PDA

View Full Version : Sự trưởng thành trong ơn gọi tu trì



Ti_Amo
21-04-2010, 09:58 PM
SỰ TRƯỞNG THÀNH TRONG ƠN GỌI TU TRÌ






Cổ nhân xưa đã nói: “Nhân vô thập toàn,” châm ngôn này phù hợp với cuộc sống con người trong mọi thời đại, khi mà con người phải đối diện với những đan xen “tốt” – “xấu”, “thiện” – “ác” trong từng giây phút sống! Điều này đòi hỏi con người luôn có chọn lựa chính chắn, để từ đó con người có thể hoàn thành sứ mệnh “làm người” đúng ý nghĩa của mình hoà hợp giữa “thể lý và tinh thần” trong xã hội hay trong cộng đoàn dòng tu – đó là chiều kích trưởng thành của con người. Tuy nhiên, khi thế giới đi vào kỷ nguyên của khoa học – kỹ thuật đỉnh điểm, thì con người dường như bị cuốn hút vào vòng quay của cỗ máy thời gian cũng như tiện nghi hưởng thụ, chủ nghĩa thực dụng cũng như thế giới tục hoá, giá trị tinh thần hay hình ảnh “thánh thiêng” trong thế giới này không còn được đề cao.
Đứng trước thực trạng chung của thế giới ngày nay, Giáo hội mời gọi những ai theo đuổi ơn gọi tu trì cần phải nhận ra vai trò – vị thế – sứ mạng của mình để có thể bước vào đời – dấn thân làm chứng cho tình yêu dâng hiến và phục vụ Tin Mừng hiệu quả. Muốn trở thành một sứ giả của Tin Mừng thực sự, đòi hỏi người ấy phải trưởng thành trong ơn gọi của mình, nghĩa là phải được huấn luyện về mọi góc cạnh của cuộc sống không chỉ đào tạo kiến thức về triết học – thần học và khoa học, mà còn phải được huấn luyện để trưởng thành về tâm sinh lý, tu đức, tâm linh, vì những phẩm chất này thật cần thiết để người tu sĩ trở thành những con người quân bình, vững vàng, tự do, và có thể đảm nhận những trách nhiệm mục vụ cần thiết cho Giáo hội và xã hội. “Họ cần được giáo dục để biết yêu mến sự thật, để biết trung thành, biết kính trọng mọi người, để có ý thức công bằng, để trung thực trong lời nói, để chân thành cảm thông, để trở thành những con người nhất quán, và đặc biệt là để có sự quân bình trong phán đoán và trong thái độ ứng xử.” (PDV, số 43)
Thật vậy, sự trưởng thành luôn mang tính năng động thúc giục những ai theo đuổi ơn gọi tu trì hướng tới chân trời hoàn thiện. Nó không nhất thiết phát triển theo tuổi tác, mà nó biểu lộ qua sự quân bình của từng cá nhân được huấn luyện theo từng cấp độ, để có những khả năng hiểu biết và cảm ứng được sự phát triển trọn vẹn trên bình diện cảm quan, cũng như trên bình diện tri thức. Để trở thành một người tu sĩ đích thực, chúng ta nên đề cập đến:
1. Trưởng thành nhân bản:
Là khả năng phán đoán khách quan về đời sống cá nhân, chấp nhận mình trong hoàn cảnh thực tế, không ảo tưởng những gì vượt quá những nhu cầu theo bản năng, ý thức và trù liệu hướng về tương lai với niềm hy vọng.
Hiểu rõ chính mình là nền tảng để đánh giá trung thực về những chi phối về phẩm chất “nội – ngoại” trong cuộc sống cá nhân: thể xác, tình cảm, tri thức, thiêng liêng cũng như những kinh nghiệm sống trong đời. Bên cạnh đó, “biết mình” còn là khả năng nhận biết những giới hạn, những khuyết điểm, cũng như những khả năng, những ưu điểm – để từ đó nhận thức về mình là “ai”, “thế nào”, “làm gì”, “ở đâu”… để trù liệu và xây dựng cho mình một cuộc sống quân bình giữa những yếu tố tích cực và tiêu cực trong cuộc sống. Trưởng thành nhân bản hay “biết mình” là một giả định thiết yếu cho sự hoà hợp tâm lý và sự phát triển nội tâm. Vậy ai chưa “biết mình” thì chưa thật sự trưởng thành nhân bản.
2. Trưởng thành tình cảm:
Là biết tự chủ, biết giữ sự quân bình giữa cảm xúc, lý trí và nội tâm, tức là không để tình cảm bị chi phối điều khiển bởi cảm giác, nhưng bởi lý trí và ý chí hoà hợp với cảm xúc và nội tâm thể hiện trong từng cá nhân.
Sự quân bình tình cảm là khả năng đặt những biến cố, sự việc (chẳng hạn: tuyên khấn, mất mát hay một tai hoạ trong cuộc đời…) trong sự cân đối hài hoà giữa cảm xúc và lý trí. Nếu để cảm xúc chi phối khi rơi vào thất vọng (chẳng hạn như: thi trượt, không được tuyên khấn, không được tiến chức…) người tu sĩ thường phản ứng bằng thái độ không hài lòng như nóng nảy, giận dữ, xung đột, hay than thân trách phận. Ngược lại, một người trưởng thành biết thừa nhận những thất bại, chấp nhận trách nhiệm, thiếu sót, yếu kém của mình để phân định và tìm phương hướng vượt qua hay sửa chữa lại những sai lạc, theo châm ngôn: “thất bại là mẹ thành công.”
3. Trưởng thành xã hội:
Là khả năng giữ sự quân bình trong tình cảm trong tương quan đời sống cộng đoàn, trong tình liên đới với anh em và mọi người chung quanh bằng đời sống chia sẻ, giao tiếp hài hoà giữa thái độ “lắng nghe và đón nhận.” Trưởng thành về chiều kích xã hội của mỗi tu sĩ là khuynh hướng sống chung và hiệp thông với người khác bằng thái độ chia sẻ, cảm thông với mọi người trong cuộc sống thách đố của từng cá nhân với cuộc sống chung.
Sự trưởng thành xã hội cần phải có cái nhìn tổng hợp – khúc chiết về cuộc sống, hài hoà giữa cá nhân và tập thể để có thể dẫn vào đời tu qua một quá trình chuẩn bị thiêng liêng cũng như nhân bản giúp thể hiện được một sự hiện diện trưởng thành của những người tu sĩ, hầu tạo được những quan hệ đổi mới ngay bên trong cũng như bên ngoài cộng đoàn mình. (TT. số 33,c)
4. Trưởng thành tâm linh:
Là nét nổi bật của đời sống tu trì, là hành vi cuốn hút con người lao mình về Thiên Chúa, cố gắng hướng tầm mắt và cõi lòng về Thiên Chúa, đó chính là hành vi cao cả và sung mãn nhất của tinh thần – hành vi này chỉ đạo toàn bộ mọi sinh hoạt rộng lớn của người tu sĩ (x. CN. số 1). Một khi người tu sĩ trưởng thành trong chiều sâu tâm linh, thì trong mỗi thái độ hay cử chỉ của họ khi đối diện với những biến cố quan trọng cũng như trong những hoàn cảnh bình thường trong cuộc sống, họ biết sống hết mình với bổn phận của người tu sĩ, còn sự thành công – thất bại tuỳ thuộc vào Thiên Chúa trong niềm vui – hạnh phúc. (x. TH. số 65)
Sự trưởng thành này được biến đổi nhờ ơn sủng của Chúa Thánh Thần, dưới ánh sáng của Tin Mừng, làm cho người tu sĩ có khả năng sống đời sống cầu nguyện và nhiệm hiệp với Thiên Chúa và giúp họ phát triển khả năng sống và hoạt động trong Giáo hội – Gia đình dòng tu một cách năng động trong sự hiệp thông và tình liên đới.
Đời sống tu trì trưởng thành không chỉ là nhờ việc huấn luyện – giáo dục dựa trên những chiều kích: thể lý, luân lý, tri thức và tâm linh theo đường hướng của những nhà huấn luyện, mà sự trưởng thành này còn đòi hỏi nơi từng tu sĩ trách nhiệm về chính mình trong sự tự do đáp lại lời mời gọi của lương tâm bước theo Chúa, để biện minh cho sự lựa chọn thực tiễn và đặt giá trị đời tu trong sâu thẳm lòng mình, từ đó người tu sĩ có kinh nghiệm dồi dào về Thiên Chúa và giúp họ kiện toàn một cách tiệm tiến những kinh nghiệm ấy trong đời sống cá nhân. (CN. 17) Vì thế, để trở nên một người tu sĩ trưởng thành không phải chỉ vun đắp cho mình những tri thức lý thuyết về triết - thần, tâm lý, tâm linh… mà là một lối sống – thực hành trên những khía cạnh ấy, bằng việc phân định khả năng chấp nhận một đời sống có thể giúp trưởng thành nhờ di sản thiêng liêng và nhờ những quy tắc của hội dòng trong quá trình tiến triển của cá nhân trong cộng đoàn. (YT .44)
Cần hiểu rõ tiến trình của sự trưởng thành không phải là một hình thức áp đặt từ bên ngoài và đồng đều cho tất cả mọi tu sĩ, mà xuất phát “từ bên trong” của từng cá nhân. Tiến trình này tập hợp tất cả mọi chiều kích (thể lý, tâm lý, tâm linh…) và sức mạnh sinh động chung quanh sự chọn lựa tự do bước theo Chúa Kitô trong đời tu theo đặc sủng riêng biệt của từng hội dòng. Người tu sĩ trưởng thành tiệm tiến nhờ sự huấn luyện và nhờ kinh nghiệm sống đời tu của họ để có thể phân định giữa lý tưởng mà mình khấn hứa với con người thực tế của mình.
Để người tu sĩ trưởng thành trong ơn gọi của mình, mỗi gia đình dòng tu có trách nhiệm huấn luyện theo từng cấp độ (tiền tập, tập viện, khấn tạm, khấn trọn), tạo mọi điều kiện để người tu sĩ có đủ kiến thức và kinh nghiệm thực hiện đời sống theo Chúa Kitô, và hướng tới tương lai, nghĩa là trở nên những người tu sĩ trưởng thành để có thể làm chứng tá về cuộc sống trong Chúa Kitô, để phụng sự Giáo hội và phục vụ thế giới, để trở nên những chứng nhân sống theo lựa chọn của những lời khuyên Phúc Âm (Khiết Tịnh, Nghèo Khó và Vâng Phục) và sự đam mê đối với Thiên Chúa và đối với tình huynh đệ vẹn toàn bằng chính cuộc sống của người tu sĩ như một “sứ điệp sống” giữa anh chị em và tha nhân.

Lm. Antôn Nguyễn Tiến Hiền, MF.

NHỮNG TỪ VIẾT TẮT
TH: Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến
YT: Những yếu tố cốt yếu của Đời Tu
CN: Chiều Kích Chiêm Niệm của Đời Tu
TT: Tu Sĩ và Sự Thăng Tiến Con Người
PDV: Pastores Dabo Vobis

http://www.mfvietnam.org