PDA

View Full Version : lễ thánh hiến Nguyện Đường Mân Côi



Vinam
19-10-2010, 07:50 PM
MÂN CÔI NGUYỆN ĐƯỜNG





Ngay từ xa xa, trên đường Thánh Mẫu (Bành Văn Trân hiện nay) dập dìu xe cộ huyên náo, nổi bật đỉnh tháp chuông tân nguyện đường Mân Côi với cây Thánh Giá trắng ngần, cao vút, vượt thoát khỏi không gian phù hoa đô hội. Đến gần hơn, dãy tường che chắn tu viện còn tô điểm những cánh hoa hồng khá lớn, gợi khách liên tưởng những nụ hoa tràng chuỗi Mân Côi.


http://lambich.net/forum/userpix/3_ManCoi_nguyenduong_1.jpg



Bước qua cổng tam quan, gồm sáu cánh cửa màu đen, lại cũng không thiếu những bông hồng vàng cùng những nét hoa văn vuông tròn khá ý nhị, khách gặp ngay phía bên phải, sừng sững một ngọn núi đá, cung kính thánh tượng Đức Mẹ Ban Ơn trên cao. Phía dưới, bên trong cửa hang khá rộng, dành riêng cho “Cộng Đoàn Mân Côi Thiên Quốc”, nơi quy tụ hài cốt các Dì Mân Côi đã yên nghỉ.

Vào khuôn viên nhà dòng, đứng trước cơ ngơi ngôi nhà Chúa tân kỳ, lộng lẫy, tráng lệ, mà hài hòa nét giao duyên tân cổ, có lẽ giúp khách dễ dàng giũ bỏ những sân si, những toan tính danh lợi nhỏ nhen, để thanh thản và xứng đáng tiến vào nơi thánh thiêng.

Hai gam màu chủ lực xám và xanh phủ ngoài nguyện đường càng tăng thêm vẻ trầm lắng, nghiêm trang và thóat tục. Những ô cửa vòm tròn liên tiếp thân thiện vây quanh. Trên cao, vòm tháp chuông cùng liền kề vòm mái cong phía dưới, làm dịu đi những nét vuông góc, kỷ hà học sắc cạnh chung quanh phía dưới.

Theo như truyền thống ad Jesum per Mariam, đến với Chúa Giêsu nhờ qua Mẹ Maria, ngay dưới mái vòm, một vòng cung 12 ngôi sao, tượng trưng 12 nhân đức của Đức Mẹ, tựa như triều thiên, vây quanh thánh tượng Đức Mẹ Mân Côi. Phía dưới chân Mẹ, hai chữ AM lộng vào nhau, viết tắt lời chào Ave Maria của Thiên Thần Gabriel, cũng vốn là lời chào thân thương của các Dì Mân Côi đồng môn, mỗi khi gặp nhau.

Ngay bên trên ô cửa giữa, trang trọng đính lên huy hiệu nhà Dòng Chị Em Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa, với hàng chữ viết tắt FMSR (Filiarum Mariae a Sacrosancto Rosario de Chi Hoa) trên nền xanh tràn đầy niềm hy vọng.

Qua khoảnh sân khá rộng, đều đặn lát những phiến đá xanh, bảy bậc đá chẻ dẫn vào tiền sảnh thênh thang, thông thoáng. Hầu như bao âm vang bên ngoài xô bồ khó lòng vang vọng vào đây.

Rẽ sang tay trái, một dãy phòng khách sáng sủa. Còn phía trong, thiết kế một phòng truyền thống khá rộng. Giữa phòng, mô hình tân nguyện đường Mân Côi khá bề thế lộng kiếng, lung linh tỏa sáng. Vây quanh đấy, hàng loạt búp bê phục sức áo dòng qua các thời kỳ. Trên tường, dầy đặc các tấm biển lớn minh họa hình ảnh, tường trình lịch sử, cơ cấu tổ chức, sinh hoạt nhà dòng.

Phía tay phải, ngoài mấy phòng khách, còn dành riêng ba phòng đón thượng khách, trang bị đầy đủ tiện nghi. Cả hai bên đều có cửa thông ra đại sảnh phía sau.

Đây là khoảng không gian mở, cả ba bề đều trống trải, thoáng mát, dùng làm hội trường đa năng. Xen lẫn hàng cột vuông vức khá lớn, là những cây cột tròn lẳn vân hoa cẩm thạch bóng láng. Phía góc trái, đặt thang máy phục vụ các Dì đau yếu hay già cả và quan khách. Liền kề gần đó, một dãy nhà vệ sinh khá kín đáo và lịch sự.

Phía cuối hội trường, khắc họa đôi bức phù điêu rất bề thế hai bên tường, lôi cuốn sự quan tâm của khách. Bên trái là bức “Gia Đình Mân Côi”, khắc nổi trên đá cẩm thạch trắng. Trên cao, Đức Mẹ Mân Côi cùng Chúa Hài Nhi và các Thiên Thần chầu quanh. Cận cảnh, Đức Cha Tổ Phụ Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn hiện hữu giữa bảy Dì Mân Côi tiên khởi. Bên tay phải là bức “Năm Trinh Nữ Khôn Ngoan” cầm đèn và mang theo dầu, để khi nửa đêm Chàng Rể đến, sẵn sàng đón rước Chúa Kitô. Một mẫu gương sáng không chỉ dành cho nữ tu, mà còn cho cả những người có lòng ngay!

Bầu khí hội trường càng thêm mát dịu và thanh thoát có lẽ nhờ bể nước cạn xen lẫn cây cảnh và những trụ đá xanh cao thấp, hài hòa với thiên nhiên phong thủy.

Sang tay phải, lên tiếp theo hai đoạn cầu thang lát đá xanh chẻ xù xì, rộng rãi, dài ngun ngút và dốc thoai thoải, khách bỗng dưng cảm giác đang lần theo từng chặng đường Khổ Nạn của Đấng Cứu Thế tại Giêrusalem ngày xưa.

Đặt chân đến lầu một, bước ra tiền sảnh, khách ngỡ ngàng chiêm ngưỡng bức phù điêu đầy ấn tượng, bằng gỗ quý choán hết cả bờ tường, cưa lộng thánh tượng “Mẹ Thiên Chúa” trên nền đóa hồng nở rực rỡ, điểm xuyết thêm các góc bốn bông hồng nho nhỏ. Phía trong dùng làm phòng sinh hoạt và huấn luyện tu đức.

Tiếp tục đi cầu thang đá xanh, tay vin sắt vuông, sơn đen nhánh, khách lên đến tầng hai, tiến vào nơi thánh thiêng nhất trong nhà. Đó là Mân Côi Nguyện Đường. Không còn những gian phòng vuông vắn, nho nhỏ, không còn tường cao che chắn, mà cả một không gian ba chiều mở rộng, tròn đầy viên mãn.


http://lambich.net/forum/userpix/3_Le_lamphep_Nguyenduong_1.jpg




Nơi đây, kiến trúc Gothique flamboyant càng tôn thêm bầu khí trang trọng và thánh thiêng. Ánh sáng tự nhiên từ nhiều khung cửa vòng cung hai bên tả hữu tràn vào, cộng với đèn đuốc ẩn kín, và gam màu vàng nhạt chủ đạo, góp phần Thánh Điện rạng rỡ và ấm áp hơn nữa. Bên trong, những vòm cong nhọn, cao vút liên tiếp khắng khít bao bọc lấy cộng đoàn. Con chiên nào hiện diện cũng đều cảm thấy nhỏ mọn trước Thánh Giá uy nghiêm trên cao. Hai cánh cung tả hữu tựa hai cánh cửa rộng mở, mời chào các tín hữu cùng đến tham dự Tiệc Thánh.

Gian Cung Thánh bề thế, rộng rãi, chiếm khoảng không gian khá lớn. Có thể dư giả cho cả trăm Linh mục đồng tế trong dịp đại lễ, như khánh thành, cung hiến hôm nay. Dưới chân Thập Tự, trên nền hoa văn cẩm thạch vàng nhạt, hiện lên chiếc bánh miến trinh nguyên bẻ đôi, ẩn chứa trong tâm ngôi Nhà Tạm, với hình tượng Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá đậm đà ý nghĩa biểu tượng, nhất là khi Giáo Hội sắp sửa mở án phong Chân Phước Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê.

Phía trước, bàn thờ tạo tác từ danh mộc nguyên khối tựa chén thánh dâng hiến. Vòng bán nguyệt chân đứng nổi bật bức phù điêu Bàn Tiệc Ly, mời gọi cộng đoàn cùng đồng tâm hiệp nhất tham dự Tiệc Thánh.

Bên ngoài đường cong gian Cung Thánh, tám hàng ghế dành cho cộng đoàn, quy chiếu vào trọng tâm bàn thờ. Nguyên phía dưới đủ phục vụ cho trên ngàn người. Tính cả ghế ngồi phía trên, thì sức chứa tổng cộng chẵn một ngàn hai trăm.

Hai bên tả hữu trên cao, cẩn hai mươi bức tranh mosaïque lộng lẫy về mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, như nhắc nhở con chiên luôn siêng năng suy ngắm lần hạt Mân Côi.

Ngước nhìn lên cao phía cuối nhà nguyện, là bức phù điêu Thánh Giá xen kẽ vào bốn biểu tượng của các Thánh Sử. Trên cuốn sách giữa Thánh Giá hiện lên hai chữ Alpha và Oméga, tính hằng hữu của Thiên Chúa.

Phía dưới, thiết kế gác đàn trên lầu ba có thể thích hợp cho cả đoàn hợp xướng đông đảo, với đầy đủ thiết bị tinh tế phục vụ. Hệ thống âm thanh vang tỏa đều khắp nơi. Hệ thống thông gió khá hiệu quả, dù hôm nay không còn một ghế trống. Hệ thống ánh sáng chan hòa bố trí hợp lý và ẩn khuất, không ngọn đèn nào hớ hênh bất nhã, nỡ lóa mắt cộng đoàn.

Kết hợp với các tiền sảnh từ dưới lên trên, ngôi nhà còn bố trí sáu mươi căn phòng riêng, đều dễ dàng tiếp cận nhà nguyện. Chậm rãi trở xuống cầu thang vuông vắn, khách lại hòa vào đường nét vuông góc, thước thợ.

Từ vuông sang tròn, rồi từ tròn sang vuông, một sự kết hợp hài hòa tình lý tương tham, trong lý ngoài tình, như quan niệm Chí Hòa của Lm Giáo sư Tiến Sĩ Kim Định. Dĩ nhiên chỉ có Đấng Tối Cao mới là đỉnh điểm Chí Hòa. Còn nơi đây, dưới mái Mân Côi Nguyện Đường mang dấu ấn vuông tròn, biểu hiệu sự toàn mỹ, các nữ tu của Mẹ Mân Côi cũng đang hành đạo theo tấm gương viên mãn của Mẹ.

Có lẽ càng trọn vẹn hơn nữa, khi Đức Giám Mục Nguyễn Chí Linh khởi sự thánh hiến nguyện đường Mân Côi, đồng hồ chỉ đúng 10giờ, ngày 10, tháng 10, năm 2010. Một loạt những con số mười, thập toàn đầy ẩn dụ mỹ mãn từ trong Kinh Thánh lẫn trong lòng dân Việt. Phải chăng là dấu chỉ hồng ân Thiên Chúa chúc phúc cho Hội Dòng, cho Cộng Đoàn, cho tất cả quý ân nhân, thân nhân, thân hữu gần xa, qua sự bầu cử thân thương của Đức Mẹ Mân Côi.


Chí Hòa, lễ thánh hiến Nguyện Đường Mân Côi, 10/10/2010

BomBo