PDA

View Full Version : Our Charism and Vocation – Diệu Cảm và Ơn Gọi Cứu Thế



halleluyah
21-06-2010, 10:06 AM
http://www.denducmehangcuugiup.com/wp-content/uploads/2010/03/stalphonsus3-218x300.jpg
Dòng Chúa Cứu Thế, người là ai?
Ngày 9 thánh 11 năm 1732, tại làng Scala gần thành Amalfi và Naples , Thánh Anphongsô Maria Đệ Liguôriô đặt nền móng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế. Ngài và nhóm linh mục nhỏ bé đi theo ngài không mong muốn gì hơn là đáp ứng yêu cầu cấp bách của thời đại. họ muốn rao giảng Lời Chúa cho người tứ cố vô thân, những người tất bạt hơn cả. Cái mới không phải ở nơi mục đích cho bằng ở nơi phương tiện. Với một lối giảng bình dân, ngài muốn đem Tin Mừng Chúa đến cho những người quê mùa dốt nát, sống bên lề xã hội. Ngài đã mở những tuần đại phúc, tĩnh tâm, các lớp giáo lý vừa tầm hiểu biết của họ để đưa họ về với Chúa.
Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế sống theo một tinh thần do Thánh Anphongsô để lại là suy niệm, sống và rao giảng Lời Chúa bằng những phương thức bình dân với một diệu cảm lớn lao là yêu mến và tận hiến cho Chúa Cứu Thế.
Hình ảnh cổ điển của một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế là một vị thừa sai, áo đen cổ trắng với cỗ tràng hạt lơ lửng ngang thắt lưng, đang xuôi ngược đó đây rai giảng tuần đại phúc.
Nhà sử học Daniel Rops gọi Anphongsô là một thánh Vinh Sơn Phaolô của thế kỷ XVIII. Một thiên tài, một đức tin vững mạnh, một người sống giữa tiền tài nhung lụa, nhưng đã bỏ tất cả để đi theo một tiếng gọi. Ngày xưa, tiếng gọi của một người macêdonia: “Hãy vượt biển đến cùng chúng tôi!” ( Cv , 16:9) đã hấp dẫn thánh Phaolô, thì ngày nay, tiếng kêu cứu của những người tất bạt cũng thu hút thánh Anphongsô.
Dòng Chúa Cứu Thế được thiết lập cũng đề cập lại tiếng gọi ấy, và lịch sử Dòng cũng bắt đầu từ khúc quanh này.
Đời Sống Cộng Đoàn
Các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đặt trọng tâm ở cuộc sống cộng đoàn và tinh thần gia thất, theo từng ê-kíp trong công việc tông đồ. Khoản lệ số 21 coi đó là khuôn vàng thước ngọc. Vì sao? Vì đó là chìa khóa đưa đến thành công, trong đời sống và trong việc làm. Đời sống khơi nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi để hội tụ nơi Chúa Kitô “được chọn làm trung tâm điểm”. Đời sống cộng đoàn bao gồm mọi khía cạnh: chia sẻ huynh đệ, chia sẻ của cải vật chất, và thiêng liêng, trong việc cầu nguyện, làm việc và giải trí.
Tuy nhiên, hiệp nhất không phải là đồng hoá. Mỗi cá nhân được mời gọi thăng tiến khả năng để phục vụ Giáo Hội và thế giới, trong tinh thần trách nhiệm. Dầu vậy, từ đầu, đời sống cộng đoàn có một tổ chức qui củ, mỗi tu sĩ là thành phần của một cộng đoàn, nhiều cộng đoàn kết tụ thành những Tỉnh hay Phụ tỉnh Dòng, và trên tất cả có Hội Đồng Quản Trị Trung Ương tại Lamã. Mỗi thành viên tham dự vào việc quản trị cộng đoàn bằng lá phiếu, bằng tinh thần trách nhiệm. Việc cai quản không quá đặt nặng về tổ chức cơ cấu cho bằng dựa trên tinh thần trách nhiệm và vâng lời. Mọi tu sĩ, (linh mục hay tu huynh) đều sống đời tông đồ với nhau và cùng nhau, trong tinh thần “huynh đệ chi binh”.
Được Sai Đi Rao Giảng Tin Mừng Cho Người Tất Bạt
Thánh Anphongsô sáng lập Dòmg Chúa Cứu Thế với một mục đích rõ rệt là “bắt chước gương mẫu của Chúa Kitô trong việc rao giảng Lời Chúa cho người nghèo. Ngài là Đấng đã tự nói về mình: “Người đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó″.
Việc bắt chước ấy không phải là mô phỏng theo một vài khía cạnh, một nhân đức nào đó của Chúa mà là việc “nối tiếp sứ vụ thừa sai”. Anphongsô hằng nhắc lại: “Mục đích duy nhất của Dòng này là tiếp tục noi gương Chúa Kitô rao giảng Tin Mừng, như lời Ngài đã nói về mình: “Người đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo”. (Lc 4:18). Dòng phải đặt vị trí các nhà ngoài thành phố để luôn luôn sẵn sàng đi về các làng quê … và để dễ dàng đón tiếp người nghèo ở miền thôn dã. “Giữa hai tuần Đại Phúc dành cho Naples và cho những người chăn bò ở Salerne, nếu không có đủ nhân sự, ưu tiên dành cho người chăn bò đã … vì đó là mục đích của Dòng”. Mục tiêu ấy tình hình thành lý do hiện hữu của chúng ta trong lòng Giáo Hội và là căn bản của sứ mạng lãnh nhận. Giải thích về các nhóm xã hội, Cha tổng quyền Joseph Pfab nói: “Chúng ta, Dòng Chúa Cứu Thế, không có một truyền thống đồng nhất và xác định về nhừng người được phục vụ. Nhưng truyền thống của Dòng chúng ta là, với việc phục vụ nơi những người bị bỏ rơi, nơi những người nhỏ mọn, chúng ta phục vụ nơi nào Giáo Hội đòi hỏi hơn cả.” Khoản lệ Dòng ngày nay khẳng định: “Đành rằng chúng ta phải trực tiếp rao giảng Tin Mừng, nhưng chúng ta cũng phải liên đới với người nghèo, cổ võ công bằng xã hội dấn thân đòi hỏi quyền căn bản của con người và sự giải phóng toàn diện”. “Chúng ta biết mọi người đều tội lỗi, nhưng cũng biết cách sâu xa hơn rằng mọi người đã được cứu rỗi, được kết hợp trong Đức Kitô. Vì thế, chúng ta tìm đến Chúa Kitô nơi nào Ngài đang hiện diện và hoạt động cách diệu kỳ″. Ngày 6-12-1979, trong lần tiếp các Đại biểu Công nghị Dòng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khen ngợi và xác định lại đường hướng ấy.
Dòng Chúa Cứu Thế Hoạt Động
Động lực thừa sai của Dòng Chúa Cứu Thế nằm ở việc thực thi sự duy nhất trong sự khác biệt, trong sự chọn lựa cá nhân nhưng vẫn đi theo đường hướng chung của mỗi Tỉnh Dòng, mỗi tu viện. Mỗi đặc sủng cá nhân được tôn trọng, mỗi sáng kiến tông đồ được tiếp nhận trong tinh thần đối thoại huynh đệ, trong đường hướng chung của tập thể, khiến cho sinh họat của Dòng mang nhiều sắc thái.
Có những anh em chuyên giảng tuần Đại Phúc và cấm phòng , trực tiếp rao giảng Lời Chúa cho dân chúng. Sau một thời bị lu mờ ở vài nơi, nay việc tông đồ cổ điển ấy được phục hồi mạnh mẽ, nhất là ở Nam Mỹ, ở Ấn Độ, ở Phi Châu. Nhiều Giám mục Phi châu đã xin Lamã gửi các ê-kíp thừa sai để “giảng tuần đại phúc”. Sự kiện các cha Dòng đến Việt Nam cũng do một lời mời tương tự.
Các Cha Dòng cũng được gửi đến các xứ truyền giáo mà ngày nay người ta quen gọi là thế giới thứ ba, như ở Angola, Niger, Zaire, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương … Trong hơn 15 địa phận, phần đông các linh mục, kể cả Giám mục, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.
Các Tu sĩ, linh mục cũng như tu huynh, cũng được sai đi, không những ra giảng Chúa Kitô, mà còn cổ võ tình thương, công bằng và bác ái theo Phúc Âm; công bằng xã hội, thăng tiến, giải thóat con người cũng là những yếu tố của Phúc Âm. Phải nói đến 12 linh mục thợ ở Pháp, phải kể đến các anh em lo việc dẫn thủy nhập điền ở Niger và ở Haute – Volta, ở Công trường Củ Chi Việt Nam, các giáo viên chống nạn mù chữ ở Brésil và Colombie, những anh em truyền giáo cho người Kinh ở Châu Ổ, Quãng Ngãi và cho đồng bào Thượng ở Pleiku Việt Nam. Trên thế giới có 40 triệu người di tản, anh em Dòng Chúa Cứu Thế có mặt trong nhiều cơ sở tuyên úy ở Lyon cho người da màu Antilles và Réunion, cho các thuyền nhân xuôi ngược trên giòng sông Danube, cho Boat-people Việt Nam ở Singapore và ở Úc. Theo vết chân của Chơn Phước Donders, “tông đồ người hủi”, nhiều anh em đang hy sinh cho người cùi ở Surinam, Thái Lan và Haute – Volta, cho trẻ con bụi đời hết ở Việt Nam, bị Công an tìm nã để “cám ơn” lại sang Pháp … lo cho dân nghiện ngập ma túy và chuyên vào tù ra khám …
Thánh Anphongsô muốn con cái phải chuyên giảng các tuần tĩnh tâm, chính trong tu viện , để các linh mục và giáo dân có thể được một linh mục hướng dẫn và chia sẻ đời sống cộng đoàn để đào sâu đời sống nội tâm. Hiện nay, bên cạnh tu viện của Dòng có nhiều nhà tĩnh tâm, như Villa Saint-Gérard ở Lille (Pháp), nhà Aylmer (Gia nã đại) nhà Palissades (Mỹ). Một tác vụ âm thầm nhưng liên tục được thường xuyên tổ chức nơi nhà thờ của Dòng là việc “xưng tội”, Đức Phaolô VI trong cuộc gặp gỡ Đại Diện Công nghị 1973 đã khen ngợi và khuyến khích lưu giữ theo gương Thánh sáng lập đã được chọn làm Quan thầy các Cha giải tội.
Từ năm 1950, tại Lamã, “Anphong Học Viện” được khai mở, một phân khoa Đại Học chuyên về Thần học Luân lý do một số các nhà chuyên môn quốc tế đảm nhận. Rất nhiều giáo sư trên thế giới về khoa thần học Luân lý xuất thân từ học viện này. Không những học viện đào luyện các giáo sư mà còn là một trung tâm nghiên cứu xuất bản tập san Studia Moralia rất được đón nhận.
Tóm lại, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế có mặt trên 60 quốc gia thế giới là những vị Thừa sai xung phong, “dung hòa cũ và mới” của Giáo Hội, “một Giáo Hội học hỏi với Chúa Kitô trên đường Emmaus để kết hợp hy vọng hướng về tương lai hơn quá khứ”.
Đặc Tính Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế
Ngày nay, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế là một nhóm tu sĩ cố gắng sống Phúc Âm theo tinh thần Thánh Anphongsô Maria. Một gia đình tu sĩ: Dòng Chúa Cứu Thế – Congregatio Sanctissimi Redemptoris, viết tắt C.Ss.R. Gồm những tu sĩ linh mục và các tu sĩ không linh mục (hay tu huynh hoặc trợ sĩ) cùng sống tinh thần Hiện Xuống, chia sẻ Lời Chúa, cùng sống tinh thần Phục Sinh, chết và sống lại, tiếp tục sứ mạng sai đi đem Chúa đến cho các tâm hồn tất bạt đang tìm Chúa, đang “đói Chúa” trong thế giới ngày nay.
Bên cạnh, cùng một chí hướng, có các chị em Dòng Chúa Cứu Thế Nữ do chị Đáng Kính Marie Céleste sáng lập với sự hỗ trợ của Thánh Anphongsô Ligôri. Những nữ Đan sĩ sống đời chiêm niệm trợ lực với việc tông đồ hoạt động của các linh mục Dòng Chúa
Cứu Thế, mang tên Dòng Nữ, Chúa Cứu Thế – Ordo Sanctissimi Redemptoris viết tắt OssR. Vậy, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế là những người tận hiến cho Chúa Giêsu Kitô. Trước tiên là những vị thừa sai, sống thành cộng đoàn tông đồ, được gởi đi rao giảng Tin Mừng cho những người thiếu thốn nhất là về phần linh hồn, sau là những người sống theo gương Chúa Giêsu trong đời sống chiêm niệm để cầu nguyện cho các vị thừa sai làm việc tông đồ trên khắp thế giới.
Những Người Tận Hiến cho Chúa Giêsu Kitô
Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế là những người yêu mến Chúa Kitô tha thiết. “Mục đích của Dòng là bắt chước một cách trọn hảo đời sống thánh thiện và các nhân đức tuyệt vời của Chúa Giêsu Kitô. Hình ảnh Chúa phải thể hiện trong cuộc sống mọi sĩ tử, mỗi thành phần phải thực hiện trong bản thân sự ước muốn của Chúa khi Ngài xuống trần gian mặc xác phàm, trở nên mẫu mực cho các sĩ tử bắt chước” (Luật DCCT)
Ngày nay, chương Ba của Dòng đặc biệt chú ý đến Tình yêu của Chúa Đấng Thêin Sai. “Động lực duy nhất của đời sống các sĩ tử là đức bác ái thừa sai của Đấng Cứu Thế, đồng hóa các sĩ tử với Ngài để tiếp tục thực thi ý muốn của Thiên Chúa là sự cứu rỗi mọi người”. (Luật DCCT)
Tóm lại, Dòng Chúa Cứu Thế như Giáo Hội hoàn vũ, muốn là nhiệm tích sự hiện diện của Chúa Kitô ở trần gian và nhiệm tích của sự tiếp giao của trần gia với Chúa; nghĩa là chọn cuộc sống vì yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân theo phương cách của Chúa là bằng hành động và việc làm.
Những Thừa Sai
Trước tiên, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế là vị thừa sai cho thế giới ngày hôm nay. “Do Thánh Anphongsô thành lập, Dòng Chúa Cứu Thế là một Dòng thừa sai, các sĩ tử ước ao tiếp tục công việc rao giảng Lời Chúa cho người nghèo, thực thi nhiệm vụ với một hoạt khí tông đồ nhắm đến nhưng nhu cầu khẩn thiết mục vụ và những người nghèo bị bỏ rơi hơn cả.
Làm tông đồ là rao giảng Phúc Âm, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tâm niệm rằng con người được Phúc Âm mời gọi để làm một sự lựa chọn. Giữa một thế giới hỗn độn, trong đó lẫn lộn hy vọng và lo âu, yêu thương và hận thù, ích kỷ và cởi mở, con người phải lựa chọn. Thì Tin Mừng là một sự lựa chọn. tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đề nghị và phát huy sự lựa chọn ấy và trở nên một sứ giả hy vọng của ngày mai.
“Do lời khấn, các sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế tận hiến đời cá nhân cũng như cộng đoàn vào việc rao giảng Tin Mừng và tìm kiếm một tình yêu hoàn hảo Thiên Chúa và tha nhân. Đó chính là mục tiêu của Dòng”. (Khoản lệ số 46)

Kinh Cầu Cho Nhà Dòng
* Lạy Chúa, giữa lòng Giáo Hội, Chúa đã muốn cho gia đình Dòng Chúa Cứu Thế được khai sinh, như một cây nho, chính tay Chúa trồng và săn sóc, từ thuở ban đầu cho đến ngày nay.
* Tất cả chúng con xin hết lòng hân hoan tạ ơn Chúa. Chúa đã thương trồng cây nho bé mọn Dòng này, bao lần Chúa đã mạnh tay quét sạch khó khăn, dẹp hết chướng ngại. Chúa đã khẩn hoang bốn bề quang đãng, để nó bén rễ sâu và lan rộng khắp các lục địa. Chúa cũng đã cho bóng nó rợp các núi non, nhánh nó vươn dài đến các đại dương, chồi nó nảy lên mạnh mẽ. Chúa lại ban cho nó một tương lai hứa hẹn.
* Nguyện xin Chúa tiếp tục bảo vệ cây nho, tay phải Chúa đã vun trồng. Xin cho nó vươn lên mãi, lá xanh hoa tốt, để mang lại cho thế giới, những chùm quả ơn cứu chuộc chứa chan nơi Chúa. Amen.
* Lạy Mẹ hằng Cứu Giúp
Cầu cho chúng con
* Lạy Cha Thánh Anphong
Cầu cho chúng con

http://www.denducmehangcuugiup.com/wp-content/uploads/2010/03/benedictxvi-150x150.jpg
Đức Thánh Cha Benedicto XVI cầu nguyện cho ơn gọi tận hiến trong Giáo Hội được gia tăng


(Dòng Chúa Cứu Thế hải ngoại)