PDA

View Full Version : Vị Anh Hùng Đức Cứu Sống Hàng Ngàn Người Do Thái



littlewave
10-05-2008, 10:48 PM
Vị Anh Hùng Đức Cứu Sống Hàng Ngàn Người Do Thái

Thứ tư 22-3-1995, sau buổi tiếp kiến chung hàng tuần các tín hữu Công Giáo hành hương, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1978-2005) đã tiếp riêng bà Emilie Schindler (1907-2001), góa phụ kỹ nghệ gia người Đức Oskar Schindler (1908-1974).

Năm ấy bà Emilie 87 tuổi và sống tại Buenos Aires, thủ đô nước Argentina. Tên tuổi bà gắn liền với tên tuổi hiền phu - ông Oskar Schindler - vì hành động bác ái phi thường ông bà thực hiện trong thời thế chiến thứ hai 1939-1945.

50 năm sau khi thế chiến thứ hai kết thúc, người ta mới bắt đầu nói nhiều và biết đến ông Oskar Schindler, nhờ cuốn sách ”La Liste de Schindler” của ông Thomas Michael Keneally. Trong sách, ông Keneally đã kể lại những hành động bác ái của nhà anh hùng. Cuốn sách là đề tài gợi hứng cho cuốn phim mang cùng tên ”La Liste de Schindler” của nhà đạo diễn Steven Allan Spielberg.

Tháng Giêng năm 1995, chính quyền Argentina quyết định trao tặng huân chương danh dự “Orden de Mayo” cho bà quả phụ Schindler, vì đã hợp tác với chồng trong việc cứu 1.200 người Do-Thái thoát khỏi nanh vuốt của quân đức-quốc-xã tại Ba Lan, trong thời thế chiến thứ hai.

Trong nghi lễ nhận huân chương, bà Emilie cảm động nói:
- Nhờ cuốn phim nổi tiếng ”La Liste de Schindler” mà thế giới được biết những gì chồng tôi và tôi, chúng tôi đã làm cho người Do-Thái tránh khỏi cuộc diệt chủng. Tôi không tự xem là kẻ anh hùng. Tôi cũng không nghĩ mình xứng đáng được ca ngợi. Ngày đó, khi thi hành công tác bác ái, tôi không hề nghĩ đến giải thưởng hoặc được trả công bội hậu. Chúng tôi làm vì đó là vấn đề SINH-TỬ, thế thôi! Thật đau thương, nhưng cũng thật giản dị!

Ngược dòng thời gian, tháng 9 năm 1939, quân Đức chiếm đóng Ba Lan. Họ lần lượt tịch thu các hãng xưởng kỹ nghệ trong nước. Mấy tháng sau, gia đình Oskar Schindler - người Đức - từ Brinnlitz bên Tiệp-Khắc di dân đến sinh sống tại Cracovia (Ba Lan), với hy vọng làm giàu. Năm ấy, ông Oskar Schindler là kỹ nghệ gia trẻ, với số tuổi 30.

Ông Oskar Schindler tìm mua ngay một xưởng kỹ nghệ không lớn lắm. Nhưng với tài năng trẻ trung khôn khéo, ông bắt đầu xây dựng từ con số không. Và cũng chính từ giây phút đó, ông bắt tay vào việc cứu người Do-Thái sống trong vùng. Lúc đó, quân đức-quốc-xã đã truy lùng và tiêu diệt người Do-Thái. Một số lớn đã bị đưa vào trại tập trung Auschwitz và Plaszow.

Xưởng kỹ nghệ mỗi ngày một hoạt động mạnh. Năm 1941 xưởng của ông Schindler thuê 300 thợ, phân nửa là người Do-Thái. Năm sau, con số tăng lên 800, trong đó có 370 thợ Do-Thái. Họ đến từ các khu vực dành riêng cho người Do-Thái mà bọn đức-quốc-xã thành lập tại Cracovia. Ông Schindler cư xử rất lịch sự và khoan hậu với nhân viên thợ thuyền. Chưa hết, ông tìm mọi cách giúp đỡ người Do-Thái đã bị đưa vào các trại tập trung. Ông khéo léo mua chuộc các viên chỉ huy đức-quốc-xã để họ đưa các tù nhân Do-Thái đến sống tại một trại tập trung gần nơi xưởng kỹ nghệ của ông. Nhờ đó, ông có thể lén lút tiếp tế lương thực và thuốc men cho các tù nhân.

Mùa xuân năm 1944, trước cơ nguy thất trận, quân đức-quốc-xã định thủ tiêu trại tập trung Plaszow và các trại lân cận. Ông Oskar Schindler liền chơi con cờ cuối cùng. Ông đút lót tiền bạc cho bọn đức-quốc-xã để xin di chuyển xưởng kỹ nghệ của ông về Brinnlitz (Tiệp Khắc) và mang theo 1000 tù nhân Do-Thái, gồm 700 người đàn ông và 300 người đàn bà.

Tình thương và lòng quảng đại của ông Oskar thật vô bờ. Ông bán hết gia sản cùng nữ trang của vợ để có tiền, vừa đút lót bọn đức-quốc-xã, vừa mua sắm áo quần, thuốc men và lương thực cho những gia đình Do-Thái mà ông bảo bọc chở che. Vợ ông, bà Emilie, vừa lo việc ăn uống vừa chăm sóc người đau ốm.

Ngày 9-5-1945, quân đội Nga đổ bộ lên Brinnlitz. Sau khi biết rõ những người thợ Do-Thái của mình được bảo vệ an toàn, ông Oskar Schindler cùng với cả gia đình kín đáo rời Brinnlitz. Ban đầu gia đình ông đến sống tại Áo, sau đó thì trở về Đức.

Trong thời gian này, ông sống nhờ lòng hảo tâm của những người Do-Thái mà ông đã cứu sống. Đến năm 1949, một hiệp hội Do-Thái người Mỹ đã xin chiếu khán nhập cảnh cho ông đi Argentina. Gia đình ông đến sống tại thủ đô Buenos Aires. Năm 1957, ông Oskar ly dị vợ và về Đức sinh sống. Tại đây, ông trút hơi thở cuối cùng vào năm 1974, hưởng thọ 66 tuổi.

Ngày ông Oskar Schindler qua đời, thế giới không một ai biết câu chuyện cuộc đời ông, ngoại trừ Israel. Chính quyền Israel mang thi hài ông về chôn cất tại Giêrusalem và một cây được trồng trong “Lối Đi Những Người Công Chính” để ghi nhớ tên tuổi và công nghiệp của ông. Trước đó, ngày 18-7-1967 Viện Yad Vashem ở Giêrusalem đã ghi tên ông Oskar Schindler vào sổ những người công chính. Hơn 25 năm sau, ngày 24-6-1993 Viện Yad Vashem lại ghi tên bà Emilie Schindler vào danh sách những người công chính.

Cuộc đời bác ái anh hùng của ông bà Oskar-Emilie Schindler được tóm tắt trong câu: Liên đới và cứu giúp tất cả những anh chị em đồng loại gặp cảnh khốn cùng.
... ”Ai đón tiếp anh chị em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ. Ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một ly nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh chị em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Matthêô 10,40-42).
(Radio (Vatican) Giornale 24-3-1995 + Reader's Digest Sélection, Novembre/1994, trang 15-20)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, 08/05/2008