PDA

View Full Version : Tình yêu, hạnh phúc và tính dục theo Dietrich von Hildebrand



Ti_Amo
01-08-2010, 07:34 PM
Tình yêu, hạnh phúc và tính dục theo Dietrich von Hildebrand
VietCatholic News (01 Aug 2010 01:47)

Trong lãnh vực thể lý, sự sâu sắc độc đáo của tính dục đã được chứng minh đầy đủ qua sự kiện duy nhất này là thái độ của con người đối với nó có một ý nghĩa tinh thần hết sức lớn lao, lớn lao hơn thái độ của họ đối với mọi thèm khát thể xác khác rất nhiều.

Ở đây, trước nhất, chúng tôi muốn đề cập tới sự nối kết giữa tình yêu và yếu tố tạo hạnh phúc mà người ta gọi rất đúng là niềm vui. Đã đành, muốn trọn vẹn hay hoàn hảo, hạnh phúc cần nhiều yếu tố khác, nhưng niềm vui phải là trung tâm. Không có niềm vui, không có cái hân hoan nhún nhẩy của tinh thần, thì hạnh phúc hỏi có nghĩa gì?

Điều rõ ràng là các niềm vui của cuộc đời, bất kể nhỏ nhoi hay lớn lao, phần lớn đều phát sinh từ các mối tương quan yêu thương của ta với người khác. Có thể là từ tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, tình yêu của con cái dành cho cha mẹ, và trên hết, từ tình yêu “phu phụ” hay tình yêu “lãng mạn” giữa hai con người khác phái tính.

Dù mối tương quan đầy yêu thương của ta với Thiên Chúa là mối tương quan quan trọng nhất, nhưng ở đây, chúng ta chỉ bàn tới các mối tương quan của chúng ta với những con người nhân bản. Việc đầu tiên cần làm là xác định các phạm trù chính xác liên quan đến sự việc thuộc cảm nghiệm trước khi đưa ra một phân tích cho các thực tại siêu hình.

Trong cuộc sống có tính đặc trưng nhân bản, tình yêu bao giờ cũng xuất hiện dưới dạng pha trộn với nhiều điều khác như: xao xuyến, âu lo, buồn phiền, hy sinh. Nhưng tình yêu nào cũng đem lại hân hoan, tươi vui. Chỉ cần biết người mình yêu đang hiện hữu, mình đang hiện diện trước mặt nàng, được cùng nhau nói những lời âu yếm, được cùng làm việc với nhau, vui hưởng điều này điều nọ với người ta yêu, cũng đủ đem ta tới chân trời hạnh phúc, đem ánh mặt trời và niềm vui tới cho chuỗi ngày thường là mầu xám, nhiều ảm đạm của ta.

Nếu đời tôi không có người tôi yêu, không bạn hữu chí thiết, không con cái, cha mẹ hay người bạn đời, thỉ thử hỏi điều gì có thể làm tôi vui được? Dĩ nhiên, tôi thiếu chi những nguồn phiến diện, hời hợt. Như những bữa ăn thịnh soạn và cơ hội nổi tiếng. Có tiền cũng đâu có tệ, miễn là đừng quá vất vả mới đạt được và duy trì được. Cũng có những nguồn vui không đến nỗi hời hợt đến thế. Như thưởng ngoạn cái đẹp trong thiên nhiên và nghệ thuật. Tất cả những điều đó làm ta phấn chấn, sưởi ấm lòng ta, làm ta sảng khoái, đem ta vào tận sâu trong tâm hồn. Nhưng chúng vẫn để lại trong ta một cõi đơn côi, thấy mình không người yêu dấu để có thể cùng nhau chia sẻ các cảm nghiệm này.

Cả các theo đuổi nghề nghiệp cũng thế, rất có thể chúng đem lại cho ta một thứ thỏa mãn và hạnh phúc đặc biệt. Nhưng cả chúng nữa, từ yếu tính, vẫn là đơn côi. Một số người theo đuổi “cuộc sống trí thức” tìm cách tự thuyết phục để tin rằng họ đang vui hưởng “một hạnh phúc cao hơn” người khác chỉ vì trí óc họ hoàn toàn linh hoạt. Họ có thể nghe thấy giọng cười hân hoan hay giọng hát ấm lòng của những người yêu nhau và coi đó như một thứ “hạnh phúc cảm quan”, tương phản với thứ “hạnh phúc trí thức” cực kỳ cao thượng của mình. Nhưng họ chỉ tự đánh lừa mình. Giữ cho đầu óc linh hoạt, tự nó, quả có mang lại sảng khoái riêng; nhưng sảng khoái ấy chẳng làm sao so sánh được với thứ âm nhạc và thứ ánh mặt trời hằng bao bọc các trái tim đang yêu nhau.

Von Hildebrand hết sức nghiêm chỉnh tiếp nhận sự phân biệt chủ yếu của thầy mình tại Đại Học Goettingen, là Edmund Husserl, giữa một bên là các cảm nghiệm “có ý hướng” và bên kia là các cảm nghiệm “không có ý hướng”, trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh tới các cảm nghiệm gọi là “xúc cảm”. Nếu có ai đó đụng tới làn da tôi hay nếu một chất hóa học nào đó tác động trên thân thể tôi, tôi sẽ có một “cảm xúc”, có thể dễ chịu hay không, có thể được chào đón hay không. Ông gọi đó là các cảm xúc được tạo ra, các cảm xúc không có ý hướng (non-intentional feelings). Nhưng nếu tôi đáp ứng bằng hân hoan trước sự hiện diện của người tôi yêu, bằng đau buồn khi nghe tin người tôi yêu qua đời, hay bằng lòng biết ơn trước sự hảo tâm của một ái đó đối với mình, thì các “cảm xúc” này không hề có tính “xác thân”, như thể phát sinh từ một tác tố nào đó đụng tới các đầu thần kinh trong cơ thể mình. Trái lại, các cảm xúc này thuộc một thế giới mới, thế giới linh thiêng của ý hướng tính (intentionality), trong đó, con người có những tiếp xúc ‘thuận lý’ đầy sáng suốt với hữu thể. Như thế, việc tôi biết hay hiểu điều gì đó là một cảm nghiệm có ý hướng; nghĩa là tôi thực hiện được một hành vi ước muốn từ bên trong. Điều ấy cũng có nghĩa: các “cảm xúc” này không thể nào hiện hữu nếu tôi chưa trước hết nắm được đối tượng. Đặc biệt trong tác phẩm “The Heart” (Trái Tim) và trong nhiều trước tác khác, von Hildebrand đã lấy lại được công đạo cho bản chất của “các cảm xúc linh thiêng”. Triết học truyền thống thường gán “phần linh thiêng” cho ý chí, còn cảm xúc thì họ cho thuộc thân xác. Dưới các phạm trù này, hẳn phải kết luận: các bản vị hoàn toàn không có xác thân, như thiên thần chẳng hạn, sẽ không có cảm xúc. Niềm vui của họ, hay tình yêu hoặc lời ca tụng cảm ơn của họ cùng lắm chỉ là những “ước muốn” (volition) có tính tri thức, hoàn toàn khác với bất cứ “xúc động” (emotions) nào, vì xúc động là “chuyển động” (motion) từ thân xác mà ra.

Một trong các đóng góp vĩ đại nhất của von Hildebrand cho nền triết lý bản vị là phân tích của ông về “đáp ứng gía trị” (value response). Tình yêu chính là một đáp ứng loại này. Để tình yêu hiện hữu, tôi phải nắm được người tôi yêu như là đáng yêu, rực rỡ với sự qúy giá mà chỉ một mình nàng có được, hoàn toàn độc lập với bất cứ thèm thuồng ước muốn nào của tôi. Tôi phải nắm được điều này: người tôi yêu là một “giá trị”, một điều tự nó tốt. Tôi khám phá ra giá trị đó, đáp ứng nó, biết ơn được gặp nó.

Không bao giờ tôi “trân trân nhìn” người tôi yêu như thể muốn lục tìm xem nàng có thể thỏa mãn các thẻm thuồng ước muốn của tôi hay không. Điều ấy chỉ có thể xẩy ra trong mọi cuộc gặp gỡ khác đi ngược lại lối “đáp ứng giá trị”. Lấy mình làm trung tâm, họ coi thế giới như chứa đựng những hữu thể có thể trở thành “phương tiện” để họ hưởng lạc và tiện nghi, một thứ “hạnh phúc” theo nghĩa vị kỷ.

Ở đây, cũng cần phân biệt hai loại điều tốt khác nhau: điều tốt “giá trị” và điều được von Hildebrand gọi là điều tốt “thỏa mãn chủ quan”. Điều tốt sau bao gồm những phẩm tính loè loẹt óng ánh phát ra từ một hữu thể chỉ vì hữu thể này có khả năng thăng tiến khoái cảm hay tiện nghi của tôi hay ve vuốt sự kiêu hãnh và tư dục của tôi.

Bởi thế, von Hildebrand không lưu ý bao nhiêu tới nguyên lý từng được phát biểu từ thời Aristốt, rằng “con người luôn muốn điều tốt và luôn ước ao điều tốt”. Von Hildebrand đặt câu hỏi “điều tốt nào? Điều tốt có giá trị hay điều tốt chỉ thoả mãn chủ quan? ”. Ông cũng không nhất trí cho rằng sự phân biệt trên tương đương với việc phân biệt giữa “điều tốt thực sự” và “điều tốt bề ngoài” như thể mọi chọn lựa của ta đối với điều tốt sau là do thiếu sót của trí óc, một thứ lầm lẫn.

Niềm vui do mối tương quan yêu thương với một người khác phát sinh từ đáp ứng giá trị của ta với người đó. Chỉ duy sự kiện nàng qúy gía và đáng yêu đã đủ gợi lên trong ta một tình yêu, một lòng biết ơn và sảng khoái khôn lường. Ấy thế nhưng không một đáp ứng nào loại này là do ý chí cả (willed). Tôi không yêu người kia như “phương tiện” đạt một mục đích mong muốn, tức hạnh phúc của tôi. Đúng hơn, tôi tiếp cận nàng vì chính nàng; tôi bị lôi cuốn vào nàng vì sự đáng yêu của nàng. Tôi quên cả chính tôi, lẫn mọi nhu cầu và thèm muốn của mình. Và, hỡi nghịch lý đầy diễm phúc của cuộc đời và Phúc Âm!, tôi “ngạc nhiên vì vui”. Tôi đã “phó thác” thân tôi cho người qúy giá, yêu nàng vì nàng đáng yêu. Tôi quên cả chính bản ngã mình cùng mọi nhu cầu của tôi. Tôi không bắt đầu yêu “để được hạnh phúc”. Đúng hơn, tình yêu của tôi là một đáp ứng đối với con người đáng yêu đã đến với đời tôi. Niềm vui, đầy tiếng cười và ánh mặt trời, là “hoa trái” của đáp ứng giá trị, chứ không bao giờ là “cùng đích được đặt định”.

Năm 1923, lúc 34 tuổi, Dietrich von Hildebrand đọc bài diễn thuyết của ông về hôn nhân tại Ulm, Đức, trong một hội nghị của Hiệp Hội Học Thuật Công Giáo. Hai năm sau, tại Innsbruck, Áo, ông liên tiếp trình bày một loạt bài ở Liên Hiệp Nghiệp Đoàn Sinh Viên Công Giáo, về chủ đề “Sự Trong Sạch và Đức Đồng Trinh”. Loạt bài này sau đó đã được xuất bản bằng tiếng Đức. Bài diễn văn tại Ulm cũng được in thành một cuốn sách nhỏ. Cuốn sách đó rất được sự tán thưởng của Đức Hồng Y Eugenio Pacelli, lúc ấy là sứ thần Tòa Thánh tại Munich và sau này lên ngôi Giáo Hoàng lấy tước hiệu là Piô XII. Trong Thế Chiến II, nó được dịch ra tiếng Anh, được nhiều người đọc và liên tiếp được tái bản trong suốt 14 năm. Bẵng đi gần 30 năm, nó lại vừa được nhà Sophia Institute Press tái bản.

Bài diễn văn tại Innsbruck được xuất bản bằng tiếng Anh năm 1930, nhưng dưới tựa đề nghe hơi có vẻ hộ giáo một chút “Để Bênh Vực Đức Trong Sạch” (In Defense of Purity). Đây là tác phẩm phổ thông nhất của Hildebrand, được dịch ra nhiều ngôn ngữ Âu Châu. Nói một cách đơn giản, cuốn sách là một kiệt tác, một nghiên cứu độc đáo và sâu sắc về huyền nhiệm của tính dục con người và mối tương quan xác thực của nó với đức trong sạch, với tình yêu, với hôn nhân, và trên hết, với đức đồng trinh của người tận hiến.

Ở đây, để phù hợp với mục đích của bài này, chúng tôi chỉ xin trình bày phần đầu của cuốn sách, nói về tính dục như khác với mọi “hệ thống” khác của thân xác. Hildebrand cho rằng: tương phản với mọi cảm nghiệm khác của thân xác, chỉ một mình tính dục là có tính sâu sắc từ trong yếu tính. “Vì mọi biểu hiện của tính dục đều tạo ra một hiệu quả vượt quá lãnh vực thể lý và, theo một cách thế hoàn toàn không giống bất cứ thèm muốn thể xác nào khác, nó liên hệ đến linh hồn một cách sâu xa trong chính niềm đam mê của nó… Các giá trị tích cực và tiêu cực gắn liền với tính dục thuộc một bình diện sâu sắc hơn các giá trị gắn liền với các thèm muốn khác của thân xác rất xa... Trong lãnh vực thể lý, sự sâu sắc độc đáo của tính dục đã được chứng minh đầy đủ qua sự kiện duy nhất này là thái độ của con người đối với nó có một ý nghĩa tinh thần hết sức lớn lao, lớn lao hơn thái độ của họ đối với mọi thèm khát thể xác khác rất nhiều. Trao thân cho thèm muốn tính dục chỉ vì thèm muốn sẽ hạ thấp nhân phẩm con người hơn bất cứ thói mê ăn uống nào. Nó đả thương anh ta trong chính cốt lõi hữu thể, và anh ta trở thành tội lệ một cách hoàn toàn khác biệt và mới lạ… Tính dục có thể giữ im lặng, nhưng khi đã lên tiếng, thì lời nó nói không phải chỉ là những lời bâng quơ (obiter dictum), nhưng là giọng nói từ sâu thẳm, nói lên một điều gì có ý nghĩa trung tâm, cực kỳ quan trọng. Trong tính dục và với tính dục, theo một nghĩa đặc biệt, con người tự cho mình đi” (1)

Rải rác khắp các trước tác của Hildebrand, rất nhiều tham chiếu đã nhắc tới các lầm lỗi lớn lao của con người. Một trong các lầm lỗi đó đã được nói đến một cách vắn tắt trên đây, tức việc coi mọi đáp ứng của con người, và do đó coi tình yêu, chỉ như “phương tiện” để phục vụ thoả mãn bản thân. Rồi có những lầm lỗi hiện đại hơn, đặc biệt tệ hại từ ngày có Freud. Lối suy nghĩ này cho rằng mọi thứ tình yêu đều bắt rễ từ thúc đẩy tính dục, có khi minh nhiên có khi tiềm tàng. Họ bảo rằng ít nhất thì lối giải thích này cũng đúng đối với tình yêu “phu phụ”. Vì tình yêu này diễn ra giữa hai giới tính, nên chắc chắn có liên hệ mật thiết với giao hợp tính dục.

Hildebrand không đồng ý với lối giải thích này về tình yêu phu phụ. Theo ông, tình yêu này mang nặng chiều kích tâm linh hay ý hướng (intentional). Ông nhấn mạnh rằng tình yêu phu phụ liên hệ đến trạng thái si tình (falling in love) rồi trạng thái yêu thương (being in love). Nó bao gồm sự “phấn chấn” (enchantment) mà người được yêu tác động trên người yêu mình. Không hề là sự điên dại của tuổi trẻ, tình yêu phu phụ đích thực thúc đẩy ta đi vào chiều sâu của chính mình. Trái tim ta khẩn thiết yêu cầu được đáp trả. Các “ý hướng” kết hợp và làm điều thiện, vốn hiện diện trong mọi tình yêu chân thực, tìm thấy ở đây tiếng nói dứt khoát nhất của chúng.

Những vở kịch vĩ đại của Shakespeare, nền âm nhạc và nhạc kịch của Mozart đều nói đến thứ tình yêu này, ca ngợi nó, và mừng vui cử hành nó bằng hàng trăm hình thức tươi đẹp. Tình yêu này nói ngôn ngữ của lòng biết ơn khiêm hạ, của hoài mong, của âu yếm quan tâm đối với người được yêu. Nó khẩn khoản xin được miên viễn, kết hợp đời đời. Nó tắm gội mọi điều tốt đẹp lên người được yêu và cố gắng khử trừ mọi điều bất hạnh dù là nhỏ nhoi nhất. Nó khai sinh ra âm nhạc và niềm vui khi chiêm ngắm người mình yêu, khi đọc tên nàng.

Thử hỏi: tình yêu phu phụ và tính dục con người có liên hệ với nhau ra sao? Nếu cuộc biến hóa theo chủ thuyết vô thần là đúng, thì chả có liên hệ chi giữa hai thực tại này. Vì mọi sự chỉ là hậu qủa của may rủi, của tình cờ đến với nhau, sau hàng tỷ tỷ các “thử nghiệm”, giữa các nguyên tử và yếu tố của vật chất bất động cho đến khi vào phút chót, do một tình cờ may mắn, sự sống xuất hiện; từ đó có sự sống loài vật, rồi sự sống con người. Chẳng có điều gì có tính nhân bản là cao trọng hay đáng kính cả, vì cũng chỉ biến hóa từ những tổng hợp may rủi và phi lý của các yếu tố vật chất mà thôi. Tình yêu đâu có gì đặc biệt; cả cái đẹp hay đức khiêm nhu cũng thế. Việc con người hiện hữu dưới hai giới tính khác nhau cũng chả có nghĩa gì; nó chỉ là hậu quả tình cờ của một bước ngoặt biến hóa nào đó khi các nguyên tử của vật chất chập choạng tiến vào tương lai. Với quan điểm này, tính dục có khi còn là một điều lố bịch và phi lý.

Tình thế sẽ khác hẳn nếu Đấng Hóa Công bản vị, nếu Thiên Chúa, là cội nguồn của mọi hữu thể và cảm nghiệm. Lúc ấy, không có gì còn là hậu quả của tình cờ, may rủi nữa, nhất là đặc tính bổ túc cho nhau, cả về phương diện sinh học lẫn phương diện tâm linh, của hai giới tính nhân bản. Hildebrand dạy ta rằng chính Thiên Chúa muốn tính dục con người có ý nghĩa của cả biểu thức xác thân lẫn sự hoàn tất của tình yêu phu phụ. Tình yêu khao khát sự kết hợp nên một ở mọi bình diện. Tình yêu tìm cách tự mặc khải mình ra và tự dâng hiến mình cho người mình yêu. Tình yêu là từ trái tim. Giờ đây, lúc hai con người tự do ước muốn chia sẻ cuộc đời với nhau, một sợi dây liên kết được thành hình: đó chính là hôn nhân. Điều này đặt cuộc đời tương lai của đôi bạn, một cách đầy ý thức, lên trên bất cứ tính tùy hứng hay ý thích thất thường nào.

Chỉ ở trong khu vườn của tình yêu phu phụ này, các bức màn canh giữ bí mật tính dục mới được mở toang, để tiếp nhận người mình yêu. Thay vì là một điều gì ở ngoại biên hay bề mặt, tính dục của mỗi người chúng ta thuộc về nội cung (sanctum) sâu thẳm của ta. Chiều sâu vĩ đại có tính bản thân của nó chính là lý do giải thích đích tới cao cả của hôn nhân.

Do đó, tính dục tách biệt khỏi tình yêu phu phụ là cốt lõi của nhơ nhuốc (impurity). Hildebrand phân biệt 3 yếu tố gây ra tội nhơ nhuốc. Ông viết: “Trước nhất, tôi liệng bỏ tôi khi trao sự bí mật có tính bản thân này cho một người mà không có ý định hiến thân thực sự và chung cuộc cho người ấy… Bên cạnh sự liệng bỏ bản ngã ấy, một sự liệng bỏ mà ta có thể mô tả như việc hạ giá (degradation) chính tôi và người chung phần kia, việc lạm dụng tính dục luôn luôn bao gồm nhân tố thứ hai, đó là sự phạm thánh (desecration). Thực hiện hành vi vốn có ý nghĩa một sự kết hợp thánh thiêng giữa hai hữu thể nhân bản thành một thân xác, và phải là một biểu thức nói lên và hoàn tất sợi dây kết hợp yêu thương bền vững và không thể hủy tiêu, với một người dự phần nhưng không được kết hợp với ta bằng sợi dây thánh thiêng của hôn phối tất nhiên là một sự phạm thánh kinh khủng nhất… Mọi lạm dụng tính dục còn làm ta ra ô uế (defilement)… Mọi khía cạnh được tính dục phơi bày khi bị cô lập và không được “tạo hình” từ bên trong bởi tình yêu phu phụ và ý thức về sự chế tài của Thiên Chúa, nghĩa là tiếng hát mỹ nhân ngư của lôi cuốn nhục dục với vẻ dịu ngọt đầy nọc độc của nó, và cái tội mê dâm dục quỉ quái, chỉ còn là sức mạnh khủng khiếp hủ hóa và làm linh hồn ra ô uế. Lúc một người nào đó, trong khi sử dụng tính dục, “ước muốn” một trong hai khía cạnh trên và lao mình vào đó, anh ta quả đã sa vào một sự ô uế bí ẩn và lập tức tách mình ra khỏi Thiên Chúa một cách hết sức độc đáo” (2).

Tất cả các điều trên đụng đến mầu nhiệm tính dục con người ở chiều kích “kết hợp” (unitive). Mầu nhiệm này còn sâu sắc hơn và tươi đẹp hơn khi thêm chiều kích phụ tạo (procreative). Điều này tự nó cũng là một chủ đề, một chủ đề có liên hệ tới vấn đề luân lý lớn hiện nay, đó là cái tội ngừa thai nhân tạo. Trong phạm vi hạn hẹp ở đây, chỉ xin được trích dẫn lời của Hildebrand nhằm nối kết hai chiều kích vừa nói: “Không phải tình cờ mà Thiên Chúa ban cho hành vi tính dục ý nghĩa sáng tạo của nó. Vì tình yêu Thiên Chúa là nguyên lý sáng tạo ra vũ trụ, nên tình yêu ở mọi bình diện đều là sáng tạo. Có một ý nghĩa sâu sắc trong sự nối kết này, vừa như một biểu tượng vừa như một thực tại, nhờ đó qua hành vi sáng tạo trong đó hai con người trở nên một thân xác vì yêu và trong yêu thương, một hữu thể nhân bản mới đã được sản sinh” (3)

Ghi Chú

(1) In Defense of Purity (New York: Sheed & Ward, 1935), tr. 14. Cuốn này đã được in lại nhiều lần bằng tiếng Anh. Năm 1989, Đại Học Phanxicô tại Steubenville ra ấn bản mới.

(2) Sách đã dẫn, tr. 35-37

(3) Sách đã dẫn, tr. 26

Viết theo William A. Marra, giáo sư triết tại ĐH Fordham, “Von Hildebrand on Love, Happiness, and Sex” đăng trong The Catholic Writer.
Vũ Văn An