PDA

View Full Version : THÁNH LỄ 11 PHÚT VÀ SÁCH KELLS



Ti_Amo
31-08-2010, 08:42 PM
THÁNH LỄ 11 PHÚT VÀ SÁCH KELLS (http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/08/08/thanh-le-11-phut/)

Posted on 08/08/2010 by Xuân Bích Việt Nam

THÁNH LỄ 11 PHÚT VÀ SÁCH KELLS (*)
Trong thời gian nghỉ hè ở Ái Nhĩ Lan, tác giả Phil Lawler đã chứng kiến và trải nghiệm một phát hiện ‘lạ’, khi ông đi tham dự lễ Chúa Nhật tại nhà thờ giáo xứ sở tại.
Vị linh mục đọc tất cả các lời nguyện với một tốc độ chóng mặt đến nỗi tôi không thể nắm được các chữ riêng rẻ. Cộng đoàn bắt kịp tốc độ của ngài với những câu thưa. Tôi phải khó khăn lắm mới bám theo được Kinh Lạy Cha. Các bài đọc chỉ nghe thoáng qua. Không có bài giảng. Thánh lễ kết thúc trong 11 phút.
Tôi thử đi dự lễ lại ở giáo xứ đó vào Thánh Lễ Chúa Nhật, nhưng đã không đọc cẩn thận thông báo. Nghĩ rằng mình tới 5 phút trước giờ lễ, hoá ra tôi đã trễ 25 phút. Thánh Lễ Chúa Nhật đã kết thúc rồi!
Thật may là có một giáo xứ khác gần kề, nơi Thánh Lễ đã được cử hành với một tốc độ tương đối bình thản hơn. Nhưng sự vội vội vàng vàng điên rồ để cho xong phụng vụ Thánh Thể càng nhanh càng tốt thật chướng tai gai mắt.
Khi tôi kể lại kinh nghiệm ấy với các bạn hữu người Ái Nhĩ Lan, họ chỉ phản ứng bằng một sự ngạc nhiên nhẹ. Họ công nhận : Một thánh lễ 11 phút là hơi bất thường, nhưng ở Ái Nhĩ Lan, phụng vụ thường được cử hành theo một thời khoá biểu bị thúc nhanh. Các tín hữu thích “có được Thánh Lễ” làm cho mau và sẽ tránh né giáo xứ nào mà linh mục rề rà mất nhiều thời gian.
Các bạn tôi kể : Trong Mùa Chay, có một linh mục Ái Nhĩ Lan đã nhận được hoan nghênh rộng rãi vì đã thu gọn Thánh Lễ trong tuần xuống dưới 10 phút, để làm sao cho giáo dân tham dự dễ dàng hơn mỗi ngày.
Bình thường, tôi không có những ý kiến cụ thể về nhịp độ của phụng vụ. Một số người nói nhanh, đọc nhanh hơn những người khác. Không có bất kỳ tốc độ ‘chuẩn xác” nào cho việc đọc chung hoặc cầu nguyện cộng đoàn. Mặc dù vậy vẫn có những giới hạn hợp lý. Khi Thánh Lễ được cử hành với tốc độ như chớp, không có một giây phút nào cho suy tư, thì kết quả là làm suy yếu về mặt thiêng liêng.
Sách Thánh có điều muốn nói với chúng ta mọi ngày. Đúng vậy, chúng ta có thể đã nghe các bài đọc trước đó rồi, nhưng nếu chúng ta lắng nghe chăm chú và suy niệm về Lời Chúa đó, chúng ta có thể tìm được nhiều điều ở trong đó – nhưng chỉ với điều kiện chúng ta có giờ để nghe và lĩnh hội các Lời đó. Kinh Nguyện Thánh Thể là một bài giáo lý lớn lao, nhắc nhở chúng ta về hy lễ thánh đang diễn ra. Những câu lời đọc trong Thánh Lễ phải gợi cho chúng ta lòng úy kính. Nhưng chúng không thể có hiệu ứng nầy nếu chúng ta hấp tấp đọc ào ào bản văn. Bằng việc lướt vội vã phụng vụ với một tốc độ bừa bãi, cộng đoàn nhỏ ấy – vốn, theo tôi suy ra, không phải là điển hình của kinh nghiệm Công giáo Ái Nhĩ Lan – đang có nguy cơ tiếp cận máy móc với Thánh Lễ : một quan điểm rằng phụng vụ là một cái gì chúng ta muốn vượt qua càng nhanh càng tốt.
Các Kitô hữu buộc giữ quy cách nghiêm ngặt tôn kính ngày sabbath. Có thực tế chăng khi cho rằng một gia đình sẽ tổ chức ngày của nó quanh một sự kiện chỉ kéo dài đúng 25 phút? Trong suốt Mùa Chay, chúng ta được kêu gọi làm những việc hy sinh đặc biệt. Một linh mục quản xứ có thật sự cổ vũ sự tăng trưởng đạo đức chăng, nếu ngài rút ngắn Thánh Lễ hằng ngày, để sao cho giáo dân có thể tham dự mà không cần phải hy sinh chút nào?
Hy Lễ Thánh Thể là một hành vi tình yêu. Một tình yêu mà cứ luôn được bày tỏ gấp gáp vội vàng, mắt cứ nhìn đồng hồ, là một tình yêu sớm nguội lạnh.
Có phải tín hữu Công giáo Ái nhĩ Lan trước đây vẫn luôn thiên về việc tăng tốc trong phụng vụ chăng? Tôi ngi ngờ điều đó. Ngoài ra, tôi có thể đưa ra bằng chứng ngược lại.
Vế cuối thời gian lưu lại ở Ái Nhĩ Lan, tôi đi thăm nhà sách ở trường trung học Trinity ở Dublin và nhìn thấy Sách Kells (*). Công phu các thầy tu Aí Nhĩ Lan đầu tư vào công việc đó,hình ảnh minh hoạ phong phú ở từng hàng chữ của Phúc Âm, sự chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất – tất cả chứng nhận một thái độ rất khác biệt. Những người vẽ minh hoạ laị gần Phúc Âm với lòng kính cẩn,yêu mến và sự tự nguyện bỏ ra thời giờ – cả cuộc đời, quả thực là thế – để khuyến khích mọi người hiểu rõ giá trị của Lời Chúa.
Cuốn sách Kells là một công trình nghệ thuật, đó là điều chắc chắn. Nhưng đó không phải là công trình nghệ thuật bình thường – không phải công trình của những nhà minh hoạ tách rời. Mỗi một trang đều làm chứng cho ước ao của các thầy tu muốn nhấn mạnh sứ điệp của Phúc Âm và thưởng thức từng chữ khi họ làm như thế. Có một sự nguy nga tráng lệ gây sững sốt cho văn bản, chuyển tải một sứ điệp đức tin sâu xa vốn có thể nhận ra rõ ràng gần một ngàn năm sau.
Các tín hữu Công giáo Ái Nhĩ Lan ngày nay không cần đọc Phúc Âm Ngày Chúa Nhật từ Sách Kells nữa. Nhưng vào một thời mà Giáo Hội ở Ái nhĩ lan cần được truyền một lòng sốt sắng mới, thì họ có thể được lợi từ gương sáng của những nhà minh hoạ tạn tụy nầy và học cách để giờ suy gẫm Lời Chúa, trong Kinh Thánh và trong phụng vụ Thánh Thể
————————————-
Quyển sách ở đây là sách Kells, được viết tay và có trang trí minh họa vào khoảng 800 năm sau Công nguyên. Những chuyện kể của sách về bốn bản phúc âm đã được trang trí và minh họa (một phần do các nhà sư ở tu viện Kells tạo ra) khéo léo đến mức sách được cả thế giới công nhận là một trong những kho tàng quốc gia của Ireland.
Nguyên tác : The 11-minute Mass and the Book of Kells
(CWNews 30.07 Phil Lawler)
Giuse Nguyễn Thế Bài chuyển ngữ