PDA

View Full Version : Diễn từ của ĐTC tại Đại Hội Đồng LHQ (Phần tiếng Pháp)



littlewave
20-04-2008, 03:05 PM
Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (Phần tiếng Pháp)

Thưa ngài chủ tịch

Kính thưa quý vị,

Để bắt đầu bài diễn văn trước Đại Hội Đồng này, trước hết tôi muốn bày tỏ với ngài, thưa ông Chủ tịch, lời cám ơn chân thành của tôi trước những lời tốt đẹp của ngài. Lời cám ơn của tôi cũng muốn được chuyển đến ngài Tổng Thư Ký Ban Ki-moon vì lời mời tôi đến thăm trụ sở của Tổ Chức này và những lời chào mừng dành cho tôi. Tôi chào các vị Đại Sứ và các Nhà Ngoại Giao từ các Quốc Gia Thành Viên, và tất cả những ai đang hiện diện nơi đây. Qua quý vị, xin cho tôi gởi lời chào đến những dân tộc mà quý vị đại diện cho họ nơi đây. Họ hướng nhìn về đây như một cơ chế thực thi khát vọng nền tảng là thiết lập một “trung tâm điều hòa những hoạt động của các quốc gia hầu đạt được những mục đích chung” là hòa bình và phát triển (x. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, điều 1.2-1.4). Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phát biểu vào năm 1995, Liên Hiệp Quốc phải trở nên “một trung tâm luân lý nơi mọi dân nước trên thế giới cảm thấy thân thuộc và là nơi mà họ phát triển một nhận thức chung là trở nên, như đã từng là, một ‘gia đình của các dân nước’” (Diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày Thành Lập, New York, 5 tháng Mười năm 1995, số 14).

Thông qua Liên Hiệp Quốc, Các Quốc Gia đã hình thành những mục tiêu phổ quát mà dù cho không trùng hợp hoàn toàn với thiện ích chung tổng thể của gia đình nhân loại đi nữa, chúng rõ ràng cũng đại diện cho một phần căn bản của thiện ích đó. Những nguyên tắc căn bản của Tổ Chức này – khát vọng hòa bình, việc mưu tìm công lý, sự kính trọng phẩm giá con người, sự hợp tác và trợ giúp nhân đạo – thể hiện những khát vọng chính đáng của tinh thần nhân loại, và hình thành những lý tưởng đáng lý phải củng cố những quan hệ quốc tế. Như các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Phaolô Đệ Lục và Đức Gioan Phaolô II đã nêu lên từ chính bục nói chuyện này, Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thánh theo dõi sát tất cả điều này với sự quan tâm, trong khi nhận thấy nơi hoạt động của quý vị một điển hình về cách thế làm sao những vấn nạn và những cuộc tranh chấp liên quan đến cộng đồng quốc tế có thể được giải quyết theo nguyên tắc chung. Liên Hiệp Quốc thể hiện khát vọng cho một “mức độ lớn hơn của trật tự quốc tế” (John Paul II, Sollicitudo Rei Socialis, 43), được linh hứng và hướng dẫn bởi nguyên tắc phụ đới, và do đó có khả năng đáp ứng các đòi hỏi của gia đình nhân loại nhờ những qui luật quốc tế hiệu năng và những cơ cấu có khả năng điều hòa đời sống thường nhật của các dân tộc. Điều này càng cần thiết hơn trong thời điểm hiện nay khi chúng ta đang cảm nghiệm một sự nghịch lý hiển nhiên: sự đồng thuận đa phương giữa các nước tiếp tục bị khủng hoảng vì nó còn phải tùy thuộc những quyết định của một thiểu số, trong khi những vấn đề của thế giới đòi cộng đồng quốc tế phải có những cuộc can thiệp dưới hình thức những hoạt động chung.

Thực vậy, những vấn đề an ninh, các mục tiêu phát triển, sự giảm bớt chênh lệch trên bình diện địa phương và thế giới, việc bảo vệ môi sinh, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khí hậu, đòi mọi vị hữu trách của đời sống thế giới phải hành động phối hợp với nhau, và chứng tỏ một sự sẵn sàng làm việc chân thành, trong niềm tôn trọng công pháp, để thăng tiến tình liên đới tại những miền mong manh nhất thế giới. Tôi đặc biệt nghĩ đến một số nước tại Phi châu và tại các đại lục khác vẫn còn ở ngoài lề sự phát triển toàn diện đích thực, và do đó có nguy cơ chỉ cảm nhận được những hậu quả tiêu cực của sự toàn cầu hóa. Trong bối cảnh các quan hệ quốc tế, cần phải nhìn nhận vai trò hàng đầu của các qui luật và các cơ cấu, tự bản chất là nhắm thăng tiến công ích, và bảo tồn tự do của con người. Những qui luật ấy không giới hạn tự do, trái lại chúng thăng tiến tự do khi cấm đoán những thái độ và hành vi đi ngược lại công ích, cản trở sự thực thi hữu hiệu tự do và vì thế làm thương tổn phẩm giá của mọi người. Nhân danh tự do, cần phải có một sự tương quan giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Ở đây chúng ta hướng đến cách thức sử dụng những thành quả nghiên cứu khoa học và những tiến bộ của kỹ thuật. Tuy những tiến bộ ấy có thể mang lại ích lợi lớn lao cho nhân loại, nhưng một số trường hợp lại tiêu biểu cho một sự vi phạm tỏ tường trật tự tự nhiên, đến độ không những chúng trái ngược đặc tính thánh thiêng của sự sống, nhưng còn tước đoạt căn tính tự nhiên của con người và của gia đình. Cũng thế, việc bảo tồn môi sinh và bảo vệ những hình thái khác nhau của sự sống trên trái đất không nên chỉ giới hạn trong việc sử dụng hợp lý kỹ thuật và khoa học, nhưng còn phải bao gồm cả việc tái khám phá diện mạo đích thật của tạo vật. Điều này không bao giờ đòi hỏi một chọn lựa giữa khoa học và luân lý, nhưng đúng hơn là chấp nhận một phương pháp khoa học thực sự tôn trọng các qui luật của luân lý khách quan.

Sự nhìn nhận tính hiệp nhất của gia đình nhân loại, và sự chú ý đến phẩm giá bẩm sinh của mỗi người nam nữ ngày nay được nhấn mạnh trong nguyên tắc về nghĩa vụ bảo vệ. Điều này tuy chỉ mới được định nghĩa gần đây, nhưng nó đã hiện diện ẩn tàng nơi những nguồn gốc của Liên Hiệp Quốc, và giờ đây ngày càng trở nên nét đặc trưng trong hoạt động của cơ quan này. Mỗi Quốc Gia có trách nhiệm căn bản bảo vệ dân chúng của mình khỏi những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và kéo dài, cũng như những hậu quả của các khủng hoảng nhân đạo dù là do thiên nhiên hay do con người gây ra. Nếu các quốc gia không có khả năng thực hiện sự bảo vệ như thế, thì cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ phải can thiệp với những phương thế luật pháp đã được dự trù trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và trong các văn kiện công pháp quốc tế. Hành động của cộng đồng thế giới và các cơ chế phối thuộc không thể bị giải thích như một sự áp đặt bất công, hay một sự giới hạn chủ quyền quốc gia, miễn là hành động ấy tôn trọng các nguyên tắc nâng đỡ trật tự quốc tế. Trái lại, chính sự dửng dưng hoặc không can thiệp mới là điều gây thiệt hại đích thực. Điều cần thiết là một sự tìm kiếm sâu hơn những cách thế ngăn chặn và đương đầu với những cuộc tranh chấp qua việc tìm kiếm mọi phương thế ngoại giao khả thi, chú ý và khích lệ ngay cả dấu chỉ mong manh nhất của đối thoại hay ước ao muốn hòa giải.

Nguyên tắc của “trách nhiệm bảo vệ” đã được xem xét bởi luật dành cho các dân nước (ius gentium) thời xưa như nền tảng cho mỗi hành động của quan chức chính quyền liên quan đến người dân do họ cai trị: vào thời điểm khi khái niệm chủ quyền Quốc Gia đầu tiên được biết đến, Sư huynh Francisco de Vitoria, người đáng được gọi là vị tiền hô cho ý tưởng Liên Hiệp Quốc, đã mô tả trách nhiệm này như một khía cạnh của lý trí tự nhiên được chia sẻ bởi mọi dân nước, và như thành quả của một trật tự quốc tế có nhiệm vụ điều hoà quan hệ giữa các dân tộc. Ngày nay, cũng như vào thời đó, nguyên tắc này phải gợi lên ý tưởng con người như là hình ảnh của Đấng Tạo Hóa, gợi lên ao ước về sự tuyệt đối, và yếu tính của tự do. Như chúng ta biết, việc thành lập Liên Hiệp Quốc trùng hợp với những biến động sâu xa mà nhân loại đã trải qua khi những gì liên quan tới ý nghĩa của siêu việt tính và lý trí tự nhiên bị loại bỏ, và hệ quả là, tự do và nhân phẩm đã bị chà đạp nghiêm trọng. Khi điều này xẩy ra, nó đe dọa những nền tảng khách quan của những giá trị đang linh hướng và chi phối trật tự quốc tế và nó làm suy yếu đi tính chất thuyết phục và những nguyên tắc bất khả vi phạm được Liên Hiệp Quốc hình thành và củng cố. Khi đối diện với những thách đố mới và dai dẳng này thật là sai lầm khi quay trở về với sách lược thực dụng, giới hạn vào việc xác định “nền tảng chung”, nghèo nàn về nội dung, và chẳng đưa lại hiệu quả gì.

Việc tham chiếu đến phẩm giá con người này, là nền tảng và là mục tiêu của trách nhiệm bảo vệ, dẫn chúng ta tới chủ đề chúng ta đang đặc biệt chú trọng trong năm nay là năm đánh dấu 60 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Văn kiện này là thành quả của một sự hội tụ những truyền thống tôn giáo và văn hóa khác nhau, tất cả được tác động bởi một ước vọng chung là đặt con người vào tâm điểm của các cơ cấu, luật lệ và những hoạt động của xã hội, và coi con người là những gì chính yếu đối với thế giới văn hóa, tôn giáo và khoa học. Nhân quyền ngày càng được trình bày như là ngôn ngữ chung và là nền móng đạo lý trong các mối liên hệ quốc tế. Đồng thời, tính cách phổ quát, tính cách bất khả phân ly và tính cách liên thuộc của nhân quyền tất cả giúp vào việc bảo đảm nhân phẩm. Cũng hiển nhiên là các quyền được nhìn nhận và trình bày trong bản Tuyên ngôn được áp dụng cho tất cả mọi người, vì nguồn gốc chung của con người, vốn là cao điểm trong ý định sáng tạo của Thiên Chúa đối với thế giới và lịch sự. Các quyền ấy có nền tảng nơi luật tự nhiên được ghi khắc trong tâm can con người và hiện diện trong mọi nền văn hóa và văn minh khác nhau. Tách rời các quyền con người ra khỏi bối cảnh ấy có nghĩa là thu hẹp phạm vi của chúng và chiều theo một quan niệm duy tương đối, theo đó ý nghĩa và sự diễn dịch các quyền con người có thể thay đổi, và đặc tính phổ quát của các quyền ấy có thể bị phủ nhận nhân danh những quan niệm khác nhau về văn hóa, chính trị, xã hội và cả tôn giáo nữa. Sự dị biệt bao la giữa các quan điểm không được phép làm lu mờ sự kiện là không chỉ có các quyền là phổ quát, nhưng cả con người, chủ thể của những quyền ấy cũng là phổ quát.

J.B. Đặng Minh An dịch