PDA

View Full Version : AI LÀ NGƯỜI NGHÈO… ?



Gia Nhân
22-07-2010, 09:30 PM
AI LÀ NGƯỜI NGHÈO… ?




Người nghèo đến trước cửa nhà xin tiền, xin ăn... thật là khó nghĩ, bởi họ là người nghèo thật hay chỉ giả vờ. Đôi lúc họ trình cả giấy tờ để làm chứng nhưng có ai tin vào giấy tờ ở thời đại này. Trong báo chí xuân Đinh Sửu qua có đăng tải những bài cả làng làm nghề ăn xin, thế mà họ xây được nhà, sắm được rađiô, tivi, cátsét... Bởi thế mà làm cho nhiều người bối rối khó nghĩ khi những người ăn xin đến trước cửa nhà mình vì sợ họ “cho mình ăn thịt lừa”.


http://giaophanmytho.net/imgs/imgsbaiviet/ngay%20sau%20se%20ra%20sau%202.JPG


Vâng, nếu chỉ căn cứ và dừng lại nơi vật chất thôi thì khi người nghèo đến nhà giầu thì nhà giầu bình thường là hay e dè so đo tính toán. Nhưng nếu có một tấm lòng vàng, có một tình yêu thương xót cảm nhận từ nơi Chúa thì cho dù mười người đến xin mà có chín người lừa gạt, chả lẽ bỏ một người chân thật đó sao ? Chín người lạm dụng đó mà họ nhận ra được lòng từ tâm của Chúa qua người cho và làm thay đổi đời họ thì hay biết mấy ! Điều quan trọng của người cho là có tỏ lộ được lòng thương xót của Chúa hay chỉ tính toán tiếc xót của cải để rồi khép kín lòng lại. Có sự gì mà không nhận lãnh bởi Chúa ?
Người cho hay bị “cái tôi” phồng trương lên thành một thứ kẻ cả ban phát bố thí mà kẻ nhận phải biết ơn, biết điều ? Và nếu chỉ căn cứ theo vật chất thôi thì người cho bao giờ bàn tay cũng ở trên bàn tay người nhận nên dễ cha chú hách dịch tự mãn. Cõi lòng của người cho đang chứa đựng cái gì ? hay vẫn cứ rỗng tuyếch trống trải, hoặc đầy tự mãn kiêu căng hả hê ? Người nhận được những món hàng thừa mứa có được lấp đầy cõi lòng hay không ? hay chỉ là những con người tội nghiệp thật đáng thương, mà không thành người, không lớn lên được. Căn cứ nơi vật chất như thế mới chỉ cho người ta ăn cá mà không dậy người người ta câu thì cuộc sống còn thú vị gì ?

Người cho chỉ là một phần triệu trong kho tàng của mình thì đáng gì mà phải so đo tính toán để rồi bộc lộ con người keo kiệt bủn xỉn hắc ám của mình ra.
Nếu làm việc bác ái mà chỉ căn cứ vào vật chất thì phải đi tìm đối tượng nghèo khổ chính xác, chuẩn mực nhất mới dám can đảm bỏ ra (bình thường là như thế vì sợ lạm dụng, bác ái phải có đối tượng, tiêu chuẩn của ý muốn người cho). Trên đời này thiếu gì những hội từ thiện, những nhà hảo tâm, những công tác bác ái xã hội, họ tự nguyện bỏ những món tiền kếch sù nhưng họ yêu cầu ta phải làm theo ý muốn của họ và phải để cho họ chứng kiến tận mắt, nghe tận tai, rờ tận tay thì mới đạt yêu cầu của họ. Người chỉ biết cho vật chất đến khi không có vật chất thì chẳng biết cho gì, nếu họ không có một Đức Giêsu sống động. Chính Đức Kitô cũng có kinh nghiệm ấy khi cho dân chúng ăn rồi thì người ta hiểu lầm Người nên cứ chậy đi tìm kiếm Người để Người cho ăn. Cũng nên đọc thêm chuyện ông Phêrô lên đền thờ gặp anh què từ khi lọt lòng mẹ.

Người có tấm lòng từ tâm của Chúa thì sẽ đọc được, biết được những nhu cầu cần thiếu của người nghèo mà không cằn nhằn nhăn nhó khó chịu ta thán phân bua xua đuổi.

Nghèo nàn nhất là nghèo tình thương nên Chúa cho con người Tình Thương yêu âu yếm đến nỗi người ta không muốn, người ta cứ xí gạt ra mà Người thì lại cứ quăng vào.

Đi theo Đức Kitô, lòng thương yêu không so đo tính toán, không cần bức tóc vò đầu để xem nên hay không nên, không phải bận tâm suy nghĩ cân đo đong đếm, không lo phân tích người đó thuộc nhóm nào, lý lịch ra sao, người đó tốt hay xấu, giầu hay nghèo, chức vụ hay cấp bậc nào, có đạo hay vô đạo. Họ có xứng đáng hay không so với con người cao cả của mình, để phê phán loại trừ. Không phải làm việc lành để mình lãnh phần thưởng, không phải phục vụ để mình được vào nước trời.

Điều quan trọng làm cho lòng mình xúc động trước tha nhân. Chạnh lòng thương sẽ quyét sạch những trang sách vở luân lý làm khí giới. Lòng thương xót xóa sạch các tiêu chuẩn đã in sẵn trong đầu óc. Cuộc phán xét cuối cùng theo tiêu chuẩn là lòng từ bi chân thật và đơn sơ mà không có ý định làm việc lành, cũng không có ý định phục vụ người thiếu thốn nhưng vì nhìn thấy chính Chúa Giêsu trong họ. Như thế, các việc mình làm không chủ ý thi hành điều mình học biết, hay áp dụng một lệnh truyền. Và cũng không phải là một vấn đề nhận thức, nhưng là vấn đề hành động, vấn đề tâm can, vấn đề thể xác, vấn đề máu thịt, “không lẩn trốn tha nhân vốn là xương thịt của tôi” (Is 58,7)
Tiếp đến, Đức Kitô không bôn ba bay nhẩy từ nước này qua nước khác, không vội vã đi từ chân trời này đến chân trời nọ, không mạo hiểm đi tới rừng thiêng nước độc... hành trình cứu độ tỏ lộ tình thương ngay trên đường đi. Không tổ chức các hiệp hội, không căng cờ biểu ngữ, không khua trống đánh chiêng. Âm thầm lặng lẽ, lòng bác ái ngay trên đường đi, ngay người bên cạnh. “Người bên cạnh” sẽ không phải do điều luật nào xác định. Đối với Chúa Giêsu, “người bên cạnh” không phải là người đón nhận, nhưng là người biết đến gần, đến cho. Người Samari cũng ngay trên đường đi. Ông không bỏ con đường của mình để đi con đường khác rồi giúp đỡ người khác vì ông đã ấn định, đã lựa chọn. Ngay trên đường đi cũng hiểu là tại chỗ ở với những con người chung quanh trong đời sống thường ngày, biết ứng xử đẹp với những biến cố bất ngờ xẩy đến.

Cuộc hành trình hằng ngày của mỗi người rất tự nhiên không phải lúc nào cũng áy náy ngay ngáy bên mình là phải trang bị chồng chất gồng gánh sẵn những vật dụng đồ ăn thức uống cần thiết, tiền bạc nặng túi, thuốc men hàng tạ. Họ là những người quen sống yêu thương nên có những phản ứng hết sức là tự nhiên ăn sâu trong người. Họ là những người luôn tỉnh thức, bất chợt, biết ứng xử tại chỗ với bàn tay không. Không mang bị gậy hai áo, đừng sắm vàng bạc, hay tiền đồng để giắt cạp quần, không ngựa xe chuyên chở rầm rộ...

Trong Tin Mừng nhiều lần nói đến “động lòng thương” Tất cả hơn nhau ở chỗ biết “động lòng thương”. Cả ba người Tư tế, Lêvi và Samri đều giống nhau là cùng nhìn thấy nhưng chỉ có một người động lòng thương. Tiêu chuẩn của lòng bác ái là không tiêu chuẩn nào. Động lòng thương là thương yêu cách nhưng không, và đi bước trước. Ở đây chấm dứt mọi đầu óc cha chú, đó là mọi người trên mặt đất đều nhận ra mình bị thương, cái vết thương mang trong mình không có khả năng tiếp tục lên đường nếu không có tha nhân. Anh em hãy yêu thương nhau vì tất cả anh em bao lâu còn sống trên đời đều mắc bệnh, bất toàn, hư hỏng, ở tù, đói ăn, thiếu thốn...

Chúng ta cùng bị thương như nhau nên chúng ta có thể thương yêu nhau mà không xấu hổ thẹn thùng, cứ bình tĩnh xin người khác giúp đỡ. Nhưng đồng thời tất cả chúng ta đều phải đi bước trước, cần đến gần người bên cạnh với vết thương của họ.

Một trang sách lạ thường của Bruno Bettelheim - chính ông đã từng trải qua các trại tập trung - nghiên cứu kỹ các tình trạng của nạn nhân và ông kết luận : những người đã cầm cự hay nhất và đã đứng vững lâu nhất chính là những người đã có thể suy nghĩ rằng : “Các đao phủ tiêu diệt biết bao sinh mạng đó, vẫn còn là những con người, họ là những con người như tôi. Tôi có thể trở nên như họ và làm những việc họ đang làm”.

Vâng, lậy Chúa, nếu con được sinh ra trong một gia đình ấy, nếp sống hoàn cảnh môi trường ấy thì con cũng như họ mà thôi. Có phải con đã được xếp vào hạng may mắn nên con có quyền khinh chê xua đuổi người nghèo, người đau khổ không ? Ai đã xếp hạng và ai cho con có quyền ấy ?
... chính tôi là người nghèo, cần đến lòng thương xót của Chúa và của mọi người.

Nguồn: giaophanmytho.net

Lucadien
24-07-2010, 02:25 PM
Nguyện xin cho mọi Ki-tô hữu luôn biết dùng của cải theo Thánh ý Chúa, luôn biết dùng của cải Chúa ban ở đời này để đổi lấy kho tàng trên trời mới là của cải đích thực!