PDA

View Full Version : Sai lầm là hậu quả tất yếu của những nhận định thuần chủ quan



strawberrybaby
04-05-2010, 06:59 AM
Sai lầm là hậu quả tất yếu của những nhận định thuần chủ quan

Ngày nay tại các „chợ sách“ ở khắp nơi trên thế giới, người ta nhận thấy bày bán những loại sách báo đưa ra những tham vọng đầy phiêu lưu của một số tác giả, chẳng hạnh họ đã tìm cách giải thích các vấn đề thuộc lãnh vực tín ngưỡng, như sự hiện hữu vả bản thể của Thiên Chúa, tâm thức tín ngưỡng hay sự xác tín tôn giáo của con người, v.v…, bằng các phương pháp của khoa học tự nhiên và coi các giải đáp của họ là chân lý khách quan, bất di dịch.

Bởi vậy, trong thời gian gần đây người ta đã thấy xuất hiện một số sách báo thuộc khuynh hướng nói trên, như: cuốn „Das Gottes-Gen“ (Di truyền vi tử của Thiên Chúa) của Dean Hammer, „Und Mensch schuf Gott“ (Và con người đã tạo dựng nên Thiên Chúa) của Pascal Boyers, „Der gedachte Gott – Wie Glaube im Gehirn entsteht“ (Vị Thiên Chúa được suy diễn – Đức tin nảy sinh ra thế nào trong não bộ) của Andrew Newberg, hay cuốn „Die Vermessung des Glaubens“ (Sự đo lường đức tin) của Ulrich Schnabel. Và bây giờ với tác phẩm dưới tựa đề „Gott, Gene und Gehirn“ (Thiên Chúa, di truyền vi tử và não bộ), hai tác giả Rüdiger Vaas và Michael Blume lần đầu tiên đã trình bày cái nhìn tổng quát về một lãnh vực rộng lớn, mà trên đó các nhà nghiên cứu sự tiến hóa, các nhà di truyền học, các nhà khảo sát não bộ, các tâm lý gia, các triết gia và cả đến các nhà khoa học về tôn giáo, v.v… đã đùa giỡn với những khả năng chuyên môn của mình. Nhưng trong lãnh vực ấy, họ còn động chạm tới sự hiện hữu của Thiên Chúa, một vấn đề của đức tin tôn giáo, một vấn đề hoàn toàn vượt khỏi các phạm trù suy luận của trí năng, và như thế vượt lên trên các lãnh vực chuyên môn của họ.

Còn trong tác phẩm của họ, hai ký giả khoa học Rüdiger Vaas, chủ nhiệm Nguyệt san „Bild der Wissenschaft“ (Hình ảnh về khoa học) và Michael Blume, nhà khoa học về tôn giáo, đã đưa lên hàng đầu đoạn trích dẫn từ mạng thông tin về xã hội sinh học „Edward O. Wilson“. Câu được trích dẫn như sau: „Chúng ta đã đạt tới được giai đoạn quyết định trong lịch sử sinh học, trong giai đoạn mà chính tôn giáo trở thành đối tượng cho những giải thích của khoa học tự nhiên“. Vì thế, một cuốn sách như cuốn „Thiên Chúa, di truyền vi tử và não bộ“ có thể được coi là cả một khiêu khích đối với những người có tín ngưỡng. Cuốn sách này xem ra được hai tác giả viết ra với đầy đủ ý thức như tựa đề phụ của cuốn sách đã cho thấy điều đó: „Warum Glaube nützt – Die Evolution der Religiosität“ (Đức tin có ích lợi gì – Sự tiến hóa của tâm tình tín ngưỡng).

Dĩ nhiên, ở đây trong trường hợp hai tác giả Rüdiger Vaas va Michael Blume người ta không thể khẳng định là họ có chủ ý nhằm xúc phạm đến tâm thức tín ngưỡng, hay thuộc phong trào bạo động quá khích, nhằm châm biếm và thóa mạ các người có tín ngưỡng một cách thô lỗ, chẳng hạn như trường hợp nhà sinh vật học vô thần Richard Dawkins với cuốn „Der Gotteswahn“ (Sự ảo tưởng sai lầm về Thiên Chúa), triết gia Daniel Dennett với cuốn „Den Bann brechen – Religion als natürliches Phänomen“ (Loại bỏ sự mê hoặc – Tôn giáo là một hiện tượng tự nhiên) hay văn sĩ Sam Harris với cuốn „Das Ende des Glaubens“ (Con đường cùng của đức tín).

Ngay cả một thái độ giản lược thiếu khoa học như thường được sử dụng trong những cuốn sách vừa được nói đến ở trên, người ta cũng không tìm gặp trong cuốn „Thiên Chúa, di truyền vi tử và não bộ“. Qua đó, hai tác giả R.Vaas và M. Blume đã cho thấy rằng họ khá khách quan, chân thành và trung thực trong nhận thức của mình, chứ không chủ quan, quá khích và một chiều như các tác giả có thái độ bài tôn giáo khác. Đó là điều được minh chứng rõ rệt trong câu viết sau đây: „Bởi vậy, ngay chính một bằng chứng đầy xác tín về những nguyên tắc thuộc thần kinh sinh học và tiến hóa sinh học nơi những biểu hiệu tôn giáo thì không có nghĩa là những biểu hiệu ấy xét về mọi phương diện không gì khác hơn là những sinh hoạt của não bộ và phương tiện đã được xác định một cách theo di truyền học cho việc sống còn và việc tiếp tục truyền sinh dòng giống“.

Một sự trung thực trong lãnh vực khoa học như thế - thực ra là một điều đương nhiên luôn luôn phải vậy - rất đáng trân trọng và cảm phục. Đàng khác, thái độ trung thực ấy cũng không thể biến một cuốn sách vào loại có trung bình thành một tác phẩm có giá trị được.

Cuốn sách của Rüdiger Vaas và Michael Blume được coi là vào loại trung bình do nhiều lý do. Trước hết, người ta đã không tìm thấy trong đó lập trường xa tránh cần thiết đối với những thái độ bài bác tôn giáo một cách cực đoan của những người vô thần như Dawkins, Dennett hay Harris, v.v… với những lập luận chủ quan một chiều và quá khích của họ. Trái lại, thay vì có thái độ cần thiết đó, cuốn sách đã vô tình hay hữu ý lại còn quảng bá một cách gián tiếp các lập luận của những người vô thần kia.

Qua đó, người ta nhận thấy rõ được rằng một khi các tác giả chưa thể tìm ra được những luận cứ cần thiết, thì họ đã trích dẫn những quan điểm đối lập. Vì thế, nhiều khi chính những trích dẫn không đúng chỗ đã làm giảm thiểu giá trị, nếu không muốn nói là làm sai lạc chính quan điểm của tác giả. Điều ấy muốn nói rằng ngay cả „những lý do thuộc lý thuyết khoa học“ – mà những người đa nghi chấp nhận và chào đón một cách nghiêm chỉnh, những người „tuy nhiên tỏ ra rất bất đồng với sự sinh học hóa (một phần) tôn giáo“ – được bàn cãi một cách duy nhất về những giả thuyết của những người mà trên nguyên tắc cùng đồng ý cho rằng tâm tình tín ngưỡng hay lòng đạo hạnh của con người là sản phẩm của sự diễn tiến thích nghi thuộc tiến trình tiến hóa. Trong tác phẩm, trước hết ba giả thuyết sau đây đã được nêu lên:

1) Tâm tình tín ngưỡng, hay lòng đạo hạnh, là một sản phẩm của sự thích nghi trực tiếp của sự tiến hóa. Điều đó muốn nói rằng những người có tín ngưỡng có được nhiều lợi điểm trong quá trình đào thải hơn những người vô tín ngưỡng.

2) Tâm tình tín ngưỡng chỉ là một sản phẩm phụ của những biểu tượng khác, tức những biểu tượng chiếm giữ một lợi điểm như thế. Việc làm một người có tín ngưỡng, thì trong cuộc tranh đấu cho cuộc sống không hề là một lợi điểm, hay ít ra chỉ là một lợi điểm gián tiếp mà thôi.

3) Và cuối cùng, tâm tình tín ngưỡng, hay lòng đạo hạnh, là một sản phẩm văn hóa thuần tuý. Vì thế, tâm tình tín ngưỡng không gì khác hơn là kết quả một sự tiến hóa thuộc lãnh vực xã hội và văn hóa, một sự tiến hóa không chứa đựng trong mình những nguyên tắc truyền sinh mang tính cách quyết định.

Tuy nhiên, sau cùng các tác giả đã không đủ can đảm dành ưu tiên cho bất cứ giả thuyết nào trong ba giả thuyết vừa được nêu ra, và bởi vì họ không tìm thấy giả thuyết nào trong ba giả thuyết ấy hội đủ các chứng cứ có tính cách thuyết phục, nên họ không những cho rằng điều đó là do sự non trẻ của một „ngành khoa học“ mới mẻ, nhưng đồng thời còn coi đó như một sự chứng thực cho tinh thần khoa học riêng của họ.

Ở đây người ta tự hỏi: điều đó sẽ làm cho ai được vui mừng và hãnh diện? Phải chăng người ta lại vỗ ngực hãnh diện vì sự bất lực ở chỗ là „ngành khoa học“ đang còn quá non trẻ, như hai tác giả đã công nhận, nên đã không thể nhận thức được một cách đầy đủ vấn đề mang tính cách quyết định!

Nhưng người ta cũng không được phép quên rằng có một sự thật mà từ hàng ngàn năm nay vẫn bất biến, vẫn không hề thay đổi, đó chính là: Tinh thần không hề được xây dựng trên những nền tảng vật chất, trái lại toàn thể vật chất nhất thiết phải hoàn toàn được dựa trên nền tảng tinh thần. Nói cách khác, không phải vật chất sản sinh ra tinh thần như Karl Marx và các người Mác-xít chủ trương, nhưng chính tinh thần là nguyên lý làm phát sinh ra vật chất.

Vào cuối cuốn sách „Thiên Chúa, di truyền vi tử và não bộ“, hai tác giả R. Vaas và M. Blume đã trích dẫn câu nói sau đây của nhà văn Erich Kästner, một câu nói rất phù hợp với chủ đề mà họ đưa ra mổ xẻ trong cuốn sách: „Die Fragen sind es, aus denen das, was bleibt, entsteht“: (Đó là những vấn nạn mà điều nảy sinh ra từ chúng thì không hề thay đổi). Đúng thế, những vấn nạn được nêu lên về Thiên Chúa, về sự hiện hữu và về bản thể của Người, người ta có thể nêu lên để tìm hiểu, chứ không thể để bài bác hay phủ nhận được, vì sự hiện hữu của Thiên Chúa là một điều minh nhiên, nhưng bản thể của Người ra sao thì hoàn toàn vượt khỏi mọi phạm trù suy luận của trí năng con người. Sự hiện hữu của Thiên Chúa là một chân lý khách quan, không có gì có thể thay đổi được. Nhưng nếu hai tác giả đã trích dẫn đúng chỗ câu nói của Erich Kästner, người ta cũng cần nói với họ: Hỡi các chú sư tử, các chú rống lên rất hay! Nhưng khi nào thì các chú mới nêu ra được những vấn đề chân chính!

Thật vậy, những người vô thần và những người có óc bài trừ tôn giáo đã làm một việc hoàn toàn thiếu lô-gích, hoàn toàn không hợp lý, khi họ không những đưa ra mổ xẻ và bình luận mà còn phê phán và khẳng định, nếu không nói là kết án găy gắt, về những vấn đề hoàn toàn không nằm trong phạm vi khả năng chuyên môn của họ. Họ là những chuyên gia về khoa học thực nghiệm, về sinh vật học, về hóa học, về văn chương, về triết học hay xã hội học, v.v… nhưng họ lại đưa ra những khẳng định thuộc phạm vi tín ngưỡng, thuộc thần học, tức những khẳng định về Thiên Chúa và về các vấn đề thuộc đức tin. Bởi vậy, những phê phán của họ không tránh khỏi sự lệch lạc, một chiều, thiếu tính cách khách quan, và vì thế không phù hợp với sự thật.

Dĩ nhiên, các tôn giáo lớn trên thế giới nói chung và Kitô giáo nói riêng, không phải là một hội kín, nhưng là một đơn vị công khai và có pháp nhân trong xã hội, nên người ta không những có quyền mà còn luôn được khuyến khích tìm hiểu, mổ xẻ, phân tích và phê bình. Nhưng thái độ mổ xẻ tìm hiểu một cách khách quan thì khác với thái độ phê bình chỉ trích và bài bác chống đối một cách chủ quan và mù quáng. Ở đây, có lẽ chúng ta cần nhắc lại một câu ngạn ngữ vốn được mọi người nhìn nhận như một thái độ xử thế đúng đắn, đó là: „Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe“. Thật vậy, các nhà trí thức chân chính và tất cả những người có bản lĩnh và có lương tri lành mạnh, không bao giờ đưa ra những nhận định hay những phê phán một cách quả quyết về những vấn đề nằm ngoài hay vượt lên trên khả năng chuyên môn và sự hiểu biết của họ, tức những vấn đề mà mình họ không nắm vững hay chưa hiểu rõ. Trái lại, họ luôn chân thành lắng nghe ý kiến của những người chuyên môn về những vấn đề đó.

Việc các người vô thần đưa ra những nhận định đầy tính chất chủ quan, thiếu cân nhắc và thiếu tham khảo đầy đủ về những vấn đề thuộc tín ngưỡng nói chung và về sự hiện hữu của Thiên Chúa nói riêng, âu cũng là một thứ „bệnh thời đại“ của con người hôm nay, bệnh phán đoán theo kiểu „ếch ngồi đáy giếng“: Từ những hiểu biết thuộc lãnh vực chuyên của của mình, họ cứ chủ quan cho rằng mình đã nắm hết kho tàng tri thức của nhân loại trong tay, vì thế họ đã vô tình hay chủ ý quên đi rằng kho tàng tri thức của nhân loại thì bao la vô tận, nhất là sự tri thức trọn vẹn về Thiên Chúa lại hoàn toàn vượt khả năng hiểu biết của con người. Do đó, những nhận định họ đưa ra thường có tác dụng tuyên truyền và kích động, chứ không phù hợp với sự thật khách quan. Vâng, sai lầm là hậu quả tất yếu của những nhận định thuần chủ quan như thế là.

__________________

Sách tham khảo:

Rüdiger Vaas/Michael Blume: Gott, Gene und Gehirn. Warum Glaube nützt. Die Evolution der Religiosität. Nhà xuất bản S. Hirzel, Stuttgart 2009, 254 trang.
Lm Nguyễn Hữu Thy