PDA

View Full Version : suy ngẫm về cuộc sống



NguyenNgocHieu
09-06-2010, 12:23 PM
ĐAU LÒNG VỚI HAI CHỮ VĂN HOÁ

Hơn lúc nào hết, ngày hôm nay người ta lại sử dụng quá nhiều hai chữ “văn hoá”. Hễ bước chân ra đường là chúng ta thấy băng-rôn, biểu ngữ về văn hoá. Nào là “khu dân cư văn hoá”, “khu phố văn hoá”, “khu phố đạt danh hiệu khu phố văn hoá” ... Đi đâu người ta cũng hô hào, cổ vũ cho lối sống văn hoá nhưng thực hư văn hoá như thế nào thì con người đã quá rõ.

Văn hoá mà người ta hay nói đến, hay sử dụng, hay đề cập đó là văn hoá ứng xử. Văn hoá ứng xử ấy nó thể hiện trong cách giao tiếp ở công cộng, văn hoá ứng xử giữa con người với con người. Nhiều và nhiều văn hoá mà con người đối diện là văn hoá xả rác, văn hoá khạc nhổ, văn hoá phơi đồ, văn hoá xếp hàng…Văn hoá mà người ta đang đau đầu nhức óc, đang đề cập và đang tìm lối thoát đó là văn hoá giao thông.

Mỗi lần có chuyện phải bước chân ra đường, ắt hẳn người dân trong hai thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn cảm thấy hết sức e ngại vì chuyện kẹt xe. Hễ ở trong nhà thì thôi, bước chân ra ngõ không kẹt ít cũng kẹt nhiều và cũng đã có những lần kẹt cứng.

Khi kẹt xe như vậy, người ta tìm đủ mọi cách để phân tích nguyên nhân, để tìm hướng giải quyết.

Nhiều và nhiều lần sau khi thoát ra khỏi đám đông kẹt xe thì phát hiện ra rằng người ta đã giành giật, đã lấn tuyến nên không thể nào di chuyển được. Ai cũng giành phần lợi cho mình nhưng cuối cùng chẳng ai đi được cả, thậm chí có những lần phải dựng xe để nghỉ ngơi vì trước mắt là hai chiếc xe buýt đối đầu nhau không ai chịu nhường đường cho ai. Giả như có cảnh sát đi chăng nữa thì cảnh sát cũng đành chịu vì giữa một biển người như thế nhưng không ai chịu nhường ai cả.

Đã có hơn một đề nghị xem ra khả thi đó là chuyện “đã đến lúc các anh cảnh sát giao thông phải xuống đường nhiều hơn”. Thật ra, phương án đó cũng tốt nhưng hình như tốt hơn nếu không có anh cảnh sát nào xuống đường cả. Với những nước văn minh tiến bộ thì may ra còn nghĩ đến chuyện không cần sự hiện diện của cảnh sát nhưng với Việt Nam e rằng còn hơi xa.

Nếu như ai nào đó đặt chân sang đất nước nhỏ bé Singapore sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu như không nói là hình như Singapore không thấy có cảnh sát đứng đường. Tất cả các khu vui chơi giải trí chẳng hề thấy bóng dáng của một anh cảnh sát nào cả. Thậm chí đội ngũ vệ sĩ bảo vệ an ninh trật tự cho người dân bản xứ, cho khách du lịch cũng chẳng thể tìm ra.

Vấn đề không phải là có cảnh sát hiện diện, cảnh sát đứng đường, vệ sĩ bảo vệ hay không mà là con người xử sự với nhau có văn hoá hay khi tham gia giao thông có văn hoá hay không mà thôi.

Đành biết là có lô cốt là nguyên nhân gây cản trở giao thông nhưng cũng chưa hẳn. Yếu tố chính để gây cản trở giao thông vẫn là con người. Biết rằng đoạn đường ấy có lô cốt dựng lên để thi công đường nhưng người ta hình như vẫn cứ cố tình đặt hàng quán của mình bán bên vệ đường có lô cốt ấy để kẻ nào không có lối đi cho biết.

Hình như cái nguyên nhân chính xảy đến mọi chuyện phải chăng là người ta đang sống trong cái nền văn hoá “mackeno”. Người ta sống chỉ biết đến họ còn những người khác ra sao mặc kệ. Từ cái chỉ biết quyền lợi cá nhân đã gây ra biết bao nhiêu đổ nát, bao nhiêu tan thương cho cuộc đời. Nếu con người nghĩ đến người khác, nhường nhịn cho người khác và sống cái chân lý “mình vì mọi người” thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và thanh thản hơn.

Nhìn cận cảnh những người ngoại quốc khi đến Việt Nam tham gia ta sẽ thấy khuôn mặt của họ thế nào ? Hình như một chút sợ hãi, một chút tò mò lạ lẫm và hình như cũng một chút ngạc nhiên.

Chỗ này chỗ kia người ta hô hào và cảm thấy thành công, vinh dự khi họ tổ chức được đội ngũ dẫn du khách nước ngoài băng qua đường ??? Tại sao phải làm thế nhỉ ? Nếu con người biết nhường nhịn, nếu con người xử với nhau có văn hoá một chút thì đâu ai làm thế bao giờ. Thấy người ta cần qua đường thì phải nhường chứ, đàng này không hề nhường và mạnh ai qua được thì qua.

Không ngạc nhiên sao được khi giao thông bên xứ họ vẫn dành ưu tiên cho những người đi bộ. Chẳng cần đâu xa, chỉ một người anh em nhỏ bé Singapore thôi, khi thấy người đi bộ ngang qua đường thì tất cả và hình như tất cả xe hơi đang chạy đều dừng lại để nhường đường. Ở Việt Nam thì hoàn toàn khác, muốn qua đường không phải là chuyện đơn giản. Đau lòng lắm để mà nói có nằm mơ đi chăng nữa thì cũng khó mà có một văn hoá giao thông nói riêng và văn hoá ứng xử nói chung của người Việt như các nước bạn.

Chẳng phải ngồi đó để nguyền rủa bóng tối và cũng chẳng phải ngồi đó để khoanh tay nhìn cuộc đời. Có chăng là một chút thao thức, một chút bận tâm về cuộc sống, về cõi nhân sinh.

Người ta đang háo hức làm đủ mọi chuyện để mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nhưng bên dưới của những lễ hội có vấn đề về văn hoá, về ứng xử. Đơn giản nhất là những lần hội chợ về hoa, hội chợ về văn hoá thì sau những lần hội chợ ấy lắm vấn đề về lối hành xử còn tồn đọng.

Cần lắm để mừng niềm vui của 1000 năm hiện diện của mội Thủ Đô Nước Việt nhưng có lẽ cần hơn những việc xây dựng về con người nhất là về mặt văn hoá để cho 1000 năm đó đậm đà hương sắc hơn. Nếu chỉ tổ chức lễ hội linh đình mà không tổ chức lại lối hành xử, lối sống văn hoá của con người thì quả là điều thiếu sót lớn.

Ngày đại lễ mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội rồi cũng sẽ qua đi nhưng chuyện quan trọng là cái văn hoá trong 1000 ấy như thế nào.

Nhìn nền văn hoá hình như đang mòn dần và đang méo dần sao mà đau lòng quá. Nên chăng mỗi người góp một chút chút gì đó của mỗi cá nhân để con người sống có văn hoá, sống có nhân có nghĩa hơn một chút trong cái cõi tạm này.

:105::105::105::105:
Tác giả: Thanh Tâm

NguyenNgocHieu
11-07-2010, 06:08 PM
PHẬN NGƯỜI NGHIỆT NGÃ

Mỗi một phận người đều có cái riêng của mình và rồi mỗi người có một hoàn cảnh, mỗi người có một nỗi niềm riêng chẳng ai giống ai cả. Với thân phận của căn bệnh AIDS cũng thế, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một nỗi đau chẳng ai giống ai : người thì lây qua người tình, người thì lây qua tiêm chích, người thì rủi ro do nghề nghiệp ... Để rồi mỗi một trường hợp ấy khi ta tiếp xúc, ta nghe họ tâm sự ta mới thấu hiểu được hoàn cảnh mà họ nhiễm bệnh. Khi ta lắng nghe thì ta mới thấu hiểu được nỗi đau của họ. Đừng vội kết án những người đã cầm án tử trong tay. Phải tìm hiểu để thấu hiểu nỗi đau của từng người.

Vội vã :

... Em là người miền Tây lên Sài Gòn lập nghiệp. Mới quen nhau được 3 tháng, em vội vã tiến đến hôn nhân. Chồng em là tài xế xe tải đường dài. Sau khi cưới nhau được hơn năm, chồng em đã vội vã “ra đi”. Gia đình chồng hoàn toàn bưng bít nguyên nhân mà anh qua đời, gia đình chồng đã giấu hồ sơ bệnh án của chồng em. Sau đó một thời gian thấy sức khoẻ sa sút, em đi xét nghiệm mới biết mình nhiễm căn bệnh của thế kỷ !!!

Em trần tình với tôi một lời muộn màng : Vì em vội vã quá ! mới quen 3 tháng mà em đã quyết định.

Em trách gia đình sao không báo cho em biết mà lại cứ giấu em mãi. Tôi chỉ kịp khuyên em hãy bỏ qua tất cả ngay cả người chồng vắn số của mình, hãy đón nhận nỗi đau và hãy cố vươn vai lên mà sống. Chợt nhìn câu danh ngôn treo trên tường “Khi đời xô bạn xuống thì bạn hãy ngẩng đầu lên”. Và tôi đọc lại cho em câu danh ngôn ấy. Hãy cố lên em !

Vâng ! Đời, người có xô bạn xuống đi chăng nữa nhưng vẫn còn ai đó, vẫn còn một tấm lòng nào đó kéo bạn lên qua bàn tay của các nữ tu, của những tình nguyện viên.

Tôi chẳng trách em, tôi chỉ thầm trách những mối tình chóng vánh mà ngày nay nhiều và nhiều bạn trẻ đã quá vội vã để rồi phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

Không chỉ có em và còn mà còn rất nhiều bạn trẻ vội vã quyết định đời mình một cách chóng vánh không ngờ. Ước gì em là vết xe đổ cho các bạn trẻ “yêu cuồng sống vội”, ước gì em là bài học quý giá cho các bạn đồng trang lứa về quyết định đời mình.

Thiếu hiểu biết :

Em nằm ở Trung tâm AIDS giai đoạn cuối với thân hình tiều tuỵ, mắt em thâm lại vì chẳng hiểu tại sao hai hàng lệ cứ mãi tràn mi ...

Hỏi ra thì em nói gia đình ở Kiên Giang, hai vợ chồng cưới nhau được 8 năm. Chồng lên Sài Gòn phụ hồ ... em ở nhà quê làm việc đồng áng đắp đổi qua ngày ... Đến nay được tất cả 3 người con : đứa lớn 7 tuổi, đứa kế 5 tuổi, đứa nhỏ một tuổi rưỡi.

Chẳng hiểu sao chúng cứ gầy còm, ốm yếu. Em mới mang chúng đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm đã làm suy sụp gia đình, họ hàng hai bên nội ngoại. 3 đứa trẻ nhiễm AIDS cả. 3 đứa trẻ nhiễm thì chắc chắn cha mẹ chúng cũng nhiễm thôi. Và rồi em cùng chồng đi xét nghiệm thì cũng phát hiện ra bị nhiễm !!!

Thế là gia đình của em có 5 thành viên thì 5 thành viên là nạn nhân của AIDS.

Em kể xong thì hai hàng nước mắt lại cứ trào ra.

Đau quá ! Lòng dạ chẳng còn lời nào để an ủi nỗi đau của em.

Tôi cũng chẳng dám trách em, trách chồng em. Chỉ cảm thấy đau cho sự thiếu hiểu biết của em và chồng. Ngày nay trước khi đi đến hôn nhân thường hay kiểm tra sức khoẻ thì sẽ biết được sức khoẻ. Nếu như chồng em và em kiểm tra thì đâu có xảy ra cớ sự như ngày hôm nay. 5 người đã cầm án tử quá sớm.

Và dường như không chỉ có em, hiện giờ còn nhiều và nhiều người chỉ vì thiếu hiểu biết để rồi nhìn đời mình trôi xuống vực thẳm mà đôi bàn tay phải buông xuôi.

Trách đời, trách người người hay trách em. Tôi chẳng dám trách ai cả, có chăng thì thương nhiều hơn là trách.

Chia tay em mà lòng cứ mãi ngậm ngùi, chẳng còn nỗi đau nào tột cùng bằng nỗi đau của em và gia đình đang gánh chịu.

Trả thù đời :

Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình bất hạnh. Em bước vào đời cũng trong tủi nhục và bất hạnh. Người tình ăn chơi trác táng đã để lại cho em di chứng của căn bệnh thế kỷ. Lẽ ra em đón nhận nó như một biến cố không may cho cuộc đời. Vậy mà em đã trả thù, em đã trả thù cánh đàn ông bạc tình bạc nghĩa.

Kết quả là hơn ba chục thanh niên đã lây bệnh do em truyền sang. Hơn ba chục ấy đau đớn thay thì hơn một nửa là học sinh cấp II của một trường Trung Học Cao Su nọ ...

Em đã ra đi khỏi đời này nhưng em đã để lại cho cuộc đời này quá nhiều đau thương và tổn thất.

Tại sao em lại trả thù như thế ?

Tại sao hơn ba chục con người đã liều mình đánh đổi cuộc chơi chóng vánh để manh trong mình án tử.

...

Tất cả là nỗi đau, nỗi đau tột cùng của tôi, của bạn và của người.

Ước gì ta bớt vội vã, đừng thiếu hiểu biết và không trả thù đời để đời bớt đau hơn.

Tác giả: Thanh Tâm

NguyenNgocHieu
13-07-2010, 01:42 PM
GIÂY PHÚT HIỆN TẠI


Kính thưa quí bạn, cuộc sống con người vốn ngắn ngủi nhưng thật nhiều biến động thay đổi. Sự sống của mỗi con người chỉ kéo dài nhiều nhất khoảng chừng 100 năm; đa số con người chỉ sống được 70 năm là hết. Nhưng dù sự sống con người vắn vỏi như vậy, nhưng khát vọng của họ thì vô cùng. Ai ai cũng trải qua những năm tháng khắc khoải kiếm tìm cái gọi là “hạnh phúc, bình an, êm đềm.” Dù những tên gọi có thể khác nhau, nhưng xem chừng như bao lâu trái tim con người còn đập, thì khát vọng mong được lấp đầy, mong được no thỏa vẫn là một điều gì đó mà con người luôn mong ước, hoài vọng.

Vậy thời gian nào là thời gian hạnh phúc nhất của một đời người? Có người cho là tuổi thơ là thời đẹp nhất của đời người. Có người cho là thời thanh niên khi biết yêu, hẹn hò là thời gian đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Và cũng nhiều người cho là khi người ta bắt đầu nghỉ hưu nhìn con cháu xum họp vây quanh mình thì đó là lúc bình an đẹp nhất. Vậy theo bạn, lúc nào là đẹp nhất, hạnh phúc nhất, hoàn mỹ nhất trong đời bạn?

Hôm nay, mục Sống Sao Cho Đẹp kính mời quí bạn chuyển qua một đề tài mới,Sống Hiện Tại, một đề tài xem chừng như khô khan, không hấp dẫn, nhưng nó thực sự thiết thực và hữu ích cho cái mà chúng ta dành cả đời mình để kiếm tìm và lấp đầy. Thực ra cái mà chúng ta khát vọng mong được lấp đầy không gì khác hơn chính là “hạnh phúc, bình an” cho cuộc đời của mình.

* * *

Anthony de Mello kể rằng, có hai người làm nghề đánh cá. Một người làm việc rất cực nhọc cả ngày đêm; anh mong ước kiếp thật nhiều tiền để có một cuộc sống sung sướng và thoải mái. Ngược lại, người kia làm việc chăm chỉ, nhưng chừng mực; anh hy vọng việc đánh bắt cá sẽ giúp anh có một cuộc sống ổn định và bình an.

Một ngày nọ, người mong kiếm được nhiều tiền qua việc đánh bắt cá thấy người kia đang nằm ung dung hút xì-gà trên bến thuyền, anh ta liền hỏi: “Này bạn, sao bạn không lo đánh cá mà nằm thoái mái như vậy?” Anh hút thuốc trả lời, “Đánh bắt cá nhiều để làm gì?” Người kia đáp, “Để có thêm nhiều tiền.” Người hút thuốc hỏi tiếp, “Thêm nhiều tiền để làm gì?” “Để tôi mua thêm tàu lớn.” Anh làm việc vất vả trả lời.

Nhưng người hút thuốc hỏi tiếp, “Anh mua thêm tàu lớn để làm gi?” Người kia đáp, “Thì tôi sẽ đi xa bờ và đánh bắt thêm nhiều cá.” Anh hút thuốc tiếp tục, “Sau khi bắt được nhiều cá anh làm gì?” “Thì tôi sẽ có thêm tiền.” “Rồi anh sẽ làm gì với số tiền ấy?”
anh hút thuốc hỏi.

Người kia đáp, “Sau khi có nhiều tiền tôi sẽ nghỉ ngơi thoái mái.” Người hút thuốc với điếu xì gà trên tay phì phà nói, “Cần gì phải đợi đến lúc đó. Những gì mà anh đang mệt nhoài để mong thưc hiện được trong tương lai thì tôi đang làm một cách dễ dàng ngay bây giờ.”

* * *

Quí bạn thân mến, câu chuyện trên minh họa cho chúng ta thấy rằng giá trị của giây phút hiện tại thật cao quí. Hiện tại mới quyết định giá trị đời người và khả năng làm người của chúng ta chứ không phải tương lai hay quá khứ. Thật buồn thay, những toan tính, âu lo cho tương là một căn bịnh của nhiều người trong thời đại chúng ta.

Con người thời đại văn minh ngày nay xem chừng như biểu lộ sự “chao đảo, lo lắng” cho tương lai hơn là thời đại trước. Những gia đình sống tại Việt Nam chỉ là những nông dân cày cấy chỉ đủ miếng ăn, nhưng xem chừng như tinh thần họ mạnh mẽ hơn những người có bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ tại Âu Mỹ.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, có tiền chưa chắc đã là “ổn định, bình an, hạnh phúc.” Hóa ra, mối nguy hiểm không phải là ở chỗ có tiền hay không có tiền, nhưng mối nguy hiểm nằm ở chỗ lo sợ về cuộc đời của mình đang ở phía trước. Lo cho sự an toàn, ổn định là nổi lo đáng sợ nhất của con người thời nay.

Cái “ngày mai ấy, nắm tới ấy, tuổi già ấy” trở thành một thứ ám ảnh và lo âu cho nhiều người vốn đã có đầy đủ bảo hiểm. Cũng vì tương lai mà hôm nay tôi phải “cày” hai ba việc; chỉ vì tương lai mà tôi phải làm cả ngày Chúa nhật. Chỉ vì tương lai mà tôi làm việc đến nổi tôi quên mất những người thân, gia đình và bạn hữu của tôi.

Quí bạn thân mến, ai sẽ bảo đảm là những vun đắp thiếu trách nhiệm của bạn hôm nay sẽ cho bạn một tương lai ổn định? Nếu hôm nay bạn không sống đủ trách nhiệm cho sức khỏe mình, cho gia đình mình, cho người thân mình, thì liệu rằng trong tương lai bạn sẽ sống có trách nhiệm cho mình và cho họ?

Br. Huynhquảng

NguyenNgocHieu
31-07-2010, 06:11 PM
CHỈ CÒN HÔM NAY

Của cải, một trong những thứ nhân loại ngàn đời khao khát, bao giờ cũng có sức lôi hút con người mãnh liệt. Ma lực đồng tiền đôi lúc điều khiển, chi phối toàn bộ con người. Có thể nói, người ta miệt mài với kế sinh nhai cũng chỉ vì tiền. Bon chen, sát hại lẫn nhau, bán rẻ lương tri, nhân phẩm cũng tại tiền. Có ai không thích tiền bạc, của cải? Làm người, ai chẳng cần tiền của. Kẻ gần đất xa trời mà vẫn bám víu bạc tiền nữa là. Được tiền, có tiền, ai mà chả thích.

Thật ra, con người khó tồn tại giả như không của cải, tiền bạc. Vì chưng, nó là phương tiện giúp con người phát triển, thăng tiến. Tiền bạc giúp thế giới văn minh, tiến bộ. Tự nhiên, yêu thích tiền bạc không là điều xấu. Vì bởi những đồng tiền, cắc bạc được chắt chui từ những giọt mồ hôi, nước mắt, lao động nhọc nhằn, vất vả pha lẫn máu hồng hy sinh, lấy đâu không quí trọng. Thế nhưng, lạm dụng bạc tiền, nô lệ của cải đến đánh mất lương tri, bán rẻ nhân phẩm, làm phong hoại đạo đức nhân văn mới thực xấu xa, đồi bại. Như vậy, nhân loại tự méo mó chính mình bằng nô lệ, lạm dụng tiền của.

Không biết từ bao giờ, người ta đã ham muốn tích trữ, làm giàu bản thân, chả vậy mà chiến tranh, loạn lạc tràn ngập thế giới. Ai cũng muốn giàu có, sung túc, chẳng ai chịu nhường ai. Hễ người có hơn mình một chút là tìm mọi cách mưu tính sao cho phải hơn mới hả lòng thoả dạ. Bạc tiền có hạn nhưng lòng người vô hạn, bao nhiêu cũng chẳng đủ, nhiều bao nhiêu cũng vẫn còn thiếu, tham vọng nhân loại không có điểm dừng là vậy. Làm một muốn lời mười, lời một muốn trăm, thế giới rộng lớn vẫn không đủ cho lòng tham vô đáy của con người. Cái dại lớn nhất chính là việc không biết mớ vật chất mà họ đang tìm kiếm ấy không tồn tại vĩnh cửu. Không chỉ nó không vĩnh cửu tồn tại mà ngay cả kẻ thủ đắc nó cũng chả vĩnh viễn tồn tại để mà tích trữ. Cái khổ lớn hơn, nhân loại dại nhưng chả biết mình đang dại, khác nào kẻ điên cuồng, say khứ không tỉnh để biết mình đang say. Giữ khư khư mớ vật chất mục nát mà cứ ngỡ nguồn bảo đảm an toàn mới khổ kìa!

Thật, giả như chỉ còn được sống hôm nay, ngay hôm mai là tôi sẽ chết, có lẽ chả ai trên thế giới còn muốn bo bo mang trong mình mớ vật chất vô hồn. Giả ngày mai tôi không tồn tại, có lẽ chẳng ai còn khao khát quyến luyến những thứ không thật, để mà thèm thuồng mớ tình yêu giả dối, hỗn độn. Vậy lấy đâu ra việc tính toán thu tích tranh chấp, giành giựt, hơn thiệt chút bạc tiền, danh vọng, quyền lực vô bổ cơ chứ!

Thu tích làm gì hỡi người những thứ không thể cho bạn sống mãi. Mong đợi, kỳ vọng gì nữa bạn nơi trần thế này, chốn chỉ đưa bạn vào con đường diệt vong. Sao không tìm về Thiên Chúa nhỉ, tại sao không trở về bên Chúa hỡi bạn, Đấng yêu thương, Đấng làm chủ sự sống, Đấng là tất cả của bạn. Đấng không bao giờ khiến bạn huỷ diệt nhưng muốn bạn sống mãi muôn đời.

Ai có thể làm gì được chứ, điều gì có thể khiến cho bạn tay trắng chứ, nếu không phải là Đấng tác tạo nên bạn. Điều gì đã khiến bạn nắm giữ mãi thứ không thuộc về bạn. Bạn thủ đắc chúng bằng công khó nhưng lại không thực sự tác sinh nên nó, hỏi thử làm sao có thể trông chừng chúng mãi đây? Ngay chính mạng sống, bạn còn không thể giữ mãi cho mình, thì tại sao lại cố giữ những thứ nô lệ, phụ thuộc mau qua? Của cải, tình yêu nhân thế... thật ra chỉ là cái đi theo bạn mà thôi, vậy mạng sống bạn quan trọng hay chúng cần thiết, để rồi phải bán rẻ điều hệ trọng với cái thứ yếu như vậy?

CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, bản thân con quan trọng hay tham vọng quan trọng, con thực sự không biết. Con xin lỗi, bấy lâu nay, từ lâu, thật rất lâu rồi Chúa ạ, con cứ mải miết cặm cụi vùi đầu vào mớ bòng bong tham vọng, miệt mài thu tích của cải vật chất, tình cảm đê hèn. Con đã xây đâu chỉ một mà còn không biết bao nhiêu kho tàng, tích trữ đủ thứ lỉnh kỉnh trần thế. Nhiều lúc con đã bỏ cả ngàn giờ mua chuộc, nô lệ nhân thế mà lại ke re, cắt rắt với Chúa từng khắc, từng giờ. Con xin lỗi, con đã không hiểu được mình, chỉ biết rằng sau nó chẳng lúc nào con hạnh phúc, chỉ thấy toàn nước mắt đắng cay, bẽ bàng. Xin giúp con biết sống như thể ngày mai không còn sống nữa. Chỉ ngày mai thôi, chỉ đến ngày mai thôi là con không còn sống nữa, vậy điều gì là cần thiết cứu rỗi linh hồn con, điều gì con có thể duy nhất mang theo mà chả phải bỏ lại? Xin giúp con với, lạy Chúa, đó có phải là Ngài chăng?


M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.

NguyenNgocHieu
08-08-2010, 11:05 AM
CON ĐỢI NGÀI ĐÃ LÂU

Thế giới ngày nay người ta sống thực mà như mộng. Người này đổi thừa người nọ không tỉnh mà thật ra chẳng ai lại không say. Kẻ say tình, người say tiền, phần còn lại say mê danh vọng. Ai cũng say cả, vậy mà cứ đổi lỗi cho nhau, đuổi nhau chạy loanh quanh vòng luẩn quẩn của cuộc sống.

Thật ra, nguyên nhân chính yếu khiến nhân loại bất hạnh cũng chỉ vì tham vọng. Điều khiến nhân loại mù quáng cũng vì tại bạc tiền. Cuộc sống bấp bênh, càng khiến con người nô lệ mớ vật chất chóng tàn rụi. Càng không nắm giữ được chúng con người càng cuống cuồng, hối hả chạy đua trên đà danh vọng. Kết quả, tay trắng vẫn hoàn trắng tay, ngày ra đi chẳng ai mang được gì theo mình.

Ngày nay cuộc sống tiến bộ, người ta tranh nhau mở khách sạn, nông trường... những công trình đồ sộ tích trữ lương thực, của cải nhằm phục vụ nhu cầu xã hội. Cuộc sống khá giả, nhà cao cửa rộng mọc lên như nấm, chả còn mấy nhà tranh vách đất, nơi nghèo kém lắm cũng không thiếu nhà có honda, tủ lạnh...

Không chỉ tồn tại trên đời cách vô thức, nhưng chăm lo làm giàu cuộc sống tạo tiện nghi, thoáng sạch hầu phục vụ chính họ cũng là điều phải lẽ. Chỉ cần biết đừng quá nô lệ, phụ thuộc vào vật chất là được. Vì chưng cái kho tàng kếch xù mà mọi người đang giữ bo bo, đang ôm khư khư trong mình đó thật ra chỉ là những thứ vô bổ, tự bản chất, không thể mang lại phúc trường sinh vĩnh cửu cho nhân loại. Thì tại sao nhân loại lại cần chúng như thể cứu cánh vậy?

Ngày nay văn minh tiến bộ, nhiều người muốn sống tốt, cũng thấy cần phải dừng lại hầu chọn lựa lối sống thích hợp giữa thế trần ngập tràn sa đoạ. Thế nhưng chả có lối sống nào tốt hơn cho bằng lối sống Tin Mừng. Chỉ cần biết cậy dựa vào Lời Chúa, đi vào răn giới của ơn cứu độ, lướt thắng đam mê, dục vọng, mới mong có tương lai ngày mai sáng lạn.

Mỗi lần chiêm ngắm sự vĩ đại, lạ lùng của Thiên Chúa, bạn nhìn thấy gì đang đó, một quả cầu đang bay hay chú cuội ôm cây đa mà khóc... tất cả đều không ngoài quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Bạn có thể thủ đắc như thế nào giữa vạn vật luân chuyển theo chu kỳ của Thiên Chúa chứ. Chúng có vĩnh viễn thuộc về bạn hay chính bạn còn mục rữa trước khi chúng mục rữa?

Hãy dừng lại khi còn kịp, đừng tiếp tục xây dựng rồi tốn công đập phá. Mọi sự bạn đang cố gắng kỳ kèo tranh chấp hôm nay rồi cũng có lúc phải bỏ lại, chấm dứt công trình, không xây mà cũng chẳng thể sửa. Vậy mà Đức Kytô đến, xuất hiện như một phép lạ, không ai có thể hình dung những thứ họ đang tranh nhau tích trữ, hơn thua đồng một đồng hai, sẽ trở thành vô nghĩa trong ngày mai. Bởi thật ra, vật chất có gì bền vững đâu. Đẹp, bền, chắc, xịn thế nào rồi cũng hết, tự bản chất chúng không thể vĩnh viễn tồn tại.

Cái khổ lớn nhất của nhân loại cũng chính là ở đó. Kẻ không có thì cố gắng tìm bằng được sao cho có, người có một lại muốn kiếm sao cho được hơn gấp trăm. Cứ vậy là cãi nhau, tranh nhau, giết nhau, cào cấu, xâu xé lẫn nhau. Đau lòng vậy đấy, biết không ai có thể sống mãi mà ăn hết bạc tiền, của cải nhưng ai cũng muốn tranh đấu để được dư bạc, dư tiền. Tồn tích, ky bóp từng đồng mà ngày ra đi chả nắm được lấy nửa xu.

Tiền quan trọng thật đấy nhưng đâu phải tối quan trọng. Làm sao tiền mua được hạnh phúc, chuộc được tình yêu, thủ đắc được sự sống? Vậy mà chẳng thể hiểu tại sao người ta cứ đi tìm tiền. Thời buổi này, tiền là tất cả, là ông chủ điều khiển, lèo lái thế giới. Tiền thích kết bạn đặc biệt với những tên trộm cướp, lừa đảo, thất nhân, thất đức. Kẻ lòng tham vô đáy thì đựng tiền trong ruột, đến đâu chúng cũng chỉ thấy tiền là tiền. Thích tiền thật ra chả có gì đáng trách nhưng thích đến nỗi bán cả lương tri, nhân phẩm mới đúng đau lòng. Tự nhiên, khó ai từ khước nổi tiền bạc, của cải, tiền càng đầy túi càng ham, mà càng ham lại càng thiếu, càng thiếu lại càng mất. Tiền đầy nhà mà nằm xuống hai tay buông xuôi thì nào có ăn nhằm gì. Vậy nên bảo như Đức Kytô, bán chúng đi mà mua lấy túi tiền không hư nát (x.Lc 12,33) hợp lý thật đấy nhưng khổ nỗi chả mấy ai nghe, mà không nghe cũng là vì khó quá, đụng chạm đến lòng tham vô độ thì ai cũng trốn chạy.

Thật ra không chỉ có tiền che mắt nhân loại, mà còn nhiều thứ khác nữa kìa, đam mê, dục vọng... Thế giới càng văn minh thì màng che càng dày, vừa dày bề rộng vừa dày độ cao đến độ nhân loại mù cả. Đắm mình trong đam mê dục vọng, không còn biết phận số đời mình thuộc về ai, là của ai, và đi về với ai. Cứ vậy, giờ Đức Kytô đến, chả còn ai biết, chả mấy người quan tâm, tìm hiểu, chờ đợi. Thiên Chúa bị loại bỏ ra khỏi tầm nhận thức của nhân loại. Người ta chỉ còn biết đến tiền tài, tình yêu, sự nghiệp. Lối sống ngày sau, không còn hằn sâu trong tiềm thức nhân loại từ bao giờ kìa.

Lạy Chúa, Ngài mời gọi nhân loại tỉnh thức giữa mớ hỗn độn của cuộc đời. Trà trộn giữa của cải bạc tiền, danh vọng, tình yêu, những thứ vật chất không khiến con người tồn tại vĩnh cửu, Ngài muốn nhân loại tỉnh thức để tìm ra lối sống trường sinh, là một thách đố không thực dễ cho con người giữa thiên niên kỉ này. Làm sao thức nổi chứ khi nhu cầu vật chất nổi cuộn như núi, còn khao khát nhân linh lại chìm sâu giữa lòng đời khô cạn. Con không say nhưng cũng chẳng tỉnh, ngất ngứ giữa mớ danh vọng cuộc đời, nửa tỉnh nửa mê. Con đã sống những giây phút thật chả giống ai, như thể tự mình độc quyền trên cuộc sống đắm chìm tham vọng, chả cần biết gì đến Thiên Chúa. Như thể Ngài không phải là Chủ của con vậy, mà chính con tự làm chủ lấy mình. Ngài có đến vào lúc con không ngờ hay có ngờ con cũng chả thể sẵn sàng, vì sức ép tham vọng đã đè nặng cuộc sống con. Xin giúp con thức dậy, tự mình thức dậy mà không đợi người thức, để bất cứ khi nào Chúa gọi, con cũng đã ở trong tư thế sẵn sàng, chờ đợi. Con xin lỗi, thời gian qua không những con đã ngủ quá say trong tội, mà còn để cho nước mắt, đau khổ phủ mờ, cho nên có tích trữ được gì cũng bị nhân loại đánh cắp. Xin giúp con chọn Ngài làm Chủ, thay vì bán rẻ nhân linh, nô lệ thế trần, làm tôi mọi cho những thứ tình cảm vô bổ chóng qua, thì làm nô lệ Chúa, làm đày tớ của Ngài. Xin giúp con biết biến đổi ngay trong giây phút hiện tại, đừng đợi ngày mai thay đổi tôi mới đổi thay, hầu con có thể tỉnh thức giả ngay trong đêm nay Chủ đến, Ngài cũng thấy con đã đợi Ngài ở đấy thật lâu lắm rồi...



M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.