PDA

View Full Version : Lược Sử Giáo Phận Cần Thơ



Damsan
26-06-2010, 11:16 AM
Lược Sử

Giáo Phận Cần Thơ
http://files.myopera.com/tongiao-kientruc/albums/840334/Nh%C3%A0%20Th%E1%BB%9D%20Ch%C3%ADnh%20T%C3%B2a%20C%E1%BA%A7n%20Th%C6%A1.gif
A. Lược Sử Giáo Phận Cần Thơ
Vào khoảng năm 1550, cha Gaspar da Santa Cruz, dòng Ða Minh, từ Malacca đã tới Cồn Cao (Hà Tiên ngày nay) để truyền giáo ở miền Nam Việt Nam.
Năm 1659, Tòa Thánh thiết lập giáo phận Ðàng Ngoài và Ðàng Trong. Ðàng Trong gồm các tỉnh miền Trung, miền Lục Tỉnh Nam Kỳ, Cao Miên và Nam Lào do Ðức cha P. Lambert de La Motte cai quản. Năm 1844, Ðàng Trong lại đựợc chia thành Ðông và Tây. Ðông gồm các địa phận miền Trung và Cao Nguyên, còn Tây là phần còn lại, trong đó có Cần Thơ. Năm 1850, Giáo phận Tây Ðàng Trong được cắt phần đất từ phía nam sông Hậu, cùng với cả nước Cambodia, lập thành giáo phận Nam Vang. Giáo phận Nam Vang gồm cả phần đất thuộc giáo phận Cần thơ và Long Xuyên và một phần Vĩnh Long và Mỹ Tho hiện nay.
Miền Lục Tỉnh Nam Kỳ (trong đó có miền đất thuộc giáo phận Cần Thơ ngày nay) nằm trên địa bàn truyền giáo. Năm 1913, linh mục thừa sai J.B. Chabalier coi sóc giáo xứ Bãi Giá và Sóc Trăng. Khoảng năm 1935, cha Phanxicô Trương Bửu Diệp coi sóc giáo xứ Tắc Sậy (bị giết năm 1946). Vào cuối năm 1938, trên phần đất thuộc giáo phận Cần thơ hiện nay có 21 giáo xứ, 66 giáo họ, 28,226 giáo dân do 25 linh mục Việt Nam và 5 linh mục Pháp phụ trách. Năm 1954, số linh mục và giáo dân thuộc giáo phận Nam Vang tăng lên vì có thêm những người di cư từ miền Bắc sống tập trung đông đảo tại vùng Cái Sắn (thuộc giáo phận Long Xuyên hiện nay).
Ngày 20-9-1955, với Sắc chỉ Quod Christus, Ðức Thánh Cha Piô XII cắt phần đất của Việt Nam thuộc giáo phận Nam Vang gồm 10 tỉnh lúc đó: An Giang, Kiên Giang, Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Châu Ðốc, Bạc Liêu, Hà Tiên, Sa Ðéc và An Xuyên để lập nên một giáo phận mới lấy tên gọi là giáo phận Cần Thơ, và đặt cha Phaolô Nguyễn Văn Bình làm giám mục, hiệu tòa Agnusiensi. Khi thành lập, giáo phận Cần Thơ có 148,610 giáo dân, 110 linh mục, 300 nữ tu dòng Chúa Quan Phòng, 10 nữ tu dòng Con Ðức Mẹ, 3 nữ tu tu hội Bác Ái Vinh Sơn, 11 sư huynh dòng La San và 9 đại chủng sinh.
Về nhận giáo phận năm 1955, Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình ở nhà xứ của nhà thờ chính tòa Cần thơ. Năm 1956, Ðức cha Phaolô cất tạm một Tiểu chủng viện tại Sóc Trăng và thu nhận 138 chủng sinh. Ðến năm 1957, Ðức cha mua đất và xây dựng tòa giám mục tại đường Nguyễn trãi, Cần Thơ, đồng thời mua đất tại Cái Răng (làm Tiểu chủng viện) và tại Bình Thủy (hiện nay làm cơ sở của dòng Con Ðức Mẹ). Ngoài việc khuyến khích các linh mục lập thêm các họ đạo mới, Ðức cha Phaolô đã cổ vũ việc xây cất các trường trung học và quan tâm đến những phương tiện truyền thông xã hội.
Ngày 24-11-1960, Tòa Thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, nâng giáo phận hiệu tòa Cần Thơ lên hàng giáo phận chính tòa, thuộc Giáo Tỉnh Saigòn. Ngày 27-11-1960, Tòa Thánh lấy bốn tỉnh lúc đó là An Giang, Kiên Giang, Châu Ðốc và Hà Tiên để lập giáo phận Long Xuyên, một phần tỉnh An Giang (Cù Lao Tây và Hồng Ngự) nhập vào giáo phận Mỹ Tho, phần khác của tỉnh là Sa Ðéc nhập vào giáo phận Vĩnh Long. Tòa Thánh cử Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình về làm tổng giám mục Saigòn, cử Ðức cha Philipphê Nguyễn Kim Ðiền làm giám mục chính tòa đầu tiên của giáo phận. Sau khi phân chia, giáo phận Cần Thơ chỉ còn diện tích hơn 13,000 km2 với 67 linh mục và 56,200 giáo dân trên tổng số dân là 1,410,000 người. Năm 1961 Ðức cha Philipphê Nguyễn Kim Ðiền cho di dời Tiểu chủng viện Á Thánh Quý về Cái Răng, thiết lập Nhà Tu Sĩ Truyền Giáo tại Cái Khế, nhà hưu dưỡng cho các linh mục tại Cần Thơ, dòng Mến Thánh Giá tại Sóc Trăng.
Ðức cha Philipphê Nguyễn Kim Ðiền cai quản giáo phận Cần Thơ được gần 5 năm. Ngày 23-3-1965, ngài được Ðức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm làm Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế, cũng vào chính ngày này, Ðức cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang được chỉ định làm giám mục chính tòa Cần Thơ. Lúc đó giáo phận có 71,929 giáo dân, 72 linh mục, 149 nữ tu dòng Chúa Quan Phòng, 10 nữ tu dòng Con Ðức Mẹ, 7 nữ tu dòng Mến Thánh Giá, 5 nữ tu Bác Ái Vinh Sơn, 55 đại chủng sinh và 205 tiểu chủng sinh. Ðức cha Giacôbê đã xây cất thêm nhà cho Tiểu chủng viện Cái Răng, tập viện dòng Mến Thánh Giá, nhiều trường học, các cơ sở bác ái, và khởi công xây cất nhà thờ chính tòa.
Ngày 6-6-1975, ngài tấn phong giám mục phó là Ðức cha Emmanuel Lê Phong Thuận. Sau khi Ðức cha Giacôbê qua đời (20-7-1990), Ðức cha phó Emmanuel lên làm giám mục chính tòa kế vị.
Ngoài việc phát huy những thành quả của các vị tiền nhiệm, Ðức cha Emmanuel đã khuyến khích mọi thành phần Dân Chúa và mọi giới (gia trưởng, hiền mẫu, giới trẻ, thiếu nhi) nỗ lực xây dựng họ đạo thành một cộng đoàn đức tin, phượng tự và bác ái, nhằm mục tiêu truyền giáo. Trên cơ sở đó, mỗi họ đạo, mỗi hạt và giáo phận đã tổ chức nhân sự để phụ trách các sinh hoạt nhằm mục tiêu nói trên. Về cơ sở vật chất, Ðức cha Emmanuel đã cho tu sửa nhà thờ chính tòa, xây dựng cơ sở và nhà nguyện dòng Con Ðức Mẹ, dòng Mến Thánh Giá, xây sửa tòa giám mục, và đặc biệt quan tâm đến Ðại chủng viện Thánh Quý trong việc khai mở (năm 1988), nuôi dưỡng và tu sửa trường sở (năm 1999-2000). Từ năm 1988, Ðại chủng viện Thánh Quý tại Cái Răng là một trong 6 Ðại chủng viện trên cả nước, nơi đào tạo các linh mục cho 3 giáo phận Cần Thơ, Vĩnh Long và Long Xuyên, nằm trong địa bàn 10 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Trong hơn 10 năm qua, Ðại chủng viện Thánh Quý đã đào tạo cho 3 giáo phận được trên 100 linh mục.
Cha Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Giám đốc Ðại chủng viện Thánh Quý, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục phó giáo phận Mỹ Tho và ngày 11-8-1993, Ðức cha Emmanuel Lê Phong Thuận đã tấn phong giám mục cho ngài. 5 năm sau, Ðức cha Gioan Baotixita lại được bổ nhiệm làm Tổng giám mục giáo phận Saigòn.
Ngày 18-2-2003, Ðức cha Emmanuel đ4 tấn phong giám mục phó giáo phận Cần Thơ là Ðức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm theo Tông sắc ký ngày 6-11-2002.
B. Ðịa Lý và Dân Số
Ranh giới: Giáo phận Cần Thơ nằm về phía hữu ngạn sông Hậu Giang. Ðông Bắc giáp giáo phận Vĩnh Long (tả ngạn sông Hậu), Tây Bắc giáp giáo phận Long Xuyên, Tây giáp vịnh Thái Lan, Ðông giáp biển Ðông. Diện tích 13,258 km2.
Giáo phận Cần Thơ hiện nay nằm trên địa bàn 4 tỉnh: Cần Thơ (trừ huyện Thốt Nốt thuộc giáo phận Long Xuyên), Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, với khoảng 176,424 giáo dân, 170 linh mục, 695 tu sĩ đang phục vụ trên 128 họ đạo.
Toàn giáo phận là đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống sông ngòi chằng chịt như sông Hậu Giang, Cái Tư, kênh Quảng Lộ, kênh Sáng Sà No, kênh Phụng Hiệp...
Sắc tộc: Ða số là người Kinh, ngoài ra còn có người Khơ Me (khoảng 50,000) và người Hoa (nhất là vùng Sóc Trăng và Bạc Liêu).
Giáo phận Cần Thơ gồm 7 giáo hạt: Cần Thơ, Ðại Hải, Trà Lồng, Vị Thanh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Với 94 giáo xứ có linh mục và 35 họ đạo không có linh mục.
C. Một số điểm đặc sắc của giáo phận
1. Tôn giáo:
- Nhà thờ Chính Tòa: Ðịa chỉ: 14 Nguyễn Thị Minh Khai, P. An Lạc, TP. Cần Thờ, Tel: (071) 821-557.
- Ðại chủng viện Thánh Phêrô Ðoàn Công Quý: Ðịa chỉ: 87/1 Võ Tánh, ấp Yên Thượng, thị trấn Cái Răng, Châu Thành, Cần Thơ, Tel: (071) 846-617.
- Tu Viện dòng Chúa Quan Phòng, nhánh Portieux: Ðịa chỉ: 362 Tầm Vu, P. Hưng Lợi, TP. Cần Thơ, Tel: (071) 838-146.
- Trung Tâm Hành Hương: Trung tâm Phanxicô, kính nhớ cha P.X. Trươgn Bửu Diệp (1897-1946), thuộc họ đạo Tắc Sậy, giáo hạt Bạc Liêu. Ðịa chỉ: Ấp 2, xã Tân Phong, Huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, Tel: (0781) 850-418.
- Họ đạo dành riêng cho người Khơ Me: Ðịa chỉ: Nhà Thờ Micae (Bãi Giá). Ấp Chợ, Trung Bình, Long Phú, Sóc Trăng, Tel: (079) 846-884.
2. Danh lam thắng cảnh:
Ở Sóc Trăng có nhiều chùa Khơ Me (Khmer) nổi tiếng như: chùa Kh'Leang, chùa Dơi (chùa Mã Tộc, Ma Ha Tuc). Ở Bạc Liêu có tháp cổ Vĩnh Hưng, chùa Xiêm Cán (của người Khơ Me), chùa Quan Ðế, chùa Minh (của người Hoa).

(dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)