PDA

View Full Version : Giá máu cứu độ



PHUGIADATINH
02-08-2010, 08:05 PM
Giá máu cứu độ
VietCatholic News (19 Jun 2010 11:12)
GIÁ MÁU CỨU ĐỘ

Tại miền Ceza – Philiphe, Đức Giêsu đã lên tiếng hỏi các tông đồ về dư luận dân chúng đánh giá mình là ai? Đức Giêsu không tranh thủ theo nghĩa của loài người về danh dự và sứ mệnh riêng tư. Đức Giêsu cũng không hỏi để rồi quảng cáo và truyền thông như xã hội hiện đại của chúng ta. Nhưng Đức Giêsu hỏi các tông đồ để biết được đám đông dân chúng nhận thức về Ngài trong tư cách như thế nào?

Thật ra, đối với dân Do Thái, đánh giá Đức Giêsu là một tiên tri đã là sự trọng nhất đối với họ. Vì tiên tri là người thay mặt Thiên Chúa, có quyền lực trong lĩnh vực tâm linh và là sứ giả loan truyền thánh ý của Thiên Chúa, cũng như là những người đại diện cho dân thưa lên Thiên Chúa những ý nguyện cầu của dân Chúa. Nhưng Đức Giêsu không dừng ở đó, bởi vì, đánh giá Ngài là một tiên tri mới chỉ là đề cập một vấn đề nên Đức Giêsu hỏi các tông đồ “Thế các con bảo Thầy là ai?”(Lc 9,20). Simon Phêrô, đại diện cho các tông đồ, đã tuyên tín “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9, 20). Điều đã cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu hỏi các tông đồ là để đánh giá nhận thức của mỗi người là qua hai cách thức sau đây:

Thứ nhất: Đức Giêsu cấm các tông đồ không được nói điều đó với ai (Lc 9, 21), nhưng Đức Giêsu lại tỏ cho các ông thấy hàng loạt sự kiện mà Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ khi bị các kỳ lão, các thượng tế và các luật sĩ từ bỏ và giết chết.

Thứ hai: Đức Giêsu đòi hỏi “Những ai muốn theo Thầy thì cũng phải từ bỏ mình và vác thập giá mình hàng/ hằng mà theo Thầy”(Lc 9,23)

Với hai cách khẳng định trên cho chúng ta thấy, giá trị của việc nhận thức “Thầy là Đấng Kitô” cũng có nghĩa là mình thuộc về Đấng Kitô và sẽ trả một giá đắt cho cuộc đời mình như thế nào? Như vậy, Đức Giêsu hỏi để các tông đồ nhận thức về giá trị của ơn cứu độ và giá trị này quan trọng vì liên quan đến Thầy và những người liên hệ với Thầy, hay nói một cách chính xác hơn, là liên quan đến sự sống đời đời. Vì vậy, tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô” cũng có nghĩa tuyên xưng “Thầy là Đấng Cứu Độ” và cũng có nghĩa là mình được mang ơn cứu độ, nhưng để có được như thế ta phải trả một giá rất đắt. Vác Thập Giá là biểu hiện của sự đau khổ như Đức Giêsu đã diễn tả, là bị từ bỏ và giết chết. Nhưng điều mà Đức Giêsu nói, không chỉ là trả lời, không chỉ là lời hứa mà là tuyên bố một sự thật: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ cứu được mạng sống mình.” (Lc 9, 24). Và chính đó là sự thật nghiệt ngã, sự thật đau đớn của Thập Giá “Muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, liều mất mạng sống mình vì Đức Kitô thì lại cứu được mạng sống mình”. Chúng ta phải ngược dòng lên Adam và Eva để thấy được cái nghiệt ngã của nguyên tổ đã đánh mất ân phúc từ trời, đã đi ngược lại với những ý định của Thiên Chúa, và vì thế ơn cứu độ cũng đòi hỏi một sự lột xác, một sự đánh đổi đến cả mạng sống của mình thì mới đạt được sự sống đời đời. Đó là một giá đắt. Nhưng là một giá đắt đã được Đức Giêsu trả trước. Đó là chính máu đào của Đức Giêsu đổ ra trên Thập Giá cứu độ mọi người. Vì thế “Vác thập giá mình đi theo Chúa” chính là để chúng ta được đi trong bóng cánh của Đấng đã yêu thương chuộc tội thay cho chúng ta. Không còn bóng dáng của sự chết, không còn đau khổ vô ích và không còn sự hủy diệt một cách tàn bạo, vì Thập Giá Đức Kitô chính là khởi đầu của ơn cứu độ, vậy “Vác Thập Giá” không còn là sự đè nén, sự tủi nhục, và thậm chí là ô nhục vì là hình phạt cho những người tử tội mà ngày xưa đế chế Roma dành cho họ. Thập Giá bây giờ là Thánh Giá vì chính Đức Giêsu Kitô đã dùng Thánh Giá mà cứu độ trần gian.

Khởi đi từ Thánh Giá, chúng ta bắt đầu đi vào con đường cứu độ của Đức Kitô. Con đường cứu độ dẫn ta đến đâu? Trong thư gửi tín hữu Galatta, thánh Phaolo đã nói: “Khi mặc lấy Đức Kitô thì không còn phân biệt người Do Thái hay người Hy Lạp, người nam hay người nữ vì tất cả anh em là một trong Đức Giêsu Kitô. Nếu anh em là một với Đức Kitô thì anh em là dòng dõi với Abraham, những người thừa tự như lời đã hứa”(Gal 3, 28-29). Đó là giá trị quan trọng thứ nhất khi chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô: Chúng ta nhận được sự hiệp nhất sâu xa trong Đức Kitô vì tất cả chúng ta đều nhận được ơn cứu độ, không còn có sự phân biệt đối xử; Chúng ta thuộc về một thế hệ được thừa tự như chính Abraham đã được thừa hưởng lời hứa và phúc lành của Thiên Chúa; Chúng ta trở thành một dòng dõi lựa chọn, hàng tư tế, vương giả, chủng tộc thánh thiện dân riêng của Thiên Chúa. Những giá trị quan trọng như vậy bắt đầu bằng danh Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta đã dừng lại ở đây chưa? Chưa hết! Đó là những sự khởi đầu để cho chúng ta đạt tới một tầm mức mà chúng ta sẽ lãnh nhận được như là sự mạc khải qua Gioan trong sách Khải Huyền: “Tôi thấy một đoàn lũ đông đảo. Họ mặc áo trắng tinh, cầm ngành thiên tuế và lớn tiếng tung hô. Khi hỏi “Họ là ai vậy?” thì được đáp “Họ là những người đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo mình trong máu Con Chiên”(Kh 7, 14). Con số đông đến nỗi không thể đếm được đến nỗi thánh Gioan phải diễn tả bằng con số mười hai là con số cao nhất của dân Do Thái. Mười hai nhân với mười hai thì đó là sự vượt ra ngoài sự tính toán, và nhất là mười hai ở cấp số nghìn. Cho nên thấy “Một trăm bốn mươi bốn nghìn người” tức một con số không thể đếm được. Họ là những người giặt áo và tẩy áo mình trong máu Con Chiên. Nhận ra Đức Giêsu Kitô là chúng ta được tẩy sạch để sung vào đoàn những người không thể đếm được trên trời cao. Đó là mục đích, và đó là ân huệ mà Chúa Giêsu muốn hỏi để cho số những người nhận biết Đức Giêsu Kitô được gia nhập vào đoàn những người tẩy áo trong máu của Con Chiên, trở nên áo trắng tinh tuyền và cầm ngành thiên tuế như thánh Gioan đã mô tả.

Một giá cao như vậy, cho nên những điều kiện Đức Giêsu đặt ra đâu có phải là quá khắt khe, đâu còn nghiệt ngã nữa. Những người liên quan đến Đức Giêsu phải kể đến đầu tiên là các thánh Anh Hài, dù chưa biết nói, chưa nhận thức được sự vật xung quanh, nhưng chỉ vì liên quan đến ngày giờ năm tháng Đức Giêsu đã sinh ra, các trẻ em vùng Bethlem đã bị tàn sát mà tiên tri Dacaria đã diễn tả: “ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rakhel khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi vì chúng không còn nữa”(Mt 2,17-18). Những cách thức như vậy để chúng ta hiểu rằng giá máu chính là giá cứu độ, không như vậy thì làm gì có các thánh Anh Hài. Đó là máu đổ ra báo hiệu cho hàng đoàn các tông đồ đoàn, các thánh tử đạo của mọi thế hệ. Đầu tiên là ba thế kỷ đầu của Roma, rồi cả ở Việt Nam của chúng ta nữa, cũng ba thế kỷ đầu bách hại đạo gay gắt, và tiếp tục, trong mối phúc thật thứ tám “Phúc cho những ai chịu bách hại vì lẽ công chính”, sẽ còn tiếp tục cho đến tận thế, để thấy được rằng những người liên quan, những người nhận ra Đức Giêsu Kitô – Đấng Cứu Thế, họ sẽ phải nhận ra giá máu, là giá để làm cho người ta được giặt áo và tẩy áo mình trong máu Con Chiên và giá máu là giá của ơn cứu độ đời đời.

Giá máu của Đức Giêsu Kitô đã đổ ra trả lời thay cho tất cả chúng ta. Giá máu của Đức Giêsu Kitô đã cho chúng ta sự sống đời đời và vì vậy, những đòi hỏi về Thập Giá, những đòi hỏi về mạng sống mình trở nên quá nhẹ nhàng với những ai đã nhìn thấy hình ảnh cũng như mục đích của việc nhận ra Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ.

Lạy Chúa Giêsu Kitô:

Chúng con là những người đang đi theo sát dấu chân của Chúa.
Như các tông đồ đoàn ngày xưa,
chúng con tuyên xưng:
“Chúa là Đấng Kitô vì loài người chúng con
và để cứu độ chúng con Chúa đã từ trời xuống thế”.
Chúng con không còn thấy là quá khắt khe khi vác Thập Giá
Chúng con không còn thấy là quá đắt khi hiến mạng sống mình.
Bởi vì điều mà Chúa cho lại là vô cùng
trong cái cho đi của chúng con là có hạn và nhỏ bé.
Xin cho chúng con biết lắng nghe,
biết thực hành
biết mạnh dạn tiến bước trong đức tin và lòng mến
để danh hiệu Giêsu Kitô
trở thành ơn cứu độ đời đời cho tất cả mỗi chúng con. Amen.
Lm. Phêrô Hồng Phúc
trích:http://catholicvideo.org/News/Html/81380.htm

Lucadien
06-08-2010, 12:02 PM
Vì Tình yêu mà Thiên Chúa đã phải lấy máu Con mình để cứu chuộc nhân loại.

Ôi! Tình yêu thật cao vời, thật nhiệm mầu, vượt xa khỏi sức tưởng tượng của con người. Một giao ước cứu độ được Thiên Chúa ký kết đơn phương bằng máu Con trai mình!