PDA

View Full Version : Hội ngộ linh mục Giáo tỉnh Sài Gòn, Khu vực I



Gia Nhân
01-06-2010, 10:00 PM
Hội ngộ linh mục
Giáo tỉnh Sài Gòn, Khu vực I

http://tgpsaigon.net/sites/default/files/imagecache/album_display_big/hnlm_45.jpg



http://tgpsaigon.net/sites/default/files/imagecache/album_display_big/hnlm_1.jpg
http://tgpsaigon.net/sites/default/files/imagecache/album_display_big/hnlm2_2.jpg
WGPSG – Trong tinh thần của Năm Linh Mục và Năm Thánh 2010, Giáo tỉnh Sài Gòn tổ chức Hội Ngộ Linh Mục vào ngày 26, 27 và 28 tháng 5 năm 2010 tại hai nơi:
– ở Xuân Lộc, tại cơ sở hai của Đại Chủng viện thánh Giuse TGP.TPHCM: dành cho các linh mục của các giáo phận: Xuân Lộc, Bà Rịa, Phú Cường, Đà Lạt, Phan Thiết.
– ở Sài Gòn, tại Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM và Đại Chủng viện Thánh Giuse: dành cho các linh mục của các giáo phận: TP.HCM, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long Xuyên, Cần Thơ.

Ngày thứ nhất
Vào lúc 11g ngày 26-5-2010, các linh mục thuộc khu vực phía nam của TGP.TPHCM đã có mặt, và lúc 11g30, dùng cơm trưa tại khu Triết Đại Chủng viện Thánh Giuse. Sau cơm trưa, các vị đã hân hoan gặp gỡ giao lưu với nhau, hoặc nghỉ trưa tại những khu vực định sẵn.
Lúc 14g, các “hội ngộ viên” đã tập trung tại Hội trường GB. Phạm Minh Mẫn, giao lưu ca hát theo sự hướng dẫn linh hoạt của linh mục Giuse Trịnh Tín Ý. Cử toạ lúc này gồm có ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn, ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc, ĐGM Giuse Trần Xuân Tiếu, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm, ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên và khoảng 550 linh mục.
14g30, ĐHY GB. đã tuyên bố khai mạc cuộc Hội ngộ Linh mục Giáo tỉnh Sài Gòn. Ngay lúc này, Đức Tân GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp đến Hội trường và được hoan hô nhiệt liệt. Trả lời phỏng vấn, Đức Tân GM đã diễn tả niềm hy vọng của mình, và mong chu toàn sứ mạng mới mà không đánh mất phong thái của chính mình.
Sau đó, cùng với linh hoạt viên linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền, các “hội ngộ viên” đã chia sẻ đề tài “Kinh nghiệm về Hoa trái của Lời Chúa”.
Cha Xưa kể lại kinh nghiệm của một lần rửa tội cho 73 tân tòng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện Lời Chúa nơi phong cách giao tiếp của mình.
Cha Nguyễn Duy thuật lại kinh nghiệm víết bài hát “Lắng Nghe Lời Chúa” theo gợi ý của cha giáo Thánh Kinh Trần Phúc Nhân. Những nốt nhạc của bài hát này xuất hiện trong đầu khi cha đang đạp xe ngoài đường, khiến cha ‘xuất thần’ và đụng xe vào một phụ nữ để nhận được một câu mắng vốn: “Mù à?” Cha chỉ sáng tác nhạc sau khi đã suy niệm và cầu nguyện theo Lời Chúa, và điều này đã nuôi dưỡng gìn giữ ơn gọi linh mục của cha cách đặc biệt trong gần 20 năm chờ đợi lên chức linh mục. Phụ hoạ vào phần chia sẻ của cha Duy, linh mục Phạm Bá Lãm kể lại sự lạ khi cha Lãm và cha Duy hiện diện ở Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm và sự cố cúp điện xẩy ra. Trong bóng tối, hai cha đề nghị các nữ tu cùng hát bài “Lắng Nghe Lời Chúa”, và khi hát đến câu “Lời Ngài là ánh sáng…” thì điện và ánh sáng bỗng xuất hiện trở lại.
Cha Mai Thúc Hoà chia sẻ những kinh nghiệm lập giáo điểm và nguyên tắc soạn bài giảng: ngắn gọn với câu trích Lời Chúa, thực hành và một câu chuyện.
Đức cha Đọc thuật lại: “Thường tui luôn luôn đọc kinh cầu nguyện cho bài giảng của tui trước Thánh lễ. Nhiều khi tui phải năn nỉ Chúa Giêsu trước khi giảng!” Hai cách dọn bài giảng của Đức Cha:
– Cách 1: Dọn kỹ và viết ra từ nhập đề đến kết luận.
– Cách 2: Chia tờ giấy thành 2 cột: một bên là những câu Lời Chúa, một bên là suy niệm và diễn giải. Trong tuần, đọc từng câu, câu nào nẩy sinh ý mới, thì viết ra ở cột bên kia…
Cha Nguyễn Văn Hiền nói về việc dạy giáo lý Lời Chúa cho dự tòng: dự tòng theo đạo Công giáo, không phải là để bỏ đạo cũ, mà là mang những nét đẹp của đạo cũ để đi tới…
Cha Tôma Mân chia sẻ kinh nghiệm dạy Lời Chúa bằng vè: “nghe vẻ vè ve…”.
Cha Trương Thành Công đề nghị những luận chứng nên đưa ra để giúp những người ngoại giáo lập gia đình với người Công giáo cảm thấy cần phải học giáo lý Lời Chúa.
Cuối cùng, Đức cha Khảm đúc kết:
– Lời Chúa không chỉ là Lời ngoài miệng, mà trước hết cần là Lời nội tâm. Song song với ngôn ngữ bằng lời, còn có ngôn ngữ không lời (thể hiện qua phong cách và công tác mục vụ).
– Khi soạn bài giảng Lời Chúa, thay vì đặt câu hỏi: “tôi phải nói gì?”, hãy tự hỏi: “Lời Chúa muốn nói gì?”. Đấy là phương pháp soạn bài giảng thứ hai của Đức cha Đọc.
– Cần để ý đến đối tượng để soạn bài giảng Lời Chúa cho thích hợp.

http://hdgmvietnam.org/Images/Editor/TGP-TPHCM/HNLM_a2.JPG
Buổi chia sẻ kết thúc vào lúc 16g. Các linh mục uống nước, giải lao và giao lưu chuyện vãn với nhau. Đến 17g, tất cả cùng dâng Thánh lễ ngoài sân Trung tâm Mục vụ. Trong bài giảng, ĐGM Stêphanô Tri Bửu Thiên nhắc nhở rằng làm linh mục là được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt và được trao nhiệm vụ đặc biệt. Dù sao, linh mục vẫn là người với những yếu đuối và cả những tội lỗi. Vì thế cần luôn xét mình, sám hối và sửa đổi.
Sau Thánh lễ là cơm tối dưới dạng Hội chợ ẩm thực và văn nghệ nhẹ. Các tu sĩ và giáo dân hiện diện cũng được mời tham dự.
Ngày thứ nhất của cuộc Hội ngộ Linh mục Giáo tỉnh Sài Gòn khu vực phía nam kết thúc lúc 20g. Mọi người về phòng ngủ đọc kinh tối và nghỉ đêm, chuẩn bị bước vào ngày thứ hai, ngày chính yếu của cuộc Hội ngộ.
Ngày thứ hai
Ngày thứ hai của cuộc Hội ngộ bắt đầu bằng giờ kinh sáng lúc 6g ngày 27-5-2010 tại Hội trường GB. Phạm Minh Mẫn.
Sau bữa ăn sáng là phần gặp gỡ giữa các linh mục và các Giám mục thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn vào lúc 7g30 tại Hội trường GB. Phạm Minh Mẫn. Các Đức Giám mục hiện diện: Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc (Mỹ Tho), Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu (Long Xuyên), Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên (Cần Thơ), và Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm (TP.HCM). ĐHY GB. đã đi hội ngộ với các linh mục ở Xuân Lộc từ chiều hôm qua.
Khởi sự, Đức cha Phêrô nói đến tâm tình của ĐHY GB. gửi các linh mục, bằng cách tóm tắt Bài Tham luận của ĐHY trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 2001.
Sau đó, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc nói về kế hoạch của ngài trong 3 ngũ niên đầu tiên tại Giáo phận Mỹ Tho:
– Ngũ niên 1: củng cố linh mục đoàn.
– Ngũ niên 2: củng cố giáo hạt.
– Ngũ niên 3: củng cố đoàn thể.
Về linh mục đoàn, Đức cha Đọc tâm sự:
– Linh mục không phải là gánh nặng, mà chính là niềm vui lớn nhất của giám mục. Khi mới về Mỹ Tho, Đức cha nhận thấy có vài lấn cấn, nhưng ngay sau đó, hễ thấy linh mục là Đức cha cảm thấy vui rồi.
– Gặp bất kỳ linh mục nào, Đức cha cũng có sẵn trong đầu một lời mời gọi, trích từ Lời Chúa: “Hãy vào làm vườn nho cho Ta.”
– Trục trặc giữa các linh mục thường là do hiểu lầm. Đức cha tìm cách khai thông nhờ những gặp gỡ: tiếp xúc cá nhân, tĩnh tâm Hạt, Liên Hạt…
– Giáo Hội là một cộng đoàn đức tin, tin Chúa và tin nhau. Giám mục và linh mục tin nhau nhờ thường xuyên gặp gỡ: Đức cha thường mời các linh mục về Toà Giám mục ăn cơm chung với ngài. Đức cha khẳng định: linh mục là đối tượng được ngài yêu thương nhất!
Về câu hỏi: ĐGM chờ đợi gì nơi linh mục, Đức cha Phaolô nói rằng ngài mong các linh mục:
– Nhiệt thành: linh mục được đánh giá đặc biệt qua tiêu chuẩn này.
– Kỷ luật tối thiểu trong đời cầu nguyện: các linh mục trẻ đôi khi thiếu sót về điểm này.
– Yêu thương và tử tế với giáo dân: thể hiện mầu nhiệm của tình thương.


http://hdgmvietnam.org/Images/Editor/TGP-TPHCM/HNLM_a1.JPG
Tiếp theo, trong phần chia sẻ về 11 năm giám mục vừa qua của mình, ĐGM Giuse Trần Xuân Tiếu nhắc đến cái tên do báo Công Giáo & Dân Tộc đặt cho ngài: “Giám mục nông dân”, diễn tả những tính cách mà ngài vẫn cố thể hiện: đơn sơ, mộc mạc, không cầu kỳ. Đức cha Giuse cố gắng duy trì những thành quả tốt đẹp mà những vị tiền nhiệm đã làm cho Long Xuyên, một giáo phận nay đã có khoảng 150.000 giáo dân, hơn 200 linh mục, và nhiều tu sĩ, chủng sinh. Vì đã sống và làm việc với nhau từ lâu, giám mục và linh mục ở đây rất gắn bó với nhau. Dù vậy, Đức cha Giuse vẫn tạo thêm điều kiện nâng cao sự gắn bó này bằng cách: đi tĩnh tâm hàng tháng với các linh mục tại các giáo hạt, mỗi tháng dành 5 ngày đến với các giáo hạt, mỗi năm tĩnh tâm chung một lần và thường huấn 2 lần (một cho linh mục trẻ, một cho linh mục cao tuổi), khi đến giáo xứ nào thì các linh mục vùng lân cận cũng được mời đến đồng tế, mở “quán café Xuân Tiếu” do chính ĐGM Xuân Tiếu pha café đãi các linh mục, các linh mục và người thân đều được mời ăn cơm ở Toà Giám mục mỗi khi ghé thăm giám mục...
Đức cha Giuse ước mong các linh mục thực hiện mục vụ ‘3D’ do ĐHY Dias đề nghị:
– Doctrine: trau dồi giáo thuyết, Kinh Thánh, Thần học, Giáo huấn của Hội Thánh…
– Discipline: có kỷ luật trong cuộc sống để thể hiện sự trưởng thành.
– Devotion: đạo đức, thánh thiện.
Về phần mình, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm chia sẻ rằng: ngài chỉ mới làm giám mục 1,5 năm, và là phụ tá với “một tá việc phụ” thôi (kiểu nói của Đức cha Giuse Thống). Ngài nhắc tới lập trường: “không chọn điều mình muốn, mà chọn điều Chúa muốn”, và lời nhắc nhở của một linh mục lớn tuổi: “rằng làm Giám mục coi chừng bị mất bạn, rằng Giám mục phải lo cho linh mục”. Nếu Chúa Giêsu mà còn nói: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, mà là bạn hữu thân tình”, thì giám mục cũng rất muốn là bạn hữu với linh mục. Và điều kiện của tình bạn là tin tưởng lẫn nhau.
Phát biểu sau cùng trong 4 giám mục, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên tâm sự:
– Ngài muốn rằng giám mục và linh mục coi nhau như anh em một nhà, cùng chung lo mọi việc với nhau.
– Sống ở vùng sâu, vùng xa, rất dễ bị cám dỗ lãng quên việc trau dồi kiến thức. Cần thường xuyên học hỏi để xác tín, cảm nghiệm nhiều hơn, chia sẻ sẽ hữu hiệu hơn.
– Ngài mong các linh mục sống tinh thần hợp tác và chia sẻ cả về tinh thần lẫn vật chất.
– Mong phát huy sự hiệp nhất: cùng một hướng đi, một mục tiêu, một kế hoạch…
Đáp lại những tâm tình giám mục rất đẹp trên đây, các linh mục đã hân hoan đi vào cuộc trao đổi.
Cha Phạm Bá Lãm đặt câu hỏi: “Ngày xưa gặp cộng đoàn nào, Đức Tổng Bình cũng nói: thương cộng đoàn đó nhứt!? Thế thì cái 'nhứt' của Đức cha Phaolô Đọc ngày nay dành cho các linh mục là như thế nào ạ?!” Đức cha Phaolô trả lời: “Vâng, thói quen của Đức Tổng Bình là thế, cũng đúng thôi, để diễn tả cường độ tình thương mãnh liệt của ngài trong từng thời điểm theo tinh thần Phúc Âm. Nhưng “tui khác, ‘nhứt’ thì đúng là ‘nhứt’ ”, ĐGM Mỹ Tho cắt nghĩa thêm.
Khi cha Trụ đề nghị Đức cha Stêphanô và Đức cha Phêrô xưng ‘tôi’, thay vì xưng ‘con’ với các linh mục, Đức cha Stêphanô nói về sự phức tạp trong cách xưng hô của người Việt, và rằng: với người lớn tuổi, xưng “con” với họ xem ra thích hợp hơn.
Trả lời câu hỏi của cha Trần Hoà: các giám mục cư xử thế nào với các linh mục có vấn đề, ĐGM Phaolô nói: tình thương luôn tồn tại và trải rộng song song với việc thi hành giáo luật để tránh những điều không hay cho xã hội và Giáo Hội.

http://hdgmvietnam.org/Images/Editor/TGP-TPHCM/HNLM_2.jpg
Một số trao đổi khác diễn ra rất chân tình thắm thiết cho đến khi linh mục MC mời mọi người đi ra sân khấu bên ngoài, chụp hình chung kỷ niệm, rồi trở về Hội trường dâng Thánh lễ đồng tế với ĐGM Giuse Trần Xuân Tiếu là chủ tế.
Sau bài Phúc âm, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm minh hoạ Lời Chúa bằng cách cho thấy bối cảnh rất lạ hiện tại. Chính trong Năm Linh mục, cuộc sống linh mục lại bị giới truyền thông tấn công nhiều nhất. Chính trong Năm Thánh 2010 với chủ đề “Giáo Hội mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ”, Giáo Hội Việt Nam lại gặp khó khăn hơn bao giờ hết về mặt hiệp thông, do ảnh hưởng của những những truyền thông trái chiều. Đức cha Phêrô nhắc tới kinh nghiệm của cha Congar khi là chiến sĩ bị tấn công ngoài mặt trận, chỉ còn một cách là lao tới phía trước để tránh làn đạn của đối phương. Trong hoàn cảnh hiện tại, mọi người cũng cần lao tới phía trước trong cuộc sống yêu thương, phục vụ và trong niềm tin tưởng dành cho nhau.
Sau cơm trưa và giải lao buổi trưa, vào lúc 14g, các linh mục chia thành nhiều nhóm để thảo luận sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi các linh mục trong ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 44. Trở lại Hội trường lúc 16g, mọi người cùng bàn bạc một số vấn đề thời sự.
Sau đó, ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn, mới trở về từ cuộc Hội ngộ Linh mục tại Xuân Lộc, kể rằng: có 660 linh mục đăng ký gặp gỡ nhau nơi đó (thực tế, có khoảng 590 linh mục hiện diện). Ngài cũng báo cáo về Gia đình Lêvi (linh mục) Việt Nam:
– Có mặt trên đời từ năm 1668 (332 năm trước) với 4 linh mục Việt Nam đầu tiên.
– Năm 1700 (32 năm sau) có 44 thành viên (tăng gấp 11 lần).
– Năm 1800, tăng gấp 3 lần. Năm 1933, có hơn 800 thành viên. Năm 1963: 12.300 vị.
– Đến nay, có khoảng 5.000 linh mục, gồm gần 4.000 vị trong nước, và 1.200 vị sống ờ các nước khác.
ĐHY nhắc nhở các thành viên của gia đình Lêvi Việt Nam cần đi theo con đường Chúa đi, đặc biệt khi ở trong những hoàn cảnh khó khăn. Đấy là con đường: “tín nghĩa ân tình luôn hội ngộ, hoà bình công lý tất giao duyên”, con đường của đối thoại (chứ không đối đầu) theo tinh thần của Vatican II mà ĐTC Bênêđictô mới nhắc lại với HĐGM Việt Nam trong dịp Ad Limina vừa rồi.
Sau cơm tối tại Nhà cơm Đại Chủng viện, buổi văn nghệ do các linh mục thực hiện với sự tham gia của các thành phần Dân Chúa đã diễn ra tại sân khấu Trung tâm Mục vụ. Có rất đông giáo dân đến thưởng thức.
Cuộc Hội ngộ Linh mục Giáo tỉnh Sài Gòn tại Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM đã kết thúc vào sáng thứ sáu 28-5-2010, sau khi các linh mục dâng Thánh lễ đồng tế tại Hội trường Phạm Minh Mẫn và ăn sáng tại Nhà cơm Đại Chủng viện Thánh Giuse.


(Nguồn: tgpsaigon.net)