PDA

View Full Version : Không cầu nguyện, không còn lý do để tồn tại



Yến Châu
26-10-2010, 12:18 PM
* Giờ dành riêng

Để có được một tương quan sâu đậm với Chúa trong cuộc sống ồn ào đời thường hằng ngày thì trước tiên cần có giờ dành riêng cho Chúa bởi trong những phút giây thinh lặng sâu thẳm, nhất là sống sự Hiện Diện của Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta múc được từ nguồn suối một dòng nước trường sinh, một biển tình yêu thương tha thứ, một niềm vui hạnh phúc tràn đầy mà trần gian không thể có được.

“Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự ở giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự bằng những cách khác, ví dụ hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện trong Giáo Hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hay ba người họp nhau cầu nguyện (x. Mt 18,20). Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là: Đức Kitô không đồng hoá với Lời Kinh Thánh, Lời Kinh Thánh được đọc lên không là bản thân Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng hoá với người nghèo, vì người nghèo không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói trong diễn từ về phán xét cánh chung (x. Mt 25,35-36).

Trái lại nơi Bí tích Thánh Thể, sau lời truyền phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và Máu Ngài. Trong Bí tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thực và đặc biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi (conversio eucharistica) mà Công đồng Trentô cho rằng từ ngữ “biến thể” (transubstantiatio) phù hợp nhất để diễn tả. Tác động thay đổi này, chính là công việc Chúa Thánh Thần làm khi linh mục đọc lời Truyền Phép (Thánh Hoá?)” (Gm. BVĐ, TCBN và BTTT của, tr. 315).

Mỗi lần chúng ta ở trước Ngài là mỗi lần thách đố niềm tin trong việc tương quan của chúng ta. Ở trước Ngài: Có phải Ngài như thầy thuốc gây mê làm chúng ta đồng ý gật lắc lia lịa? Có phải Ngài làm cho chúng ta lên cơn đói nhíu mắt “thèm thuồng” đến nỗi chảy cả dãi ra? Có phải Ngài làm cho chúng ta buồn chán mọi sự thế gian đến nỗi ngấy cả người ngáp rách cả mép ra? Có phải Ngài nối mạng Internet để đầu óc chúng ta chiếu phim nhiều thể loại, nhiều thể hình...? Thế đấy! Lúc này đây mới biết chúng ta nghèo chừng nào. Cái nghèo tệ nhất vẫn là nghèo tình yêu trong mối tương quan. Cái nghèo của người đang sống trong Nước Trời mà không cảm nhận niềm vui và hạnh phúc.

Khi chúng ta được đụng chạm đến Ngài là lúc chúng ta rước Ngài trong Thánh Lễ; hoặc chúng ta được chiêm ngắm Ngài là lúc chúng ta chầu thinh lặng trước Thánh Thể. Qua đó chúng ta có hạnh phúc, bình an, vui tươi, tràn đầy, gần gũi và nhất là được Ngài hướng dẫn chỉ bảo trong đường lối đời sống thường ngày ở giữa chợ đời của chúng ta.

Trong nhà dòng có anh em hay chị em nhắc nhở, lôi kéo người tu sĩ vào nề nếp kỷ luật khuôn phép đâu vào đó, ổn định trật tự đúng lúc đúng nơi; có bề trên cảnh cáo răn đe sửa phạt... giữ lại hay tống cổ loại ra (và còn có thể có những chuyện làm cho người tu sĩ... sợ!!!). Còn chúng ta có gì? Có gì làm cho chúng ta sợ? Thưa chẳng có gì và cũng chẳng sợ gì nên nếu không có những giờ cầu nguyện tự nguyện hằng ngày thì chúng ta không còn lý do để tồn tại trong ơn gọi này. “Một ngày không cầu nguyện giống như một ngày không có mặt trời, một vườn hoa không có hoa”.

* Cầu nguyện trong cuộc sống đời thường

Tương quan với Chúa mọi nơi mọi lúc trong mọi công việc hay trong mọi biến cố, đó là cầu nguyện. Sống sự Hiện Diện với cảnh vật cỏ cây thiên nhiên, đó là cầu nguyện. Sống sự Hiện Diện nơi những người thân cận, đó là cầu nguyện. Cầu nguyện dễ dàng đơn giản nhẹ nhàng như hơi thở. Cầu nguyện không ở trong thời gian mà thời gian ở trong cầu nguyện. Đó không còn là một người đang cầu nguyện nữa, mà chính là lời cầu nguyện đã trở thành con người. Và lúc đó, không có người lữ hành nào cô đơn trên con đường đi về Vĩnh Cửu bởi vì Chúa cùng đi với họ. Nhờ đời sống cầu nguyện nên chúng ta luôn luôn như là đứa trẻ trong lòng mẹ trên trần gian này. “Chúng ta, những kẻ giữa chợ đời, chúng ta tin mạnh mẽ rằng phố chợ này, thế giới này, Chúa đã đặt chúng ta vào, chính là nơi chúng ta được nên thánh” (Madeleine Delbrêl).

* Đón nhận người mới

Một người mới toanh đến với chúng ta, chúng ta muốn giữ họ “ở lại” (ở lại với Chúa, ở lại với nhau, tức là có liên đới) thì có cần bày trò ra cho họ tiêu khiển không? Chúng ta có cần bịa ra những nghi lễ khác lạ để tạo ra những cảm giác rờn rợn làm cho họ khoái chí không? Có cần tổ chức những buổi họp mặt đùa giỡn cho họ khuây khoả không? Hay có cần phải tạo ra những bữa ăn vui vẻ cười đùa khoái chí cho họ thoả thuê không? Hoặc có cần dựa vào thế giá của các đấng bậc để được vinh dự, để khiêu khích lòng ham thích của họ không?

Tại sao họ đến với chúng ta? Họ tìm gì ở nơi chúng ta? Họ chờ đợi gì nơi chúng ta? Họ hy vọng gì ở nơi chúng ta? Cái gì sẽ làm cho họ ở lại? Nếu ngay từ đầu họ nói với chúng ta là họ không thích thích cầu nguyện thì chúng ta xử trí như thế nào? Nếu người nào đó đến với chúng ta mà tối ngày chỉ rên rỉ kêu ca khó khăn, khổ đau, chán nản... thì chúng ta có cách nào giúp họ không? Có người cũng đã cầu nguyện lâu ngày nhưng lại vẫn cứ nhăn nhó khổ đau buồn khổ... chúng ta có sốt ruột không? Nếu người nào đó đến với chúng cốt chỉ để tìm nơi nương tựa bảo đảm cho khi sống, khi đau, khi chết... thì có hợp với ơn gọi của chúng ta không? Nếu có người đã có một quá trình sống hoạt động từ thiện bác ái bay nhảy tứ tung... nay chúng ta có dễ dàng thuyết phục họ “ở lại” không? Có người cứ thích được công nhận vào ơn gọi của chúng ta nhưng lại chẳng cần liên đới với ai, quan tâm đến ai, nhất là trong hệ thống tổ chức thì chúng ta có “buồn” đến với họ nữa không?... Đây là những vấn đề chung của chúng ta mà trong đời sống cầu nguyện, chúng ta cũng sẽ gặp để mỗi người trong chúng ta biết ứng xử như thế nào cho đúng.

* Cuối cùng

Các bài viết về Ơn gọi của chúng ta. Đó là tất cả nỗi lòng của một người tha thiết với ơn gọi sống cầu nguyện giữa đời nhưng xét cho tận cùng thì những bài viết này cũng chỉ là những lý sự cùn. Việc Thiên Chúa thực hiện mới là tất cả. Mỗi người trong chúng ta cứ hết lòng thu xếp để có giờ dành riêng và sống kết hợp mật thiết với Chúa trong công việc hằng ngày, còn những việc khác thì cứ để Chúa làm và chúng ta cứ thế là đón nhận. Sướng ơi là sướng.

“Thật con ở với Chúa luôn

Tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rời

Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa

Chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời”.
(Tv 72,28)


(Sưu tầm) Theo Truyền thông Công Giáo

Yến Châu
21-11-2010, 05:00 AM
Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng Đức Tin trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học.

Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối Nhà Thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère.

Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi: “Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?”

Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ: “Thưa Thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép Thầy cho con hỏi một vấn đề liên quan đến Đức Tin!”

Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn: “Anh lầm rồi, Đức Tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm ?”

Chàng sinh viên liền hỏi: “Thưa Thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?” Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:

“Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!”


Theo TTCG