PDA

View Full Version : MỪNG MẸ LÊN TRỜI!



Van_HieuiNTNMaiKhoi
16-08-2010, 07:31 PM
http://www.mehangcuugiup.org/images/BarPurpleFl_1.gif



http://www.mehangcuugiup.org/images/Mary_Heaven2.jpg



http://www.mehangcuugiup.org/images/BarPurpleFl_1.gif
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”

Tại Giêrusalem ngày nay, bên sườn núi cây dầu, có một ngôi mộ, được lồng vào bên trong một ngôi Thánh đường. Đó là ngôi mộ của Đức Mẹ.

Nhưng ngôi mộ ấy không có xác.

Thánh Gioan Damascenô, trong bài giảng về Lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời năm xưa tại Giêrusalem có kể rằng: Năm 451 nhân dịp Giáo chủ Juvenal, tổng giám mục thành Giêrusalem, đến viếng thủ đô Constantinople, thì Hoàng đế Marcien, trong cuộc triều yết, có nói với Giáo chủ:

“Ta nghe rằng tại Giêrusalem có ngôi thánh đường lớn nhất của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, nằm gần vườn Giệtsêmani, trong đó có ngôi mộ táng xác của Đức Mẹ. Vậy ta muốn rằng xác thánh ấy được đem về thủ đô, để Ngài phù trợ cho đế quốc”.

Giáo chủ Juvenal trả lời: “Thật chúng tôi có ngôi mộ của Đức Mẹ. Nhưng ngôi mộ ấy trống không từ đời các Thánh Tông đồ”.

Ngôi mộ ấy trống không, vì Đức Mẹ sau khi qua đời đã được Chúa rước linh hồn và xác lên trời. Đó là lễ mà chúng ta long trọng mừng hôm nay. Đó là mầu nhiệm mà chúng ta long trọng cung nghinh chiều nay.

Mầu nhiệm Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, tuy không có ghi chép trong Thánh Kinh, nhưng là một mối tin tưởng dựa trên thánh truyền, có từ đời các Thánh Tông đồ, trải qua bao thế hệ và đã được công bố thành tín điều từ năm 1950 do Đức cố Giáo Hoàng Piô XII.

Từ đời các Tông đồ, trong Giáo hội đã mừng lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời.

Lễ ấy dựa trên một thánh truyền mà nhiều thánh Giáo phụ đã kể lại và được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Thánh truyền ấy kể như sau: Khi Chúa Giêsu đã qua đời thì Thánh Gioan tông đồ theo lời Thầy trối lại, đã rước Đức Mẹ về nhà để phụng dưỡng.

Giữa Giáo hội tiên khởi, Đức Mẹ đã trở nên trung tâm thu hút. Thánh Matthêô và Thánh Luca đã đến học hỏi với Đức Mẹ để biết những gì đã xảy ra khi giáng sinh, và đã viết ra những đoạn Phúc Âm về thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Giáo dân đã quay quần chung quanh Đức Mẹ, để hình dung lại hình ảnh của Chúa, để nhìn ngắm dung nhan dịu hiền của Mẹ và nghe lời Mẹ nhắn nhủ.

Lúc Đức Mẹ lên 64 tuổi, Đức Mẹ được Chúa cho biết ngày hội ngộ với con trên thiên đàng đã gần đến. Giáo dân càng bao quanh Mẹ vì sợ mất Mẹ, vì sợ giây phút chia ly. Các Tông đồ hay tin đã vội vã trở về, để được chiêm ngắm Mẹ lần cuối cùng.

Nhưng trong các Tông đồ có một vị chuyên môn đi trễ là ông Thánh Tôma. Lần này không phải lỗi ông, vì ông đi giảng xa về hướng Ấn độ, khi hay tin ông cuốc bộ băng ngàn trở về. Đến nơi, Đức Mẹ đã nằm xuống và đã được an táng trong một phần mộ khoét trong đá ở trong vườn núi cây dầu. Nhưng để làm vừa lòng Tôma, các Tông đồ và giáo dân đã đi ra phần mộ. Đến nơi, chỉ ngửi thấy phảng phất mùi hoa huệ thơm tho. Và khi mở hòn đá che huyệt ra thì không thấy xác Đức Mẹ đâu cả.

Giáo hội tin rằng Đức Mẹ đã được Thiên Chúa rước về Thiên đàng cả hồn lẫn xác.

Vậy, tuy rằng Thánh Kinh không nói đến, nhưng dựa trên truyền thống có từ buổi đầu về các lễ của Đức Mẹ và các lời giảng dạy đồng loạt của các Thánh Giáo phụ của 5 thế kỷ đầu tiên, Đức Piô XII đã tuyên bố thành Tín Điều mà chúng ta tưởng niệm hôm nay.

Thánh Gioan tông đồ, trong bài đọc thứ I hôm nay đã nhìn thấy cảnh huy hoàng của một phụ nữ, mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, trên đầu có 12 ngôi sao chói sáng. Người đàn bà ấy là ai? Người đàn bà ấy chính là Đức Mẹ đã được tiên báo trong vườn địa đàng. Thánh Kinh nói: Hình phạt của tội lỗi là sự chết. Kết quả của sự chết là hư nát: người là bụi tro thì sẽ hoàn về tro bụi. Mà Đức Mẹ là Đấng không vướng mắc tội lỗi, không bao giờ phải lệ thuộc quan tướng tội lỗi là ma quỉ thì rất có lý do để Đức Mẹ được đưa lên khỏi vùng trăng sao, được triệu hồi về Thiên đàng cả hồn lẫn xác.

Thánh Phaolô trong bài đọc thứ II lại nói lên cho chúng ta một lý do nữa: Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại là hoa quả đầu mùa. Đức Mẹ là người đầu tiên và xứng đáng nhất để được ơn cứu rỗi, thì Đức Mẹ cũng là người đầu tiên được hưởng sự vinh quang sống lại ấy.

Nhưng lý do chính yếu của đặc ân mông triệu là do chính miệng Đức Mẹ nói ra trong bài Phúc Âm hôm nay: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, vì Chúa đã đoái nhìn phận hèn tớ nữ, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại”.

Sự trọng đại ấy là gì? Bà Isave đã nói lên: Vì Bà đã được chọn để làm Mẹ Thiên Chúa. Đó là lý do chính yếu của đặc ân mông triệu. Người con nào có quyền năng lại để cho Mẹ mình phải ra mục nát? Nên Thiên Chúa đã triệu hồi Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác vậy.

Kết luận: Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời là một niềm hân hoan, một nguồn hy vọng cho chúng ta. Mẹ lên trời, một ngày kia chúng ta cùng về trời. Chúng ta phải ăn ở làm sao để một ngày kia cũng được như Mẹ. Mẹ ở đâu, con ở đó, Mẹ nơi nào, con ở nơi ấy. Cuộc sống trần gian phải là con đường đưa về Thiên Đàng.

Vì thế, trên ngôi mộ của Đức Mẹ ở Giêrusalem ngày nay du khách còn đọc được mấy dòng thi văn do một văn sĩ và điêu khắc thời Trung cổ để lại như sau:

“Đây là thung lũng Josaphat.
Nơi con đường về Thiên Cung xuất phát
Maria trong sạch được chôn cất nơi đây.
Nhưng cũng từ đây được đưa về trời.
Mẹ là nguồn hy vọng kẻ tù đầy.
Là đường hướng dẫn kẻ lòng ngay.
Là Ánh Sáng, là Mẹ chúng con. Amen”.

Cha Cố Hồng Phúc

Van_HieuiNTNMaiKhoi
05-09-2010, 11:25 PM
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC MARIA
NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH

Ban Cho Toàn Thế Giới
(Qua thị nhân Marija)
Ngày 25-08-2010
"Các con yêu dấu! Với niềm vui dạt dào, hôm nay nữa, Mẹ lại mong muốn kêu gọi các con: Hãy cầu nguyện, cầu nguyện, và cầu nguyện.
Chớ gì thời gian này là thời gian cho các con cầu nguyện riêng.
Trong ngày, các con hãy tìm một nơi để cầu nguyện với niềm vui và trong sự hồi tâm suy niệm.
Mẹ yêu các con và chúc lành cho tất cả các con. Cám ơn các con đã đáp lại lời kêu gọi của Mẹ."
***
* Xin suy gẫm từng Lời Châu Ngọc của Mẹ, nhất là trong giờ kinh gia đình và sống Lời của Mẹ hằng ngày.
Suy Niệm và Cầu Nguyện

Hôm nay ngày 25-08-2010, Mẹ đến thăm chúng ta với niềm vui dào dạt từ Thiên Đàng, mang đến cho chúng ta Sứ Điệp: CẦU NGUYỆN. Chẳng thế mà Mẹ nhắc lại chữ cầu nguyện đến ba lần! Có thể nói Mẹ hiện ra với loài người để nhắc nhở một điều mà con người hầu như đã lãng quên: đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế gian này, và chúng ta là con cái của Cha trên trời. Mà đã là con cái thì hãy cầu nguyện, chuyện trò , gặp gỡ Người Cha luôn yêu thương, chăm sóc chúng ta và mong mỏi chúng ta đến với người. Qua các Sứ Điệp của Mẹ, chúng ta hiểu được cầu nguyện có rất nhiều ý nghĩa và hết sức cần thiết trong cuộc đời mình: cầu nguyện là sự sống, là hơi thở, là lương thực . . . Vì thế, Mẹ bảo: "Các con hãy cầu nguyện, không có gì quan trọng hơn cầu nguyện." Biết Mẹ dạy như vậy, nhưng chúng ta vốn yếu đuối, sợ hãi và hay "lo lắng tự hỏi: Ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì gì đây?" Chúng ta nghĩ rằng: Cầu nguyện thì còn giờ đâu làm ăn và kiếm sống? hoặc: Cầu nguyện thì Chúa có ban cho cơm ăn, áo mặc không? Vì chúng ta không nhớ, không tin Lời Chúa trong Tin Mừng: "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và Đấng Công Chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho." Đức Mẹ cũng bảo: "Cầu nguyện thì các con được tất cả, còn không cầu nguyện các con không có gì hết." Có lúc Mẹ còn nhắn nhủ: "Các con đừng quan tâm quá mức về những sự thế gian, gian trong cầu nguyện hãy phó thác tất cả cho Cha trên trời . . . Thiên Chúa sẽ giúp cho được thành đạt những chuyện ở trần thế này, nếu người ta nỗ lực làm các công việc cho Người."
(SĐ 16-6-1983 qua Jelena)

Chính để giúp chúng ta cầu nguyện được tốt mà hôm nay Mẹ còn mong muốn: "Chớ gì thời gian này là thời gian cho các con cầu nguyện riêng." Câu này rất thích hợp với giáo dân Việt Nam chúng ta, vì thường chúng ta đọc kinh chung nhiều, mà ít dành thời gian cầu nguyện riêng. Do đó, Mẹ chỉ cho ta một phương thế cụ thể để thực hiện: "Trong ngày, các con hãy tìm một nơi để cầu nguyện với niềm vui và trong sự hồi tâm suy niệm", luôn "suy đi nghĩ lại trong lòng" những Lời trong Tin Mừng, trong Sứ Điệp, để hiểu được Thánh Ý Thiên Chúa. Nếu trong nhà khó tìm được nơi nào yên tĩnh để cầu nguyện riêng, thì có thể đến nhà thờ, vừa có dịp chầu Mình Thánh Chúa, vừa cầu nguyện và thưa chuyện riêng với Chúa. Cứ kiên trì cầu nguyện như thế, một ngày nào, chúng ta sẽ đạt được sự cầu nguyện với niềm vui mà Mẹ mong ước cho chúng ta.
Lạy Mẹ Maria yêu dấu, Mẹ là mẫu gương sáng ngời về cầu nguyện cho chúng con, mỗi khi chúng con nhìn hình ảnh Mẹ trên hang Lộ Đức đang chấp tay cầu nguyện với chuỗi Mân Côi. Và mỗi khi hiện ra với các thị nhân tại Mễ Du, Mẹ luôn cầu nguyện và chúc lành cho chúng con, cho mọi người trên khắp thế giới. Xin Mẹ giúp chúng con ý thức về tầm quan trọng của cầu nguyện. Xin cho cuộc đời chúng con là chuỗi ngày cầu nguyện liên lỉ để luôn được gần bên Chúa, bên Mẹ ở đời này cũng như đời sau. Mẹ ơi! Tay Mẹ chắp hướng lên trời, cho con giũ bụi tr6a2n đời mãi mê. Cầu nguyện sớm tối đi về, Tay cầm chuỗi ngọc gần kề Thiên Thai. Amen