PDA

View Full Version : Lược sử Giáo Phận VĨnh Long



Damsan
26-06-2010, 11:07 AM
LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN
VĨNH LONG
http://lh4.ggpht.com/_6nktQOihaMo/SzKOO5QSyNI/AAAAAAAABnk/jRXa3ZhsOGc/hungthinh.vinhlong%20131.jpg


A. Lược Sử Giáo Phận Vĩnh Long
Từ khi dòng Phanxicô chịu trách nhiệm vùng Saigòn Hạ và các tỉnh miền Tây, công việc truyền giáo tại đây bắt đầu phát triển mạnh, đặc biệt cha F. José Garcia coi sóc vùng Chợ Quán năm 1723.
Năm 1699, Ðức cha F. Perez viết thư xin các cha dòng Phanxicô ở Manila đến giúp, công việc truyền giáo phát triển mạnh, nhất là khi Ðức Khâm sai Tòa Thánh phân chia lại các vùng truyền giáo. Cha José Garcia coi sóc vùng Chợ Quán (1723), ngài đến tận Cái Hô, Cái Mơn, Cái Nhum. Ngày 2-7-1740, Ðức cha Elzéar-Francois des Achards de la Baume, Khâm sai Tòa Thánh, ra quyết định phân chia cho các cha dòng Phanxicô phục vụ từ Thủ Ðức tới Hà Tiên với số giáo dân là 5,500. Năm 1749, cha Francisco Hermosa ở Thủ Ngữ. Ngày 12-7-1768, Thánh Bộ Truyền Giáo phân khu vực Cahon (Thủ Ngữ), Nan-Khu, Tleng cho các thừa sai thuộc Thánh Bộ và Hội Thừa Sai Paris coi sóc.
Ngày 16-6-1800, Ðức cha Jean Labartette Gioang lập dòng Mến Thánh Giá tại Cái Nhum. Năm 1844, Ðức cha Dominique Lefèbvre Ngãi lập dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn. Các cha dòng Phanxicô cùng với nam nữ tu sĩ và giáo dân đã phát triển thêm nhiều giáo xứ, giáo họ cho đến năm 1813 và hầu hết các cha trở về Manila. Từ năm 1822, Vĩnh Long còn một số cha dòng Phanxicô ngành Capuxinô, đa số là người Ý, các thừa sai của Thánh Bộ hoạt động từ thời Ðức cha Pigneau de Béhaine Bá Ða Lộc như cha Francisco Disan Michele ở Cái Nhum. Tháng 6-1821, cha Odorico Giomei di Collodi Phương cập bến Cửa Hàn, cha xuống vùng Chợ Quán học tiếng và phong tục với cha Giuseppe Maria, sau ít tháng, cha được cử đến miền Lục Tỉnh có trụ sở chính ở Cái Mơn, đến năm 1834, cha lãnh triều thiên tử đạo. Cái Nhum là trung tâm truyền giáo của các cha dòng Phanxicô trên một thế kỷ, cha Phương là vị cuối cùng của dòng phục vụ tại đây.
Năm 1850, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi Xan trở thành giáo xứ lớn, có linh mục phục vụ. Chính thời kỳ bách hại này, giáo phận và các giáo xứ vẫn phát triển mạnh. Các linh mục, nam nữ tu sĩ thường xuyên đến phục vụ tại các họ đạo và gia đình.
Trong thời các vua nhà Nguyễn cấm đạo (1833-1862), và nhóm sĩ phu tàn sát Công giáo (1833-1862), các thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân đã dùng mạng sống để minh chứng Tin Mừng Ðức Kitô trước nhà cầm quyền, trong số này nổi bật là cha Thánh Philipphê Phan Văn Minh và Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu (trùm họ).
Ngày 8-1-1938, Tòa Thánh ban sắc chỉ tách các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre và phần đất nằm ở Tả Ngạn sông Hậu, tức tỉnh Sa Ðéc sau này để lập thành giáo phận Vĩnh Long, và cử cha Phêrô Ngô Ðình Thục (Huế) làm giám mục. Khi thành lập, giáo phận gồm 47 linh mục Việt, 3 thừa sai, 24 chủng sinh, 61 tiểu chủng sinh, 45,318 giáo hữu và 1,780 tân tòng. Giáo phận chia làm 7 hạt, 35 giáo xứ, 106 giáo họ.
Ngày 15-8-1944, khai giảng Tiểu chủng viện Á Thánh Minh với 170 chủng sinh. Tu hội Sư Huynh Kitô Vua ở Cái Nhum được thành lập với 38 sư huynh và 100 đệ tử; dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum và Cái Mơn có trên 400 nữ tu.
Ngày 24-11-1960, giáo phận tông tòa Vĩnh Long được nâng lên hàng giáo phận chính tòa, Ðức cha Ngô Ðình Thục ra Huế làm Tổng giám mục, Ðức cha Antôn Nguyễn Văn Thiện được chỉ định làm giám mục chính tòa Vĩnh Long. Năm 1961, Ðức cha Thiện lập Trung tâm Truyền giáo tại ngã ba đi Cần Thơ, năm 1964 trở thành đại chủng viện cho 3 giáo phận trong vùng và Trung tâm Truyền giáo dời về Cầu Vồng. Sau khi bị bệnh, ngài sang Pháp nghỉ hưu và Ðức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu trở thành giám mục chính tòa Vĩnh Long từ năm 1968. Ðức cha Giacôbê đã tích cực đào tạo hàng giáo sĩ, tu sĩ và hoạt động Công giáo Tiến hành của giáo dân. Ngài đã thành lập nhiều giáo xứ mới và số giáo dân trong giáo phận tăng cao. Từ năm 1975, trong hoàn cảnh khó khăn, ngài đã âm thầm nâng đỡ tinh thần của đoàn dân Chúa.
Sau 65 năm thành lập (tính đến năm 2003), giáo phận chia làm 10 giáo hạt, 84 giáo xứ và 183,728 giáo dân, hàng giáo sĩ: 164 linh mục.
Ngày 3-7-2001, Tòa Thánh chấp thuận cho Ðức cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu nghỉ hưu và trao quyền coi sóc giáo phận cho Ðức cha Tôma Nguyễn Văn Tân.
B. Ðịa Lý và Dân Số
Ranh giới: Giáo phận Vĩnh Long nằm trong địa bàn các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, và một phần tỉnh Ðồng Tháp (Sa Ðéc).
Dân số: Tính đến năm 2003, Giáo phận Vĩnh Long có số giáo dân là 183,728 người trong tổng dân số là 3,967,400 người.
C. Một số điểm đặc sắc của giáo phận
1. Tôn giáo:
- Nhà Thờ Chính Tòa: Ðịa chỉ 141 Lý Thái Tổ, P. 2, Thị xã Vĩnh Long, Tel: (070) 824-186. Ðược xây dựng vào năm 1967; được trùng tu vào dịp kỷ niệm 60 năm (1999) thành lập giáo phận.
- Trung tâm truyền giáo: Ðịa chỉ 60/4 đường Mậu Thân, P. 3, Thị xã Vĩnh Long, Tel: (070) 823-823. Giám mục Antôn Nguyễn Văn Thiện thành lập năm 1961, giao cho linh mục Raphael Nguyễn Văn Diệp làm giám đốc, đặc trách về truyền giáo và đào tạo huấn luyện giới chức trong giáo phận. Ðến 15-8-1975, Tòa Thánh đề cử cha Raphael làm giám mục phó giáo phận Vĩnh Long. Những năm qua, với sự cộng tác của các tu sĩ Salésiens Don Bosco, Ðức cha rất chú tâm lo việc tái truyền giáo mới, giáo dục giới trẻ bằng phương pháp giáo dục dự phòng và dạy nghề miễn phí.
- Trung tâm hành hương Fatima: Ðịa chỉ xã Tân Ngãi, Thị xã Vĩnh Long. Giám mục Antôn Nguyễn Văn Thiện thành lập năm 1965 để giáo dân xa gần hành hương, cầu nguyện và học hỏi về Ðức Mẹ vào 2 ngày 13-5 và 13-10 hằng năm, để kính nhớ ngày kỷ niệm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima (Bồ Ðào Nha) năm 1917.
- Trung tâm hành hương Ðình Khao: Ðịa chỉ xã Thạch Ðức, huyện Long Hồ (gần phà Cổ Chiên). Tel: (070) 895-333. Giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu thành lập năm 1980 để giáo dân xa gần hành hương, cầu nguyện và học hỏi vào ngày 3-7, kính nhớ Thánh Philipphê Phan Văn Minh, bổn mạng địa phận và ngày 24-11 kính nhớ Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo (Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam).
- Trung tâm hành hương Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp (La Mã, Bến Tre): Ðịa chỉ xã Hương Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (cách chợ Sơn Ðốc 2km). Ðức cha Phêrô Ngô Ðình Thục thành lập năm 1951 để kính nhớ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
2. Danh lam thắng cảnh:
Trong khu vực giáo phận có nhiều chùa Khơ Me nổi tiếng, nhất là ở Trà Vinh, như Chùa Hang (Mồng Rầy), chùa Âng (Angkorette Pali), chùa Nôdol, chùa Hạnh Phúc Tăng (Saghamangala). Ngoài ra, còn có một số danh lam thắng cảnh khác như: ao Bà Om (ao Vuông), ở Trà Vinh, Cồn Phụng ở Bến Tre, cồn Tiên ngang với Giáo Xứ Cái Mơn.

(dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)