PDA

View Full Version : MÓN NỢ NGHĨA TÌNH TRONG CUỘC ĐỜI LINH MỤC



dominico_dung
14-08-2010, 01:08 AM
http://i213.photobucket.com/albums/cc294/arilandung/LoveGiesu/Good_Shepherd_Pencil.jpg
https://thanhcavietnam.net/ThanhCaVN/?url=Download,8872,RP89-10BF978276629424


"Anh em đừng nợ gì ai ngoài món nợ tương thân tương ái"
(Rm 13, 8)

Bước vào thời đại kinh tế thị trường, nợ nần là một trong những từ ngữ gây ám ảnh cho những người lâm vào cảnh làm ăn thua lỗ tán gia bại sản. Trong kinh tế, chẳng ai muốn mình vướng vào nợ vì đó là vướng vào những ràng buộc bất lợi cho bản thân. "Nợ phải trả" là lẽ công bằng, nợ vật chất còn dễ trả, nợ tình cảm phải đền sao? Nhân năm linh mục, thiết nghĩ, linh mục là người cũng mang trên vai "món nợ nghĩa tình" rõ nét nhất. Có thể nói, cuộc đời linh mục là cuộc đời "mang nợ" và cũng là "người phát vay". Tuy nhiên, "món nợ nghĩa tình" có những đặc điểm khác hẳn với những món nợ kinh tế: "người phát vay" không đòi nợ, "kẻ mang nợ" không những không cảm thấy lo âu mà còn coi đó là một hạnh phúc đáng trân trọng.

Linh mục: hiện thân của món nợ nghĩa tình

"Từ muôn thuở Chúa đã yêu con, một tình yêu không bờ bến, nay con biết lấy chi báo đền, lòng từ ái Chúa vô biên" (Chúa yêu con). Trong cái nhìn thánh thiêng, nếu mỗi người coi sự hiện diện của mình trên đời là một hồng ân của Chúa thì chính ta đã là người mang nợ: nợ Thiên Chúa yêu thương một kiếp sống làm người. Vì "Cha đã yêu con bằng mối tình muôn thuở" (Gr 31, 3) nên "Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng" (Tv 139, 14) và Ngài đã chọn gọi tên con từ trước đời đời để làm linh mục của Chúa. "Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội" (Dt 5,1). Niềm hạnh phúc ấy tự nhiên ta được hưởng từ Đấng đã muốn nặng lòng gieo nghĩa tình xuống với loài người vì Ngài yêu thương họ.

Ngôi Lời Nhập Thể là hiện thân rõ nét của món nợ nghĩa tình, một Thiên Chúa từ bỏ vương quyền để xuống làm người, liên lụy với cuộc đời chéo ngoe để rồi "nhờ Ngài mang những vết thương mà chúng ta được chữa lành" (1Pr 2, 24). Thiên Chúa nhân từ luôn vực con người lên từ chốn bùn nhơ cho dù “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, …” (2 Tm 2,13). Hồng Ân Cứu Độ ấy đưa loài người bước vào chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa, được "cùng thừa kế với Đức Kitô" kho tàng hạnh phúc vĩnh cửu (x. Rm 8, 17). Con người không thể kể hết những gì mình nợ Thiên Chúa, vì mọi điều tốt lành ngài đã giáng phúc thi ân cho con người trong suốt lịch sử cứu độ. Làm sao lý giải nghĩa tình này?

Nhìn từ góc độ thánh thiêng là như vậy, trở về với trần thế, linh mục còn được xem là người con ưu tú của gia đình và Giáo Hội. Mọi người đã kỳ vọng để hỗ trợ cho những ứng viên linh mục tương lai những điều kiện tốt nhất trên hành trình chuẩn bị bước lên bàn thánh. Nặng tình Giáo Hội, nặng nghĩa sinh thành, phải chăng đó cũng là nợ? Trong kiếp sống nhân sinh này, mỗi người phải chịu ơn của rất nhiều người, làm sao kể hết những gì cuộc sống đã "dệt" lên cuộc đời ta. Chính vì vậy, một nhạc sĩ đã viết rất nhiều món nợ trong nhạc phẩm "Nợ" và đây là vài câu tiêu biểu:

"…Ta nợ mẹ hiền áo rách mòn vai
Ta nợ tương lai một chút hững hờ
Ta nợ đêm một lời kinh sám hối
Ta nợ thiên thu giọt lệ ngắn dài…"
Đó là niềm hạnh phúc không gì diễn tả được, nó là thực của kiếp nhân sinh. Nợ nghĩa tình không làm ta xấu hổ, nó là động lực giúp cho đời ta thăng tiến, là phương tiện vật chất và tinh thần đưa ta đến với những đích điểm tốt đẹp của cuộc đời. Nợ nghĩa tình làm sao kể hết, trong không gian sâu thẳm của tình người, một chút gọi là đền đáp cũng chỉ là khập khiễng chênh vênh. Làm sao lấp đầy ơn nghĩa ấy?


Linh mục: người gieo rắc nghĩa tình

Chúa Giêsu nói: "Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy" (Mt 10, 8). Hồng ân Chúa được ban phát cho linh mục thì linh mục cũng phải phát lại cho Dân Chúa. Vì vậy, hiện diện của linh mục trong trần thế phải làm sao cũng là hiện diện của Đức Kitô. "Anh em hãy mặc lấy Đức Kitô" (x. Rm 13, 14), "trở nên đồng hình đồng dạng" với Ngài và làm theo Ngài là cách "tình yêu đáp trả tình yêu" rõ ràng và thiết thực nhất.

“Nhờ việc xức dầu trong bí tích Truyền Chức Thánh, Chúa Thánh Thần làm cho họ nên đồng hình dạng, bằng một tước hiệu mới và loại biệt, với Đức Giêsu Kitô là Đầu và Mục Tử , Chúa Thánh Thần làm cho họ nên thích ứng tự bên trong và thôi thúc họ bằng đức ái mục tử của Ngài” (x. Tông huấn về Việc Đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay - Pastores Dabo Vobis - Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - 1992 số 15§5)

Nghĩa tình nơi Đức Kitô đã thể hiện sự bao dung và cho đi tất cả, kể cả mạng sống mình. Chúa đã phải trở nên nghèo khó để cho ta thêm phần giàu có. Đó là chân dung của người mục tử đầy nhiệt huyết trong tim, chan chứa ánh mắt trìu mến và thắm đượm một tấm lòng bao dung. Ngài là linh mục thượng phẩm đã trở nên mẫu mực tuyệt vời của mọi mục tử.

Như vậy, nếu nhìn ở khía cạnh công bằng của đạo lý thì linh mục nhiều lúc phải chịu thiệt thòi. Bởi vì, đời linh mục là cuộc đời nhiều lúc phải trải qua những hy sinh thầm lặng nhất, phải vượt hẳn lên khỏi bản ngã tự nhiên của kiếp người nhưng vẫn tìm thấy được niềm vui. Niềm vui vì linh mục được chia sẻ với Đức Kitô sứ vụ tiếp nối dẫn dắt nhân loại đến Vương Quốc Vĩnh Cửu. Và chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới làm cho những hy sinh dấn thân của linh mục được thăng hoa và xứng đáng với phần thưởng dành cho "người tôi trung" của Chúa.

Với ý nghĩa đó, một linh mục đã lấy phương châm sống cho mình là "Tối thiểu cho tôi và tối đa cho dân". Tinh thần ấy là cách diễn tả khác của món nợ đầy nghĩa tình. Nghĩa là đời linh mục không phải là người hưởng thụ, không phải là nơi thu gom tích góp của cải, càng không phải là dành ưu tiên những lựa chọn cho bản thân mình trước; trái lại, tất cả và ưu tiên là phải nghĩ đến dân chúng là đoàn chiên của mình: chữa lành những con chiên đau yếu, an ủi những con chiên sầu khổ, v.v…

Đời linh mục là tấm gương phản chiếu hữu hiệu nhất lôi kéo đoàn chiên trở về bên Chúa. Người mục tử nhân lành thực sự trở thành những phản ứng dây chuyền tác động lên những suy nghĩ thủ cựu và có thể làm cho nhiều người biến đổi đời họ nên tốt hơn. Dẫu sao, ơn Chúa vẫn là điểm then chốt của mọi biến đổi. Những yếu đuối nơi bản thân linh mục luôn trở thành một sự phó thác nơi Chúa: "Những kho tàng ấy chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành để chứng tỏ quyền năng phi thường xuất phát từ Thiên Chúa chứ không phải từ chúng tôi" (2Cr 4, 7-8). Tất cả những cố gắng rắc gieo nghĩa tình cũng sẽ qui hướng về nghĩa tình của Thiên Chúa là cùng đích của yêu thương.


Đặc trưng của "món nợ nghĩa tình"

Hạnh phúc là biết cho đi. Nợ nghĩa tình cũng khởi đi từ lý tưởng cao cả ấy để cuộc đời mang nhiều ý nghĩa đích thực trên nhân thế:

Không thể đền đáp cho cân xứng: Bởi vì những người đã hy sinh cống hiến cho người khác không thể được đong bằng tiền bạc vật chất. Họ dành chính tình cảm là tấm lòng bao la để âm thầm vun đắp cho những mục tiêu vì người khác mà không tính toán thiệt hơn. Linh mục có thể cảm nghiệm nơi đời mình điểm này.

Hiệu quả tác động rất lớn: Sống theo Chúa Kitô để "những nghịch lý của Tin Mừng" luôn đặt nhân loại phải hỏi những câu hỏi lớn mỗi khi chân lý bị bóp méo. Mọi người sẽ được phản tỉnh khi nhìn nghĩa tình yêu thương được trao ban cho nhau. Cuộc sống không phải chỉ là những nguyên tắc cứng nhắc và thiếu tình người. Nghĩa tình trở thành những cơn mưa làm dịu mát những cõi lòng xơ cứng, chua cay, cằn cỗi và cố chấp.

Thăng tiến con người: Không cần những nguyên tắc, thúc giục, gượng ép, nghĩa tình có sức thuyết phục không ngờ. Người mang ơn nghĩa sẽ được đánh động trong tâm trí mìnhnhững cố gắng vượt bậc để đáp lại tấm chân tình từ người khác dành cho. Đối với mỗi cá nhân, ý thức này được tác động rõ nét nhất. Và tất nhiên, mỗi linh mục thấy rằng mình sống vì người khác thì mình cũng phải không ngừng hoàn thiện bản thân từ những ân tình người khác dành cho.

Dám liên lụy: Ý nghĩa dấn thân không hoàn toàn nằm trong lý trí nhưng còn phải ở trong tình cảm. Nếu quan niệm theo kiểu được và mất thì món nợ nghĩa tình trở thành có tính toán. Trong khi đó, đời dấn thân lại đề cao tinh thần vô vị lợi, dám liên lụy vào đời để tìm ráp lại chiếc bình pha lê từ những mảnh vỡ mà cuộc sống này đã vô tình vùi dập vất bỏ. Đó là những mảnh đời bất hạnh mang hình ảnh của Chúa.
Trên đây chỉ là chút suy nghĩ vốn còn nông cạn về một chủ đề nhân sinh. Nó cho thấy cuộc đời không phải lúc nào cũng là "tiền trao cháo múc" nhưng trên hết còn là nghĩa tình như trong sách tiên tri Isaia thể hiện tấm lòng của Thiên Chúa: "Dù không có tiền bạc, cứ đến mà mua dùng, đến mua rượu mua sữa không phải trả đồng nào” (Is 55,1). Nghĩa tình làm nên những điều tuyệt diệu. Tình thương của bao người dành cho những trẻ em mái ấm tình thương, trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi,… cũng là nơi xuất phát những con người tài giỏi có ích cho xã hội. Gần nhất, con cái trong gia đình nếu ý thức được tình thương của cha mẹ dành cho chúng, thì chúng cũng cố gắng để trở thành những con người tốt làm vui lòng cha mẹ. Do đó, linh mục trên nhiều bình diện phải là người sống và gieo rắc món nợ nghĩa tình vào cộng đoàn để chính nó trở thành sợi dây vô hình cố kết mọi người lại bên người mục tử. Có phải nghĩa tình không khi tiếng "CHA" được mọi người kính trọng cất lên và càng thân thương hơn nữa khi con chiên biết lắng nghe và tin tưởng nơi người mục tử: "Con chiên ta thì nghe tiếng ta, ta biết chúng và chúng theo ta." (Ga 10, 27) Tất cả điều đó cho chúng ta thấy rằng linh mục nói riêng và tất cả mọi người nói chung, nợ nghĩa tình chính là "nợ hồng ân", "nợ hạnh phúc" và "nợ tin yêu" mà tất cả cần trân trọng. Chúng ta qui hướng về Chúa Giêsu, nợ Ngài, và ta thấy mình có trách nhiệm góp phần xây dựng Giáo Hội và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.




Giuse ĐỖ NGUYÊN VŨ, SVD
(Trích từ Nội San Giao Lưu Số 15 của Trung Tâm Học Vấn Đa Minh)




(Nguồn: http://trieucanguyen.50gigs.net)