PDA

View Full Version : Quo Vadis - H. Sienkievich



Josephcuong
02-06-2010, 11:56 PM
Joseph Pham

Nếu trong suy nghĩ của bạn đang muốn tìm hiểu về lịch sử của đế quốc Roma - La Mã vào những năm 60 - 70 sau khi Chúa Giêsu chịu cuộc khổ hình và phục sinh, nếu bạn muốn biết sự dã man của đế quốc hùng mạnh này khi xử tử những người theo đạo Thiên Chúa lúc bấy giờ tại hí trường, nếu bạn muốn nắm bắt được hành trình tìm kiếm đức tin vào Thiên Chúa của những người La Mã vốn thờ vô số các thần Hy Lạp, nếu bạn muốn trải nghiệm một mối tình cao đẹp và vẹn nghĩa thủy chung của đôi lứa yêu nhau thời ấy, nếu bạn muốn biết sự xa hoa và đồi trụy của những bữa tiệc hoàng cung lúc bấy giờ.... thì có lẽ bạn sẽ không thể nào bỏ qua một tác phẩm vượt qua không gian và thời gian của nhà văn H. Sienkievich - Ba Lan với tựa đề Quo Vadis được dịch trực tiếp từ tiếng Ba Lan gốc của tiểu thuyết.
Đọc Quo Vadis là chúng ta đang tìm đến nguồn gốc vì sao mà Roma ngày nay trở thành thủ phủ của Giáo hội Công Giáo trên toàn cầu mà cụ thể là thủ đô Vatican - nơi ngự trị của Đức Giáo Hoàng qua mọi thời đại. Cho dù có niềm tin vào tôn giáo hay không, việc đọc tác phẩm này giúp ta có một cái nhìn vừa chi tiết vừa toàn cảnh của bối cảnh lịch sử và lý do vì sao thành đô của giáo hội Công Giáo không nằm ở Giêrusalem - nơi vốn là thành đô và là xuất phát điểm, nơi mà ngày nay từng ngày từng giờ xảy ra các cuộc nội chiến kéo dài suốt dòng thời gian. Còn Vatican - một ngọn đồi vốn là thủ phủ của hoàng đế Nero - một kẻ tàn bạo dám ra tay đốt toàn bộ thành phố Roma chỉ vì một ước muốn ích kỷ là thỏa mãn cái cảm giác tả cảnh cháy thành đô trong thơ sao cho hơn hoặc sánh bằng Homer khi nói về thành Troy nay lại trở thành thủ phủ của Giáo Hoàng - nơi sống, làm việc của Đức Giáo Hoàng và các Thánh Bộ thuộc Giáo hội Công Giáo toàn cầu.
Quo Vadis mang đến cho chúng ta một cái nhìn rất chi tiết về sự tha hóa của triều đình thời hoàng đế Nero - một ông vua tàn bạo, đầy dã tâm, dâm đãng, hèn nhát, và luôn mượn nghệ thuật như một cái cớ cho những ham muốn hưởng thụ bất chính của mình. Ông đã sẵn sàng ra tay giết chết mẹ ruột và em của mình để soán ngôi, còn chuyện năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình, rồi giết cả chính đứa con nối dõi của mình khi nó chỉ mới tròn một tuổi để làm giảm quyền lực của hoàng hậu, âm thầm ra lệnh cho quân thần của mình hủy diệt toàn thành phố Roma bằng ngọn lửa tàn bạo và cuối cùng vì hèn nhát trước sự căm phẫn của thần dân, ông đã đổ thừa việc đốt thành phố là do những người theo đạo Thiên Chúa thực hiện, và ngay lập tức ra lệnh bắt nhốt tất cả những ai theo đạo và cho ra hí trường để cho thú dữ dày xéo, đóng đinh họ vào thập giá...
Quo Vadis giúp ta có một cái nhìn thật đẹp và trọn vẹn về tinh thần sống và đời sống của những người theo đạo Thiên Chúa thời bấy giờ dưới sự dẫn dắt của Tông Đồ Trưởng Peter - Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo hội Công Giáo và Paul - Tông đồ dân ngoại (Phêrô & Phaolô phát âm theo tiếng Việt). Thời ấy, dân Roma vốn có một đời sống đức tin mạnh mẽ vào các thần của họ mà ta có thể thấy trong thần thoại Hy Lạp, các thần vốn có một lối sống còn tệ hơn một con người bình thường cũng gian dâm, giận hờn, báo thù, tham lam, giết chóc, ghen tương... và chính vì thế mà đời sống tinh thần của họ luôn nằm trong trạng thái căng thẳng vì chẳng biết ngày giờ nào các thần kia ra tay hủy diệt mình qua bàn tay của những kẻ tin là anh em đồng loại với mình. Cũng chính vì có một đời sống đức tin mạnh đến thế nên khi họ nghe thấy cái giáo lý của Thiên Chúa mà cụ thể là của Đức Kitô - Đấng Cứu Chuộc, Đấng vì họ mà sẵn sàng chết trên Thập Giá cách nhục nhã dường ấy, dạy toàn là yêu thương, tha thứ, bao dung và đức hạnh với anh em mình thậm chí với cả kẻ thù của mình, thế nên họ đi theo rất đông và ngày càng lan rộng hơn nữa sau biến cố bị thảm hại khốc liệt bởi bàn tay Nero.
Quo Vadis đưa chúng ta vào một cuộc tình phải kể là đẹp, mạnh mẽ, trong sáng, và tràn trề nhựa sống của đôi trai tài gái sắc Vinixius - Hộ Dân của Hoàng đế Nero và cô công chúa Ligia của xứ Ligia. Cuộc tình của họ đầy sóng gió và uẩn khúc, song cuối cùng thì lại sinh hoa kết trái là chàng Vinixius vốn là một nhà quí tộc, sống trong nhung gấm lụa là, có hàng trăm nô lệ, đầy quyền lực, chỉ biết thỏa mãn dục tính của mình khi cần... ấy thế mà khi gặp Ligia chàng ta mê đắm và cuối cùng trút bỏ tất cả vinh dự, quyền lực, của cải, và cả cái ác trong lòng để đi theo Đức Jesus với giáo lý yêu thương và tha thứ của Ngài trong cuộc sống mình. Số là cô công chúa Ligia có một sắc đẹp được xếp vào hàng thánh thiện và thiên thần, một vẻ đẹp hoàn hảo đến mức làm cho hoàng hậu Poppea phải ghen tỵ và tìm mọi cách tiêu diệt nàng cho bằng được bằng mọi thủ đoạn. Ban đầu Vinixius phải lòng nàng chỉ vì sắc đẹp bên ngoài, song càng về sau thì chàng càng yêu tha thiết nàng bởi cái đẹp tâm hồn của nàng - một người tín hữu của Chúa với đời sống đức tin mạnh mẽ và một lòng bác ái bao dung của nàng trước mọi nghịch cảnh mà nàng phải trải qua.
Quo Vadis giúp người đọc có một cái nhìn trọn vẹn hơn cuộc giằng co nội tâm của con người trong tình yêu nam nữ, trong hành trình tìm kiếm đức tin của mình vào Thiên Chúa duy nhất và trọn hảo mà cụ thể ở đây là qua chàng trai trẻ Vinixius. Trong tình yêu, Vinixius thể hiện mình là một người đàn ông chung thủy và rất mực yêu thương Ligia. Song cũng vì quá yêu cái sắc đẹp bên ngoài của nàng, mà chàng với bản tính trẻ, hung hăng, chỉ biết quyền lực, chỉ biết chiếm đoạt, chỉ biết thỏa mãn mọi khát khao của mình qua đồng tiền và quyền... đã tìm mọi cách đoạt cho được nàng. Và thế là chàng bèn tâm sự với người cậu quyền thế của mình là ông Petronius - một nhà duy mỹ và rất thân thiết với hoàng đế Nero, ông đã vì thương cháu và không muốn cháu mình khổ, nhất là sau khi trực tiếp nhìn thấy nàng Ligia xinh đẹp, ông đã đi đêm với hoàng đế để vị này ra lệnh bắt nàng Ligia về triều đình với lý do nàng là con tin của hoàng đế, để rồi sau đó đường đường chính chính đưa nàng về nhà Vinixius trong vai trò là một con tin được hoàng đế phóng thích. Thế nhưng, như một định mệnh là âm mưu của họ chỉ thành công một nửa, còn một nửa còn lại thất bại nặng nề đến mức chàng Vinixius thay vì được gặp nàng thì từ nay mất nàng và phải chịu cảnh sống nhớ nhung cùng với những dày vò giữa tình yêu và lương tâm đạo đức của mình. Từ khi mất Ligia khỏi vòng tay, Vinixius càng sống trong dày vò và nhớ nhung hơn nữa, chàng quyết tâm tìm nàng cho bằng được, và trong hành trình ấy chàng nghĩ ra đủ mọi loại khổ hình cho nàng nếu chàng gặp lại nàng kết hợp với cái khao khát yêu thương cháy bỏng trong chàng. Rồi cuối cùng, chàng cũng được lão triết gia Hy Lạp Khilon mách bảo cho biết nơi nàng ở - một gia đình theo Thiên Chúa Giáo. Để đoan chắc là chàng chiếm được nàng, chàng đã đi cùng một tay khổng lồ mạnh nhất Roma đến khu ấy, đột nhập và bắt cóc nàng bằng sức mạnh, thế nhưng một lần nữa chàng lại thảm bại cách nặng nề và đớn đau hơn khi gã khổng lồ kia bị một cú giáng như sấm của bác Urnux - cận vệ của công chúa Ligia, còn chàng cũng suýt bị chết dưới sức mạnh có một không hai của bác nếu không có sự can thiệp của nàng Ligia xinh đẹp và đầy lòng nhân. Trong những ngày bị thương và dưỡng thương tại khu những người theo đạo Thiên Chúa, chàng được chăm sóc bởi chính bàn tay yêu thương của chính nàng, của tất cả mọi người theo đạo ở đó bằng một sự tận tâm yêu thương và chu đáo, cái mà chàng chưa bao giờ được nếm trải trong đời, và từ đây đưa chàng đến cuộc giằng xé nội tâm giữa việc tin vào Thiên Chúa và tin vào các thần Roma - mà bản thân chàng vốn chẳng tin vì họ cũng không thánh thiện gì hơn chàng thậm chí còn tàn bạo, gian dâm, độc ác, và đầy những thứ xấu xa hơn. Và tất nhiên, sau cùng chàng trở thành một tín hữu nhiệt thành nhất của Thiên Chúa với một đức tin vững vàng và những lời nguyện cầu thiết tha nhất là khi nàng Ligia bị hoàng đế Nero bỏ tù và lâm cảnh ngặt nghèo, thậm chí chàng sẵn sàng tử vì đạo, nghĩa là phản lại hoàng đế mà chàng vẫn hết lòng phục vụ trong suốt thời gian qua để chứng tỏ niềm tin của mình vào Thiên Chúa mà chàng đã thật lòng tin theo.
Quo Vadis làm cho người đọc hết sức hài lòng về tinh thần của vị Giáo Hoàng đầu tiên Peter với tất cả tình yêu và sự nhiệt tâm của mình dành cho đoàn chiên mà Ngài được chính Đức Giêsu Phục Sinh trao ban bên biển hồ Tiberia sau ngày Chúa Phục Sinh. Đời sống của vị vua Giáo Hội này hoàn toàn đối nghịch với vị vua thế gian biểu trưng bởi Nero tàn bạo, dâm đãng, phóng túng.... Tông Đồ trưởng Peter - Vua yêu thương chạm trán với hoàng đế tàn bạo Nero trong một lần dân chúng tập trung đông đảo để tiễn vị vua của họ đi nghỉ mát, khi ấy Môn Đệ Peter đã đứng trên một tảng đá cao để nhìn hoàng đế trên kiệu cao sang, hai cái nhìn bắt gặp nhau như một định mệnh, như một sự khẳng định một mất một còn giữa một bên tay trắng chỉ có tình yêu và lòng vị tha và một bên binh lính, quyền lực, tàn bạo và cả sự hận thù. Và đỉnh cao của cuộc chạm trán này là cuộc tàn sát của Nero dành cho những kẻ theo Chân Lý mà Tông Đồ Trưởng Peter đã rao giảng và làm chứng, và trên tất cả là cái chết của chính Thánh Peter bị treo ngược trên thập giá giống y chang Thầy Chí Thánh của mình cách đó 30 năm trên ngọn đồi Calvario ở Jerusalem, còn giờ đây Môn Đệ Peter bị treo ở ngọn đồi Vaticano - Roma. Cái chết của Tông Đồ Trưởng Phêrô là kết quả của một tình yêu cao cả của Vị Mục Tử Nhân Lành hết lòng vì đoàn chiên, ông đã vì nghe lời những kẻ yêu mến mà bỏ thành Roma để trốn đi khi biết cơn thịnh nộ của Nero sắp ập xuống mình. Trên con đường bỏ trốn ấy vị tông đồ đã gặp lại một bóng hình đi ngược chiều với mình để tiến vào thành Roma, và Thánh Peter đã nhận ra đó là Thầy Chí Thánh - Đức Giêsu Phục Sinh, ngay lập tức ông cúi xuống hôn chân Thầy và hỏi "Quo Vadis Domine? - Thưa Thầy, Thầy đi đâu?". Ngay lập tức ông nhận được câu trả lời của Thầy "Khi ngươi rời bỏ dân ta, ta phải đến Roma để cho người ta lại đóng đinh ta lên cây thập tự lần thứ hai" - Chương 70, tập 2 Quo Vadis.
Đây chính là lời đối thoại ý nghĩa nhất làm nên sự thành công của toàn bộ tác phẩm của H. Sienkievich. Mẩu đối thoại này đã đi vào lịch sử, đi vào lòng của tất cả mọi người Kitô Hữu trong suốt dòng thời gian, đi vào con tim của hầu hết các linh mục và giám mục trên toàn thế giới - những vị được giao quyền Mục Tử chăm sóc đoàn chiên - dân của Thiên Chúa để mỗi khi vì yếu đuối lỗi lầm mà các ngài muốn rời bỏ đoàn chiên mình như Thánh Peter trong tác phẩm thì cũng phải suy nghĩ lại là Thầy sẽ phải bị đóng đinh lần thứ hai, mà lẽ nào lại thế khi Thầy chỉ chịu đóng đinh và chết một lần là đủ để thế gian được cứu và được sống? Đến đây tôi nhớ đến một câu mà Chúa Giêsu đã nói "Ta là mục tử nhân lành" - (Ga 10, 11) và vì thế những ai được giao sứ mạng trong bậc sống linh mục và giám mục cũng phải theo gương Thầy Chí Thánh - Đấng là mục tử nhân lành đã hiến mạng vì đoàn chiên và đã chết trên Thập Giá vì đoàn chiên của Ngài. Câu nói ấy không dừng lại ở nơi các linh mục hay giám mục, mà cũng sống động trong tâm hồn những người làm cha, làm mẹ trong gia đình và làm sếp lớn trong một tổ chức nào đó, cũng cần hết lòng vì đoàn chiên được giao phó cho mình trong từng bậc sống và vai trò sống hằng ngày.


Ghi chú: Joseph Pham cũng là một bút danh khác của Joseph Cuong. Anh chị em cũng có thể tham khảo nhiều chia sẻ tác phẩm văn học khác tại trang http://josephcuong.wordpress.com của mình. Xin chân thành cám ơn và rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quí báu của quí anh chị em.