PDA

View Full Version : Chúa nhật Truyền Giáo CN 30 Thường Niên (Gm. Nguyễn Văn Khảm)



vũng_nước
24-10-2010, 11:04 PM
https://thanhcavietnam.info/Vung_Nuoc/LE_CNTNvaLE_TRONG/CN30TN_NVK.mp3

vũng_nước
24-10-2010, 11:33 PM
https://thanhcavietnam.info/Vung_Nuoc/LE_CNTNvaLE_TRONG/SUN1024102_DCCT.mp3
CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN
CẦU NGUYỆN: CHIẾC CẦU HIỆP THÔNG

Chúa Giêsu không nói với dân chúng điều gì mà lại không dùng đến dụ ngôn (Mt 13:34; Mc 4:34). Thánh sử Mathêu và Maccô đã khẳng định như thế. Riêng Luca, ngài đã ghi lại được đến 40 dụ ngôn khác nhau. Trong số đó có nhiều bài mang nét đặc thù của cuốn Tin Mừng thứ ba, như làm nổi bật dung mạo nhân từ của Đấng Cứu Thế, trân trọng yêu thương những người nghèo khó và tội lỗi, trách cứ mọi thái độ kiêu hãnh dựa trên tiền bạc hay lòng đạo đức. Từ đó Luca nhấn mạnh đến cầu nguyện như chiếc cầu nối kết giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Dụ ngôn “Người Biệt Phái và Người Thu Thuế” đã phần nào phác hoạ các nét đặc thù đó.

Người Biệt phái, nhân vật được xã hội đương thời kính trọng, vì thuộc thành phần nhiệt tâm giữ luật, thực thi đạo đức bác ái hơn hẳn người ta. Riêng anh thu thuế, kẻ bị xã hội mạt sát khinh chê, vì là hạng “cõng rắn cắn gà nhà”, tước đoạt tài sản nhân dân, làm lợi cho ngoại bang. Hai mẫu người đối lập cùng bước vào đền thờ và cùng làm một công việc: cầu nguyện. Nhưng tại đây sự tương phản giữa hai con người trở nên rõ nét, khi tâm tình và thái độ sâu kín được bộc bạch trước Nhan Giavê.

Người biệt phái ung dung tự tại, đứng thẳng và cầu nguyện: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không giống các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Khách quan thì người này không bịa chuyện. Ông chỉ nói điều ông làm. Và những gì ông làm thì không chê trách vào đâu được: không gian tham, không chiếm đoạt, không rối vợ rối chồng, không đam mê tội lỗi. Thậm chí về phần đạo đức bác ái, ông còn làm quá điều luật dạy. Thường thì người ta chỉ phải ăn chay một ngày trong năm vào dịp lễ Sám hối, đàng này ông thi hành chuyện đó mỗi tuần hai lần. Luật buộc các nông dân phải nộp một phần mười sản phẩm cho việc phụng tự, ông lại nộp thuế thập phân trên tất cả mọi thứ hàng hoá mua về.

Hành động của ông thật đáng tuyên dương nhưng thái độ của ông đã làm mất toi công phúc. Tạ ơn Chúa là điều cần thiết, nhưng kể lể công đức như ngầm bảo Chúa đang mắc nợ với tôi là điều chẳng đúng tí nào. Bởi vì như lời Thánh Phaolô nói: “Ngươi có gì mà lại không phải là nhận được [từ Thiên Chúa], mà đã nhận lãnh thì sao lại vinh vang như không nhận lãnh” (1 Cor 4:7). Thế nên coi chừng: thay vì tạ ơn Thiên Chúa, tôi lại bắt Ngài phải nhớ ơn, cứ như tôi đã làm được việc này công kia cho Ngài.

Cầu nguyện là tìm đến chính với Chúa, nhưng phải chăng lắm khi tôi chỉ biết tìm đến với mình? Thay vì ca ngợi Hoá công, tôi lại chỉ phô trương những gì mình có? Tệ hại hơn là khi tôi dùng công nghiệp hay lòng đạo của mình để đè bẹp tâm hồn kẻ khác. Đây chính là thái độ kênh kiệu của người biệt phái: so sánh và tự hào vì thấy mình “không giống như những người khác”. Thay vì nhìn vào Chúa như khuôn mẫu cho đời mình, tôi lại nhìn vào đời người để tự nhủ: dẫu sao ta vẫn còn khá hơn.

Lời cầu nguyện của người biệt phái có vẻ “tinh tuyền” làm sao! Ông “cảm tạ” chứ không kên xin điều gì. Có lẽ ông thoả mãn và không cần chi nữa. Nói xa hơn thì dường như Thiên Chúa cần ông và một phần mười hoa lợi do ông dâng cúng, chứ ông không cần Thiên Chúa lắm. Không cần Thiên Chúa hay Thiên Chúa chết rồi, phải chăng đó cũng là thái độ kiêu căng của bao triết gia như Nietzsche, Marx, hay Jean Paul Sartre.

Đáng lẽ cầu nguyện là để gia tăng sự gắn bó giữa mình với Giavê, thì đây, người biệt phái lại làm lung lay nhịp cầu tiến đến với Ngài.

Không những đã không làm chắc thêm nhịp cầu đến với Thiên Chúa, người biệt phái còn làm tan tành nhịp cầu đến với tha nhân. Anh hăng hái lên án phường tham lam, bất chính, ngoại tình, thu thuế. Anh nhất quyết không thoả hiệp với tội lỗi, điều này rất đáng khâm phục. Nhưng anh thiếu cảm thương những người có tội, điều này đã làm cho anh khác xa Thiên Chúa. Vì có sống đạo đức, làm những việc cả thể, nói được các thứ tiếng thiên thần và loài người, biết hết mọi mầu nhiệm trong đạo, đem cả gia tư vốn liếng mà phân phát cho kẻ đói, cùng nộp mình chịu thiêu, mà không có lòng yêu mến xót thương thì cũng hư không vô ích thôi, Thánh Phaolô đã quả quyết như vậy (1 Cor 13:1-3).

Phải chi người biệt phái thấy được bao ơn lành mình đã nhận lãnh, tạ ơn tình thương Thiên Chúa, cầu xin cho biết yêu thương như Ngài thương yêu thì tuyệt vời biết bao.

Vì không làm vững nhịp cầu đến với Chúa và tha nhân mà lời nguyện của người biệt phái đã rơi vào giòng sông hư không. Anh ra về chẳng nên công chính, cũng chẳng được sạch tội.

Trong khi đó, người thu thuế đi cầu nguyện nhưng lại “không dám ngước mặt lên trời”, anh “đứng xa xa”, đâu đó phía cuối đền thờ, lại còn “đấm ngực”và nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót tôi là kẻ có tội”. Anh không soi bóng cuộc đời qua tha nhân, nhưng nhìn rõ mình trong tình thương của Thiên Chúa. Trước tấm gương của tình thương, anh thấy mình là kẻ tội lỗi. Có lẽ đã bao lần cố gắng vươn lên nhưng vẫn cứ bị ngã xuống đau thương. Thế nên lời cầu nguyện của anh chất chứa tâm tình thống hối, khiêm nhu, khẩn thiết, cậy trông, chân thành: “Lạy Chúa, xin thương tôi”. Không dám ngước mắt lên trời nhưng lại thấy được tình Chúa bao la vẫn còn hơn đứng thẳng ngước cao mà chẳng khám phá yêu thương đâu cả.

Nhìn vào tha nhân để tự mãn là thất sách. Nhưng nhìn vào Chúa để khẩn nài và bước theo là lối đường tôi được mời gọi đi tới. Bao người thu thuế đã nhìn vào Đức Kitô, gặp gỡ được tình thương, sau đó “ra về và được nên công chính”, như Mathêu và Giakêu. Họ đã làm chắc nhịp cầu với Thiên Chúa khi bước theo Đức Kitô và nối kết nhịp cầu với tha nhân khi “xin bố thí cho kẻ khó nửa phần của cải, và đền bù gấp bốn cho kẻ bị thiệt oan”(Lc 19:8).

Cầu nguyện để tiến sâu hơn vào tình thương và mối hiệp thông với Thiên Chúa và con người chính là bài học mà Đức Kitô muốn trao ban cho nhân loại hôm nay.

Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R.