PDA

View Full Version : nhịp sống mỗi ngày



cecilialmr_hanh
18-05-2010, 09:49 PM
Chứng nhân tình yêu

Một truyện hư cấu để nói một điều hệ trọng.


Một truyền thuyết kể lại rằng: Khi Chúa Giêsu về đến trời, thân thể Người vẫn còn đầy thương tích, không chỗ nào lành lặn. Các thiên thần vừa thấy thì quỳ xuống trước mặt Người tỏ lòng thương kính Người, vì không ngờ Người phải mang thương tích trầm trọng đến thế.
Một lúc sau, thiên sứ Gáp-ri-en tâu:
- Lạy Chúa, Chúa chịu thương tích đau khổ như vậy mà thiên hạ có biết sự hy sinh và tình thương hải hà của Chúa không?
- Chỉ một ít thôi, phần đông họ chưa biết Ta là ai, làm gì cho họ.
Thiên sứ ngạc nhiên tâu tiếp:
- Thế Chúa về trời, làm sao họ biết Chúa hy sinh chịu chết cho họ?
- Ta có bảo Phêrô, Giacôbê, Gioan và số bạn hữu đi nói họ họ biết, rồi đến lượt họ một khi đã biết được thì đi nói với người khác nữa. Nhờ đó, cả thế gian sẽ biết tình yêu Ta dành cho họ.
Thiên sứ nghe thế càng bối rối, vì quá rõ loài người yếu đuối hèn nhát:
- Lạy Chúa, nếu lỡ Phêrô, Giacôbê, Gioan và số bạn hữu mệt mỏi thất bại ngã lòng, rồi số người mới được nghe nói về Chúa lần hồi quên mất rồi sao? Chúa không dự bị kế hoạch nào à?
- Ta đã dự liệu tất cả. Nhưng Ta tin chắc Phêrô, Giacôbê, Gioan sẽ không làm Ta thất vọng, và những người được họ loan báo cũng sẽ không làm Ta thất vọng.
Đúng như Lời Chúa tiên đoán: Phêrô, Giacôbê, Gioan và những kẻ được nghe các ông loan báo Tin Mừng đều không phụ lòng Người. Họ đã đi khắp thế giới rao truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, đã lấy máu mình làm chứng cho đức tin. Tiếp nối bước chân họ là những bước chân các vị thừa sai, bỏ quê cha đất tổ đến những miền đất xa lạ để tiếp tục mang Tin Mừng đến cho mọi người. Máu họ đã đổ xuống trên quê hương Việt Nam, máu những người bản xứ được tiếp nhận Tin Mừng cũng đổ xuống để minh chứng cho điều họ tin. Còn con cháu của những vị thánh Tử Đạo thì sao? Họ đang sống cuộc đời như thế nào? Họ có tiếp tục làm chứng cho đức tin của mình không? Họ có làm cho Chúa Giêsu Thăng Thiên thất vọng hay không?
Làm chứng cho tình yêu Chúa, đó không chỉ là bổn phận của riêng Phêrô, Giacôbê, Gioan, của hàng linh mục, giáo sĩ, tu sĩ… nhưng là nhiệm vụ của tất cả những người tin vào Chúa qua phép rửa. Ai cũng có thể làm chứng cho Chúa qua cuộc sống hiện tại của mình, đó là ơn gọi nên thánh giữa đời. Chẳng cần phải bỏ gia đình, bỏ công ăn việc làm đi vào một vùng đất xa xôi mới gọi là rao truyền Tin Mừng. Lời Chúa được rao giảng hữu hiệu nhất qua cuộc sống của chính mình, từ trong gia đình, bạn bè, cộng đoàn, hãng xưởng…. Người Samaria tốt lành chẳng hề có ý định rao giảng điều chi, nhưng qua hành động nhân ái của ông với đồng loại mà ông đã trở thành nhân chứng sống của tình yêu.
Chúa Giêsu về trời dù biết rằng các môn đệ đang rất cần Người, Người về trời mang theo một niềm tin mãnh liệt vào loài người yếu đuối. Người biết nếu họ có tình yêu, tin vào tình yêu và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần thì họ sẽ làm được. Hơn 2000 năm qua, hạt giống Tin Mừng, hạt giống Tình Yêu của Giêsu đã được gieo vãi khắp nơi và sẽ được tiếp tục gieo rắc khắp chân trời góc bể, nhưng Chúa vẫn tiếp tục chờ đợi trên trời cao! Chờ đợi sự góp tay của những người con thụ động đang nhắm mắt, bịt tai lặng im trước lời mời gọi yêu thương.


***
Lạy Chúa Giêsu Thăng Thiên, Ngài biết con cần Ngài biết bao trong cuộc sống trăm nghìn thử thách này. Thế mà Chúa vẫn về Trời để lại sứ mạng lớn lao lên đôi vai nhỏ bé. Chúa ơi, con tin vào Lời Chúa hứa, tin vào sức mạnh Chúa Thánh Thần Ngài sẽ ban cho con. Xin cho con được trở thành nhân chứng tình yêu qua cuộc sống mà con đang phải cố gắng vươn lên từng giây, từng phút. Dù là một ánh sáng leo lét, nhưng xin cho ánh sáng đó được thắp lên giữa lòng cuộc đời. Amen!
nguồn : http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=3012

cecilialmr_hanh
18-05-2010, 09:54 PM
Hai người mẹ
Mỗi người chúng ta có hai người mẹ.
Khi nói về tình mẹ, ông Joseph Rosumbol đã tâm sự như sau:

"Mẹ luôn có mặt mỗi khi bạn cần đến. Mẹ luôn giúp đỡ, bảo vệ, lắng nghe, khuyên bảo, động viên, khích lệ và nuôi dưỡng cả tinh thần lẫn thể xác bạn. Mẹ luôn cố gắng làm cho gia đình luôn đầy ắp tình thương yêu. Ðó là những gì tôi có thể tóm tắt về hình ảnh hay đúng hơn là kỷ niệm của tôi về mẹ. Bởi trong những năm tháng ngắn ngủi mà tôi có mẹ ở bên cạnh, tôi luôn cảm thấy may mắn là mình có mẹ, nhưng tôi biết rằng chẳng có lời nào có thể diễn tả hết tình thương của mẹ với những hy sinh mà mẹ dành cho tôi. Tất cả những hy sinh đó chẳng có hy sinh nào là nhỏ cả. Tất cả đều vĩ đại. Bởi nó diễn tả tình thương trọn đầy của mẹ đối với tôi, một đứa con trai bé bỏng của mẹ. Khi ấy, tôi vừa tròn mười chín tuổi và đang trên đường dẫn tới cái chết. Thình lình, mẹ tôi chen vào và đổi chỗ cho tôi đi ra. Mặc dầu đã năm mươi năm trôi qua nhưng tôi không bao giờ có thể quên nổi những lời cuối cùng trước khi mẹ giả từ tôi để tiếp tục bước đường dẫn tới cái chết. Tôi cũng không bao giờ quên được ánh mắt tràn ngập yêu thương và hy vọng quyện lẫn những nỗi xót xa phải chia tay. Lúc đó, mẹ tôi đã nói: "Mẹ đã sống đủ rồi, con còn trẻ nên con cần phải sống". Tôi nghĩ, phần lớn các đứa trẻ được sinh ra có một lần, nhưng tôi, tôi đã được sinh ra đến hai lần với cùng một người mẹ".



*****
Mỗi tín hữu kitô chúng ta cũng có thể nói được rằng chúng ta cũng đã được sinh ra hai lần nhưng với hai người mẹ: người mẹ thứ nhất là người đã sinh ra chúng ta để chúng được hiện diện trên cõi đời; và chúng ta cũng được sinh ra trong đức tin với người mẹ thứ hai là Giáo Hội.

Thật thú vị khi dùng hình ảnh người mẹ để chỉ về Giáo Hội. Với những bản tính của một người mẹ, Giáo Hội như muốn ôm trọn lấy mọi người, chăm sóc và lo lắng cho từng người bằng Lời Chúa và qua các bí tích. Và khi chúng ta nhận biết những cố gắng của người mẹ, đồng thời chúng ta phải có bổn phận để tiếp nối vai trò của người mẹ cũng như đón nhận những khác biệt của người mẹ trong tình thương mến.

Ðứng trước những thử thách mà Giáo Hội đang gặp phải hiện nay, mỗi chúng ta có cảm thấy được thúc đẩy phải đưa vai để gánh đỡ Giáo Hội không hay chúng ta cũng lại hùa theo những trào lưu chống đối Giáo Hội, và nhẹ nhàng hơn là chúng ta dửng dưng với những băn khoăn thao thức và những thách đố mà Giáo Hội đang gặp phải? Cả hai thái độ đó đều không phải là thái độ của người sống tâm tình của những người con đối với Giáo Hội.

Chúng ta cần nhìn lại vai trò của mỗi tín hữu kitô chúng ta trong cương vị là những người con của Giáo Hội, khởi đi từ tâm tình của một người con như đã được nhắc lại trên đây. Mỗi người con nhận được sự sống từ mẹ, sẵn sàng hy sinh cho mình, chúng ta trước hết thấy hãnh diện vì có được một Giáo Hội mẹ như vậy. Và từ đó mà yêu mến Mẹ Giáo Hội của mình nhiều hơn nữa.

Song song với những gì là cao đẹp, có thể chúng ta cũng khám phá ra những vết nhăn, những vẻ xấu xí in hằn trên gương mặt đó, nhưng không vì thế mà chúng ta giảm bớt tình thương. Trái lại, càng phải biết thương nhiều hơn. Hơn nữa, chúng ta cũng phải biết nhớ đến những người đã đổ máu đào hy sinh mạng sống để bảo vệ cho người mẹ đó, để lúc nào chúng ta cũng được sống trong sự ấp ủ của người mẹ, nhờ dòng sữa ân sủng của Chúa được ban cho chúng ta qua người mẹ Giáo Hội. Chúng ta cũng có bổn phận tiếp nối cuộc sống của những người đã hy sinh nằm xuống cho chúng ta, để hạt giống đức tin được triển nở và sinh hoa kết trái trong đại gia đình của Thiên Chúa; đồng thời chúng ta cũng cần làm sao để có thêm những người con mới trong đại gia đình Giáo Hội, Mẹ chúng ta, nhờ qua dấn thân thực hành những việc làm tốt, thu hút anh chị em đến với Chúa.



*****
Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con luôn yêu mến và tin tưởng vào Giáo Hội Chúa đang gặp nhiều thử thách nơi trần gian.

Lạy Mẹ La Vang, xin cho chúng con, những người con trong Giáo Hội Việt Nam đang trong cảnh đố kỵ, chia rẽ, hoang mang, mất niềm tin… biết yêu mến Giáo Hội Việt Nam và biết sống trong tình yêu thương hợp nhất của những đứa con cùng một Mẹ. Amen!

nguồn : http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=3014

cecilialmr_hanh
19-05-2010, 10:42 PM
Bình an giữa chốn phong ba
Lễ Hiện Xuống nhắc nhở người tín hữu về một Thánh Thần bình an đã hoạt động trong lòng Giáo hội hơn 2000 năm qua.
Ngày xửa ngày xưa có một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công vẽ những bức tranh tuyệt đẹp để trình lên vua. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh đó nhưng chỉ thích có hai tấm và ông phải chọn lấy một.
Một bức tranh vẽ hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình an thật hoàn hảo.
Bức tranh kia cũng có những ngọn núi nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xóa. Bức tranh này trông thật chẳng bình an chút nào.
Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó, giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang an nhiên đậu trên tổ của mình..… Bình an thật sự!
Nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này!” Sự bình an không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình an có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp, ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó mới chính là ý nghĩa thật sự của bình an”.


***
Sau khi Đức Giêsu chịu chết, các tông đồ sợ người Do Thái lùng bắt, nên đã trốn vào phòng, cửa đóng then cài.
Giữa cơn phong ba bão táp, Đức Giêsu sống lại, hiện ra với các ông, như chim mẹ an nhiên đậu trên tổ canh giữ bầy con, Người mang lại cho các ông sự bình an đích thực: “Bình an cho anh em!”
Bình an của Đấng Phục sinh không phải là thứ bình an không có sóng gió. Bình an của Người là bình an trong tâm hồn. Bình an ấy không loại trừ phải đối đầu với kẻ thù. Bình an ấy giúp ta đối diện với khổ đau và nỗi chết. Chính vì thế mà sau khi trao bình an, Đức Giêsu đã cho các môn đệ “xem tay và cạnh sườn” Người. Đó là bằng chứng của một cuộc chiến đấu đầy gian truân mà các môn đệ sẽ phải đi tới.
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,21-22). Nhận được bình an, lòng tràn ngập hân hoan, các môn đệ không còn nhát sợ. Với sức mạnh của Thánh Thần các ngài mạnh dạn tung cửa ra ngoài, hiên ngang rao giảng về Đức Giêsu, Đấng đã bị người ta giết chết, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại. Người đang hiện diện sống động giữa các ngài và đang hoạt động mãnh liệt trong các ngài.
Lễ Hiện Xuống nhắc nhở người tín hữu về một Thánh Thần bình an đã hoạt động trong lòng Giáo hội hơn 2000 năm qua. Người cũng đang hiện diện trong những người đã lãnh nhận Bí tích Thêm Sức để sai họ đi làm chứng nhân cho Tin Mừng.
Làm chứng cho Tin Mừng là để Thánh Thần mở toang cánh cửa tâm hồn, không còn nhát sợ nhưng can đảm chiến đấu với thử thách, khổ đau trong cuộc sống.
Làm chứng cho Tin Mừng là để Thánh Thần dẫn dắt chúng ta đến với người nghèo khổ, bất hạnh, để tận tình yêu thương và kính trọng họ cho xứng với phẩm giá con người.
Làm chứng cho Tin Mừng là để Thánh Thần là để Thánh Thần thúc đẩy chúng ta đến với những người chưa nhận biết Chúa bằng đời sống dấn thân phục vụ trong hân hoan.
Nếu mỗi người tín hữu biết mềm mại để Thánh Thần canh tân đổi mới, nếu mỗi chúng ta biết lắng nghe tiếng nói thầm lặng nhưng mạnh mẽ của Thánh Thần, thì mọi người sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu trên toàn thế giới


***
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến như ngọn gió mát, thổi vào cuộc đời chúng con luồng sinh khí mới để cả trái đất này được thay da đổi thịt trong cùng một Thánh Thần Tình Yêu. Amen!

nguồn : http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=3013

cecilialmr_hanh
26-05-2010, 03:28 PM
Thinh lặng
Thinh lặng là một nghệ thuật đòi hỏi nhiều điều.
"Thiên Chúa, Người thầm lặng; tất cả những gì có giá trị trong thế giới đều chứa đầy thinh lặng” - E.Mounier.

Bạn có bao giờ tự hỏi mình rằng: Tại sao bản nhạc lại phải có dấu lặng không?

Nếu một bản nhạc không có dấu lặng, bạn sẽ chẳng bao giờ nghe được tiếng vọng của thanh âm, và những ngân nga của một giai điệu du dương. Cũng vậy, bạn có bao giờ đọc một bài văn không hề có dấu phẩy? Chắc là bạn sẽ đứt hơi, hoặc bạn sẽ chẳng thể hiểu được trọn vẹn bài văn ấy.

Những khoảng lặng mang nhiều giá trị hơn bạn tưởng.
Bạn có bao giờ bị đau Amiđan không? Nếu bạn là một người bị đau Amiđan, hẳn nhiên bạn sẽ có ít nhất một lần trong đời có cơ hội dễ dàng nhất để được thinh lặng.

Thinh lặng khác với im lặng. Bạn có thể im lặng bởi bạn không thèm nói. Bạn có thể im lặng vì bạn đang tức giận đến tột độ, hoặc đau khổ đến nỗi không thể thốt nên lời. Nhưng thực ra, ngay lúc bạn đang im lặng đó lại là những lúc bạn đang "nói" nhiều nhất.

Thinh lặng là một trạng thái hoàn toàn khác. Thinh lặng là khi mặt hồ tâm hồn của bạn không hề gợn sóng. Và thinh lặng là khi bạn đang lắng nghe.

Bạn thinh lặng khi bạn đắm mình trong một không gian bình an, tĩnh tại. Là khi hồn bạn chỉ còn âm vang của Lời Chúa.

Thinh lặng là một nghệ thuật đòi hỏi nhiều điều.

Bạn phải dũng cảm để có thể mỉm cười tha thứ cho một người đã làm tổn thương đến bạn bằng những hành động quá đáng và những lời nói vô liêm sỉ.

Bạn phải can đảm để không trả đũa một lời nguyền rủa, không nêu lên một khuyết điểm trong một cuộc đối thoại, không đòi hỏi quyền ưu tiên.

Bạn phải kiên nhẫn để tập cho hồn mình không bị ảnh hưởng bởi những con sóng ồ ạt của cuộc đời.

Bạn phải thành thật nhìn thẳng vào tận đáy sâu của tâm hồn bạn, để vớt ra khỏi đó những rong rêu của ích kỷ, của ghen tương, và cả những tham sân si nữa.

Bạn phải biết tìm kiếm cho mình sự thinh lặng giữa cuộc đời náo nhiệt, nhìn vào đời mình, nhìn vào sự sống.

Bạn cũng phải biết tách mình ra khỏi sự lệ thuộc vào những người khác để được thinh lặng mà hiện diện cùng Đấng Tối Cao. Và để nghe lời Chân Lý từ trong thinh lặng.

Khi chúng ta tự nói về mình, chúng ta không ở trong thinh lặng. Lúc lặp lại những Lời Chúa gợi lên trong lòng ta, ta đang hoàn toàn thinh lặng. Thinh lặng không phải là ly thoát, mà là tập trung con người ta về Thiên Chúa.

Cyrano de Bergerac nói rằng: "Rất nhiều người ăn nói dễ dàng chỉ vì họ không im lặng được." Bạn không chỉ có thể im lặng mà còn có thể thinh lặng.

Rồi sẽ tới giờ phút thinh lặng của Tử thần. Bạn sẽ thinh lặng trước khi giờ phút ấy đến chứ?

Bút Chì Đen



*****

Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,
hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Dưới bầu trời bao la,
trong cô đơn và thầm lặng,
với tấm lòng thanh tịnh,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,
huyên náo vì đấu tranh,
giữa đám đông hối hả lăng xăng,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.
Và khi đã hoàn tất việc đời,
lạy Thiên Chúa muôn loài,
một mình, lặng lẽ,
tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

nguồn : http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=3048

cecilialmr_hanh
26-05-2010, 03:31 PM
Bước đi trong Thánh Thần
Giêsu đã sống một cuộc đời tuyệt đẹp, vì Giêsu là người được tràn đầy Thánh Thần. Mỗi bước đi của Giêsu đều là bước đi trong sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể trở nên môn đệ đích thực của Giêsu khi chúng ta lãnh nhận cùng một Thánh Thần, là Đấng đã thánh hiến và hướng dẫn Giêsu trên những nẻo đường trần gian. Trong Thánh Thần, mỗi người chúng ta mới có thể trở thành những Giêsu khác cho con người ngày nay... Bài chia sẻ của Lm. Lưu Minh Gian.
Các bạn thân mến,

Tâm hồn con người là một thế giới đa dạng với bao điều phong phú bí ẩn. Thế giới ấy cũng hàm chứa không ít những điều trái nghịch nhau với nhiều chuyển biến phức tạp. Điều quan trọng là những biến chuyển bên trong nội tâm thường có sức chi phối trọn vẹn đời sống con người. Cuộc sống chúng ta có ổn hay không, trước tiên phụ thuộc vào tình trạng nội tâm của mình. Bao bất ổn lao đao của cuộc sống cũng khởi đi từ những lao đao bất ổn trong nội tâm. Thế nên việc lắng nghe, phân định và chọn lựa bước đi theo thúc đẩy nào trong tâm hồn mình có một ý nghĩa hết sức quan trọng với tương lai cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Bằng những bước chân chập chững vào đời, không ít lần chúng ta kinh nghiệm về sự hỗn độn rối rắm và mất phương hướng trong cuộc đời mình, khi tâm hồn chúng ta như đang chìm trong đêm tối mịt mù bế tắc. Không ít lần chúng ta chúng ta hoang mang khi thấy cõi lòng mình chỉ còn là một khoảng không trống rỗng vô nghĩa. Đôi lúc chúng ta còn có cảm giác trở nên xa lạ và không hiểu nổi lòng mình…

Những lúc ấy chúng ta cần gì, chúng ta khao khát điều gì? Phải chăng chúng ta cần một luồng gió tơi mới làm dịu mát tâm hồn? Phải chăng chúng ta cần chút lửa ấm áp hong nồng lại cõi lòng đang càng lúc càng thờ ơ nguội lạnh của mình? Phải chăng chúng ta cần chút nước ngọt ngào êm dịu thấm đượm vào tâm hồn đang cằn khô cháy khát? Phải chăng chúng ta cần chút ánh sáng chiếu dọi để mình trở nên gần gũi và hiểu rõ mình hơn?… Tất cả những tác động ấy chúng ta chỉ có thể lãnh nhận được từ chính nơi Thánh Thần Thiên Chúa.

Với nhiều người trong chúng ta, Chúa Thánh Thần là Đấng ít nhiều còn lạ lẫm. Chúng ta thường cầu nguyện gần gũi với Giêsu như một người bạn, hay với Thiên Chúa như một người Cha. Tuy nhiên, nếu không ý thức được sự hiện diện âm thầm và ân cần của Chúa Thánh Thần, hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta sẽ là không trọn vẹn. Nếu không ý thức được những hoạt động của Thánh Thần Thiên Chúa trong cuộc đời và đặc biệt là trong thâm sâu cõi lòng mình, chúng ta sẽ bỏ qua những cơ hội hết sức quý giá để được hướng dẫn bởi một Thầy dạy tuyệt vời nhất.

Tâm hồn của mỗi người tín hữu chúng ta được gọi là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Đền thờ là nơi linh thiêng và thánh thiện. Ngôi Đền Thờ ấy vẫn đang được xây dựng từng ngày. Công trình sáng tạo của Thiên Chúa vẫn đang còn tiếp diễn trên chúng ta, qua tác động của Thánh Thần. Thánh Thần đưa chúng ta bước vào trong cuộc chiến nội tâm để chọn lựa những điều tốt lành giữa bao sâu xé giằng co của những điều xấu xa. Nhờ đó, chúng ta được rút dần ra khỏi tình trạng hỗn mang của lòng mình và bước vào trong một trật tự mới quy hướng trọn vẹn về Thiên Chúa.

Nếu đủ tinh tế, chúng ta luôn có thể đọc ra những dấu ấn rõ rệt của Thánh Thần Thiên Chúa trong lòng mình. Dù như là một Thiên Chúa ẩn mình, Thánh Thần vẫn hoạt động mạnh mẽ trong sự ẩn mình ấy để không ngừng lôi kéo mọi tâm hồn bước đi trong đường nẻo của Ngài. Ngài gợi lên giữa lòng chúng ta bao rung động tốt lành và bao ý tưởng đẹp đẽ. Nếu đủ thật tâm với mình, không ai có thể chối cãi rằng trong thâm sâu cõi lòng, mình thường ước mong những điều tốt đẹp. Giữa những ồn ào của bao cám dỗ, vẫn luôn có ở một góc nào đó trong tâm hồn chúng ta những thanh âm rì rầm hướng chúng ta về nẻo đường lành thánh. Giữa những bệ rạc của bản tính, luôn có ở một nơi nào đó trong tâm hồn chúng ta những mời gọi dịu ngọt của sự thiện hảo.

Như thế, nếu có thể ví cuộc đời chúng ta là một công trình, chính Thánh Thần Thiên Chúa là vị kiến trúc sư của công trình ấy. Ngài tế nhị và kiên nhẫn hướng dẫn chúng ta qua những rung động của nội tâm. Hoạt động của Thánh Thần là hoạt động thánh hóa mỗi người chúng ta từ trong thẳm sâu tâm hồn mình, nghĩa là từ trong gốc rễ của cuộc sống chúng ta. Ngài hướng dẫn mỗi người trên từng bước đi xây dựng cuộc đời mình thành một ngôi thánh đường đẹp đẽ.
Tuy nhiên, từ ý tưởng đến công trình là một tiến trình dài. Cần có sự cộng tác nhịp nhàng thì công trình cuộc đời chúng ta mới có được một sự hài hòa ổn định. Trong công trình ấy, chính tôi là người phải chịu trách nhiệm thi công. Thánh Thần Thiên Chúa không bao giờ làm thay phần của tôi. Ngài ân cần hướng dẫn tôi, nhưng Ngài luôn cho tôi quyền làm chủ trên cuộc đời mình. Trong Thánh Thần Thiên Chúa, tôi là người tự do. Để sống trong Thánh Thần, cõi lòng tôi cần mềm mại nhu thuận để đón lấy những mời gọi tốt lành của Chúa. Để bước đi trong Thánh Thần, tôi phải học cách sống trung tín với từng rung động nhỏ nhất trong tâm hồn mình.

Giêsu đã sống một cuộc đời tuyệt đẹp, vì Giêsu là người được tràn đầy Thánh Thần. Mỗi bước đi của Giêsu đều là bước đi trong sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể trở nên môn đệ đích thực của Giêsu khi chúng ta lãnh nhận cùng một Thánh Thần, là Đấng đã thánh hiến và hướng dẫn Giêsu trên những nẻo đường trần gian. Trong Thánh Thần, mỗi người chúng ta mới có thể trở thành những Giêsu khác cho con người ngày nay

Lạy Chúa,
chúng con là những người trẻ bước chân vào đời.
Bước chân chúng con bé nhỏ yếu đuối,
mà cuộc đời lại rộng thênh thang với quá nhiền thử thách.
Chúng con ước mong mình luôn có được một người bạn đồng hành
để cảm thông chia sẻ mỗi khi chúng con quỵ ngã,
để hướng đỡ nâng dẫn mỗi khi chúng con lạc lối…

Chúng con tạ ơn Chúa đã ban Thánh Thần cho chúng con
để Ngài âm thầm hiện diện trong cuộc đời chúng con
như một người bạn thiết thân, như một người thầy tận tụy.
Xin cho chúng con trở nên nhạy bén
trước những tác động âm thầm của Thánh Thần.
Xin cho chúng con biết nhiệt tâm cộng tác
với bao kế hoạch tốt đẹp của Chúa trên cuộc đời chúng con.

Xin Thánh Thần Chúa hiển trị trong cõi lòng chúng con
Cho chúng con một cặp mắt mới,
để chúng con luôn có thể nhìn mọi sự tươi mới.
Cho chúng con một quả tim mới,
để chúng con luôn có thể yêu mến mọi sự mọi người.
Cho chúng con một cuộc đời mới
trong ân sủng và tình yêu của Chúa.
Nhờ đó, mỗi người chúng con có thể trở nên một khí cụ hữu hiệu
để Thánh Thần thực hiện bao kỳ công vĩ đại
cho thế giới và cho con người ngày nay. Amen.




nguồn :https://thanhcavietnam.net/forum/newreply.phpdo=newreply&noquote=1&p=88849 (https://thanhcavietnam.net/forum/newreply.phpdo=newreply&noquote=1&p=88849)

cecilialmr_hanh
26-05-2010, 03:32 PM
Thiên Chúa là tình yêu (Chúa Ba Ngôi)
Tình yêu chân thực là tình yêu chia sẻ, là quên mình và mong muốn hạnh phúc cho người mình yêu.
Làm sao nhận ra một tình yêu chân thực, làm sao không bị chóa mắt bởi những ảo ảnh, không bị lừa dối bởi những lời ngọt ngào trên môi miệng… Đó là những băn khoăn lo lắng của các bạn trẻ khi đã khôn lớn và muốn chọn người bạn đời để xây dựng hạnh phúc gia đình.
Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay gợi lên cho ta một số tiêu chuẩn, mời gọi ta nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa vì chính Ngài là Tình yêu và là mẫu mực của tình yêu để ta noi theo.
Tình yêu chân thực là tình yêu hiến trao trọn vẹn: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một của Người...". Thiên Chúa không phải chỉ trao một quà tặng, hay một cái gì ở ngoài mình, nhưng là trao đi một điều thiết thân và quý báu. Ðiều quý báu nhất của Thiên Chúa Cha chính là Ðức Giêsu Kitô, người Con Một của Ngài. Khi trao Ðức Giêsu Kitô cho chúng ta, Thiên Chúa đã trao cho ta chính bản thân của Ngài. Ngài chấp nhận Con Một của Ngài phải chết treo trên thập gía để cho chúng ta được sống. Tình yêu chân thực là thế đó, chẳng hề biết giữ lại cho mình.
Tình yêu chân thực là tình yêu chia sẻ, là quên mình và mong muốn hạnh phúc cho người mình yêu: "... để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3:16). Sự sống muôn đời đã bắt đầu từ đời này, ngay trong cuộc sống hiện tại này. Ðược sống là được đi vào thế giới thần linh, được chia sẻ hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa, được tham dự vào bản tính thiêng liêng của Ngài và được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Thiên Chúa không muốn cho con người phải chịu cảnh trầm luân đời đời. Nếu có ai bị hư mất hay bị luận phạt thì không phải là vì Thiên Chúa khó khăn hay độc ác, nhưng chỉ vì Ngài tôn trọng sự tự do của con người. Con người có đầy đủ tự do để có thể tin hay không tin, có thể chấp nhận hay từ chối quà tặng của Thiên Chúa, có thể mở ra hay khép lại trước sự sống đã được Thiên Chúa trao ban.
Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4:16). Chúng ta sẽ mãi mãi xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta xa lạ với tình yêu. Vì "Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa " (1 Ga 4:8) và “Ai ở lại trong tình yêu thì cũng ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4:16). Ước gì đời sống của ta được tưới gội bởi Tình yêu, để mọi việc ta làm đều bắt nguồn từ Tình yêu và quy hướng về Tình yêu. Ước gì ta làm chứng cho Thiên Chúa Tình yêu bằng một đời sống bác ái, yêu thương và đùm bọc chia sẻ .


***
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu. Xin dạy con biết yêu như Ngài, biết sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Amen

Teresa_QMai
28-05-2010, 12:20 AM
:53:Cám ơn hạnh về những bài viết rất có ý nghĩa :53::53::53: tặng hạnh 3 cành hoa để tỏ lòng biết ơn ^^:53:

cecilialmr_hanh
05-06-2010, 12:44 AM
Ngày Hòa giải và Yêu thương - Chuyện người mẹ viết thư hòa giải với kẻ giết con trai
Chúng tôi xin đăng lại bài dưới đây. Xin cám ơn trang web vietnamnet.vn.
LTS (VietnamNet – Thứ Bảy, 22/05/2010). Nhiều người từng nghĩ bà Robi Damelin thật bất bình thường khi chủ động viết một bức hòa giải gửi tới thủ phạm giết hại con trai mình. Điều gì đã khiến người mẹ 65 tuổi đi đến quyết định bị xem là "điên rồ ’ đó? Cho dù lá thư đầu tiên của bà bị từ chối bằng sức lời lẽ sắt đá, thì Robi Damelin vẫn viết tiếp bức thư thứ hai gửi thủ phạm và chỉ ra rằng: "Việc giết hại con người, ở cả hai phía (Israel và Palestine), chỉ góp phần lặp lại chu kỳ bạo lực". Cuộc xung đột khu vực được coi là kéo dài nhất trong thế giới hiện đại chưa có hồi kết, nhưng lá thư của người mẹ trong Câu chuyện Hòa giải và Yêu thương thứ Bảy tuần này như thắp lên một tia hy vọng, dù rất nhỏ, góp phần xua tan đi bóng tối của thù hận. Và nếu tia hy vọng này cùng được thắp lên ở tất cả mọi nơi, thì bóng tối sẽ bị đẩy lùi và mặt trời sẽ tỏa sáng.

nguồn : http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=3052


Bà Damelin, nữ công dân Do Thái 65 tuổi, là một nhà hoạt động cho tổ chức Các gia đình mất người ruột thịt Israel - Palestine vì hòa bình (PCFF). Tháng 9/2009, bà đã nhờ tạp chí Haaretz công bố một bức thư hòa giải bất thường dành cho tay súng bắn tỉa người Palestine đã sát hại con trai bà - David, một sĩ quan trong lực lượng quân dự bị Israel.

Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 3/2002, khi Ta’er Hamad vác một khẩu súng trường carbine cũ lên ngọn đồi đối diện một trạm kiểm soát ở Wadi Haramiya và xả đạn bắn chết 8 binh sĩ Israel cùng 2 thường dân Do Thái, rồi tẩu thoát mà không hề hấn gì. Hai năm rưỡi sau, tháng 10/2004, Hamad bị một đơn vị thuộc Lực lượng phòng vệ Israel bắt giữ trong một cuộc tập kích vào ngôi làng Silwad của anh ta. Sau khi biết việc Hamad bị tống giam, bà Damelin đã quyết định liên lạc với anh và gia đình anh, tìm kiếm sự hòa giải.

Vài tháng sau, người mẹ Do Thái mất con đã viết những dòng sau đây gửi cho Hamad và gia đình anh: "Đây là một trong những bức thư khó khăn nhất mà tôi từng phải viết. David mới 28 tuổi, đang học thạc sĩ về triết học giáo dục tại Đại học Tel Aviv. Con tôi tham gia phong trào hòa bình và không muốn đi nghĩa vụ tại những vùng đất bị chiếm đóng. Con tôi có lòng trắc ẩn với mọi đồng loại và hiểu nỗi thống khổ của người Palestine. Nó đối xử với mọi người quanh mình rất tử tế.

David thuộc về phong trào của các quân nhân từ chối làm nhiệm vụ tại những vùng đất bị chiếm đóng. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, con tôi đã phải thi hành cái mà nó gọi là nhiệm vụ dự bị. Tôi không thể miêu tả cho các bạn thấy nỗi đau mà tôi đang trải qua kể từ cái chết của con. Sau khi con trai thiệt mạng, tôi đã trải qua nhiều đêm không ngủ để nghĩ về việc cần làm: tôi có nên làm ngơ mọi việc hay cố gắng tìm cách khép lại quá khứ đau thương? Tôi đã đi đến quyết định mình muốn chọn con đường hòa giải".

Bà Damelin đã mất vài năm chờ đợi phản hồi của Hamad. Rốt cuộc, câu trả lời từ tay súng bắn tỉa đã nhanh chóng dập tắt mọi hy vọng về sự hòa giải mà bà đã nhen nhóm.
"Lúc 4 giờ sáng, tôi ra khỏi giường và bắt đầu đọc bức thư. Những người bạn Palestine đều biết hãng thông tấn Maan (của Palestine - PV) đã đăng tải một bức thư hồi đáp từ tay súng bắn tỉa cho bức thư tôi viết gửi cậu ấy. Tuy nhiên, họ cảm thấy khó khăn khi phải nói với tôi về nó. Một đêm, lúc 11 giờ, tôi bật máy tính và nhìn thấy một thư điện tử từ một người bạn của tôi ở Mỹ. Trong đó, cô ấy thông báo với tôi về bức thư hồi đáp. Hãy nghĩ về điều này: Tôi đang ở một mình, đã quá muộn và tôi không thể gọi ai đó. Tôi đã sốc và sợ đọc bức thư. Tôi không thể chợp mắt dù đã cố gắng rất nhiều", bà Robi Damelin kể.

Và đây là trích đoạn bức thư hồi đáp từ trong tù của Hamad: "Gần đây, tôi mới biết về nội dung một bức thư của Robi Damelin, mẹ của binh sĩ David - một trong 10 tên lính chiếm đóng đã bị giết trong cuộc tấn công khiến tôi phải lĩnh án 11 năm tù giam. Tôi không thể viết trực tiếp cho người mẹ của binh sĩ ấy. Việc này không phải vì tôi khó có thể phản hồi từ trong tù, mà bởi vì bàn tay tôi từ chối viết theo phong cách mô phỏng chính sách chiếm đóng, vốn bác bỏ sự thừa nhận và chấp thuận các quyền của dân tộc chúng tôi.

Tôi không thể đối thoại với một ai đó luôn khăng khăng coi kẻ tội phạm và nạn nhân là như nhau cũng như đánh đồng sự chiếm đóng và các nạn nhân của nó. Đây là phản hồi của tôi dành cho bức thư của bà Robi, và tôi do vậy phê phán phong cách châm biếm của bà khi bà nghĩ rằng, bằng những từ ngữ đầy cảm xúc có thể giải quyết cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỉ qua".

Hamad cũng thẳng thừng từ chối bàn tay đang chìa ra của người mẹ mất con. Anh tiếp tục: "Bà Robi đã không giải thích, điều gì khiến binh sĩ David đăng ký nhập ngũ. Bà không biết một sự thật chát chúa rằng con trai bà không chỉ tham gia vào việc tra tấn dân tộc tôi mà còn đứng ở vị trí lãnh đạo những kẻ thảm sát. Từ bức thư của bà, tôi có cảm tưởng bà đang sống trên một hành tinh khác. Bà đã quên rằng cố lãnh đạo Abu Amar (Yasser Arafat) đã kêu gọi hòa bình từ cách đây 35 năm.

Tôi muốn gợi nhắc mẹ của binh sĩ David rằng, lịch sử đã chứng minh: một dân tộc không chống lại sự chiếm đóng bằng mọi cách, kể cả vũ trang, không thể giành được các quyền của họ. Đây là bài học cần phải được rút ra từ việc soi xét đồng minh của các người - người Mỹ, những kẻ đã bị bẽ mặt ở Việt Nam và đây cũng là bài học từ việc quân đội của các người phải rút khỏi Lebanon. Các người cần phải bỏ bàn tay nhơ bẩn khỏi mảnh đất và dân tộc chúng tôi. Nếu không, việc tiêu diệt những kẻ sát nhân là nhiệm vụ của chúng tôi".

"Bà Robi nói đã gia nhập tổ chức của các bậc phu huynh Israel và Palestine vì hòa bình sau cái chết của con trai bà. Đây là một tổ chức của những bậc cha mẹ đã mất con trong cuộc xung đột; trong khi bà Rodi nhất quyết đánh đồng những người tử vì đạo chúng tôi với số người bị thương vong bên phía họ, ví những người đang chiến đấu vì quyền lợi của mình với những kẻ chiếm đóng. Do tôi từ chối đối thoại trực tiếp với mẹ binh sĩ David nên tôi không thể mong muốn gặp bà.

Tôi không thể gặp kẻ chiếm đóng mảnh đất của chúng tôi trên cùng một chỗ đứng. Tôi đã thực hiện vụ tập kích như một phần của cuộc đấu tranh vì sự tự do, công bằng và sự ra đời của một quốc gia độc lập, chứ không phải vì thú tính hay tình yêu giết chóc. Các hành vi bạo lực là tất yếu đối với những kẻ chiếm đóng và tôi sẽ không từ bỏ con đường này chừng nào sự chiếm đóng còn tiếp diễn", Hamad nhấn mạnh thêm.

Tại nhà riêng ở Tel Aviv, bà Damelin bộc bạch: "Suốt hơn hai năm rưỡi, tôi đã chờ đợi một bức thư và đột nhiên, sau một bài viết trên tờ Yom Kippur, tôi đã nhận được sự phản hồi. Tôi không hoài nghi việc bài báo là một chất xúc tác đối với cậu ấy. Tôi thừa nhận rằng mình đã không mong đợi bức thư của cậu ấy thô lỗ và mang tính chính trị đến như vậy. Tôi đã tìm kiếm một thứ gì đó mang tính riêng tư vì có lẽ tôi mong muốn đó là một quá trình hòa giải cá nhân. Dẫu vậy, chẳng có gì mang tính cá nhân trong bức thư phản hồi của cậu ấy. Đó là một kiểu tuyên ngôn. Đây cũng là một tuyên bố... Nó không chứa đựng bất kỳ sự chiêm nghiệm sâu sắc nào vượt quá lý lẽ chính trị của những tay súng chiến đấu vì tự do, luôn tìm cách giành được nhà nước của riêng họ".

Một vài ngày sau, bà Damelin quyết định viết thêm một bức thư nữa cho Hamad. "Ta’er thân mến. Cậu đã viết rằng, David tham gia quân đội để giết chóc. Nhưng chàng thanh niên trẻ này, người đã dành phần lớn thời gian của mình nhằm thử tạo ra một sự đổi thay thông qua giáo dục, từng nói: ’Nếu con đi làm nhiệm vụ sĩ quan dự bị, con sẽ đối xử một cách tôn trọng với mọi người và các binh sĩ dưới quyền con cũng vậy’. Tôi nghĩ đây không phải là những lời của một con người bạo lực. Tôi cho đây là những lời của một con người luôn chắc chắn rằng chúng tôi không nên có mặt ở các vùng đất bị chiếm đóng.

Một người Palestine mà tôi đã gặp sau khi cậu giết David nói với tôi rằng, ông ấy đã trò chuyện với con trai tôi một ngày trước đó và ông ấy lấy làm tiếc là David bị sát hại. Đây là khía cạnh con người của cuộc xung đột. Cậu nói rằng cậu đã giết 10 binh sĩ và thường dân với mục đích chấm dứt xung đột. Có thể ở đây đã tồn tại một nhân tố trả thù cá nhân vì cậu từng chứng kiến chú của mình bị lính Israel hành hình một cách tàn bạo khi còn là đứa trẻ và đã mất một người chú khác trong phong trào ném đá Intifada lần thứ hai? Cậu có nghĩ rằng cậu đã thay đổi được thứ gì đó? Tôi cho là việc giết hại con người, ở cả hai phía, chỉ góp phần lặp lại chu kỳ bạo lực", bà Damelin trải lòng trên trang giấy.

Bà Damelin hé lộ rằng, chỉ thông qua quá trình viết lách, bà có thể suy nghĩ thấu đáo và đặt mọi thứ vào đúng chỗ của chúng. "Tôi ngồi một mình và sau 20 phút tôi đã xong. Sau đó, tôi hiểu rõ một lần nữa rằng tôi thực sự không còn là nạn nhân của người đàn ông này nữa. Nếu tôi là nạn nhân, cách viết của tôi sẽ giận dữ hơn và cay đắng hơn. Nhưng bức thư thứ hai của tôi không phải vậy. Phản ứng của tôi là sự đau buồn về toàn bộ tình trạng, về sự thiếu hy vọng và về một con người, sau khi nhận được một bức thư như vậy từ tôi, đã viết thư hồi đáp theo cách cậu ta đã làm. Tôi cảm thấy buồn lòng vì cậu ấy hoặc những người bạn tù có lẽ đã giúp cậu ấy viết, rốt cuộc không nhìn vào khía cạnh con người của tôi và cậu ấy".

Điều đó là hiển nhiên. Nhưng đâu là điểm mấu chốt của bức thư tiếp theo? "Khi bạn chiến đấu chống lại ai đó, cuộc chạm trán đầu tiên là đáng kể nhất. Trong cuộc chạm trán thứ hai, bạn ít giận dữ hơn. Tôi muốn người đàn ông này, kẻ đã giết con trai tôi, hiểu những gì tôi đang làm", bà Damelin cho biết.

Tuy nhiên, bà Damelin không thể làm ngơ trước việc Hamad coi con trai bà là kẻ tội phạm và một tên chiếm đóng. Người mẹ Israel mất con thổ lộ: "Về cơ bản, cậu ta đã nói con trai tôi là kẻ sát nhân. Đó là lí do tại sao việc viết thư cho cậu ta một lần nữa vô cùng quan trọng đối với tôi. Tôi hiểu rằng, nếu tay súng bắn tỉa này có cơ hội quen biết David, cậu ta sẽ không thể giết con trai tôi. Theo cách hiểu đó, sự phản hồi của tôi chủ yếu để bảo vệ con trai. Đúng vậy, có cái gì đó lăng mạ trong phát biểu của cậu ấy rằng tôi không trung thực, khi tôi biết mức độ tự vấn hàng ngày về việc tôi là ai và tôi có thực sự làm những gì tôi nói".

Vậy điều gì thực sự đã thúc đẩy bà Damelin viết bức thư thứ hai? Bà Damelin giải đáp: "Kể từ khi nhận được lá thư của cậu ta, tôi không thể chợp mắt nổi vào ban đêm. Một buổi sáng sớm tinh mơ, tôi bắt đầu chuẩn bị thức ăn cho các chú mèo của mình và nghe đài phát thanh. Buổi sáng hôm đó, tôi đã nghe một cuộc phỏng vấn của BBC với Jo Berry, con gái một nghị sĩ Anh, và Patrick McGee, một nhà hoạt động bí mật người Ireland chịu trách nhiệm về vụ đánh bom quốc hội ở London khiến cha cô thiệt mạng. Họ nói về cuộc chạm trán đầu tiên của họ và quá trình hòa giải mà họ đang trải qua. Nó giống như thói quen đối với tôi: Khi lắng nghe họ, tôi cho là có thể mình không thực sự điên rồ như mọi người vẫn nghĩ và tôi bước vào phòng và bắt tay vào viết".

Con trai lớn của bà Damelin dường như rất đồng tình với việc làm của mẹ. Bà hoan hỉ tiết lộ: "Khi tôi nói với Eran rằng tôi đã nhận được một bức thư từ kẻ bắn tỉa, tôi đã chờ đợi nó nói: ’Vì Chúa Trời, mẹ hãy để việc này kết thúc đi!’. Dẫu vậy, con tôi đã nói điều gì đó vô cùng tuyệt vời. Nó tuyên bố: ‘Mẹ, đây cũng là sự khởi đầu của một cuộc đối thoại’