PDA

View Full Version : "ÔNG CỐ - GIÁM MỤC NGƯỜI CÙI" - ĐỨC CHA JEAN CASSAIGNE



dominico_dung
01-08-2010, 02:50 PM
ĐỨC CHA JEAN CASSAIGNE



"ÔNG CỐ - GIÁM MỤC NGƯỜI CÙI"


https://thanhcavietnam.net/ThanhCaVN/?url=Download,4236,RP89-A57B32CE64299B10





https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/BiaSach.jpg



Bìa sách







Nguyên tác: "Grand Monsieur, L'Évêque Lépreux"



Tác giả: Linh Mục Dom Jacques-Marie Guilmard, Đan Viện Solesmes, Pháp



Bản dịch Việt ngữ: CVK Giuse Nguyễn Thế Bài




* Nguồn chính: http://xuanbichvietnam.wordpress.com/, cùng các sưu tầm thêm trên Internet và trình bày.
* Xin mời xem thêm hình ảnh tư liệu do các thành viên Diễn đàn TCVN thực hiện:https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=19428

* Quý vị có thể chép về:



Chép về file .pdf để tiện xem (click (https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/DGM_JeanCassaigne.pdf))



Chép về file .doc để có thể hiệu chỉnh và in ấn (click (https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/DGM_JEAN-CASSAIGNE.doc))

dominico_dung
01-08-2010, 02:54 PM
https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui.jpg







Lời ngỏ




Năm 2004, nhận được"tệp tin"(file) từ Linh mục Philipphê Nguyễn-Hữu-Tiến, M.E.P phục vụ tại Đài Loan và sau đó là cuốn"Grand Monsieur"do chính tác giả là linh mục Dom Jacques-Marie GUILMARD, Đan viện Solesmes, Pháp, gửi tặng.

Với tâm tình những người dân Việt-Nam biết ơn về những hy sinh to lớn của vị thừa sai và sự gắn bó của Ngái với đất nước nầy, nhất là với những con người bị xã hội ruồng bỏ, lánh xa - NHỮNG NGƯỜI CÙI, - chúng tôi muốn giới thiệu những trang sách đơn giản, nhưng khá gọn gàng, đầy đủ nầy do Cha Dòng Solesmes nỗi tiếng, Dom J.M Guilmard đã viết về cuộc đời "ÔNG CỐ"- ĐỨC CHA JEAN CASSAIGNE, tên Việt là Gioan Sanh – nguyên Giám Mục giáo phận Sàigòn, Vị thừa sai sau bao khó nhọc xây dựng Giáo Hội, đã nằm lại giữa con cái bệnh nhân phong cùi của Ngài ở Trại Cùi Di Linh, Lâm Đồng, bản thân cũng nhiễm căn bệnh quái ác nầy. Xin được như một nén hương trầm, thắp lên để cám ơn Vị Tông Đồ và ước mong một ngày không xa, tên của Ngài sẽ nằm cạnh tên Cha ĐAMIANÔ mà Giáo Hội tôn vinh hiển thánh vào ngày 11.10.2009, tức là đúng một tuần khi chúng tôi gửi bản dịch nầy tới mọi người, vì rút cuộc, đời sống theo tinh thần Phúc Âm, làm chứng nhân cho Chúa Kitô và đem Chúa đến cho mọi người, của Cha Thánh Đamianô, của Giám Mục thánh thiện Jean Cassaigne-Sanh hay của mỗi người trong chúng ta, cũng là để Danh Chúa được hiển vinh.






Ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi (mừng trước) Chuá Nhật 04.10.2009



CVK Giuse Nguyễn-Thế-Bài

dominico_dung
01-08-2010, 02:58 PM
https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_00.jpg



(Ảnh: theo nguồn chính)







CHƯƠNG 1



TUỔI THƠ





https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_01.jpg



(Ảnh: theo nguồn chính)




Ngày 30 tháng 1 năm 1895, tại Grenade-trên sông Adour trong miền Landes (Pháp) một cậu bé tên là JEAN CASSAIGNE đã chào đời. Chúng ta đang ở xứ Gascogne, xứ sở của Ba Chàng Ngự Lâm, xứ sở của lòng quảng đại và tính vui tươi. Ở đó có rất nhiều nhà thừa sai. Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy họ đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới: họ vừa hạnh phúc nhìn thấy thêm một cháu trai mới và hãnh diện về đức tin của mình, đến độ muốn đem chia sẻ cho tất cả mọi người.

Jean là con một của ông Joseph Cassaigne, một thương gia buôn bán rượu nho và của một bà mẹ xinh đẹp tên là Nelly. Song thân Cậu yêu thương Cậu rất mực. Bà của Cậu, vốn là mẹ đỡ đầu của Cậu, cũng hết sức âu yếm Cậu, mặc dù Bà nhận thấy cậu bé thật tinh nghịch.

“Tôi làm những gì tôi muốn về Jean, song nó thật không chịu đựng nổi", Bà của cậu đã nói như thế. Và cậu bé trả lời :"Bà nghiêm khắc đấy, nhưng cháu làm những gì cháu thích”.

Với óc tưởng-tượng – thứ mà Jean có rất nhiều – con suối của làng có thể trở thành sông Hudson hoặc sông Mississipi và được Cậu dùng cho các cuộc thám hiểm của người da đỏ. Cậu và các bạn nhỏ của Cậu khi thì làm người da đỏ Hurons, lúc lại thành dân da đỏ Iroquois. Một ngày nọ, Mắt-Chim-Ưng – chính là Jean – nằm cho trôi trên sông Mississipi, trong người vẫn mặc quần áo, như một tử thi, để tránh bị kẻ địch cầm tù. Cư dân Grenade, khi nhìn cảnh tượng nầy, không tưởng tượng được đó là chuyện về người Da Đỏ. Họ hoảng hốt chạy tới vớt cậu bé lên, trong khi cậu ta dẫy dụa và trách cứ người lớn là chẳng hiểu gì hết : "Đó chỉ là trò chơi thôi mà!". Trò chơi, có thể lắm, nhưng dù vậy, cậu bé đã bị bố Cậu cho một trận đòn nhớ đời.

Jean đạo đức và ngay thẳng, linh lợi và vui tươi như một sinh vật hạnh phúc vì được sống.

dominico_dung
01-08-2010, 03:01 PM
CHƯƠNG 2



NẨY SINH ƠN GỌI



LINH MỤC VÀ THỪA SAI





https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_02.jpg



(Ảnh: sưu tầm)




Jean, cậu bé tinh quái, thích những sách về phiêu lưu mạo hiểm. Cậu đọc những sách về người Da Đỏ ở Châu Mỹ. Cậu cũng đọc ngấu nghiến các chuyện kể về các Vị thừa sai, sau khi khám phá trong một nhà kho mà Cậu hay tới ẩn nấp, những cuốn sách làm Cậu say mê. Trong một cái rương hòm, có bộ sưu tập những Biên Niên Sử Về Truyền Bá Đức Tin, kể lại cuộc đời những nhà truyền giáo đã sang Châu Phi, Châu Á và cả Bắc Cực rao giảng Tin Mừng cho các dân. Cậu đọc ngấu nghiến những chuyện kể về Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), một linh mục Dòng Tên người Pháp đã sang Viễn Đông, trong một miền mà ngày nay gọi là Việt-nam. Đó là một miền đất xa xôi, nhưng từ năm 1906, Jean có những tấm bưu thiếp đến từ đó. Cậu mê mẫn nhìn nét chữ Tàu kỳ bí in ở trên bưu thiếp. Những tấm bưu thiếp nầy là cả một gia tài đối với Cậu. Năm ấy Cậu lên 11 tuổi.


“Và nếu chính mình trở thành thừa sai thì sao nhỉ?"

Cậu tự nhủ như thế! Ý tưởng ấy cứ quay đi quẩn lại thường xuyên trong đầu của Cậu. Mẹ cậu đã dạy Cậu những kinh nguyện đầu tiên. Được ở trong ban ca đoàn, Jean thích giúp lễ. Những khi ấy, Jean rất nghiêm trang. Làm cho người khác nhận biết Chúa Giêsu, dạy các dụ ngôn và đi tận cùng thế giới, ý tưởng nầy cứ lởn vởn trong Cậu.


"Mẹ mình sẽ nghĩ thế nào về chuyện ấy nhỉ?”

Năm 1907, Jean được rước lễ vỡ lòng . Đó là dịp để Cậu hỏi mẹ. Một chút trước khi nghi lễ bắt đầu, Cậu cho mẹ biết ước ao của Cậu được làm linh mục và thừa sai. Mẹ cậu bắt đầu khóc. "Tại sao mẹ lại khóc, hả mẹ? Nên linh mục và thừa sai, là một ơn gọi tuyệt vời đấy chứ !”. Thật sự, Bà Nelly Cassaigne không khóc vì ân hận, mà khóc vì hạnh phúc khi biết con bà được Chúa gọi. Jean cảm thấy mẹ thấu hiểu Cậu và được mẹ nâng đỡ vô bờ. Nhưng bà cũng báo cho cậu biết là cha cậu sẽ chẳng muốn cho Cậu một tương lai như vậy, đứa con một mà ông ấy yêu thương, nhưng lại muốn Cậu sẽ kế nghiệp ông.

Bà Nelly Cassaigne bị bệnh lao phổi nặng. Jean rất đau khổ về điều ấy. Khi Cậu rước lễ vỡ lòng, mẹ Cậu đã không thể có mặt tham dự. Các tuần lễ kế tiếp thật buồn bã. Thỉnh thoảng Bà nội lại đưa Cậu xa khỏi căn phòng Mẹ cậu nằm. Bà cố gắng an ủi Cậu. Nhưng Nelly Cassaigne đã từ trần ngày 18 tháng 8 năm 1907.

Jean sẽ luôn gắn bó với người mẹ và Cậu cầu xin Đức Trinh Nữ Maria hằng ngày với chuỗi hạt mà mẹ Cậu để lại. Lòng tôn sùng của Jean đối với Đức Maria luôn trung kiên và sâu thẳm.

dominico_dung
02-08-2010, 06:30 PM
CHƯƠNG 3



HỌC VIỆC BUÔN BÁN RƯỢU





https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_03.jpg
(Ảnh: sưu tầm)


Vào năm học 1907, Jean được gửi đến Saint-Sébastien ở Tây-Ban-Nha, trong một trường trung học kỹ thuật do các sư-huynh Lasan điều hành. Cậu phải học nghề của bố. Cậu sẽ là nhà buôn rượu, ít ra là cha cậu nghĩ như thế. Các học sinh trong trường hầu hết là người Pháp. Nhưng đạo luật chống Kitô-giáo của năm 1901 đã buộc các tu-sĩ biệt xứ khỏi nước Pháp và định cư bên kia biên giới. Cậu bé hài lòng về chỗ ăn học, nhưng cậu thiếu vắng mẹ, sự xa cách bố dần dà biến chuỗi ngày nầy thành một thời gian thử thách và càng hơn nữa khi nghề kế toán mà một thương gia tương lai phải học, lại không phải là thế mạnh của cậu. Điều làm Jean đau khổ nhất, là không được chuẩn bị bản thân cho tương lai linh mục và nhà thừa sai của cậu. Tất nhiên, Jean biết cười và làm cho kẻ khác cười vui. Về điểm nầy thì cậu chẳng hề thay đổi.

Trong suốt giờ học một ngày Chúa Nhật nọ năm 1908, các học sinh nội trú tỏ ra khá kích động sau một cuộc đi dạo chơi. Sư huynh Zéphyrin canh chừng chúng. Về phần Jean Cassaigne, như mọi tuần, khoe với anh bạn hàng xóm tấm bưu thiếp xứ Bắc Kỳ nổi tiếng của cậu, chẳng mấy chốc mà tấm bưu thiếp chuyển từ hộc bàn nầy sang hộc bàn khác kèm theo những tiếng thì thầm nhỏ. Vị Sư-huynh đã nhìn thấy hết, liền can thiệp: "Đưa cho Sư-huynh tấm bưu thiệp. Sư huynh tịch thu nó!”.

Các học trò lại tiếp tục học, nhưng Jean thì không tài nào học được nữa. Cậu nghĩ về tấm bưu thiếp. Cuối giờ học, Cậu đi tìm gặp vị sư-huynh để đòi lại, không có vẻ lịch sự lắm:

- Trả lại cho trò ư? Nhưng điểm hạnh kiểm của trò rất xấu – vị sư huynh trả lời – và tấm thiếp nầy có gì đặc biệt nào?
- Nhưng thưa Sư-huynh, nó đến từ Bắc Kỳ. Điều đó quan trọng với con.
- Tại sao?
- Vì con sẽ làm thừa sai và một ngày kia con sẽ đi sang xứ Bắc Kỳ.

Sư huynh Zéphyrin bị ấn tượng bởi giọng nói chân thành của Cậu, đã trả tấm bưu thiếp lại cho Cậu và cho Cậu học trò chuồn đi. Cậu Jean hân hoan vì đã lấy lại được tài sản.

Nhưng dù vậy Jean vẫn càng ngày càng hiếu động và lơ đãng. Vị Sư Huynh đã nhìn thấy rõ dưới bề ngoài hời hợt của cậu bé, một con tim ngay thẳng và sâu xa. Sư huynh cố gắng bảo vệ Cậu, nhưng năm kế đó, Sư Huynh Hiệu-Trưởng nhận thấy Cậu rất ít tiến bộ, đã không đồng ý nhận Cậu lại. Jean và Bố phải quay về, từ Saint-Sébastien đến Grenade, không ai trao đổi lời nào, trong sự im lặng nặng nề. Bố Cậu không hài lòng. Ông thương cậu con trai và cậu cũng yêu bố, nhưng ông vẫn chưa chấp nhận ơn gọi của cậu. Phải chia cắt với đứa con trai là cả một hy sinh quá to lớn đối với ông. Ông sẽ hy sinh, nhưng còn phải cho ông thời gian.



***********

Và thế là Jean Cassaigne bắt đầu học việc buôn bán rượu bên cạnh bố. Cậu duy trì thói quen đi xe đạp và trong các cuộc đua, Cậu thường về nhất. Cậu dần đi vào cuộc sống trưởng thành. Đó là một chàng trai nhảy tuyệt vời đưa tay mời Angèle hoặc Ferdinande với nụ cười mê ly nhất. Cha cậu tặng cho Cậu một khẩu súng, hy vọng rằng thú đi săn sẽ xóa tan ý tưởng điên rồ muốn đi đến tận cùng thế giới kia. Dù vậy ông bất chợt thấy chàng trai trẻ đang lần chuỗi hạt trong góc hầm rượu. Joseph bị đánh động bởi vẻ trang nghiêm ấy, nhưng ông giả vờ như không thấy gì. Jean thấy thời gian trôi qua chậm chạp. Bán rượu, không, việc nầy chẳng phải là công việc của Cậu! Sự kém hứng thú về nghề buôn bán đã khiến Cậu phạm nhiều vụng về lóng ngóng. Bố cậu mất kiên nhẫn. Ông cảm thấy ông không thể ngăn đứa con trai vuột khỏi mình.

Một hôm, Jean đã phạm một điều vụng về nghiêm trọng hơn. Số là khi cậu phải đánh sang tỉnh bên cạnh, Mont-de-Marsan, một cỗ xe ngựa chở một thùng rượu lớn, lọai Saint-Emilion, thì con ngựa trượt chân. Chiếc xe đổ nhào. Jean nhảy mau xuống và tìm cách gỡ con ngựa đang nằm kẹt giữa hai càng xe, nhưng thùng rượu lớn đã bị bật nắp do chấn động mạnh và lọai rượu qúy chảy tràn cả mặt đường. Ông bố giận cành hông: "Cỡ như mầy chỉ làm được ông một cha xứ mà thôi!".

Joseph Cassaigne đành để cậu con trai theo tiếng gọi của Chúa. Phản ứng nầy chẳng qua chỉ là cách để ông khỏi mất thể diện. Ông thất bại, nhưng lại không muốn thú nhận điều ấy công khai, bởi như thế tức là nói Jean không có khả năng trở thành nhà buôn rượu. Về phần người bố, sự đau buồn vì chia ly với cậu con trai sẽ còn kéo dài rất lâu.

dominico_dung
02-08-2010, 06:33 PM
CHƯƠNG 4



NGƯỜI CHỦNG SINH



THẾ CHIẾN THỨ NHẤT





https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_04.jpg



(Ảnh: sưu tầm)



Tất nhiên là Jean không trở thành thừa sai ngay. Cậu phải học bù lại các môn học Cậu chậm trễ, học tiếng la-tinh, thần học, v.v… Cậu muốn gia nhập Hội Thừa Sai Paris mà Cậu thuộc lòng địa chỉ từ lâu: 128, Phố du Bac, Paris 7e

Một Trường Thừa Sai đón nhận Cậu năm 1913 học một năm chăm chỉ và bình yên. Ngôi trường nằm ở Saint-Lô, vùng Normandie. Jean vui sướng vì đã tìm được con đường của mình.

Mùa Đông đến, khi trời đổ mưa và trở gió, Jean thấy nhớ cái nắng ấm vùng Grenade. Cậu tự phân công mình làm "người sưởi ấm" cho phòng học. Mọi người có thể yên trí: lửa không bao giờ tắt trong bếp lò.

Nhưng năm học sau mau chóng bị gián đoạn. Chiến tranh chống nước Đức nổ ra ngày 2 tháng 8 năm 1914. Tất cả nhân dân Pháp – người trẻ và người không còn trẻ – đều vùng đứng lên trong một "liên minh thần thánh" chống lại kẻ thù xâm lăng. Đó là khởi đầu của "Thế Chiến Thứ Nhất" sẽ kéo dài 4 năm, từ 1914 – 1918. Jean gia nhập quân đội dù chưa đủ tuổi, tình nguyện chiến đấu cho đến hết chiến tranh. Cậu sẽ ở trong quân ngũ 5 năm. Nhờ đó cậu biết đời sống trong các chiến hào lạnh lẽo và ẩm ướt, đào sâu trong lòng đất, ở đó người lính cố gắng để tránh thoát đạn pháo của quân Đức. Các cuộc chiến đấu thật gian nan, chết người và vô ích: chiến tranh giam hãm.

Một bác sĩ giải phẩu quân y cần một y tá. Jean tình cờ có mặt ở đó và Cậu được thâu nhận. Trong nhiệm vụ nầy, cậu chứng kiến những đau thương tột cùng, vì các binh sĩ thỉnh thoảng bị thương rất nặng. Jean học được sự can trường thể chất và chín mùi cái nhìn Kitô-giáo về sự sống và sự chết. Cậu thấy các binh sĩ quảng đại hiến sự sống mình cho tổ quốc; các Kitô-hữu phải quảng đại dâng sự sống cho con người và cho Thiên Chúa. Tất cả điều ấy có một ý nghĩa, vì mục đích con người sống trên trái đất chính là đời sống vĩnh cữu trên trời. Chịu đau khổ chính là dịp hy sinh để dâng cho Chúa.Nếu ta dâng đau đớn cho Chúa, thì đau đớn không ngăn cản ta được hạnh phúc, trái lại là đằng khác.

Một thương binh bị cụt một chân và Jean Cassaigne cầu nguyện thế nầy : "Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin hãy cất mạng sống con, con dâng mạng sống con cho Chúa. Nhưng nếu con còn sống, thì xin Chúa giữ cho con đôi chân để con có thể trở thành nhà thừa sai".Từ năm 1916, Jean làm công tác người đạp xe của bộ chỉ huy, với nhiệm vụ mang các chỉ thị vượt qua các chiến tuyến. Cậu sử dụng và làm hư cả thảy 11 chiếc xe đạp cho công tác nầy. Đó là một công tác đòi hỏi sự tháo vát và lì lợm. Cậu phải vượt qua giữa lằn đạn quân thù, trong một vùng bị chiến tranh tàn phá.

Sau cùng, nước Pháp đã chiến thắng và ngày11 tháng 11 năm 1918, Hiệp Ước được ký kết. Jean Cassaigne thấy mình được gắn huy chương chiến tranh : ANH DŨNG BỘI TINH. Nhưng chàng còn phải chờ cho đến tháng 9 năm 1919 mới được trở về nhà ở Grenade. Khi sắp ra đi, chàng lái xe đạp đi gửi trả chiếc cuối cùng của chàng: nó còn sử dụng được. Đó là chiếc thứ 12 !

Qua cuộc thử thách lớn lao nầy, Jean Cassaigne đã đạt đến sự trưởng thành nhân cách toàn vẹn. Chàng sẽ cống hiến hết mình khi đến dâng mình làm thừa sai. Nhưng trước khi lên đường, chàng trai phải lấy lại chỗ của mình ở Saint-Lô để tựu học năm 1919. Có đông những học sinh vùng Landes và Basques; giờ ra chơi, họ lập thành một nhóm chơi banh ném hằng ngày không biết mệt mỏi. Sau đó, chàng trai đến ở Chủng-viện Hội Thừa Sai Paris để tiếp tục học thần học. Chàng dậy sớm: 5 giờ sáng! Xuống đến chân cầu thang, chàng dừng lại một lát trước tượng Thánh Théophane Vénard. Chàng xin Chúa: "Lạy Chúa, xin hãy làm cho con xứng đáng dõi bước theo thánh nhân!"

Chàng thường giúp lễ cho một linh mục vừa trở về từ Trung-Quốc hoặc Nhật-Bản. Chủng viện là trung tâm của một sinh họat truyền giáo dày đặc và mỗi ngày đều nhận được những lá thư đến từ Châu Á, được viết bằng tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên, tiếng Cam-bốt, tiếng Thái…

Cuối cùng, thứ bảy ngày 19 tháng 12 năm 1925, Jean Cassaigne thụ phong linh mục trong nhà nguyện chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Chàng trở thành: "Cha Cassaigne”.

Ông Joseph Cassaigne có mặt trong ngày lễ và hãnh diện về cậu con trai của mình.

Thứ Tư, ngày 6 tháng 4, tiếp đó, nghi lễ đưa tiễn chính thức diễn ra. Người ta gióng quả chuông đã được mang từ Trung Hoa về vào thế kỷ 18. Trong nhà nguyện, ca đoàn xướng lên bản hát do Charles Gounod sáng tác. Mười vị thừa sai sắp ra đi, sắp hàng ngay bàn thờ. Cha Bề Trên, các giáo sư, các chủng sinh, thân nhân diễu hành qua trước mặt họ, qùy gối và hôn chân những kẻ sắp đăng trình rao giảng Phúc Âm.

Tân linh mục được phái đến Sài Gòn (ngày nay là thành phố Hồ Chí Minh), ở Nam Kỳ, phía Nam của nước Việt-Nam hiện tại. Cha Jean Cassaigne đã thực hiện được ước mơ thời thơ ấu: trở thành linh mục và thừa sai. Thiên Chúa đã đặt trong tim Ngài ơn gọi phụng sự Chúa và giúp đỡ mọi người. Những giai đọan thật khác biệt của thời tuổi trẻ bỗng nên ăn khớp rõ ràng trong một sự nhất thống làm nên ơn gọi thừa sai nơi cha Cassaigne. Với cha, hiển nhiên là bàn tay Chúa hành động trên từng giây phút cuộc đời cha. Mỗi người, dù nam hay nữ, phải tìm cách để nhận ra hành động của Chúa trong tất cả mọi biến cố cuộc đời mình.

dominico_dung
03-08-2010, 09:34 AM
CHƯƠNG 5



SỨ VỤ THỪA SAI TẠI NAM-KỲ




https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_05.jpg


Buổi đầu của Cha Jean Cassaigne tại Djirin (Di Linh)



(Ảnh: sưu tầm)




Cha Cassaigne được giao nhiệm vụ gì và ngày 5 tháng 5 năm 1926, Ngài đến nơi nào?

Việt Nam (lúc ấy người ta chưa dùng tên nầy) nằm ở đông-nam Châu Á. Phía Bắc giáp Trung-Hoa, phía đông và phía nam giáp biển, ở phía tây giáp Lào và Cao-Miên.

Miền bắc Việt Nam gọi là Băc-Kỳ (Tonkin, chính là vùng ngày trước Jean nhận được bưu thiếp gửi về); miền Trung là xứ Annam; phía nam gọi là Nam-Kỳ (Cochinchine) với thủ đô là Sài Gòn. Lào, Cao-Miên và 3 Miền của Việt-Nam thành lập Đông-Dương Pháp, với danh nghĩa là thuộc địa hay là đất bảo hộ. Người Pháp thường dùng chữ "người An-Nam" để chỉ về dân Việt-Nam. Người An-Nam chỉ cư ngụ ở các vùng thấp trũng gần các sông ngòi và ven biển. Họ tránh những vùng núi nhung nhúc muỗi mòng truyền bệnh sốt rét hết sức hãi hùng.

Các linh mục Dòng Tên đã đem Kitô-giáo đến vùng Đông-Nam-Á ngay đầu thế kỷ thứ 17. Các linh mục Hội Thừa Sai Paris và các Cha Dòng Đaminh người Tây Ban Nha kế tục họ. Giáo hội địa phương từ lâu đã chịu nhiều cuộc bắt bớ tệ hại. Năm 1926, các vị thừa sai, nhất là các Cha thuộc Hội Thừa Sai Paris, rất đông. Các Vị cộng tác với hàng giáo sĩ An-Nam dồi dào ơn gọi. Công-giáo ở trong các làng mạc và trung tâm rất sống động, chiếm khoảng 10% dân số.

Việt-Nam nằm trong vùng nhiệt-đới, nóng, rất nóng. Dân chúng che ánh nắng mặt trời cháy bỏng bằng cách đội lên đầu một loại nón hình chóp. Khi đến mùa mưa, những cơn giông lắm khi trút xuống như thác đổ. Vì vậy mà có nước ở khắp mọi nơi. Trên các con kênh lạch nối các nhánh của sông cái Mekong, giao thông rất nhộn nhịp : thuyền buồm, tàu hơi nước, ghe có mui, thuyền độc mộc. Cây cối phong phú không giống chút nào với vùng Landes: những cây tre khổng lồ và những cây lá buông thật cao, những cây chuối với lá rộng bản và những cây mít trĩu nặng trái to lớn. Rất nhiều lọai cây cối mà Cha Cassaigne chưa hề biết. Thảm thực vật cũng rất đa dạng. Ra khỏi các thành phố, thì nhà cửa được lợp bằng lá, tre làm thành hàng rào. Có người Pháp nào mà chẳng ngán sợ khi phải đi qua những cái "cầu khỉ", những cầu di động làm bằng dây bện lại, treo lơ lửng trên các kênh rạch?!

Trong những vùng thuộc đồng bằng, là những ruộng lúa thẳng cánh cò bay, ở đó đàn ông và rất đông phụ nữ cấy lúa, chân tay đều ngâm trong nước.

Cha Cassaigne được Đức Giám-mục Sài Gòn tiếp đón và sai đi đến một giáo xứ vùng quê để học tiếng Việt. Ngôn ngữ nầy làm người Tây-phương ngạc nhiên vì giọng nói và tính độc âm. Cha Cassaigne học rất nhanh, nhưng Ngài không hài lòng với việc coi sóc một giáo xứ toàn tòng, vì một thừa sai thì phải mang Tin Mừng cho những kẻ chưa tiếp nhận được Phúc Âm.

Chỉ mấy tháng sau, Giám mục của Ngài cử Ngài đi thành lập điểm truyền giáo Di Linh (Djiring) trên Cao Nguyên, cách Sài Gòn 170 cây số về hướng đông-bắc. Vùng núi non nầy chia tách Nam Kỳ với Cao-Miên. Mới non một nửa thế kỷ, các bản đồ để trống vùng nầy với ghi chú: "các vùng đất hoang sơ". Ở đó sinh sống những người "Mọi" hay "người bán khai". Đó là những dân tộc rất đa tạp, cư ngụ trên các vùng cao nguyên nầy đã từ rất lâu. Ở đó có những người da đen tóc xoăn có thể có họ hàng xa với người Papou. Quanh Di Linh, sinh sống người Srê và người Mạ. Họ tránh xa những tiến bộ kỹ thuật và sự phát triển văn hóa của họ rất đơn sơ. Đàn ông và phụ nữ của các bộ lạc nầy có bản tính tự nhiên rất hiền lành và hòa nhã, lại rất hiếu khách. Chưa có người ngọai quốc nào học ngôn ngữ của họ, tiếng Kôhô (K'Hor). Không có tự điển, bởi vì người dân tộc không hề biết đến chữ viết.

Đối với Cha Cassaigne, đây là cái mới mẻ. Đúng là một sứ vụ cho một vị thừa sai. Sự thích nghi sẽ mất nhiều thời gian, nhưng Cha rất hạnh phúc. Những khó khăn có thể tiên đoán được chẳng làm Cha sợ hãi, vì "chịu đau khổ không ngăn trở người ta có hạnh phúc”, như chính Cha đã viết.

Ngài đến nhiệm sở mới vào tháng Giêng năm 1927 . Trung tâm của xứ đạo là một xóm nhỏ gọi là Djiring. Trong căn phòng lớn nhất của ngôi nhà mới của Ngài, Ngài đặt làm nhà nguyện. Đó là nơi Ngài sẽ dâng thánh lễ: "Lạy Chúa, Chúa đang ở nơi nhà Ngài đây!”.

Ngài máng khẩu súng trên một bức tường. Một vị thừa sai đã tặng súng cho Ngài, quả quyết Ngài sẽ dùng tới nó: "Cho dù chỉ là để giết mấy con hổ”. Trên ngọn đồi đối diện, vị linh mục nhìn thấy những ngôi nhà lợp rạ của người dân tộc. Những cái chòi nầy với hai mái nhọn thẳng, được xây trên mấy cái cọc. Người ta trèo lên sàn nhà bằng một cái thang đẽo qua loa.

Làm thế nào để tiếp cận với người dân tộc? Kẹo cho bọn trẻ, tất nhiên rồi. Thuốc sợi cho người lớn, đàn ông và đàn bà, vì nơi nầy, mọi người đều hút thuốc ngay từ khi còn rất nhỏ. Chỉ một thời gian rất ngắn, Cha Cassaigne được mọi người đánh giá cao, đến mức ông chủ làng đã mời Ngài uống, trong một cái ché chung, thứ rượu gạo mà người dân tộc say mê. Nhưng chính bọn trẻ mới là những người thầy đầu tiên dạy tiếng Kôhô cho vị khách mới đến. Vạn sự khởi đầu nan. Dần dà, vị thừa sai tiến bộ và có thể xuất bản một cuốn tự điển ngắn gọn. Nhưng Ngài còn phải mất bao nhiêu thời gian nữa để thật sự có thể nói về Chúa bằng ngôn ngữ nầy?

dominico_dung
03-08-2010, 09:37 AM
CHƯƠNG 6



BỆNH PHONG (CÙI)





https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_06.jpg



(Ảnh: sưu tầm)



Người dân nơi đây rất đơn sơ. Y phục của họ bị đơn-giản-hóa tối đa: đàn ông chỉ bận một cái khố quấn quanh hông, phủ ra trên đùi phía trước; đàn bà thường thì mặc váy, nhưng thỉnh thoảng lại cuộn mền. Người dân tộc thường ăn uống rất kém vì thiếu tiên liệu, bởi người Thượng sản xuất ít lương thực. Bệnh tật thì nhiều, nhất là sốt rét (với những cơn sốt) do muỗi truyền bệnh. "Tại sao Ông Noe lại cho lên tàu cái giống muỗi mòng nầy nhỉ?”. Cha Cassaigne tự hỏi. Những cơn sốt gây ra những cơn đau đầu dễ sợ, những cơn ớn lạnh dữ dội, những cảm giác nóng lạnh. Người nào cố đứng dậy, sẽ bị chóng mặt quay cuồng. Những cơn sốt quật ngã cả những người hùng dũng nhất và thỉnh thoảng giết chết họ. Nhưng căn bệnh đáng sợ nhất lại là BỆNH PHONG CÙI. Đó là một tai ương mà nhân loại chịu đau khổ từ lâu. Trong Phúc Âm, bệnh phong cùi được dùng làm ví dụ để chỉ tình trạng tội lỗi gậm nhắm linh hồn. Quả thật, nó tấn công da và hủy hoại các chi thể con người. Những ngón tay rụng dần. Mắt hết thấy đường. Người bệnh phong cùi chứng kiến mình bị hủy hoại từ từ. Những cách chữa trị hiệu quả chưa có thời ấy.

Cha Cassaigne bắt đầu đi thăm các thôn ấp quanh vùng Di-Linh. Nhờ cái bọc thuốc tây, Ngài sơ cứu nhiều bệnh nhân và băng bó cho họ. Ngài chiếm được lòng tin của tất cả mọi người. Các bệnh nhân phong đến nhà Ngài nhận sự chăm sóc chữa trị và chút ít thức ăn. Nhiều người đến rất thường xuyên. Một người đàn bà đã mười lăm ngày chưa thấy đến, Vị thừa sai đi tìm bà, như Mục Tử tốt lành đi tìm chiên lạc, như Chúa Giêsu đã nói. Ngài tìm thấy bà ta đang hấp hối trong cái chòi tách biệt khỏi một ngôi làng bỏ hoang, nằm trong bóng tối, ngay trên mặt đất.

“Chúa đáng chúc tụng! Con đã tìm ra người đàn bà".

Bà ta chọn lựa chết ở đây. Ánh mắt bà ngước nhìn về phía người linh mục: "Thưa Ông Cố, xin Ngài hãy tránh xa đi. Ngài chẳng thể làm gì cho tôi được đâu!".

Vị thừa sai ngồi xuống, nói với bà về Thiên Chúa: "Chúa là Cha chúng ta và Ngài muốn điều lành cho chúng ta. Con đừng sợ!”.

Đây là lần đầu tiên Ngài nói về Chúa bằng tiếng Kôhô:

- Chúa sẽ đón con vào thiên đàng, nơi đó con sẽ được vui mừng luôn mãi. Con sẽ đổi da dẻ đầy mụn lở lấy một sắc đẹp vĩnh cửu. Chúa yêu người bị phong cùi và hết thảy mọi loài do Chúa tạo dựng.
- Con phải làm gì, thưa Cha? Người đàn bà hấp hối hỏi.
- Con hãy dâng cho Chúa các đau khổ con chịu và hãy tha thứ cho những kẻ đã hất hủi con.
Lòng nhân hậu của Vị thừa sai đã thuyết phục được người phụ nữ và bà đồng ý chịu rửa tội. Ngài chạy đi tìm nước, vì trong lều không có. Rồi Ngài cho bà ta uống, lau sạch mặt cho bà, sau cùng cho bà chịu bí tích rửa tội với tên thánh "MARIA”. Bà lập lại theo Ngài những câu trong kinh Lạy Cha, mà Ngài dịch ra tiếng Kôhô. Maria kiệt sức. Vị linh mục lần chuỗi trong khi chờ bà ta thiếp ngủ. Ngày hôm sau, bà mệt hơn.

"Thưa Ông Cố, con sẽ nhớ đến Ông Cố nơi thiên đàng". Người đàn bà nói trước khi chết. Cha Cassaigne tự mình đào một ngôi huyệt. Cái cột tế lễ người Sré được dùng để làm một cây thập-tự-giá và dựng lên.

Hôm ấy là ngày 8/12/1927 , ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đối với vị thừa sai, người trở lại Đạo đầu tiên của người Thượng, là một người đàn bà bị phong cùi. Ngài hạnh phúc vì đã mang ơn cứu chuộc đời đời đến cho bà, người mà thế gian coi như rác rưởi, trong khi bà là con cái Chúa như bất cứ người mạnh khỏe nào. Người đàn bà phong cùi sẽ giữ lời hứa và người ta có thể nghĩ rằng những hoa trái tốt tươi do công lao vị thừa sai đem lại, cậy nhờ rất nhiều ở Maria, người đàn bà Sré đầu tiên trở thành Kitô hữu.

“Đó là món quà ngày lễ mà Mẹ Thiên Chúa gửi tặng tôi. Tôi đi đến nhà nguyện đọc một kinh Magnificat với hai hàng lệ chan chứa mừng vui”.

dominico_dung
03-08-2010, 09:38 AM
CHƯƠNG 7



LÀNG PHONG VÀ



NHỮNG VỤ GẶT ĐẦU TIÊN





https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_07.jpg



(Ảnh: sưu tầm)



Một thời gian ngắn sau lần rửa tội nầy, một hôm khi vừa từ trong rừng đi ra, Vị thừa sai bị một nhóm người cùi với bộ dạng đáng sợ chặn lại. Ngài trở về chòi tranh của Ngài, tay lần chuỗi hạt, cầu nguyện cùng Đức Bà. Họ cản đường Ngài: "Thưa Ông Cố, chúng con quá bất hạnh. Ông Cố hãy làm điều gì đó giúp chúng con. Xin Ông Cố thương xót chúng con”. Vị linh mục hứa sẽ suy nghĩ. Lúc ấy họ mới nới ra và để cho Ngài đi qua. Nhưng Ngài chẳng thể suy nghĩ thực sự, nếu chưa cầu nguyện. Ngài đến trước Bí Tích Thánh Thể để hỏi Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể điều Ngài phải làm. Câu nói: "Xin Ông Cố thương xót chúng con!" vang trong đầu Ngài, đó là câu mà mười bệnh nhân phong cùi đã nói, khi Chúa Giêsu gặp họ. Ngài thấy đó một dấu hiệu.

Ít lâu sau, Vị thừa sai đề nghị với các bệnh nhân phong cùi xây dựng một ngôi làng và sẽ thành làng của họ. Sẽ không còn một người bệnh phong cùi nào bị hất hủi, mỗi người sẽ được chăm sóc, được cho ở, dạy dỗ và nếu sẵn sàng, thì sẽ được rửa tội. Bởi không thể chữa lành những thân thể bị bệnh quá trầm trọng, Cha Cassaigne xoa dịu các tấm lòng và chữa lành linh hồn họ. Quả nhiên, chỉ ít lâu sau đã mọc lên một xóm nhà tranh do chính người phong cùi dựng lên, được một số người khỏe mạnh giúp đỡ. "Xây dựng, nghĩa là không chết", vị linh mục nói. Ngài thán phục nghị lực của những bệnh nhân tật nguyền. Những bệnh nhân phong cùi biết rõ là họ được yêu thương. Họ tìm thấy ở đó sức mạnh giúp họ sống và làm việc.

Ngôi làng giống như một ngôi nhà, ở đó Vị linh mục quy tụ con cái mình. Bởi vì đối với vị thừa sai, những ngừơi cùi chính là con cái của Ngài. Và Ngài luôn gọi họ như vậy. Ngài quan tâm lo lắng cho những người cùi như một người cha lo cho con cái. Mỗi tuần ba lần, Ngài tự tay chăm sóc họ và băng bó lâu giờ.

Ngôi làng nhanh chóng lớn ra, giống như tất cả mọi ngôi làng mà người ta tìm thấy trên thế giới. Có một người phụ trách. Có những công việc làm, những bệnh nhân lành lặn nhất thì trồng cây ăn trái và rau quanh lều của họ. Rất kỷ luật trật tự. Có những ngày lễ.

Ngày lễ đầu tiên là ngày khánh thành làng mới vào tháng 4 năm 1929 . Khởi đầu bằng một Thánh Lễ ngoài trời. Thánh lễ vừa mới chấm dứt, thì một tiếng chiêng mạnh mẽ dóng lên, có lẽ do một bệnh nhân cùi nôn nóng. Tất cả mọi người cười ồ lên. Ngày lễ bắt đầu. Một số đàn ông mặc quần do Cha Cassaigne tặng. Mọi người hút thuốc xả láng, ngay cả những người đã cụt mất các ngón tay và tất cả mọi người đến bên mấy vò rượu, uống bằng những cái vòi tre. Thực phẩm dồi dào: canh rau, cá nướng, sâu cây béo ngậy, thịt heo rừng phơi khô. Thịt trâu được thưởng thức tận tình. Không giới hạn cơm mà người ta cho ớt vào cay xè. Mọi người vô cùng hài lòng. Tiếng cười đầy ắp. Ngày hội mà, một ngày hội đáng nhớ. Những người cùi trở lại làm người như những người khác.

Cha Cassaigne tổ chức những buổi chiếu phim, với những thành công của phim Charlot thêm vào chương trình chiếu. Ai cũng hiểu các phim câm thuở ấy, ngay cả những người chỉ nói tiếng Kôhô! Người cùi cười hô hố. "Nụ cười cũng là một thành phần chữa trị bệnh”, Cha Cassaigne giải thích với tính hài hước cố hữu.

Đó là Ngôi Làng của Niềm Vui.

Rất mau sau đó, làng có nhà nguyện cho rất đông anh em cùi trở lại đạo. Một ngôi làng có thể là làng của niềm vui, nếu không có một nhà nguyện dành cho đông đảo người cùi trở lại đạo ư? Một ngôi làng có thể là làng của niềm vui sao, nếu như không có một nhà nguyện ở đó vị linh mục cầu nguyện với con cái của Ngài? Không thể có niềm vui thật sự và bền vững, nếu không có cầu nguyện. Các nhân chứng tham dự những buổi cầu nguyện của người cùi, rất cảm động khi nghe giọng nghiêm trang và sâu trầm của người dân tộc, thấy nó khác biết bao với giọng cầu nguyện của người Việt.

Chúng ta hãy rời làng người cùi và trở lại đàng sau một chút. Giữa những người Thượng ở Di-Linh có những cuộc trở lại đạo. Người dân tộc đầu tiên trở thành Kitô hữu là một thanh niên hai mươi tuổi, Giuse Braé, được cử hành lễ rửa tội vào ngày 19 tháng 3 năm 1930. Đó là một món quà của Thánh Giuse tặng Cha Cassaigne vốn rất tôn sùng Thánh Cả. Gương của Giuse Braé mau chóng được bắt chước và cả nhà của Braé đã được rửa tội vào đêm Giáng Sinh năm ấy. Nhà nguyện đặt trong nhà của Vị thừa sai không còn đủ chỗ nữa. Cũng cần có một nhà nguyện thật sự. Vị linh mục làm thợ mộc, họa sĩ, vv… và chẳng bao lâu sau, mọc lên một tòa nhà đơn sơ mà Ngài gọi là nhà kho tinh thần. "Tôi đã có một nhà tạm thật sự. Thật là một niềm an ủi lớn lao khi có thể tự nhủ: ta chẳng đơn độc. Tôi biết rằng có Đấng đang nghe tôi, mỗi cuối ngày, khi tôi đến kể cho Người những nhọc nhằn và vui mừng của tôi".

dominico_dung
03-08-2010, 09:42 AM
CHƯƠNG 8



ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
https://thanhcavietnam.net/ThanhCaVN/?url=Download,4239,RP89-55B8FCF968568E19






https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_08.jpg



(Ảnh: sưu tầm)



Với Cha Cassaigne, trường học cung cấp phương tiện tiếp xúc thường nhật với người dân tộc thiểu-số và là dịp tốt để nói với họ về Thiên Chúa. Nhưng chẳng phải dễ dàng gì. Các trẻ em Sré con của núi rừng, tự do như cơn gió, không chịu được sự gò bó và không biết trường học là cái gì. Chạy, nhảy, leo trèo cây cối hợp với chúng hơn là ngồi một chỗ, chăm chú trước mặt thầy giáo. Không có phần thưởng nào ngoài việc phân phối thuốc hút. Bị cắt thuốc hút là một hình phạt rất nghiêm khắc và rất khó chịu.

Những cuốn sách giáo khoa đầu tiên đến từ Sài-Gòn. Dần dần, bọn trẻ đã đọc và học viết tiếng Kôhô (K'Hor) và một chút tiếng Pháp. "Các Bạn không thể tưởng tượng được sự ngạc nhiên và niềm vui của những đứa bé nầy, khi chúng bắt đầu đánh vần; chúng đi từ khám phá nầy sang khám phá khác; D và A viết là DA, theo tiếng Kohô là "nước"; T và I đọc là TI, nghĩa là bàn tay; S và O đọc là SO, là "con chó". Nhưng chỉ cần vắng mặt một thời gian ngắn, Vị thừa sai gặp lại các học trò của mình đang rất hài lòng với những điếu thuốc lá loại mới của chúng. Vị linh mục tái xanh mặt. Các trang sách bị xé để cuốn thuốc điếu. Đứa nhỏ nhất lớp đang loay hoay tiếp tục cuộn và liếm giấy in một cách vụng về. Vị thừa sai tìm ra được một giải pháp. Ngài cho đem từ Pháp sang 17 cái ống vố cho đám học trò, mỗi đứa một ống vố; điều nầy khiến chúng hết sức vui mừng và tránh cho sách vở bị phá họai. Không chỉ có những bài học tổng quát. Còn có cả những giờ thực hành. Một thùng xà-phòng Marseille tới nơi và người ta bận rộn khui nó. Vị linh mục cắt nghĩa cách sử dụng. Người ta tập tắm rửa, tắm cho các em bé và giặt đồ. Sự vệ sinh tiến bộ.

Người dân tộc thiểu-số thích thú tham dự bài học giáo lý được tổ chức dạy giữa trời. Đến để nghe vị linh mục nói là một thú giải trí: Ngài là một người kể chuyện tuyệt vời. Những câu chuyện rất đơn sơ của Ngài về cuộc đời Chúa Giêsu khiến họ thích thú. Họ hiểu các dụ ngôn của Phúc Âm, chẳng hạn như dụ ngôn "Hạt giống tốt nẩy mầm trên đất tốt". Ngài đề nghị với họ lấy Chúa Giêsu và những lời giảng dạy của Chúa làm mẫu gương cho cuộc sống đời thường.

Ngài đã hoàn tất một tập sách giáo lý nhỏ và một cuốn kinh bằng tiếng Kôhô. Ngài chú thích: "Đức Trinh Nữ sẽ có được thú vui hoàn toàn mới mẻ: nghe trẻ nhỏ người Sré cầu nguyện bằng tiếng Kôhô".

Cha Cassaigne dốc toàn tâm toàn lực cho công việc thừa sai. Sức khỏe của Ngài bị hao hụt đều đặn và Ngài thường bị kiệt sức. Bệnh sốt rét tái xuất hiện rất đều. Vị linh mục ngưng lại. Ngài đuối sức lắm rồi và thỉnh thoảng Ngài mê sảng. Khi sức khỏe hồi phục, Ngài lại lạm dụng nó không chừng mực cho tới… lần lên cơn sau. Năm 1932, thấy vị thừa sai suy kiệt, các bề trên của Ngài bắt Ngài trở về Pháp tịnh dưỡng. Cha Cassaigne rút ngắn tối đa sự vắng mặt của Ngài và khi đã trở lại, Ngài tự hứa: "Sẽ chẳng để lộ ra vẻ ốm đau bệnh hoạn nữa!".

Phải rất mau chóng đáp ứng những nhu cầu bức thiết của người cùi. Nhu cầu tiền bạc sẽ là một nỗi lo đè nặng trên Ngài đến cùng. Để nuôi sống, chăm sóc, lo cho ăn mặc, lo cho người nghèo ăn ở, suốt đời Ngài phải tìm kiếm các ân nhân vừa có lòng hảo tâm vừa tặng cho tiền bạc.

Trong giáo xứ Di-Linh, ngày càng có nhiều người Việt bên cạnh người Thượng, vì vùng nầy bắt đầu được các nhà trồng trọt người Pháp khai thác và họ đem nhân công từ Bắc-kỳ vào. Chung quanh thành phố, các đồn điền cà phê trù phú. Người ta dễ tin rằng có một lớp tuyết phủ nhẹ các cánh đồng, mỗi khi cà phê ra hoa trắng xóa và tinh khiết. Cha Cassaigne rất mau được biết đến và thán phục khắp cả Nam-Kỳ.

Năm 1938 , ba nữ tu người Pháp, Dòng Nữ Tử Bác Á hay còn gọi là các Soeurs Dòng Phaolô, đến để chăm sóc các bệnh nhân cùi và giúp đỡ vị thừa sai đã vất vả 12 năm, không quản ngại sự mệt nhọc và những cơn sốt hành hạ định kỳ. Soeur Marie-Thérèse, Soeur Marie-Claire và Soeur Laurence sẽ trọn đời ở lại phục vụ các bệnh nhân phong cùi. Đối với các con cái thân yêu của Ngài bị bệnh, Đức Cha Cassaigne mong muốn "Có những tâm hồn đồng cảm hơn là tâm hồn của một người đàn ông, hầu an ủi những khốn khó lớn lao nầy: những trái tim người mẹ, những trái tim của các nữ tu”.

dominico_dung
03-08-2010, 09:44 AM
CHƯƠNG 9



GIÁM MỤC SÀI-GÒN



TRONG THỜI BIẾN LOẠN





https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_09_Year1941_.jpg



(Ảnh: sưu tầm)



Thế Chiến Thứ Hai nổ ra ngày 1 tháng 9 năm 1939. Nam-Kỳ là một thuộc địa Pháp. Ban đầu, mọi sự vẫn yên tĩnh, vì xung đột khởi đầu ở tận bên Châu Âu xa xôi. Nhưng cuộc sống của Cha Cassaigne sắp thay đổi một cách bất ngờ.

Ngày 20/2/1941, Ngài nhận được một bức điện tín khiến Ngài buồn bã . Thật là bất thường khi nhìn thấy Ngài trong trạng thái nầy, đến nỗi người ta phải dò hỏi Ngài!

"Họ đã tấn công dồn dập bắt tôi làm Giám Mục!", Ngài càu nhàu trả lời.

Quả thật, Đức giám mục Sàigòn vừa qua đời năm trước và Tòa Thánh trong thời kỳ khó khăn nầy, cần phải tìm một người "biết quy tụ hợp nhất” để kế vị và đã chọn người Cha của những bệnh nhân phong cùi. Vị thừa sai phải rời bỏ Di-Linh. Sự chia ly rất đau lòng cho cả hai phía: anh em Thượng và nhất là những bệnh nhân phong cùi mất người Cha của họ; vị linh mục phải xa con cái Ngài. Dù vậy vị thừa sai không do dự khi vâng lời Tòa Thánh với đức tin và lòng can trường. ”Tôi là kẻ từng mơ thành một thừa sai tầm thường; tôi, kẻ đã coi sự nghèo khó của mình là niềm hãnh diện và niềm vui, lại trở thành một hoàng tử của Giáo-Hội. Nhưng, dù người ta sẽ thay y phục và chỗ ở của tôi, thì sẽ chẳng ai thay được con người chất phác nơi tôi!”. Khẩu hiệu "Bác Ái và Yêu Thương"(Caritas et Amor) do Ngài chọn, đã nói lên điều đó rất nhiều.

Trong một tờ nhật báo ra tháng 2 năm 1941, một người Việt-Nam mô tả chân dung Ngài : "Cha Cassaigne là một vị thừa sai đích thực, một vị tông đồ đích thực của Chúa Kitô và là một người Pháp đích thực. Ngài đã đến để yêu thương người dân bản xứ, để sống cho họ và với họ, để đem lại cho họ nhiều điều tốt lành của đạo Công-giáo và của nền văn minh Pháp. Ngài làm tôi nhớ lại khẩu hiệu của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, quan thầy các Nhà Truyền-giáo : YÊU THƯƠNG, PHỤC VỤ, MỈM CƯỜI. Bản thân tôi cũng bị nụ cười của Ngài chinh phục. Bởi vì Cha Cassaigne, chính là SỰ VUI VẺ, SỰ ĐƠN SƠ, LÒNG NHÂN HẬU, nghĩa là sự thánh thiện đích thực".

Ngày 24/6/1941 , ngay từ 7 giờ sáng, chuông các nhà thờ Sài-Gòn đồng loạt đổ vang, báo tin lễ tấn phong Đức Cha Cassaigne. Nghi lễ diễn ra ở Nhà Thờ Chính Tòa. Đám đông ken dày: có những bạn bè đến từ khắp nơi… và những anh em Thượng đi thành đoàn đại diện. Các anh em Thượng bận y phục ngày lễ; họ làm khách tham dự thấy vui thích, mặc dù nhiều người An-Nam tỏ ra khó chịu trước cảnh tượng ấy.

Nghi lễ phụng vụ dài, quá dài đối với anh em Thượng. Họ liền rời chỗ để đi tham quan tháp chuông. Khi ra khỏi nhà thờ chính tòa và bị đám đông xô lấn khiến họ hoảng sợ, họ liền trèo lên cây cao để nhìn đám rước. Đức Cha Cassaigne mỉm cười khi nhìn thấy họ.



* * * * * * * * *


Tân Giám Mục bắt tay vào công việc. Đó là một con người đơn sơ. Lối vào Tòa Giám Mục rộng mở tự do và bất cứ ai cũng có thể gõ cửa văn phòng của Ngài. Các nhân chứng ngày nay vẫn còn nhớ lại đã thấy Ngài đi xe đạp hoặc xe Vespa thăm các khu nghèo ở Sài-Gòn. Ngài dong duổi khắp địa phận rộng lớn của Ngài.

Người Nhật nhảy vào cuộc chiến bên cạnh người Đức và đã xâm nhập Bắc-Kỳ ngay từ tháng 7 năm 1940. Một năm sau, vào tháng 9/1941, họ chiếm đóng Đông-Dương về mặt quân sự. Ban đầu, sự hiện diện của họ cũng chịu đựng được không khó lắm, nhưng với thời gian, tình hình trở nên ngày càng gay cấn hơn. Từ năm 1943, Sài-Gòn chịu nhiều trận bom của máy bay Mỹ. Đức Cha Cassaigne, tay cầm một cái vên (hoặc còn gọi là "sên" - ĐM.D), là một trong những người đầu tiên đi đào bới những người bị thương dưới các đống đổ nát, cũng tận tụy và can đảm như khi Ngài làm y tá trong thời Đệ Nhất Thế Chiến hoặc chăm sóc bệnh nhân phong cùi.

Nhưng rồi sự việc còn nghiêm trọng hơn nhiều. Ngày 9/3/1945, quân Nhật làm một cú đảo chánh vũ lực chống người Pháp: họ cai trị trực tiếp lãnh thổ và gây cho dân chúng đói khát. Đông-Dương sống những giờ phút bi thảm. Những người Pháp ở Nam-Kỳ nhận được lệnh quy tụ về Sài-Gòn. Đức Cha Cassaigne cầm đầu một "Uỷ Ban Cứu Trợ Pháp" để đón tiếp người tị nạn. Ngài làm việc tận tụy không bờ bến để tìm lương thực, lo cho những người không có thu nhập, giải quyết vô số vấn đề khó khăn cho nhiều ngàn người tìm đến. Hai lần Ngài bị cảnh sát Nhật bắt giữ vì bị tình nghi.

Ngày 15/8/1945 , nước Nhật đầu hàng sau khi bị ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, nhưng tình hình chính trị ở Đông-Dương sục sôi cách mạng. Đầu của Đức Cha Cassaigne được ra giá. Một tấm biển gắn vào nhà thờ Chính-tòa còn cho biết giá được hứa thưởng. Phải mất nhiều tuần lễ để cho Tướng Leclerc, đến từ Pháp ngày 5/10, có thể bình định được Nam-Kỳ. Trong các tháng sau đó, những rối ren tiếp tục và chẳng bao lâu sau bắt đầu Chiến Tranh Việt-Nam lần thứ nhất. Về phía Việt-Nam, họ muốn có độc lập chính trị và sự ra đi của người Pháp. Cuộc chiến dai dẳng và khắc nghiệt, vì nó mang hình thức chiến tranh du kích.

Đất nước bị giằng xé. Tình hình rối ren: người tốt trộn lẫn với kẻ xấu. Tất cả những khuynh hướng và định hướng chính trị hoặc ý thức hệ va chạm nhau. Một số người Việt, vì mong có được nền độc lập, đã liên kết với những người cộng-sản. Giữa những biến cố bi thảm nầy, Đức Cha Cassaigne thành công trong việc duy trì một sự hiệp nhất tinh thần nhất định và hành động cho hòa bình. Thái độ siêu nhiên của Ngài khiến mọi người, ngay cả các đối thủ của Ngài, phải cảm phục. Các linh mục Sài-Gòn dâng Ngài bức thư bày tỏ sự hậu thuẫn đối với Ngài. Ngày 16/10/ 1945, Ngài nhận một vinh dự bất ngờ từ một người Nhật. Khi đầu hàng, các sĩ quan Nhật phải giao thanh kiếm danh dự của họ; đại tá Amano, quân phục tề chỉnh, lựa chọn việc giao thanh kiếm của ông ta, vốn thuộc về giòng họ của ông từ thế kỷ 16, cho Đức giám mục Sàigòn.

Dù thế, đời sống của Giáo Hội vẫn tiếp tục và người ta thông báo có 4 vị thừa sai người Pháp mới sẽ đến trên chuyến tàu sắp tới. Các nhà thờ quá nhỏ và quá ít so với số bổn đạo ngày càng đông. Phải xây dựng lại những nhà thờ bị bom làm sập nát hư hại. Đức Cha Cassaigne không quên một ai, nhất là các tín hữu sống trong những vùng nguy hiểm, không thể tiếp cận với các linh mục. Ngài tiêu hao sức chẳng quản ngại, không kể gì đến sức khỏe đang sa sút và những đợt sốt cách nhật. Mặc dầu có thể bị phục kích tấn công, tháng 12/1951 Ngài tổ chức một Đại Hội Thánh Thể với gần 100.000 người tham dự cuộc rước kiệu và cầu nguyện cho Hòa bình.

dominico_dung
03-08-2010, 11:26 PM
CHƯƠNG 10



VỊ GIÁM-MỤC CÙI VỀ LẠI DI-LINH





https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_10.jpg



Các chức sắc giáo phận và chính quyền - thời Việt Nam Cộng Hòa -



thăm hỏi lúc Đức Cha lâm trọng bệnh



(Ảnh: sưu tầm)



Tình trạng chiến tranh kéo dài nhiều năm. Nhưng năm 1954, sự bại trận ở Điện Biên Phủ đã được những người cộng-sản khai-thác về mặt chính-trị. Họ đạt được thắng lợi to lớn trong Hiệp Định Genève tháng 7/1954; chấm dứt xung đột và đánh dấu chấm hết sự hiện diện của nước Pháp tại Việt-Nam.

Về phần các vị thừa sai, các Ngài ở lại. Ngay từ năm 1953, Đức Cha Cassaigne đã làm đơn từ chức gửi Tòa Thánh, để nhường chỗ cho một giám mục Việt-Nam. Quả thật chuyện người Việt-Nam nắm trong tay việc điều khiển Giáo-Hội của họ là điều hết sức bình thường. Nhưng Đức Thánh Cha Piô XII không muốn thay đổi Giám-mục Sài-Gòn trong một thời kỳ tế nhị như vậy. Phần sau của năm 1954 hết sức cực nhọc đối với Đức Cha Cassaigne. Ở Miền Bắc Việt-Nam, một chính quyền cộng-sản được thiết lập. Đông đúc những người di cư rời miền Bắc và vào Sàigòn. Sau một thời gian ngắn ở trong thành phố, người ta phân tán họ về các tỉnh. Trong vòng 6 tháng, có 800.000 người đã được đưa vào Sài-Gòn, trong đó có 200.000 người Công-giáo, phải lo chỗ ăn, chỗ ở và ủy lạo. Đức Cha Cassaigne đã cống hiến hết mực. Ngài đã vắt kiệt sức lực của mình.

Quả thật, ngày 19/12/1954, vào ngày kỷ niệm thụ phong linh mục của Ngài, Đức Cha Cassaigne dâng Thánh Lễ Tạ Ơn. Nhưng trong khi cử hành thánh lễ, Ngài thấy trên da mình, chỗ phía trên cổ tay một chút, có một vết đỏ hồng màu rượu. Khi thánh lễ kết thúc, Ngài lấy một cái kim châm vào chỗ ấy: hoàn toàn không cảm thấy đau! Ngài hiểu đó là BỆNH CÙI."Linh mục dâng hiến tế thánh thể, cũng phải trở thành hy vật", sau nầy Ngài sẽ viết như thế. Công việc vất vả sáu tháng vừa qua đã làm cho các bộ phận cơ thể Ngài vốn mệt mỏi, lại bị suy yếu, đến nỗi bệnh cùi nằm phục từ lâu, nay phát tán.

Đức Cha Cassaigne giữ bí mật tin nầy, chỉ cho các bề trên của Ngài biết. Thuốc điều trị do các bác sĩ cho, đã làm Ngài suy kiệt. Sẽ phải mau chấm dứt thôi! Vết hồng lan rộng gấp đôi. Ngày 5/3/1955, Ngài viết cho Cha Bề Trên Hội Thừa Sai Paris: "Tôi xin Cha cho phép tôi nộp đơn từ chức sang Tòa Thánh và rút lui về Trại Cùi Di-Linh, bên cạnh những con cái mà tôi yêu thương nhất và Chúa quyền uy, với lòng nhân ái vô biên, đã cho tôi được nên giống như họ”.

Lời cầu xin của Ngài được chấp thuận và Tòa Thánh bổ nhiệm một giám mục kế vị Ngài, Đức Cha [Simon Hòa Nguyễn-Văn] Hiền, được tấn phong trong nhà thờ Chính-tòa của Ngài, ngày 30/11/1955. Ngày 2/12/1955, Đức Cha Cassaigne trở về Di-Linh. Ngài "hạnh phúc vì lại được trở thành duy nhất thừa sai mà thôi , như Ngài đã hằng mong muốn”, Ngài tự nhủ như vậy.

Đức Cha Cassaigne từ giã "nhà ngục" ở Sài-Gòn. Những con cái cùi hủi của Ngài đón chào sự trở về của Ngài giữa họ với tiếng reo hò mừng vui tở mở. Ngài ở trong Trại Cùi nay đã được di chuyển năm 1952 cách xa hơn so với chỗ nguyên thủy. Chỗ ở của Ngài là một ngôi nhà hết sức đơn sơ, giống hệt nhà của các bệnh nhân cùi khác. Trên các bức tường phòng, Ngài treo các kỷ vật của Thế Chiến 1914 và những tấm hình chụp. Một trong những tấm hình Ngài rất ưa thích là "Giờ dạy giáo lý". Đức Cha Cassaigne sẽ sống ở chỗ nầy cho đến ngày Ngài từ trần, 18 năm sau.

Mỗi buổi sáng, Ngài đi từ lều nầy sang lều khác, lo cho sức khỏe và các nhu cầu. Cuối buổi sáng, Ngài dạy giáo lý cho trẻ nhỏ. Sau trưa, Ngài dừng lại trước các ngôi nhà và ghi lại những thứ cần mua ở tỉnh cho người cùi – và không khi nào quên mua thuốc điếu. Bất cứ trong trường hợp nào, Ngài cũng tỏ bày một lòng nhân ái không giới hạn. Ngài thường lặp đi lặp lại: "chỉ có những sự được chia sẻ mới là tốt”.

Đối với các bệnh nhân cùi, Ngài tổ chức các ngày lễ hội. Vốn là dân Gascon chính tông, Đức Cha Cassaigne luôn vui vẻ và cười tươi tít mắt, luôn nêu bật mặt tốt của các sự vật và thích làm cho kẻ khác cười.

Khách đến thăm Ngài rất đông. Ngài nói chuyện với họ một chút, rồi dẫn họ tới các ngôi nhà để giới thiệu với họ các bệnh nhân, như một người cha giới thiệu gia đình mình với khách mời. Hơn bao giờ hết, Ngài là "người cha với các con cái”. Người ta không thể là bạn hữu của Ngài, nếu không là bạn của những người cùi. Đức bác ái của Người dễ lây truyền, đến nỗi không ai cưỡng lại được.



https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_10_Sanh-Hieu.jpg



Đức Cha đã già yếu hẳn vì bạo bệnh (khoảng 1970-1973?!)



(Ảnh: sưu tầm)


Năm tháng trôi qua. Rất nhiều sự đổi thay. Vùng đất phát triển. Có khoảng một chục nhà thừa sai làm việc trên Cao Nguyên, Các Vị đem nhiều làng trở lại đạo toàn bộ và xây trường lớp. Bên cạnh họ, các linh mục Việt-Nam bắt tay vào việc. Trại cùi mở rộng. Bệnh nhân cùi bây giờ lên đến hàng trăm và rất nhiều người là Kitô-hữu. "Họ sống gần như là các tu-sĩ. Hơn nữa, họ vui vẻ và rất hòa thuận với nhau. Quả là một thiên đàng hạ giới”, Cha Cassaigne đánh giá như vậy.

Chiến tranh tiếp diễn, nhưng làng những bệnh nhân cùi xa các cuộc giao tranh. Vào tháng 5/1966, Đức Cha Cassaigne mở radio và nghe giọng nói của Cha Boutary trình bày trong buổi phát tôn giáo đầu tiên bằng tiếng Kôhô. Những lời cầu nguyện trong Thánh lễ, được đóng khung bằng các bài hát tiếng Thượng, được đọc theo cung bình ca làm nền âm thanh. Vị giám mục cảm động lắng nghe sự lạ nầy: người ta nói về Thên Chúa trong đài phát thanh bằng tiếng Kôhô!

dominico_dung
03-08-2010, 11:30 PM
CHƯƠNG 11



ĐAU ĐỚN VÀ NIỀM VUI CÁI CHẾT




Suốt cả cuộc đời, Đức Cha Cassaigne là một bệnh nhân vĩ đại. Sự đau đớn phát xuất từ bệnh cùi của Ngài gần như hết chịu đựng nỗi, vì cho dù trong trường hợp của Ngài, bệnh ít lộ ra ngoài da, thì nó lại tấn công các trung tâm hệ thần kinh. Năm 1970, các bệnh cũ của Ngài trở nặng: sốt rét, cột sống bị gặm nhấm và dạ dày "không chịu nỗi được cả rượu lễ, thật đáng giận cho con trai của một nhà buôn rượu”, Ngài nói vậy. Cuối tháng 10/1971, xương đùi Ngài bị gãy và buộc Ngài không rời khỏi giường được nữa.

Mặc dầu nhiều khốn khó như vậy, nụ cười vẫn không rời môi Ngài và làm thành nhân cách của Ngài, ngay cả khi cơn đau bủa vây Ngài. Đức Cha Cassaigne luôn là người có niềm vui sâu xa, niềm vui đến từ một tâm hồn an bình với Chúa, với bản thân và với tha nhân. Làm sao có thể buồn bã, bởi vì sự đau đớn, nếu được dâng cho Chúa bằng cả tình yêu, sẽ đem lại ơn cứu chuộc cho con người và cứu thoát nhân loại? Vì vậy mà trong Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã hứa ban hạnh phúc cho những ai chịu đau khổ vì Danh Người. Một ngày nọ, một nữ tu lưu ý với Đức Cha Cassaigne rằng nếu: Ngài có thể được chữa trị tốt hơn ở tại Pháp. "Thưa Soeur! – Ngài trả lời – tôi là người Pháp, nhưng trái tim tôi ở Việt-Nam. Tôi muốn SỐNG, CHỊU ĐAU KHỔ, TRỤ LẠI và CHẾT NƠI ĐÂY”.

Những ngày giờ cuối cùng của đời Ngài, không một thế nằm nào làm giảm nhẹ cơn đau được nữa."Ôi cái khung cốt của tôi”, Ngài rên lên. Đó là cách mà Ngài nói về cột sống của Ngài. Năm 1972, cơn đau khiến Ngài không thể cử hành thánh lễ trong vòng 7 tháng. Đối với Ngài đó là cả một sự thiếu thốn to lớn. Thế rồi, nhờ thuốc làm giảm đau, Ngài lại tiếp tục dâng lễ. "Thật vui mừng thay!". Trong một lá thư, Ngài viết nguệch ngoạc:"Tôi hạnh phúc, một niềm hạnh phúc mà chỉ có ân sủng mới cắt nghĩa được!”.

Danh tiếng người của Thiên Chúa thật lớn. Ngay khi Ngài còn sống, người ta đã sưu tầm những chứng cớ về nhân đức của "Vị Thánh Giám Mục”.

Tháng 10/1973 là thời điểm cận kề cái chết của Ngài. Đức Cha Cassaigne nói lớn: "Nếu cần phải làm lại từ đầu, thì tôi sẽ vẫn đi lại con đường nầy”. Trong bưu thiếp cuối đời đề ngày 12/10/1973, Ngài viết: "Tôi rất đau đớn. Chúa yêu thương tôi vô vàn!".




NGÀI TỪ TRẦN NGÀY 31/10/1973





https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_11-DiAnh.jpg



(Ảnh: sưu tầm)



Người ta mặc cho Ngài áo Lễ và đội cho Ngài mũ Giám-mục, như thể Ngài sắp cử hành Thánh Lễ cuối cùng. Một đoàn người đông đúc diễu hành trước quan tài. Trong 5 ngày 5 đêm, những bệnh nhân cùi còn khỏe mạnh mặc tang phục trắng – áo không có ống tay và bịt khăn tang – thay nhau canh thức thi hài của người cha của họ.

Ngày 5/11/1973, lễ an táng hết sức long trọng. Một lễ đài được dựng lên ngoài trời. Những cổng chào được dựng khắp con đường mới dẫn đến Trại Cùi, được trải đá và nhựa đường cho dịp nầy. Người ta đến như khách hành hương đi viếng mộ một vị thánh. Hơn 3.000 người – cả người giàu lẫn kẻ nghèo, Công-giáo lẫn Phật-giáo – tham dự lễ an táng. Người ta đem "Ông Cố" về lòng đất; nhưng những người cùi thì dẫn người Cha của họ. Một người trong bọn họ, tên là K’Gil, đã làm chứng điều anh ta nói với người quá cố: "Cha đã chỉ cho chúng con con đường thật đi về Nước Trời. Cha đã dạy chúng con biết chịu đau khổ. Cha ơi, khi còn sống, Cha đã muốn nên giống hoàn toàn như chúng con, cha đã muốn bị phong cùi như chúng con: xin Cha hãy cầu nguyện cho chúng con”.

Người cha của các bệnh nhân cùi đã là một con người của an bình và hiệp nhất; một con người yêu thương giữa hận thù; một con người nghèo về của cải vật chất và giàu có về niềm vui Thần Khí; một con người đã biến đau khổ thành sự hy sinh mừng rỡ để cứu rỗi thế gian.

Sau Thánh Lễ, chính anh em Thượng khiêng quan tài. Họ bước đi theo nhịp nhạc tang, đến ngôi mộ được xây lên cạnh tháp chuông, nơi mà Đức Cha Cassaigne ước ao được chôn cất.

Một cây thập giá trắng lớn được dựng lên, trên tấm đá lớn có khắc khẩu hiệu của Vị Giám Mục: "BÁC ÁI và YÊU THƯƠNG".




https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_11-MoPhanCu.jpg



Mộ phần Đức Cha ngày ấy....



(Ảnh: sưu tầm)





https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_11-MoPhan.jpg



... và bây giờ



(Ảnh: T/v TCVN thực hiện)



Ở Di-Linh luôn có người cùi. Họ cầu nguyện trên mộ Đức Cha Cassaigne. Họ nói chuyện với Đức Cha. Họ âu yếm gọi Ngài là Bác trên trời của họ. Ngày nay, trên mộ Ngài bao giờ cũng đầy hoa tươi. Rất đông người đến cầu nguyện xin ơn. Họ thường xuyên được nhận lời. Một nhà thờ ở Sài-Gòn chứa những bảng tạ ơn Ngài đã cầu bầu cùng Chúa cho họ. Người ta còn nói về cả những phép lạ nhờ lời Ngài cầu nguyện mà được ban.

dominico_dung
03-08-2010, 11:31 PM
CHƯƠNG 12



CON NGƯỜI CỦA CẦU NGUYỆN,



MỘT SỐ BẠN THIẾT NGHĨA



CỦA ĐỨC CHA CASSAIGNE



Đức Cha Cassaigne là một người chuyên tâm cầu nguyện. Mỗi ngày, người ta thấy Ngài đi lại, tay cầm chuỗi hạt hoặc cầu nguyện trước Thánh Thể. Thánh lễ là trung tâm một ngày sống của Ngài. Ngài không bao giờ bỏ qua việc chuẩn bị dâng Thánh Lễ và tạ ơn sau Hiệp Lễ. Nơi Ngài, không hề có sự khoe khoang bề ngoài. Ngài không ngừng cầu nguyện: đó là một con người quen với sự hiện diện của Thiên Chúa và Ngài múc lấy từ Thiên Chúa sức mạnh tinh thần mà Ngài ban lại cho người khác, đặc biệt là cho anh em bệnh nhân phong cùi.

Chúng ta hãy kể tên một số bạn hữu thiết nghĩa của Đức Cha Cassaigne. Trước hết, đó là Đức Trinh Nữ Maria. Khi nói đến Mẹ Maria, Ngài không quên tính hài hước. Ngài đã kể lại như sau về một giai thoại xảy ra ngay khi Ngài mới tới Di-Linh. "Vị thừa sai – hẳn là chính Cha Cassaigne – đã mất công vô ích để lôi kéo thanh niên Thượng bằng thuốc hút, nhưng điều ấy chẳng đủ để đem họ trở lại đạo. Vị linh mục cất ống vố và lôi chuỗi hạt ra, nghĩ rằng chỉ có Đức Maria, cửa Thiên đàng, có thể mở lòng những con người đáng thương nầy dùm Ngài". Đức Trinh Nữ Maria đã nhận lời Ngài và được Chúa ban cho rất đông anh em Thượng trở lại đạo.

Đức Cha Cassaigne rất yêu mến Thánh Giuse, quan thầy của bố Ngài, nhưng cũng là quan thầy của Việt-Nam. Với vị thánh coi sóc Chúa Giêsu và Đức Mẹ trong cuộc sống hằng ngày nầy, Ngài đặc biệt hay kêu cầu mỗi khi có nhu cầu vật chất cần xin. Vì, như chúng ta đã nói, Cha Cassaigne luôn đi quyên xin tiền bạc để nuôi ăn, nuôi mặc và chăm sóc những con cái bị phong cùi của Ngài. Thánh Giuse rất quảng đại đối với Ngài. Người ta nhớ lại rằng Lễ Rửa Tội đầu tiên cho người Thượng xảy ra đúng ngày lễ kính Thánh Cả Giuse, ngày 19/3/1930.

Cùng với Thánh Giuse, Thánh Phanxicô Atxidi cho Cha Jean Cassaigne mùi vị của sự đơn sơ và lòng yêu thương người nghèo khổ.

Cuối cùng, Đức Cha Cassaigne yêu mến trẻ nhỏ, vì chính Ngài cũng có một tâm hồn bé thơ. Ước gì những người trẻ tuổi không bao giờ quên gương sáng và lòng nhân hậu của Vị giám mục và vị thừa sai nầy.

dominico_dung
03-08-2010, 11:33 PM
CHƯƠNG 13



TRONG GIA ĐÌNH



hay là NGÔI LÀNG CỦA NIỀM VUI




Một vài tài liệu cho biết về đời sống của Đức Cha Jean Cassaigne.

Chúng ta nhấn mạnh ở đây một vài nét. Chắc chắn là còn phải tìm ở trong các thư từ của vị Giám-mục để thấy được những dấu vết xác thực về đời sống nội tâm sâu xa của Ngài.

Một vị thừa sai

Khi nhìn vị trí mà Đức Cha dành cho việc săn sóc các bệnh nhân phong cùi trong đời Ngài, người ta có thể cho rằng trước hết Ngài là một nhân chứng của bác ái. Điều đó là đúng trong chừng mực lệnh truyền của Chúa Giêsu chủ yếu là thông điệp Tình Yêu. Nhưng Đức Cha Cassaigne tiên vàn là một Kitô-hữu, một linh mục và do vậy, là một vị thừa sai.

Như một vị thừa sai chân chính phải làm, Ngài đã trao ban tất cả: Ngài trao ban cho con người lòng bác ái yêu thương; trao cho Thiên Chúa đức tin của Ngài, chỉ dành lại cho mình sự khó nghèo là tất cả niềm vui của Ngài.

Vị thừa sai của hiệp nhất nhờ lòng bác ái

Cha Cassaigne đi đến một cách tự nhiên với những người nghèo khổ nhất, bởi vì điều đó nằm trong sự đòi buộc của ơn gọi thừa sai của Người. Từ chỡ đó, dù không tìm kiếm điều ấy chút nào, Cha đã cho thấy trong một đất nước đa sắc tộc như nước Việt-Nam, nguyên tắc của sự hiệp nhất phải là gì. Chỉ có tình thương mới cho phép hiệp nhất một xã hội trong sự tôn trọng mỗi con người, bởi vì tình thương mở rộng tâm hồn với mọi người, ngay cả với những người ít được kính trọng nhất. Gương của Cha Cassaigne quan tâm lo cho những người Thượng trong cái mà họ khó lòng đón nhận nhất: NHỮNG NGỪƠI CÙI, đã động viên những người Việt quan tâm tới người Thượng bằng cách vượt qua sự dè dặt của họ.

Về mặt nầy, việc linh mục của những người phong cùi trở thành người lãnh đạo Giáo Hội Nam-Kỳ là một điều nên gương sáng và điều đó còn đáng chú ý hơn khi vị "Hoàng tử Giáo-Hội" về lại sống với người cùi.

Mọi sự cho mọi người

Đức Cha Cassaigne không chỉ gần gũi với người cùi, Người còn chấp nhận sự rủi ro trở thành một trong số họ. Sau Thánh Phaolô, Người đã trở nên MỌI SỰ CHO MỌI NGƯỜI; thành người Việt-Nam với những người Việt; thành người Thượng với những người Thượng; thành người cùi với những người cùi.

Chúa Giêsu đã hứa: "Ai cho một trong những kẻ bé mọn nầy một ly nước lã vì là môn đệ, thì sẽ không mất phần thưởng". Đức Cha Cassaigne hẳn đã thích người ta áp dụng câu nầy cho những tặng phẩm cụ thể nhất của cuộc sống thường nhật làm cho những người nghèo vì họ là những môn đệ. Không ai nghi ngờ Người đã nhận phần thưởng của Người trên trời, Người là kẻ đích thân phân phát cho những người cùi phần thuốc hút của họ trong các ngày lễ.

Một tình thương rộng lớn được Thiên Chúa thôi thúc

Thế nhưng điều làm nên sự cao cả nơi Đức Cha Cassaigne không phải là việc Ngài phụ trách những người cùi, cũng không phải là Ngài lui về hưu dưỡng ở chỗ họ. Quả thật, một số người đã coi Ngài như một vị Thánh, trước khi Ngài đến sống với những "con cái yêu dấu" của Ngài và trước cả khi Ngài làm Giám-mục. Hơn thế, khi bắt đầu cuộc đời thừa sai của Ngài, những người cùi đã chiếm một chỗ chưa phải là cao nhất trong đời Ngài: là linh mục, trước hết, Ngài được sai đi để rao truyền Phúc Âm. Cuối cùng, có nhiều người khác cũng hiến thân chăm sóc người cùi, mà người ta vẫn không coi họ là Thánh. Không phải hễ chăm sóc người cùi, là thành, là nên Thánh. Phải có MỘT TÌNH YÊU LỚN LAO được Thiên Chúa thôi thúc. Rất đông nhân chứng đã cảm nhận được tình yêu nầy nơi Jean Cassaigne.

Người cha và những đứa con phong cùi của Ngài

Nét độc đáo của trại phong Di-Linh nằm ở chỗ những người phong cùi lập thành một gia đình của Người Cha và ngôi làng như một tài sản riêng của gia đình. Trại Phong không phải là một bệnh viện cho những bệnh nhân vô danh, nhưng là một ngôi làng được hình thành bởi những gia đình ở chung quanh người Cha của họ, tất nhiên là với các bệnh nhân. Kinh nghiệm nầy có thể là độc nhất vô nhị trong lịch sử. Nó không phải là công trình của một thầy thuốc, hay của một từ tâm bác ái, mà là của một người CHA. Sự vĩ đại trong cách làm của chân phước Damien ở tại việc Người đến sống giữa những người cùi. Còn Cha Cassaigne thì lại trở nên người cha của những người cùi. Do vậy, điều tự nhiên là Ngài để con cái Ngài gần bên Ngài, trong nhà Ngài. Ngài là người cha và họ luôn là "con cái của Ngài". Ngài không bao giờ gọi mình là "tông đồ người cùi", mà là "cha" của họ, chắc hẳn là bởi vì mối dây liên kết Ngài với những người cùi là một thực tại có trước cả sứ mạng thừa sai, toát ra từ lòng nhân bản chung, mà cội nguồn là Cha chúng ta ở trên trời. Sau một thời gian dài vắng mặt vì bệnh tình, Đức Cha Cassaigne đã hạnh phúc khi tìm thấy lại những người cùi của Ngài. Ngài viết câu nầy chứng tỏ họ trở thành lẽ sống của Ngài: "Một người cha sẽ ra sao nếu không có con cái ?”.

Hơn nữa, Cha Cassaigne không quên rằng những người cùi cần đến các bà mẹ. Vì thế, theo như Ngài nói, Ngài tìm cho họ "những tâm hồng đồng cảm hơn là tâm hồn của một người đàn ông, để an ủi những cảnh lầm than nầy, những trái tim người mẹ, các nữ tu”.

Sự đau khổ

Bệnh phong cùi chiếm một vị trí lớn trong Phúc Âm như là khuôn mặt của tội lỗi. Sự cứu rỗi do Chúa Giêsu đem đến chữa lành tâm hồn tội nhân, cũng một thể thức như các phép lạ chữa sạch bệnh phong khỏi thân thể. Đức Cha Cassaigne chấp nhận và chịu đựng bệnh nầy trong sự đợi chờ được gặp gỡ Chúa. Gánh lấy bệnh phong cùi là một cách sống ơn cứu chuộc trong sự chờ đợi thân xác sống lại để được hiển vinh. Đức Cha Cassaigne còn nghĩ rằng chịu đau khổ là một phần của cuộc đời một linh mục ngày ngày dâng hiến tế trong Thánh Lễ: "Linh mục cảm nhận được mình là linh mục khi chịu đau khổ hơn cả khi hành động và thấy được Ngài phải là gì: hiến vật!”.

Kinh nghiệm của Cuộc Đại Chiến(Thế-giới Lần II. n.d.)

Việc cận kề thường xuyên với cái chết suốt trong Đại Chiến đã phàm nẩy nở trong Jean Cassaigne một sự can trường thể chất, dọn đường cho Ngài đương đầu với sô phận những người cùi và tình hình chiến tranh kéo dài ở Việt-Nam (Sài-Gòn bị dội bom ngay từ 1942). Hơn thế, nếu trong chiến tranh Ngài đã không làm nhiệm vụ của một y tá, thì Đức Cha Cassaigne đã không làm sao có được tầm nhìn đơn giản và rộng lớn của con người mà Ngài vẫn duy trì ngay cả khi phải đối mặt với sự lầm than tột cùng. Đức tin của Ngài đã làm cho lòng trắc ẩn của trái tim Ngài giãn nở rộng đến những suy sụp đau đớn nhất. Giữa sự đau đớn thân xác và Thánh Thể (Chúa Giêsu chịu đau khổ nơi thân thể Người), sợi dây liên hệ chặt chẽ dưới cái nhìn của tín-hữu. Cũng như vậy giữa Thánh Thể (Chúa Giêsu hiến mình để cứu chuộc ta) và lòng trắc ẩn.

Chuyện vãn với Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể

Đức Cha Cassaigne là một con người của cầu nguyện và ở trung tâm lời cầu nguyện của Ngài, là Thánh Thể – không chỉ trong hiến vật của Thánh Lễ, mà cả trong đối thọai thân mật với Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Bầu không khí của Làng Phong đạo đức sâu xa, vì tất cả mọi người tụ họp nhau quanh người Cha đang cầu nguyện trước Nhà Tạm."Quên đi kinh nguyện trước Thánh lễ – Ngài đã viết như vậy cho một vị thừa sai buông lõng cầu nguyện – là Bạn đánh mất một trong những giây phú êm ái nhất của ban mai sau khi dâng Thánh Lễ, những giây phút mà bạn sẽ không thể nào chụp bắt lại được trong cả ngày”.

Khi vị linh mục trẻ Cassaigne được người cùi nài nỉ, van xin Ngài chăm sóc họ, Cha hứa sẽ suy nghĩ lại. Chính gần bên Nhà Tạm mà Ngài tìm cách để giúp đỡ họ. Những kẻ khốn cùng nầy, bị kết án phải sống trong rừng như muông thú, là những con người được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa và bằng sự chịu đau khổ của họ, họ là "hình ảnh của Đức Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá”, Đấng hiện diện trong phép Thánh Thể.

Ống vố hay là Đức Bà?

Những ai đến gần Chúa Giêsu, thì cũng đến gần Đức Bà. Đức Trinh Nữ Maria có một vai trò lớn lao trong cuộc đời của Cha Cassaigne. Người ta có thể thán phục cách kín đáo mà Ngài dùng để giải thích cho chúng ta rằng Ngài tin ở Đức Maria hơn là tin vào cái ống vố của Ngài. Đứng trước khó khăn Ngài cảm thấy khi lôi kéo người Thượng nghe dạy Giáo-lý nhờ thuốc lá, vị thừa sai trẻ nói về mình khi viết :"để che dấu sự cực lòng, ông Cha cho ống vố vào túi và lôi chỗi hạt ra, đinh ninh rằng chỉ có Đức Maria, Cửa Thiên Đàng mở cho Ngài tâm hồn của những kẻ đáng thương nầy”. Người viết tiểu sử của Ngài cũng ghi nhận một cách tinh tế rằng sự hiểu biết của Đức Cha Cassaigne về những tân khổ của Mẹ Maria đã nói lên đầy đủ sự thân tình của Ngài đối với Mẹ. Trong bài giảng ngày 15/8/1944, Ngài viết lại cuộc đời của Đức Nữ Trinh dưới dấu hiệu sự đau đớn con người, mà hơn ai hết Ngài hiểu đến tận ngọn ngành.

Một con người khiêm nhường và hết sức đơn sơ

Sự chịu khổ đau có chỗ của nó ở Di-Linh. Nhưng sẽ vô-ích nếu định làm cho sự buồn khổ của người khác thêm trầm trọng bằng cách khoe khoang sự khốn khó của mình. Cha Casaigne ưu tiên cho sự sống – chính Ngài là sự sống với tư cách là Cha. Ngài đề ra sự hiện hữu thường nhật trong gia đình, được làm nên bằng việc làm như ở bất kỳ nơi nào khác, được biến thành đầy ắp những niềm vui nho nhỏ và những trao đổi thân tình. Sư đơn sơ thẳng thắn của Ngài, không có những mắc-mứu trong tâm hồn, là sự đơn sơ của một con tim ngay thẳng và trong sạch, luôn vững vàng tin cậy phó thác nơi Chúa. Đó là sự đơn sơ của một vị thánh một cách nào đó đã ở trong phúc lành, chắc hẳn là vì Ngài đã sống Tám Mối Phúc Thật.

Sư khiêm nhường của Ngài khiến cho Ngài thoải mái ở giữa các nhân vật tai to mặt lớn. Ngài thích những kẻ giống như Ngài hơn, những kẻ khiêm nhường và bé mọn, mà Ngài khám phá những khía cạnh chói ngời nơi họ. Người rậm lông ngày xưa ở Verdun, đã luôn là một con người của hòa bình.

Ngôi làng của niềm vui

Ta tìm lại được tinh thần của Thánh Phanxicô Atxidi trong con người của Jean Cassaigne. Là hiện thân của Người Nghèo Atxidi (người ta gọi Thánh Phanxicô Atxidi là "Poverelllo", người nghèo khó hèn mọn), Ngài tỏa rạng niềm vui. Niềm hân hoan dễ lan truyền của người gốc Gascogne, khi trở thành niềm vui Kitô-hữu của Tám Mối Phúc Thật, đã tràn ngập Ngôi Làng của Niềm Vui và là một suối nguồn hy vọng giữa sự khổ đau: khi hy vọng còn đó, thì đau khổ sẽ mặc một khuôn mặt khác.

Niềm vui của con người có tâm, vốn đã mục kích mọi lầm than của kiếp người (ngay từ Thế Chiến thứ I) và đã hiểu hết mọi sự duới ánh sáng Phúc Âm, sự sống cũng như sự chết. Ngài đã mất những ảo tưởng về những vinh dự loài người, ngay cả với tư cách là người yêu nước nồng nàn và Giám-mục mang trọng trách về mặt tinh thần đối với cộng đoàn Công-giáo ở Sài-Gòn, Ngài vẫn không thờ ơ với chúng.

Đức Cha Cassaigne là mẫu gương của niềm vui Kitô-giáo ở mọi hoàn cảnh và tận cả trong thử thách: "Chịu đau khổ không ngăn trở ta hạnh phúc”, Ngài nói. Nụ cười muôn thuở trên môi đã được chú ý từ trước cả khi Ngài là Giám quản tông-tòa Sài-Gòn. Đức Giám-mục Đà-Lạt đã gửi đến với Ngài, lúc Ngài đã bị cùi, các chủng sinh hơi bị sa sút tinh thần, để nhờ tiếp xúc với Ngài, họ tìm lại được vui sống và ý nghĩa của ơn thiên triệu.

Ngôi Làng của Niềm Vui "là một thiên đàng hạ giới thực thụ”. Ngài khởi đầu ở trần thế Thành Thánh trên trời, nơi đó sẽ không còn khóc than. Đức Cha Cassaigne, chúng ta hy vọng điều ấy, nay ngự ở trong Thành nầy.



* * * * * * * * * * * * *





https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_13_ChaVaCon.jpg



(Ảnh: T/v TCVN thực hiện)



Ký ức về Ngài, ngày nay vẫn thế, là sự kính tôn ngưỡng mộ của những người rất khác biệt đa dạng và Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện. Mộ Ngài, luôn đầy hoa tươi, là nơi cầu nguyện được lui tới nhiều. Thỉnh thoảng có những ơn được chữa lành bệnh. Những câu chuyện truyền tụng về Ngài. Hãy cầu mong Giáo Hội tuyên phong Ngài là "Thánh", để ủi an những người đang chịu khổ đau nơi thân xác, để thức tỉnh những ơn gọi thừa sai và để những kẻ yêu mến Ngài được hân hoan.

dominico_dung
03-08-2010, 11:34 PM
CHƯƠNG 14



Ở XỨ "MỌI”



Ta hãy xem Đức Cha Cassaigne giới thiệu các bạn người Thượng của Ngài thế nào ở Vichy vào tháng 9/1950. Ngài không thêm mắm thêm muối. Nhưng tính hài hước trẻ thơ khiến ta đoán giọng Ngài nói diễn tả một sự gắn bó sâu xa và ý định làm cho ta yêu mến những anh em Thượng ấy.

Việc Ngài thuộc về một nền văn minh phát triển là một trợ giúp để làm nẩy sinh hoa trái các tài năng của Ngài; nó để cho trách nhiệm – dựa vào đó chúng ta sẽ bị xét xử – hoàn toàn làm vì sáng danh Chúa và vì ơn cứu rỗi thế gian.

Những người Thượng mà Đức Cha Cassaigne quen biết, chung chung là những con người hiền lành. Họ bị những cao trào phát triển xua đuổi cũng vì tính hiền dịu của họ. Do không bị nhu cầu nào thúc giục, họ chỉ cần những gì tối thiểu nhất cho cuộc sống. Dù vậy, được lương tri hướng dẫn và nhờ hành động của Thần Khí luôn tác động nơi tâm hồn mọi người có thiện tâm, người Thượng vùng Di-Linh đã biết rèn cho họ một xã hội lành mạnh. Họ thuộc về lớp chứng nhân cuối cùng của một lối sống khác: lối sống của trẻ thơ. Vì vậy Đức Cha Cassaigne yêu thương họ một cách dịu dàng, như người ta yêu mến những đứa con thơ bé nhất của mình. Ngài mỉm cười khi thấy họ sai lỗi, không phải để tán đồng các lỗi lầm ấy, nhưng vì Ngài thấy sự phong phú của tâm hồn họ.

Đức Cha Cassaigne không chỉ dừng lại ở nụ cười. Ngài đã cho họ những hiểu biết căn bản của một sự hiểu biết có tổ chức, nhất là Ngài đã đem cho họ ánh sáng, sức mạnh và ân sủng của Phúc Aâm. Bởi vì với bất kỳ ai, cần thiết phải biết Chúa Giêsu Kitô, để có được một sự hiện hữu đầy tràn nhân bản và nhận được ơn tha thứ các tội lỗi trước khi đón nhận phúc lộc vinh quang trên Trời.

Đọan văn sau đây tả lại tình hình cách nay 50 năm. Ngày nay, người Thượng đã biết thủ đắc những kiến thức và cách làm tân tiến nhất. Giữa họ, người ta thấy có 4 linh mục.



* * * * * * * * * * * * *


“Tôi sẽ dẫn các bạn đi vào một xứ mà cuối thế kỷ trước (TK. 19 – TLL) trên bản đồ Vùng Viễn-Đông chỉ ghi những hàng chữ : "Vùng đất hoang sơ", "các sắc dân bán khai”. Các bộ tộc Kôhô, Mạ, Câu Sré, những sắc dân duy nhất mà tôi biết, hợp thành cái thị-tứ vùng Đồng-Nai Thượng, mà trung tâm là Di-Linh.

Người Kôhô hoặc người Mạ thì to cao, dáng thẳng và lực lưỡng. Không bao giờ gặp nơi họ những người lùn, những người còi cọc hoặc dị dạng. Chẳng có chút gì gần gụi giữa những con người có làn da màu gạch nầy với hàng xóm người Việt (Kinh) của họ.

Thuở ban đầu, bị dồn đuổi qua các thời kỳ bởi những kẻ xâm lăng, họ chắc hẳn là những nhóm cư dân đầu tiên của vùng nầy. Cách chung họ duy trì tín ngưỡng duy linh và thờ các thần linh thượng giới và hạ giới.

“Những người mọi rợ", người ta sẽ cho là vậy; có thể, là vì họ vẫn còn trong giai đọan được gọi là nguyên thủy. Cũng còn cần phải xác quyết là "sự mọi rợ" nầy, xét theo một số khía cạnh nào đó, không vượt trên "nền văn minh khai hóa" của chúng ta.

Nhân đây, xin đưa ra một chi tiết: khi một thầy mo chữa lành một bệnh nhân, ông ta phải được trả công một con gà, một con heo hoặc một con trâu, tùy theo mức độ bệnh nặng nhẹ. Chẳng còn gì công bằng hơn. Ngược lại, nếu người bệnh chết, thì chính thầy thuốc của anh ta phải cho gia đình, với tính cách bồi thường, một giải khăn, một ống vố hoặc một vòng đeo cổ mà người ta sẽ đặt lên quan tài. Bạn không thấy tập tục nầy là tuyệt vời hay sao?

Tôi phải nói thêm rằng các thầy lang người Thượng còn phải học hỏi nhiều. Ví dụ, thay vì bắt mạch chẩn đoán cho người bệnh, thì họ cắt cổ gà kiểu như bói toán trong thời La Mã cổ đại và nhìn xem chân gà quay về hướng nào. Người ta tự hỏi họ có ở trong sự thật chăng. Cũng thế, khi thầy mo tin rằng người bệnh, trong đa phần thời gian, trước khi chịu đánh roi thứ mười lăm, phải cảm thấy khỏe khoắn hơn không thể chối cãi được. Chí ít là người bệnh cũng hét lên, to đến nỗi người ta buộc phải tin như vậy.

PHONG TỤC TẬP QUÁN

Những người sơ khai trên khắp thế giới giữ một kỷ niệm giống nhau về thời khởi đầu của nhân loại. Người Thượng, dù chẳng bao giờ tiếp xúc với các chủng tộc khác và chưa bao giờ nghe nói đến Kinh Thánh, nhưng họ truyền tụng đời nầy sang đời khác những câu chuyện về Đại Hồng-thủy, Tháp Babel, sự phân tán các chủng tộc, theo cách diễn tả các sự kiện và nhân vật của riêng họ. Chúng ta hãy xem họ kể thế nào về Đại hồng-thủy.

ĐẠI HỒNG THỦY

Thuở xưa, theo khẩu truyền của người Thượng, trong các thời kỳ khởi nguyên, Milan (con chim mồi) cãi nhau với con Cua và dùng mỏ mổ mạnh đến nỗi con Cua bị thủng lưng. Con Cua muốn trả thù, nhưng làm sao nó có thể vói tới con chim Milan trốn trên các tầng mây? Con Cua liền làm cho nước sông-biển phình lên, đến nỗi nước dâng tới Trời. Tất cả mọi sinh vật đều bị tiêu diệt, trừ hai con người trốn được vào một cái thùng lớn và nhốt theo với họ mỗi loài vật một cặp.

Trận đại hồng thủy kéo dài 7 ngày 7 đêm; sau thời gian ấy, Vị Noé người Thượng nghe có tiếng gà mái gáy bên ngoài: đó là Yàng (thần linh) gửi con gà mái đến báo cho các tổ tiên biết họ có thể ra ngoài. Những con vật thấy cửa mở, bèn lợi dụng để chiếm lấy các cánh đồng.

CƯỚI XIN

Việc cưới hỏi được cử hành trọng thể. Khế ước hôn-nhân, hành vi căn bản, được xem như một điều linh thiêng. Ly dị được chấp nhận, nhưng ly dị tốn kém (phải bồi thường 6 con trâu cho bên gây lỗi), đến độ người Thượng phân vân trước khi đưa ra quyết định kiện tụng.

Người Kôhô và người Mạ trung thành với chế độ mẫu-hệ. Luôn luôn các cô gái hỏi cưới các chàng trai và chàng ta bỏ nhà mình sau lễ hỏi, để đến ở nhà của vợ mình.

Nghi lễ hôn phối thành một ngày lễ hội lớn: người ta cầu khẩn các thần linh phù hộ cho đôi tân hôn. Một lễ tế được tổ chức và sau khi tế lễ xong, người ta dùng máu của con vật bị tế – một con trâu non, một con heo hoặc một con gà – trộn với rượu gạo và sau khi đọc thần chú gọi các thần linh của tổ ấm mới, họ nhúng chân của cả hôn phu và hôn thê vào trong đó. Hôn ước được ký kết. Lễ hội kết thúc bằng việc uống rượu rất nhiều.

Khi cưới xin, cha mẹ chú rể nhận được từ cô con dâu một con trâu, những chiếc chiêng, ché, bù vào sự ra đi của con trai họ.

THỰC PHẨM

Người Thượng, vốn bằng lòng với chút ít thực phẩm thường ngày, luôn vui vẻ đón nhận bất cứ thứ gì người ta giới thiệu. Nếu họ có được dồi dào cơm gạo cho bữa ăn rồi, thì họ rất ít quan tâm cái gì ăn kèm theo.

Dù vậy, xin đừng nghĩ rằng bàn ăn người Thượng luôn nghèo nàn như thế: những món ăn phụ thỉnh thoảng được đem ra cạnh hai món đầu tiên. Ví dụ, sẽ có canh rau, gồm hoa và lá rau muống; thỉnh thoảng một con cá tươi kho chín, măng và đọt non, miếng khô nai, những con dế rang trong nồi. Còn nhiều món khác thuộc cùng loại và mùi vị ấy.

Bệnh chủ yếu của người Thượng là bệnh dạ dày, tái phát hằng năm, hai hoặc ba tháng trước mùa gặt: tôi muốn nói về cái đói kém. Người Thượng chẳng những chỉ sản xuất được rất ít lúa gạo, mà còn hy sinh một phần mùa màng để làm rượu uống.

SĂN BẮN

Nếu như mâm bàn người Thượng dọn ra ngày thường chẳng có gì, thì xin chớ vội kết luận là họ luôn xa lạ với sự phong phú. Trong một xứ mà thú săn đầy dẫy, người dân cư biết tìm phần lợi cho bếp núc của họ. Người Thượng cũng chẳng chịu thua và họ dành phần lớn thời gian cho việc săn bắn và câu cá.

Các loại thú ở xứ nầy thuộc vào loại phong phú nhất. Ngoài các thú nhỏ, các thợ săn gan dạ còn săn được vô số cheo, hoẵng, nai và lợn lòi. Cũng có ngày người ta gặp trong rừng một con hổ, một con báo vàng hoặc đen, một con gấu đen có vành khuyết màu trắng ở cổ, những đàn bò rừng và cả voi. Trong các con thú nầy, dữ tợn và nguy hiểm nhất phải kể đến bò rừng và voi.

Ngày nay phải công nhận là ít nguy hiểm hơn khi lang thang một mình trong rừng rậm vùng núi, không như ngày trước cách nay chưa lâu khi vượt qua một số con đường huyết mạch thành phố Sài-Gòn, ngay cả giữa ban ngày (vì những cuộc bỏ bom đánh phá).

Tôi xin kết thúc phần liệt kê nầy bằng con vật xấu xa nhất có thể gặp nơi xứ Thượng nầy, không còn bàn cãi nữa, chính là con muỗi, nhất là muỗi A-nô-phen, tác nhân truyền bệnh sốt rét rừng. Cho nên, cứ hễ khi kể chuyện lụt Đại Hồng Thủy, thì tôi cứ có ý nghĩ là Ông Noe đã có thể tránh, để đừng đem xuống thuyền lũ muỗi đáng nguyền rủa nầy.

NHÀ Ở

Các ngôi làng người Thượng hoặc tựa vào rừng, hoặc treo ở sườn dốc. Nhà mái tranh, luôn xây trên cột cao, được nâng lên, để tránh bị thú dữ làm hại. Những ngôi nhà tranh người Thượng có cái dài từ 60 đến 80 mét, dùng làm chỗ ở cho nhiều gia-đình. Nhà gồm có 2 cửa thấp, mỗi cửa một đầu. Không có cửa sổ và càng không có ống khói, bởi vì khói còn có nhiệm vụ xua đuổi muỗi mòng. Không có bàn ghế hay đúng hơn phên, chiếu và mấy cái bình thay cho các thứ bàn ghế. Phía trên sàn là người ở; còn phía dưới trệt là gà vịt, dê và heo. Cửa của ngôi nhà thường có một lan can kèm theo. Một khúc gỗ được đẽo thành bậc cấp dẫn lên nhà. Nếu như người Thượng trèo lên leo xuống cái thang nầy rất dễ dàng, thì người Châu Âu trái lại, rất dễ bị té lăn cù xuống dưới, nếu không cẩn thận.

CÁCH ĂN MẶC

Người Thượng ganh đua về sự làm dáng, và sự bận rộn lớn nhất là việc căng cho tai dài ra để xỏ vào lỗ những vật hết sức đa dạng. Được căng lớn vô chừng, có khi tai thòng xuống tới tận vai.

Một tập tục khác muốn rằng các qúy bà gia đình khá giả, đeo những vòng đồng từ mắt cá cho tới đầu gối. Do vậy, dù y phục hiếm hoi, những ngón kỹ xảo của qúy bà vẫn không thay đổi và sự đỏm dáng không mất quyền lợi ở nơi đây cũng như mọi chỗ khác.

CÁC TẬP TỤC

Người Thượng chỉ "mọi rợ" vì bị gọi tên như vậy. Các tập tục của họ chứng minh điều đó. Bất kể vị khách du lịch ngoại quốc nào đã đi qua một ngôi làng, miễn là cư xử như bạn hữu, thì sẽ chẳng thấy gì ngoài lòng hiếu khách thẳng thắn và thân tình của những cư dân núi rừng nầy. Chẳng những họ được lo chỗ nghỉ ngơi tử tế, mà còn được phục vụ chu đáo, dĩ nhiên là theo kiểu người Thượng! Mỗi lần như thế, ngay khi tới cửa, người ta bưng nước đến để bạn rửa chân, dọn cơm cho bạn ăn và để tỏ dấu hiệu thân thiện, họ còn khui cả ché rượu cần.

Người Thượng cũng ưa thích tự do như các thú vật trong rừng thẳm, nhưng không bắt chước các thói quen của thú vật.

Hôn nhân, như chúng ta đã nói trên đây, được họ xem như một điều linh thiêng. Tội ngoại tình bị trừng trị nghiêm khắc, phải bồi thường mười hai con trâu để chuộc lại. Người Thượng ước mong có được một gia đình đông đúc. Họ chăm sóc con cái cẩn thận và không bao giờ bỏ rơi chúng.

TÔN GIÁO

Người Thượng tin vào sự hiện hữu của Một Đấng Tối Cao đã dựng nên đất trời, nhưng họ không đặt tên cho Người. Đấng ấy thưởng sự thiện và phạt sự ác trong một cuộc sống khác. Ngoài Vị Thần Linh Tối Cao ra, họ còn tin vào rất nhiều các vị thần, tương ứng với mặt trời, mặt trăng, sấm sét, cũng là những vị thần quyền năng gọi là Yàng.

Ở xứ Thượng, không tìm thấy một dinh cơ tôn giáo hay một đền chùa nào. Không có dấu vết đẳng cấp tư tế, trừ phi người ta coi như thế đối với các ông thày mo vốn được vấn kế khi có người đau ốm, khi có các biến cố xãy ra trong gia đình hay lúc gặp tai biến. Người Thượng chỉ dâng lễ cúng khi chôn cất cha mẹ và để làm an lòng các thần dữ vào các dịp gieo gặt.

LAO ĐỘNG

Mỗi năm ba tháng bị thiếu hụt cũng chẳng ăn thua gì để nhắc người Thượng rằng sự tự do dĩ nhiên là tài sản qúy giá nhất, nhưng sống tự do lại chẳng thể nuôi người ta được. Người Thượng đi chơi đây đó rất nhiều và lê la hằng giờ. Họ săn bắn và đánh cá bất kể mùa nào và giữ khít khao ngày giờ cúng tế các thần linh.

Nhu cầu đã ít rồi, mà các mối bận tâm lại còn ít hơn và họ chẳng hề phàn nàn về sự nhàn rỗi của mình. Với lại, họ còn kể cho bạn nghe những điều các chuyện thần thoại dạy bảo họ. Từ ban đầu, quê hương của họ là trung tâm trái đất vì nó tương ứng với vị trí đặt Thiên đàng hạ giới (y phục người Thượng chẳng phải là vết tích cuối cùng đó sao?). Cũng chính nơi đó những tổ tiên của loài người cập thuyền sau Lụt Đại Hồng Thủy. Cuối cùng, đất đai phì nhiêu đã cấm ngăn các cư dân không được quá vất vả; còn rừng thì đầy dẫy nguồn lợi không bao giờ cạn kiệt.

Công việc lớn lao và duy nhất chỉ gồm việc làm ruộng. Vào mùa mưa, tận sâu dưới thung lũng, người Thượng trồng lúa ruộng được dẫn nước tưới theo kiểu người Việt. Họ cày, xới và gieo sạ lúa, nhưng không cấy, bởi vì tổ tiên vẫn làm như vậy và sẽ thiếu sót nghiêm trọng đến việc thờ phượng phải có đối với tổ tiên, nếu như người ta thay đổi phương pháp.

Lúa rẫy đòi công sức chăm chút hơn. Sau khi đã chọn trong rừng một vùng thích hợp để gieo, vào một ngày đẹp trời, người Thượng đốt những đống cây đã chặt gom. Lúc đó, mặt đất sẽ phủ một lớp tro, mà những cơn mưa đầu tiên sẽ làm thấm vào lòng đất, chuẩn bị cho một vụ mùa tốt đẹp. Từ lúc ấy, đất đã sẵn sàng để đón nhận hạt giống gieo xuống. Dù chỉ được chuẩn bị sơ sài, nhưng lúa cũng cho gấp bốn năm mươi lần mỗi năm. Sau khi gieo khoảng sáu tháng, là đến mùa gặt.

Sau mùa gặt, người Thượng gieo bắp, nhưng cũng chẳng bỏ công sức chăm nom gì hơn. Chính bắp ngô sẽ giúp hàn gắn cái đói giáp hạt, khi nguồn lương thực bị cạn kiệt.

Sau hết, người Thượng cũng trồng thuốc lá. Phải thú nhận rằng hương thơm của sợi thuốc người Thượng ít giống với mùi thuốc ta vẫn hút, dù là loại kém nhất. Nhưng thói quen hút thuốc đã thành bản chất tự nhiên và đàn ông cũng như đàn bà, con trai cũng như con gái, ông bà lão cũng như trẻ em, tất cả mọi người đều hút thuốc. Đứa nhỏ còn đang ẳm trên tay, thỉnh thoảng nhả vú đang bú, để ngậm ống tẩu của mẹ nó và hít một lúc vài ba hơi.

Thật là xứ sở hạnh phúc và người dân xứ sở nầy thật khôn ngoan! Sinh ra là trẻ thơ như mọi con người, nhưng chỉ có người Thượng là sẽ lớn lên như trẻ thơ và chết như thế. Nếu có thể trách cứ họ vì đã quên điều răn Kinh Thánh: "Ngươi hãy làm việc để kiếm của nuôi sống”, thì ta phải thán phục, vì họ thực hành dễ dàng điều dạy nầy: "Nếu các ngươi không hóa nên như trẻ nhỏ, các ngươi sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

dominico_dung
03-08-2010, 11:37 PM
CHƯƠNG 15



NHỮNG LÁ THƯ TỪ NAM-KỲ




Sau đây là những đọan trích từ thư tín của Đức Cha Cassaigne, mà không lúc nào vắng chất hài hước. Trước hết một lá thư gửi cho các anh em họ hàng viết tại Di-Linh, ngày 26 tháng 11 năm 1933. Ngài vừa từ Pháp trở lại sau thời gian nghỉ ngơi, mà Ngài cố rút ngắn tối đa.



Anh, Chị thân mến,

Chị Jeanne đã có lý khi mắng tôi đã lâu rồi chẳng gửi tin tức của tôi cho Anh, Chị. Nguyên nhân thì luôn là vầy: trước hết bận bịu vô khối công việc, và rồi cái sốt rét "chết tiệt" trong nhiều tháng qua từ chối buông tha tôi !!! Ông bác sĩ có lý, khi nói rằng lẽ ra tôi phải ở nán lại Pháp 5 năm, nhưng nếu mà như thế, thì tôi lại thành người suy nhược thần kinh mất – điều còn tệ hơn – và ai sẽ chăm sóc anh em dân tộc thân yêu của tôi ? Đấng Tạo Hóa đã làm nên mọi sự tốt đẹp và người ta sẽ sống chừng nào người ta muốn, và rồi sau đó; chà! chắc chắn sẽ có một chỗ trống nhỏ nào đó trên thiên đàng để hưởng hạnh phúc trọn hảo, dành cho cái ông cha xứ bé nhỏ xứ Mọi và khi ấy, sẽ hết sức an tâm: hết sốt rét, hết lo lắng và như giáo dân của tôi hay mơ, sẽ có thuốc hút, rượu cần uống thỏa thuê.

Nhưng trong khi chờ đợi, phải giật dây cương (cho ngựa phi) và tôi hạnh phúc vì tôi có nhiều công việc và là công việc tích cực sống động. Cho nên đối với tôi, thật sự là một hình phạt sám hối khi phải ngồi ở bàn giấy, để viết thư. Tôi nói thật đấy! Hoặc để dọn các bài giảng bằng tiếng Việt hoặc tiếng Thượng cho văn vẽ câu kệ. Không cần phải nói với Anh Chị là, để trổ tài hùng biện, tôi chẳng cần phải tìm cảm hứng nơi Bossuet hay Lacordaire, nhưng điều cốt yếu là bổn đạo của tôi hiểu hết được những gì tôi nói !

Đây là thời dụng biểu của tôi: mỗi tuần ba lần, tôi là y tá của Làng Cùi; ba buổi sáng khác, tôi làm thợ mộc để nới nhà thờ ra lớn hơn, vì bây giờ nó đã trở nên quá nhỏ; buổi trưa, tôi ngủ, đọc sách kinh và từ 2 giờ chiều, Ông Cha Xứ tiếp khách. Ối trời! Các khách hàng chẳng hề thiếu: thăm khám bệnh nhân, xét xử những vụ việc nho nhỏ, giải tội, v.v… Vào 5 giờ, tôi nhảy lên xe đạp và đi dạy giáo lý cho anh em Thượng và các người Việt; 6 giờ, trở về lại nhà, là thời gian đến kể cho Chúa nghe những biến cố trong ngày, lần chuỗi. Rồi là đến bữa ăn tối do đầu bếp 14 tuổi nấu dọn, song anh chàng nấu ăn nầy lại luôn tìm cách đánh đổ tất cả mọi lý thuyết nấu nướng quá khứ, hiện tại và chắc chắn là cả tương lai.

Đó là công việc của 6 ngày và như Đấng Tạo Hóa nghỉ ngơi ngày thứ bảy, tôi cũng làm như vậy vào ngày Chúa-nhật và đi săn những chú hoẵng, gà rừng và một vài thứ ăn được đầy dẫy quanh nơi tôi ở.

Cuối cùng, giữa những khoảng thời gian ấy, tôi tự cho phép mình lên vài cơn sốt, cũng là dịp để nằm nghỉ. Ngày tháng qua đi thật mau chóng và vui vẻ, tôi thấy lòng mình thỏa mãn vì có những ngày sống từ sáng đến tối thật tròn đầy.

Năm tới, sau ngày Tết Việt-Nam, vào khoảng giữa tháng Hai, Đức Giám-mục của tôi đã hứa sẽ cho tôi một cha phó người bản xứ. Như vậy chúng tôi sẽ có hai người cùng làm việc và sẽ có hai người cùng sốt rét. Như thế sẽ thấy được an ủi hơn.

Cám ơn Jeannot vì 100.000 nụ hôn mà anh ấy gửi cho tôi. Tôi chưa bao giờ nhận một lúc nhiều như vậy. Tôi gửi lại cho anh ấy 5 lần hơn thế và nhờ anh phân phát cho Bố, Mẹ, Paillet và Dédé. Hôn tất cả với rất nhiều âu yếm.

JEAN



THƯ GỬI CHO CỤ THÂN-SINH

Thư gửi cho thân phụ Ngài được viết thời gian ở Sài-Gòn, chiến tranh hoành hành. Marguerite (Cassaigne) là vợ sau của thân phụ Đức Giám mục.




TÒA GIÁM-MỤC SÀIGÒN
180, Phố Richaud
Điện thoại : 20. 828
Sàigòn, ngày 30 tháng 3 năm 1948


Bố thân yêu,

Con viết thư cho Bố sau ngày Lễ Phục Sinh tổ chức rất đẹp ở Sàigòn: những nghi thức đẹp đẽ với sự tham dự của rất đông giáo dân. Lễ nào ở Nhà thờ Chính-tòa cũng hầu như chật kín người đủ loại, đủ chủng tộc và màu da Á châu đứng kề sát nhau; trong khi đại bác thỉnh thoảng lại nổ và trời rất nóng, khí hậu mùa xuân của chúng con là như vậy đó. Ở đây người ta cảm nhận được một sự đổi mới Đức-tin. Con càng thấy điều ấy trong những lần đi kinh-lý ban phép Thêm Sức, mà con vừa làm ở vùng ngoại ô Sàigòn. Ở những nơi đó, người ta ghi nhận một phong trào trở lại đạo to lớn rất khích lệ. Quả là từ hai năm nay, dân số Sàigòn đã tăng gấp đôi. Theo kết quả cuộc điều tra dân số vừa rồi, thực hiện vào tháng hai nầy, thì dân số Sàigòn là 1.175.000, trong đó có 16.000 người Pháp, 800.000 người Việt, 300.000 người Hoa và số còn lại gồm đại biểu của mọi sắc dân vùng Viễn-Đông. Tuần qua, lần đầu tiên kể từ khi con từ Pháp trở lại, con đi tới một tỉnh cách Sàigòn 70 cây số, bằng xe hơi của con, nhưng lại có xe bọc thép vây quanh, trên một con đường bị chiến tranh tàn phá và hầu như ở mọi khúc quanh đều có lô-cốt trang bị súng máy canh giữ. Đi kiểu nầy chẳng thích thú chút nào, nhưng không thể làm gì khác hơn.

Hôm qua, thứ hai tuần bát nhật Phục-Sinh, con đã đi ban phép thêm sức trong một vùng mà năm ngoái còn là một góc tồi tệ nhất của vùng ngoại ô, một giáo xứ Việt-Nam lớn ở phía cảng biển. Cho tới bấy giờ, cái góc ấy vẫn còn được bình định rất tốt. Hôm qua, mọi sự diễn ra tốt đẹp, chẳng cần có lính tráng gì hộ tống. Sau nghi lễ, con còn được mời uống sâm-banh do các giáo dân đãi và đó là lần thứ ba trong hai ngày, người ta tiếp đón con bằng sâm-banh, bởi vì người Việt-Nam cho rằng không thể tiếp một người Pháp, mà không đãi sâm-banh. Người ta làm như vậy trong các buổi tiếp-tân chính-thức và các giáo-dân làm theo khi họ đón tiếp Giám-mục. Ồ, Bố cứ yên tâm, không phải trong rừng đâu, mà trong các giáo-xứ ở thành phố và vì từ khi trở về lại, con đi ban thêm sức trong tất cả các giáo-xứ ở Sàigòn và vùng ngoại ô, khắp nơi con đều uống loại rượu vang nước ta, một điều rất tuyệt cho bệnh sốt rét. Thứ năm tới, và, than ôi, điều ấy xảy ra quá thường xuyên, sẽ lại có một buổi tiếp tân dành cho Chính phủ Nam-Kỳ, rồi lại… Sâm-banh. Chẳng có tuần nào mà con không bị buộc phải xuất hiện và trong khi ấy, cái chiến tranh kỳ khôi vẫn tiếp tục, gây ra chết chóc thương tâm.

Ôm hôn Bố thật mạnh và cả Marguerite nữa, Bố yêu dấu.

JEAN CỦA BỐ



THƯ GỬI MARGUERITE CASSAIGNE (vợ kế của bố Ngài)




Sàigòn, ngày 9 tháng 6 năm 1953


Marguerite thân yêu,

Con vội trả lời thư Dì của viết ngày 3 tháng 6. Con vẫn luôn rất bận bịu, nhưng có những thời kỳ mà con chậm trả lời các thư tín nhận được, ấy là khi con đi kinh lý nhiều ngày và lúc về nhà, nhìn thấy một đống thư, đúng là khổ hình.

Trong tháng 5 và đầu tháng 6, con đã đi hàng trăm cây-số trên các con đường của Miền Nam Việt-Nam, đáng kể nhất là rất nhiều lần đi ban Bí-tích thêm sức ở Miền Tây và vùng giáp ranh "đồng tháp mười", trong các cộng đoàn Kitô-giáo ở đó các tín hữu tụ tập lại, nhờ được bình định an ninh.

Con giữ được một kỷ niệm êm đẹp về một lần đi kinh lý vào cuối tháng năm, lúc con thấy lại Đức tin thật sống động của hàng ngàn người từ lâu bị bỏ rơi. Con cũng giữ một kỷ niệm "cháy bỏng, khát khao", vì nhiệt độ như đang ở sa mạc Sahara, nhất là tại một giáo xứ mà con ban thêm sức cho 350 người vào lúc hai giờ rưỡi chiều, trong một nhà thờ đông nghẹt, thắp vô số đèn cầy, rất nhiều đèn sắp thành dãy trên bàn thờ và nhiệt độ hẳn phải dao-động trong khoảng 45 độ. Con đã chọn giờ nầy, vì sau nghi lễ kéo dài 2 tiếng đồng hồ, con sẽ còn phải đi 120 cây số bằng xe hơi và vì con đường ban ngày được canh gác, song ban đêm không được đi lại sau 18 giờ 30. Mặc dù nóng sốt, mọi sự diễn ra tốt đẹp.

Thưa Dì Marguerite yêu dấu, xin Dì hãy tha lỗi cho vì để lâu không trả lời thư Dì, nhưng, như ông thượng sĩ tốt bụng hay nói với con "người ta xâu xé con" và con chẳng phàn nàn điều ấy đâu. Ôm hôn Dì thắm thiết, con xin Dì hãy tin ở lòng yêu mến sâu xa của con đối với Dì.

JEAN



THƯ GỬI MARGUERITE CASSAIGNE, từ Sài-Gòn



Ngày 11 tháng 6 năm 1954


Dì Marguerite thân yêu,

Sua một cuộc du hành kéo dài 12 ngày trên Cao Nguyên trở về, con đã là nạn nhân của một biến cố bi-hài buộc con phải tĩnh dưỡng hai tuần lễ. Con đã bị một con chó dại cắn trúng. Vào buổi sáng ngày 20 tháng 5, con đã tìm thấy một con chó con lẫn trốn dưới bàn làm việc của con, trên lầu của Tòa Giám-mục. Vừa giơ tay định ẵm nó, thì nó cắn con ngay ở tay. Khi anh giúp việc của con định bế nó lên, con chó cũng tìm cách cắn anh ta. Vậy là cả nhà nhào vô, trói gô chú chó và mang tức khắc tới Viện Pasteur.

Người đứng đầu Ban chống bệnh dại tuyên bố ngay với con, rằng con chó rất đáng ngờ và anh tài xế của con và cả con phải bắt đầu việc chữa trị, gồm 25 mũi tiêm huyết thanh phòng dại. Ngày hôm sau đó, con chó chết và cuộc khám nghiệm cho thấy nó thật sự bị dại. Con đã theo việc chữa trị, mà hai tuần đầu làm con rất mệt, đánh thức bệnh sốt rét muôn thuở của con. Hôm nay con kết thúc mũi tiêm thứ 25 và từ sáu ngày nay, chẳng những con hết mệt nhọc, mà trái lại, còn thấy ăn ngon miệng lại và trong người rất khỏe.

Ở Viện Pasteur, con gặp Tướng Chỉ Huy quân đội Pháp tại Miền Nam Việt Nam, cũng đang theo chữa trị bệnh dại, vì ông ta bị một con mèo cắn. Nhưng điều tức cười, đó là ông tường nầy đã không thể tìm thấy được con mèo. Khi ông giám-độc Viện Pasteur yêu cầu cho tìm con mèo, để xem nó có bị bệnh dại chăng, thì người ta thấy nó ở trong nhà bếp, nhưng mấy người giúp việc đã cho con mèo vào nồi nấu để nhậu. Ông tướng nổi cơn thịnh nộ, vì dù không có ác ý, họ đã dọn món hẩu nầy cho ông tướng thưởng thức. Con cứ cho là mình đã thấy hết mọi sự. Nhưng không, trong xứ sở nầy, người ta luôn có một cái gì đó để chịu đựng và một điều nào đó để học hỏi. Dù có ra sao, thì một lần nữa, Thiên Thần Hộ Thủ của con đã làm tròn nhiệm vụ của Người.

Một việc phiền toái hơn đã xảy ra với con vào tuần vừa rồi. Trong đêm ngày 2 tháng 6, Việt-Minh đã làm nổ tung một kho lớn thuốc nổ, nằm ở một trong các giáo xứ của con cách Sàigòn 6 cây số. Từ 3 giờ sáng cho đến chiều, những tiếng nổ mạnh làm rung chuyển Sàigòn, làm nhiều cửa hàng buôn bán bị vỡ rất nhiều kính. Nhưng tại hiện trường thì cả một thảm họa: thánh đường, nhà xứ, trướng lớp, v.v... đều bị thổi bay, gây ra hàng triệu đống đổ nát. May thay, năm linh mục của cộng đoàn Kitô giáo nầy, các nữ tu, giáo dân, hiểu ngay từ tiếng nổ đầu tiên, nên đã chạy thoát thân, bỏ lại tất cả, cho nên chỉ có 10 nạn nhân. Và đó là lần thứ hai cộng đoàn nầy bị phá hoại, bởi vì kho đạn nầy đã nổ tung một lần vào ngày 31 tháng 8 năm 1952, làm con tốn 7 triệu. Mọi người đều đã chán ngấy cuộc chiến đáng buồn nầy.

Con ôm hôn Dì với tất cả sự âu yếm thắm thiết.

JEAN



Trong thư từ liên lạc của Ngài, Đức Cha Cassaigne rất kín đáo, không để lộ về Ngài. Ngày 23 tháng 12 năm 1954, bốn ngày sau khi khám phá ra dấu hiệu bệnh cùi trên da, Ngài viết cho bà mẹ kế và nói về tình trạng sức khỏe của Ngài như sau :





Dì Marguerite yêu qúy,

Con muốn chúc Dì được một năm mới bắt đầu tốt đẹp và êm dịu biết bao. Phần con, con rất khỏe và con dám nói là ngày càng khá hơn, vì gánh con càng nặng, thì ân sủng con nhận được càng nhiều, để có thể chu toàn. Trong những lần đi thăm những vùng giành lại được, nhìn thấy Đức Tin (của những người Việt) sống động mức ấy, con đã không nén nỗi xúc động, và nhất là tuần vừa rồi, con đã không thể cầm được nước mắt. Ôi Việt-Nam yêu dấu và thắm đẹp, Thiên Chúa không thể bỏ rơi đất nước nầy.

Vấn đề người di cư Miền Bắc giải quyết từ từ, bời vì chẳng dễ dàng gì cho tái định cư đông đảo những người bần hàn như thế. Những người nầy cũng nêu gương sáng đức tin, vì họ đã bỏ lại tất cả, chỉ vì muốn giữ nguyên vẹn đức tin Công-giáo của họ. Người tìn hữu di cư ở Miền Nam nay khoảng hơn 400.000, với hơn 600 linh mục, bằng ấy cho con một giáo phận quan trọng, nhưng cũng lầm than biết bao.

Hôn Dì thắm thiết, với tất cả tấm lòng thừa sai của con.

JEAN



Thư viết ngày 10 tháng Giêng năm 1960, sau khi Đức Cha về ở hẳn tại Di-Linh.




Những bệnh nhân phong cùi yêu qúy của tôi, nay đã là 210 người, càng ngày càng tỏ ra yêu thương và được yêu thương và ở bên họ, tôi nếm cảm được nhiều an ủi và niềm vui hơn là tôi gặt hái được trong 15 năm ở Sàigòn. Rất đạo hạnh, họ gồm 140 người Công-giáo và chừng 50 tân tòng và hết thảy bọn họ đều có được sự sốt sắng của trẻ thơ. Mỗi Chúa nhật, có khoảng 120 người rước lễ và các ngày trong tuần thì mỗi hôm có khoảng 30 người chịu lễ. Họ sống gần như một cộng đoàn tu-sĩ; hơn nữa, họ hớn hở và vui tươi và giữa họ có sự thuận thảo tuyệt vời. Đó là một thiên đàng hạ giới và tôi chẳng khi nào tạ ơn Chúa đủ, đã cho tôi được ân phúc về lại ở giữa họ.



Lá thư sau đây là thư Ngài trả lời câu hỏi của một chàng trai 17 tuổi, sinh ở Grenade, đang suy nghĩ về chức linh mục.




Di-Linh, ngày 26 tháng 2 năm 1965


Anh Bạn thân mến,

Rất cám ơn về lá thư dễ thương của con, mà Cha cố gắng trả lời tốt nhất có thể, theo những câu hỏi của con.

1. Cha đã thụ phong linh mục ở Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris, ngày 19 tháng 12 năm 1925 và được tấn phong giám mục tại Sàigòn ngày 24 tháng 6 năm 1941.

2. Kể từ khi rước lễ lần đầu và sau khi mẹ cha, là người khích lệ ơn gọi của cha, qua đời, cha luôn ao ước được làm một linh mục thừa sai. Cha còn cả thú nhận rằng, trong chiến tranh 1914 – 1918 mà cha đi lính 5 năm, trong khi cha đang là chủng sinh, thì điều cha sợ nhất không phải là bị giết chết, mà chỉ sợ bị thương nặng, đến mức ngăn không cho cha tận hiến cho các xứ truyền giáo.

3. Phải nói thật là cha chưa bao giờ bị thất vọng, trừ cái lần sau khi chịu chức linh mục, cha nhận bài sai đi làm nhiệm vụ ở Sàigòn. Ở trong chủng viện Hội Truyền Giáo Paris, ai cũng mơ những rừng rậm, những người bán khai và ở Viễn-Đông thì rất nhiều những cái đó, bởi vì giờ nầy cha đang ở giữa họ. Vậy mà cha lại bị sai đi tới Nam Kỳ, mà thủ đô Sàigòn vốn là viên ngọc Viễn-Đông. Thế là tan mộng rừng rậm. Cha lầm to, vì sau khi học tiếng Việt trong một tỉnh ở phía Đông Nam-Kỳ, Giám-mục của cha đã phái cha vào trong rừng Việt-Nam, nơi những người "mọi", từ mà tiếng Việt có nghĩa là "mọi rợ". Chính ở nơi đó, mà sau khi từ chức Giám-mục Sàigòn, Chúa đã cho phép cha được trở về lại và còn hơn thế nữa, được ở giữa những người cùi thân yêu của cha.

4. Cha đã được biết đến những niềm vui lớn lao nào ư? Chúa ơi, cha không thể kể hết từng chi tiết cho con nghe, bởi vì Cha đã gặt hái được suốt trong 39 năm sống đời thừa sai của cha. Trước tiên, sau 3 năm ở Di-Linh, khi Cha được niềm vui lớn lao là rửa tội cho một tân tòng người Thượng, ngày 19/3/1930, một thanh niên 20 tuổi, luôn sống đời tín hữu hết sức tốt lành và chính anh ta đã làm cho cả nhà, rồi cả làng trở lại đạo.

Rồi những lần ban phép rửa tội, những khi cho rước lễ lần đầu, những khi giúp anh em chết lành, bởi vì cho tới ngày Cha được nâng lên hàng Giám-mục, thì Cha đã có được vinh dự rửa tội 1.111 người trong vùng Di-Linh, rồi trao lại cho vị linh mục kế thừa tiếp tục công việc.

Sự trở lại Trại Cùi của Cha vào năm 1955, cha chưa bao giờ được hạnh phúc đến thế và kể từ đó đến nay, cha vẫn hạnh phúc.

5. Cha có gặp những lúc khó khăn không ư? – Hẳn là trong đời người, ai cũng gặp những khó khăn, ngay cả với một linh mục, ví dụ như khi Cha Chauvel, vị linh mục kế nhiệm Cha ở Di-Linh, một thừa sai lỗi lạc 30 tuổi, đã bị Việt-Cộng sát hại gần nhà Ngài. Trong 15 năm cha ở Tòa Giám Mục Sàigòn, thời kỳ Nhật chiếm đóng và Việt-Cộng khởi nghĩa, đã hai lần Việt-Cộng lên án tử cho Cha. Còn buồn phiền ư? – Trong những khi lên cơn sốt rét, vì trong nhiều ngày Cha không thể nào dâng Thánh Lễ, hoặc là bệnh đau cột sống, mỗi khi đến mùa khô, ngăn không để Cha lên bàn thờ dâng lễ. Do vậy, cha chỉ có duy nhất một nỗi buồn phiền, là khi không thể dâng Thánh Lễ. Sự đau đớn không ngăn cản cha được hoàn toàn hạnh phúc; người linh mục thấy mình "linh mục" – và điều mà linh mục phải trở nên: hiến lễ – trong lúc chịu khổ đau, hơn là khi hành động. Tóm lại, nếu phải bắt đầu lại cuộc đời của một thừa sai trong 39 năm, trong đó 24 năm ở với người Thượng và 15 năm ở Tòa Giám Mục Sàigòn, như Cha đã sống, với những buồn phiền đau khổ và những niềm vui mênh mông, thì Cha sẽ chẳng do dự một giây nào cả và Cha lại sẽ ra đi lần nữa.

Hỡi Bạn nhỏ thân yêu, Cha chúc cho con, trong cuộc sống linh mục sau nầy, cũng sẽ được hạnh phúc như Cha đã và đang được. Hiệp nhất trong lời cầu nguyện và hãy tin tâm tình yêu mến của Cha đối với con trong Chúa Giêsu.

+ JEAN CASSAIGNE

dominico_dung
03-08-2010, 11:40 PM
Sau đây là suy-nghĩ của Đức Cha Cassaigne, lúc ấy bệnh đã rất trầm-trọng, về cách kết thúc cuộc đời của Ngài (viết 1966):



"Trại Cùi là một ốc đảo yên tĩnh và bình an. Cùng với 300 bệnh nhân của tôi, trong đó 210 người đã nhận bí tích thanh tẩy, tôi không còn vấn đề gì cả. Tôi kết thúc cuộc đời trong đẹp đẽ"







:53::53::53:











THƯ MỤC




* Louis et Madeleine Raillon, Jean Cassaigne, Bệnh Cùi và Thiên Chúa, Paris, Saint-Paul, 1993.

* "Trái tim tôi ở Việt-Nam", Đức Giám Mục Cassaigne, Téqui, 2001, tủ sách "Thiên Chúa là Tình Yêu", n.182

dominico_dung
03-08-2010, 11:43 PM
MỘT SỐ BÀI SƯU TẦM ĐỌC THÊM







Đức cha JEAN CASSAIGNE (1895 - 1973)



Vị tông đồ truyền giáo cho anh chị em dân tộc Kơho và sáng lập Trại phong Di Linh




Ông tổ của công cuộc truyền giáo cho người dân tộc



Trong bản tường trình năm 1920, Đức cha Victor Quinton Giám mục Giáo phận Sài Gòn đã nói đến ý định truyền giáo cho người dân tộc trên cao nguyên Djiring - Langbiang. Nhưng công cuộc truyền giáo này chỉ thực sự bắt đầu khi Đức cha Dumortier đặt cha Jean Cassaigne, một linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris đến Di Linh năm 1927. Đức cha Dumortier viết trong bản tường trình năm 1927 như sau:
"Chúa Quan Phòng đã sắp đặt cho tôi một vị tông đồ như ý để khởi sự công cuộc truyền giáo cho người dân tộc. Tôi thấy cha Cassaigne được chuẩn bị tốt để chịu được gian khổ thiếu thốn. Vừa khi biết chương trình truyền giáo của tôi, cha Cassaigne đã tình nguyện và bày tỏ niềm vui khôn tả khi nghe tôi công bố việc bổ nhiệm ngài vào công cuộc này".
Thứ tư ngày 20-10-1926, cha Cassaigne lên đường đến thí điểm truyền giáo Di Linh. Ngài đi từ Sài Gòn đến Phan Thiết, rồi từ Ma Lâm lên cao nguyên Di Linh. Nhưng gặp mưa bão càn quét vùng cao nguyên làm con đường từ Ma Lâm lên Di Linh hư hại nặng cho nên ngài phải trở về Sài Gòn.
Cho đến ngày 24-1-1927, cha Cassaigne mới có thể từ Đà Lạt chính thức đến nhận thí điểm truyền giáo Di Linh. Toà Giám mục Sài Gòn đã chuẩn bị cho ngài một căn nhà mua lại của ông Ngô Châu Liên để làm cơ sở lập thí điểm truyền giáo.
Ngay trong buổi chiều đầu tiên đến vùng đất Di Linh, cha Cassaigne đã nhìn thấy những người dân tộc lặng lẽ nghi ngại đi ngang qua nhà ngài. Ngài đã nhìn thấy những anh chị em dân tộc được trao phó cho ngài, cả một cánh đồng truyền giáo rộng lớn đang chờ đợi ngài. Để có thể gặp gỡ những người dân tộc rụt rè nhút nhát trước những người xa lạ, cha Cassaigne khởi sự bằng cách học nói tiếng của họ, một ngôn ngữ quá mới mẻ và không có chữ viết. Cha Cassaigne đã phải mày mò ký tự từng chữ trong ngôn ngữ của họ. Công việc này đã cuốn hút vị thừa sai trẻ đầy nhiệt huyết. Vì thế, vào tháng 12-1929 cha Cassaigne đã xuất bản Từ điển Pháp - Kơho - Việt, đây là cuốn từ điển đầu tiên hình thành chữ viết cho ngôn ngữ Kơho, một công trình rất đáng trân trọng vì góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc và phát triển cho người dân tộc Kơho.
Tháng 12-1937 cha Cassaigne xuất bản cuốn: Phong tục tập quán người dân tộc Kơho, đây cũng là một công trình đầu tiên nghiên cứu về người Kơho, một công trình giúp cho cha Cassaigne có thể hiểu và gặp gỡ được với những người dân tộc và từ đó nói về Chúa cho họ. Năm 1938 cha cho xuất bản tập Giáo lý cho người Kơho.
Chính nhờ việc hiểu được ngôn ngữ và phong tục tập quán Kơho, cha Cassaigne đã thực sự trở thành người khai phá, trở thành Ông tổ của công cuộc truyền giáo cho người dân tộc, và cha đã thành công trong việc đem Ơn Cứu Độ đến cho rất nhiều người dân tộc thuộc các buôn làng trong miền Cao nguyên Di Linh - Langbiang.
Hoa trái của công cuộc truyền giáo là vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 7-12-1927, cha Cassaigne đã rửa tội cho bà Ka Trut, một bệnh nhân phong cùi thường xuyên nhận sự giúp đỡ của cha. Bà Maria Ka Trut qua đời ngày 20-12-1927 và được an táng ngày 22-12-1927 tại nghĩa trang của người dân tộc Di Linh.
Tin Mừng của Chúa đã được người dân tộc đón nhận vì họ cảm nghiệm được tình yêu Chúa qua những hành vi bác ái yêu thương của cha Cassaigne. Họ đã thực sự nhận ra cha Cassaigne yêu thương họ qua việc ngài yêu thương đón nhận và nuôi dưỡng những anh chị em phong cùi của họ, những con người bất hạnh vì gia đình và buôn làng sợ hãi bị lây nhiễm đã xua đuổi họ vào trong những khu rừng vắng để họ chết dần chết mòn trong nỗi đau thể xác và tinh thần.
Ngày 17-2-1929, cha Cassaigne đã quy tụ những người bệnh nhân phong cùi và thành lập Trại Phong Di Linh. Ngài đã xây dựng Trại Phong thành một gia đình ấm cúng che chở những bệnh nhân phong cùi bất hạnh để cho cuộc đời của họ được yên ủi sớm tối có nhau.

Giám mục phong cùi của người phong cùi

Nhưng cuộc sống của cha Cassaigne sắp thay đổi một cách bất ngờ. Ngày 20-2-1941, ngài nhận được một bức điện tín khiến ngài buồn bã. Thật là bất thường khi nhìn thấy ngài trong trạng thái này, đến nỗi người ta phải dò hỏi ngài!"Họ đã tấn công dồn dập bắt tôi làm giám mục", ngài càu nhàu trả lời. Quả thật, Đức Giám mục Sài Gòn vừa qua đời năm vừa rồi và Tòa Thánh trong thời kỳ khó khăn này, tìm một người để kế vị và đã chọn vị linh mục của người phong cùi. Vị thừa sai phải rời bỏ Di Linh. Sự chia ly rất đau lòng cho cả hai phía: anh em Thượng và nhất là những bệnh nhân phong cùi mất người cha của họ; vị linh mục phải xa con cái ngài. Dù vậy vị thừa sai không do dự vâng lời Tòa Thánh với đức tin và lòng can trường." Tôi là kẻ từng mơ thành một thừa sai tầm thường. Tôi, kẻ đã coi sự nghèo khó của mình là niềm hãnh diện và niềm vui, lại trở thành một hoàng tử của Giáo Hội. Nhưng, dù người ta sẽ thay y phục và chỗ ở của tôi, song chẳng ai thay được con người chất phác nơi tôi". Khẩu hiệu"Bác Ái và Yêu Thương"do ngài chọn đã nói lên điều đó rất nhiều.
Ngày 24-6-1941, ngay từ 7 giờ sáng, chuông các nhà thờ Sài Gòn đồng loạt đổ vang, báo tin lễ tấn phong Đức cha Cassaigne. Nghi lễ diễn ra ở Nhà Thờ Chính Tòa. Đám đông ken dày: có những bạn bè đến từ khắp nơi... và những anh em Thượng đi thành đoàn đại diện. Các anh em Thượng bận y phục ngày lễ; họ làm khách tham dự thấy vui thích, mặc dù nhiều người An Nam tỏ ra khó chịu trước cảnh tượng ấy. Nghi lễ phụng vụ dài, quá dài đối với anh em Thượng. Họ liền rời chỗ để đi tham quan tháp chuông. Khi ra khỏi Nhà Thờ Chính Tòa và bị đám đông xô lấn khiến họ hoảng sợ, họ liền trèo lên cây cao để nhìn đám rước. Đức cha Cassaigne mỉm cười khi nhìn thấy họ.
Tân Giám mục bắt tay vào công việc. Đó là một con người đơn sơ. Lối vào Tòa Giám mục rộng mở tự do và bất cứ ai cũng có thể gõ cửa văn phòng của ngài. Các nhân chứng ngày nay vẫn còn nhớ lại đã thấy ngài đi xe đạp hoặc xe Vespa thăm các khu nghèo ở Sài Gòn. Ngài rong ruổi khắp địa phận rộng lớn của ngài.
Ngày 19-12-1954, vào dịp kỷ niệm thụ phong linh mục của ngài, Đức cha Cassaigne dâng Thánh Lễ Tạ Ơn. Nhưng trong khi cử hành Thánh Lễ, ngài thấy trên mặt da mình, chỗ phía trên cổ tay một chút, có một vết đỏ hồng màu rượu. Khi Thánh Lễ kết thúc, ngài lấy một cái kim châm vào chỗ ấy: hoàn toàn không cảm thấy đau! Ngài hiểu đó là bệnh phong cùi."Linh mục dâng hiến tế Thánh Thể, cũng phải trở thành hy vật", sau này ngài sẽ viết như thế. Công việc vất vả sáu tháng vừa qua đã làm cho các bộ phận cơ thể ngài vốn mệt mỏi, lại bị suy yếu, đến nỗi bệnh phong cùi nằm phục từ lâu, nay phát tác.
Đức cha Cassaigne giữ bí mật tin này, chỉ cho các bề trên của ngài biết. Thuốc điều trị do các bác sĩ cho, đã làm ngài suy kiệt. Sẽ phải mau chấm dứt thôi! Vết hồng lan rộng gấp đôi. Ngày 5-3-1955, ngài viết cho cha bề trên Hội Thừa sai Paris:"Tôi xin cha cho phép tôi nộp đơn từ chức sang Tòa Thánh và rút lui về Trại Phong Di Linh, bên cạnh những con cái mà tôi yêu thương nhất và Chúa quyền uy, với lòng nhân ái vô biên, đã cho tôi được nên giống như họ".
Lời cầu xin của ngài được chấp thuận và Tòa Thánh bổ nhiệm một giám mục kế vị ngài, Đức cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền, được tấn phong trong Nhà Thờ Chính Tòa của ngài, ngày 30-11-1955. Ngày 2-12-1955, Đức cha Cassaigne trở về Di Linh.
Từ đây, Đức cha dành trọn cuộc đời còn lại để sống giữa những người con cái để âm thầm yêu thương và phục vụ Trại Phong Di Linh. Tháng 2-1973 Đức cha bị ngã gẫy xương bên đùi phải, và chính vì vết thương này mà ngài phải trải qua gần 8 tháng liệt giường. Bên giường bệnh, Đức cha nói với người nữ tu chăm sóc ngài và một số bệnh nhân thay phiên trực:"Suốt 47 năm dài (1926-1973), cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này và đã dâng hiến tất cả cho các con. Giờ đây cha không còn tiếc gì về sự dâng hiến toàn diện ấy. Việt Nam chính là quê hương thứ hai của cha, bởi vì Chúa muốn như vậy. Khi về với Chúa, cha vẫn ở với các con, các con đừng lo..."
Thứ bảy ngày 20-10-1973, Đức cha bắt đầu trở bệnh nặng với những cơn đau khiến phải phải thốt lên:"Tôi đau đớn lắm, tôi đau đớn quá". Mười ngày trôi qua, vào lúc 10g00 đêm ngày 30-10-1973, Đức cha lãnh nhận bí tích Xức dầu lần cuối do cha sở họ Di Linh và rạng sáng hôm sau Đức cha đã được Chúa gọi về hồi 1g25. Đức cha được an táng bên nhà nguyện Trại Phong ngày 5-11-1973.

Chứng từ

Cha Phanxicô Darricau, một linh mục MEP, đã viết về sự kiện Đức cha Cassaigne trở lại Trại Phong Di Linh như sau:" Ngài đã về và đã được đón tiếp trọng hậu, tôn kính. Nhưng nhà chưa xây ngay được nên ngài đã đến ở chung với tôi tại Ka-la, cách Trại Phong hai cây số. Nhà xứ của tôi nhỏ, không cung cấp nổi cho ngài một căn phòng riêng. Ngài cũng không muốn lấy phòng của một đồng nghiệp. Chúng tôi lấy tấm màn ngăn phòng ăn làm đôi, một bên là giường nhỏ của ngài, một bên là cái bàn ăn. ... Suốt trong sáu tháng, chúng tôi có niềm vui được sống chung với nhau. Sau đó ngài tới sống tại căn nhà dành riêng cho ngài ở Trại Phong. Nhưng trưa nào ngài cũng về Ka-la dùng bữa với tôi, khẩu phần có khá hơn trong trại. ... Bao nhiêu sức lực còn lại ngài dành để phục vụ Trại Phong. Sức ngài giảm nhiều so với trước kia, do những đau đớn của căn bệnh..."
Cha Christian Grison, người quản nhiệm cuối cùng của Trung tâm Thượng Di Linh (từ 1965 đến 1975), người đã gần gũi với Đức cha Cassaigne trong mười năm cuối cùng của ngài tại Trại Phong Di Linh, đã viết về Vị Tông đồ người phong cùi như sau:"Tôi được phúc sống mười năm gần Đức cha Cassaigne, vì thời gian đó tôi phụ trách xứ đạo thượng tại Di Linh. Tôi đã chứng kiến tình cảm ưu ái mà ngài khơi dậy khi ngài trở nên nhỏ bé với những kẻ nhỏ bé, trở nên phong cùi với những người phong cùi. Sự mến phục người ta dành cho ngài đó, không bao giờ ngài sử dụng vì lợi ích riêng của mình; tất cả được hướng về sự cứu trợ cho người phong cùi. Mối quan tâm duy nhất của ngài, tôi có thể nói là nổi ám ảnh đối với ngài cho đến khi ngài chết, đó là tìm nguồn tài trợ cho Trại Phong..."
Ngày 26-7-2007, bà Maria Nguyễn Thị Lệ, sinh năm 1938 tại Bắc Ninh đã đến viếng mộ Đức cha và để lại chứng từ:"Tôi sinh sống tại khu phố III (ấp Tân Xuân) thị trấn Di Linh từ năm 1975 đến 1983. Tôi bị bệnh thấp khớp và đặc biệt là bị đau buốt dây thần kinh tọa. Một bác sĩ cho biết bệnh tôi rất khó chữa, nhưng tôi cũng kiên trì chịu đựng và chỉ uống một số thuốc đau nhức thông thường nên chỉ giảm đau chốc lát, vì nghèo không có tiền đi bệnh viện. Năm 1983 tôi bị những cơn đau dữ dội, lết đi không nổi, đau đớn đến độ chán nản thất vọng vì bệnh tật, đau khổ vì hoàn cảnh nghèo khổ cơ cực, bữa no bữa đói... Dầu vậy, tôi không bỏ Chúa, cố gắng bước đi chậm chạp, đau buốt với một bàn chân bị sưng tấy nặng nề. Khoảng tháng 6 năm 1983, sau giờ chầu Thánh Thể ban chiều, tôi đến trước tượng Đức cha Cassaigne ở cuối nhà thờ vừa khóc vừa than vì sự đau đớn, nghèo nàn của mình và tôi thưa với Đức cha: Cha ơi, thương con, kẻo con chết vì con đau đớn quá, con nghèo khổ chẳng có tiền chữa bệnh, con chỉ muốn chết cho yên, con xin Đức cha cầu xin Chúa và Đức Mẹ cất bệnh đau đớn cho con, nếu đẹp lòng Chúa và Đức Mẹ; còn nếu không, thì xin Đức cha thêm sức cho con để con chịu đựng cơn bệnh này cho nên. Từ từ, ngày qua ngày, con cảm thấy sự đau buốt giảm dần, và sau một thời gian con khỏi bệnh hẳn, đi đứng bình thường. Cuối năm 1983 con bỏ Di Linh về Đắc Nông với gia đình người con để làm ăn, cho đến nay là được 24 năm con lành bệnh. Con xin tạ ơn Chúa, tạ ơn Đức cha Cassaigne. Con, Maria Nguyễn Thị Lệ".
Một chứng từ khác do bác sĩ K'Đỉu chia sẻ bên phần mộ Đức cha Cassaigne trong đêm canh thức dịp lễ Giỗ năm 2007:"Dân gian thường nói: Không có mợ, chợ cũng đông! Nhưng với Trại Phong chúng con nói chung và bản thân con nói riêng, trải qua kinh nghiệm của cuộc sống, con đã nhận ra rằng: nếu không có sự hiện diện của Đức cha Jean Cassaigne thì có lẽ không có Trại Phong Di Linh và chắc chắn cũng không có con trên cuộc đời này. Nhưng nhờ tình yêu thương của Đức cha, ba mẹ con đã can đảm sống với căn bệnh đáng sợ mà còn được hạnh phúc vì được làm con Chúa.
Khi Đức cha ra đi về với Chúa, thì con mới được 5 tuổi, với thời gian đó và tuổi thơ, con chưa biết Đức cha được bao nhiêu. Nhưng càng ngày qua các biến cố của cuộc đời, con đã nhận ra từng bước bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa dìu dắt chúng con, như lời Đức cha đã hứa: Trên thiên đàng, cha sẽ biết được nhiều, biết rõ hơn về nhu cầu của chúng con; cha sẽ cầu nguyện đắc lực và nhiều hơn gấp bội cho chúng con.
Với ngọn đèn rực sáng đức tin và tình bác ái mà Đức cha đã thắp sáng bằng sự dâng hiến tất cả cho Chúa và cho chúng con, và với lời cầu bầu của Đức cha bên cạnh Chúa mà con đã nhận được biết bao hồng ân trong cuộc sống: được dạy dỗ nuôi nấng, được yêu thương chăm sóc, và được học hành như bao người khác, có thể nói còn hơn nhiều người khác nữa. Nhờ tình thương và hồng ân của Đức cha, nhờ những người đã tiếp nối vòng tay yêu thương của Đức cha và nhờ những ân nhân xa gần mà ngày hôm nay, có thể nói được, là con đã thành đạt trong cuộc sống, có chỗ đứng trong xã hội: con đã là bác sĩ chuyên khoa ngoại, điều vượt ra ngoài mơ ước của con.
Đây là cảm nghiệm của riêng con, xin được chia sẻ như một chứng từ về tình yêu thương mà Đức cha cố dành cho chúng con ".


GP Đà Lạt




* Nguồn: Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ (The Federation of Vietnamese Catholics in USA)http://www.liendoanconggiao.net/index.php?option=com_content&view=article&id=558:duc-cha-jean-cassaigne&catid=124:chan-dung-linh-muc-viet-nam&Itemid=381 (http://www.liendoanconggiao.net/index.php?option=com_content&view=article&id=558:duc-cha-jean-cassaigne&catid=124:chan-dung-linh-muc-viet-nam&Itemid=381)

dominico_dung
03-08-2010, 11:45 PM
Nhân lần giỗ thứ 30 của Đức cha Cassaigne 31.10/1973-2003



VỊ GIÁM MỤC CỦA NGƯỜI PHONG CÙI





Lịch sử hình thành giáo phận Đà Lạt luôn gắn liền với tên tuổi của Đức cha Jean Cassaigne - Ngài được mệnh danh là vị Cha hiền của người dân tộc và của những người phong cùi. Hơn nửa cuộc đời Ngài sống ở Việt Nam, phần lớn thời gian ấy Ngài sống với những người phong cùi của miền sơn cước Di Linh. Có thể nói Ngài là người đã khai mở công cuộc truyền giáo cho người bản địa trên cao nguyên hẻo lánh này, mỗi bước chân của Ngài đều để lại dấu ấn yêu thương và đem lại niềm vui hạnh phúc cho những người bất hạnh bị bỏ rơi.




NGƯỜI GIEO GIỐNG TỐT

Đức cha Jean Cassaigne sinh ngày 30.01.1895 tại Toi Urgons-Grenade nước Pháp; thụ phong Linh mục ngày 19.12.1925 thuộc Hội thừa sai Paris; ngày 06.04.1926 Ngài xung phong lên đường sang Đông Dương truyền giáo, sau một tháng lênh đênh trên biển cả Ngài mới cặp bến cảng Sài Gòn , sau đó về Cái Mơn với cha Delignon để học tiếng Việt. Chỉ 5 tháng sau khi đến Việt Nam Ngài được bổ nhiệm làm cha xứ Di Linh, một vùng đất còn hoang sơ của Cao nguyên Trung phần, nơi mà dân cư toàn là người dân tộc thiểu số, cuộc sống thiếu thốn khó khăn mọi bề. Giáo xứ của cha Cassaigne đầu tiên chỉ có 5 giáo dân gồm 3 người Việt , một "anh nuôi" và chú giúp việc. Đến với miền đất mới cha Cassaigne tiếp cận ngay với người dân tộc bản địa; nhưng để có thể trò chuyện thân mật với họ Ngài tức tốc học tiếng, lúc ấy tiếng dân tộc ở miền này chỉ mới là ngôn ngữ để nói chứ chưa có chữ viết. Ngài phải thường xuyên tiếp xúc, lần mò từ từ, và sáng tạo ra cách phiên âm, chẳng lâu sau đó Ngài đã hiểu, nói thông thạo tiếng bản địa, Ngài còn dịch được một số kinh, bài hát ra tiếng dân tộc; độc đáo hơn, ngày 28.12.1929 lần đầu tiên một cuốn tự điển tiếng K’Hor do Ngài biên soạn được xuất bản trước sự thán phục của nhiều người.



https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_DocThem1.jpg



(Ảnh: sưu tầm)



Buổi đầu về nhận xứ Ngài bận bịu với biết bao công việc, một mặt lo truyền đạo, dạy đạo, mặt khác là nâng cao đời sống, dân trí cho bà con, ban ngày Ngài qui tụ trẻ em để dạy chữ, chiều đến phải lo cho các lớp giáo lý tân tòng, sau giờ cơm tối lại dạy học cho người lớn. Đâu chỉ có thế, lúc ấy Ngài còn có biệt danh ”Ông lớn làm thuốc”, bất cứ ai đau ốm đều tìm đến Ngài để được chữa trị hoặc được phát thuốc, mọi người qúi mến Ngài, xem Ngài như vị cha chung. Sự tận tâm tận lực của Ngài đối với những người nghèo, người phong cùi cùng với sự tác động của Thánh thần chiều ngày 7.12.1927 một người phong cùi trong cơn nguy tử đã xin Cha Cassaigne rửa tội. Ngài sung sướng thốt lên: "Đây là niềm vui vĩ đại đầu tiên từ sau ngày mình được chịu chức và dâng lễ mở tay”. Kể từ đó số giáo dân bắt đầu tăng lên, một năm sau giáo xứ Di Linh đã có 48 tín hữu, và cứ tăng dần theo thời gian, bao lao nhọc, vất vả của "người gieo giống" nay đã tới mùa gặt hái…


CHA CỦA NHỮNG NGƯỜI BỊ XUA ĐUỔI

Dù bận bịu trăm công nghìn việc nhưng Cha Cassaigne vẫn dành nhiều thời gian để tìm đến với những người phong cuì bị gia đình, dòng họ ruồng rẫy, xua đuổi vào chốn rừng sâu mặc cho bệnh tật, đói lạnh, có khi họ còn làm mồi cho thú rừng. Sau những lần băng rừng lội suối đem lương thực, thuốc men đến cho họ, Ngài càng cảm thương trước những số phận hẩm hiu ấy. Một lần cuối mùa thu năm 1928, khi đang một mình băng qua đường rừng vắng đến thăm một buôn làng ở xa, thì một đoàn 10 người phong cùi rách rưới, dơ bẩn nằm la liệt trên đường kêu gào thảm thiết, họ sụp lạy dưới chân Ngài và xin Ngài cứu giúp họ. Ngài không cầm được nước mắt, hình ảnh những người xấu số cứ ám ảnh tâm trí, nhiều đêm trằn trọc không ngủ được vì Ngài luôn nghĩ đến những thân phận bị ruồng bỏ, bị loại trừ. Tình yêu thương đã thôi thúc Ngài lập làng cùi, những chòi nhà sàn đơn sơ được dựng lên ở khu đất trống dưới chân đồi gần mé ruộng cách nhà xứ KaLa gần 1km. Có nhà rồi, Ngài lại băng rừng, kiếm tìm và đưa họ về chung sống, để chăm sóc và chữa trị bệnh tật trước sự "ghê tởm" của không ít người. Thật may mắn, ngày 11.04.1929 Làng Cùi chính thức được công nhận và được trợ cấp của chính quyền, lúc ấy đã qui tụ được 21 người, họ yên tâm vui sống bên cạnh người cha hiền, không còn sợ sự nghi kỵ, xa lánh của người thân, họ hàng… Một thánh lễ đầu tiên được cử hành trong một nhà nguyện nhỏ ngay tại làng cùi ngày 15.03.1936 thật đầm ấm và dạt dào yêu thương, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong những người phong cùi.




https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_DocThem2.jpg



(Ảnh: sưu tầm)


Thời điểm này các nữ tu dòng Nữ tử bác ái Vinh Sơn được mời đến để cùng cha Cassaigne chăm sóc người phong cùi. Các nữ tu kể lại rằng cha Cassaigne sống rất đơn sơ, nghèo khó, hễ ai biếu tặng gì Ngài đều chia sẻ, phân phát cho người phong cùi không giữ riêng cho mình bất cứ gì, từ thức ăn, thức uống, quần áo, thuốc men… nhiều năm Ngài sống trong nghèo khó, bệnh tật; có những lần bệnh sốt rét hành hạ, Ngài nằm li bì cả tuần lễ không ăn uống gì, không hề phàn nan hay kêu trách… sức khỏe Ngài suy sụp mau lẹ, nhưng khi khỏe lại Ngài lại tìm đến ngay với những người phong cùi, người nghèo ở khắp các buôn làng.


ĐẾN VỊ GIÁM MỤC CỦA LÀNG CÙI

Ngày lễ kính thánh Gioan Baotixita 24.06.1941 một sự kiện trọng đại đã đến với vị Cha hiền của người dân tộc và những người phong cùi, khi Ngài được tấn phong Giám mục và là Giám quản Tông tòa Giáo phận sài Gòn. Nhưng sau 14 năm, khi bước vào tuổi 60 (cuối năm 1955) Ngài xin từ chức để nghỉ hưu và tình nguyện về lại Di Linh để phục vụ làng cùi. Tại sao Ngài làm như vậy? Thật đơn giản, vì suốt 14 năm làm Giám quản một Giáo phận lớn nhưng dường như tâm trí và trái tim của Ngài phần lớn vẫn dành cho những bệnh nhân phong, những người bị ruồng bỏ nơi chốn rừng sâu hoang vắng trên cao nguyên Di Linh. Không thể diễn tả hết niềm vui của những người con cái sống tại làng cùi khi biết người cha hiền trở về để chung sống với họ trong tuổi gìa. Những tháng ngày "hưu dưỡng" do tuổi cao và bệnh tật nên sức khoẻ của Ngài càng yếu dần, nhưng ngược lại tình yêu thương bao la của vị mục tử nhân lành lại càng triển nở, Ngài chính là chỗ dựa vững chắc cho những mảnh đời bất hạnh, xấu số, bị bỏ rơi… Ngài còn là mẫu gương tuyệt vời của đời sống chứng nhân, chính cách sống giản dị, tận tuỵ hy sinh, quan tâm và yêu thương hết thảy mọi người đã và đang dẫn lối cho biết bao người nhận ra ánh sáng của Tin Mừng. Ngài ra đi ở tuổi 78, để lại bao niềm thương tiếc. Nữ tu Mai Thị Mậu kể lại rằng: "Ngày lễ an tang của Ngài tất cả bệnh nhân phong, bà con giáo dân, và đông đảo người lương quanh vùng đều để tang, khóc lóc thảm thiết đưa tiễn người Cha nhân lành đến nơi an nghỉ cuối cùng". Theo nguyện vọng lúc còn sống, Ngài được an táng cạnh nhà thờ, gần tháp chuông, để luôn luôn hiện diện giữa đoàn con đáng thương của mình. Tuy Ngài ra đi đã 30 năm, nhưng hình ảnh của Ngài chưa một lần phai nhòa trong tâm trí những người phong cùi và bà con giáo dân, ngày ngày họ đi lễ không quên ghé lại phần mộ của Ngài để đọc kinh, dâng nén nhang, cắm lên một nhành hoa rừng để tỏ lòng kính yêu và biết ơn vô vàn.

Hôm nay, có dịp đến với Khu điều trị bệnh nhân phong Di Linh mọi người có thể gặp lại hình ảnh của vị mục tử nhân lành ngay trong phòng lưu niệm cạnh nhà thờ. Những gì Đức Giám mục Cassaigne làm cho Giáo phận Đà Lạt nói riêng, cho Giáo hội nói chung đến nay vẫn còn nguyên vẹn gía trị và đang được nhiều người khác tiếp nối.


HOÀI NHÂN




* Nguồn: http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/TRUYENGIAO/MainNguoiPhong.html

dominico_dung
03-08-2010, 11:50 PM
TÓM LƯỢC NIÊN BIỂU








Ðức Cha Jean Cassaigne, M.E.P.



Nguyên Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Saigon



(Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia)






30/01/1895

Sinh
Tại Urgons-Grenade, France



19/12/1925

Thụ phong Linh Mục
Hội Thừa Sai Paris (La Société des Missions Etrangères)



20/02/1941

Ðược bổ nhiệm
Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Saigon, Việt Nam



24/06/1941

Thụ phong Giám Mục
Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Saigon, Việt Nam



1955

Hưu dưỡng và tình nguyện phục vụ cho Trại Cùi ở Di Linh, Ðà Lạt, Việt Nam
Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Saigon, Việt Nam



1973

Qua đời tại Di Linh, Ðà Lạt, Việt Nam
Nguyên Giám Quản Tông Tòa Giáo Phận Saigon, Việt Nam






* Nguồn: http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/vnchurch/saigon/cassaigne.htm

dominico_dung
03-08-2010, 11:54 PM
http://tuoitre.vn
Chủ Nhật, 05/03/2006, 07:05 (GMT+7)
NGUYỄN HÀNG TÌNH



NGƯỜI NỮ TU ANH HÙNG



TTCN - Soeur Mai Thị Mậu bảo rằng thời trẻ bà đến cao nguyên Di Linh này như thế nào thì mai này khi ra đi cũng như thế ấy. Tình yêu thương những con người bất hạnh là cái duy nhất bà cần. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từng nói rằng với soeur Mậu phải phong ba lần anh hùng mới xứng đáng!



https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_DocThem3_01.jpg


Soeur Mậu thăm bệnh



Cho bà Ka Út, 75 tuổi



Và hôm 25-2, một lễ trao danh hiệu anh hùng do Chủ tịch nước tặng cho người nữ tu ấy đã diễn ra ngay tại làng phong Di Linh trên một ngọn đồi.


Ngôi làng trên đồi


https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_DocThem3_02.jpg

Khung cảnh làng phong Di Linh


Cao nguyên Di Linh bạt ngàn cà phê đã là vùng đất dung nạp sớm nhất những con người bất hạnh mắc bệnh phong. Cái cõi riêng ấy đã tồn tại suốt gần 80 năm qua. Thật khó hình dung khu dân cư thanh bình, sạch sẽ, ẩn dưới cây xanh với đường đi lối lại uốn lượn và được trồng nhiều hoa này lại là một trại phong nổi tiếng, đã có từ năm 1927.

“Làng cùi” - cái tên chỉ còn trong quá khứ ấy - gồm nhiều nóc nhà rải ra, nhấp nhô trên nhiều cung bậc của khu đồi rộng chừng 40ha thuộc huyện Di Linh (Lâm Đồng). Ngôi làng đặc biệt ấy chỉ cách thị trấn Di Linh một thung lũng trồng lúa nước, chừng 500m theo đường chim bay nhưng là một thế giới khác hoàn toàn với những sôi động ngoài kia.

Dân làng có đủ mọi lứa tuổi, nhiều gia đình có lẽ đã trải qua đến 3-4 thế hệ chung sống tại đây. Trên những khoảng sân có những ông lão, bà cụ đang trầm tư ngồi, đây đó là dăm ba người đàn bà đang cho lũ trẻ ăn cạnh cầu thang, dưới những mái nhà mang phong cách kiến trúc pha trộn biệt thự kiểu Pháp với nhà sàn Tây nguyên.
Trong những căn nhà trên đỉnh đồi - khu điều trị bệnh - những người bệnh đang được chẩn trị, chăm sóc chu đáo. Lại có một khu khác cho người bệnh đã giảm tịnh dưỡng. Còn ven các sườn đồi, quanh các mái nhà là những mảnh vườn cà phê nho nhỏ đang ra bông trắng ngào ngạt hương, với khá nhiều dân làng đang canh tác. Cũng không khó nhận ra khu khám chữa bệnh, khu phục hồi thể hình cho bệnh nhân, rồi trường mẫu giáo, nhà ăn... Và có cả một nghĩa trang riêng của làng với hàng ngàn nấm mộ.

Dưới chân đồi, ngay lối vào làng là tấm bảng ghi “Trung tâm điều trị phong Di Linh”, chỉ rõ cái cộng đồng cư dân ở đây.

Nhưng ở đây tôi còn gặp những người khỏe mạnh, đã hết bệnh vẫn chung sống với người đang bệnh. Tôi còn biết có người không hề mắc bệnh vẫn lập gia đình với người từng bị bệnh nhưng đã được chữa trị và con cái họ sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Người ta cũng kể với tôi về những mối tình đi đến hôn nhân giữa những cô gái Kinh với các chàng trai người thiểu số K’ho ngay tại ngọn đồi này, hay những chàng trai sống bên ngoài làng phong yêu và cưới các cô gái trong làng...

Người nữ tu anh hùng


https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_DocThem3_03.jpg



Soeur Mậu kiểm tra chất lượng



bữa ăn tại bếp


Làng phong Di Linh trong quá khứ gắn với “ông Tây” bác ái nhân từ J.B.Casaigne. Năm 1973, khi ông mất đi, trách nhiệm điều hành ngôi làng bỗng chốc đặt lên vai soeur Mai Thị Mậu, khi ấy vừa 32 tuổi và đã sống ở làng được năm năm. Thế là người nữ tu trẻ tuổi đến từ Sài Gòn tiếp tục công việc đầy vất vả, khó khăn: chữa trị bệnh, chăm nom những công dân của làng.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, khó ai bình tâm để chú ý đến những người mắc bệnh phong thân tàn ma dại ở vùng cao hẻo lánh, nhưng soeur Mậu vẫn tiếp tục tìm kiếm trên cao nguyên Lang Bian những người mắc bệnh để đưa về ngôi làng cô quạnh trên ngọn đồi. Những năm đầu (từ 1968) khi mới đặt chân lên đây, người nữ tu đã trải qua trường y ấy đã tâm nguyện: “Nếu không được cứu kịp thời chắc chắn những con người bất hạnh ấy sẽ chết trong quằn quại đớn đau một cách oan uổng giữa rừng”.

Có lúc bà đi một mình, có lúc đi cùng những người phiên dịch (tiếng K’ho), trên vai họ là những chiếc gùi đựng gạo muối, rau xanh, thuốc men... Ai mắc bệnh nhẹ bà chữa trị ngay tại buôn làng, người bệnh nặng được đưa về làng phong để điều trị nội trú. Không ít buôn làng khi ấy vẫn còn sống trong tình trạng bán khai, người dân lại tự kỷ, sợ người lạ nên nhiều bệnh nhân thấy soeur Mậu là bỏ chạy.

Bởi phần lớn bệnh tật bà con làng buôn đều đổ cho “con ma lai”, huống chi thứ bệnh tàn phá cơ thể khủng khiếp như vậy. Và hễ ai mắc bệnh phong là bị đuổi khỏi làng, vì lũ làng cho rằng đã có “liên lụỵ” với con ma hoặc đã “thành ma!” rồi. Muốn cứu họ soeur Mậu phải tìm vào những khu rừng “biệt xứ” kia. Lúc đi bộ, lúc đi xe đạp, rồi xe Honda, có khi phải lên tận vùng Lang Hanh thì soeur phải nhảy xe đò Sài Gòn - Đà Lạt...

Bà kể: có một lần trên đường đi Sài Gòn, xe nghỉ ăn trưa ở Định Quán, bất chợt thấy nhóm người lam lũ ở quanh đó mà bà dễ nhận ra dấu hiệu của bệnh phong trên thân thể của họ, thế là ngay khi trở lại Di Linh bà đã đánh xe xuống Định Quán đưa họ lên Di Linh chữa trị... Cứ thế cho đến nhiều năm sau, khi không còn đủ sức để băng rừng, thêm công việc cần phải giải quyết hằng ngày tại làng phong quá nhiều bà mới thôi đi, tập trung điều hành mọi hoạt động chữa trị bệnh, tổ chức cuộc sống cho dân làng. Trong số những con bệnh, có người khi lành bệnh đã xin ở lại luôn nơi đây, bởi với họ bây giờ ngọn đồi cô quạnh này thật ấm áp ân tình.


https://thanhcavietnam.info/dominico_dung/HanhTich/DGM_JeanCassaigne/TongDoCui_DocThem3_04.jpg



Vị nữ tu chăm sóc bữa ăn



cho một người bệnh cao tuổi



Dành trọn cuộc đời cho những bệnh nhân của làng phong Di Linh, soeur Mậu không hề ngại va chạm ngay cả những vết lở loét trên cơ thể họ, bà còn chăm nom giấc ngủ, lo từng bữa ăn hằng ngày cho họ. Trái gió trở trời đau nhức cơ thể họ cũng gọi bà, một phụ nữ nào đó trở dạ sinh con vẫn cứ phải có bàn tay “mẹ Mậu” hay có ai đó qua đời cũng bà lo tang ma... Con cái những người dân làng đi học, mọi thứ giấy tờ, thủ tục cần cho chúng cũng đến tay bà. Người ta cũng không khỏi ngạc nhiên khi mà ngay từ năm 1973 bà đã nghĩ đến quĩ đất dành cho những người khi hết bệnh, sinh con đẻ cái có chỗ để ra riêng.

Đó là khu đất rộng 53ha ở xã Gia Hiệp, cách ngọn đồi này 9km, mà bà đã mua rẻ được khi chữa lành bệnh cho một điền chủ người Đức quốc tịch Pháp. Khi ông ta muốn trả ơn thì bà chỉ yêu cầu cho mua rẻ lại ít đất để lo cho tương lai con cái của bệnh nhân làng phong. Hiện soeur Mậu đã chia đất cho những người lành bệnh cùng con cháu họ và hằng ngày khi xe chạy ngang khu đất cạnh đường 20 này người ta dễ thấy một ngôi làng mới hình thành với những căn nhà nho nhỏ sơn màu tím đỏ ẩn trong màu xanh của vườn cà phê.

Suốt mấy mươi năm qua “mẹ Mậu” âm thầm gánh vác công việc ở cái làng có đến 150 nhân khẩu (57 gia đình) cùng 152 bệnh nhân già trẻ khác đang “thường trú” tại làng phong... Dù “làng cùi” nay đã thuộc sự quản lý của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng (thuộc Sở Y tế Lâm Đồng), nhưng thật ra mọi công việc ở đây chủ yếu vẫn do các soeur lo toan dưới sự điều hành của “mẹ Mậu”...

Năm 2006 này soeur Mậu đã 65 tuổi nhưng bà vẫn tiếp tục công việc của một “kiến trúc sư trưởng” Trung tâm điều trị bệnh phong Di Linh (tên gọi mới) dù dưới hình thức gọi là “hợp đồng lao động”. Bà nói: “Những thân phận đáng thương ở đây không cho phép tôi nghỉ hưu. Chừng nào họ cần đến tôi, chừng ấy tôi cần phải ở bên họ, chăm lo cho họ”. Tôi hỏi soeur Mậu: suốt một đời gắn bó với “thế giới người cùi” ấy, lúc nào bà hoan hỉ nhất?

Bà cho biết đó là khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo các cơ sở y tế từ nay phải tiếp nhận các bệnh nhân phong, và các trường học phải tiếp nhận học sinh tiền sử có bệnh phong! Trong lòng của bà vẫn không quên những cái chết oan uổng của người bệnh phong ở làng này khi họ mắc thêm những thứ bệnh khác nhưng không được nhập viện chữa trị (như ruột thừa, tim mạch...): “Được hòa nhập, đối xử từ tâm và bình đẳng là niềm an ủi lớn lao nhất của những ai đã mắc bệnh phong. Vì họ cũng là con người!”.

dominico_dung
19-08-2010, 05:19 PM
VÀI NÉT VỀ TRẠI PHONG DI LINH



http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/Lichsu/dcjcasgne.jpg

Trại Phong Di Linh gắn liền với tên tuổi Ðức Cha Jean Caissaigne
và công cuộc truyền giáo cho người dân tộc miền cao nguyên Di Linh



1. VỊ THỪA SAI.

Tiểu sử Ðức Cha Jean Caissaigne còn ghi lại một số thời điểm hay sự kiện đáng ghi nhớ của ngài như sau :

- Ngày 19/12/1925, ngài được thụ phong linh mục tại Pháp.
- Ngày 6/4/1926, ngài và 8 tân linh mục lên đường sang Ðông Dương sau một buổi tiễn biệt thật trang trọng, đạo đức và xúc động.
- Ngày 5/5/1926, tàu cập bến Saigon, 5 ngày sau, ngài được gởi về Cái Mơn với cha Delignon để học tiếng Việt.
- Chưa đầy 5 tháng sau, Ðức Giám Mục Giáo Phận là Ðức Cha Dumortier bổ nhiệm ngài làm cha xứ Di Linh, một thí điểm truyền giáo trên Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam, nơi mà dân cư toàn là người dân tộc.


2. VỊ CHA HIỀN CỦA NGƯỜI DÂN TỘC




http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/Lichsu/BPhong01.jpg



- Ngày 24/1/1927, ngài lên nhận nhiệm sở. Lúc đầu tiên ấy, ngài chỉ có 5 giáo dân, gồm 3 người Việt với ông bếp và chú bếp giúp ngài mà thôi. Từ cuối năm 1928, số giáo dân đã tăng lên 48 người (36 người Việt và 12 người Pháp) và 4 người Việt dự tòng.. , rồi con số này càng ngày càng tăng thêm.
- Nhưng nhiệm vụ chính của ngài là lo cho những người dân tộc. Liền ngay buổi chiều nhận xứ, ngài đã tiếp xúc với họ từ rẫy về ngang qua nhà.
- Cũng ngay những tháng đầu, ngài đã khởi sự học tiếng dân tộc. Lúc ngài mới đến, tiếng dân tộc ở miền này chỉ là ngôn ngữ để nói chứ chưa hề được viết ra. Bởi đó, không có chữ viết, không có sách vở tài liệu gì để ngài sử dụng. Ngài học bằng cách tiếp xúc với họ, lần mò từ từ, tự nghĩ ra cách phiên âm. Bằng cố gắng học hỏi miệt mài, ngài đã chóng giao dịch được bằng tiếng dân tộc, đã dịch được một số kinh đọc hay bài hát ra tiếng dân tộc. Thậm chí đến ngày 28/12/1929, ngài còn xuất bản được một cuốn từ điển tiếng K'Ho nữa.
- Ðiều đáng lo ngại là chỉ sau một thời gian ngắn, ngài đã mắc chứng sốt rét của miền cao nguyên. Ngày 14/11/1927, ngài ngã bệnh thực sự, nằm li bì cả tuần lễ không ăn uống. Từ đó sức khỏe của ngài đi xuống mau lẹ, ngài bắt đầu ốm yếu và đau đi đau lại nhiều lần trong thời gian 14 năm làm cha xứ tại Di Linh
- Tuy vậy ngài vẫn chu toàn trách vụ một cha xứ của người dân tộc : ngài đã xây dựng được một nhà nguyện mái tôn vách ván để làm nơi thờ tự, đã mở trường dạy học để xóa nạn mù chữ cho họ. Ngài thiết tha với công tác dạy chữ và dạy đạo. Thời kỳ đầu tiên, ngài bận bịu suốt ngày : ban ngày dạy chữ cho trẻ em, chiều đến phải lo cho các lớp giáo lý tân tòng, sau giờ cơm tối lại dạy các lớp bình dân.
- Bên cạnh công việc giảng đạo và dạy học, ngài còn đóng vai trò một y sĩ chữa bệnh cho họ, đến nỗi được họ biết đến và xưng hô bằng biệt danh "Ông lớn làm thuốc".
- Nhờ ơn Chúa tác động qua nhiệt huyết của Ngài, vào lúc 17giờ chiều ngày 7/12/1927, chiều áp lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Một người đàn bà cùi đang cơn nguy tử đã xin trở lại đạo và được rửa tội. Ngài coi đây là "niềm vui vĩ đại đầu tiên từ sau ngày mình chịu chức và dâng lễ mở tay". Ðặc biệt trước khi chết, bà đã hứa "tôi sẽ nhớ cha khi được ở trên trời", và ngài ví câu nói ấy với viên đá đầu tiên được đặt xuống để khởi đầu công cuộc thành lập làng cùi của ngài một năm sau đó.



http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/Lichsu/BPhong03.jpg




3. VỊ CHA HIỀN CỦA NHỮNG NGƯỜI PHONG.

Thiên Chúa đã dần dần đưa Ðức Cha đến với những người cùi xấu số bằng nhiều sự kiện :

- Khi có dịp gặp gỡ, giúp đỡ những người có mặt trong đám người dân tộc tìm đến với ngài, ngài nhận thấy tình cảnh bi đát của họ. Cho đến lúc đó, người ta chưa làm gì để tiếp cứu họ, chưa lập một trung tâm nào để nhận họ, mặc dù ở mỗi làng Thượng có hàng chục người mắc bệnh. Khi họ phát bệnh nặng và không còn làm gì được, họ lại bị thân quyến ruồng rẫy, xua đuổi ra rừng vắng và chết dần vì đói và lạnh, có khi vì bị cọp ăn thịt.
- Cảm kích trước số phận hẩm hiu ấy, ngoài việc ân cần phát khẩu phần cho những người tìm đến với ngài, ngài còn ước muốn được thu góp họ về một nơi để tiện săn sóc, dạy đạo cho họ.
- Cuối mùa thu năm 1928, sau chuyến đi thăm một làng Thượng ở xa, và đang một mình băng qua đường rừng vắng vẻ, ngài gặp một đoàn cùi kêu gào ngài thảm thiết, rồi sụp lạy ngài và van xin ngài cứu giúp. Ngài cảm thấy không còn chậm trễ hơn được nữa và nhất định phải làm một cái gì đó cho họ.
- Vài ngày sau đó, ngài xúc tiến ngay việc lập làng cùi. Khu đất được chọn là một khoảng đất trống dưới chân đồi gần mé ruộng, cách nhà xứ Di Linh không đầy một cây số. Những chòi nhà sàn lợp tranh được dựng lên. Những người cùi đơn độc từ các nơi được mời về chung sống tại đây.
- Ngay những ngày đầu, số người cùi tập trung đã lên đến 21 người. Ngày 11/4/1929, làng cùi được chính thức công nhận và được trợ cấp.
- Ðến tháng 4/1931, làng có một nhà nguyện nhỏ làm nơi cầu nguyện, và thánh lễ đầu tiên được cử hành ngày 15/3/1936. sang năm sau, ngày 17/9/1937 đã diễn ra lễ làm phép chuông nhà nguyện. Thời kỳ này có các nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái từ Di Linh đến giúp.


http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/Lichsu/BPhong00.jpg



- Ðến ngày 5/1/1952 làng được dời lên đồi (chỗ hiện nay), có kỹ sư người Pháp vẽ kiểu cho cả nhà thờ và tháp chuông. Ngày 22/5/1952, nhằm lễ Thăng Thiên, khánh thành làng cùi mới.
- Sau 14 năm coi sóc xứ Di Linh, ngày 9/6/1941, ngài từ giã giáo xứ để về Saigon, ngài được tấn phong Giám mục và điều khiển Ðịa phận Saigon. 14 năm sau, vào ngày 2/12/1955, ngài về Kala ở với cha Rubat ít lâu, rồi lên ở luôn tại làng cùi cho đến khi qua đời (31/10/1973). Ngài được an táng cạnh nhà thờ, gần tháp chuông, giữa đoàn con đáng thương của mình, đúng theo nguyện vọng sâu xa của ngài.
- Từ đó, cha xứ Kala đã hàng tuần đến dâng lễ cho các bệnh nhân. Ðă�c biệt, có một cộng đoàn nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái tiếp tục sống giữa họ, săn sóc về mặt tinh thần và nâng đỡ về mặt đời sống cho số người cùi đã lên đến hàng trăm người.



http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/Lichsu/BPhong02.jpg


Ngôi mộ của Ðức Cha Jean Caissaigne, vị Tông Ðồ của anh chị em phong cùi của cao nguyên Di linh, bên cạnh ngôi Nhà Nguyện dưới tháp chuông chứng kiến một tâm hồn cả đời phục vụ cho những anh chị em bất hạnh, chỉ để minh chứng một điều: "Thiên Chúa là Tình Yêu.. và ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình" (1Gioan 4: 8, 21)







(Nguồn: http://www.simonhoadalat.com)

NguyenNgocHieu
01-09-2010, 12:29 PM
TÔNG ĐỒ PHONG CÙI

Vị Tông đồ truyền giáo

Cho dân tộc Kơ-ho

Cha Sanh – gọi thân thiết (*)

Ai cũng quí, cũng yêu

Chủ động sống thân thiện

Tự học tiếng Kơ-ho

Càng ngày dân càng mến

Cha tây mà hiền từ

Ngài yêu thương, bác ái

Dân thấy Chúa nơi Ngài

Mầm đức tin lớn dậy

Tỏa sáng Tây nguyên này

Không mong làm Giám mục

Muốn ở với dân nghèo

Dù đời sống cơ cực

Ngài vẫn hạnh phúc yêu

Không muốn nhưng tuân phục

Ôi, Ý Chúa vô thường!

Chọn khẩu hiệu Giám Mục:

“Bác ái và Yêu thương”

Nhưng tình yêu thúc bách

Từ chức, về Di Linh

Tây nguyên vui như hội

Cha con trọn nghĩa tình

Rồi Ngài cũng nhiễm bệnh

Chứng phong cùi nan y

Đau đớn và nhức nhối

Ngài không oán than gì

Ngài nói: “Chúa nhân từ

Cho tôi giống như họ”

Đời Tông đồ kỳ lạ

Đáng kính phục gương lành!

Ngài trở về với Chúa

Cả đoàn chiên tiếc thương

Dù đôi nơi cách biệt

Xa mặt không cách lòng



(*)Ngài từ trần lúc 01g25 ngày 31/10/1973
trầm thiên thu