PDA

View Full Version : Sandro Gambassini, Can Đảm Vượt Thắng Tật Nguyền Thể Xác



littlewave
19-04-2008, 06:57 PM
Sandro Gambassini, Can Đảm Vượt Thắng Tật Nguyền Thể Xác Để Vui Sống


Thách đố mới nhất của Sandro là chiếc xe Alfa Romeo 75 thật sang trọng. Sandro nhìn chiếc xe mới màu đỏ bóng loáng hể hả nói: Từ mấy năm nay tôi hằng mơ ước một chiếc xe như thế này, vừa lớn vừa nhanh. Một phần nào đó, chiếc xe này biểu hiệu thật cho chính tôi.

Sandro Gambassini sinh năm 1960, người tỉnh Firenze, trung bắc Italia. Sandro nổi tiếng kể từ khi chàng trình luận án tiến sĩ luật khoa về vấn đề quyền chết và luật cho phép kết liễu êm dịu mạng sống của người bệnh, trong đó, Sandro chống lại mọi khuynh hướng cho phép kết liễu cách êm dịu cuộc đời của một bệnh nhân, cho dù bệnh nhân đó có là người tàn tật đi nữa. Và khi chàng quả quyết như thế, ban giám khảo tin lời Sandro bởi vì hơn ai hết, Sandro sống trong chính bản thân thân phận người tàn tật.

Chàng bị bệnh động kinh và tê liệt tứ chi từ hồi mới sinh ra được ba tháng. Sandro chưa bao giờ biết chạy nhảy chơi đùa như các trẻ thơ khác, cuộc đời chàng trải qua trên một chiếc ghế lăn. Mỗi một ngày trong đời là một trận chiến cam go chống lại sự lãnh đạm hay khinh chê của người khác. Cùng với ông bố Sergio, bà mẹ Iolanda, người chú là linh mục Gino và cô em gái Anna, Sandro khó nhọc chiến thắng mọi trở ngại trên đường đời.

Các bác sĩ khám nghiệm Sandro hồi còn bé đã vội vàng liệt kê chú bé vào hạng trẻ chậm trí. Khi đến tuổi cắp sách đi học, Sandro bị xếp vào lớp mệnh danh là lớp đặc biệt, nhưng người ta chỉ mong cho chàng sớm bỏ trường. Mỗi lần phải lên lớp đổi trường, là một lần Sandro phải nghe các ông bà hiệu trưởng viện đủ mọi cớ để từ chối không cho chàng nhập học. Nào là trường của họ không có giáo sư đủ khả năng theo dõi Sandro, nào là cơ sở trường ốc không hội đủ điều kiện để giúp Sandro học hành cách thoải mái vv và vv...

Học viện duy nhất đã sẵn sàng đón nhận và dùng đủ cách để giúp đỡ Sandro trên con đường học vấn là trường do các cha dòng Scolopi điều khiển. Tại đây, Sandro đã theo học hết bậc trung học đệ nhất và đệ nhị cấp. Sandro học hành, làm bài vở, viết và thông truyền cảm tưởng của mình bằng một máy vi tính vì không thể tự do xử dụng đôi tay để viết lách.

Mặc dù bao nhiêu khó khăn chướng ngại như thế, Sandro vẫn đạt được số điểm cao nhất trong kỳ thi tú tài. Sau khi lấy xong bằng tú tài, một lần nữa, Sandro lại làm mọi người ngạc nhiên khi quyết định ghi danh vào trường luật khoa. Mỗi một bộ môn thi đậu là một chiến thắng lớn đối với Sandro và là một phần thưởng tinh thần cho những người thân luôn sát cánh khích lệ và giúp đỡ chàng mạnh tiến trên đường đời.

Và rồi đến ngày trình luận án tiến sĩ, Sandro đã chọn đề tài đang làm sôi nổi dư luận thế giới từ ngày đó đến nay và có phần nào liên hệ mật thiết với cuộc sống của chàng; đó là vấn đề làm cho chết êm dịu. Trong luận án, Sandro khẳng định rằng: Trong một xã hội ngày càng có nhiều người không được ưu đãi hay già nua như xã hội chúng ta đang sống hôm nay, làm cho chết êm dịu là một chủ thuyết đang thu hút nhiều người. Và những người ”không được đời ưu đãi” như Sandro không khỏi tự dằn vặt mình để tìm kiếm một giải đáp cho câu hỏi đâu là ý nghĩa sự sống và cái chết.

Hồi đầu thập niên 90, khi chính quyền Hòa Lan chuẩn y luật cho phép kễt liễu êm dịu sinh mạng người bệnh và không trừng phạt các y sĩ giúp các bệnh nhân chết êm dịu, Sandro đã lên tiếng phản đối trong một bài báo đăng trên tuần san Famiglia Cristiana (Gia Đình Công Giáo). Sandro viết:
Chúng ta không thể dửng dưng đối với sự việc xảy ra tại Hòa Lan được. Tôi lo lắng vô cùng trước ảnh hưởng tiêu cực mà đạo luật này có thể tạo ra cho nbền văn hóa và cho xã hội hiện nay. Con người thời đại có thể đi đến chỗ đưa ra những thứ tự độc tài nếu chúng ta cứ để cho xã hội định đoạt giá trị cuộc sống của một cá nhân dựa trên các điều kiện thể lý, phẩm chất, cấp bậc xã hội hay chủng tộc. Tôi tự hỏi đâu là những tiêu chuẩn định đoạt sự sống còn của một con người, và nhất là ai là người có khả năng quyết định một sự sống đáng được sống hay không.

Sau đó vài năm, Sandro đã nổi tiếng tại vùng Toscana khi anh quyết định chiến thắng căn bệnh bàn giấy lộng hành tại Italia. Lúc ấy, Sandro vừa đậu một kỳ thi tuyển nhân viên hành chánh của cơ quan y tế thị trấn Prato gần Firenze. Nhưng để có thể đến sở làm, mỗi ngày Sandro phải trả khoảng 40 mỹ kim tiền taxi, nghĩa là tiền lương hàng tháng không đủ để trả tiền di chuyển. Sandro đã yêu cầu cơ quan y tế thiết lập một hệ thống chuyên chở dành cho các nhân viên tàn tật.

Ngày nay, Sandro đang dự định thực hiện một kế hoạch sống tự túc tự cường, chỉ dựa trên sự giúp đỡ của các phong trào tự nguyện. Anh tâm sự: Người tàn tật chúng tôi còn phải chiến đấu nhiều để xóa tan những thành kiến mà xã hội vẫn gán cho chúng tôi, nhất là thành kiến loài ăn bám, phát xuất từ một thể chế trợ giúp làm cho chúng tôi trở nên thụ động.

Và đây là câu trả lời của Sandro cùng bao nhiêu người tàn tật khác khi có ai muốn gán cho họ nhãn hiệu ”người không được ưa chuộng”.

Mai Anh (Vatican.net - 16/04/2008)