Ðăng Nhập

View Full Version : Ngọc trong đá !



NguyenNgocHieu
15-10-2010, 10:27 AM
Hai số phận nghiệt ngã giàu nghị lực

Ý CHÍ CỦA MỘT THANH NIÊN CAO 0,5 MÉT
Nguyễn Văn Út sinh ra trong một gia đình nghèo lại có đến 11 anh chị em. Căn bệnh sốt bại liệt đã khiến cơ thể Út tiều tụy, đôi chân teo tóp, lưng cong vểnh lên nên việc đi lại đều trông chờ vào chiếc xe lăn. Trước đây, nhà có bao nhiêu ruộng vườn đều bán rẻ để lấy tiền chữa bệnh cho cha. Ngày cha mất cũng là ngày gia đình Út lâm vào túng quẫn, nợ nần. Gia tài lớn nhất còn lại là căn nhà nhỏ trống trước trống sau nằm sâu trong đồng hiu quạnh. Có nhà nhưng xa chợ và khu dân cư nên mẹ Út phải ra chợ thuê ki-ốt bán nước sâm để nuôi người anh trai thứ sáu học Đại học Công nghệ - thông tin.


http://i945.photobucket.com/albums/ad295/nguyenngochieu1976/45-ntdtrai.jpg
Út mong có tiền mở một xưởng gỗ mỹ thuật để
tạo việc làm cho người khuyết tật
Lớn lên, tưởng chừng Út phải sống cảnh nương nhờ người thân nhưng không, anh đã tự bươn chải bằng đủ thứ nghề theo dọc đường miền Tây, miền Đông và TPHCM. Nếm trải đủ các vị ngọt, bùi, đắng, cay cũng là lúc anh nhận ra một điều phải có một nghề trong tay. Út học nghề ở Trung tâm Dạy nghề người tàn tật và trẻ mồ côi TPHCM gần 5 năm rồi. Lúc đầu, nhìn cơ thể của Út, giáo viên lớp tranh ghép gỗ mỹ thuật không khỏi ái ngại nhưng anh đã chinh phục mọi người bằng sự cố gắng, kiên trì. Sau mỗi buổi học, Út xin giáo viên mang gỗ về nhà để tập vẽ mẫu rồi mang đến phòng học cắt. Những mẫu của Út có tính sáng tạo, mới lạ... được giáo viên ứng dụng vào bài thực hành cho học viên. Dù đã kết thúc khóa học từ lâu, tay nghề vững vàng nhưng Út quyết ở lại trung tâm vừa để học nâng cao vừa phụ giáo viên hướng dẫn các bạn học nghề. Những hôm cô giáo bận việc đột xuất, Út quán xuyến lớp học như một người thầy thực thụ.

Chiều cao của Út chỉ nhỉnh hơn 0,5 mét, còn số ký cũng chỉ ngang ngửa với số tuổi nhưng ý chí và nghị lực thì không thể cân đo đong đếm. Với khuôn mặt ưa nhìn, hay cười, lối nói chuyện lạc quan... Út đã lọt vào “tầm ngắm” của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Á. Anh là một trong số 90 nhân vật trong bộ sưu tập ảnh “Họ đã sống như thế” của tay ảnh tài ba này.

VẼ TRANH BẰNG CHÂN
Từ khi lọt lòng mẹ, Huỳnh Thị Sậm đã không được lành lặn như bao đứa trẻ khác. Nhìn thân hình con với đôi tay và đôi chân co quắp lại, cha mẹ cô chỉ biết khóc lặng. Bù đắp những tổn thương tinh thần cho gia đình, Sậm lớn lên khỏe mạnh, lanh lợi và hoạt bát. Đến tuổi đi học nhưng với thể trạng của Sậm, lúc bấy giờ đâu có trường nào dám nhận. Sậm chỉ biết ra đầu ngõ ngồi nhìn các bạn cắp sách đến trường. Thương con, mẹ đi xin tập sách cũ về chỉ con học. Sậm tiếp thu bài nhanh, học một biết mười.


http://i945.photobucket.com/albums/ad295/nguyenngochieu1976/45-ntdgai.jpg
Sậm đánh máy vi tính bằng chân

Sậm bắt đầu đến trường từ năm 15 tuổi. Với những kiến thức tự học ở nhà, Sậm được đặc cách vào học ngay ở bậc THCS. Sậm sinh ra trong một làng quê nghèo khó vùng sông nước thuộc xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe xuồng nhưng vì nhà nghèo, không sắm nổi một chiếc xuồng cho ra hồn. Biết Sậm quá ham học, UBND huyện tặng Sậm chiếc xuồng để làm phương tiện đi lại. Những người tặng xuồng xong mới giật mình vì làm sao Sậm có thể tự chèo xuồng? Nhưng Sậm đã làm được một việc mà ít ai ngờ được, Sậm chèo xuồng bằng chân.

Nhà cách xa trường gần 10 km đường sông nước, ấy vậy mà Sậm vẫn đều đặn đến trường, chỉ trừ những ngày bệnh đau nặng. Cha Sậm mất sau một cơn bạo bệnh không tiền thang thuốc khi Sậm chưa học xong bậc THCS. Việc học của Sậm tưởng chừng không thể tiếp tục được nữa nhưng nhờ sự động viên, khích lệ của gia đình, Sậm đã bước vào ngôi trường THPT. Năm ấy Sậm thi trượt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả tệ hại ấy không phải vì học lực mà vì đôi chân không thể viết nhanh hơn nữa, không đủ thời gian làm bài. Không thua cuộc, Sậm tự ôn tập và đỗ với số điểm cao ở kỳ thi tốt nghiệp sau đó.

Sậm là học viên khóa đầu tiên của Trung tâm Dạy nghề người tàn tật và trẻ mồ côi TPHCM (năm 2006). Với bản tính chịu khó, ham học hỏi, Sậm là một tấm gương để các bạn cùng cảnh noi theo. Kết thúc khóa học vi tính văn phòng, Sậm được giữ lại làm quản lý thư viện của trung tâm. Hiện Sậm đang theo học hệ tại chức ngành Xã hội học, Trường ĐH Mở TPHCM.

Hai chân và tay của Sậm teo tóp, co rúm lại, việc di chuyển vô cùng khó khăn. Nhìn Sậm không ai nghĩ cô có thể làm việc trên máy tính. Thế nhưng Sậm soạn thảo văn bản, nhập số liệu rất cừ. Làm được công việc này cũng nhờ vào ý chí luyện tập viết bằng chân từ nhỏ. Sậm dùng một cây bút kẹp vào giữa hai đầu ngón chân để đánh máy. Hai chân nhỏ thó nhưng rất “ngoan”, chân trái rê chuột máy tính, chân phải đánh máy một cách nhuần nhuyễn.

Sậm có năng khiếu hội họa từ nhỏ. Tranh Sậm vẽ rất đẹp. Hàng chục bức tranh đủ kích cỡ, nhiều chủ đề được trưng bày ở trung tâm chỉ để dành tặng khách quý. Khách nước ngoài đến đây tham quan đều được Sậm tặng tranh có chữ ký. Đó là một món quà để khách khoe với gia đình, người thân và bạn bè rằng “Đây là bức tranh được vẽ bằng đôi chân tật nguyền của một cô gái Việt Nam giàu nghị lực”. Sậm từng là học trò cưng của nghệ sĩ Ái Việt, người nổi tiếng với cuộc hành trình xuyên Việt bằng chiếc Honda Chaly để vẽ chân dung các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

HƯƠNG HUYỀN
http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=882&id=162545