PDA

View Full Version : CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM C (2 tháng 5/2010)



vũng_nước
28-04-2010, 05:15 AM
2 tháng 5/2010: CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM C


BÀI ĐỌC I: Cv 14, 20b-26 (Hl 21-27)
"Các ngài thuật lại những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài".

Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: "Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa". Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Đấng họ tin theo. Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 144, 8-9. 10-11. 12-13ab
Đáp: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ chúc tụng danh Chúa đến muôn đời (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.
2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.
3) Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ.

BÀI ĐỌC II: Kh 21, 1-5a
"Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ".

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan đã thấy trời mới và đất mới. Vì trời cũ và đất cũ đã qua đi, và biển cũng không còn nữa. Và tôi là Gioan đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình. Và tôi nghe có tiếng lớn tự ngai vàng phán ra: "Đây là Thiên Chúa ở với loài người, và chính Thiên Chúa sẽ ở với họ. Người sẽ lau khô mọi giọt lệ ở mắt họ. Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi". Và Đấng ngự trên ngai vàng đã phán rằng: "Này đây, Ta đổi mới mọi sự". Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 13, 34
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 13, 31-33a. 34-35
"Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển. "Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau". Đó là lời Chúa.




http://suyniem.com/pics/jesus/jesus(10).jpg



http://suyniem.com/Tin Mung HN/cn5psC.mp3



SUY NIỆM TIN MỪNG
TÌNH YÊU KITÔ GIÁO BẮT ĐẦU TỪ GIA ĐÌNH



Tình yêu Kitô giáo quá bao la, đến nỗi khiến nhiều ngưới không biết bắt đầu từ đâu, và kết cục sẽ chỉ sống sự mơ hồ của Tình Bác Ái Kitô giáo! Mỗi người Kitô hữu đều thuộc nằm lòng điều kết luận của Mười Điều Răn: Mến Chúa trên hết mọi sự, và yêu người như chính mình. Cả hai quyện lẫn nhau để đưa đến cùng đáp số cho chữ Yêu. Tuy nhiên để có đáp số đúng, thiết tưởng nên bắt đầu cảm nghiệm và sống chữ yêu trọn vẹn trong gia đình trước, vì nơi đó là nôi của tình yêu thiết thực đúng nghĩa nhất của tình yêu Kitô giáo.

Để hiểu được tính thiết thực nhất của tình yêu nơi những người thân yêu trong gia đình, cần phân biệt rõ một số cách yêu thường thấy quanh ta trên đời: Như tình yêu ích kỷ, tức yêu để có lợi, chứ không yêu chính con người với cuộc đời; tình yêu lãng mạn, tức yêu để thỏa mãn nhu cầu yêu, tức yêu vì đam mê của mình, đặc tính của tình trai gái; tình yêu tự nhiên, tức yêu hai chiều đổi chác, cả hai đều có lợi, thế thôi! tình yêu một cách chung chung, tức chẳng gắn bó với ai hết, nghĩa là chẳng yêu gì cả; ... Và tình yêu Kitô giáo: Yêu như Chúa yêu.

Những người thân yêu trong gia đình trước hết và trên hết cần thấu hiểu ý nghĩa yêu như Chúa yêu, mới có thể đi hết trong sự trung thành của tình yêu thân thiết để phản ảnh tình yêu Kitô giáo. Trong thực tế, thật đau thương khi phải nói lên sự thật bất hạnh này là trong rất nhiều gia đình Kitô giáo, sự bất hòa, ghen ghét và hận thù giữa anh chị em ruột thịt với nhau, và từ đó đưa đến sự ghét bỏ cha mẹ hoặc ghét bỏ con cái đã xảy ra! Tại sai vậy? Thưa bởi vì nền tảng tình yêu Kitô giáo trong gia đình bị đổ bể chỉ vì sự ích kỷ đã tạo nên ghen ghét và thụ động nơi anh chị em ruột thịt và cha mẹ của họ. Sự ghen ghét có thể do tự nhiên vì đặc tính thể xác hoặc tinh thần, hoặc do đặc ân nhận được không đồng đều trong gia đình. Sự thụ động được tạo nên có thể do chỉ ước mong như sự ích kỷ tuyệt đối "buộc người khác" phải nghĩ, phải lo lắng, phải cảm thông, và phải tặng ban cho mình, trong khi ngược lại không làm gì cho ai trong gia đình mình!

Nên học yêu như Chúa trong gia đình có thể nói là căn bản để thực hiện luật yêu của Chúa. Chúa yêu vô vụ lợi. Chúa cho đi tất cả. Chúa yêu cả người thân lẫn kẻ thù. Chúa tha thứ tất cả. Chúa nâng đỡ tất cả. Chúa yêu chỉ vì mọi người đều là con của Chúa. Tình yêu của Chúa cho con người rất phổ quát, đồng đều, nhưng cũng rất "cá nhân", nghĩa là Ngài yêu từng người một như người yêu của Ngài. Nếu trong gia đình mỗi thành phần đều ấp ủ nhau trong tình yêu như Chúa yêu, sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi nhau, đúng như câu hát "đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời". Và một khi thực hiện được tình yêu Kitô giáo trong gia đình, ta mới có thể chia sẻ được tình Chúa trong các môi trường sống giữa xã hội.

Lm. Raphael Xuân Nguyên