PDA

View Full Version : Truyện hay [Cổ Học Tinh Hoa]



BMK
11-05-2008, 11:59 AM
Anh chị em nào có những câu chuyện trong Cổ Học Tinh Hoa thì đăng lên đây chia sẻ nha

Ba Con Rận Kiện Nhau


Ba con rận hút máu một con lợn, tranh nhau ăn, đem nhau đi kiện. Một con rận khác gặp, hỏi: "Ba anh kiện nhau về việc gì thế?"
Ba con rận đáp: "Chúng tôi kiện nhau, vì tranh nhau một chỗ đất màu mỡ".
Con rận kia nói: "Tôi tưởng các anh chẳng nên tranh lẫn nhau thế làm gì. Các anh chỉ nên lo đến con dao của người đồ tể giết lợn, ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi".

Ba con rận nghe ra, biết là dại, thôi không đi kiện nữa, cùng nhau quần tụ, làm ăn với nhau, dù no, dù đói, cũng không bỏ nhaụ Con lợn thành ra mỗi ngày một gầy, người ta không làm thịt, cứ để nuôi, ba con rận nhờ thế mà no đủ mãi.

(Hàn Phi Tử)
Giải Nghĩa:
Đồ tể: Người làm thịt các giống vật để bán.
Quần tụ: Quây quần ăn ở bao bọc lấy nhau


Lời Bàn:
Nhân dân một xứ mà cứ tranh giành lẫn nhau cái lợi trước mắt, không nghĩ gì đến cái việc lâu dài cho cả toàn thể, thì trí khôn thật không bằng mấy con rận nói trong truyện này.
Tranh nhau, cãi nhau, đánh nhau, kiện nhau, thì oan oan tương kết, lợi chẳng thấy đâu, chỉ thấy hại, hại cho mình lại hại cho cả đàn, cả lũ nữa. Sao không biết: Sâu đục cây, cây đổ thì sâu cũng chẳng còn; trùng hại vật, vật chết thì trùng cũng hết kiếp.

BMK
11-05-2008, 10:41 PM
Lợi mê lòng người

Nước Tống có kẻ mất cái áo thâm. Anh ta ra đường tìm.

Thấy người đàn bà mặc áo thâm, níu lại đòi rằng: "Tôi vừa mất áo thâm, chị phải đền trả tôi cái nầy". Rồi cứ giữ chặc cái áo không buông ra nữa.

Người đàn bà cãi:
"Ông mất áo thâm, tôi biết đấy là đâu? Áo tôi mặc đây là áo của tôi, chính tay tôi may ra".

Anh kia nói: "Chị cứ phải đền trả áo cho tôi. Cái áo thâm tôi mất dầy, cái áo thâm chị mặc mỏng. Lấy áo thâm mỏng của chị đền áo thâm dầy cho tôi, còn phải nói gì lôi thôi nữa!"

(Tử Hoa Tử)


Giải nghĩa

Nước Tống: một nước chư hầu thời Xuân-Thu sau phải nước Tề lấy mất, ở vào huyện Thượng-Khưu tỉnh Hà Nam bây giờ

Thâm: sắc đen

Níu: giằng giai giữ lại không cho đi

Lời bàn

Mất áo trong nhà mà ra ngoài đường tìm, đã là chuyện bật cười. Mất áo đàn ông mà đòi áo đàn bà lại là chuyện bật cười. Mất áo thâm dầy bắt đền áo thâm mỏng mà cho là phải, lại là bật cười nữa. Ôi cái lợi nó làm cho lòng người mê muội, chỉ biết có mình không biết có ai, chỉ vụ lợi cho mình mà quên cả phải trái. Kẻ nào đã vụ lợi như thế, thì cái gì mà chẳng dám làm, cái gì mà chả dám nói! Than ôi! Cái đời kim tiền bây giờ biết bao nhiêu phường đòi áo như người nói trong truyện nầy.

BMK
11-05-2008, 10:48 PM
Lo, vui

Đã muốn làm nên việc, tất phải để tâm nghĩ vào đấy, nhưng nghĩ mà cứ theo thiên lý, chớ không có chút tư tâm nào, việc hỏng hay việc nên cũng không bợn đến lòng. Cho nên người quân tử không hề sợ bao giờ, bao giờ cũng bận việc mà cũng thản nhiên như không vậy. Kẻ tiểu nhân thì trái lại, làm việc gì cũng chỉ cốt cầu tự tư, tự lợi, cho nên dù được, dù hỏng, trong bụng lúc nào cũng áy náy không sao quên được, nghĩa là chưa được, thì lo sợ rằng chưa được, đã được lại lo sợ rằng nhỡ hỏng mất chăng.

Thầy Tử Lộ hỏi Khổng Tử rằng:

- Người quân tử cũng lo sợ ư?

Khổng Tử nói:

- Người quân tử chỉ cốt suy nghĩ định liệu công việc của mình, lúc chưa làm được vui rằng mình đã có ý định làm, lúc đã làm được lại vui rằng mình có trí làm được việc. Thế cho nên người quân tử có cái vui thú suốt đời, không có cái lo sợ một ngày nào cả.

- Kẻ tiểu nhân thì không thế, lúc chưa làm được việc thì lo sợ rằng không được. Lúc đã làm được việc thì lo sợ nhỡ hỏng mất. Thế cho nên kẻ tiểu nhân có cái lo sợ suốt đời, không có cái vui thú nào cả.


Thuyết Uyển


LỜI BÀN:

Đã muốn làm nên việc, tất phải để tâm nghĩ vào đấy, nhưng nghĩ mà cứ theo thiên lý, chớ không có chút tư tâm nào, việc hỏng hay việc nên cũng không bợn đến lòng. Cho nên người quân tử không hề sợ bao giờ, bao giờ cũng bận việc mà cũng thản nhiên như không vậy. Kẻ tiểu nhân thì trái lại, làm việc gì cũng chỉ cốt cầu tự tư, tự lợi, cho nên dù được, dù hỏng, trong bụng lúc nào cũng áy náy không sao quên được, nghĩa là chưa được, thì lo sợ rằng chưa được, đã được lại lo sợ rằng nhỡ hỏng mất chăng.

BMK
11-05-2008, 10:55 PM
Lấy của ban ngày

Nước Tấn có kẻ hiếu lợi một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng: "Cái nầy tôi ăn được, cái nầy tôi mặc được, cái nầy tôi tiêu được, cái nầy tôi dùng được." Lấy rồi đem đi. Người ta theo đòi tiền.

Anh ta nói:
"Lửa tham nó bốc lên mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hóa trong chợ tôi cứ tưởng của tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau nầy tôi giàu có, tôi sẽ đem tiền trả lại."

Người coi chợ thấy càn-dỡ, đánh cho mấy roi, bắt của ai phải trả lại người ấy. Cả chợ cười ồ.

Anh ta mắng:
"Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương, bách kế ngấm ngầm lấy của của người. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kẻ ấy thì lại chẳng hơn ư? Các người cười ta là các người chưa nghĩ kỹ!"

(Long-môn-Tử)


Giải nghĩa

Hiếu lợi: tham tiền của quên cả phải trái
Lửa tham: lòng tham muốn bốc lên làm ngốt người
Mờ cả hai con mắt: chỉ để cả vào của muốn lấy, ngoài ra không trông thấy gì nữa
Thế gian: cõi đời người ta ở
Thiên phương bách kế: mưư nầy, chước khác xoay đủ trăm nghìn cấp
Ngấm ngầm: ý nói làm hại một cách bưng bịt không để ai biết
Ban ngày: lúc sáng dễ trông thấy
Long Môn Tử: tức là Tư Mã Thiên làm quan Thái Sư nhà Hán là một nhà sử ký có danh.

Lời bàn

Đã là kẻ thấy của tối mắt, tham vàng bỏ nghĩa, thì dù ít, dù nhiều cũng là đáng khinh cả, song đem những kẻ mặt to, tai lớn, vì ham mê phú quý mà lường thầy, phản bạn, hại ngầm đồng bào so với những quân cắp đường, cắp chợ giữa ban ngày để nuôi miệng thì tội đến nặng hơn biết bao nhiêu. Thế mà trách đời chỉ biết chê cười những tên trộm cướp vặt chớ không biết trừng trị những kẻ đại gian đại ác.

BMK
11-05-2008, 10:56 PM
Khổ thân làm việc nghĩa

Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi.

Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng:
"Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc "nghĩa", một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?"

Mặc Tử nói:
"Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không nhiều, đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế?"


(Mặc-Tử)


Giải nghĩa

Lỗ: một nước chư hầu nhỏ thời Xuân-Thu Chiến quốc, ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ
Tề: một nước chư hầu lớn thời Xuân-Thu Chiến quốc, cũng ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ
Thiên hạ: đất dưới gầm trời, ngưòi Tàu xưa cho là nước Tàu và mấy nướ xung quanh là thiên hạ
Nghĩa: việc phải, việc hay mà người ta nên làm
Tự khổ thân: tự mình làm cho mình khó nhọc vất vả
Mặc Tử: tên sách của Mặc Định soạn, chủ nghĩa là kiêm ái yêu người như yêu mình cũng gần giống chủ nghĩa của đạo Cơ-Đốc và đạo Thích-Ca.

Lời bàn

Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao chịu suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa? Cho nên những người thức thời, có chí, dù có ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu đắm đuối vào cái bất nghĩa, khác nào như: cây tòng, cây bách, mùa đông sương tuyết, mà vẫn xanh, như con gà trống, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Những bậc ấy chẳng những thế mà thôi, lại còn đem bao nhiêu tinh lực tâm trí ra, cố gắng giữ lấy phong hóa mà dìu dắt, mà đưa đường cho những kẻ u mê đắm đuối. Như Mặc Tử đây, cho đời là suy biến, coi sự làm việc "nghĩa", sự cổ động việc nghĩa như cái chức vụ của mình phải làm, thực là người có công với loài người vậy.

BMK
11-05-2008, 11:02 PM
Mẹ hiền dạy con

Thuở nhỏ, nhà thầy Mạnh Tử gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn khóc, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn khóc. Bà mẹ thấy thế nghĩ: " Chỗ này không phải chỗ con ta ở được". Nói rồi dọn nhà ra gần chợ.
Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người ta buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước nô nghịch buôn bán điên đảo. Bà mẹ thấy thế lại nghĩ: " Chỗ này cũng không phải chỗ con ta ở được". Nói rồi dọn nhà đến ở cạnh trường học.

Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói: "Chỗ này là chỗ con ta ở được đây".

Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ:
- Người ta giết lợn làm gì thế?

Bà mẹ nói đùa rằng:
- Để cho con ăn đấy.

Nói xong, bà nghĩ lại, hối hận rằng: " Ta nói lỡ lời. Con ta thơ ấu, trí thức chưa mở mang mà ta nối dối nó thì hóa ra ta dạy nó nói dối hay sao?"
Rồi bà đi mua thịt lợn đem về cho con ăn thật.

Lại 1 hôm thầy Mạnh Tử đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi trông thấy liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung mà nói rằng:
_ Con đang đi học, mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy.

Từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Rồi về sau thành 1 bậc đại hiền.



(Liệt Nữ Truyện)

Lời bàn:

Mẹ thầy Mạnh Tử thực biết dạy con. Mấy lần dọn nhà là hiểu cái lẽ: gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Lỡ nói đùa phải mua thịt cho con ăn, thế là hiểu cái lẽ: chớ nên nói dối trẻ. Thấy con bỏ học mà cầm dao cắt đứt tấm vải làm thí dụ, cũng là hiểu cái lẽ: học hành cốt phải chuyên cần. Cũng như ấm nước đang đun mà rút hết củi ra sau lại bỏ củi vào thì mãi cũng không sôi được.
Người mẹ là thầy giáo thứ nhất của trẻ, có trách nhiệm giáo dục gia đình rất lớn, không kém gì người cha.

BMK
11-05-2008, 11:04 PM
Chữ Hiếu


Thầy Tăng Sâm nhổ cỏ ruộng dưa, lỡ tay làm đứt mất ít rễ. Cha là Tăng Tích tức giận, cầm gậy đánh vào lưng. Tăng Sâm đau quá ngã gục xuống đếng đi 1 lúc mới tỉnh lại.

Khi về nhà, liền đến thưa với cha rằng:
- Lúc nãy con có tội để đến nỗi cha phải đánh, làm đau tay cha, thực là con lỗi đạo.

Nói xong, lùi xuống, vừa gảy đàn vừa hát có ý để cho cha nghe tiếng biết rằng mình không còn đau đớn gì nữa.

Đức Khổng Tử nghe chuyện, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào.
Tăng Sâm tự nghĩ mình vô tội, mới hỏi bạn vì cớ gì mà thầy Khổng Tử giận.

Đức Khổng Tử nói:
- Ngày trước ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, lúc cha sai khiến gì thì ở luôn bên cạnh, lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa, cha đánh bằng roi vọt thì cam chịu, đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn. thế cho nên ông ổ Tẩu mới không mang tiếng bất từ. Nay Tăng Sâm thờ cha liều mình, để chiều cơn giận đến nỗi ngất đi. Giả lỡ cha đánh quá tay mà chết mất thì có phải làm cho cha mắc tội không ? Tội bất hiếu còn gì to hơn nữa.

Tăng Sâm nghe lại chuyện, biết mình sai, đến tạ tội cùng Đức Khổng Tử.



(Thuyết Uyển)

BMK
16-05-2008, 05:31 PM
Mất búa


Có người đánh mất cái búa, nghi cho đứa con nhà làng giềng lấy trộm. Anh ta trông dáng nó đi giống hệt đứa ăn trộm búa, nhìn vẻ mặt nó cũng giống hệt đứa ăn trộm búa, thấy nó cất nhắc, hành động, không 1 tí gì là không giống 1 đứa ăn trộm búa cả.
Được 1 lúc, người ấy bới trong hố, lại thấy cái búa, thì hôm sau, trông đứa con nhà láng giềng ngôn ngữ cử chỉ lại không 1 tí gì là giống đứa ăn trộm búa nữa.


(Liệt Tử)

Lời bàn: Người ta khi mất 1 cái gì thì 1 mất 10 ngờ. Mà khi trong bụng đã ngờ vực thì các ngọai vật cũng theo đó mà biển đổi đi cả. Phàm tâm trí mình cảm giác làm sao thì tự mình lại tưởng tượng cảnh sắc hợp như thế. Cho nên tâm cần phải chính. Tâm có chính thì tư tưởng mới thóat khỏi tà khúc được

BMK
16-05-2008, 05:35 PM
Đáng sợ gì hơn cả

Tại lầu sách nhà kia có con hồ tinh không hiện hình ra bao giờ, nhưng thường vẫn hay trò chuyện. Chuyện nói rất lý thú, ai nghe cũng phải phục.
Một hôm, tân khách họp đông, họ mời rượu ước với nhau rằng:
“Ai sợ gì thì phải nói, mà nói vô lý thì phải phạt rượu”.
Bấy giờ, cử toạ lần lượt nói, nào sợ người học rộng, nào sợ người nhà giàu, nào sợ người quan to, sợ người nịnh giỏi, nào sợ người khiêm tốn quá, sợ người lễ phép câu nệ quá, nào sợ người thận trọng ít nói, sợ người hay nói nửa chừng...
Sau cùng hỏi đến hồ tinh, thì hồ tinh đáp: ta chỉ sợ hồ tinh.
Ai nấy đều cười, bảo rằng: “Người ta sợ hồ tinh mới phải, anh là đồng loại can gì mà sợ? Phạt anh một chén rượu”.
Hồ tinh cười nói: “Thiên hạ duy có đồng loại là sợ nhau. Con cùng cha mới tranh gia sản; gái cùng chồng mới hay ghen tuông; kẻ tranh quyền nhau, tất là quan lại đồng triều, kẻ tranh lợi nhau tất là lái buôn một chỗ. Bức nhau thì trở ngại nhau, trở ngại nhau thì khuynh loát nhau. Nay lại còn người bắn con trĩ thì dùng con trĩ làm mồi, không dùng con gà, con ngỗng, người săn hươu thì dùng con hươu làm mồi, không dùng con dê, con lợn. Phàm những việc phản gián đều là phải dùng đồng loại cả. Cứ thế mà suy thì tài nào mà chẳng sợ hồ?”
Cử toạ đều cho câu nói của hồ tinh là xác đáng.


Duyệt Vi


Lời bàn:
Loài yếu sợ loài khoẻ, kẻ dại sợ kẻ khôn như chó sợ hùm, mường mọi sợ người văn minh hoặc vẫn có. Nhưng cái sợ ấy là cái sợ hoạ hoằn. Chớ cái sợ kẻ đồng loại, người đồng nghiệp mới là cái sợ thường có luôn, cái sợ thực đáng sợ luôn vậy. Người phải sợ người hơn là sợ hùm beo, sư tử, người đồng loại, kẻ đồng nghiệp sợ lẫn nhau hơn là sợ người ngoài? Tại sao? Tại chỉ có cùng nhau một loài, cùng nhau một nghề mới phải cạnh tranh đá chọi lẫn nhau. Mà đã cạnh tranh nhau, tất hay dòm dỏ nhau, tìm cách hại lẫn nhau để cầu lợi cho mình, thậm chí tàn sát nhau đến chôn sống hàng vạn quân, giết chết hàng triệu người mà vẫn không chán. Thảm thương thay! Người lại hại người!
--------------------
(1) Hồ tinh: Tục truyền giống hồ sống nghìn năm thành hồ tinh hay quấy nhiễu người.
(2) Tân khách: chỉ gồm những người đến thăm nom vui chơi với chủ. Nói tách ra là quý khách và khách thường
(3) Cử toạ: tất cả bao nhiêu người cùng ngồi một chỗ

BMK
27-05-2008, 12:22 AM
Bệnh quên


Lòng người đen trắng, việc đời đảo điên lắm nỗi trái ngang tai, trái mắt làm cho người ta không muốn trông, không muốn nghe, thậm chí đến không muốn biết đến, chỉ muốn quên sạch. Bởi thế Liệt Tử thành ra chán đời, mới đặt ra câu chuyện này để tỏ hết cái nỗi bực tức đau thương trong lòng.
Nước Tống[1] có anh đứng tuổi, tự nhiên mắc phải bệnh quên; buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên; ngày nay cho ai cái gì, ngày mai đã quên; ra đường quên cả đi, ở nhà quên cả ngồi; trước có làm những gì, bây giờ đã quên hết, bây giờ đang làm gì, sau này cũng quên hết.
Cả nhà anh ta lấy làm lo. Xem bói không tốt, đi cúng không đỡ, đón thầy chữa thuốc cũng không khỏi.
Sau có ông đồ nước Lỗ[2] đến xin đám[3] nói rằng chữa được.
Vợ người có bệnh hứa với ông đồ hễ chữa khỏi, thì
chia cho nửa cơ nghiệp.
Ông đồ nói:
- Bệnh này bói không ra được, cúng không khỏi được, thuốc không chữa được. Nay tôi thử hóa[4] cái tâm tính biến cái trí lự[5] anh ta, may mà khỏi chăng.
Nói đoạn, ông đồ liền sai lột áo để cho rét, thì thấy anh ta xin áo, sai cấm ăn, để cho đói thì thấy anh ta xin ăn, sai đem vào chỗ tối, thì thấy anh ta xin ra chỗ sáng.
Ông đồ hớn hở bảo con anh ta rằng:
- Bệnh chữa được, song môn thuốc của tôi bí truyền không thể nói cho ai biết”.
Rồi ông đuổi cả người chung quanh đi, chỉ một mình ông ở với người có bệnh trong bảy ngày. Chẳng ai biết ông đồ chữa, chạy ra thế nào, mà cái bệnh lâu năm như thế khỏi phăng.
Khi anh có bệnh đã tỉnh như thường, anh liền nổi cơn giận, chửi vợ, đánh con, cầm giáo đuổi ông đồ.
Người ta bắt anh hỏi vì cớ gì mà anh giận như vậy, anh ta nói:
“Lúc trước ta có bệnh quên, thì trong lòng ta thản nhiên khoan khoái, giời đất có hay không, ta cũng chẳng biết. Nay ta hết bệnh, ta lại nhớ cả những việc vài mươi năm về trước, việc còn, việc mất, việc được, việc hỏng, việc thương, việc vui, việc yêu, việc ghét trong lòng lại muôn mối ngổn ngang bời bời nổi lên vậy. Ta e sau này, những việc còn, mất, được, hỏng, thương, vui, yêu, ghét ấy cứ vướng vít trong lòng ta mãi mãi, thì bấy giờ dù muốn quên cả đi một phút, một lát, liệu còn có được nữa chăng?”


Lời bàn:
Lòng người đen trắng, việc đời đảo điên lắm nỗi trái ngang tai, trái mắt làm cho người ta không muốn trông, không muốn nghe, thậm chí đến không muốn biết đến, chỉ muốn quên sạch. Bởi thế Liệt Tử thành ra chán đời, mới đặt ra câu chuyện này để tỏ hết cái nỗi bực tức đau thương trong lòng. Ôi! Chẳng gì cái đời cổ tự Liệt Tử cũng còn chất phác, mà đã khắt khe đáng chán như thế, huống chi cái đời bây giờ là cái đời mỗi ngày gian trá quái ác thêm sinh, thì phỏng còn có gì làm cho người biết nghĩ đáng yêu, đáng quí nữa:
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê!


-----

[1] Tống: nước chư hầu đời Xuân Thu ở huyện Thương Khưu, tỉnh Hà Nam bây giờ.
[2] Ông đồ người nước Lỗ: đây ám chỉ Khổng Phu Tử.
[3] Xin đám: nói với người ta để xin việc mà làm

BMK
27-05-2008, 12:28 AM
Vợ răn chồng

Án Tử làm tướng n­ước Tề, một hôm đi việc quan, có tên đánh xe theo hầu.
Vợ tên đánh xe dòm qua khe cửa, thấy chồng tay cầm cái dù, tay cầm dây cư­ơng, mặt vác lên trời, dư­ơng dương tự đắc.
Lúc chồng về nhà, nàng toan bỏ nhà ra đi. Chồng hỏi: "Tại làm sao?" Nàng nói:
"Án Tử, ngư­ời gầy thấp bé nhỏ làm quan nư­ớc Tề, danh t­ướng lừng lẫy khắp thiên hạ, thế mà thiếp xem ông vẫn rất ư khiêm như­ờng, như­ ch­ả bằng ai. Chớ như­ chàng, cao lớn đẫy đà, chỉ mới làm đ­ược một tên đánh xe tầm th­ường, hèn hạ, thế mà thiếp xem chàng đã ra dáng lấy làm vinh hạnh t­ưởng không ai bằng nữa. Nên thiếp xin bỏ chàng, thiếp đi".
Tối hôm ấy, tên đánh xe bỏ đ­ược cái bộ vênh váo, chữa đư­ợc cái tính nông nổi. Án Tử thấy thế lấy làm lạ hỏi. Tên đánh xe đem việc nhà kể lại, Án Tử bèn cất cho làm đại phu.

(Án Tử xuân thu)
Lời bàn:
Tên đánh xe của Án Tử thực là sang vì vợ, nhờ đ­ược ng­ười vợ giỏi, biết lấy cái hèn hạ, cái dáng bộ ngông nghênh của chồng làm xấu hổ, mà sửa đ­ược tâm tính chồng, mà thành đư­ợc thân danh cho chồng. Tiếc thay ở đời bây giờ, có biết bao nhiêu kẻ chỉ làm môn hạ người ta, đã vênh váo lên mặt, nghênh ngang tự đắc nh­ư tên đánh xe, mà lại không có đư­ợc những người vợ như­ vợ tên đánh xe để khuyên răn lấy chồng, làm cho chồng biết tự sỉ mà tu tỉnh cho ra ngư­ời.

BMK
27-05-2008, 12:31 AM
Tưới dưa cho người

Tống Tựu làm quan Doãn một huyện gần biên thuỳ nước Lương, chỗ giáp với nước Sở.
Người đình trưởng ở biên thuỳ nước Lương cùng người đình trưởng ở biên thuỳ nước Sở, hai người cùng trồng dưa. Người bên nước Lương chăm làm và tưới luôn nên dưa tốt. Người bên nước Sở biếng làm và tưới ít nên dưa xấu.
Quan Doãn ở ngay huyện biên thuỳ nước Sở, thấy bên Lương tốt, bên mình xấu, lấy làm tức giận lắm.
Người đình trưởng nước Sở thấy dưa bên Lương tốt hơn dưa của mình, cũng sinh ra ghen ghét, đêm đêm cứ lẻn sang cào vỏ dưa của bên Lương, đến nỗi dưa bên ấy phải héo chết mất một ít.
Sau người đình trưởng nước Lương biết mới nói với người trưởng trong huyện, ý cũng muốn lẻn sang cào vỏ dưa bên Sở.
Người trưởng lại đem việc ấy nói với Tống Tựu.
Tống Tựu bảo:
- Ôi! Sao lại thế! Thế chỉ là gây thù oán, chuốc tai vạ thôi. Này ta bảo ngươi, chớ sang cào dưa của người ta, cứ đêm lẻn sang tưới dưa cho người ta mà đừng để cho người ta biết.
Người đình trưởng cứ theo thế mà làm.
Sau dưa bên Sở mỗi ngày một tốt. Người đình trưởng nước Sở lấy làm lạ, xét mãi ra mới biết người đình trưởng nước Lương làm giúp.
Quan Doãn nước Sở biết rõ việc ấy, lấy làm vui lòng, tâu lên vua Sở.
Vua Sở biết chuyện, buồn và có ý thẹn, nghĩ rằng: Ngoài cái tội đi cào dưa của người ta, chắc còn có nhiều việc khác đáng tội với người ta nữa.
Vua bèn lấy nhiều của đưa sang tạ tội vua Lương và xin giao hiếu.
Vua Lương cũng tin lòng. Thành ra hai nước giao hảo với nhau được lâu.
Cổ ngữ có câu: “Chuyển bại nhi vi công, nhân hoạ nhi vi phúc” nghĩa là xoay cái bại mà làm nên công, nhân cái hoạ mà gây phúc. Lão Tử có nói: “Báo oán dĩ đức” nghĩa là đem đức để báo oán. Hai câu ấy tức như truyện này.
Ôi! Người ta đã làm không phải, sao ta lại còn bắt chước người ta!

(Giả Tử Tân Thư)


Lời bàn:

Thói thường ở đời, mình dở không ưa người hay, mình lười không ưa người chăm, mình trái không ưa người phải, mình nghèo hèn không ưa người giàu sang… Cho nên người với người thường hay sinh sự.
Gia dĩ những người ở vào chỗ đất phân ra hai nước, chia làm biên thuỳ, thì sự chiến tranh lúc nào cũng nằm sẵn ở đó. Như đây, vì chuyện dưa mà hai người trồng thù hằn, hai quan uý ghen ghét. Nếu không có Tống Tựu khéo khu xử thì biết đâu máu chảy chẳng thành sông, xương chất chẳng thành núi; ở đời những việc ẩu đả, kiện tụng, tranh chiếm, tàn phá thảm hại vô cùng, thường hay do tự những việc nhỏ mọn gây ra. “Cái sẩy nẩy cái ung” là thế.
Ta đọc câu chuyện này, ta rất cảm phục Tống Tựu là người có lượng bao dung đủ hoá được cái lòng quân hoạnh nghịch, biết cách khéo xử đủ biến chuyển được cái dơ ở đời. Nếu người đã không phải với ta, ta lại không phải với người nữa, thì hai bên có khác gì nhau, mà cái không phải cứ liên miên theo mãi thì sinh ra bao chuyện đáng thương, đáng tiếc! Cho nên “Dĩ oán báo oán” không phải là cách người quân tử đối với đời. Người quân tử nếu không “Dĩ trực báo oán” thì “Dĩ đức báo oán” có thế mới mong địch được quân gian tà, tiêu trừ được thói trá nguỵ vậy.

sue
16-10-2008, 05:40 PM
Không quên cái cũ
Đức Khổng-tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Đức Khổng-tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc.
Người đàn bà nói: "Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc."
- Đức Khổng-tử hỏi: Đi cắt cỏ thi, mà mất cái trâm bằng cỏ, thì việc gì mà phải khóc?
- Người đàn bà nói: Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa.

Lời Bàn:
- Cái gì đã là của mình, mình có bụng yêu, mà lỡ khi mất, thì về sau dù có được cái khác giống như thế, hay hơn thế, mình cũng không thể sao yêu cho bằng. Thường, lại chỉ vì thấy cái mới mà hồi nhớ đến cái cũ, sinh ra chạnh lòng, nên câu ta thán, có khi ngậm ngùi thương khóc nỉ non. Tại sao vậy? Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá của mà thôi, lại hình như còn có một phần tâm hồn mình hay tâm hồn người để lại cho mình ngụ ở trong nữa. Sự cảm động đầu tiên bao giờ cũng là sự cảm động hay nhất, bền nhất. Ôi! Cáo chết ba năm quay đầu về núi, con người ta, dù cho lông bông xiêu bạt đến thế nào, còn có chút tâm tình cũng không sao quên được gốc tích xứ sở mình. "Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi". Con ngựa rợ Hồ (phía bắc nước Tàu) thấy gió bắc còn cất tiếng kêu, con chim đất Việt (phía nam nước Tàu) chọn cành nam mới chịu làm tổ, huống chi là người mà lại quên được nguồn gốc ư.

********
Nguồn : http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nqn0n2n31n343tq83a3q3m3237n1n (http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nqn0n2n31n343tq83a3q3m3237n1n)

BMK
13-11-2008, 11:24 PM
Hai Phải
Sông Vĩ nước lên tọ Một nhà giàu không may có người chết đuối. Có kẻ vớt được xác.
Người nhà giàu xin chuộc, kẻ ấy đòi nhiều tiền. Người nhà giàu đem câu chuyện thưa với Đặng Tích. Đặng Tích bảo: "Cứ để yên. Nó còn bán cái xác cho ai được mà sợ?"
Kẻ vớt được xác, thấy nhà kia không hỏi nữa lấy làm lo,cũng đem câu chuyện thưa với Đặng Tích. ĐặngTích bảo:"Cứ để yên. Nó còn mua cái xác ấy của ai được mà sợ?"
---------------------------

Giải Nghĩa:
Vĩ: Tên sông, chảy ở địa phận Hà Nam.
Đặng Tích: Quan đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu là một nhà luật pháp giỏi.



Lời Bàn:
Cứ như người giảng giải việc nói trong bài này cho phải đạo lý, thì một bên, nên khuyên người nhà giàu liệu trả kẻ vớt được xác thêm ít nhiều tiền, mà lấy ngay cái xác về; còn một bên, nên dụ kẻ vớt được xác chớ coi sự chẳng may của người ta làm một món bổng, mà bắt bí người tạ Giữ cái xác, không cho chuộc, chẳng những không được tiền, lại còn phải tội nữa. Nhưng khốn thay! lý sự là cái nguồn bắt phải, bắt trái đều được. Cho nên Đặng Tích mới có chốn xúi bày được cả đôi bên kiện tụng lẫn nhau mà ngấm ngầm lấy lợi cho mình. Thế tức là cái chủ nghĩa: "Hai phải" ngụy biện rất hại cho dân - gian ngu dại mà lại hay kiện tụng. Biện bác mà không đáng lý tức là giả dối, khôn ngoan mà không đáng lý tức là gian trá, những kẻ ấy phải trừng phạt thì mới yên dân, lợi nược được. Người trị dân tưởng phải thấu cái tình, để xét cái lý, mới là người trị dân sáng suốt vậy

dominico_dung
12-01-2011, 07:55 PM
Khổng Tử đang dạy học trò, bỗng thấy người hơi oải, liền đứng dậy bước ra hòn non bộ. Ngó vào nơi xa vắng, mà tự nhủ lấy thân:

Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu,
Thoại bất đầu cơ bán cú đa.
Uống rượu mà gặp được người hiểu mình, thì dẫu nốc cả ngàn chung, cũng chẳng ăn thua gì hết cả. Còn trò chuyện mà gặp người tầm phào ba láp, thì dẫu nói nửa câu, cũng giống như chưa nói gì đó vậy. Ta, bởi mang tiếng là hiền sĩ. Chuyên nói chuyện nghĩa nhân, nên... thiên bôi thiểu chưa bao giờ có đặng. Thiệt là đáng tiếc!

Rồi một hôm, Khổng Tử đang uống rượu cần. Chợt có đứa trẻ ngồi ở lưng trâu tà tà qua trước ngõ. Mở miệng hát vang:


Thương lang chi thủy thanh hề,
Khả dĩ trạc ngã anh.
Thương lang chi thủy trạc hề
Khả dĩ trạc ngã túc.
Thương lang chi thủy nửa trạc nửa thanh,... túc túc anh anh cái gì cũng đặng.

Khổng Tử bỗng biến đổi sắc mặt và nói:

- Chân lý cuộc đời. Sao thằng này lại biết?
Rồi nghệch mặt ra mà suy nghĩ. Lúc ấy, có Mạnh tử đang hầu rượu gần bên, bất chợt thấy da mặt của thầy đang chuyển dần qua tái. Sợ hãi nói rằng:

- Lời của đứa trẻ chăn trâu. Hà cớ chi thầy phải ưu tư nhiều đến thế?
Khổng Tử như còn ở trong mơ, nên chẳng buồn đáp lại. Đã vậy còn thì thào tự nhủ lấy thân:

- Nước sông Thương lang nếu mà trong, thì ta dùng để giặt giải mũ. Nước sông Thương lang nếu mà đục, thì ta dùng để rửa chân. Còn nước sông Thương lang nửa đục nửa trong, thì giặt mũ rửa chân cái gì chơi cũng được...



(Sưu tầm)

phale
10-05-2012, 07:48 PM
Một hôm Ngọc Hoàng Thượng Đế mời muôn loài đến cùng dự tiệc. Sau đó, Ngài lấy ra một đôi cánh và nói:
- Ta có một món quà cho mọi người. Nếu thich, các ngươi có thể nhận chúng và gắn lên lưng!
Các con vật nghe có quà liền tranh nhau đến trước mặt Thượng đế. Nhưng khi thấy đôi cánh thì chúng nhìn nhau thất vọng vì nghĩ đó chỉ là một thứ vô tích sự, nặng nề. Nếu đeo nó lên lưng thì không ngã chết mới là lạ. Nghĩ vậy, chúng bèn lần lượt tản về chỗ cũ.
Cuối cùng có một con chim nhỏ đi tới, nó nhìn đôi cánh và nghĩ Thượng đế chắc không nỡ lừa bọn nó đâu. Cái vật thô kệch kia biết đâu lại là một ân điển lớn.
Chú chim nhỏ nhặt lấy đôi cánh và gắn lên lưng mình. Nó thử tìm cách cử động đôi cánh. Không ngờ nó không còn cảm thấy nặng nề nữa, mà còn nhẹ nhàng bay lên không trung. Các con vật khác thấy thế thì đều nhìn theo bóng chim mà thở dài tiếc nuối.
LỜI BÌNH: Cuộc sống luôn luôn dành cơ hội cho tất cả mọi người. Nếu bạn biết tận dụng nó, thành công sẽ đến với bạn.

Sưu tầm

phale
12-05-2012, 09:29 PM
CÁI GIÁ CỦA SỰ ĐỘC ÁC
Ong làm mật xong lại bị người lấy hết, ong tiếc lắm, nó bay lên trời, cầu xin thần Dớt ban cho chúng cái quyền được đốt chết kẻ nào dám bén mảng tới tổ của chúng.
Quá tức giận vì tâm địa hiểm độc của loài Ong, thần Dớt buộc chúng sau khi đốt người, không những mất hết nọc độc, mà còn phải chết!
LỜI BÌNH: Cái ác nào cũng phải trả giá!
sưu tầm

phale
14-05-2012, 09:54 PM
SƯ TỬ RA TRẬN

Trước khi xuất quân đánh giặc, Sư tử - chúa tể của muôn loài bèn tập họp tất cả các loài vật lại để bàn kế sách và phân công nhiệm vụ.
- Voi phụ trách chuyên chở. Gấu là tướng tiên phong. Hồ ly và Khỉ rất thông minh nên có nhiệm vụ vạch ra kế sách và cung cấp tin tình báo.
Bỗng một con vật nói:
- Con lừa ngu si, con Thỏ thì nhát gan chẳng làm được việc gì cả, để bọn chúng về đi.
Nhưng Sư tử kiên quyết nói:
- Không, ta không thể thiếu họ được. Lừa có thể giúp ta thổi kèn phát hiệu lệnh. Thỏ thì giúp ta truyền tin tức.
Quả nhiên trong trận đánh đó, mỗi loài vật đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, vì thế trận đấu thắng lợi rực rỡ.
LỜI BÌNH: Sức mạnh đoàn kết chiến thắng được các đòn công phá của địch thủ. Nếu coi thường sở trường của mọi người, thì dù có tài giỏi đến đâu, bạn cũng không thể thành công.

sưu tầm

phale
18-05-2012, 05:53 AM
ĐỘNG VẬT KÉO XE

Không biết từ lúc nào, cá Chày, Tôm, Thiên Nga lại trở thành bạn tốt.
Một hôm, chúng phát hiện trên đường có một chiếc xe chở toàn thức ăn ngon.
Thế là chúng quyết định kéo xe về để cùng thưởng thức.
Cả ba cùng hết sức bình sinh. Nhưng dù chúng có kéo, có đẩy thế nào, thì chiếc xe vẫn cứ đứng ỳ tại chỗ.
Hóa ra, Thiên Nga cố sức kéo xe lên trời. Tôm thì ra sức kéo cỗ xe về đàng sau. Còn cá Chày lại kéo về phía trước xuống hồ nước.
Cuối cùng thi ai đúng. Ai sai? Dù sao đi nữa, cả ba đều đã cố hết sức rồi!
LỜI BÌNH: Trong cuộc sống, ai cũng có sở trường riêng và đều cống hiến hết mình cho công việc. Nhưng nếu người đứng đầu không biết cách tập hợp ý chí và lực lượng của họ lại, thì cuối cùng cũng dẫn đến thất bại mà thôi.

Sưu tầm

phale
19-05-2012, 06:01 AM
CẦU MONG CỦA CHUỘT

Trong khu rừng nọ có một con Chuột suốt ngày buồn bã. Nó nghĩ bề ngoài của nó không đẹp, lại chả có tài cán gì nên nó như chỉ sống bên lề của xã hội mà thôi. Và nó thấy Mèo thật đáng ngưỡng mộ.
Con Chuột đau khổ bèn tìm đến Thần Núi, cầu xin Thần biến nó thành một con Mèo. Thần Núi không chịu được sự quấy rầy, liền thực hiện mơ ước của nó.
Nhưng niềm vui chẳng kéo dài được mấy ngày: Nó thấy Mèo lại sợ Chó, Chó lại sợ Sói… Vì thế nó cứ xin đi xin lại cho hết biến thành Chó lại thành Sói…
Cứ như vậy, Chuột biến thành vua của rừng sâu – một con Voi vô cùng to lớn. Nó nghênh ngang đi khắp nơi, thấy mọi con vật đều cúi đầu không dám hé răng. Nó vô cùng hãnh diện trước uy phong của mình.
Nhưng rồi không lâu sau, nó phát hiện ra thứ mà Voi sợ nhất lại chính là Chuột, vì thế thần tượng của nó bây giờ thành ra một con Chuột nhỏ bé! Vậy là nó lại vội vàng chạy đến cầu xin Thần Núi…
LỜI BÌNH: …ai cũng có nhược điểm. Chỉ có tự tin vào bản thân thì chúng ta mới có dũng khí để chiến thắng…
sưu tầm

phale
29-06-2012, 10:04 AM
ĐẠI BÀNG VÀ GÀ

Ngày xưa, có một ngọn núi lớn, bên sườn núi có một tổ chim đại bàng. Trong tổ có bốn quả trứng lớn. Một trận động đất xảy ra làm rung chuyển ngọn núi, một quả trứng đại bàng lăn xuống và rơi vào một trại gà dưới chân núi. Một con gà mái tình nguyện ấp quả trứng lớn ấy.
Một ngày kia, trứng nở ra một chú đại bàng con xinh đẹp, nhưng buồn thay chú chim nhỏ được nuôi lớn như một con gà. Chẳng bao lâu sau, đại bàng cũng tin nó chỉ là một con gà không hơn không kém. Đại bàng yêu gia đình và ngôi nhà đang sống, nhưng tâm hồn nó vẫn khao khát một điều gì đó cao xa hơn. Cho đến một ngày, trong khi đang chơi đùa trong sân, đại bàng nhìn lên trời và thấy những chú chim đại bàng đang sải cánh bay cao giữa bầu trời.
"Ồ - đại bàng kêu lên - Ước gì tôi có thể bay như những con chim đó".
Bầy gà cười ầm lên: "Anh không thể bay với những con chim đó được. Anh là một con gà và gà không biết bay cao".
Đại bàng tiếp tục ngước nhìn gia đình thật sự của nó, mơ ước có thể bay cao cùng họ. Mỗi lần đại bàng nói ra mơ ước của mình, bầy gà lại bảo nó điều không thể xảy ra. Đó là điều đại bàng cuối cùng đã tin là thật. Rồi đại bàng không mơ ước nữa và tiếp tục sống như một con gà. Cuối cùng, sau một thời gian dài sống làm gà, đại bàng chết.
Trong cuộc sống cũng vậy: Nếu bạn tin rằng bạn là một người tầm thường, bạn sẽ sống một cuộc sống tầm thường vô vị, đúng như những gì mình đã tin. Vậy thì, nếu bạn đã từng mơ ước trở thành đại bàng, bạn hãy đeo đuổi ước mơ đó... và đừng sống như một con gà!

Nguồn: http://hgth.vn (http://hgth.vn/diendan/showthread.php?4011-Da-i-Ba-ng-va-Ga-#ixzz1z9C46rwX)

cactus20113
15-09-2012, 09:16 AM
Yêu nên tốt, ghét nên xấu
Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu.Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười.
Trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà(1). Phép nước Vệ ai đi trộm xe của vua, thì phải tội chặt chân(2). Mẹ Di Tử Hà ốm nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng lấy xe vua ra đi. Vua nghe thấy khen rằng:
“Có hiếu thật! Vì hết lòng với mẹ, mà quên cả tội chặt chân”.
Lại một hôm, Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào thấy ngọt còn một nửa đưa cho vua ăn. Vua nói:
“Yêu ta thật! Của đang ngon miệng mà biết để nhường ta”.
Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà như trước nữa. Một hôm phạm lỗi, vua giận nói rằng:
“Di Tử Hà trước đám thiện tiện(3) lấy xe của ta đi. Lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa. Thực mang tội với ta đã lâu ngày. Nói xong bắt đem ra trị tội. Ôi! Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau cũng vậy, thế mà trước vua khen, sau vua bắt tội, là chỗ tại khi yêu khi ghét khác nhau mà thôi. Lúc được vua yêu, chính đáng tội thì lại hóa công thần; lúc phải vua ghét, chính không đáng tội thì lại hóa ra sơ; cho nên người muốn can ngăn, đàm luận với vua điều gì, thì trước phải xem xét cái lòng vua yêu hay ghét mình thế nào rồi hãy nói.

Hàn Phi TửLỜI BÀN:
Sự yêu, ghét thường làm cho người ta mờ đi, không rõ hẳn được cái giá trị của nguời được yêu hay bị ghét ra thế nào. Không nói gì yêu người này, ghét người nọ, cũng chỉ một người ấy, lúc yêu cho ra thế này, lúc ghét cho ra thế kia. Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu. Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười. Lại chẳng những yêu ghét riêng một người ấy thường yêu ghét đến cả những sự hay những người có can thiệp đến người ấy, yêu nhau yêu cả tông chi, ghét nhau ghét cả đường đi lối về. Sự yêu, ghét làm cho ta thiên và nhầm như thế, cho nên ta muốn công bình, khi yêu khi ghét phải nên rõ cái giá trị của người được yêu hay bị ghét, biết chỗ phải cũng phải biết chỗ trái, biết chỗ trái cũng phải biết chỗ phải cho người ta mới được.
(1) Người thời Xuân Thu, làm quan Đại phu nước Vệ.
(2) Một thứ hình trong năm hạng trọng hình đời cổ
(3) Chính mình không được làm như vậy mà cứ làm càn

cactus20113
15-09-2012, 09:19 AM
Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được.


Văn Công nước Đằng(1) hỏi thầy Mạnh Tử rằng:
- Nước Đằng ta là một nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở là hai nước lớn. Kể phận thì phải chiều cả hai nước, nhưng kể sức thì không thể chiều được cả. Chiều nước Tề chăng? Chiều nước Sở chăng? Ta thực không biết nên tựa vào nước nào để cho nước ta được yên, nhờ thầy mưu tính(2) hộ cho ta.
Thầy Mạnh Tử thưa:
- Phàm việc mà cứ trông cậy vào người thì không thể chắc được. Chiều Tề thì Sở giận, chiều Sở thì Tề giận; mưu ấy chúng tôi không thể nghĩ kịp. Xin nói chỉ có một cách là tự giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cai trị một cách cố kết(3) lòng dân, cùng dân giữ nước. Hoặc như có biến cố gì xảy ra, vua đã liều chết để giữ nước, thì chắc dân cũng liều chết để giữ nước, không nỡ bỏ vua. Thế là ta dùng cái lòng dân để giữ lấy đất nước, tự cường mà lo toan lấy việc nước. Còn chiều Tề hay Sở thì tôi không thể quyết được.

Mạnh Tử
LỜI BÀN:
Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được. Đã đành rằng, nước nhỏ phải nể nước lớn, cũng là một cách giao tế không thể thiếu được. Nhưng đây vì Văn Công chỉ chăm chăm việc thờ kẻ mạnh, nên ông Mạnh mới bảo như thế. Mà phải thật, người lãnh đạo dân đã cùng dân cùng sống chết cả dân cũng can tâm cùng sống chết cả. Thế là cả nước một lòng, cái sức mạnh vô hình ấy, hồ dễ nước nào đã dám xâm phạm. Đã được như thế có việc gì phải sợ hãi ai.
Tuy vậy, thời thế ngày nay, có phần khác xưa, nội trị dù có đầy đủ, ngoại giao càng cần phải sáng suốt khôn ngoan thì nước mới đứng vững ở trên thế giới này được.

(1) Đằng: tên một nước nhỏ thời Chiến Quốc tức là huyện Đằng tỉnh Sơn Đằng bây giờ
(2) Mưu tính: trù liệu đắn đo một việc gì rồi mới làm
(3) Cố kết: buộc chặt lại với nhau.

cactus20113
15-09-2012, 09:23 AM
Lý sự là cái nguồn bắt phải, bắt trái đều được cả. Cho nên Đặng Tích mới có chốn xúi bẩy được cả đôi bên kiện tụng lẫn nhau mà ngấm ngầm lấy lợi cho mình. Thế tức là cái chủ nghĩa “hai phải” ngụy biện, rất hại cho dân gian ngu dại mà lại hay kiện tụng.


Sông Vĩ(1) nước lên to. Một nhà giàu không may có người chết đuối. Có kẻ vớt được xác.
Người nhà giàu xin chuộc, kẻ ấy đòi nhiều tiền. Người nhà giàu đem câu chuyện thưa với Đặng Tích(2).
Đặng Tích bảo:
- Cứ để yên. Nó còn bán cái xác cho ai được mà sợ?
Kẻ vớt được xác, thấy nhà kia không hỏi nữa lấy làm lo, cũng đem câu chuyện thưa với Đặng Tích. Đặng Tích bảo:
- Cứ để yên. Nó còn mua cái xác ấy của ai được mà sợ?

Lã Thị Xuân Thu
LỜI BÀN:
Cứ như người giảng giải việc nói trong bài này cho phải đạo lý, thì một bên, nên khuyên người nhà giàu liệu trả kẻ vớt được xác thêm ít nhiều tiền, mà lấy ngay xác về, còn một bên, nên dụ kẻ vớt được xác chớ có coi sự chẳng may của người ta làm một món bổng, mà bắt bí người ta. Giữ cái xác, không cho chuộc, chẳng những không được tiền, mà lại còn phải tội nữa. Nhưng khốn thay! Lý sự là cái nguồn bắt phải, bắt trái đều được cả. Cho nên Đặng Tích mới có chốn xúi bẩy được cả đôi bên kiện tụng lẫn nhau mà ngấm ngầm lấy lợi cho mình. Thế tức là cái chủ nghĩa “hai phải” ngụy biện, rất hại cho dân gian ngu dại mà lại hay kiện tụng. Biện bác mà không đáng lý tức là giả dối, khôn ngoan mà không đáng lý, tức là gian trá, những kẻ ấy phải trừng phạt thì mới yên dân, lợi nước được. Người trị dân tưởng phải thấu cái tình, để xét cái lý, mới là người trị dân sáng suốt vậy.

(1) Tên sông, chảy ở địa phận Hà Nam (Trung Quốc)
(2) Quan đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu, một nhà luật pháp giỏi

phale
29-03-2013, 05:28 PM
ĐẠI BÀNG VÀ CHIM SẺ

Ở khu rừng nọ có một con đại bàng huênh hoang hợm hĩnh. Gặp bất cứ con chim nào, đại bàng cũng khoe khoang rằng nó là chúa tể của các loài chim, rằng nó khỏe nhất, kêu to nhất, bay cao nhất.

Một hôm, đại bàng tập hợp tất cả các loài chim lại và lên giọng thách thức:

- Hỡi các loài chim, trong các người có kẻ nào dám đọ sức kêu to, ăn nhiều, bay cao cùng ta không nào?

Cả bầy chim sợ hãi nhìn nhau chẳng dám ho he một tiếng. Thấy thế đại bàng càng được thế:

- Ta bất chấp tất cả các ngươi đấy.

Lúc ấy, một chú sẻ con bèn lên tiếng:

- Bác đại bàng ơi, thi ăn nhiều, kêu to với bác thì chúng em chẳng dám rồi, nhưng thi bay cao với bác thì em cũng thử một lần xem sao.

Cả đại bàng lẫn các loài chim khác đều sửng sốt ngoảnh lại nhìn chim sẻ nhưng nó không hề nao núng.

Cuộc thi bắt đầu. Ðại bàng vỗ cánh bay lên. Khi đã bay cao hơn cả những ngọn cây cao nhất, đại bàng liền gọi:

- Ê, sẻ con chết rấp ở đâu rồi?

Lúc ấy sẻ bay lên đầu đại bàng, đáp:

- Em đây, bác cứ yên tâm, em không bỏ cuộc đâu.

Ðại bàng cố sức bay cao lên nữa. Khi cao hơn cả những đỉnh núi mù sương, đại bàng lại cất tiếng gọi:

- Thế nào, sẻ con, vẫn theo ta được đấy chứ?

Chim sẻ lại bay lên trả lời:

- Vâng, em vẫn cố theo bác đây. Chừng bác mệt rồi sao mà bay chậm thế?

- Ðời nào!

Ðại bàng nói hổn hển rồi bay ngược lên cao cao mãi, lần này đại bàng đã ở trên cả những đám mây trắng xóa. Nó tin là sẻ con chẳng thể nào bay lên tầng cao này được. Ðôi cánh đã mỏi rã rời. Cổ và đầu nặng trĩu, đại bàng nói chẳng ra hơi.

- Sẻ con đã chịu thua ta rồi chứ?

- Chưa đâu, em vẫn ở trên đầu bác đây này - Giọng sẻ con vẫn lanh lảnh.

Ðại bàng quyết không chịu thua chim sẻ, nó lấy hết sức tàn rướn lên cao nhưng không được nữa. Ðại bàng tắt thở. Từ trên cao nó rơi thẳng xuống vực như một hòn đá vậy.

Khi ấy, sẻ con chỉ việc xòe cánh ra từ từ hạ xuống giữa các loài chim đang nóng lòng chờ tin cuộc đọ sức. Chúng không hiểu sẻ con có mưu mẹo gì mà thắng được đại bàng vốn bay cao nhường ấy. Chỉ có mỗi một con sẻ con khác là trông thấy lúc cuộc thi bắt đầu, sẻ con đã đậu ngay trên lưng đại bàng. Thì ra đại bàng đã mất công chở chim sẻ trên lưng mà không biết. Mỗi lần đại bàng cất tiếng hỏi, sẻ con lại từ lưng đại bàng bay lên đáp lời, thành thử nó chẳng mất tí sức nào.

Bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, sẻ con đã thắng đại bàng kiêu ngạo và to lớn hơn nó gấp nghìn lần.


www.cuocsongviet.com (http://www.cuocsongviet.com.vn/index.asp?act=detail&mabv=10407&/Dai-bang-va-chim-se.csv)

Sophanmocoi
18-11-2013, 05:37 PM
Thương mẹ già yếu

Hàn-Bá-Du ăn ở với mẹ rất có hiếu. Những khi có lỗi mẹ thường đánh đòn. Một hôm Bá Du phải đòn, khóc mãi. Mẹ thấy vậy hỏi:
- Mọi khi mẹ đánh, con biết lỗi. con cam chịu ngay. Lần này sao con khóc dai như thế? Bá Du thưa: - Mọi khi mẹ đánh, con thấy đau, con biết mẹ còn mạnh khỏe. Lần này mẹ đánh con, con thấy không đau mấy, con biết sức mẹ đã yếu, cho nên con nghĩ, con thương mẹ mà con khóc.

Ôi ! Con ăn ở với cha mẹ, tuy khó nhọc, khổ sở cũng không dám oán. Như Bá -Du trong truyện này, không những không oán mẹ, lại còn thương mẹ già yếu, tình con yêu mẹ mới là thâm thiết.
-Thuyển Uyển-

GIẢI NGHĨA: Hàn-Bá-Du: người đất Lương, đời nhà Hán. Hiếu: đạo ăn ở hết lòng với cha mẹ. Cam chịu: vui lòng mà chịu. Oán: tức giận lấy làm không bằng lòng. Thâm thiết: sâu xa thiết thực.

LỜI BÀN:- Cha mẹ sinh con hy-vọng và trông cậy vào con rất nhiều, cho nên ôn tồn khuyên răn con là muốn cho con hay, mà dử dội quở phạt con cũng là muốn cho con giỏi. Thực tình thì thế, nhưng cũng nhiều khi vì gia đình quẫn bách hay cạnh ngộ éo le, cha mẹ đối với con, lỡ nặng lời hay quá tay, thì dễ gay ra bất hòa và oán hận. Nếu gặp phải con ngỗ nghịch thì sinh biến ngay.

Còn con ra con thì bao giờ chả thương cha mẹ, chả thể tất cái khổ tâm cho cha mẹ. Như Bá-Du đây bị đòn không những không oán mẹ, lại còn thương mẹ mới thực là người có hiếu đáng làm gương cho những kẻ làm con nông nỗi vậy. Bá-Du đây như có cái thâm tâm cảm-hòa mẹ thì lại càng đáng phục lắm nữa.