PDA

View Full Version : TẠP DỀ VÀ ÁO DÒNG



JB.Lưu Hùng Vương
18-07-2010, 07:09 PM
http://giaoducconggiao.net/upload/article/1277186975.jpg (javascript:showpopup('file=article/1277186975.jpg'))
Minh Tâm và Cát Tường xem tivi thấy các cô dạy nấu ăn mặc tạp dề, thấy các đầu bếp ở nhà hàng nấu ăn phục vụ các thực khách đều mặc tạp dề, lại còn có cả mũ nữa chứ. Thế là các con đòi mẹ mua tạp dề để mặc khi vào bếp nấu ăn cho giống các cô trên tivi mới ngon. Mẹ nói mua tốn tiền để mẹ may, hai con vui mừng hớn hở ra mặt, đòi mẹ may cho cả nhà. Lúc đó cả nhà chỉ có bốn người(tháng 7/2009), không biết sao mẹ lại may đến năm cái tạp dề. Bây giờ thì không thừa, vì em An Thiên mới chào đời (3/5/2010).

Lúc đầu Ba Mẹ mặc tạp dề mỗi khi vào bếp là để cho các con vui, mà các con vui thì cả nhà cùng vui. Hai con cũng mặc tạp dề chạy tới chạy lui phụ dọn bàn ăn. Nếu có ai tới nhà mình thình lình trông thấy chắc là vui lắm, không biết có nhà nào giống mình không nhỉ?!
Vậy là mỗi khi vào bếp làm thức ăn các con đều bắt Ba Mẹ phải mặc tạp dề, lúc đầu chưa có thói quen dần dần thấy cũng ngộ ngộ hay hay. Đúng là trẻ con rất đơn sơ, cho nên Chúa Giêsu nói: “Hãy để trẻ con đến với Ta…”, là có ý hãy để trẻ tự tin bày tỏ ước muốn của mình chăng?
Khi thấy người nào mặc tạp dề thì người ta biết ngay đó là người đầu bếp chế biến thức ăn phục vụ thực khách ở nhà hàng. Còn ở trong gia đình là làm thức ăn phục vụcác thành viên trong gia đình. Đây là ý nghĩa khi mặc chiếc tạp dề mà ba nhận ra, Ba ghi lại như một tâm tình với các con, chứ người đầu bếp mặc tạp dề cốt để khi làm thức ăn dầu mở có văng ra chỉ dính tạp dề thôi.
Các con có biết phục vụ là gì không? Phục vụ chính là yêu thương và yêu thương chính là phục vụ. Từ chiếc tạp dề đáng yêu này Ba liên tưởng đến chiếc áo dòng của các vị tu sĩ công giáo.
Một hôm, có việc đến nhà một người bạn, đang ngồi nói chuyện với bạn bỗng ba thấy Cha sở giáo xứ LS, đeo một cái bị thổ cẩm, mặc chiếc áo dòng đen, được một giáo dân chở đến nhà đối diện với nhà bạn ba. Thì ra Cha sở đến để mang Bí tích hoà giải và Mình Thánh Chúa cho một bà cụ bị bệnh lâu năm không thể đến nhà thờ được. Cảm giác của Ba lúc đó là rất xúc động! Ôi chiếc áo dòng đen, vì cảm thấy như Chúa Giêsu đến với bà cụ qua chiếc áo dòng, Chúa Giêsu chỉ mượn hình hài của Cha sở thôi. Phải nói là rất hiếm gặp chiếc áo dòng xuất hiện trên đường phố các con ạ. Trước ngày, 30/4/1975, thì đó là bình thường. Không hiểu sao sau ngày, 30/4 ấy, người ta rất hiếm thấy bóng dáng chiếc áo dòng của các vị tu sĩ Công giáo xuất hiên trên đường phố nữa?! Các tu sĩ Phật giáo thì không thay đổi, vẫn chiếc áo tu phục: vàng, xám, nâu. Thỉnh thoảng Ba mới thấy vài nữ tu Dòng Đa-minh trên đường phố vào ngày chủ nhật, với tu phục trắng đen. Hai màu tương phản trông rất ấn tượng đối với ba. Vì khi thấy áo dòng Ba thấy bóng dáng Thánh Giá…
Ba nhận thấy, thì ra chiếc áo dòng có cùng ý nghĩa với chiếc tạp dề, đó là dấu chỉ của phục vụ. Đúng như Chúa Giêsu đã nói: “Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”. Người tu sĩ Công giáo mặc áo dòng xuất hiện trên đường phố chính là mặc lấy Chúa Giêsu, đến để phục vụ anh chị em mình. Người ta nói “chiếc áo dòng không làm nên thầy tu” là đúng, vì chỉ khi người tu sĩ mỗi ngày trở nên gần giống Chúa Giêsu hơn thì mới mong có ngày đạt đến bậc chân tu như vị Tôn Sư Giêsu của mình. Nếu không thì thật đáng buồn và tội nghiệp cho họ…Còn Ba thì nghĩ bằng cấp, học vị không làm nên bậc Chân Tu, cứ nhìn các nhà gọi là tu hành có học vị nói năng cư xử thì biết, họ học để hành đạo hay hành dân.
Ba Mẹ không có chiếc áo dòng, nhưng Ba Mẹ có chiếc tạp dề cũng là dấu chỉ phục vụ, vì yêu thương các con. Các con cũng có chiếc tạp dề cũng là dấu chỉ các con yêu thương, giúp đỡ Ba Mẹ những việc trong nhà.
Bây giờ thì Ba rất thích chiếc tạp dề, không chỉ vì do chính tay Mẹ may, mà vì ý nghĩa của nó: mang lại niềm vui cho các con và hạnh phúc cho cả nhà. Có lẽ Ba sẽ suy nghĩ và dặn dò các con: Nếu mai sau Ba qua đời, các con hãy mặc chiếc tạp dề ở ngoài cho Ba, như khi xưa mỗi lần vào bếp Ba mặc tạp dề vậy. Để Ba được tiếp tục yêu thương các con, mà yêu thương là phục vụ.
Hôm nay ba tạm dừng ở đây, khi nào cảm nghiệm được điều gì nữa Ba sẽ ghi lại tâm tình với các con.
Gò Vấp, 15/6-19/6/2010
Ba của các con www.giaoducconggiao.net (http://www.giaoducconggiao.net)