lý hồ bạch
22-07-2010, 09:52 PM
Tôi tên là Chương, năm ấy tôi mười lăm tuổi.
Mùa xuân hoa nở khắp vườn, dập dờn những cánh bướm bay. Cảm giác lãng mạn giăng khắp đất trời. Vào những buổi sáng, tôi thường ngồi ở hiên nhà để nhìn cảnh vật xung quanh. Bầu trời trong xanh hiền dịu. Những tia nắng rón rén xuyên mình qua kẻ lá, trãi dài trên thảm cỏ xanh tươi. Xa xa, đàn bò đang thản nhiên gặm cỏ. Tôi ước mình có thể biết được chúng đang nghĩ gì. Gió xuân phảng phất mang mùi hương của hoa, của đất . Mùi hương ngai ngái như mùi da của chị Hà. Chị Hà là con gái của bà Xoan ở cạnh nhà tôi. Chị ấy có làn da trắng hồng, đôi mắt lúng liếng, mái tóc đen dài rất mượt. Bố chị ấy mất sớm. Bà Xoan ở vậy nuôi con. Hai mẹ con sống bằng nghề dệt vải. Cái nghề tuy vất vả nhưng không phải dãi dầu nắng mưa. Mỗi lần sang nhà tôi chơi, khi đứng bên cạnh, cái mùi hương ấy làm tôi xốn xang, bối rối. Chị hỏi :
- Sao vậy Chương?
Tôi đỏ bừng mặt, không biết trả lời như thế nào. Bởi lúc ấy, tôi chưa biết điều đó là gì. Sau này, khi tôi hiểu ra thì chị đã đi rất xa, rất xa...
Gia đình tôi thuộc vào hạng trung lưu, giàu có nhất làng nhưng các anh chị thường phải lao động vất vả. Đa số họ điều thất học. Bố tôi thường bảo: “ Chữ nghĩa chỉ làm hỏng con người. Nó dạy người ta cách kiếm ăn bằng đôi tay của người khác!” Chỉ có tôi là được học hành tử tế. Có lẽ ông làm như vậy là để “ một lần trong đời” chìu lòng mẹ tôi.
Vào ngày rằm tháng giêng, nhà tôi tổ chức cúng tết Nguyên tiêu rất lớn. Bố tôi mời tất cả bà con trong họ đến dự. Từ sáng sớm, bà nội tôi và chị Hà đã đi chợ mua sắm lễ vật - mỗi lần nhà tôi có việc chị ấy đều sang đi chợ giúp, mẹ tôi ít khi ra ngoài, không quen việc chợ búa. Những người đàn ông tập trung ở góc vườn để làm thịt một con bò. Con vật bị trói chặt đặt trên bàn mỗ. Khi mọi người xúm lại xung quanh và chú Đường, em ruột bố tôi cầm con dao tiến lại gần, nước mắt nó lăn dài trên má. Có lẽ, nó không sợ chết mà chỉ cảm thấy cô đơn và bất lực. Không biết mẹ nó, anh chị em nó giờ đang ở đâu? Có phải chúng đang ăn ở bãi cỏ mà cả đàn đã ăn chiều qua không? Không biết chúng có nhận ra trong bữa ăn sáng nay đã thiếu mất nó không? Chú tôi đâm mạnh con dao vào cuốn họng nó, máu tuôn ra xối xả. Bỗng ngoài cánh đồng, một tiếng bò mẹ rống lên hoảng hốt rồi im bặt. Mọi người lặng nhìn nhau. Con bò giãy lên mấy cái rồi chết.
Đó là một ngày náo nhiệt. Lễ vật bày ra. Hương trầm nghi ngút. Bố tôi áo dài khăn đóng đứng trước bàn thờ gia tiên vái ba vái rồi khấn lầm thầm trong miệng, tôi nghe không rõ lắm. Đại để, bố tôi cầu mong trời đất, tổ tiên phù hộ mọi người trong gia đình năm mới không bệnh tật, mùa màng bội thu... Lễ xong mọi người ngồi vào ăn uống, nói chuyện vui vẻ. Họ nói về công việc đồng áng, về những người ra trận- đất nước hồi ấy đang có chiến tranh. Ông Phương trưởng họ-chúng tôi quen gọi như vậy vì ông làm trưởng họ của họ tôi- tay cầm đôi đũa hua lên hua xuống, vừa ăn vừa nói làm cho thức ăn và lời nói như muốn đánh lộn nhau. Ở góc bên kia, chị Hà đang ngồi ăn với mấy người anh họ tôi, một người trong số họ nói gì đó làm mặt chị đỏ bừng lên. Tôi không thích điều ấy nên bỏ đi ra ngoài bờ phi lao ngồi nhìn cánh đồng xanh trãi dài xa tít. Lúc ấy, tôi có được cái cảm giác tự do trong sự cô đơn của mình. Chú chim sâu cất tiếng hót chế nhạo tôi rồi bay ra giữa không trung. Bỗng, chú thét lên một tiếng và nằm gọn trong bàn chân móng vuốt của con chim cắt từ đâu xà tới. Tim tôi nhói đau. Tôi đứng dậy về nhà. Tiệc tan, mọi người ra về trong men rượu.
Đêm. Bầu trời xanh lồng lộng. Nghìn vì sao lấp lánh. Ánh trăng tỏa khắp không gian. Cả nhà tôi ngồi quây quần giữa sân để ăn bánh. Bố tôi nói:
- Không biết thời buổi này rồi ra làm sao nữa? Lính tráng như một lũ đầu trộm đuôi cướp. Dân chúng nổi dậy chống chính quyền khắp nơi.
Bà tôi hốt hoảng quay đầu về phía bố tôi bảo:
- Coi giữ mồm giữ miệng kẻo mang họa vào thân!
Bố tôi im lặng một lát như đang suy nghĩ điều gì rồi khẽ cười một tiếng bảo:
- Thằng Quân, thằng Quyền-tên hai người anh trai tôi- nhờ có tiền đút lót nên khỏi phải đi lính, chứ nếu đi thì có ngày rồi cũng bỏ mạng nơi đất khách quê người!
Nói xong, ông lại ngồi im lặng. Gió đêm lành lạnh. Tôi ngồi xích lại gần mẹ tôi. Mẹ tôi lặng lẽ nhìn tôi như muốn nói điều gì nhưng lại thôi. Bố tôi buông tiếng thở dài. Một đám mây bay ngang bầu trời che khuất ánh trăng.
Khi cả nhà đã đi ngủ, tôi ra ngồi ở chiếc ghế sau vườn để ngắm trăng. Trăng rằm tròn vành vạnh. Ở trên đó có chị Hằng và chú Cuội. Chị Hằng ở trong cung còn chú Cuội thì ngồi ở gốc cây đa. Tôi không biết họ có đi lại với nhau không? Tôi chưa nghe ai kể về điều đó. Nhưng rồi tôi lại cười thầm cái ý nghĩ trẻ con của mình, bởi ở trên đó làm gì có ai. Vầng trăng đã cô đơn, lạnh lùng như thế hàng mấy mươi thế kỷ. Đang miên man như vậy thì có tiếng bà tôi vọng ra:
- Thằng Chương sao khuya rồi mà chưa đi ngủ?
Lại có tiếng bố tôi trả lời:
- Nó giống mẹ nó. Cứ như lạc loài!
Người ta kể rằng: Thời con gái, mẹ tôi đẹp nhất làng, tính tình hiền dịu đã làm bao chàng trai say đắm. Nhà ông ngoại tôi rất nghèo. Mùa mưa tháng gió thường phải sống bằng tiền vay mượn của ông nội tôi. Nợ mới chồng nợ củ ngày một nhiều thêm. Điều đó đã làm cho gia đình ông ngoại tôi lo nghĩ rất nhiều.
Một hôm, ông nội tôi gọi bố tôi vào và hỏi:
- Mày có muốn lấy con gái nhà ông Tư làm vợ không?
Bố tôi gật đầu. Sau một vài lần qua lại thăm hỏi giữa hai nhà, đám cưới được tiến hành. Mẹ tôi về nhà chồng như một vật được gán đi để trừ nợ cho nhà người ta. Ngày ấy cũng vào mùa xuân, trời lất phất mưa bay, người đưa dâu đến và đi rất vội vàng như tránh nói với nhau điều gì. Sau đám cưới, có một chàng trai bỏ làng ra đi biền biệt không về. Mãi sau này, một hôm, mẹ tôi mới nói với tôi, bà đã nhớ thương người ấy rất nhiều!..
Sang tháng hai, mưa bụi phủ đầy trời, cái lạnh của mùa đông ngang nhiên quay trở lại. Bên kia sông, tiếng súng nổ ngày càng nhiều hơn, cuộc chiến giữa quân chính phủ và những người nổi dậy thật sự đã lan đến rất gần làng chúng tôi. Vào ban đêm, chúng tôi không ai dám rời khỏi nhà. Công việc đồng áng bị bỏ dỡ thường xuyên. Bố tôi rầu rĩ ngồi bên khay ruợu với mấy người bạn hàng xóm mà than vắng thở dài:
- Không biết rồi có qua nổi cái đận này không nữa? Đúng là một đất nước khốn khổ! Hết chiến tranh rồi lại chiến tranh!
Ông Hoàng khẽ vuốt râu cười nói:
- Chính vì vậy mà lịch sử nước ta có lắm anh hùng! Nhưng có một điều lạ là tôi luôn có cái cảm giác họ chỉ là những anh hùng hạng hai!
Ông Hoàng là người nhiều chữ nghĩa, đọc nhiều sách sử Tàu. Thời trẻ đã từng mấy lần đi thi nhưng không đỗ. Buồn bực, ở nhà lấy vợ, làm ruộng kiếm ăn. Thề sẽ chẳng bao giờ dạy ai chữ Nho. Ông thường hay uống rượu. Rượu vào vè ra. Nhiều bài nghe cười đau cả ruột.
Bố tôi nói:
- Ai lại đi xếp hạng cho anh hùng bao giờ? Ông này nói đến là lạ!
Rồi tất cả cùng cười. Bỗng trên con đường làng trước nhà tôi xuất hiện rất nhiều quân lính, họ chạy rất gấp và dừng lại, tản ra bao vây quanh nhà của bà Xoan. Một toán xông thẳng vào nhà. Một lúc sau, tôi thấy chị Hà bị trói gô hai tay lại, đầu tóc rũ rượi và bị kéo đi xồng xộc giữa hai hàng lính. Bà Xoan vật vã chạy theo than khóc thì bị một tên lính xô ngã chúi ra đằng sau. Bố tôi nói:
- Đời thật bất ngờ! Một đứa con gái hiền lành, xinh đẹp là thế!
Tôi bỏ chạy ra sau vườn như không muốn chứng kiến cảnh tượng ấy thêm một phút giây nào nữa. Bầu trời u ám mây bay. Tiếng chó sủa càng ngày càng xa dần. Tôi nhìn về phía chân trời xa xăm, tự nhiên thấy cõi lòng tan nát, tâm trí dường như nhão ra và chảy khắp toàn thân, tôi ngã lăn ra mặt đất...
Khi tỉnh dậy, tôi nằm trên chiếc giường, mẹ tôi ngồi một bên và mừng rỡ thốt lên:
- Lạy Trời! Con đã tỉnh rồi!
Bố tôi đi vào và nói với giọng giễu cợt:
- Con người ta thì bị bắt, con mình lại trúng gió!
Mẹ tôi cúi đầu không nói. Tôi quay lưng ra phía cửa sổ và miên man nghĩ về đời người. Hỡi con người! Mi là ai? Hà cớ chi mà giằng xé nhau hoài vậy? Sao không cho nhau vui được một ngày? Mà có được đâu! Con người là vậy. Suốt đời tìm kiếm nhau để rồi suốt đời cho nhau đau khổ! Bây giờ tôi mới cảm nhận ra rằng, sống với bố tôi, mẹ tôi đã phải âm thầm từ bỏ bản thân mình trong sự im lặng và lãng quên. Bà đã đánh mất mùa xuân của đời mình để rồi cuối cùng tìm được mùa xuân của lòng mình trong sự hiu quạnh, cô đơn. Có lẽ, bà đã tìm được bình an bằng cách đó. Nhiều năm qua rồi, bố tôi đã không hiểu được mẹ tôi nên ông luôn tìm cách làm đau mình và làm đau cả mọi người.
Những ngày tiếp theo, mưa vẫn rơi mù trời, mưa như không dứt, mưa như không thôi...Mưa nghe như hờn, mưa nghe như oán!...
Từ đó, lúc nào, tôi cũng nhớ về chị ấy, vẫn mong được gặp lại chị ấy một lần để nói với chị rằng: “ Em đã yêu chị từ cái lần đỏ mặt ấy!” Mà có được đâu! Vài năm sau đó, tôi nhận được tin chị ấy đã mất ở trong tù. Lúc ấy, chị mới ngoài hai mươi tuổi, cái tuổi mùa xuân của một đời người. Mãi sau này tôi mới hiểu, chị ấy chính là nỗi mất mát lớn nhất đời tôi mà không một người con gái nào bù đắp được. Đời người chỉ cần một lần yêu là đủ để được tất cả và đủ để mất tất cả.
(còn tiếp)
Nguồn: Ngô Quang Hớn (http://violet.vn/quanghon77/user/show/id/1074984)
Mùa xuân hoa nở khắp vườn, dập dờn những cánh bướm bay. Cảm giác lãng mạn giăng khắp đất trời. Vào những buổi sáng, tôi thường ngồi ở hiên nhà để nhìn cảnh vật xung quanh. Bầu trời trong xanh hiền dịu. Những tia nắng rón rén xuyên mình qua kẻ lá, trãi dài trên thảm cỏ xanh tươi. Xa xa, đàn bò đang thản nhiên gặm cỏ. Tôi ước mình có thể biết được chúng đang nghĩ gì. Gió xuân phảng phất mang mùi hương của hoa, của đất . Mùi hương ngai ngái như mùi da của chị Hà. Chị Hà là con gái của bà Xoan ở cạnh nhà tôi. Chị ấy có làn da trắng hồng, đôi mắt lúng liếng, mái tóc đen dài rất mượt. Bố chị ấy mất sớm. Bà Xoan ở vậy nuôi con. Hai mẹ con sống bằng nghề dệt vải. Cái nghề tuy vất vả nhưng không phải dãi dầu nắng mưa. Mỗi lần sang nhà tôi chơi, khi đứng bên cạnh, cái mùi hương ấy làm tôi xốn xang, bối rối. Chị hỏi :
- Sao vậy Chương?
Tôi đỏ bừng mặt, không biết trả lời như thế nào. Bởi lúc ấy, tôi chưa biết điều đó là gì. Sau này, khi tôi hiểu ra thì chị đã đi rất xa, rất xa...
Gia đình tôi thuộc vào hạng trung lưu, giàu có nhất làng nhưng các anh chị thường phải lao động vất vả. Đa số họ điều thất học. Bố tôi thường bảo: “ Chữ nghĩa chỉ làm hỏng con người. Nó dạy người ta cách kiếm ăn bằng đôi tay của người khác!” Chỉ có tôi là được học hành tử tế. Có lẽ ông làm như vậy là để “ một lần trong đời” chìu lòng mẹ tôi.
Vào ngày rằm tháng giêng, nhà tôi tổ chức cúng tết Nguyên tiêu rất lớn. Bố tôi mời tất cả bà con trong họ đến dự. Từ sáng sớm, bà nội tôi và chị Hà đã đi chợ mua sắm lễ vật - mỗi lần nhà tôi có việc chị ấy đều sang đi chợ giúp, mẹ tôi ít khi ra ngoài, không quen việc chợ búa. Những người đàn ông tập trung ở góc vườn để làm thịt một con bò. Con vật bị trói chặt đặt trên bàn mỗ. Khi mọi người xúm lại xung quanh và chú Đường, em ruột bố tôi cầm con dao tiến lại gần, nước mắt nó lăn dài trên má. Có lẽ, nó không sợ chết mà chỉ cảm thấy cô đơn và bất lực. Không biết mẹ nó, anh chị em nó giờ đang ở đâu? Có phải chúng đang ăn ở bãi cỏ mà cả đàn đã ăn chiều qua không? Không biết chúng có nhận ra trong bữa ăn sáng nay đã thiếu mất nó không? Chú tôi đâm mạnh con dao vào cuốn họng nó, máu tuôn ra xối xả. Bỗng ngoài cánh đồng, một tiếng bò mẹ rống lên hoảng hốt rồi im bặt. Mọi người lặng nhìn nhau. Con bò giãy lên mấy cái rồi chết.
Đó là một ngày náo nhiệt. Lễ vật bày ra. Hương trầm nghi ngút. Bố tôi áo dài khăn đóng đứng trước bàn thờ gia tiên vái ba vái rồi khấn lầm thầm trong miệng, tôi nghe không rõ lắm. Đại để, bố tôi cầu mong trời đất, tổ tiên phù hộ mọi người trong gia đình năm mới không bệnh tật, mùa màng bội thu... Lễ xong mọi người ngồi vào ăn uống, nói chuyện vui vẻ. Họ nói về công việc đồng áng, về những người ra trận- đất nước hồi ấy đang có chiến tranh. Ông Phương trưởng họ-chúng tôi quen gọi như vậy vì ông làm trưởng họ của họ tôi- tay cầm đôi đũa hua lên hua xuống, vừa ăn vừa nói làm cho thức ăn và lời nói như muốn đánh lộn nhau. Ở góc bên kia, chị Hà đang ngồi ăn với mấy người anh họ tôi, một người trong số họ nói gì đó làm mặt chị đỏ bừng lên. Tôi không thích điều ấy nên bỏ đi ra ngoài bờ phi lao ngồi nhìn cánh đồng xanh trãi dài xa tít. Lúc ấy, tôi có được cái cảm giác tự do trong sự cô đơn của mình. Chú chim sâu cất tiếng hót chế nhạo tôi rồi bay ra giữa không trung. Bỗng, chú thét lên một tiếng và nằm gọn trong bàn chân móng vuốt của con chim cắt từ đâu xà tới. Tim tôi nhói đau. Tôi đứng dậy về nhà. Tiệc tan, mọi người ra về trong men rượu.
Đêm. Bầu trời xanh lồng lộng. Nghìn vì sao lấp lánh. Ánh trăng tỏa khắp không gian. Cả nhà tôi ngồi quây quần giữa sân để ăn bánh. Bố tôi nói:
- Không biết thời buổi này rồi ra làm sao nữa? Lính tráng như một lũ đầu trộm đuôi cướp. Dân chúng nổi dậy chống chính quyền khắp nơi.
Bà tôi hốt hoảng quay đầu về phía bố tôi bảo:
- Coi giữ mồm giữ miệng kẻo mang họa vào thân!
Bố tôi im lặng một lát như đang suy nghĩ điều gì rồi khẽ cười một tiếng bảo:
- Thằng Quân, thằng Quyền-tên hai người anh trai tôi- nhờ có tiền đút lót nên khỏi phải đi lính, chứ nếu đi thì có ngày rồi cũng bỏ mạng nơi đất khách quê người!
Nói xong, ông lại ngồi im lặng. Gió đêm lành lạnh. Tôi ngồi xích lại gần mẹ tôi. Mẹ tôi lặng lẽ nhìn tôi như muốn nói điều gì nhưng lại thôi. Bố tôi buông tiếng thở dài. Một đám mây bay ngang bầu trời che khuất ánh trăng.
Khi cả nhà đã đi ngủ, tôi ra ngồi ở chiếc ghế sau vườn để ngắm trăng. Trăng rằm tròn vành vạnh. Ở trên đó có chị Hằng và chú Cuội. Chị Hằng ở trong cung còn chú Cuội thì ngồi ở gốc cây đa. Tôi không biết họ có đi lại với nhau không? Tôi chưa nghe ai kể về điều đó. Nhưng rồi tôi lại cười thầm cái ý nghĩ trẻ con của mình, bởi ở trên đó làm gì có ai. Vầng trăng đã cô đơn, lạnh lùng như thế hàng mấy mươi thế kỷ. Đang miên man như vậy thì có tiếng bà tôi vọng ra:
- Thằng Chương sao khuya rồi mà chưa đi ngủ?
Lại có tiếng bố tôi trả lời:
- Nó giống mẹ nó. Cứ như lạc loài!
Người ta kể rằng: Thời con gái, mẹ tôi đẹp nhất làng, tính tình hiền dịu đã làm bao chàng trai say đắm. Nhà ông ngoại tôi rất nghèo. Mùa mưa tháng gió thường phải sống bằng tiền vay mượn của ông nội tôi. Nợ mới chồng nợ củ ngày một nhiều thêm. Điều đó đã làm cho gia đình ông ngoại tôi lo nghĩ rất nhiều.
Một hôm, ông nội tôi gọi bố tôi vào và hỏi:
- Mày có muốn lấy con gái nhà ông Tư làm vợ không?
Bố tôi gật đầu. Sau một vài lần qua lại thăm hỏi giữa hai nhà, đám cưới được tiến hành. Mẹ tôi về nhà chồng như một vật được gán đi để trừ nợ cho nhà người ta. Ngày ấy cũng vào mùa xuân, trời lất phất mưa bay, người đưa dâu đến và đi rất vội vàng như tránh nói với nhau điều gì. Sau đám cưới, có một chàng trai bỏ làng ra đi biền biệt không về. Mãi sau này, một hôm, mẹ tôi mới nói với tôi, bà đã nhớ thương người ấy rất nhiều!..
Sang tháng hai, mưa bụi phủ đầy trời, cái lạnh của mùa đông ngang nhiên quay trở lại. Bên kia sông, tiếng súng nổ ngày càng nhiều hơn, cuộc chiến giữa quân chính phủ và những người nổi dậy thật sự đã lan đến rất gần làng chúng tôi. Vào ban đêm, chúng tôi không ai dám rời khỏi nhà. Công việc đồng áng bị bỏ dỡ thường xuyên. Bố tôi rầu rĩ ngồi bên khay ruợu với mấy người bạn hàng xóm mà than vắng thở dài:
- Không biết rồi có qua nổi cái đận này không nữa? Đúng là một đất nước khốn khổ! Hết chiến tranh rồi lại chiến tranh!
Ông Hoàng khẽ vuốt râu cười nói:
- Chính vì vậy mà lịch sử nước ta có lắm anh hùng! Nhưng có một điều lạ là tôi luôn có cái cảm giác họ chỉ là những anh hùng hạng hai!
Ông Hoàng là người nhiều chữ nghĩa, đọc nhiều sách sử Tàu. Thời trẻ đã từng mấy lần đi thi nhưng không đỗ. Buồn bực, ở nhà lấy vợ, làm ruộng kiếm ăn. Thề sẽ chẳng bao giờ dạy ai chữ Nho. Ông thường hay uống rượu. Rượu vào vè ra. Nhiều bài nghe cười đau cả ruột.
Bố tôi nói:
- Ai lại đi xếp hạng cho anh hùng bao giờ? Ông này nói đến là lạ!
Rồi tất cả cùng cười. Bỗng trên con đường làng trước nhà tôi xuất hiện rất nhiều quân lính, họ chạy rất gấp và dừng lại, tản ra bao vây quanh nhà của bà Xoan. Một toán xông thẳng vào nhà. Một lúc sau, tôi thấy chị Hà bị trói gô hai tay lại, đầu tóc rũ rượi và bị kéo đi xồng xộc giữa hai hàng lính. Bà Xoan vật vã chạy theo than khóc thì bị một tên lính xô ngã chúi ra đằng sau. Bố tôi nói:
- Đời thật bất ngờ! Một đứa con gái hiền lành, xinh đẹp là thế!
Tôi bỏ chạy ra sau vườn như không muốn chứng kiến cảnh tượng ấy thêm một phút giây nào nữa. Bầu trời u ám mây bay. Tiếng chó sủa càng ngày càng xa dần. Tôi nhìn về phía chân trời xa xăm, tự nhiên thấy cõi lòng tan nát, tâm trí dường như nhão ra và chảy khắp toàn thân, tôi ngã lăn ra mặt đất...
Khi tỉnh dậy, tôi nằm trên chiếc giường, mẹ tôi ngồi một bên và mừng rỡ thốt lên:
- Lạy Trời! Con đã tỉnh rồi!
Bố tôi đi vào và nói với giọng giễu cợt:
- Con người ta thì bị bắt, con mình lại trúng gió!
Mẹ tôi cúi đầu không nói. Tôi quay lưng ra phía cửa sổ và miên man nghĩ về đời người. Hỡi con người! Mi là ai? Hà cớ chi mà giằng xé nhau hoài vậy? Sao không cho nhau vui được một ngày? Mà có được đâu! Con người là vậy. Suốt đời tìm kiếm nhau để rồi suốt đời cho nhau đau khổ! Bây giờ tôi mới cảm nhận ra rằng, sống với bố tôi, mẹ tôi đã phải âm thầm từ bỏ bản thân mình trong sự im lặng và lãng quên. Bà đã đánh mất mùa xuân của đời mình để rồi cuối cùng tìm được mùa xuân của lòng mình trong sự hiu quạnh, cô đơn. Có lẽ, bà đã tìm được bình an bằng cách đó. Nhiều năm qua rồi, bố tôi đã không hiểu được mẹ tôi nên ông luôn tìm cách làm đau mình và làm đau cả mọi người.
Những ngày tiếp theo, mưa vẫn rơi mù trời, mưa như không dứt, mưa như không thôi...Mưa nghe như hờn, mưa nghe như oán!...
Từ đó, lúc nào, tôi cũng nhớ về chị ấy, vẫn mong được gặp lại chị ấy một lần để nói với chị rằng: “ Em đã yêu chị từ cái lần đỏ mặt ấy!” Mà có được đâu! Vài năm sau đó, tôi nhận được tin chị ấy đã mất ở trong tù. Lúc ấy, chị mới ngoài hai mươi tuổi, cái tuổi mùa xuân của một đời người. Mãi sau này tôi mới hiểu, chị ấy chính là nỗi mất mát lớn nhất đời tôi mà không một người con gái nào bù đắp được. Đời người chỉ cần một lần yêu là đủ để được tất cả và đủ để mất tất cả.
(còn tiếp)
Nguồn: Ngô Quang Hớn (http://violet.vn/quanghon77/user/show/id/1074984)