PDA

View Full Version : Vĩnh Trị, ngày 3/6/2010



Thành Kiên Mobile™
07-06-2010, 08:29 PM
http://vietcatholic.net/pics/100603GMTiem.jpgBÀI THUYẾT TRÌNH VỀ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
TẠI HỘI NGỘ LINH MỤC GIÁO TỈNH HÀ NỘI
Vĩnh Trị, ngày 3/6/2010


1. Vài dòng lịch sử

Ngày 22 tháng 6 năm 1987, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chủ toạ phiên họp Cơ Mật Viện của Toà Thánh cho việc phong thánh các vị tử đạo tại Việt Nam. Tham dự phiên họp gồm có 28 hồng y, 70 tổng giám mục và giám mục, 1 người Việt Nam là Đức ông Trần Ngọc Thụ, thư ký riêng của Đức Thánh Cha, là cáo thỉnh viên vụ án phong thánh cho 117 vị anh hùng tử đạo tại Việt Nam. Trong Cơ Mật Viện có một vị hồng y gọi là “hồng y quỉ”, đóng vai trò luật sư phản cung để chống lại biện hộ về các dự án phong thánh, nghĩa là vị hồng y này tìm mọi cách để chống án, nghịch lại với việc phong thánh. Như trường hợp thánh Matthêu Lê Văn Gẫm có hai vợ và thánh Phaolô Hạnh là “hạng đầu gấu” bị gạch tên cả hai. Điều này nói nên rằng Toà Thánh làm việc rất nghiêm chỉnh trong suốt thời gian điều tra phong thánh và đặc biệt là những quyết định cuối cùng, không kể một thời gian rất lâu dài trước khi kết thúc một vụ án phong thánh.

Ngày 19 tháng 6 năm 1988, là ngày phong thánh cho 117 vị tử đạo tại Việt Nam. Đây là ngày lễ rất trọng đại. Tại quảng trường thánh Phêrô tại Rôma hôm đó có chừng 60 ngàn người tham dự lễ: 15 ngàn người Việt Nam, 10 ngàn người Tây Ban Nha, 8 ngàn người Pháp là gia đình con cháu các vị tử đạo.

2. Lời Phúc Âm

- Mt 10,17-23: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho hội đồng, và họ sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại được biết”. Không ai thích bị bách hại, nhưng đó là số phận của những người theo Đức Kitô. Họ hãnh diện vì Thầy mình và sẵn sàng làm chứng về Thầy mình trước mặt vua quan.

- Cv 4,7: “Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và hỏi: ‘Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?’ Ông Phêrô được đầy Thánh Thần liền nói: ‘nhân danh Đức Kitô, người Nazareth’…”.

- Cv 5,27-40: “Họ điệu các ông đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi các ông rằng: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa”, lúc đó ông Phêrô và các tông đồ đáp: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”.

- 2 Cr 11,24-26: “Phaolô nói: ‘Tôi chịu nhiều vì công khó, nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, ba lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! … Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn, nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng’…”.

- Mt 10,19-20: “Khi người ta nộp anh em thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Chúa Cha nói trong anh em”.

- Cv 4,13: “Họ thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa và thuộc giới bình dân, nên ngạc nhiên … đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào”.

- Mt 16, 24: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

- Ga 15,18-20: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. … Nếu họ bắt bớ Thầy thì họ cũng bắt bớ anh em”.

3. Kết

- 1 Cr 1,25: “Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người”.

- Ga 12,24: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình… còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

- Tv 125,5-6: “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Ra đi trong than khóc, sẽ về trong hân hoan”.

4. Gương thánh nhân

a. Thánh Giuse Diaz Sanjurio An, Giám mục Dòng Đa Minh (1818-1857)

Tâm thư: Là tù nhân trong Chúa, xin giữ lời tạm biệt Đức Cha (Đức Cha Sampetro Xuyên) và các cha cho tới ngày gặp lại nhau trên trời. Xin anh em hãy tha thứ cho những điều lầm lỗi và gương xấu tôi đã làm … gông cùm xiềng xính tôi đang mang được coi là những báu vật Chúa Giêsu gửi cho tôi. Tôi vui mừng khôn tả và chỉ ước ao được đổ máu ra vì Chúa, để máu tôi hoà với Máu Cực Thánh Chúa Giêsu rửa linh hồn tôi sạch mọi tội lỗi. Xin anh em cầu cho tôi vững vàng đến cùng …

Viết tại Nam Định, ngày 28 tháng 5 năm 1857
Ký tên: Fray José Maria

Tháng 5 năm 1857, Đức Cha Sanjurio An bị ông chánh Mẹo làng Thoại Miên tố cáo với quan Tổng Đốc tỉnh Nam Định, nên Đức Cha bị bắt và bị kết án tử hình. Đức Cha đã đưa 30 quan tiền cho lý hình để nó chém Đức Cha ba nhát thay vì một nhát. Nhát thứ nhất để tạ ơn Chúa đã đưa người sang Viêt Nam. Nhát thứ hai để đền đáp công ơn cha mẹ sinh thành. Nhát thứ ba là di chúc cho bổn đạo giáo phận Bùi Chu để họ bền chí giữ đạo đến cùng.

b. Thánh linh mục Giuse Đặng Đình Viên (1787-1838)

Khi đang làm lễ thì bị lộ. Ngài trốn vào vườn mía. Đứa trẻ nhà đó bị tra tấn nó kêu lên: Giêsu ơi cứu con với! Nghe thấy tiếng đứa trẻ kêu, cha Viên chạy ra với đứa trẻ: Con ơi cha đến cứu con đây! Hãy bắt tôi đi và tha cho đứa trẻ này!

c. Thánh linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lựu (1812-1861)

Đạo đã được nhập vào xương tuỷ tôi làm sao tôi bỏ được?

d. Thánh linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự (1796-1838)

Tôi kính Chúa như thượng phụ. Tôi kính vua như trung phụ. Tôi kính cha mẹ như hạ phụ. Vậy không thể vì hạ phụ mà hại vua là trung phụ. Cũng không thể vì trung phụ mà phạm đến Thiên Chúa là thượng phụ.

http://t0.gstatic.com/images?q=tbn:W2Us-3U0vh-9tM:http://www.dauantinhyeu.org/uploads/News/pic/small_1226909315.nv.jpg
e. Thánh linh mục Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh (1772-1838)

Quan hỏi: Tại sao ông không bước qua thập tự? Thưa thập tự là Thánh Giá tượng trưng cho ơn cứu chuộc, nên không ai được chà đạp, vì làm thế là trọng tội. Xem kìa đạo trưởng Duyệt (cha Duyệt) đã bỏ đạo và được tha về, ông cứ làm như thế ta sẽ tha cho. Kẻ trung thành với Chúa Giêsu khi chết sẽ được lên Thiên Đàng. Vậy những người không tôn thờ ông Giêsu khi chết sẽ đi đâu? Xuống hoả ngục thẳng rẵng. Quan nổi giận phạt đánh 15 roi. Một lần quan đưa ảnh Đức Bà để chà đạp thay cho Thánh Giá, nhưng cha Hạnh đa cầm ảnh Đức Bà mà hôn thắm thiết. Cha liền bị phạt 100 roi vì Đức Bà. Cha Hạnh thấy cha Duyệt đạp lên Thánh Giá mấy lần thì tức giận vô cùng: Bớ quân cha kia, hãy xem đầu mình đã bạc rồi còn sống được bao lâu nữa mà cả lòng bỏ Chúa mình để mong được sống thêm năm ba ngày tháng chóng qua ru? Ông làm ô danh cha đấng bậc mình để được lòng vua dữ ư? Ông làm cực lòng cho Giáo Hội đã cưu mang nuôi nấng ông bấy lâu, mà đi làm bạn với ma quỉ mà làm hại chính đời mình. Cha Duyệt, kẻ phản bội cười nhạo cha Hạnh: Tôi làm khôn, chỉ có ông mới làm sự dại dột. Quân lính nghe thế vỗ tay reo hò đắc thắng. Cha Duyệt đã bỏ đạo và cho đến chết không hề ăn năn. Còn cha Hạnh được phúc tử vì đạo tại pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định ngày 1/8/1838. Cha Hạnh là thánh còn cha Duyệt đã chết như một tên phản bội, nó giống như Giuđa đứng dậy, đi vào đêm tối và không thấy trở lại nữa.

f. Thánh linh mục Stephano Vénard Ven (1824-1861)

Suốt đời tôi thuyết giảng về đạo thập giá, nay tôi đạp lên thập giá thế nào được? Tôi nghĩ sự sống đời này đâu quí hoá đến độ phải bỏ đạo mà mua lấy.

http://t1.gstatic.com/images?q=tbn:Gu9BBE0FR5BQfM:http://danchuausa.net/images3/117-martyrs-vn2.jpgg. Thánh linh mục Đa Minh Nguyễn Văn Xuyên (1780-1839)

Khi đang dâng lễ tại làng Hạ Linh ngày 18/8/1839 thì bị quân lính vây bắt. Cha đã vội chịu Mình Thánh Chúa rồi chui xuống hầm. Quân lính biết được lôi cha lên. Quan hỏi: Tên ông là gì? Nguyễn Văn Xuyên. Chỉ vào Thánh Giá quan hỏi: Ông có biết rằng ông Chúa này là ai không? Đây là Chúa Giêsu chúng tôi tôn thờ. Nếu ông có tiền lo liệu thì được về ngay. Tôi không có tiền ngoại trừ tấm thân này. Sau đó dân chúng Hạ Linh chạy tiền chuộc cha về nhưng cha từ chối. Cha sẵn sàng vâng theo ý Chúa. Không tiền thì phải chết! Và cha Xuyên đã bị giết vì danh Chúa Giêsu.

Vụ án Chúa Giêsu cũng do tiền. Dân chúng vô tội thì hoan hô Chúa Giêsu con Vua Đavid đến cùng chúng tôi. Còn các thượng tế thì tung tiền cho quân dữ hô to: Đóng đinh nó đi! Khi Chúa Giêsu Phục Sinh, các thượng tế cũng chi tiền cho quân lính để chúng tung tin: Môn đệ ông Giêsu đến lấy trộm xác ông chứ không có Phục Sinh!

5. Lý do cấm đạo

Ngày 4/3/1804, Vua Gia Long ra chỉ dụ: “Công giáo là đạo ngoại quốc, dị đoan mê tín làm ngu dân ta”.

Ngày 12/2/1825, Vua Minh Mạng ra chiếu chỉ: “Đạo Giatô là tà đạo của Tây Phương làm hại lòng người, mê hoặc dân ngu, làm hư phong tục. Như thế chẳng phải là mối hoạ lớn cho nước ta lắm sao? Vậy ta phải ngăn cấm để dân ta qui về chính đạo”.

Lý do sâu sắc bên trong là sự xung đột giữa Thiên Chúa quyền năng với sức mạnh của bóng tối. Là một sự giằng co giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự thánh thiện và tội lỗi.

6. Các hình phạt các thánh tử đạo phải chịu

Xuy – Trượng – Đồ – Lưu – Tử

- Xuy: bị đánh bằng roi chung cho cả đàn ông lẫn đàn bà với cấp bậc 10, 20, 30, 40 hay 50 roi.

- Trượng: bị đánh bằng gậy dành cho đàn ông 60, 70, 80, 90 hay 100 gậy.

- Đồ: đi đày khổ dịch.

- Lưu: phát vãng khỏi nhà xa gần tuỳ theo.

- Tử: Xử giảo là bị cắt cổ; xử trảm là bị chém, bêu đầu gọi là khiêu; xử lăng trì là bị chặt tay chân, bị xẻo; xử bá đao là bị chém 100 nhát; xử cấm cốc là để chịu đói; xử thiêu sống; xử voi giầy.