PDA

View Full Version : Phái đoàn của Tòa Thánh Vatican sẽ viếng thăm Việt Nam



littlewave
08-05-2008, 08:18 AM
Phái đoàn của Tòa Thánh Vatican sẽ viếng thăm Việt Nam

VATICAN - Như tin các báo trong ngày hôm qua đã đăng tải là một Phái đoàn của Tòa Thánh Vatican sẽ tới Việt Nam trong một tương lai gần mà như tờ Asian News mô tả là "để thực hiện một cuộc viếng thăm có thể dẫn đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao".

Thực ra phái đoàn này lúc đầu có dự tính đến Việt nam vào khoảng tháng 3, 2008. Tuy nhiên vì biến cố vụ giáo dân Công giáo Hà nội đòi đất Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội nổ tung ra vào tháng 2, 2008 nên đã đôi lần bị ngưng lại.

Theo Asia News, "những quan hệ ngoại giao sẽ có lợi cho Việt Nam, là quốc gia đang mở cửa ra thế giới bên ngoài, và lợi cho cả Tòa Thánh vì Giáo hội có thể đặt những vấn đề như tự do tôn giáo và những nhân quyền căn bản".

Đã từ lâu dưới triều các Đức Giáo Hoàng như Paul VI, John Paul II, và Bênedict XVI đều ưu tư về tình hình tôn giáo tại Việt Nam và nhấn mạnh tới mối quan tâm và lòng ưu ái của Giáo hội đối với các quốc gia Á Châu, đặc biệt là Việt Nam.

Về phần mình, báo chí Việt Nam cũng đăng tải nhiều bài về những cuộc gặp gỡ chính thức giữa các viên chức Vatican và Việt Nam, nhất là cuộc diện kiến Đức Giáo Hoàng ngày 25 tháng Giêng năm 2007 của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thông Tấn Xã này nói rằng đối với Việt Nam, đó là một thời điểm quan trọng. Vào lúc đó, hai bên thỏa thuận đi theo một lộ trình dẫn đến quan hệ ngoại giao. Thủ Tướng Việt Nam lúc đó cũng thảo luận với Bộ Trưởng Ngoại Giao Tarcisio Bertone của Tòa Thánh về những vấn đề mà cả Vatican lẫn Việt Nam cùng quan tâm.

Asia News trích lời một giáo sư đại học và là người Công giáo sống tại Saigòn nói rằng "cần có quan hệ ngoại giao giữa Giáo Hội Thiên Chúa và chính phủ Việt Nam". Giáo sư này cho biết thêm chắc chắn có nhiều vấn đề cần phải thảo luận, nhưng ông tin rằng việc trao đổi các đại diện có thể giúp hai bên cùng nhau giải quyết và cùng thông báo cho nhau mọi chuyện một cách rõ ràng và đúng lúc.

Kể từ năm 1989, các phái đoàn của Vatican đã thực hiện 14 chuyến qua thăm Việt Nam, khởi sự với chuyến đi đầu tiên do Đức Hồng Y Roger Etchegaray lãnh đạo. Đây được coi như một cử chỉ thiện chí của Tòa Thánh với các tín đồ Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, phái đoàn Vatican sang Việt Nam lần này hội đàm với chính phủ và phái đoàn Bộ ngoại giao Việt Nam chưa thể tiến tới ngoại giao được, có chăng chỉ là thông đạt những bước căn bản cụ thể hầu tương lai có thể tiến tới ngoại giao mà thôi.

Đàng khác, chính phủ Việt Nam từ trước tới nay vẫn dè đặt về mối quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, một đàng vì không thể đi bước trước khi mà đàn anh Trung quốc chưa có ngoại giao với Tòa Thánh; đàng khác, vì không hiểu rõ tình hình ngoại giao và ảnh hưởng của Vatican như thế nào, nên những nhà cầm quyền tại Hà nội luôn luôn đè đặt với bất cứ động thái nào từ Vatican, vì luôn luôn nghi ngờ là có những hậu thuẫn khác hoắc là quốc tế hoặc của Hoa kỳ đứng sau làm Cộng sản lo ngại không yên.

Những vấn đề cần giải quyết tức thời lần này là việc bổ nhiệm các giám mục cho các giáo phận còn trống ngôi như Bắc Ninh và Phát Diệm, và các giáo phận có các giám mục đã nộp đơn hưu dưỡng như Thái Bình, hay Ban Mê Thuột, v.v... mà chưa có giám mục thay thế.

Đàng khác một cách cụ thể hơn vấn đế đất đai của Giáo hội cũng cần được giải quyết một cách cụ thể có đường hướng cho tương lai dài, như đã được đặt ra khi nhân vụ Tòa Khâm Sứ bộc phát vào tháng Giêng 2008 thì ĐHY Bertone có liên lạc với Bộ ngoại giao và phủ Thủ tướng Việt Nam về vấn đề này.

Những quan tâm khác liên quan tới những căn bản cho tự do tôn giáo và những vấn đề liên quan tới nhân quyền, mở rộng cánh cửa để Giáo hội tham phần vào công cuộc giáo dục thanh thiếu niên và tái lập lại những bệnh xá và nhà thương, viện dưỡng lão, v.v... hầu phục vụ cho những người nghèo tại Việt Nam.

Thêm vào đó, Vatican tại Liên Hiệp quốc có một vai trò và tiếng nói khá ảnh hưởng và Việt Nam trong năm nay ngồi vào ghế Bảo An của Liên Hiệp Quốc, vì thế nếu thực sự Việt Nam muốn đạt được những bước đi vững mạnh về ngoại giao và ảnh hưởng quốc tế, cần thiết phải có sự hỗ trợ tinh thần của Vatican. Do đó trong nghị trình đối thoại chắc chắn sẽ bàn về những điểm cụ thể hầu làm dịu đi những chống đối hay tiêu cực của Việt Nam trên chính trường và ngoại giao quốc tế.

Đống Nhân (VietCatholic News)