PDA

View Full Version : Tại Sao 3 Biến Cố Thánh Mẫu Đều Liên Tục Xẩy Ra ở Pháp Quốc Trong Cùng Thế Kỷ 19



caoduc
25-05-2008, 11:21 AM
Tại Sao 3 Biến Cố Thánh Mẫu Đều Liên Tục Xẩy Ra ở Pháp Quốc Trong Cùng Thế Kỷ 19



§ Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Tại Sao 3 Biến Cố Thánh Mẫu Đều Liên Tục Xẩy Ra ở Pháp Quốc Trong Cùng Thế Kỷ 19 Bao Gồm Cả Biến Cố Lộ Đức 1858



Thánh Louis Montfort với Thời Điểm Maria

-----Phải chăng Thánh Louis Montfort (Long-Mộng-Phố), từ đầu thế kỷ 17, đã tiên báo thật chính xác về Thời Điểm Maria trong tác phẩm Thánh Mẫu thời danh của ngài là cuốn “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria”, ở những đoạn sau đây (những chỗ được in đậm là do người viết tự nhấn mạnh)

-----. “Thiên Chúa muốn làm cho Mẹ Maria, tuyệt phẩm của bàn tay Ngài, được tỏ hiện và nhận biết vào những thời buổi sau này”. (đoạn 50)
-----“Vào những thời buổi sau này, Mẹ Maria cần phải chiếu sáng hơn bao giờ hết về tình thương, quyền phép và ân sủng; về tình thương, để mang về và ưu ái đón nhận thành phần tội nhân và hoang đàng đáng thương cần phải hoán cải và trở về với Giáo Hội Công Giáo; về quyền phép, để chống lại thành phần thù địch với Thiên Chúa, thành phần muốn nổi dậy một cách đáng sợ để dụ dỗ và thắng đoạt, bằng những hứa hẹn và đe dọa, tất cả những ai chống lại họ; sau hết, Mẹ cần phải sáng tỏ về ân sủng để phấn khởi và hỗ trợ thành phần quân quốc tinh nhuệ và tôi tớ trung thành của Chúa Giêsu Kitô đang vì Người mà chiến đấu”. (đoạn 50.6)

-----“Cuối cùng, Mẹ Maria cần phải trở thành một đạo binh dàn trận kinh hoàng đối với ma quỉ và thành phần theo hắn, nhất là vào những thời buổi sau này. Đối với Satan, vì biết rằng mình không còn bao nhiêu thời gian – hiện nay còn ít hơn bao giờ hết – để hủy hoại các linh hồn, đã gia tăng các nỗ lực của hắn và những cuộc công kích của hắn hằng ngày. Hắn sẽ không ngần ngại khuấy động lên những cuộc bách hại tàn ác và đặt các thứ cạm bẫy xảo quyệt đối với thành phần tôi tớ trung thành và con cái của Mẹ Maria, thành phần hắn thấy khó chế ngự hơn những kẻ khác” (đoạn 50.7)
-----“Quyền năng của Mẹ trên các thần dữ đặc biệt sẽ tỏ ra vào những thời buổi sau này, khi mà Satan sẽ rình cắn gót chân Mẹ, tức là cắn thành phần tôi tớ khiên hạ của Mẹ và con cái bần cùng của Mẹ, thành phần Mẹ sẽ làm dậy lên để chống lại hắn. Trước mắt của thế gian thì họ chỉ là những gì nhỏ mọn và bần cùng, và giống như gót chân, thấp hèn trước mắt thế của tất cả mọi người, bị giầy xéo và chà đạp như gót chân đối với các phần thể khác trong thân thể vậy. Thế nhưng, bù lại, chính vì thế mà họ sẽ được trở nên phong phú trong ân sủng của Thiên Chúa là những gì Mẹ Maria sẽ dồi dào tuôn đổ xuống trên họ. Họ sẽ nên cao cả và được tôn vinh trong thánh đức trước nhan Thiên Chúa. Họ sẽ trổi vượt trên tất cả mọi tạo vật bởi lòng nhiệt thành cao cả của họ, và họ sẽ được ơn trợ giúp thần linh nâng đỡ đến nỗi, liên kết với Mẹ Maria, họ sẽ đạp nát đầu Satan bằng gót chân của họ, tức là bằng lòng khiêm hạ của họ, để mang chiến thắng về cho Chúa Giêsu Kitô”. (đoạn 54)
-----“Sau hết, Thiên Chúa, vào những thời buổi ấy, muốn Người Mẹ Thánh của Ngài được nhận biết, mến yêu và tôn kính hơn bao giờ hết. Điều này chắc chắn sẽ xẩy ra nếu thành phần được tuyển chọn, nhờ ân sủng và ánh sáng của Thánh Linh, chấp nhận thực hiện việc tôn sùng sâu xa và trọn hảo tôi sẽ bày tỏ sau đây. Bấy giờ đức tin giúp họ có thể rõ ràng thấy được Ngôi Sao Biển tuyệt vời ấy. Theo sự hướng dẫn của Mẹ, họ thấy được ánh quang rạng ngời của vị Nữ Vương này và sẽ hoàn toàn hiến thân phục vụ Mẹ như là thành phần tùy thuộc và nô lệ của tình yêu. Họ sẽ cảm nghiệm được sự nhân hậu và âu yếm từ mẫu của Mẹ đối với con cái của Mẹ. Họ sẽ thiết tha mến yêu Mẹ và sẽ cảm nhận được Mẹ đầy cảm thương biết bao, và họ được Mẹ giúp đỡ là chừng nào. Trong mọi hoàn cảnh, họ sẽ chạy đến cùng Mẹ là vị biện hộ của họ và là mối giới của họ trước Chúa Giêsu Kitô. Họ sẽ thấy rõ ràng Mẹ là con đường an toàn nhất, dễ dàng nhất, ngắn ngủi nhất và trọn hảo nhất để đến với Chúa Giêsu, và sẽ không ngần ngại trao phó bản thân mình cho Mẹ, cả xác lẫn hồn, để được hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu”. (đoạn 55)

-----Chưa hết, trong một tác phẩm Thánh Mẫu khác, Bí Mật Maria, ở số 59, thánh nhân còn nói rõ hơn nữa về Thời Điểm Maria với thành phần Tông Đồ Thánh Mẫu của Mẹ như sau:

-----. “Chúng ta có lý để mà tin rằng, càng đến ngày cùng tháng tận và có lẽ sớm hơn chúng ta tưởng, Thiên Chúa sẽ làm nổi dậy những con người cao cả tràn đầy Thánh Thần và thấm đẫm tinh thần của Mẹ Maria. (Người dịch tự nhiên nghĩ đến vị Giáo Hoàng Totus Tuus là Đức Gioan Phaolô II ở đây). Qua họ, Mẹ Maria, Vị Nữ Vương uy quyền nhất, sẽ thực hiện những điều kỳ diệu trên thế giới này, bằng việc hủy hoại tội lỗi và thiết lập vương quốc của Chúa Giêsu Con Mẹ trên những tàn rụi của vương quốc thế gian băng hoại. Những con người thánh thiện ấy sẽ hoàn thành điều này bằng việc tôn sùng được tôi chấm phá những nét chính yếu mà thôi bởi trình độ thiếu khả năng của tôi”.

-----Tất cả những gì Thánh Long Mộng Phố nói về Thời Điểm Maria đã ứng nghiệm một cách hiển nhiên hơn bao giờ hết và đã trở thành hiện thực đặc biệt nơi Biến Cố Fatima 1917, qua lời Mẹ Maria nói với chung 3 Thiếu Nhi Fatima và riêng Thiếu Nhi Fatima lớn nhất là Lucia vào lần hiện ra thứ hai 13/6/1917 rằng: “Con phải ở lại thế gian lâu hơn. Vì Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”. Và vào lần hiện ra thứ ba ngày 13/7/1917, Mẹ lại tiết lộ một lần nữa về vấn đề này ở ngay đầu phần thứ hai của Bí Mật Fatima là “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”.

-----Phải chăng tất cả những lời tiên báo của Thánh Long Mộng Phố về Thời Điểm Maria hoàn toàn được nên trọn và sáng tỏ nơi Biến Cố Thánh Mẫu Fatima đúng 200 năm sau khi ngài qua đời (1716-1917) là những gì cũng đã được từ từ sáng tỏ trong thế kỷ 19 và từ đầu thế kỷ 19 với 3 Biến Cố Thánh Mẫu quan trọng đều xẩy ra ở Pháp Quốc: thứ nhất là Biến Cố Thánh Mẫu Ban Ơn ở Ba Lê năm 1830, rồi tới Biến Cố Thánh Mẫu Châu Lệ ở La Salette năm 1846, và Biến Cố Thánh Mẫu Vô Nhiễm ở Lộ Đức năm 1858.

Tại sao Pháp quốc?


-----Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Pháp quốc – tức là tại sao 3 Biến Cố Thánh Mẫu mở màn cho Thời Điểm Maria lại xẩy ra và đều xẩy ra ở Pháp quốc trong cùng thế kỷ 19?

-----Thật vậy, để có thể thấu hiểu được lý do tại sao xẩy ra các Biến Cố Thánh Mẫu, nhất là 3 Biến Cố Thánh Mẫu mở màn trong thế kỷ 19 ở tại cùng một quốc gia Pháp quốc, nhờ đó, nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa của các Biến Cố Thánh Mẫu khẩn trương này, cần phải thấy được bối cảnh lịch sử của chúng.

-----Lịch sử thế giới đã hiển nhiên cho thấy những sự kiện hiển nhiên không thể chối cãi liên quan đến chung Âu Châu và riêng Pháp Quốc như sau:
-----Thứ nhất, địa dư của thế giới hiện nay, bao gồm cả Mỹ Châu và Đại Dương Châu là do công khám phá của Âu Châu từ cuối thế kỷ thứ 16.
-----Thứ hai, văn minh (khoa học và kỹ thuật) và văn hóa (nhân bản và nhân quyền) của thế giới hiện nay, (ngoại trừ ở nhiều nơi thuộc thế giới Ả Rập Hồi Giáo), đều mang tính chất Tây phương, hay ít là chịu ảnh hưởng sâu đậm, (thậm chí có những nền văn hóa nơi thành phần di dân bị đồng hóa), bởi văn minh và văn hóa Tây phương, bắt nguồn chính yếu từ Âu Châu.
-----Thứ ba, Âu Châu là nơi đã xẩy ra những cuộc cách mạng quyết liệt nhất và quan trọng nhất về văn minh và văn hóa, đến làm biến đổi cả lịch sử loài người, như cách mạng triết học vào tiền bán thế kỷ 16, với khám phá về thiên văn của khoa học gia Balan Nicolaus Copernicus năm 1543; cách mạng kỹ nghệ ở Hiệp Vương Quốc và cách mạng chính trị vào hạ bán thế kỷ 18, với cuộc Cách Mạng Pháp 1789; và cách mạng xã hội vào thế kỷ 20, với cuộc Cách Mạng Tháng 10 ở Nga.
-----Trong các cuộc cách mạng hoàn toàn xẩy ra từ Âu Châu hay văn minh Tây phương này, quan trọng nhất là cuộc cách mạng về chính trị ở Pháp năm 1789, một cuộc cách mạng về chính trị đã làm biến đổi hầu như toàn thể “bộ mặt trái đất” cho tới nay, song là một cuộc cách mạng bị ảnh hưởng sâu xa bởi cuộc cách mạng về ý hệ từ đầu thế kỷ 18, thời điểm được lịch sử gọi là Thời Minh Tri, thời lý trí của con người như được “giác ngộ”, bừng tỉnh về đủ mọi phương diện, nhất là về phương diện nhân bản và nhân quyền.

-----Thế nhưng, cũng từ thời điểm “giác ngộ” của lý trí con người này, một Âu Châu Tây Phương càng ngày càng nhận thức được nhân phẩm và nhân quyền, tức càng văn minh về nhân bản, thì lại càng bắt đầu tiến đến chỗ phá sản về văn hóa là chính đích điểm nhắm tới của Thời Minh Tri, đến nỗi, vào đầu thiên kỷ thứ ba đây, không ai có thể phủ nhận được hiện tượng hay sự kiện thế giới càng văn minh con người càng bạo loạn.

-----Trong Huấn Từ cho Công Nghị Toàn Ý Quốc Về Giáo Hội Lần 4 ở Trung Tâm Triển Lãm Verona 19/10/2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhận định và cảnh giác về tác hại của chủ nghĩa Minh Tri như sau:

-----“Nước Ý ngày nay biểu lộ cho chúng ta thấy một đất nước rất thiếu thốn và đồng thời lại là một nơi thuận lợi cho chúng ta làm nhân chứng. Quốc gia này vô cùng thiếu thốn vì nó tham gia vào một thứ văn hóa đang thống trị Tây phương và tìm cách tỏ ra như mình là phổ quát và độc lập, những gì làm nẩy sinh ra một lối sống mới.

-----“Từ đó xuất phát một làn sóng minh tri chủ nghĩa và thế tục chủ nghĩa, những chủ nghĩa cho rằng chỉ có những gì kinh nghiệm thấy và tính toán được mới có giá trị hợp lý, trong khi đó, về phương diện thực hành thì tự do cá nhân được xem là một thứ giá trị căn bản chi phối tất cả mọi thứ giá trị khác.

-----“Bởi thế, Thiên Chúa là Đấng vẫn bị loại trừ ra khỏi văn hóa và sinh hoạt quần chúng, và niềm tin vào Ngài trở nên khó khăn hơn, cũng chỉ vì chúng ta sống trong một thế giới mà dường như lúc nào cũng được coi là do chúng ta tạo nên, mà có thể nói rằng Thiên Chúa không còn thực sự hiện diện nữa, mà dường như đã trở thành thừa thãi, thậm chí không còn chỗ đứng nữa.

-----“Liên quan chặt chẽ với tất cả những điều này, đã diễn ra tình trạng sâu xa biến giảm con người, thành phần chỉ được xem là một sản phẩm của thiên nhiên và bởi thế họ không thực sự có tự do, và tự mình có thể bị đối xử như một loài thú mà thôi. Bởi thế, mới xẩy ra tình trạng thực sự đảo lộn cái khởi điểm của nền văn hóa này, một khởi điểm đã được bắt đầu bằng việc chủ trương lấy con người và tự do của họ là những gì chính yếu.

-----“Cũng theo chiều hướng này, đạo lý được giam giữ trong giới hạn của chủ nghĩa tương đối và duy thực dụng, loại bỏ mọi quy tắc luân lý hợp lý và tự bản chất có tính cách trói buộc. Chúng ta còn dễ thấy được lý do tại sao loại văn hóa này tiêu biểu cho một thứ sâu xa thực sự tách rời chẳng những khỏi Kitô giáo, mà nói chung khỏi cả các truyền thống tôn giáo và luân lý của nhân loại nữa. Vì thế nó không thể thực hiện việc đối thoại đích thực với các nền văn hóa khác có chiều kích tôn mạnh mẽ, chưa kể tới việc không thể trả lời nổi các nan đề căn bản về ý nghĩa và đường hướng của cuộc đời chúng ta. Bởi vậy, thứ văn hóa này được đánh dấu bằng một tình trạng bị hụt hẫng sâu nặng, nhưng cũng bằng một nhu cầu hy vọng lớn lao được che đậy một cách vụng về”.
-----Về vấn đề lý do tại sao Âu Châu hay văn minh Tây phương lại bị khủng hoảng đến băng hoại như thế, thậm chí trở nên nguy hiểm có thể tiến tới chỗ tự diệt vong, đã được vị Giáo Hoàng Triết Gia nhân bản Gioan Phaolô II phân tích trong tác phẩm cuối đời của mình, “Hồi Niệm và Căn Tính” (phổ biến ngày 22/2/2005), một tác phẩm, qua nhan đề cho thấy rõ ý định nơi tác giả của nó muốn nhắn nhủ Âu Châu và văn minh Tây phương hãy thành thực phản tỉnh để lấy lại căn tính của mình.

-----Theo Đức Gioan Phaolô II, sở dĩ Âu Châu (và từ Âu Châu lan đến toàn thế giới) đã đi đến thảm trạng này là vì châu lục ấy đã phủ nhận căn tính Kitô giáo của mình, phủ nhận Ơn Cứu Chuộc, bằng việc chấp nhận và sống theo ý hệ duy nhân bản sai lầm về con người, một ý hệ phát xuất từ Thời Minh Tri hay Chủ Nghĩa Minh Tri (Enlightenment) chủ trương duy lý, một thời đã bị ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng triết học trước đó của một triết gia người Pháp là Descartes.

-----Đúng thế, trong tác phẩm “Hồi Niệm và Căn Tính” 2005, (Chương 2 về “Những Ý Hệ của Sự Dữ”, ấn bản Anh ngữ, trang 7-12), vị giáo hoàng từng dạy triết lý ở Balan đã viết (những chữ đậm do người viết tự nhấn mạnh):
-----“Qua năm tháng, tôi càng ngày càng thâm tín rằng các thứ ý hệ sự dữ được cắm rễ sâu trong lịch sử tư tưởng triết học Âu Châu. Ở đây tôi cần phải đề cập tới một số khía cạnh của lịch sử Âu Châu, nhất là các xu hướng văn hóa chủ chốt của nó. Khi bức thông điệp về Chúa Thánh Thần được ban hành (biệt chú của người dịch: bức thông điệp được ngài ký ngày 18/5/1986), đã xẩy ra một số phản ứng tiêu cực từ một số thành phần ở Tây Phương. Cái gì đã thúc động những phản ứng ấy? Chúng xuất phát từ cùng nguồn mạch được gọi là chủ nghĩa Minh Tri Âu Châu trên hai thế kỷ trước đó, nhất là Minh Tri Pháp quốc, mặc dù không nói đến các kiểu Minh Tri khác như Anh, Đức, Tây Ban Nha và Ý. Chủ nghĩa Minh Tri ở Balan theo đường lối riêng của mình. Tuy nhiên, Nga hoàn toàn thoát khỏi cuộc đột biến Minh Tri này. Ở Nga, cuộc khủng hoảng của truyền thống Kitô giáo xuất phát từ một hướng khác, được bùng lên vào đầu thế kỷ 20 một cách mãnh liệt hơn nữa nơi hình thức của cuộc cách mạng Mat-xít vô thần cực đoan.

-----“Để hiểu rõ hơn về hiện tượng này, chúng ta cần phải trở về với giai đoạn trước Thời Minh Tri, nhất là với cuộc cách mạng gây ra bởi tư tưởng triết lý của Descartes. Câu cogito, ergo sum (tôi nghĩ nên tôi là) là những gì đã làm biến đổi tận gốc rễ đường lối thể hiện triết học. Vào giai đoạn trước Descartes thì triết lý, vấn đề phải nói là cogito (nghĩ tưởng) hay nói cách khác là cognosco (ý nghĩ), yếu tố thấp hơn esse (yếu tính) là yếu tố được coi là phải có trước. Thế nhưng, đối với Descartes, yếu tính lại là những gì thứ yếu, và ông cho cogito (nghĩ tưởng) là tiền hữu. Điều này chẳng những làm thay đổi chiều hướng triết lý hóa mà còn đánh dấu một cuộc dứt khoát loại trừ những gì triết lý vẫn có cho tới bấy giờ, nhất là triết lý của Thánh Tôma Aquinas được gọi là triết lý về esse (yếu tính). Trước đó, mọi sự đều được giải thích theo quan điểm yếu tính và việc giải thích mọi sự đều được căn cứ vào quan điểm này. Thiên Chúa, một Hữu Thể Toàn Mãn (Ens subsistens) được tin là căn nguyên thiết yếu của hết mọi ens non subsistens, ens participatum, tức là của tất cả mọi vật được tạo thành, bao gồm cả con người. Câu cogito, ergo sum đã đánh dấu một cuộc thoát ly từ chính giới tuyến suy nghĩ ấy. Giờ đây ens cogitans (vật nghĩ tưởng) đã chiếm phần ưu thế. Sau Descartes, triết lý trở thành một khoa học thuần nghĩ tưởng: tất cả esse (yếu tính) – nơi cả thế giới tạo sinh lẫn Hóa Công – đều ở trong phạm vi của cogito (nghĩ tưởng), như những gì được chất chứa nơi tâm thức con người. Triết học bấy giờ tự cho mình là các hữu thể như là nội dung của tâm thức, chứ không phải các hữu thể như là những gì hiện hữu tách biệt khỏi nó.

-----“… Những diễn tiến về triết lý xẩy ra ở Tây Âu sau Thời Minh Tri. Trong các điều được nói tới, người ta nói về vấn đề ‘suy thoái của chủ nghĩa thực thể Tôma’, và vấn đề này được hiểu là bao gồm cả việc loại bỏ đi Kitô giáo là một thứ nguồn mạch cho việc triết lý hóa. Đặc biệt là ngay cả vấn đề có thể đạt tới Thiên Chúa cũng được xét lại. Theo lý lẽ của cogito, ergo sum thì Thiên Chúa trở thành một yếu tố trong tâm thức của con người; Ngài không còn được coi là ý nghĩa tối hậu cho cái sum (là) của con người nữa. Ngài cũng chẳng còn là Ens subsistens hay ‘Hữu Thể Toàn Mãn’ nữa, không còn là Đấng Hóa Công, là Đấng làm cho mọi sự hiện hữu, tệ nhất là Ngài không còn là Đấng ban mình nơi mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Cứu Chuộc và mầu nhiệm ân sủng nữa. Vị Thiên Chúa của Mạc Khải không còn hiện hữu như ‘Thiên Chúa của các triết gia’ nữa. Tất cả những gì còn lại chỉ là ý tưởng về Thiên Chúa mà thôi, một đề tài tùy tâm tưởng con người khám phá.

-----“Như thế, các nền tảng về ‘triết lý sự dữ’ cũng bị sụp đổ theo. Sự dữ, theo ý nghĩa thực thể thì nó chỉ hiện hữu trong tương quan với sự thiện, nhất là với Thiên Chúa, Sự Thiện tối cao. Đó là sự dữ được Sách Khởi Nguyên nói tới. Chính từ quan điểm này mới có thể hiểu được nguyên tội, cũng thế, mới có thể hiểu được tất cả mọi cá tội. Sự dữ này đã được Chúa Kitô cứu chuộc trên Thập Tự Giá. Nói một cách chính xác thì con người được cứu chuộc và thông phần vào sự sống của Thiên Chúa nhờ việc cứu độ của Chúa Kitô. Tất cả những điều ấy, toàn thể thảm kịch của lịch sử cứu độ ấy đã biến mất đối với chủ nghĩa Minh Tri. Chỉ còn lại một mình con người mà thôi: một mình con người đóng vai như là một tay làm nên lịch sử của họ cùng với văn minh của họ; một mình con người đóng vai như là một kẻ quyết định điều thiện sự ác, như là một kẻ muốn hiện hữu và tác hành như thể không có Thiên Chúa etsi Deus non daretur.

-----“Nếu con người có thể tự mình quyết định, không cần Thiên Chúa, những gì là thiện và những gì là ác, thì họ cũng có thể quyết định hủy diệt cả một nhóm người. Những quyết định kiểu ấy đã được thực hiện, chẳng hạn, bởi những kẻ cầm quyền Third Reich (biệt chú của người dịch: tức Chế Độ Nazi ở Đức 1933-1945, sau hai đế quốc trước đó là Đế Quốc Đức 1871-1918 và Đế Quốc Rôma Thánh 962-1806) bằng đường lối dân chủ, trong việc chỉ lạm dụng quyền bính của mình để thực hiện những dự án gian ác của ý hệ Xã Hội Quốc Gia theo các nguyên tắc duy chủng tộc. Những quyết định tương tự cũng được thực hiện bởi đảng Cộng sản ở Nga Sô cũng như ở các xứ sở khác theo ý hệ Mát Xít. Đó là cái lý lẽ giành để diệt chủng người Do Thái, cùng các nhóm khác như nhân dân Romania, thành phần dân quê xứ Ukraine, và hàng giáo sĩ Chính Thống lẫn Công Giáo ở Nga, ở Belarus và cả ở bên ngoài rặng núi Urals (biệt chú của người dịch: một rặng núi ở Nga thường được coi là lằn biên phân chia ranh giới giữa Âu Châu và Á Châu). Cũng thế, tất cả những ai ‘không thuận lợi’ cho chế độ đều bị bách hại; chẳng hạn, thành phần không còn là chiến binh Tháng Chín 1939, những người lính thuộc Quân Đội Quốc Gia ở Balan sau Thế Chiến Thứ Hai, và những người thuộc thành phần trí thức không chấp nhận ý hệ Mát Xít hay Nazi. Bình thường cuộc bách hại này là việc bị loại trừ về thể lý, nhưng đôi khi bị loại trừ về luân lý nữa, ở chỗ, con người không nhiều thì ít bị cấm đoán hành sử các quyền lợi của mình…”


Giáo Hội Công Giáo Bảo Trì Gia Sản Kitô Giáo cho Âu Châu


-----Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao, cho tới thể kỷ 19, với một gia sản phong phú về văn minh khoa học và kỹ thuật đệ nhất thiên hạ như thế và với một ý hệ văn hóa về nhân bản và nhân quyền như thế, Âu Châu, vào tiền bán thế kỷ 20, lại là nơi diễn ra hai Thế Chiến I (1914-1918) và II (1939-1945), lại có hai chế độ độc tài sắt máu hoàn toàn phản nhân bản và phi luân lý, đó là chế độ Đức Quốc Xã và chế độ Cộng Sản?

-----Tại sao cho tới đầu thiên kỷ thứ ba Kitô giáo này, cho tới thể kỷ 21 này, Âu Châu, một châu lục Kitô Giáo lại trở thành một đại lục mất gốc, hoàn toàn chối bỏ yếu tố chính yếu hình thành nên văn hóa của mình, hiển nhiên nhất qua bản hiến pháp của Khối Hiệp Nhất Âu Châu, một bản hiến pháp cho tới nay vẫn chưa hoàn thành?

-----Đó là lý do không lạ gì Âu Châu đã là mối quan tâm sâu xa của những vị Giáo Hoàng trong Thời Điểm Maria, cả trong thế kỷ 19 lẫn thế kỷ 20 và 21. Trong thế kỷ 19 có Đức Gregory XVI, Piô IX và Lêo XIII, trong thế kỷ 20 có Đức Piô X, XI, XII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II, và trong thế kỷ 21 có Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

-----Vừa mở màn cho Thời Điểm Maria năm 1830, chúng ta thấy xuất hiện một Đức Gregory XVI (1831-1846), ở Thông Điệp Mirati Vos ban hành vào năm 1832, ngài đã cảnh báo về một thứ “tự do quá trớn (excessive) và ngông cuồng (extravagant) về tư tưởng đang tràn lan rộng rãi tác hại cả Giáo Hội và xã hội dân sự”.

-----Ngày 8-12-1864, Giáo Hoàng Chân Phước Piô IX (1846-1878), để vạch trần bộ mặt giả trá và ghê gớm của trào lưu tân tiến “tự do quá trớn (excessive) và ngông cuồng (extravagant) về tư tưởng đang tràn lan rộng rãi tác hại cả Giáo Hội và xã hội dân sự” ấy, đã phổ biến một bản tóm lược các sai lầm (Syllabus of Errors) bao gồm 80 điều về tất cả những gì lệch lạc xẩy ra như là hậu quả của Thời Âu Châu Cách Mạng (về triết lý, kỹ nghệ lẫn chính trị) thuộc thế kỷ 18 và 19, những sai lầm đã ảnh hưởng và tác hại rất nhiều đến tín lý, luân lý, nhất là quyền bính của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Piô IX còn nghiêm bác các sai lầm của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, các Hội Kín, các Hội Thánh Kinh, các Hội Giáo Sĩ Cấp Tiến trong Thông Điệp Quibus Quantisque ngày 9-11-1846, Noscitis et Nobiscum 8-12-1849 và Quante Conficiamur 10-8-1863.

-----Đức Lêô XII (1878-1903) cũng đã ban hành Thông Điệp Humanum Genus ngày 20-4-1884 để cảnh giác và luận bác Hội Kín Tam Điểm, một hiện thân chứng thực và sống động của Thời Minh Tri và Chủ Nghĩa Minh Tri duy nhân bản, một tổ chức có thể nói là một thứ tôn giáo tôn thờ Tự Nhiên, một Hội Kín chống lại và hủy hoại tất cả những gì là lỗi thời cũ kỹ, để xây dựng lại một “New World Order” (Trật Tự Thế Giới Mới) cho một “New Age” (Thời Đại Mới). Hội Nghị Quốc Tế ở Trent Ý quốc Chống Tam Điểm trong thời đoạn 26-30/9/1896, đã phổ biến một bản tổng lược về đề cương hoạt động của Hội Tam Điểm. Bản tóm lược đề cương hoạt động của Hội Tam Điểm trên đây có thể được đúc kết nơi lời của Dom Paul Benoit trong La Franc Maconnerie như sau: “Nguyên tắc căn bản riêng của chúng ta là chối bỏ mọi giáo điều; khởi điểm của chúng ta là không không; chối bỏ, luôn luôn chối bỏ: phương pháp của chúng ta là như thế; nó sẽ dẫn chúng ta đến việc đặt thành những nguyên tắc: vô thần nơi tôn giáo; vô chủ nơi chính trị; vô sản nơi chính trị kinh doanh”

-----Sang thế kỷ 20, để tiếp tục giúp cho con cái mình có thể nhận ra những sai trái hay mặt trái của thành phần “phản kitô”, cũng như để bảo vệ họ khỏi bị “cỏ lùng trong ruộng” tân thời lấn át, Giáo Hội đã lần lượt ban hành các văn kiện chính thức sau đây:
-----Ngày 8-9-1907, Đức Piô X đã ban hành Thông Điệp Pascendi Dominici Gregis về các giáo điều của thành phần tân tiến thuyết, trong đó ngài chẳng những đã kỹ lưỡng phân tích và bài bác họ, mà còn, ở cuối bức thông điệp, ngài còn lên án 65 điều sai lầm của họ trong bản Bản Tổng Kê được gọi là Sắc Lệnh Lamentabili Sane đã được ban hành ngày 3-7-1907 bởi Tòa Tra Vấn Hội Thánh Rôma và Hoàn Vũ. Sắc Lệnh này, trước khi nói đến từng điều sai lầm, đã được mở đầu bằng những nhận định như sau:

-----“Với những hậu qủa thật đáng tiếc thương, thời đại chúng ta, khi loại bỏ tất cả những gì là gò bó trong việc tìm kiếm căn nguyên tối hậu của các sự vật, thường theo đuổi những cái mới mẻ nhiệt liệt đến nỗi đã phủ nhận gia sản của giòng dõi loài người. Bởi vậy, nó đã rơi vào những sai lầm trầm trọng, những sai lầm càng nghiêm trọng hơn nữa khi chúng liên quan đến linh quyền, đến việc cắt nghĩa Thánh Kinh, và đến các mầu nhiệm Đức Tin chính yếu. Sự việc hết sức đáng tiếc là có nhiều cây viết Công Giáo cũng đi ra ngoài giới hạn được ấn định bởi các vị Giáo Phụ và chính Giáo Hội. Lấy lẽ là để hiểu biết hơn và sưu tầm lịch sử (như họ nói), họ tìm kiếm việc tiến bộ nơi các tín điều mà, thực tế, không gì khác hơn là việc hủy hoại các tín điều”.
-----Ngày 19/3/1937, Đức Piô XI đã ban hành Thông Điệp Divini Redemptoris về những sai trái và tai hại của chủ nghĩa cộng sản vô thần. Ngài đã vạch trần bộ mặt của cộng sản như sau:

-----“Theo giáo điều này (cộng sản), thế gian chỉ có một thực tại, đó là vật chất, là những năng lực mù quáng chi phối cả thực vật, động vật lẫn con người. Ngay cả xã hội loài người cũng chẳng là gì khác ngoài hiện tượng hình thành của vật chất, được xoay vần cùng một kiểu cách. Bởi định luật xoay vần khẩn thiết và qua sự tương phản liên lỉ giữa các năng lực, vật chất tiến đến một tổng hợp chung kết là một xã hội vô giai cấp. Với một giáo điều như vậy, rõ ràng là ý tưởng về Thiên Chúa không còn nữa; không còn khác biệt giữa vật chất và tinh thần, giữa linh hồn và thân xác; không còn cả sự sống đời sau của linh hồn sau khi chết và không còn hy vọng gì ở cuộc sống mai hậu. Chủ trương một triết thuyết thiên về duy vật như thế, những người cộng sản cho rằng những tương phản xẩy ra trên thế gian để tiến đến một tổng hợp chung kết của nó là do con người phát tiến. Do đó, họ nỗ lực làm sao để làm cho những cuộc chống chọi giữa các tầng lớp trong xã hội gay n hơn. Vậy, sự tranh đấu giữa các tầng lớp mà hậu quả của nó là sự hủy hoại và thù ghét bạo tàn được coi như một chiến dịch trong việc phát triển nhân loại. Đàng khác, tất cả các lực lượng khác bất kể, chừng nào còn phản kháng lại tổ chức tranh đấu này đều phải bị hủy diệt như kẻ thù của nhân loại”. Ngài đã tóm tắt “nạn cộng sản” như sau: “Cộng sản, hơn thế nữa, còn bóc lột tự do của con người, cướp đoạt tất cả nhân vị của con người, và loại trừ mọi ràng buộc luân lý cần có trong việc kiềm chế các lũng đoạn của dục vọng mù quáng”.
-----Ngày 12/8/1950, Đức Piô XII đã ban hành Thông Điệp Humani Generis về một số ý nghĩ sai lầm đe dọa tín lý Công Giáo. Ở đoạn 8 của sứ điệp truyền thanh – Discorsi e Radiomessaggi gửi Hội Nghị Giáo Lý Toàn Quốc Hoa Kỳ ở Boston ngày 26/10/1946, ngài đã tuyên bố một câu phát biểu thời danh, đó là cảm nhận của một vị chủ chăn về tâm trạng con người hiện đại: “tội lỗi của thế kỷ này là tình trạng bị mất đi cảm thuưc tội lỗi”.
-----Ngày 25/7/1968, Đức Phaolô VI đã ban hành Thông Điệp Humanae Vitae về sự sống con người qua việc truyền sinh và phương pháp ngừa thai tự nhiên, một thông điệp đã bị dữ dội và lịch liệt chống đối bởi chính nội bộ của Giáo Hội, đến nỗi, trong buổi triều kiến chung ngày 15/11/1972, ngài đã phải thốt lên cảm nhận của mình rằng: “Tôi cảm thấy có một luồng khói Satan đã đột nhập vào Đền Thờ Thiên Chúa qua một kẽ nứt hở nào đó”..
-----Ngày 6/8/1993, Đức Gioan Phaolô II (1978-2005) đã ban hành Thông Điệp Rạng Ngời Chân Lý – Veritatis Splendor “để làm sáng tỏ một số khía cạnh tín lý quan trọng đang thực sự bị khủng hoảng … một số vấn đề nồng cốt về giáo huấn luân lý của Giáo Hội” (đoạn 5). Ngày 25/3/1995, ngài còn ban hành Thông Điệp Phúc Aâm Sự Sống – Evangelium Vitae “để tái xác định một cách chính xác và cương quyết giá trị của sự sống con người và tính cách bất khả xâm phạm của nó” (đoạn 5). Ngày 14/9/1998, ngài lại ban hành bức Thông Điệp Đức Tin và Lý Trí – Fides et Ratio “nhấn mạnh đến đề tài về chính chân lý cũng như về nền tảng của nó liên quan tới đức tin” (đoạn 6).
-----Ngày 30/11/2007, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã ban hành bức thông điệp thứ hai của ngài liên quan tới niềm hy vọng Kitô Giáo. Bức Thông Điệp về niềm hy vọng này phải chăng vừa như là một lời cảnh báo vừa như là một phương dược để cứu chữa chứng bệnh buồn chán của thời đại cực kỳ văn minh ngày nay.
-----Sáng Thứ Sáu, 14/11/2003, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tiếp các tham dự viên Hội Nghị Quốc Tế Lần Thứ 18, chủ đề về Tâm Trạng Buồn Chán, do Hội Đồng Tòa Thánh Về Tác Vụ Chăm Sóc Sức Khỏe tổ chức tại Vatican, từ ngày 12-15/2003. Trong bài huấn từ của mình, ĐTC đã nhận định và khuyến dụ như sau:
-----“Tình trạng lan tràn tâm trạng buồn chán đã trở thành một hiện tượng đáng lo ngại. Tính cách mỏng dòn của con người về tâm lý và tinh thần đã bộc lộ qua bệnh tật là những gì một phần nào đó đã bị gây ra bởi xã hội. Vấn đề quan trọng là cần phải nhận thức được những ảnh hưởng phát xuất từ những phổ biến của truyền thông trước quần chúng, những gì phát động cổ võ khuynh hướng hưởng thụ, khuynh hướng tìm thỏa mãn cấp thời cho hết mọi ước muốn của con người, khuynh hướng liên tục tìm kiếm những phúc lợi vật chất hơn nữa. Cần phải đưa ra những đường lối mới để hết mọi người có thể cải tiến tư cách của mình, bằng việc vun trồng đời sống thiêng liêng là nền tảng cho việc hiện hữu trưởng thành”.
-----Đó là lý do, vị Giáo Hoàng đã thực hiện 104 chuyến tông du để mang “gaudium et spes – vui mừng và hy vọng” cho thế giới tân tiến ngày nay là Đức Gioan Phaolô II, trong chuyến Tông Du cuối cùng của mình, chuyến 104, chuyến tông du đến Lộ Đức ngày 15/8/2004 để mừng 150 năm Tín Điều Vô Nhiễm, ngài đã ban Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật ở Prairie de la Ribère, nội dung có thể nói đã tóm gọn trọn vẹn sứ điệp của Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức cùng ý nghĩa của Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức, như sau:
“Từ tảng đá ở động Massabielle, Vị Trinh Nữ này đã hiện ra với Bernadette. Tỏ mình ra như Đấng đầy ơn phúc của Thiên Chúa, Mẹ đã kêu gọi thống hối và nguyện cầu. Mẹ đã chỉ cho Bernadette một mạch nước, và xin em uống mạch nước này. Mạch nước mới mẻ ấy đã trở thành một trong những biểu hiệu của Lộ Đức: một biểu hiệu của sự sống mới được Chúa Kitô ban cho tất cả những ai hướng về Người. Kitô Giáo thực sự là một suối nước sự sống, và Mẹ Maria là bảo quản viên đầu tiên của suối nước này. Mẹ chỉ nó cho tất cả mọi người thấy, bằng cách kêu mời họ từ bỏ cái kiêu hãnh của mình mà học sống khiêm hạ, nhờ đó họ mới có thể kín múc được tình thương của Con Mẹ và từ đó mới cùng nhau hoạt động cho bừng lên một nền văn minh yêu thương”./.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL