PDA

View Full Version : Thánh lễ tạ ơn 11 năm giám mục giáo phận Qui Nhơn



JB.Lưu Hùng Vương
15-08-2010, 12:19 PM
http://www.ghphuyen.com/trangchu/upload/news/20812163148.jpgQui nhơn 5 giờ chiều ngày 12/08/2010, toàn thể các linh mục tu sĩ nam nữ trong giáo phận và giáo dân giáo xứ chánh tòa hiệp ý dâng thánh lễ tạ ơn cầu nguyện cùng với Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn nhân dịp kỷ niệm 11 năm hồng ân giám mục của ngài.

Nhìn lại quảng đường 11 năm cai quản giáo phận, đức cha Phêrô đã “gánh vác những công việc nặng nề chồng chất trên vai, những ưu tư lo lắng cho đoàn chiên giáo phận đè nặng trên con tim, khiến cho sức khỏe của Đức Cha bị giảm sút, mặc dù tinh thần Đức Cha vẫn sáng suốt”. Thế nhưng cộng đoàn Dân Chúa giáo phận Qui Nhơn luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn gìn giữ và nâng đỡ Đức Cha cả hồn lẫn xác, để Đức Cha có thể tiếp tục dẫn dắt và chăm sóc đời sống đức tin cho con cái của ngài trong giáo phận.


THÁNH LỄ TẠ ƠN KỶ NIỆM 11 NĂM TẤN PHONG GIÁM MỤC
CỦA ĐỨC CHA PHÊ-RÔ NGUYỄN SOẠN, GIÁM MỤC GIÁO PHẬN QUI NHƠN
12/8/1999 – 12/8/2010


Kính thưa Cộng đoàn thân mến,


Với trình thuật Tin mừng theo thánh Luca mà chúng ta vừa nghe hôm nay, khi ý thức mình chỉ là "nữ tỳ hèn mọn" trước một Thiên Chúa là "Ðấng cứu độ", là "Ðấng toàn năng" và là “Ðấng chí thánh chí tôn", Đức Maria dạt dào niềm vui, chỉ biết ca ngợi, tạ ơn, tôn vinh kỳ công Người đang thực hiện nơi Mẹ. Việc Chúa làm trong Mẹ vượt quá mọi suy tưởng phàm nhân, vì không một thọ tạo nào, dù công chính ra sao, hoặc do công trạng riêng, lại dám tơ hào mơ nghĩ sẽ lãnh nhận "bao điều cao cả" và được Chúa sủng ái! Hơn ai hết, Ðức Maria đã cảm nhận sâu sa "tất cả là hồng ân" cho mọi điều xảy đến trong đời Mẹ. Tâm tình sâu đậm này đã được Ðức Maria bày tỏ qua lời Kinh Magnificat (Lc 1:47-55) khi Mẹ đến viếng thăm người chị họ Êlizabeth: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa và thần trí tôi hớn hở trong Thiên Chúa Đấng Cứu Chuộc tôi.”


Có lẽ đây cũng chính là tâm tình ca ngợi và tạ ơn mà Đức Cha Phê-rô và mỗi người chúng ta đang hiệp dâng lên Chúa nhân dịp kỷ niệm 11 năm ngày tấn phong Giám Mục của Ngài, một ngày rất có ý nghĩa sâu xa trong cuộc đời của Ngài và của Giáo phận Qui Nhơn chúng ta.


Trước hết, chúng ta cùng với Đức Cha Phê-rô tạ ơn Chúa vì chức Giám Mục là một ơn gọi và là một ân huệ đặc biệt mà Chúa trao ban cho Giáo Hội và cho Giáo phận. Chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy ý nghĩa này trong Lời mở đầu Sắc lệnh về Nhiệm vụ Mục vụ của các Giám Mục trong Giáo hội như Công đồng Vatican II đã xác định: “Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến để giải cứu dân mình khỏi tội lỗi và để thánh hóa mọi người: như Chúa Cha đã sai Ngài thế nào, Ngài cũng sai các Tông Đồ như vậy, và đã thánh hóa họ khi trao ban Chúa Thánh Thần cho họ, để chính họ làm vinh danh Chúa Cha nơi trần gian, và cứu độ loài người “nhằm xây dựng thân thể Chúa Ki-tô” (Eph. 4,12) là Giáo Hội… Các Giám Mục cũng thế, chính các ngài được Chúa Thánh Thần đặt lên kế vị các Tông Đồ như chủ chăn các linh hồn và được ủy thác sứ mệnh duy trì mãi mãi công việc của Chúa Ki-tô, chủ chăn đời đời…”.


Đồng thời, chúng ta cũng không thể quên rằng nếu chức Giám Mục cao cả vì là người kế vị các Tông Đồ, thì nhiệm vụ của Giám Mục cũng thật nặng nề trong một Giáo phận được trao phó cho ngài. Điều này cũng được Công đồng nhắc đến trong số 16 của Sắc lệnh nêu trên: “Trong khi thi hành nhiệm vụ người cha và chủ chăn, các Giám Mục hãy sống giữa dân mình như những người phục vụ, nghĩa là như những chủ chăn hiền từ biết các con chiên mình và con chiên cũng biết chủ chăn; như những người cha đích thực tỏ lòng yêu thương và lo lắng cho hết mọi người và mọi người tỏ lòng tri ân tuân phục quyền hành Thiên Chúa đã ban cho các ngài”. Đây cũng chính là lý do tạ ơn mà chúng ta cùng với Đức Cha Phê-rô dâng lên Chúa hôm nay vì trải qua thời gian dài với một trách nhiệm khó khăn và nặng nề, với tuổi đời chồng chất và những thử thách của sức khỏe, Chúa vẫn tiếp tục ban ơn để Đức Cha lèo lái Giáo phận cho đến ngày nay.

Có thể nói như người cha trong đại gia đình, Đức Cha đã hướng dẫn các thành viên trong ngôi nhà Giáo phận, đã lắng nghe và chia sẻ những vui buồn, những thành bại, những lo âu và hy vọng, chia sẻ cả sự mỏng giòn của cộng đoàn mình, giống như Thánh Phao-lô đã nói với cộng đoàn Côrintô rằng: “Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?" (2 Cr 11,29).

Như thế, ngoài tâm tình tạ ơn Chúa, đây cũng là dịp để chúng ta bày tỏ tâm tình tri ân đối với những hy sinh lo lắng mà Đức Cha đã dành cho Giáo phận và cho chúng ta. Để minh họa điều này, xin được kể lại câu chuyện sau đây mà có lẽ nhiều người đã biết:


Một bà mẹ đã hỏi con trai của mình: “Theo con, trong con người, phần thân thể nào là cần thiết nhất ?” - Đôi mắt, vì nhờ có đôi mắt con mới thấy mẹ. - Chưa đúng ! - Lỗ tai, vì có lỗ tai con mới có thể nghe tiếng chim hót, nghe tiếng mẹ gọi, nghe tiếng mẹ nói “mẹ yêu con”! - Cũng chưa đúng - Vậy thì đôi chân, vì có đôi chân con mới có thể đến trường để học và sau này có thể đi làm để nuôi mẹ. - Cũng chưa đúng. - Thôi con chỉ nói một lời cuối cùng nữa thôi: Trái tim, vì có trái tim con mới có thể yêu mẹ. - Cũng chưa đúng! - Vậy thì con đành “bó tay”! - Bấy giờ người mẹ mới nhẹ nhàng trả lời: "Bờ vai, bởi vì tất cả các phần thân thể vừa kể là cần thiết, rất cần thiết, nhưng là cần thiết cho chính mình, còn bờ vai thì lại cần thiết cho người khác. Sở dĩ mẹ có tư tưởng đó là nhờ ngày ông nội của con mất. Lúc đó cơn đau đã làm cho ba con không còn đứng nỗi nữa. Ba con khóc. Khóc nhiều. Khóc lớn. Và khi ba con biết rằng mình không còn có thể chịu nỗi cơn đau nữa mới quờ quạng tìm mẹ, không phải tìm đôi mắt của mẹ, đôi chân của mẹ, cũng chẳng tìm con tim của mẹ, mà tìm.. ... chính bờ vai của mẹ, rồi tựa đầu vào đó. Và rồi ba con bớt khóc, ba con bớt đau. Từ đó mẹ mới chợt nhận ra rằng: bờ vai không quan trọng cho mình nhưng quan trọng cho người khác biết bao!

Như thế, chúng ta có thể mạo muội nói rằng nếu trong các hội nghị, người ta thường vẽ hình ảnh đôi bàn tay siết chặt vào nhau; nếu trong ngày lễ hôn phối, người ta thường khắc họa hình hai trái tim quyện vào nhau, thì trong ngày lễ TẠ ƠN hôm nay, có lẽ một trong những hình ảnh được nhắc đến, phải là hình ảnh của bờ vai, một bờ-vai-cho-người-khác, bờ vai mang nặng gánh mục vụ, bờ vai của Người Mục Tử vác chiên lạc về ràn, bờ vai của Đấng Cứu Thế vác lấy Thập Giá đi lên đồi Can-vê, bờ vai yêu thương với những hy sinh âm thầm mà Đức Cha Phê-rô đã và đang dành cho chúng ta, cho Giáo phận, cho Giáo Hội Chúa Ki-tô đúng với khẩu hiệu Giám Mục mà ngài đã chọn: “Thầy biết con yêu Thầy” (Tu scis quia amo te) (Yn. 21,17).


Kính thưa Cộng đoàn,


Hồng ân thì vô vàn vô số, không bút nào tả xiết, không miệng lưỡi nào có thể kể hết được. Chúng ta không thể đo lường Tình Yêu của Thiên Chúa bằng thước đo hẹp hòi, thiển cận của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Ngài, mỗi một con người là một chương trình và mỗi một chương trình đều cao cả. Ngài biết và gọi mỗi người bằng tên gọi riêng… Mỗi một biến cố xảy đến đều được Ngài sử dụng để đem lại điều thiện hảo cho chúng ta. Ngài có thể vẽ đường thẳng trên những nét cong của cuộc đời chúng ta. Nói như thánh Phaolô, Thiên Chúa quy mọi sự về điều thiện cho những kẻ Ngài yêu thương. Cũng chính thánh nhân đã nói: "Tất cả mọi sự đều là ân sủng của Chúa".

Vì thế, tiếp tục dâng Thánh lễ Tạ ơn hôm nay, chúng ta cùng với Đức Cha Phê-rô dâng lời cảm tạ tình yêu của Chúa về ơn gọi cao cả của chức Giám Mục, về những ân huệ nhưng không, dư tràn và vô vị lợi của Chúa trên đời sống chúng ta. Xin Chúa ban cho Đức Cha được ơn khôn ngoan và sức khỏe tốt để Ngài tiếp tục chu toàn nhiệm vụ Chủ chăn trong Giáo phận (Ad Multos Annos!), đồng thời xin cho mỗi người chúng ta cũng biết thông cảm, yêu thương và chìa vai chia sẻ gánh nặng với Ngài trong các công việc mục vụ của gia đình Giáo phận thân yêu này. Amen.
12-8-2010

Lm. Phao-lô Trịnh Duy Ri


Giáo Hạt Phú Yên
Nguồn www.ghphuyen.net (http://www.ghphuyen.net)