PDA

View Full Version : CẦU NGUYỆN THEO TRUYỀN THỐNG XITÔ



M2M
17-07-2010, 11:32 AM
(Thuyết trình tại Liège, Bỉ, ngày 24.11.2005,
trong cuộc hội thảo về các hình thức cầu nguyện Kitô giáo)

Trong thư gửi tín hữu Roma (ch. 8) thánh Phaolô nói chúng ta không biết cầu nguyện nhưng Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta bằng những tiếng rên xiết khôn tả. Tôi nghĩ đó là giáo huấn sâu sắc nhất chúng ta có được về cầu nguyện trong Tân Ước. Đó là lời cầu nguyện duy nhất hiện hữu trong nhiệm cục mới của ơn cứu độ. Tất cả những gì khác mà chúng ta gọi là cầu nguyện như là lời kinh, tiếng hát, cử điệu hay chỉ im lặng- đều là những phương tiện chúng ta dùng để làm trào lên nơi ý thức lời cầu nguyện của Thánh Thần trong chúng ta, để làm cho lời cầu nguyện ấy trở thành của chúng ta, đón nhận lấy làm của ta và diễn đạt ra bên ngoài.
Cần phải đặt tiếng rên xiết của Thánh Thần nơi tâm hồn ta trong tương quan với trình thuật tạo dựng của sách Sáng thế. Trình thuật này mô tả Thiên Chúa tạo nên con người và thổi hơi sống, tức là Thần khí của riêng Ngài, vào lỗ mũi con người. Như thế, theo mặc khải thánh kinh, con người đã được tạo dựng, có mang nơi mình mầm sống thần linh, được mời gọi tăng trưởng không ngừng với một khả năng tăng trưởng vô cùng tận. Sự tăng trưởng ấy con người nhận được từ Thiên Chúa như một ân huệ. Trước ân huệ này, mà thánh Phêrô gọi là “tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, con người chỉ có thể có một thái độ là ước mong. Ước mong bẩm sinh đó trong lòng chúng ta chính là tiếng rên xiết của Thánh Thần, là lời cầu nguyện của Thánh Thần trong ta như thánh Phaolô nói.
Để cầu nguyện chúng ta không cần phải đặt mình hiện diện trước mặt Thiên Chúa, vì Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trước mặt ta. Và Ngài luôn luôn ở đó cách hoàn hảo, vì Thiên Chúa luôn luôn trọn vẹn là Ngài. Ngài không thể hiện diện trước mặt ta nhiều hay ít. Ngài luôn luôn ở đó, trong nơi sâu thẳm nhất của bản thân ta. Chính chúng ta mới thường vắng mặt. Cầu nguyện là hiện diện trước sự hiện diện của Chúa.
Điều này thật với mọi kitô hữu, ngay cả với mọi con người nữa. Vì thế tôi không thích nghe hỏi về cầu nguyện xitô”. Tôi nghĩ là không có cầu nguyện xitô”, cũng như không có cầu nguyện cát minh hay cầu nguyện đông phương hoặc tây phương. Nhưng tùy theo bậc sống, có nhiều cách để chuẩn bị chúng ta sẵn sàng đón nhận hồng ân cầu nguyện. Chỉ theo ý nghĩa đó ta mới có thể nói tới cầu nguyện xitô hay cầu nguyện gì khác.

Tôi cũng dị ứng với những kiểu nói như phương pháp cầu nguyện hoặc kỹ thuật cầu nguyện”. Chẳng phương pháp hay kỹ thuật nào có thể tạo ra sự cầu nguyện hay dẫn chúng ta tới cầu nguyện. Tất cả những gì một phương pháp có thể làm đó là loại bỏ khỏi lòng ta những trở ngại cho tác động của Thánh Thần hay chuẩn bị ta sẵn sàng đón nhận cách nhưng không hồng ân cầu nguyện. Quan niệm như thế thì một phương pháp đương nhiên là hữu ích, và phải thẩm định tùy theo kết quả nó mang lại. Nếu một phương pháp hướng dẫn ta để có được con tim tinh tuyền, sự an bình nội tâm và ý hướng ngay thẳng, đơn sơ trước hồng ân cầu nguyện, thì đó là một phương pháp tốt, dù có nguồn gốc từ Kitô giáo hay từ một truyền thống thiêng liêng khác.
Cũng vậy, tôi nghĩ thật là quá tự phụ khi một ai đó muốn dậy người ta cầu nguyện. Chỉ có Thánh Thần mới dậy được. Nhưng, dĩ nhiên việc chỉ dẫn thiêng liêng có thể giúp người nào đó tiến tới trên đường hiểu biết mình để đạt được ơn hoán cải và có con tim tinh tuyền mà nhận lãnh hồng ân cầu nguyện.
Nếu muốn nói đến một cách cầu nguyện thật là xitô, tôi sẽ nói là chẳng có một kỹ thuật hay một phương pháp đặc biệt nào dạy cho ta cách cầu nguyện đó cả. Cầu nguyện xitô nằm trong sự quân bình giữa các yếu tố của cuộc sống hàng ngày. Trong toàn bộ, nếp sống xitô, một cách sống mà tu luật thánh Biển Đức gọi là “cuộc hoán cải”, là nếp sống phải dẫn đưa đan sĩ tới việc cầu nguyện liên lỉ.
Tôi xin nhấn mạnh là “cầu nguyện liên lỉ”, vì đó là mục đích của cuộc đời đan sĩ cũng như của cuộc đời mợi kitô hữu. Thực vậy, nếu muốn tìm một chỉ thị rõ ràng trong Tân Ước, ta chỉ thấy có một chỉ thị duy nhất. Không chỗ nào nói phải cầu nguyện bao nhiêu lần trong một ngày hay một tuần. Chỉ thị duy nhất là phải cầu nguyện không ngừng. Dĩ nhiên điều ấy không có nghĩa là phải đọc kinh liên tục, nhưng phải duy trì liên tục bao nhiêu có thể sự hiện diện của mình trước tôn nhan Thiên Chúa, hiện diện trước Đấng luôn ở trước mặt mình. Hẳn là có những lúc ta ý thức cách mạnh mẽ về sự hiện diện của Chúa, có những lúc ý thức đó lại tiềm ẩn hơn, nhưng vẫn có thể và phải liên tục qua mọi sinh hoạt. Nếu không cố gắng sống liên tục trước nhan Chúa, mọi kinh nguyện ta thực hành trong những giờ phụng vụ cộng đoàn sẽ có nguy cơ chỉ là giả tạo.
Trong cuộc sống một đan sĩ xitô, có thời gian để lao động, có thời gian đọc Lời Chúa, có thời gian cầu nguyện riêng hay đọc kinh chung. Trong môi sinh hoạt trên đây, đan sĩ được mời gọi duy trì thái độ chiêm niệm hướng về Chúa. Nếu không chiêm niệm khi làm việc, ta cũng sẽ chẳng chiêm niệm được khi cử hành Phụng vụ Giờ kinh, hay khi quì gối trước Thánh Thể hoặc ngồi thiền trong phòng riêng (dù có đốt nến thắp hương đi nữa!).
Chiêm niệm trong khi làm việc không có nghĩa là đọc kinh hay suy nghĩ những điều thiêng liêng trong lúc đó. Nhưng đơn giản chỉ là hiện diện trước mặt Chúa. Và cách hiện diện tốt nhất trước mặt Chúa là chăm chú vào việc đang làm, cố gắng làm tốt chừng nào có thể, dù là việc trí óc hay việc chân tay, như làm ruộng, làm máy, làm kỹ thuật. Làm việc là kết hợp với Chúa, vì làm việc là dự phần vào hoạt động sáng tạo của Chúa, Đấng không ngừng tạo dựng thế giới qua những sinh hoạt của chúng ta. Hẳn là có những việc cho phép ta đọc kinh hay nghĩ tới những điều thiêng liêng cách dễ dàng hơn những việc khác. Nhưng không vì vậy mà những công việc ấy có tính cầu nguyện hơn những việc đòi phải hoàn toàn chăm chú về thể lý hoặc tinh thần để làm cho tốt.
Bên cạnh lao động, một sinh hoạt quan trọng của đời sống đan tu giúp đan sĩ – bằng cố gắng tích cực của tâm và trí – có được những hiểu biết sâu sắc hơn về các mầu nhiệm đức tin, đó là lectio divina (đọc Lời Chúa hay đọc sách thiêng liêng). Từ ngữ này mới trở nên quen thuộc từ những thập niên mới đây, nhưng thực tại của nó đã có từ rất xa xưa. Hơn nữa, các đan sĩ xưa kia hiểu về ý nghĩa của từ ngữ lectio divina rộng rãi hơn ta hiểu ngày nay.
Bây giờ người ta thường coi lectio divina là một khoản luật như những khoản luật khác, mặc dầu cho đó là một trong những khoản luật quan trọng hơn cả. Khi coi lectio divina như một khoản luật phải giữ, ta làm mất hết ý nghĩa sâu xa nhất của từ ngữ ấy. Với các đan sĩ cổ thời, lectio divina không phải là một khoản luật nhưng là một thái độ. Thái độ này hệ tại chỗ để cho bản thân mình được Lời Chúa liên tục chất vấn, và để Lời Chúa biến đổi cũng như hoán cải mình. Chúa nói với ta bằng ngàn cách khác nhau. Ngài nói với ta qua Lời mạc khải trong Kinh Thánh Cựu và Tân Ước. Ngài nói với ta qua Truyền thống của Giáo hội. Ngài nói với ta qua các biến cố lịch sử, đặc biệt các biến cố chính chúng ta đã trải qua. Ngài nói với ta qua những người ta chung sống. Và ngài không ngừng nói với ta trong đáy lòng ta. Trước những cách diễn đạt ấy của Lời Chúa, tôi phải có thái độ sẵn sàng cởi mở để đón nhận. Nếu không cởi mở đón nhận khi học hỏi hay khi lắng nghe anh em tôi, tôi cũng sẽ không cởi mở đón nhận khi đọc Kinh thánh. Ta sẽ hoàn toàn tự đánh lừa mình khi tưởng mình là con người cầu nguyện vì đã cẩn thận chu toàn giờ suy niệm và giờ lectio divina mỗi ngày, nhưng lại chẳng cố gắng giữ tâm hồn cởi mở trong mọi công việc khác.
Dĩ nhiên Lời Kinh thánh phải giữ vị trí ưu tiên trong đời sống cầu nguyện của ta, vì Lời đó truyền đạt cho ta kinh nghiệm thiêng liêng của nhiều thế hệ những người tin và những tâm hồn cầu nguyện. Không những chỉ sống động, Lời ấy còn luôn luôn mới mẻ mỗi khi ta đọc, bởi vì khi đó chính ta cũng đã khác rồi. Nhưng phân biệt cách tuyệt đối rạch ròi giữa lectio divina và những hình thức đọc sách hay học hỏi khác, như nhiều khi sách báo ngày nay đã làm, tôi nghĩ chẳng những sai lầm mà còn nguy hiểm nữa. Trái lại chúng ta phải học hỏi hay đọc sách với cùng một thái độ như khi thực hiện lectio divina; nghĩa là để cho mình được cật vấn và biến đổi bởi Chân lý đến với chúng ta qua tất cả những thực hành đó.
Đan sĩ xitô là một đan sĩ cộng tu, nghĩa là sống chung với anh em. Vì thế việc cầu nguyện mà họ cố gắng sống thường xuyên bao nhiêu có thể trong suốt cả ngày, họ sẽ diễn đạt nhiều lần trong ngày –và cả ban đêm- trong việc cử hành chung gọi là Thần Vụ hay Giờ kinh Phụng vụ, như thường nói từ sau Công đồng Vatican II. Trong tu luật, thánh Biển Đức gọi là Opus Dei – Thần vụ. Từ ngữ này rất đẹp. Nó nói tới một công việc. Đó là một hoạt động chung. Việc cầu nguyện trong ngày không phải chỉ có các giờ Thần vụ, vì chúng ta phải cố gắng cầu nguyện không ngừng, nhưng các giờ Thần vụ là những lúc chúng ta góp chung lại tất cả những yếu tố làm nên trái tim của đời sống chúng ta.
Cử hành Thần vụ không phải là cùng nhau đọc lên những lời kinh đẹp giúp mỗi người có được những tư tưởng đạo đức và âm thầm cầu nguyện trong đáy lòng mình. Nếu được như vậy cũng là điều tốt. Nhưng đấy không phải là mục đích của Thần vụ. Thần vụ là một “sinh hoạt”. Một cử chỉ bên ngoài và tập thể của kinh nguyện, được kết cấu bởi các bài đọc, các thánh ca, những cử điệu của thân xác, những lúc thinh lặng. Toàn thể tổng hợp ấy là kinh nguyện. Nếu tôi hát một câu tiền ca hay một bài thánh thi, khi đó cách cầu nguyện tốt nhất không phải là hát thế nào cũng được miễn sao tôi sốt sắng suy niệm theo những lời tôi hát, nhưng là để hết tâm trí vào lời tôi hát sao cho chính xác và đúng nhịp điệu.
Là kinh nguyện tập thể, Thần vụ còn là lúc thực hiện Lectio divina chung của cộng đoàn nữa. Qua các bài Kinh thánh và những bài đọc của các tác giả sau này, qua các lời nguyện và các thánh vịnh, tất cả cộng đoàn, chứ không phải chỉ có các cá nhân trong cộng đoàn, được Lời Chúa chất vấn, xây dựng và biến đổi.
Theo truyền thống đan tu cổ thời, các thánh vịnh không phải là những “bản kinh” mà chúng ta dùng để diễn đạt những tâm tình cầu nguyện của riêng mình – điều đó thường không thể làm được hay đòi tâm trí phải cố gắng rất nhiều. Đúng hơn, thánh vịnh phải được coi như những “bài đọc” giống như những bản văn khác của Kinh thánh. Đó là những bản văn giúp ta tiếp cận với kinh nghiệm thiêng liêng của những người có đức tin mạnh và có tâm hồn cầu nguyện sâu xa, ở một thời kỳ đặc biệt của lịch sử cứu độ, rất lâu trước khi Chúa Kitô đến và trước khi Thiên Chúa Tình Yêu được mạc khải. Vì thế, theo truyền thống cổ xưa, sau mỗi thánh vịnh đều có một lúc thinh lặng, rồi một lời nguyện có nội dung đặc biệt kitô giáo. Nếu đọc thánh vịnh theo cách này, ta sẽ không còn thắc mắc khi thấy một số thánh vịnh bày tỏ ý muốn trả thù hay mong cho quân địch bị diệt vong. Những thánh vịnh ấy biểu trưng cho một giai đoạn trong tiến trình thiêng liêng của Dân Thiên Chúa.
Bài đọc của các tác giả sau này, đặc biệt là trong Giờ Kinh Đêm, cũng cho chúng ta tiếp xúc với kinh nghiệm thiêng liêng của những con người của Thiên Chúa sống vào thời gian gần chúng ta hơn. Điều đó cũng quan trọng để giúp chúng ta – cá nhân cũng như cộng đoàn – sống sâu sắc hơn kinh nghiệm riêng của chúng ta.
Theo quan điểm này, một số viễn cảnh chú giải tân thời, như của Paul Ricoeur chẳng hạn, dù vẫn giống với trực cảm của các Giáo phụ, có thể giúp chúng ta hiểu được điều chúng ta đang sống. Theo Ricoeur, khi đọc một bản văn cổ, ngay cả bản văn của một tác giả mới hơn, không hẳn là chúng ta tiếp xúc với “tư tưởng” của tác giả, nhưng là với chính thực thể mà tác giả nói tới. Những bản văn này, đặc biệt những bản văn Kinh thánh, hàm chứa những ý nghĩa bất tận. Mỗi khi đọc lại, chúng ta đều nhận ra được những ý nghĩa mới, bởi vì mỗi lần đọc lại một bản văn, chúng ta lại là con người khác một chút sánh với lần trước đó. Vì thế, chúng ta có thể đọc đi đọc lại hằng trăm lần một bản văn, và nó vẫn luôn luôn mới, vì mỗi lần đọc là mỗi lần nó đụng chạm tới một điểm khác biệt nơi bản thân chúng ta.
Kinh nghiệm cá nhân và tập thể có được từ những bài đọc trong Thần vụ chúng ta có thể diễn đạt qua những lời nguyện tự phát, mà Luật phụng vụ sau Công đồng Vatican II cho phép thực hiện dễ dàng hơn trước nhiều. Và kinh nghiệm thiêng liêng của nhiều đan sĩ xitô ngày nay đã được diễn đạt qua các thánh thi, thánh ca và các lời nguyện phụng vụ được xuất bản những năm gần đây.
Việc cử hành Thánh Thể đương nhiên là trung tâm đời sống phụng vụ của một cộng đoàn đan tu. Việc cử hành này thấm nhập vào toàn bộ kinh nguyện chung của cộng đoàn. Đây cũng là việc sống và diễn tả lời cầu nguyện liên lỉ. Trong phần thứ nhất của cử hành Thánh Thể, chúng ta lắng nghe chứng từ của các chứng nhân Cựu Ước và Tân Ước, giống như trong Thần vụ. Các chứng nhân ấy chuyển đạt cho chúng ta Lời Chúa được bao bọc trong kinh nghiệm các ngài đã có khi sống Lời Chúa. Quả thực Lời Chúa không bao giờ đến với chúng ta trong cái trừu tượng, nhưng luôn luôn dưới hình thức một Lời được đón nhận, được sống và được truyền đạt qua kinh nghiệm sống. Trong phần hai của cuộc cử hành chúng ta đón nhận Lời Chúa nhập thể.
Vào thế kỷ12, thời kỳ mà Dân Chúa đặc biệt quan tâm tới nhân tính của Chúa Kitô, các đan sĩ xitô tiên khởi đã sống và khai triển trong linh đạo của các ngài – đặc biệt thánh Bênađô – lòng sùng kính rất sống động và thân thương đối với nhân tính Chúa Kitô. Có lẽ đó là điều giải thích cho việc cầu nguyện có tính rất “nhập thể” như các đan sĩ xitô đã thực hiện và như tôi đã cố gắng trình bày với quí vị từ đầu bài nói chuyện này. Cuộc gặp gỡ giữa đan sĩ xitô với Thiên Chúa phải có tính nhập thể: nhập thể trong lao động, trong việc đọc sách và học hành, nhập thể trong các giao tiếp huynh đệ hay trong những giờ suy niệm cá nhân hoặc cử hành phụng chung với cộng đoàn. Và cuộc gặp gỡ này sẽ đạt cao điểm trong sự hiệp nhất thể lý với Ngôi Lời nhập thể khi ta đón rước Mình và Máu Chúa Kitô.
Đan sĩ xitô cử hành kinh nguyện tập thể trong một nơi riêng biệt gọi là nhà thờ và thánh Biển Đức gọi là nhà nguyện, nghĩa là nơi để cầu nguyện.
Một nhà thờ Kitô giáo là nơi hoàn toàn khác với những đền thờ ngoại giáo hay đền thờ thuộc các tôn giáo lớn của Á châu, như Ấn Độ giáo chẳng hạn. Nơi các tôn giáo ấy, đền thờ là nơi thần linh ngự. Trong Kitô giáo, nhà thờ hay vương cung thánh đường trước hết là nhà của dân Chúa. Và nhà thờ trở thành nhà Chúa vì Chúa Kitô đã hứa nơi nào có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Ngài, Ngài sẽ ở giữa họ. Cũng thế, nhà thờ của đan viện xitô trước hết là nơi cộng đoàn tụ họp để cùng nhau cầu nguyện, như tôi vừa nói. Như thánh Biển Đức đã tiên liệu trong tu luật, anh em có thể ở lại để cầu nguyện thêm sau giờ kinh chung, hoặc có thể đến nhà thờ ít phút trước khi cử hành giờ kinh. Thời gian rảnh giữa các giờ Thần vụ, anh em cũng có thể vào nhà thờ cầu nguyện hay suy niệm riêng. Nhưng nếu ta vào nhà thờ của một đan viện xitô lúc nửa buổi ban sáng hay sau trưa mà không thấy có ai cầu nguyện trong đó thì không nên ngạc nhiên, đấy là chuyện bình thường. Những lúc ấy ta có thể thấy các đan sĩ đang cầu nguyện bằng nhiều cách, qua nhiều công việc khác nhau.
Sự hiệp thông giữa các đan sĩ với Chúa và giữa họ với nhau có thể sẽ không xác thực nếu chỉ khép kín trong nội vi đan viện. Bình thường sự hiệp thông ấy phải được mở ra bên ngoài. Trong tu luật, thánh Biển Đức đã thấy trước là đan viện sẽ không bao giờ thiếu khách và ngài đã tiên liệu một nghi thức để đón tiếp khách với sự kính trọng như đón tiếp Chúa Kitô. Mọi đan viện xitô đều có nhà khách để tiếp đón những người muốn tới không những để tĩnh dưỡng về thể xác, tinh thần hay thiêng liêng, nhưng cũng để tham dự các giờ kinh của đan viện. Việc cởi mở để chia sẻ này thuộc thành phần kinh nghiệm cầu nguyện của đan sĩ xitô. Nó mang những hình thức khác nhau tùy theo mỗi người. Trong nhiều trường hợp đó chỉ là chia sẻ trong vài ba ngày khung cảnh yên tĩnh và thanh vắng của đan viện để giúp họ tập sống cầu nguyện liên lỉ. Có những trường hợp khác, đó là chia sẻ những giờ cầu nguyện chung tại nhà thờ. Về điều này cũng có những khả năng khác nhau tùy theo nhu cầu và mong muốn của từng người. Có người thích im lặng để lắng nghe các đan sĩ hát (hay đọc) kinh và để tâm hồn bay bổng theo lời kinh tiếng hát của cộng đoàn. Có người muốn theo dõi các lời kinh và các bản văn trong sách. Người khác lại cùng hát với các đan sĩ. Những cách thể hiện ấy không quan trọng bao nhiêu. Điều cốt yếu là sự hiệp thông trong cầu nguyện.
Một số người, tuy không hề muốn làm đan sĩ, nhưng lại cảm thấy nhu cầu muốn tham gia cuộc sống của các đan sĩ đầy đủ bao nhiêu có thể, trong một thời gian dài ngắn tùy nghi, một tuần, một tháng hoặc hơn. Họ muốn thông hiệp với các đan sĩ trong việc tìm kiếm và sống hồng ân cầu nguyện liên lỉ qua nhịp độ quân bình giữa mọi yếu tố của đời sống chung: lao động, đọc Lời Chúa, Thần vụ.
Sau cùng, nơi phần đông các đan viện xitô ngày nay đã hình thành những nhóm nhỏ giáo dân muốn chia sẻ cuộc sống thiêng liêng của các đan sĩ và đã tạo nên những cộng đoàn nhỏ các “giáo dân xitô”, được liên kết với một cộng đoàn nam hay nữ đan sĩ của Dòng Xitô. Họ không mong làm đan sĩ, nhưng muốn sống giữa đời những giá trị mà các đan sĩ cố gắng sống nơi đan viện. Như vậy, không những họ bày tỏ, qua mọi yếu tố cuộc sống của họ, đoàn sủng xitô mà còn cả cách thức đặc thù các đan sĩ xitô sống hồng ân cầu nguyện kitô giáo.
Không những các đan sĩ được mời gọi hiệp thông với các vị khách tới đan viện, nhưng còn với Giáo hội và xã hội nói chung, mà họ ôm ấp trong kinh nguyện của mình, và đặc biệt là với những người dân sống chung quanh đan viện. Tùy theo hoàn cảnh về nơi chốn và thời gian, các cộng đoàn đan tu thường được kêu mời thực hiện một sinh hoạt bác ái hay xã hội nào đó cho những người dân trên đây. Đan sĩ không chỉ cầu nguyện cho sinh hoạt ấy được thực hiện tốt, nhưng chính sinh hoạt ấy cũng là một hình thức cầu nguyện vì là hình thức hiệp thông với Thiên Chúa, như Ngài đã dậy: “Điều gì các con làm cho một kẻ bé mọn nhất trong những kẻ thuộc về Ta là các con đã làm cho Ta”.
Để kết luận, tôi ý thức rằng thật là táo bạo khi muốn diễn tả kinh nghiệm về cầu nguyện, như tôi đã nói từ lúc đầu. Tôi cũng ý thức rằng tôi cũng như chẳng ai trong các anh em xitô của tôi sống hoàn hảo được cuộc sống cầu nguyện này. Nhưng tôi có thể quả quyết ít nhất đó là điều chúng tôi đang cố gắng sống.

Liège, 24. 11. 2005
Armand Veilleux OCSO