PDA

View Full Version : Kinh nghệm ơn Đức Mẹ



halleluyah
24-05-2010, 10:09 AM
:love:http://www.chuacuuthe.com/timthumb.php?src=/images/melama.jpg&w=200&zc=1:love:
VRNs (24.05.2010) – Sài Gòn – Gần đây, trong Nhà Dòng Chúa Cứu Thế ở Kỳ Đồng có một chuyện hấp dẫn đó là sự kiện Cha Thành Tâm được ơn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre chữa cho lành bệnh ở cánh tay trái. Theo ngài kể (một cách hăng say và nhiều lần), đó là vào cuối tháng 8 năm 2008, sau khi giúp Nhà Dòng ở Kỳ Đồng tổ chức cung kính linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre (LMBT) từ Bến Tre về Nhà Dòng để cầu nguyện và sau đó đưa trở lại Bến Tre thì ngài bị như thể tai biến và bàn tay trái không cử động được nữa. Một phần bị sốc và một phần lo lắng, ngài đã chạy xuống Bến Tre và khóc lóc cầu xin cùng Đức Mẹ LMBT, và sau 3 tuần chữa trị, bàn tay trái của ngài đã bình phục hoàn toàn. Sau đó, ngài đã xuống Bến Tre để tạ ơn và làm chứng cho Đức Mẹ LMBT. Câu chuyện cảm động của Cha Thành Tâm gợi lại những trường hợp khác cũng đã kinh nghiệm được ơn chữa lành của Đức Mẹ, ví dụ anh Lê Vũ Cầu, nghệ sĩ sân khấu tại Sài Gòn, và nhiều anh chị em giáo dân khác nữa. Họ đã đi nhiều nơi để làm chứng cho Đức Mẹ và những câu chuyện của họ đã có hàng ngàn người lắng nghe.
Tôi tự hỏi có phải kinh nghiệm ơn Chúa và Đức Mẹ là một nét đặc biệt của lòng đạo đức bình dân hay không vì phần lớn người làm chứng là anh chị em giáo dân? Hơn thế nữa, dường như những kinh nghiệm của họ đôi khi bị nghi ngờ hoặc xem nhẹ. Thái độ đó liệu có đúng không?
Trước hết, có lẽ kinh nghiệm là chuyện thường ngày và ai cũng có kinh nghiệm nào đó. Kinh nghiệm là ông thầy tài ba giúp con người tiến bộ mọi mặt trong cuộc sống, ngay cả trong đời sống đức tin, cách riêng là đối với lòng đạo đức bình dân.
Một nét tiêu biểu của kinh nghiệm này là một sự tiếp xúc sống động của họ với Chúa và Đức Mẹ khiến cho không ít người khác khi chứng kiến phải ngạc nhiên. Dường như họ đã đích thân gặp gỡ Chúa và Đức Mẹ chứ không phải chỉ biết hay tin mà thôi. Ví dụ, ngày càng nhiều người đã nghe nói về Đức Mẹ LMBT nhưng có kinh nghiệm về Đức Mẹ LMBT cho bản thân mình như Cha Thành Tâm thì không phải ai cũng đã có được. Đó là lý do Cha Thành Tâm thường nói mọi người: “Tôi đã được thọ ơn Đức Mẹ LMBT rồi đó. Anh chị em còn chần chừ gì nữa mà chưa hối hả chạy đến cùng Đức Mẹ LMBT đi.” Đúng vậy, kinh nghiệm thì không ai có thể làm thay cho người khác được. Tự mình phải trực tiếp thôi.
Thứ hai, kinh nghiệm đúng nghĩa thì phải có sức chi phối toàn diện cuộc sống của con người. Những chứng nhân của Chúa và Đức Mẹ đều có một điểm chung đó là sau khi kinh nghiệm được ơn “cứu mạng” thì họ đã trở thành những con người mới, hăng say đi nhiều nơi để làm chứng cho Chúa và Đức Mẹ. Họ còn có thể có những lời thề hứa hoặc tâm nguyện tận hiến trọn đời cho Đức Mẹ để làm tôi tớ trung thành của Đức Mẹ và sẽ làm cho nhiều người khác nữa cũng biết và yêu mến Đức Mẹ. Cha Thành Tâm DCCT giờ đây cũng sẵn sàng nói về Đức Mẹ LMBT ở mọi lúc mọi nơi và với mọi người. Nói chung, kinh nghiệm về Chúa và Đức Mẹ tạo nên một sự thay đổi tích cực nào đó trong đời sống của những người thọ ơn. Thông thường những người này sẽ còn tiếp tục trung thành với Chúa và Đức Mẹ cho đến chết.
Thứ ba, dù vậy, không phải luôn luôn có một sự đồng thuận về ý nghĩa của một kinh nghiệm, đặc biệt là đối với những kinh nghiệm mới. Vì vậy, có lẽ đôi khi các kinh nghiệm về Chúa và Đức Mẹ của lòng đạo đức bình dân bị một số người nghi kỵ và xem nhẹ. Đôi khi có người lên án chúng là mê tín dị đoan, hoặc ít ra là “hổng giống ai.” Lúc này có lẽ cần phải dựa vào truyền thống của đạo để tìm hiểu ý nghĩa của kinh nghiệm mới mẻ đó. Do đó, có lẽ điều quan trọng là đừng vội vàng áp đặt một ý nghĩa dễ dãi nào đó cũng như đừng vội gạt những kinh nghiệm mới mẻ đó qua một bên.
Sau cùng, bên cạnh những người có thể hiểu rõ ràng và diễn đạt cụ thể kinh nghiệm của họ về Chúa và Đức Mẹ như trên thì cũng có những người không thể hiểu và diễn đạt kinh nghiệm của họ. Điều này cũng giống như kinh nghiệm của chúng ta có về thời thơ ấu của mình. Nó vẫn bàng bạc đâu đó trong ta nhưng ta thật sự khó có thể hiểu hết và lại càng khó có thể diễn tả cặn kẽ chúng. Vì vậy, đối với những người này điều quan trọng là những hành động của họ sẽ diễn tả được là họ đã kinh nghiệm được Chúa và Đức Mẹ. Như thế ai ai cũng có cách để làm chứng cho Chúa và Đức Mẹ tùy theo cách thế của mình.

OLPH (DCCT)

Nguồn : Truyền thông Chúa Cứu Thế