PDA

View Full Version : VẤN ĐỀ NỮ LINH MỤC



hongbinh
13-10-2010, 03:33 PM
VẤN ĐỀ NỮ LÀM LINH MỤC




Ở GX của tôi,thời gian nầy thường có những cuộc tranh cãi về: Danh xưng Linh mục là cha; vì sao phụ nữ không thể là Linh Mục; và vấn đề tôn kính ảnh tượng giữa một số anh em Tin Lành và Công Giáo, hôm nay tôi xin chia sẻ thêm cùng các bạn một bài viết của tác giả Đỗ Trần Duy để cùng nhau tham khảo thêm nhé....

Không thể coi vấn đề chọn linh mục là người nam là trọng nam khinh nữ. Chức linh mục không phải là một quyền lợi nên đòi phải được chia đồng đều cho nam và nữ. Đó là một vị thế phục vụ không phải là một quyền lợi.




Vào năm 2002, có bảy nữ nhân được phong chức linh mục Công Giáo ở Austria. Từ đó đến nay đã có khoảng 100 nữ nhân trên thế giới tuyên bố mình là linh mục Công Giáo, trong số đó 80 bà là người Mỹ (Time, no. 13, Sept. 27, 2010). Tin nổi bật hơn cả, trong tháng Năm vừa qua, cô Longhitano đến Rome để nhận chức linh mục. Một giám mục Anh Giáo phong chức cho cô. Nghi lễ qui tụ gần 300 người tham dự. Longhitano tuyên bố, cô chọn Rome vì đó là kinh đô Công Giáo. Cô muốn Giáo Hoàng nghe và thấy những gì đang xảy ra (New York Time, Sept. 23, 2010). Nhóm ủng hộ phong trào nữ linh mục cho biết cứ đà này, họ sẽ có nữ giám mục Công Giáo. Từ đó họ sẽ tự quyền phong chức linh mục cho nữ nhân mà không cần nhờ giám mục của những giáo phái khác. Hiện tại, mỗi Chủ Nhật, nữ linh mục cử hành thánh lễ tại tư gia hay tại một nhà thờ Tin Lành thuê mướn nào đó.

Ngay sau biến cố Longhitano, ngày 15 tháng Bảy, 2010 Tòa Thánh Vatican chính thức đưa ra bản kết án những bà tự nhận là linh mục là họ đã phạm tội trọng (delictum gravius) và bị rút phép thông công. Linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa thánh Vatican phân tích rằng, phong chức linh mục cho phụ nữ là mắc tội nghịch với các bí tích (a crime against sacraments), tức là những bí tích do chính Chúa Giêsu thành lập để ban ân sủng.
Riêng trong nội bộ Anh Giáo, mặc dù họ đã bắt đầu truyền chức linh mục cho nữ giới từ năm 1992, nhưng việc đó chưa được nhất trí. Đã có khoảng 100 linh mục và 3 giám mục phản đối. Các vị này đang tiếp xúc với Tòa Thánh Rôma để xin trở thành tín đồ Công Giáo Rôma. Khi họ chuyển đạo, họ sẽ kéo theo nhiều con chiên theo họ.

Ngoài ra một số các vị phản đối khác tuy vẫn trung thành với Anh giáo nhưng đã lên tiếng cảnh cáo rằng, nếu việc phong chức cho nữ linh mục không được xét lại, họ có thể tạo ra cuộc ly khai (Telegraph, July, 2010).
Ba điểm chính của thần học linh mục phụ nữ

Phong trào nữ linh mục bắt nguồn từ Âu Châu trong năm 2002 với một số nhà nữ thần học Đức, trong số đó có vài vị nữ tu và linh mục John Wijngaard, giáo sư thần học. Riêng tại nước Mỹ, phong trào này được kích động thêm khi có cuộc khủng hoảng về lạm dụng tình dục của các tu sĩ nam và hiện trạng thiếu hụt trầm trọng các linh mục.

Tháng năm vừa qua hai cơ quan truyền thông New York Time và CBS đã làm cuộc thăm dò tổng quát. Ho cho biết 59% giáo dân Mỹ chấp nhận ý kiến nữ linh mục.

Có ba điểm chính trong hệ thống tư tưởng nữ linh mục.

Điểm thứ nhất là vị thế của Mẹ Maria, của Thánh Martha, và Thánh Mađalêna trong giáo hội sơ khai. Qua sự liên hệ mật thiết giữa Đức Giêsu và các thánh nữ ấy họ biện luận rằng Mẹ Maria và Thánh Mađalena là Tông Đồ, là linh mục, và là giám mục của Giáo Hội sơ khai. Qua đó họ cho rằng nữ linh mục có nguồn gốc tông truyền từ Chúa Giêsu.
Điểm thứ hai, nhóm nữ linh mục cho rằng Vatican đã kỳ thị phái tính. Họ cho rằng hệ thống quyền hành hiện tại có tính cách bảo vệ nam giới đàn áp nữ giới. Một dạng áp chế bất công lỗi thời của những thế kỷ cũ kỹ. Họ trưng dẫn những đoạn kinh thánh để chứng minh sự kỳ thị phụ nữ. Chẳng hạn khi thánh Phaolô nói, “Tôi không cho phép đàn bà giảng dậy” (1Tim 2:11-15) hay “Phụ nữ phải làm thinh trong các buổi họp” (1Cor 14:34-35).

Điểm thứ ba, những người phản kháng vin vào câu nói của Đức Giêsu “không được gọi một phàm nhân nào là cha”. Cha là danh xưng dành riêng để gọi Thiên Chúa. Như vậy danh xưng cha (một dấu chỉ nam giới) dùng để chỉ linh mục đã phạm luật cho chính Đức Giêsu đặt ra. Giáo lý “chỉ nam nhân mới có thể là linh mục” không có nền tảng Phúc Âm nhưng đầy sắc thái kỳ thị phái tính.
Phụ nữ không thể là linh mục

Thần học có ba điểm để giải thích vấn để linh mục là người nam. Thứ nhất, nam và nữ bình đẳng nhưng có ơn gọi khác nhau. Thiên Chúa tạo ra nữ nhân là mẹ và nam nhân là cha. Không chức vụ nào có giá trị hơn hay kém hơn. Cả hai đều rất quan trọng và bổ túc cho nhau.

Thứ hai, chức linh mục là một bí tích. Chẳng có người nam hay người nữ nào xứng đáng được làm linh mục. Sở dĩ người nam được thụ phong chức linh mục vì Chúa Giêsu ban cho như vậy. Giá trị của người được lãnh chức linh mục cũng không phải vì cá nhân đó tài giỏi hay xứng đáng ở một điểm nào đó, nhưng chỉ vì cá nhân đó được thông phần thiên chức linh mục của Chúa Giêsu.

Thứ ba, theo mô thức gia đình, Giáo Hội là mẹ và linh mục là cha. Có rất nhiều dẫn chứng trong Kinh Thánh cho biết biểu tượng Giáo Hội là cô dâu và Đức Giêsu là chàng rể. Vì linh mục liên kết với Đức Giêsu nên linh mục phải là chàng rể (tức là nam nhân) trong khi Giáo Hội là cô dâu.

Chiếu theo Thánh Kinh, trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu phong chức linh mục cho 12 môn đệ của Người. Trong số đó không có một người nào là phụ nữ, mặc dù lúc đó có mặt Đức Mẹ Maria là đấng cao trọng hơn hết và cũng có nhiều nữ môn đệ theo Người. Như vậy Chúa Giêsu đã chọn 12 nam nhân để thành lập hàng giáo phẩm. Việc thành lập Giáo Hội có giá trị vượt thời gian, Đức Giêsu không bị lệ thuộc vào những ràng buộc của định chế văn hoá xã hội nhất thời nào. Chúng ta chỉ có thể tin rằng việc Người làm hẳn phải có lý do. Cái lý do ấy hội thánh không có tư cách để sửa đổi. Khi Giuđa phản bội Chúa và tự tử, các Tông Đồ cũng chọn một nam nhân khác để thay thế. Rồi chính mỗi vị Tông Đồ cũng chọn người kế vị tiếp nối sứ mạng của mình bằng một nam nhân. Giáo Hội bị ràng buộc với sự lựa chọn của Chúa và các Tông Đồ, vì đó là dấu chỉ của ân sủng. Tuân theo truyền thống ấy Giáo Hội quy định chỉ người nam đã nhận phép rửa tội mới được nhận lãnh bí tích Truyền Chức linh mục. Giáo Hội không thể phong chức cho người nữ (GLCG 1577).

Không thể coi vấn đề chọn linh mục là người nam là trọng nam khinh nữ. Chức linh mục không phải là một quyền lợi nên đòi phải được chia đồng đều cho nam và nữ. Đó là một vị thế phục vụ không phải là một quyền lợi. Có một mâu thuẫn rất lớn khi nhóm nữ linh mục cho rằng Đức Giêsu truyền chức linh mục cho 12 nam nhân chỉ là phản ảnh sắc thái văn hóa tương đối vào thời ấy. Trong khi đó họ lại cho những lời khuyên của Thánh Phaolô cấm đàn bà nói và giảng kinh (xem trích dẫn trên) là tuyệt đối khinh thị nữ giới. Ngược lại bí tích truyền chức thánh do Đức Giêsu lập ra có giá trị tuyệt đối, còn lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô chỉ có giá trị tương đối phản ảnh quan niệm xã hội cục bộ nhất thời. Chính Giáo Hội cũng không chấp nhận quan niệm kỳ thị này. Sử dụng những bằng cớ ấy để kết án Giáo Hội hiện tại kỳ thị là ấu trĩ.
Danh xưng cha của linh mục

Theo truyền thống, “cha” là người đứng đầu trong gia đình. Tiếng “cha” nêu ra trách vụ hướng dẫn con cái trong liên hệ gia đình. “Cha” không phải là một chức vị xã hội.
Nhóm nữ linh mục vin vào câu nói của Đức Giêsu cấm gọi một phàm nhân nào khác là cha, vì Cha là danh xưng dành riêng để gọi Thiên Chúa. Trên thực tế họ đã cắt câu nói của Người ra khỏi mạch ý của Phúc Âm. Vào thời gian đó, nhóm Ký Lục, Pharisêu, và Sađốc đều được gọi là cha.

Họ thường lạm dụng danh xưng cha để tự phong chức vụ danh tước cho mình. Đức Giêsu đã ngăn cấm lối nhận diện sai lầm ấy vì Người thấy rõ họ không xứng đáng. Đức Giêsu dậy chúng ta đừng lầm lẫn chức vị “cha” trong vị thế xã hội với vị thế Thiên Chúa (cũng gọi là Cha) là một người Cha trong gia đình. Đức Giêsu không cấm chúng ta gọi bố mình là cha. Chính Đức Giêsu vẫn gọi thánh Giuse là cha. Người cũng nói Abraham là cha của dân Israel.

Thánh Phaolô giải thích rõ danh xưng “cha” trong Kitô giáo là người hướng dẫn tâm linh như một ông bố trong gia đình. Cha là một chức giáo vụ. Với nghĩa đó thánh nhân đã xưng mình là cha với dân Côrintô (1 Corino 4:15), là cha của nhóm tín hữu Do thái (Heb 12:5-7, 11-13), là cha của Timôtê (1 Tim 1:18), và là cha của Ônêximô (Phi 9-10, 12-17). Chúng ta đều biết Thánh Phaolô không thể dùng danh xưng cha trong liên hệ chức vị xã hội. Danh xưng cha của linh mục Công Giáo mang ý nghĩa ấy, tức là người chăn dắt (mục) tâm linh (linh). Hiển nhiên trong gia đình, chỉ người con trai mới có thể là cha.

Khi nhập thế, Ngôi Lời đã chọn là một người nam. Chúng ta không có quyền đặt câu hỏi tại sao về sự lựa chọn này. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận. Thần học nêu rõ rằng linh mục là Nhân Thể Hóa Đấng Kitô (In Persona Christi) hay Chúa Kitô khác (another Christ, Giáo Hoàng Pius XI) là hình ảnh sống của Chúa Cha (typos tou Patros, Ignatius của Antioch), là người thay mặt Đấng Kitô (Thánh Cyprian). Chúa Kitô kết hôn với Giáo Hội, mà linh mục là In Persona Christi, nên các tín hữu phải gọi linh mục là cha.

Chức linh mục đồng hóa với Đức Kitô Tư Tế và hành xử như chính Đức Kitô (Piô XII, thông điệp “Đấng Trung Gian Của Thiên Chúa”; GLCG 1547-1563). Vì vậy khi một người muốn trở nên hóa thân của Đức Giêsu thì cũng phải là một người nam, vì Đức Giêsu là một người nam.

Tóm lại, điều thật sự mà người ta có thể thấy từ nhóm chủ trương linh mục phụ nữ là họ muốn cải tổ hệ thống giáo quyền. Họ cho mô thức Giáo Hội hiện tại là hệ thống toàn nam cần phải đổi thành hệ thống dân chủ. Họ khẳng định không muốn qua giáo phái Episcopal, nơi chấp nhận nữ linh mục. Họ muốn là nữ linh mục Công Giáo. Họ không bỏ Giáo Hội nhưng muốn cải tổ Giáo Hội. Cuộc tranh đấu của họ càng ngày càng nhuộm màu chính trị của cánh nữ quyền. Nó có tính cách quá đáng vì đã lợi dụng mục vụ tôn giáo trong mục tiêu tranh đấu phái tính. Câu tuyên xưng “Nhân danh Thiên Chúa Cha và Mẹ chúng ta” (In the name of God our Father and Mother) đã làm nổi bật màu sắc chính trị hơn là giáo lý tôn giáo. Tổng Giám Mục Donald W. Wuert, Washington, Chủ Tịch Uy Ban Giáo Lý của Hội Đồng Giám Mục Hoa kỳ tuyên bố, “Công Giáo, qua giáo huấn lâu dài và không đổi, từ nguyên khởi chỉ truyền chức linh mục cho người nam, điều này không thể thay đổi bất chấp thời gian có thay đổi.”

Đỗ Trân Duy