PDA

View Full Version : Vụ chìm xe khách khủng khiếp tại Hà Tĩnh: Một nửa nạn nhân xấu số là giáo dân



hongbinh
23-10-2010, 08:55 PM
Vụ chìm xe khách khủng khiếp tại Hà Tĩnh: Một nửa nạn nhân xấu số là giáo dân



Chiếc xe khách 48K-5868 nhào lên lộn xuống như bơi giữa lớp lớp sóng dữ cuồn cuộn. Lũ ào ạt từ trên mỏm núi Hồng Lĩnh đổ ập cuốn phăng tất cả ra sông. Tài xế đã không còn làm chủ được chiếc xe giường nằm chết máy nữa.

Tiếng gào thét làm không khí trong xe thêm hoảng loạn. Bao nhiêu cánh tay già trẻ, gái trai đấm vào cửa kính thoát hiểm một cách vô vọng. Chỉ một số thoát được ra ngoài và trong một thời gian ngắn, chiếc xe bị đưa ra xa quốc lộ 1A và chìm nghỉm dưới đáy sông.

Đêm thu lạnh giá, 20 số phận đớn đau đã nằm giữa biển nước sông Lam. Thân phận con người nghiệm ra thật mỏng manh. Vẫn biết “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi” hay nói như triết lý của cha ông xưa “Sống gửi thác về” nhưng lòng tôi vẫn thấy nhói đau khi nghe tin chiếc xe gặp nạn.

Đau xót hơn là giữa biển nước mênh mông và lạnh lẽo đó có rất đông anh chị em đồng đạo của tôi. Đó là 10 anh chị em giáo dân Công giáo, đa phần gốc Bùi Chu hiện đang sinh sống tại Giáo phận Bùi Chu và Buôn Ma Thuột.

Lúc 19g ngày 20-10-2010, một anh bạn phóng viên của tôi đang tác nghiệp từ Hà Tĩnh nhắn tin cho biết có rất nhiều người Công giáo đi trên chiếc xe về Nam Định. Anh bạn tôi cho biết thêm lý do biết được vì họ nói họ là giáo dân nên không tham dự nghi thức cầu siêu do Tỉnh hội Phật giáo Hà Tĩnh tổ chức.

Không kịp chuẩn bị, tôi cùng một người bạn phóng xe như bay về xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Địa điểm này cách Giáo xứ Gia Hoà 10km về phía nam.

Cách địa điểm này không xa đã xảy ra tai nạn thương tâm dẫn đến cái chết của Linh mục Phaolô Nguyễn Ngọc Thạch, Quản xứ Quèn Đông (hạt Cẩm Xuyên) 9 năm trước.

Khoảng 22g đêm, chúng tôi tiếp cận được thân nhân người bị nạn đang nghỉ tại khách sạn Lam Kiều và cố gắng nhận ra những anh chị em giáo dân.

Linh mục Antôn Trần Văn Minh, Quản xứ Gia Hoà đã đợi sẵn nhiều giờ đồng hồ trước cửa khách sạn. Từ khi nghe tin chiếc xe gặp nạn, Cha và giáo dân trong xứ đã dâng nhiều thánh lễ cầu nguyện. Ngài gặp gỡ người nhà các nạn nhân và động viên anh chị em cố gắng vượt qua nỗi đau thương, phó thác tin tưởng vào Thiên Chúa. Cha Minh cũng gửi tới người nhà của 10 giáo dân số tiền 5 triệu đồng và cầu xin Chúa cho anh chị em giáo hữu được bình an.

Chúng tôi nắm được thêm thông tin là trải qua 2-3 ngày tìm kiếm nhưng lực lượng cứu hộ gồm nhiều canô, xuồng máy, phương tiện tối tân đã không tìm được nhưng chỉ nhờ đội lặn thuộc một công ty tư nhân quê ở Giáo xứ Phù Long (Hạt Vạn Lộc) đã tìm được vị trí chiếc xe.

Sáng sớm 21-10-2010, sau Thánh lễ tại Giáo xứ Gia Hoà, Cha xứ và đông đảo giáo dân đã đến tại vị trí gặp nạn để cử hành các nghi thức Công giáo cuối cùng cho các giáo hữu gặp nạn.

Sau nhiều giờ đồng hồ tiến hành hoạt động trục vớt, đến 12g trưa ngày 21-10-2010, chiếc xe bắt đầu nhô lên mặt nước. Đội cứu hộ cứu nạn đã tiến hành phá cửa kính, đưa 10 thi thể trong chiếc xe trên về địa điểm lán trại dựng sẵn trên sông.

Trước đó, những người dân chài ven sông đã vớt được 3 thi thể trong đó có hai giáo dân là anh Giuse Đinh Văn Lương (lái xe) và Giuse Đinh Xuân Trường (phụ xe) và sau đó là một thi thể khác không nằm trong xe.

Tổng cộng, đã có 14/20 thi thể đi trên chiếc xe tử thần đã được tìm thấy. Vẫn còn 6 thi thể, trong đó có 3 giáo dân vẫn còn mất tích. Nguyên chủ hãng xe này cũng là một giáo dân Giáo xứ Phúc Lộc, Giáo phận Buôn Ma Thuột.

Mặc dù bận rộn cho công tác cứu trợ tại Giáo phận sau cơn lũ khủng khiếp vừa qua nhưng Đức Cha và các linh mục đã hợp ý cầu nguyện và chia sẻ nỗi đau với anh chị em giáo dân gặp nạn thuộc hai Giáo phận Bùi Chu và Buôn Ma Thuột.

Ngay trong lúc các lực lượng đang tiến hành trục vớt, Linh mục Giuse Nguyễn Viết Nam, Phó Giám đốc Caritas Vinh, đã ở vành đai bảo vệ bên ngoài tại thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, để gặp gỡ các thân nhân nhưng không thể tiếp cận vì khu vực này bị cấm vào.

Chiều tối ngày 21-10-2010, vài giờ đồng hồ sau khi trục vớt chiếc xe khách lên khỏi mặt nước, một Thánh lễ Cầu hồn đã được tổ chức tại Đại Chủng viện Vinh Thanh.

Xin Chúa cho linh hồn anh chị em được nghỉ yên muôn đời!

http://www.vi-mart.vn/imgpro/pic1377.jpg

1.Giuse Đinh Văn Lương (37 tuổi), GX. Phạm Pháo, GP. Bùi Chu (Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định).

2.Giuse Đinh Xuân Trường (21 tuổi), GX. Phúc Lộc, GP. Buôn Ma Thuột (Tân Thắng, Cư Jút, Đắk Nông).

3. Maria Nguyễn Thị Duyên (21 tuổi), quê quán: xứ Ninh Mỹ (GP. Bùi Chu), trú tại Krông Mây, Đắk Nông.

4.Maria Đỗ Thị Loan (24 tuổi), quê quán: GP. Bùi Chu (Hải Xuân, Hải Hậu, Nam Định), trú quán: GX. Kim Châu, GP. Buôn Ma Thuột.

5. Maria Vũ Thị Ánh (7 tháng tuổi, con chị Loan).

6. Maria Phạm Thị Yêu (54 tuổi), GX. Chi Lăng, GP. Buôn Ma Thuột (Phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột)

7. Cêcilia Mai Nhi (31 tuổi, con bà Yêu).

8. Phêrô Phaolô Đỗ Duy Gôn (3 tuổi, cháu ngoại bà Yêu, con chị Nhi).

9. Phạm Thị Cúc (37 tuổi), quê quán: GP. Bùi Chu (Hải Xuân, Hải Hậu, Nam Định), trú tại GX. Kim Châu, GP. Buôn Ma Thuột.

10. Lê Thị Phương Thảo (8 tháng tuổi, con gái chị Cúc).


Tại Giáo xứ Gia Hoà, Giáo phận Vinh, tối 21-10-2010

Antôn Trần Đức Hà

Vinam
25-10-2010, 11:04 AM
Vớt xe khách bị lũ cuốn trên sông Lam: Chuyện chưa công bố

Bóng tối ập xuống mặt sông Lam cuồn cuộn chảy. Nước như những mũi dao găm đâm xiết khắp cơ thể ở trần của người thợ lặn.

Ở độ sâu 15 mét ấy, “rái cá” đã tiếp cận được chiếc xe xấu số. Hé lộ hậu trường quanh vụ xe khách bị nước cuốn trôi (tại xã Xuân Lam - Nghi Xuân - Hà Tĩnh).

Hàng ngàn người đổ dồn về hướng tìm thấy vị trí chiếc xe khách mất tích. Từng thớ thịt trên khuôn mặt mỗi người giãn ra, sáng lại sau gần 3 ngày miệt mài dõi theo cuộc tìm kiếm (chiếc xe khách bị cuốn trôi sáng 18/10). Chặng thời gian ấy, cánh báo chí cũng bao phen hộc tốc chạy đến những điểm được cho là nơi chiếc xe nằm lại nhưng toàn là con số không tròn trĩnh.


http://giadinh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/10/23/khach1.jpg

Các thợ lặn được "vinh danh".


Chạm tay vào… đầu người chết!



Xác minh chính xác chiếc xe đang ở dưới đáy sông Lam, phương án được đưa ra là phải có người lặn xuống mò. Thời khắc ấy, bóng tối đã bao phủ khắp nơi. Nước dưới sông như nổi cơn thịnh nộ cuộn sóng. Gió lạnh thổi hắt vào mặt. Cách bờ 50 mét, trên chiếc tàu cũ kĩ, tốp thợ lặn mang chúng tôi theo với bao sự hồi hộp.
Nguyễn Văn Thạnh - một trong số những thợ lặn ở phường Trung Đô (TP Vinh - Nghệ An) được giao trọng trách tiên phong. Khuôn mặt căng thẳng. Thạnh rít một hơi thuốc dài, thổi khói bay mù mịt trước mặt: “Chưa bao giờ tôi lại thấy căng thẳng đến thế. Hàng chục năm làm tay lặn mới thấy sao giờ là lạ.

"Nước chảy xiết lắm. Phải lặn bo thôi. Ở độ sâu 14 đến 15 mét mà mặc đồ lặn thì nước đánh dạt đi. Phải lột hết quần áo thôi”, anh Thạnh nói. Bênh cạnh Thạnh, mấy “rái cá” khác cũng đã sẵn sàng. Những chiếc bình ôxy nằm ngổn ngang.
Thạnh cởi phăng áo và quần dài. Từng thớ thịt của người thợ lặn nổi cuồn cuộn, láng bóng. Quấn ống dẫn khí vào người, một đầu ngậm vào miệng hít một hơi dài, tốp thợ lặn nhảy xuống mặt sông, biến mất vào nước. Nhiều ánh mắt đổ dồn, nín thở chờ đợi. Chưa đầy hai phút đã thấy Thạnh trồi lên mặt nước, thất vọng.
“Nước mạnh lắm. Chưa thể tiếp cận được xe đâu”, Thạnh bảo. Trên tàu, hai tay thợ lặn khác tên Bình và Sơn đã sẵn sàng. Trong thế tay bo “lặn nhộng”, các anh lại nhảy xuống. Một, hai, rồi ba phút vẫn chưa thấy ai lên. Sự lo lắng xen lẫn niềm tin đã hiện rõ. Tiếng vỡ oà rồi vỗ tay vang cả mặt sông kéo theo “rừng cười” trên bờ khi hai thợ lặn xuất hiện.

"Xe đây rồi. Xe khách đây rồi”, thợ lặn tên Sơn vuốt mặt xua nước cười như tỏa hoa trên mặt nước reo lên.
Sau này khi mọi chuyện đã ổn, Sơn mới sợ hãi nhớ lại: “Không những sờ trúng đầu xe mà tay em còn chạm vào một cái gì đó có tóc anh ạ. Giờ thấy kính ở trước mặt buồng lái bị vỡ mới biết mình đã chạm tay vào đầu của một nạn nhân đang nổi bồng bềnh trong xe”.


http://giadinh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/10/23/khach2.jpg

Để đưa thi thể ra, các chiến sĩ đã dùng búa đinh và ống sắt để phá vỡ kính xe.



Cái chết… chính Ngọ!



Ngay khi tìm được chính xác vị trí chiếc xe thì trời đã tối hẳn. Nhiều phương án được đưa ra. Trục vớt ngay trong đêm rất khó khăn: “Kính vỡ nên kéo xe lên thì nhiều thi thể sẽ bị trôi ra. Đêm mịt mùng, nước chảy mạnh sẽ cuốn xác đi mất. Nhiều cuộc họp khẩn cấp đã được triệu tập. Cuối cùng phải chờ sáng hôm sau mới tiến hành trục vớt.
Đêm ấy, là đêm trắng của người thân. Thời điểm ấy, hàng ngàn người dân đã kéo về điểm xe nằm. Tờ mờ sáng, ba, bốn chốt chặn đã được lập ra nhưng hàng chục người dân vẫn tìm cách luồn núi để chứng kiến trục vớt. “Tôi đã phải đi từ 3 giờ sáng. Gửi xe cách hàng chục cây số rồi đi bộ leo núi mới vào xem được đấy…”, một người dân bảo.

Chừng 8h sáng một tốp thợ lặn đã sẵn sàng. Công việc của họ là phải lặn xuống để cột hai móc cáp vào đầu xe. Sau đó dùng ròng rọc nâng đầu xe lên khỏi đáy sông chừng 1 mét để khi kéo thi thể không bị trôi ra. Tuy nhiên gần một phần nửa chiếc xe đã bị vùi cát. Ba bốn tốp thợ lặn đã phải lặn xuống để moi cát móc xe.

Công việc đó thực hiện xong lại xảy ra khó khăn mới. Cát trong xe rất nhiều. Để xe nhẹ khi kéo, tốp thợ khác lại phải lặn xuống dùng “vòi rồng” hút cát từ trong xe ra. “Sợ lắm. Lúc hút cát cứ lo thi thể cũng bị trôi ra”, một thợ lặn nói.

Mọi thứ đã sẵn sàng. Xích tời cáp đã tập hợp. Tiếng chân chạy dồn dập. Tiếng máy nổ ầm ầm. Tiếng cáp rít vào gió. Đó là lúc việc trục vớt bắt đầu. Hàng trăm mét dây cáp được sử dụng chứng tỏ chiếc xe nằm rất sâu. Chiếc tời trên bờ kéo chầm chậm chiếc xe vào bờ.
Dây cáp căng như dây đàn, cách mấy bước chân, hàng ngàn ánh mắt đổ dồn. Ai đó chợt nghĩ: Cáp mà đứt, thì bao nhiêu con người sẽ gặp tai họa. Cáp tuột, mọi người sợ hãi nhốn nháo chạy, ngỡ là cáp đứt. Ba bốn lần phải thốn cáp, chừng ấy thời gian công việc trục vớt gián đoạn, ai cũng lo lắng.
Cuối cùng, đúng 12 giờ cùng ngày - chính Ngọ - tắp lự đầu xe khách màu trắng nổi lên mặt nước cách bờ mấy sải tay. Tiếng vỡ òa bởi rừng người rộn rã. Sự sung sướng hiện lên từng nét mặt. Ở một góc sông, người thân của những hành khách xấu số khuỵu xuống. Có người đã gục ngất đi!
Cái chết của chiếc xe và những nạn nhân mới được xác định. Một cái chết hiện hữu sờ được bằng tay!


http://giadinh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/10/23/khach3.jpg

Mặc độc chiếc quần cộc, ngậm đầu ống khí quấn vào người,
thợ lặn Sơn bắt đầu lao xuống đáy sông Lam sâu 15 mét tìm xe.



Tôi có búa đinh sẽ ít ai chết!



Đầu xe được kéo lên cao hơn trên mặt nước. Quan sát phần gương trước mặt buồng lái đã vỡ. Lỗ hở duy nhất đã cứu được 18 con người. Số người còn lại vẫn nằm trong xe. Một số khác đã thoát ra ngoài nhưng không thắng nổi “giặc nước” đang nằm bồng bềnh đâu đó.
Hàng chục chiếc ca nô mang theo nhiều chiến sĩ áp sát chiếc xe. Phải đưa thi thể các nạn nhân ra xe trước, sau đó mới tính chuyện cẩu lên bờ. Để đưa được thi thể ra khỏi xe, người ta đã dùng đến búa đinh. Tiếng búa đinh phang vào phần kính trước mặt xe lốp bốp. Hàng chục tiếng dội vào nhưng kính chẳng xoay chuyển.
Các chiến sỹ còn phải dùng cả những ống sắt, tay chèo bằng kim loại mới phá vỡ được kính xe. “Tôi mà có búa đinh lúc xảy ra tay nạn thì ít người chết. Đến búa mà không phá nổi huống chi lúc đó họ chỉ tay không lại trong trạng thái hoảng loạn”, chứng kiến cuộc “hành xe” một người dân tiếc nuối.

Một phần kính xe được phá vỡ, những thi thể được giải thoát nổi bồng bềnh trôi ra ngoài xe. Thời điểm ấy thật rùng rợn. Trước mặt hàng chục ngàn người dân, trên sông hàng chục chiếc ca nô di chuyển. Cứ một cái đi lại kéo theo sau một thi thể không còn nguyên dạng.
Xót xa quá các nạn nhân ơi. Sống đã khổ, thác còn vật vã gấp vạn lần. Cho đến khi toàn bộ thi thể được đưa ra và chiếc xe được cẩu lên mặt đường, chúng tôi vẫn ám ảnh. Một sự ám ảnh tột độ!


http://giadinh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/10/23/khach4.jpg


Thợ lặn Nguyễn Văn Thạnh giờ phút trước lúc đi "tiên phong".


Làm phúc… nát nhà!



Sau khi được sự đồng ý của các cơ quan ban ngành, Công ty Vận tải biển Trường Thành (đóng ở Thành phố Vinh) vào tìm kiếm trục vớt chiếc xe xấu số. Nghe tin, đội quân thợ lặn chính gồm 6 người xung phong xin đi. Họ đã vật lộn với con nước lũ để tìm kiếm và đưa xe lên bờ.
Ông Nguyễn Văn Bình - một thợ lặn, chưa hết bàng hoàng: “Đã theo nghề lâu, đối đầu với bao nguy hiểm nhưng đây là lần lặn khó khăn nhất trong đời tôi, bởi khi lặn xuống cứ bị nước đẩy đi không theo như ý muốn”.
Vậy mà, trở về nhà sau khi đưa đưa được các thi thể và xe lên bờ, căn nhà của ông Nguyễn Văn Hoàn -Thợ lặn khác, đã bị nước lũ cuốn đi mang theo nhiều tài sản. Trước cảnh hoang tàn, ông Hoàn tâm sự: “Trong mấy ngày qua tôi đi lặn tìm xe nên nhà cửa mới đến nông nỗi này. Nhưng việc làm của chúng tôi đã góp phần chia sẻ nỗi đau cho các nạn nhân”.
Ông Nguyễn Văn Bình nói: “Những người thợ lặn chúng tôi rất nghèo nhưng trước việc các nạn nhân bị chìm trong nước mấy ngày nên thương lắm. Chúng tôi có nghề sao lại không sẵn sàng giúp đỡ, làm ơn…”.
Câu chuyện với những thợ lặn kết thúc. Ngoài kia vẫn còn những nạn nhân xấu số chưa được tìm thấy. Thấy xót xa. Và lại day dứt khi nghe người thợ lặn tên Hoàn bảo: Mình làm ơn nhưng nhà mình chẳng còn gì. Nước đã đánh tan tất cả!


Theo Bee.net (http://bee.net/)