can dự vào, phương chi là công việc tối quan hệ này, việc đi tìm ơn gọi cho cả cuộc đời của mình!... Đã nhiều lần, đặc biệt lần trong Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng của Mẹ Maria, đã dạy chúng ta rằng, cần phải ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo hội Ngài (tông huấn Mẹ Đấng Cứu thế, số 48). Hãy để Mẹ hiện diện trong cuộc đời của bạn, để Mẹ lo cho bạn, lo cho tương lai ơn gọi của bạn. Hãy thưa với Mẹ như Đức Gioan Phaolô II: “Totus Tuus” nghĩa là: “toàn thân con thuộc về Mẹ, xin Mẹ hướng dẫn con trong mọi sự!”.
Trong bản Thánh ca “Tâm ca đồng hành 1” câu quan trọng nhất tôi đã viết là: “Tình Mẹ đưa con đi vào hành trình hiến dâng”. Phải, tôi không tự mình quyết định, nhưng đã phó thác cho Mẹ, để theo sự khôn ngoan của Mẹ, quyết định cho ơn gọi của tôi.
Đối với người nữ, Đức Gioan Phaolô II nói: “Khi nhìn về Đức maria, người phụ nữ tìm thấy trong Mẹ bí quyết để sống xứng đáng nữ tính của mình và để hoàn thành sự thăng tiến của riêng họ…” (Thông điệp Mẹ Đấng Cứu Thế”,số 46). Mẹ Maria “là khởi điểm mới” của địa vị và ơn gọi của mỗi người và của mọi phụ nữ” (Trích Tông thư “Dịa vị và ơn gọi của người phụ nữ” của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, số 11).
minh_tam
13-04-2010, 05:53 PM
ƠN GỌI TU TRÌ: TƯƠNG LAI (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/03/31/on-goi-tu-tri/)
Tìm hiểu từ : TƯƠNG LAI
Thiên Chúa có tồn tại không ? Câu hỏi này là một sự tái diễn và có thể trở lại với từng cá nhân. Nhưng rất nhiều người còn ngần ngại tìm hiểu nó một cách nghiêm túc … Thực tế, những viễn cảnh sẽ thay đổi tùy theo câu trả lời.
Cuộc sống tu trì liên hệ đến những người tìm kiếm Thiên Chúa. Họ rất nhạy cảm trước thế giới, trước những người mà họ gặp gỡ, trước những chỗ đông người. Những biến cố xãy ra trong đời sống riêng tư của họ dạy cho hiểu rằng câu hỏi đó thật sự có ý nghĩa. Và họ học để tin.
Tin không phải là kết thúc của một sự nghi ngờ, nhưng đó là một con đường. Đó cũng không phải là một hành động riêng tư thầm kín, nhưng là một hành động mang tính chất cộng đoàn. Đời sống tu trì quy tụ những người nam và những người nữ mà Thiên Chúa đã ghi dấu trong một hành trình lịch sử
Điểm đầu tiên của hành trình lịch sử này là đời sống huynh đệ. Các tu sĩ lựa chọn đời sống chung, một cách nhưng không và giản dị, tin chắc chắn rằng cuộc sống không bao giờ xây dựng một mình. Họ không lựa chọn sự dễ dàng, và họ làm chứng rằng không phải con người sợ con người và làm chứng rằng chỉ có hạnh phúc là vô tận.
Đời sống cộng đoàn sẽ làm chuyển đổi ước muốn chiếm hữu, lòng ganh tỵ hoặc ảo tưởng thu tích cho riêng mình thành niềm vui và sức mạnh của sự chia sẻ. Đó là lời khấn « khó nghèo ». Trong thực tế, điều đó đòi hỏi phải học biết cách cho đi và biết cách đón nhận. Trong khi để tất cả làm của chung, kết quả chắc chắn là chúng ta lãnh nhận nhiều hơn nữa. Sự dư dật này sẽ trở thành sự liên đới đối với những người có ít hơn. Thiên Chúa đã chia sẻ đến độ cho đi cả chính mạng sống của mình.
Đời sống cộng đoàn sẽ được triển nở trong mỗi cá nhân qua hành động yêu mến.
Lời khấn « khiêt tịnh » đúng nghĩa sẽ làm thay đổi ước muốn chiếm hữu, sự sợ hãi và sự thiếu tin tưởng thành sự tìm kiếm và sự đón tiếp các thành viên trong cộng đoàn của mình như những nhân vị thật dễ thương. Bổn phận mỗi ngày này là một việc làm thực sự ngắm vào việc trao đổi ý thức về tình yêu hướng về tha nhân. Người tu sĩ thử nghiệm điều mà hành động yêu thương muốn nói tới khi người ta gán cho nó cho Thiên Chúa.
Cuối cùng, việc cùng nhau tìm kiếm Thiên Chúa này mời gọi mỗi người tự chất vấn ý muốn của chính mình với tất cả sức mạnh. Hoặc ngược lại, sự sợ hãi đưa ra những quyết định khi để cho người khác lựa chọn cho mình. Mỗi người khám phá được những gì là sự tự chủ thật sự, và nơi rèn luyện sự tự do đích thực. Lời khấn « vâng phục » trở thành một sức mạnh để kháng cự lại những lạm dụng quyền lực và trở thành một la bàn để bám chặt vào sứ vụ mà mỗi người được trao phó. Cuộc sống tu trì củng cố sự tìm kiếm tự do chính đáng và cho phép đón nhận thực tại một cách kiên nhẫn và bình tâm. Một sức mạnh bén rễ sâu vào trong đức vâng phục gương mẫu của Chúa Kitô.
Thế giới rất mực cần đến những con người sống kinh nghiệm sự tự do, sự chia sẻ và tình yêu đôi khi cho đến trong những hoàn cảnh trái ngược nhất. Bởi lẽ, thế giới nghi ngờ một cách khủng khiếp. Có những người bị tổn thương đòi báo thù. Những người khác bị bỏ đói khát bởi những cơ cấu kinh tế chênh lệch lại kêu than bất công. Số khác nữa, bị nhạo báng về nhân phẩm, thì mất hy vọng vào nhân loại. Bất chấp tất cả những điều đó, đời sống tu trì vẫn tin tưởng ở tình huynh đệ, tin tưởng vào sự chia sẻ và tình yêu. Nó qui tụ những người đủ mọi hoàn cảnh, mọi chủng tộc xuyên qua mọi châu lục để đánh thức ngọn lửa của lòng quảng đại và để làm chứng cho Thiên Chúa là Đấng mạnh hơn sự chết.
minh_tam
13-04-2010, 06:09 PM
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúa là nguồn mạch tình yêu và là cùng đích cho cuộc đời chúng con. Chúng con tin thật Chúa đang hiện diện giữa chúng con trên bàn thờ này, Chúa đợi chờ và đón nhận chúng con như những người bạn, người anh em của Chúa, dù chúng con vô cùng hèn mọn và yếu đuối. Nhưng tình yêu mà Chúa dành cho chúng con thì vô cùng lớn lao và vượt trên tất cả những gì chúng con tưởng nghĩ. Đặc biệt là trong ngày hôm nay, ngày mà Giáo hội dành để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, chúng con lại được diễm phúc thay cho cả Giáo phận để dâng lên Chúa giờ Chầu Thánh Thể này. Chúng con biết Chúa đang nhìn đến từng người chúng con, mong muốn chúng con đến với Chúa và bước đi theo Chúa. Xin Thánh Thần của Chúa hãy đến với chúng con và mở lòng trí chúng con biết lắng nghe Lời Chúa, và nhất là xin Chúa cho chúng con luôn biết khiêm tốn để cho Lời Chúa uốn nắn hướng dẫn cuộc đời chúng con, để chúng con có thể lớn lên trong ân sủng của Chúa và mạnh dạn đến với Chúa, cũng như đến với anh chị em của chúng con.
Lắng nghe Lời Chúa
Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Gioan
Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”.
Suy niệm
“Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”
(Ga 15,15). Chúa Giêsu không chỉ là người Thầy đối với các môn đệ, nhưng còn là một người bạn, người bạn chí thiết, bạn của mọi người, nhất là những người yếu đuối và đau khổ. Ngài đã làm bạn với những con người tội lỗi, những con người đáng bị lên án và hắt hủi : với Matthêu, Giakêu, là những người thu thuế, Maria Mađalêna người phụ nữ tội lỗi, với Phêrô yếu đuối nhát hèn, và ngay cả với Giuđa là kẻ phản bội Ngài.
Ngài hiện diện với họ trong mọi hoàn cảnh và cùng chia sẻ tất cả những vui buồn của cuộc đời con người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã thấu hiểu được từng môn đệ, ngay cả những mong muốn, những thao thức sâu xa nhất của họ. Biết về họ không phải để khinh chê hay khiển trách, nhưng Chúa Giêsu đã ân cần dạy dỗ họ, âm thầm cũng cố đức tin cho họ trước những thử thách sẽ xảy đến. Ngài đã ban bình an của Ngài như là một món quà vô giá trước khi Ngài chịu nạn. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Tình bạn của Ngài sâu xa đến nỗi sẵn sàng thổ lộ tất cả và chia sẻ tất cả. Ngay sau khi Phục sinh, Chúa Giêsu lại đồng hành với họ trên những nẻo đường khó khăn, những lúc họ thất vọng, sợ hãi và muốn buông xuôi tất cả, những lúc mà lý tưởng của cuộc đời dường như bị sụp đổ và không còn lối thoát, như trường hợp của hai môn đệ trên đường về Emmaus (x. Lc 24,13-35).
Tình bạn của Chúa Giêsu quả thật được thể hiện một cách trọn hảo nơi việc Ngài trao ban chính mạng sống của mình cho toàn nhân loại. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Đó là một tình yêu cao cả, vượt trên tất cả những tình cảm thông thường của con người, bao trùm và hun đúc cho mọi tình yêu, mọi lý tưởng hiến thân. Một tình yêu dâng hiến chính Mình và Máu để trở nên nguồn sống và sức sống cho tất cả những ai tin và cất bước đi theo Ngài. “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em… Chén này là giao ước mới lập bằng Máu Thầy, Máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20).
Điều mong muốn duy nhất mà Đức Giêsu để lại cho tất cả chúng ta, đặc biệt là những người trẻ, đó là đi theo Ngài trên con đường tình yêu, con đường hiến dâng chính cuộc sống để phục vụ anh chị em mình. “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,17). Nhưng để đáp trả lời mời gọi yêu thương và đi theo Chúa trên con đường dâng hiến đó, điều kiện cần thiết trước hết là Chúa muốn nơi người đó một thái độ từ bỏ, dứt khoát với mọi đam mê thế tục: tiền bạc, danh vọng, địa vị và ngay cả chính mạng sống của mình. “Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 17,24).
Thứ đến là một tâm hồn hoàn toàn tự đo và tự nguyện, vì tình yêu chỉ có thể đáp trả bằng tình yêu. Vì thế, muốn trở nên bạn hữu và là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta hãy nỗ lực mỗi ngày để nuôi dưỡng một tình yêu cao đẹp giữa chúng ta với Chúa và với anh em đồng loại. Chiêm ngắm và suy niệm mầu nhiệm tử nạn Phục sinh của Người, chúng ta có được nền tảng cho việc xây dựng một tình yêu chân chính, cao đẹp, một tình yêu cứu thế, tình yêu đối với tha nhân, tình yêu của người biết chết đi để cho người mình yêu được sống và được sống hạnh phúc.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, nguồn tình yêu của lòng chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương chúng con và yêu thương đến cùng. Vì yêu thương chúng con mà Chúa đã hủy mình ra không để cho chúng con có tất cả, đã chết đi cho chúng con được sống, đã phục sinh cho chúng con được sự sống mới. Xin giúp chúng con biết xây dựng lý tưởng cuộc đời mình trên nền tảng là chính tình yêu của Chúa, để nhờ tình yêu này, chúng con ngày càng biết mở rộng vòng tay yêu thương đón nhận anh chị em mình, nhất là những con người khốn khổ, tội lỗi, bất hạnh hoặc thất vọng trong cuộc đời.
Suy niệm
Trong cuộc đời và sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu trên trần gian, Chúa đã không làm việc một mình, nhưng Chúa đã tuyển chọn các môn đệ, để các ông đến và cộng tác với Ngài trong công việc loan báo Tin Mừng cứu độ. Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên, họ đã đáp trả tức thời dù chưa biết rõ về Ngài và chưa hiểu hết được sứ mạng mà Ngài sẽ trao phó. “Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc 5,11). Theo thời gian, các môn đệ đã cảm nghiệm con người Giêsu Nazaret đó, chính là Đức Kitô mà muôn dân hằng trông đợi. Nhưng như thế thì chưa đủ, chỉ khi có được ánh Sáng Phục Sinh soi tỏ và nhờ Chúa Thánh Thần tác động, các muôn đệ mới khám phá thực sự Mầu Nhiệm Đức Giêsu và can đảm bước đi theo Ngài
Giáo Hội ngày hôm nay cần biết bao những con người dấn thân phục vụ Đức Kitô và phục vụ anh em mình. Hình ảnh người mục tử nhân lành đã trở nên gương mẫu cho các linh mục, những người sẵn sàng làm chứng cho Đức Giêsu bằng lời rao giảng, bằng việc tiến dâng hy tế trên bàn thờ cũng như bằng chính cuộc sống của mình. Nước Thiên Chúa đã khởi sự ngay ở trần gian này, và Đức Giêsu đã trao phó sứ mạng xây dựng nước ấy, cách đặc biệt cho các linh mục và cho những ai đang dâng hiến cuộc đời vì sứ mạng cứu thế, để qua những con người đó, Nước Chúa được hiển trị nơi toàn thể nhân loại thuộc mọi nước mọi thời.
“Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15,17)
Suy niệm
“Tôi chính là Mục tử nhân lành, Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên. Người làm thuê vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không biết gì đến chiên. Tôi chính là Mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi. Như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11-15).
Mục tử tốt thì gắn liền đời sống của mình với đoàn chiên, luôn đi đầu để tìm những đồng cỏ và dòng suối tốt nhất cho chúng ăn uống nghỉ ngơi. Người lo lắng chăm sóc và biết rõ những nhu cầu của từng con chiên, con ốm đau người chăm sóc, con què quặt người băng bó lại. Người sẵn sàng đối đầu với những hiểm nguy, thậm chí đánh đổi cả mạng sống để bảo vệ và đem lại sự bình an cho đàn chiên. Nếu không phát xuất từ tình yêu đích thực, người mục tử sớm muộn cũng sẽ bỏ chạy như người chăn thuê trong đoạn Tin Mừng trên, người đó sẽ không nhận trách nhiệm về mình mà phó mặc đoàn chiên cho thú dữ.
Chúa Giêsu là vị Mục Tử nhân lành, Ngài đã đến với con người ngay cả khi con người không còn nghĩ về Ngài. Vì yêu, Chúa đã không muốn để một con chiên nào bị lạc đàn, Ngài đã bỏ lại tất cả để lên đường tìm kiếm, và khi tìm thấy thì vui mừng vác chiên trên vai.
Trong giờ Chầu Thánh Thể này, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các linh mục là những người đang dấn thân trong sứ vụ của mình, đặc biệt là các linh mục đang gặp phải khó khăn thử thách từ sứ mạng Chúa đã trao phó. Để các ngài luôn là người tôi tớ trung tín của Chúa, là người mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước, sẵn sàng dấn thân phục vụ phần rỗi các linh hồn, để cho nhiều người biết đón Tin Mừng Chúa Phục Sinh, nhận biết tình yêu và ơn cứu chuộc của Thiên Chúa.
Chúng ta cũng cầu nguyện cho các người trẻ hôm nay, xin Chúa, gìn giữ và uốn nắn để cuộc đời họ luôn phù hợp với Thánh ý của Chúa. Nhất là xin Chúa cho ngày càng có nhiều bạn trẻ mạnh dạn dâng hiến cuộc sống, ra đi và sẵn sàng loan báo cho nhân loại biết về một tình yêu chân thật và vô cùng cao đẹp của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã vì yêu thương mà đã trở nên hy lễ cứu độ cho nhân loại được hưởng bình an và hạnh phúc.
Chúng ta cũng cầu nguyện cho công việc đào tạo linh mục của Giáo Hội trong thời đại hôm nay, để ngày càng có nhiều thợ gặt nhiệt thành hăng hái lên đường truyền giáo. Cách đặc biệt, chúng ta hãy cầu nguyện cho các chủng viện và các hội dòng, là những nơi phát sinh và ươm mầm ơn gọi linh mục và tu sĩ trong Giáo hội. Xin Chúa chúc lành cho công việc đào tạo đó, để theo gương Chúa và nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, tất cả chúng ta biết không ngừng hy sinh phục vụ và làm chứng cho Chúa bằng một đời sống bác ái yêu thương, với một tình yêu vô vị lợi như Chúa đã yêu thương chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, vì yêu thương chúng con, Chúa đã đồng lao cộng khổ với kiếp con người mỏng dòn yếu đuối của chúng con, Chúa đã chết ô nhục trên thập giá để cứu chuộc chúng con. Từ cạnh sườn bị đâm thâu, Chúa đã tuôn đổ ân sủng Thánh Thần tình yêu của Chúa trên chúng con, ban cho chúng con sự sống mới, và thắp lên trong chúng con ngọn lửa của tình yêu. Chúng con tri ân Chúa. Xin Chúa ban cho mỗi người trong chúng con luôn ý thức về tình yêu trọn hảo Chúa đã dành cho, và biết nổ lực sống xứng đáng với tình yêu đó, để chúng con có thể nối dài vòng tay yêu thương của Chúa đến với tất cả mọi người. Amen
minh_tam
14-04-2010, 12:34 PM
Dấu ấn của đau khổ
Tôi không ngạc nhiên trước lời đòi hỏi của Tôma. Điều làm tôi suy nghĩ trong lúc này đó là tại sao thân xác phục sinh của Đức Kitô lại còn mang những thương tích, những dấu ấn của đau khổ?
Tôi cứ nghĩ rằng: sau khi sống lại, thân xác vinh quang của Đức Kitô hẳn không còn vết tích nào của những cực hình phải chịu. Bởi vì, sau cuộc thương khó là sự sống lại, sau đau khổ là vinh quang, sau ngày thứ sáu tuần thánh là sáng Chúa nhật phục sinh. Sự tương phản mãnh liệt đến độ chúng ta tưởng như có một bước nhảy vọt, cắt đứt và chia lìa giữa hai tình trạng kể trên, như thể sự phục sinh và vinh quang là phần thưởng cho những đau khổ Ngài đã phải chịu trong suốt cuộc thương khó, để rồi chúng ta sẽ dần dần quên đi những kỷ niệm bi đát ấy.
Trong cuộc sống chúng ta thấy người ta thường tặng thưởng huân chương cho những kẻ can đảm cứu vớt người bị chết đuối hay gặp phải tai ương hoạn nạn. Tấm huân chương xứng đáng với những hy sinh mà kẻ ấy đã phải gánh chịu. Thế nhưng, đó cũng chỉ là một qui ước do xã hội đặt ra.
Sự phục sinh của Đức Kitô thì khác. Đó không phải chỉ là một dấu chứng của chiến thắng, của phần thưởng mà thôi, nhưng còn là một diễn tiến liên tục nơi thân xác Đức Kitô. Chính Ngài đã cắt nghĩa:
-Như hạt lúa mì rơi xuống đất, có mục nát đi thì mới trổ sinh nhiều bông hạt.
Giữa hạt giống được gieo trồng và bông lúa chín vàng dưới ánh nắng mặt trời có một sự liên tục trong phát triển. Bông lúa chỉ là kết quả của hạt giống được gieo trồng.
Nơi khác, Ngài cũng nói:
-Như người đàn bà lo âu khi giờ của mình đã đến, nhưng sau đó thì vui mừng vì đã sinh được một người cho thế gian.
Sự sinh nở chỉ là kết quả của việc thai nghén. Giữa hai sự kiện này luôn có một sự liên tục trong phát triển.
Cũng thế, Đức Kitô đã bước vào sự chết và sống lại. Chúa nhật phục sinh không phải chỉ đến sau ngày thứ sáu tuần thánh, mà còn là một sự tiếp nối, một kết quả, một hoa trái.
Chính vì thế, chúng ta hiểu được tại sao Tôma có thể nhìn thấy những dấu ấn của đau khổ, của cực hình trên thân xác sống lại của Đức Kitô.
Vinh quang xuất phát từ thập giá và những dấu đanh đã không làm xấu đi, trái lại còn làm đẹp thêm cho thân xác phục sinh của Ngài.
Cũng giống như trên khuôn mặt nhăn nheo của một cụ già. Những nếp nhăn ấy chính là kết quả những năm tháng dài của cuộc đời với những khổ đau và tang tóc, những hy sinh và gian khổ, những yêu thương và phục vụ. Những nếp nhăn ấy tạo nên vẻ đẹp của kinh nghiệm, của già dặn và chín chắn. Và rồi cặp mắt của cụ già sáng lên niềm hy vọng được gặp lại chính cái nhìn của Thiên Chúa.
Để kết luận, chúng ta hãy suy gẫm lời Chúa đã phán để hiểu được toàn bộ cuộc đời của Ngài, đó là Con người phải chịu đau khổ, và phải chết đi trước khi được bước vào vinh quang.
minh_tam
14-04-2010, 12:36 PM
Biến đổi trở thành con người mới
Một câu chuyện dụ ngôn của Nhật Bản kể về Hoàng tử bị gù lưng, theo tục lệ của Hoàng Triều đang trị nước, bất cứ Hoàng tử nào được chỉ định thế nghiệp Vua Cha thì phải đúc tượng của mình đặt vào trong Bảo Tàng Viện của Quốc Gia để lưu danh muôn thuở. Tiếc thay vị Hoàng tử được chỉ định này lại là vị Hoàng tử bị khuyết tật gù lưng nên nhất định không chịu cho tạc tượng mình trưng trong Bảo Tàng Viện.
Cuối cùng với áp lực của nhà Vua, Hoàng tử chấp nhận nhưng với hai điều kiện:
· Thứ nhất, tạc tượng Hoàng tử không bị gù lưng, nhưng đứng thẳng người như thể không bị khuyết tật nào cả.
· Thứ hai, Hoàng tử được giữ bức tượng này trong phòng riêng cho tới khi nào mình chết thì bức tượng mới được đem trưng trong Bảo Tàng Viện Quốc Gia.
Làm như vậy Hoàng tử muốn giấu đi những khuyết tật của mình không cho thần dân trong nước biết đến. Vua cha để tuỳ ý. Sau khi đã có bức tượng rồi, Hoàng tử đem trưng trong phòng riêng, hàng ngày đứng ngắm mình lâu trước bức tượng, vừa cố gắng thẳng người lên như bức tượng và điều lạ lùng xảy ra, sau thời gian dài ngắm bức tượng thẳng người, Hoàng tử cảm thấy mình như thật sự đã đứng thẳng người, không còn gù lưng nữa.
Đây là một chuyện dụ ngôn nhưng cũng có thể được người Kitô chúng ta áp dụng vào trong cuộc sống tinh thần của mình. Đến với Chúa Giêsu Kitô, khuyết tật gù lưng thể xác không có gì là xấu phải giấu diếm, nhưng gù lưng tinh thần không những là khuyết tật xấu, mà còn là tội lỗi, là những tật xấu bám chặt với điều xấu. Hoàng tử gù lưng không bằng lòng với khuyết tật thân thể của mình. Người Kitô chúng ta cũng ý thức về những khuyết tật tinh thần của mình.
Không bao giờ bằng lòng với những khuyết tật này, Hoàng tử có một ước muốn mãnh liệt thoát ra cảnh gù lưng. Người Kitô cũng cần có ước muốn mạnh mẽ thoát ra khỏi những tật xấu của mình. Hoàng tử nhờ nhìn vào bức tượng thẳng người, là lý tưởng của mình và trở thành thẳng người; người Kitô chúng ta cần nhìn thẳng vào lý tưởng của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô và không những phải nhìn từ cái nhìn bên ngoài mà thôi mà còn thực hiện điều Chúa Giêsu mong ước, đó là sống kết hiệp với Ngài để trở nên giống Chúa đến mức độ trở nên giống Chúa đến mức độ như thánh Phaolô Tông Đồ đã sống: "Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi".
Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi. Chúa Giêsu là mẫu gương của chúng ta, Chúa đã thực hiện cuộc vượt qua, đã chết và sống lại để thực hiện ơn cứu rỗi cho chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi những gì gù lưng tật xấu, để trở thành của ăn nuôi sống chúng ta và biến đổi chúng ta thành con người mới được tái tạo theo hình ảnh Chúa Kitô, và chúng ta cần luôn nhìn vào Chúa Giêsu Kitô để giải thoát mình khỏi những tật xấu, để chúng ta không còn bị gù lưng tinh thần mà đứng thẳng lên sống lại cuộc sống mới với Chúa. Vậy mừng Lễ Phục Sinh hôm nay, chúng ta phải nhất quyết luôn nhìn vào Chúa để sống đồng hoá với Chúa, để mình sống sự sống của Chúa, để trở nên giống như Chúa và được phục sinh với Chúa. Alleluia.
minh_tam
15-04-2010, 06:17 PM
SỨ MỆNH AN BÌNH VÀ THA THỨ
Đoạn trích Phúc Âm nầy là đoạn nổi tiếng nhất trong các đoạn: chúng ta đọc nó mỗi năm 2 lần, vào Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh và vào lễ Hiện Xuống. Thánh Gioan thuật lại trong đó hai biến cố xảy ra cách nhau một tuần. Buổi chiểu lễ Vượt Qua, Chúa Kitô hiện ra với các môn đệ đang tụ họp nhau cửa đóng then cài; sau đó Người đến thăm Tôma. Trên hết Người ban ơn Thánh Thần cho họ.
Ơn ban tặng nầy giới thiệu 3 cánh cửa nhỏ. Trước tiên là sự bình an. Trong những năm tháng dài những cuộc bách hại trước khi Phúc Âm nầy được viết ra sau, các Kitô hữu đã sống trong sợ hãi và ngờ vực. Nhiều cuộc bỏ đạo đã không ngừng nhắc nhớ họ cuộc trốn chạy của các tông đồ sau khi Chúa Giêsu bị bắt. Trong bối cảnh đó, cái hôn bình an, – như nhắc nhớ sự hiện diện bất biến của Đấng Phục Sinh,- đối với họ có một ý nghĩa ngay tức thì còn hơn là dầu chỉ bình an được Công đồng Vatican II phục hồi
Như là bổ sung vào ơn ban tặng Thánh Linh, các môn đệ nhận sứ mệnh từ chính Chúa Giêsu : Người sai họ đi “như Chúa Cha đã sai Người”, để hoà giải nhân loại với Người. Vậy, cánh cửa thứ ba của ơn ban tặng Thánh Thần là sự tha thứ. Quyền hạn của các môn đệ tha thứ và giữ lại các tội lỗi , – trong từ vựng xê-mit của Thánh Gioan – trước tiên có nghĩa là sự nhận thức rõ giữa đức tin thật và sự không tin, Công trình của Thiên Chúa, chính là các con tin vào Đấng mà người đã sai đến sao. Như vậy, được Thánh Linh nâng đỡ, Giáo Hội có chức năng đầu tiên là nhận biết đức tin, sau đó là tha thứ và hoà giải theo cách của Con Thiên Chúa sao
Phần tiếp theo của trình thuật nầy, Thánh Tôma kháng cự lại một tuần lễ dài, trước khi tiếp cận được với đức tin đích thực nầy của cộng đồng Kitô giáo. Ông mạnh mẽ và cứng rắn lập đi lập lại sẽ chẳng tin khi nào ông chưa tận mắt nhìn thấy Chúa Giêsu và tận tay sờ vào các vết dấu đinh và vết lưỡi đòng.
Sau khi đã lập lại ơn ban bình an, Chúa Giêsu lại gần Tôma bạn Người, để cho phép ông xác minh tận mắt tận tay các vết tích những đau đớn và cái chết, mà Đấng Messia đã phải chịu. Cử chỉ nầy làm sinh ra một đỉnh cao trong Phúc Âm Thánh : lời tuyên xưng rõ ràng nhất và ràng buộc nhất của đức tin Kitô giáo :” Lạy Chúa và là Thiên Chúa của con”.
Powered by vBulletin® Version 4.1.7 Copyright © 2025 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.