PDA

View Full Version : Vượt sông dữ bằng cách đu trên dây cáp



dominico_dung
25-05-2010, 05:19 PM
http://www.vnexpress.net
Thứ ba, 25/5/2010, 14:24 GMT+7


Vượt sông dữ
bằng cách đu trên dây cáp



Hằng ngày Trần Khắc Văn dẫn em gái là Trần Thị Ánh Tuyết, lớp 2B trường tiểu học Đăk Nông (Kon Tum) ra sông PôKô rồi “treo” em lên dây cáp, thả trượt trên dây vượt sông để đến trường ở phía bên kia bờ



Đang chờ đến lượt đu mình trên dây cáp để qua sông, em Trần Thị Hương, học sinh lớp 7B, trường THCS Đăk Nông nhỏ nhẹ nói: “Ngày đầu cháu đi thế này sợ lắm, nhưng riết thành quen, mà không qua sông bằng cách như thế này thì cũng không còn cách nào hơn để đến trường”.

Cơn lũ lịch sử vào tháng 9/2009 đã cuốn phăng hàng loạt cầu treo bắc ngang qua sông Pôkô. Suốt 8 tháng qua, hàng nghìn người dân ở xã Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Ang... huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, vượt sông Pô Kô bằng cách “đu mình” trên sợi dây thép ròng rọc mỏng manh như diễn xiếc. Trong số người phải di chuyển bằng cách này, phần lớn là các em học sinh hằng ngày ít nhất hai buổi đến trường.

Theo ông Xiêng Thanh Tý, chủ tịch UBND xã Đăk Nông, hiện trên địa bàn xã người dân đã tự làm 3 ròng rọc dọc theo sông Pôkô rộng 130 m, để di chuyển qua lại hai bờ. Trong đó có một điểm phía sau UBND xã, trước đây có cầu treo nhưng bị lũ cuốn trôi hồi năm ngoái. "Huyện Ngọc Hồi đang lập dự án để đầu tư xây dựng lại cầu treo sông Pôkô”, ông Tý cho biết


http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/C2/B7/qua-song-bang-cap-6.jpg
Hằng ngày người dân hai bên bờ dòng sông PôKô
phải qua lại bằng cách đu mình trên dây cáp.
Ảnh: Sơn Nguyễn


Người dân địa phương nhớ lại, ý tưởng làm ròng rọc với hệ thống dây cáp qua sông Pôkô xuất hiện từ năm 2007 nhưng đến cuối năm ngoái mới triển khai được. Lúc ấy 21 hộ dân với hơn 60 nhân khẩu ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, di cư từ Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp tại tiểu khu 154, thuộc xã Đăk Ang. Để nối đôi bờ sông Pôkô hung dữ, những người dân nhập cư này đã nghĩ ra việc dùng dây cáp buộc vào hai cây cọc hai bờ sông, rồi dùng ròng rọc phía dưới là một đoạn dây dù để treo mình lên đó và cho “trượt” qua sông.

Anh Trần Khắc Chín, một người dân kể lại: “Để qua sông bằng thuyền thì quá nguy hiểm vì nước sông chảy xiết, lại rất dễ lật úp thuyền. Bơi sông thì không thể được, mùa lũ thường bị cô lập, nên chúng tôi bèn nghĩ ra cách qua sông có một không hai như thế”.

Người dân đã phải góp nhau 3 triệu đồng để làm hai đường cáp chạy song song, một dây đi và một dây về. Một bên này cao thì bên kia phải thấp, nên khi lắp ròng rọc vào sẽ tự động chạy một mạch tuồn tuột sang bên kia bờ trong chớp nhoáng. Không chỉ nông lâm sản được vận chuyển qua sông bằng dây cáp, mà hầu hết trẻ em bên kia sông đều phải đi qua dây cáp để đến trường.

Người dân địa phương thống kê, từ khi dùng dây cáp đến nay, có ít nhất năm vụ trượt qua dây cáp, người bị rơi xuống sông. Anh Chín vẫn còn nhớ như in vụ tai nạn của ông A Phin, Phó trưởng Công an xã Đăk Ang, vào một buổi chiều cách đây vài tháng.

Anh Chín nhớ lại, chiều hôm ấy, ông A Phin trở về từ trên rẫy, khi trượt dây cáp qua sông còn kẹp theo đứa con. Chạy ra giữa sông, thì cái ròng rọc giở chứng vỡ nát làm cả hai cha con rơi tõm xuống sông. Bị ròng rọc đập mạnh vào đầu, ông A Phin ngất xỉu còn đứa con trôi theo dòng nước xiết. “Ba tôi trông thấy đã lao mình xuống sông, rất may hai cha con đã được đưa đi cấp cứu kịp thời. Con Aphin thì bị gãy tay, còn Aphin thì mặt mày bê bết máu”, anh Chín bàng hoàng kể.

Trước tình trạng này, ông Phạm Văn Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện huyện Ngọc Hồi cho biết: “Biết người dân qua sông trên dây cáp như vậy là quá nguy hiểm, nhưng do kinh phí quá lớn nên việc làm lại cầu treo qua sông ngoài khả năng của huyện".

Sau trận lũ lịch sử vào tháng 9 năm ngoái, đã có 7 cây cầu treo bắc ngang qua sông Pôkô bị nước cuốn trôi. Theo tính toán của ông Trưởng phòng nông nghiệp huyện Ngọc Hồi, muốn xây dựng được một cây cầu treo bắc qua dòng sông này phải tốn ít nhất 1,5 tỷ đồng.




http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/C2/B7/qua%20song%20bang%20cap%201.jpg

http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/C2/B7/qua%20song%20bang%20cap%203.jpg
Hằng ngày người dân hai bên bờ sông PôKô (Kon Tum) phải qua sông bằng cách đu dây ròng rọc.
Những cây cầu bắc qua sông đã bị cơn lũ lịch sử tháng 9/2009 cuốn trôi.

http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/C2/B7/qua%20song%20bang%20cap%202.jpg
Các em học sinh cũng phải qua sông bằng cách này để đến trường.

http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/C2/B7/qua%20song%20bang%20cap%204.jpg
Người đàn ông này đang nghiên cứu cách lắp cáp một cách an toàn trước khi lao mình ra giữa dòng.
Đã có nhiều người gặp nạn, đứt cáp hoặc vỡ ròng rọc rơi tõm xuống dòng nước.
Dòng sông PôKô chảy đầu nguồn Tây Nguyên, như những con sông miền núi khác, khá sâu,
đặc biệt vào mùa lũ nước cuồn cuộn chảy dữ tợn nên không thể bơi qua được.

http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/C2/B7/qua%20song%20bang%20cap%205.jpg

http://www.vnexpress.net/Files/Subject/3B/A1/C2/B7/qua-song-bang-cap-6.jpg
Người đu dây lơ lửng giữa dòng nước cuồn cuộn cho đến khi qua tới bờ bên kia.
Chính quyền địa phương cho biết, người dân di chuyển qua lại hai bên bờ sông bằng cáp là rất nguy hiểm.
Song huyện không có kinh phí để xây lại cầu, ước phải đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng một cầu treo.





Trí Tín - Sơn Nguyễn

dominico_dung
01-06-2010, 05:35 PM
http://www.vnexpress.net
Thứ ba, 1/6/2010, 15:39 GMT+7


Trong khi nhiều nơi đã nghỉ hè thì ngày 31/5, học sinh huyện Ngọc Hồi (KonTum) vẫn tranh thủ vượt sông Pôkô đến trường. Mùa mưa sắp đến, nước chảy xiết, trường sẽ phải nghỉ học.


kKs0isNHj7E (http://www.youtube.com/watch?v=kKs0isNHj7E)
:92: