PDA

View Full Version : Cất bước lên trời xuyên qua thế giới



littlewave
04-05-2008, 07:57 AM
Cất bước lên trời xuyên qua thế giới - CHÚA NHẬT THĂNG THIÊN (A)

1. Lên trời: cuộc “ra đi để bắt đầu một hiện hữu mới,”.

Trước khi lên đường dấn thân vào cuộc khổ nạn, Đức Kitô đã loan báo về “cuộc ra đi của Ngài”: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy…”. Và từ cuộc ra đi đầy u uất của cảnh “sinh ly tử biệt trong hành trình khổ nạn-thập giá, Đức Kitô lại hé mở cho các Tông đồ về một cuộc ra đi khác mang chiều kích của hy vọng và vinh quang của niềm vui và hạnh phúc: “Thầy đi thì có ích cho chúng con…Thầy đi để dọn chỗ cho chúng con…Thầy đi về cùng Cha…”. Đó chính là cuộc ra đi mà Phụng vụ hôm nay đang long trọng cử hành: Thăng Thiên.

Thật vậy, khi Giáo Hội cử hành “lễ Chúa Thăng Thiên”, hay lễ “Đức Kitô Đi về cùng Chúa Cha, chính là muốn công bố lại những lời loan báo của Đức Kitô về cuộc chiến thắng vinh quang của Ngài và cũng là lời tuyên xưng vĩnh viễn của Dân Chúa về cùng đích của ơn cứu độ do Đức Kitô mang đến. Thiên Chúa qua Đức Kitô đã không phĩnh gạt con người. Cho dù, có một lúc, với cái chết tủi nhục đau thương trên thập giá, nhiều người tưởng đâu mọi sự đã kết thúc tại đó ! Thì ra đằng sau “hoàng hôn thập giá” là một “bình minh của phục sinh” đang chỗi dậy ! Đau khổ và sự chết chưa phải là tiếng nói cuối cùng. Đúng hơn, đó chỉ là “con đường hầm tăm tối phải vượt qua” để Ngài, cùng với nhân loại được Ngài cứu chuộc, bước vào “hiện hữu mới, quê hương mới, trời mới, đất mới”…Vì thế, Thăng thiên chính là “một cuộc ra đi nhẹ nhàng, trong sáng, thanh thản” như cách diễn tả của sách Tông đồ công vụ trong BĐ 1 mà cha F.X. Nguyễn Xuân Văn đã dệt thành những vầng thơ lục bát thật dễ thương, thật ấn tượng:


Nhẹ nhàng như cánh hồng vân,

Tách rời mặt đất bay dần lên cao,

Dưới chân mây bạc giăng chào,

Trên đầu rực rỡ ánh hào quang bay,

Môn nhân ngửa mặt chắp tay,

Lặng yên hướng mắt nhìn say không rời …

Vâng, Đức Kitô không “ra đi” để vĩnh viễn mất hút trong không gian và thời gian; Ngài không ra đi để hoàn toàn “âm dương cách trở”, vĩnh biệt ngàn thu; Ngài không ra đi để mang hạt giống của sầu thương, thất vọng gieo vào cõi lòng những người còn ở lại như kiểu nói của ai đó: “người đi một nửa hồn tôi chết, một nửa hồn tôi hóa dại khờ !”. Cuộc ra đi nơi mầu nhiệm Thăng Thiên là một cuộc đĩnh đạt bước vào “hiện hữu mới”, là cuộc chiến thắng khải hoàn tiến vào cung điện thiên cung. Chúa ra đi lên trời là để được gần gũi hơn với nhân loại, tự do hơn để thi ân giáng phúc, quyền năng hơn của một “Đấng Kitô Thiên Chúa uy quyền” để dẫn dắt thế giới. Đức Kitô thăng thiên là một Đức Kitô phục Sinh hoàn toàn được biến đổi. Nơi “Nhân vật mới” nầy không còn chút bóng dáng nào của một “Ecce Homo” dơ dáng thảm nảo trước tòa Philatô hôm nào ! Lên trời, Thăng Thiên phải chăng là một “diễn ngữ khác của Phục Sinh,” nhưng mang trọn âm hưởng của “chiến thắng, viên thành, đạt đích tối hậu”. Chính vì thế, có thể nói được: Thăng Thiên đồng nghĩa với sự hiện diện quyền năng, vĩnh cửu, bất diệt của Thiên Chúa. Không bao giờ được hiểu việc Chúa Thăng Thiên chỉ là sự “di chuyển từ mặt đất để đến cư ngụ trong một chỗ hữu hạn nào đó của không gian” như cách hiểu của một số người. Chẳng hạn như một Phi Hành Gia không gian nào đó của Liên Sô, sau chuyến du hành vũ trụ bay về mặt đất, đã ngông nghênh tuyên bố rằng: “Tôi đã bay ngang dọc khắp không gian nhưng chẳng gặp một ông Chúa nào trên đó cả”. Với một quan niệm và niềm tin mơ hồ lệch lạc và ông cạn như thế, chắc chắn không phải chỉ với vài khoảnh khắc trong không gian anh ta không gặp được Thiên Chúa mà nếu anh ta cứ cố chấp và kiêu căng, có lẽ đời đời Thiên Chúa cũng sẽ “ngàn trùng xa cách”. Điều nầy, thì chúng ta phải công nhận triết gia Pascal có lý khi phát biểu rằng: “Thiên Chúa sẽ vô cùng sáng tỏ cho những ai khao khát gặp gỡ Ngài; nhưng Ngài cũng sẽ vô cùng ẩn kín mịt mù đối với những ai đóng kín tâm hồn và xua tay từ khước”.

Nhưng như thế, mầu nhiệm Chúa Thăng Thiên đem lại được gì cho chúng ta, cho nhân loại ?

2. Chúa lên trời để được ở lại nhiều hơn !

Đây chính là điều khẳng định của Tin Mừng Matthêô khi tường thuật “cuộc chia tay giữa Chúa Kitô và các môn sinh” để lên trời: “Thầy sẽ ở lại cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Chúng ta có thể tìm thấy việc Ngài ở lại qua những cách thế sau đây:


-Ngài ở lại với chúng ta trong quyền năng Chúa Thánh Thần.

-Ngài ở lại với chúng ta trong Lời Ngài được công bố từng ngày, từng giờ hôm nay

-Ngài ở lại với chúng ta trong Nhiệm tích Thánh Thể

-Ngài ở lại với chúng ta trong những người nghèo hèn đói khổ, bị bách hại đau thương nư Ngài đã đã tuyên cáo: “Khi nào ngươi làm cho một người bé nhỏ nhất là ngươi đã làm cho chính ta…”, “Saulô, Saulô, sao ngươi tìm bắt Ta..”

-Ngài ở lại với chúng ta trong những Vị mục Tử thay mặt mặt Ngài chăn dắt đoàn chiên: “Sự gì dưới đất cầm buộc trên trời cũng cầm buộc…”

-Ngài ở lại với chúng ta khi chúng ta họp nhau dâng lời cầu nguyện và tiến dâng Hy Tế: “Ở đâu có hai ba người họp lại vì Danh ta, có Ta ở giữa…”…


Vâng, chính nhờ mầu nhiệm “Lên trời” mà Đức Kitô Phục sinh không chỉ hiện diện trong những nghi lễ đại trào nơi những Ngôi Thánh Đường nguy nga đồ sộ, trên những cung thánh rực rỡ hào quang; mà Ngài còn hiện diện nơi những chòi tranh vách đất, những căn hộ nghèo hèn, những nhà tù tanh hôi, khát máu. Nhờ mầu nhiệm Thăng Thiên mà Ngài không chỉ tiếp tục “ở lại” nơi trái tim nồng nàn cháy bỏng của những vị đại thánh Tông đồ như Phêrô, Phaolô, Gioan, hay nơi những vĩ nhân đương đại như Đức Gioan-Phaolô II, Mẹ Á Thánh Têrêxa calcutta mà Ngài còn hiện diện nơi tâm hồn khiêm hạ khó nghèo của biết bao người cha, người mẹ sống công chính âm thầm nơi những xứ đạo nhà quê, nơi tâm hồn quảng đại, anh hùng của biết bao thanh niên nam nữ sống trong cuộc đời linh mục, thánh hiến, nơi trái tim trong sáng thủy chung của biết bao cặp vợ chồng, nơi bàn tay lam lủ đắng cay nhưng vẫn rạng ngời liêm chính của hàng hàng lớp những người lao động …Và chẳng tìm kiếm đâu xa, chút nữa đây, trên bàn thờ nầy, nhờ Ngài lên Trời, mà chúng ta được hân hoan đón nhận Mình Thánh người như lương thực trường sinh nuôi dưỡng chúng ta trên cuộc hành hương về vĩnh cửu.

3. Cất bước lên trời xuyên qua thế giới.

Nếu cách đây 2000 năm, các thiên thần đã nhắc khéo các tông đồ: “Tại sao các anh cứ đứng đó mà nhìn trời cao ?”. Câu đó cũng đồng nghĩa: Các anh hãy quay về với mặt đất. Hãy quay về với Sứ Mệnh Thầy vừa truyền; hãy quay về với thực tại đời thường để đem men Tin mừng vào thúng bột thế giới, để đem ánh sáng chân lý cứu độ vào bóng tối trần gian. Và các tông đồ đã thật sự nghe lời thiên sứ quay về để sau đó tung chân đi khắp nẽo đường loan báo Tin vui. Và sau 20 thế kỷ, quả thật “tiếng chúng đã vang cùng trái đất và lời chúng đã vang xa khắp cõi địa cầu”.

Sống mầu nhiệm Thăng Thiên hôm nay đó là vừa “biết ngước mắt ngước cao đầu hướng về trời cao” để nuôi giữ niềm tin yêu hy vọng vĩnh cửu và vừa biết nhìn thẳng vào cuộc sống đời thường để biết xả thân xây dựng cuộc sống hôm nay sao cho thánh hơn, đẹp hơn;

Sống mầu nhiệm thăng thiên hôm nay đó là vừa biết giữ cõi lòng thanh thản khỏi mọi vưỡng bận và đam mê nhỏ hèn, ô trọc, nhầy nhụa của vật chất và lạc thú tầm thường, vừa biết cần cù xây dựng công lý và yêu hương, sẵn sàng biết cho đi và quảng đại quên mình.

Sống mầu nhiệm thăng thiên hôm nay đó chính là biết không ngừng “chắp cho mình đôi cánh thiên nga” để bay cao khỏi vũng lầy của cái danh cái lợi, khỏi những hận thù ghen ghét nhỏ nhen…để nhìn xa về phía trước, nhìn lên tận cõi cuối trời mà tin rằng có một “quê nhà đích thật’ đang mở cửa đón đợi…

Và như thế, sống mầu nhiệm Thăng Thiên hôm nay có nghĩa là không ngừng “cất bước lên trời” nhưng luôn “đi ngang qua thế giới” giống như lộ trình của Đấng Cứu Thế Ngài đã có 33 năm xuyên qua bước đường nhân loại để trở về “ngự bên hữu Chúa Cha”.

Điều quan trọng cuối cùng: sống mầu nhiệm Thăng Thiên hôm nay chính là biết xác định: hạnh phúc đời nầy chưa phải là bến đỗ và cho dù quê hương Nước Trời có nghìn xa vạn dặm thì cũng vẫn mĩm cười tiến bước trong phó thác tin yêu, như lời nhắc bảo Chúa dành cho một nhà truyền giáo nọ: “Con chưa về quê hương thật của con mà !”

(Câu chuyện nhà truyền giáo 40 năm ở Phi Châu cùng đáp chung chuyến tàu về Mỹ với tổng thống Roosevelt đi săn hưu cao cổ từ Phi Châu trở về: Khi cập bến, trên bến cảng có đông đủ quan khách, ngoại giao đoàn đến đón tổng thống và nồng niệt chúc mừng Ngài đi săn về bình an…không ai để ý gì tới Nhà Truyền giáo suốt đời lo việc Chúa…Nhà truyền giáo thấy vậy đã thầm trách Chúa: Đấy, Chúa thấy chưa, ông tổng thống đi nghỉ hè, đi săn bắn trở về mà người ta đón rước như thế…phần con, đã chịu cực phục vụ Chúa và anh chị em nghèo khổ tại Phi Châu suốt 40 năm…thế mà hôm nay chẳng ai đoái hoài…Thật là tủi thân ! Nhưng lúc đó, nhà truyền giáo nghe tiếng Chúa mách nhỏ: Nầy con, đừng vội thất vọng, con chưa trở về quê hương thật của con mà !)

Thưa ông bà anh chị em, chúng ta hôm nay cũng thế. Chúng ta chưa về quê hương thật của chúng ta đâu. Vì thế, chúng ta hãy vui lên mà dấn thân làm chứng, mà ra đi gieo rắc yêu thương và hy vọng, khoan dung và tha thứ. Hãy cố gắng trở thành những hạt lúa mục nát giữa dòng đời, chắc chắn một ngày mai rạng ngời đang đón đợi. Mầu nhiệm Thăng Thiên hôm nay là cánh cửa của niềm hy vọng đang mở ra để đón chờ chúng ta trong một ngay không xa. Vì như lời kinh Tiền Tụng hôm nay: “Người lên trời không phải để lìa xa chúng con là những kẻ yếu đuối, nhưng vì là đầu và là thủ lãnh của chúng con, nên Người đã lên trước, để chúng con là những chi thể của Người vững một niềm tin tưởng cũng sẽ được lên theo”.

LM. Giuse Trương Đình Hiền